Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bắc Kinh thử thách quyết tâm của khu vực trong vấn đề Biển Đông

VOA, 05/10/2024

Trong khi Mỹ và các quốc gia khác có cùng chí hướng tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông thì các tàu của Trung Quốc đã hung hăng khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trên tuyến đường thủy đang tranh chấp gay gắt này, thử thách quyết tâm của Philippines, Malaysia và Việt Nam.

biendong1

Tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines cho Bãi Cỏ Mây ngày 5/3/2024.

Tuần trước, hôm 26 tháng 9, Trung Quốc đã sử dụng hai tàu phi đạn và một tia laser cường độ cao để phá vỡ nỗ lực của Philippines khi Manila muốn cung cấp hàng tiếp tế cho ngư dân địa phương gần Bãi Trăng Khuyết, một đảo san hô nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila.

Hôm 29/9, tin cho hay lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã tấn công ngư dân Việt Nam bằng ống sắt, tịch thu thiết bị đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa.

Một phúc trình mới của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á có trụ sở tại Washington công bố hôm 1/10 đã nêu bật cách các tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động "suốt ngày đêm" trong năm nay tại vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền khi quốc gia giàu tài nguyên này đang cố gắng mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Vào ngày 3/10, tờ Washington Post cũng đưa tin rằng các tàu Trung Quốc đã phá hoại việc sửa chữa và xây dựng các tuyến cáp ngầm chạy dưới Biển Đông.

Trung Quốc củng cố

Các nhà phân tích cho biết những hành động này cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng thử thách quyết tâm của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của họ vào thời điểm Hoa Kỳ đang tập trung vào cuộc xung đột ở Trung Đông.

Ông Collin Koh, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có trụ sở tại Singapore, nói : "Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Trung Đông đã khuyến khích Trung Quốc và tạo điều kiện cho họ thử thách người Mỹ hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Ông nói thêm rằng Bắc Kinh đang sử dụng các hành động vật lý và đấu tranh pháp lý để cố gắng thay đổi hoàn toàn tình hình ở Biển Đông.

Philippines đã mô tả hành vi quấy rối tàu thuyền của Bắc Kinh là "vô trách nhiệm, nguy hiểm và khiêu khích", trong khi Hà Nội cho biết vụ tấn công vào ngư dân Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của mình và luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu của VOA liên quan đến hành vi quấy rối tàu thuyền của Philippines.

Bình luận về vụ tấn công ngư dân, Bắc Kinh tuyên bố lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Quần đảo này cách Trung Quốc và Việt Nam một khoảng cách bằng nhau, nhưng Bắc Kinh đã duy trì quyền kiểm soát trên thực tế đối với các đảo này kể từ khi chiếm giữ chúng vào năm 1974 sau một cuộc đụng độ với lực lượng Việt Nam Cộng hòa.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cải tạo đất đai và thiết lập các cơ sở quân sự tại quần đảo Hoàng Sa, bao gồm một đường băng và bến cảng nhân tạo.

Mặt trận mới

Ông Koh nói với VOA rằng vụ việc gần Bãi Trăng Khuyết, xảy ra sau khi tàu tuần duyên Trung Quốc và Philippines va chạm hai lần gần bãi cạn Sa Bin kể từ tháng 8, cho thấy Bắc Kinh có thể đang "mở một mặt trận mới" chống lại Manila.

"Philippines muốn áp dụng thỏa thuận tạm thời mà họ đã đạt được với Trung Quốc về Bãi Cỏ Mây vào tháng 7 đối với các rạn san hô đang tranh chấp khác ở Biển Đông, nhưng tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn mở rộng thỏa thuận trên khắp khu vực", ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Trong khi Hoa Kỳ và các nước khác, bao gồm Úc, Nhật Bản và New Zealand, đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung hơn ở Biển Đông để chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng điều đó dường như không có tác dụng gì nhiều trong việc ngăn chặn khả năng của Bắc Kinh thách thức các nước láng giềng trong khu vực.

Ông Stephen Nagy, một chuyên gia an ninh khu vực tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Nhật Bản, đã nói với VOA qua điện thoại rằng "Cần phải có nhiều hợp tác song phương cụ thể hơn giữa các nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines, bao gồm các cuộc tập trận chung, mở rộng các hoạt động nhận thức về phạm vi hàng hải hoặc các cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn".

Vào tháng 1, Việt Nam và Philippines đã ký một thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát Biển đôi bên để ngăn ngừa các sự cố ở Biển Đông. Sau đó, vào tháng 8, Manila và Hà Nội đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên của lực lượng Cảnh sát Biển, tập trung vào chữa cháy, cứu hộ và ứng phó y tế tại Vịnh Manila.

Ngoài hợp tác song phương giữa Philippines và Việt Nam, một số nhà quan sát khu vực cho rằng tất cả các nước Đông Nam Á có yêu sách lãnh thổ cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông nên xem xét khả năng thành lập một liên minh khu vực.

Một cơ chế như vậy "có khả năng phát triển thành một liên minh bảo vệ bờ biển được thiết kế riêng để giải quyết các hành động của Trung Quốc trong khu vực, và một liên minh như vậy sẽ tạo ra sự răn đe mạnh mẽ hơn và có thể bảo vệ hiệu quả hơn lợi ích của các quốc gia này ở Biển Đông", Đặng Duẩn, một nhà phân tích an ninh hàng hải tại Việt Nam, trả lời VOA trong một phản hồi bằng văn bản.

Tuy nhiên, ông cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á "có vẻ quá yếu và chia rẽ" về các vấn đề liên quan đến Biển Đông để có thể đưa ra một mặt trận thống nhất.

Trong lúc Hoa Kỳ và Nhật Bản đều chuẩn bị cho các cuộc bầu cử lớn trong những tuần tới, ông Nagy cho rằng Trung Quốc cũng đang cố gắng sử dụng "cơ hội" này để cố gắng "thu thập một số lợi ích chiến lược" ở Biển Đông

Nguồn : VOA, 05/10/2024

***************************

Mỹ, EU, Philippines quan ngại về hành động của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam

VOA, 05/10/2024

Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Philippines vừa đưa ra những tuyên bố lên án vụ tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến 10 người bị thương, giữa lúc Washington và các đồng minh cam kết tăng cường an ninh hàng hải ở khu vực.

biendong2

Ảnh một tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.

"Mỹ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về hành động nguy hiểm của các tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9", ông Mathew Miller, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm 3/10 trên trang X.

"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây bất ổn ở Biển Đông", ông Miller bày tỏ.

Cũng hôm 3/10, phái đoàn Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Việt Nam bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các báo cáo đề cập tới một vụ việc "nghiêm trọng" ở quần đảo Hoàng Sa liên quan đến một tàu cá Việt Nam và một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc vào ngày 29/9.

EU nói rằng cần phải duy trì và tôn trọng mọi lúc moi nơi Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và các chuẩn mực quốc tế khác liên quan đến sự an toàn cho tính mạng con người trên biển. "Điều này đặc biệt bao gồm việc cấm sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép", EU nhấn mạnh.

"EU lên án mọi hành động phi pháp, leo thang và cưỡng ép làm suy yếu các nguyên tắc kể trên của luật pháp quốc tế cũng như đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực", phái đoàn EU nêu rõ và "kêu gọi giảm căng thẳng" đồng thời nói rằng EU "luôn cam kết hỗ trợ các đối tác của mình tìm cách thực hiện các quyền hợp pháp của họ, trong khu vực và xa hơn nữa".

Philippines, quốc gia trong vài năm qua liên tục có mối quan hệ đầy căng thẳng với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, hôm 4/10 cũng tỏ rõ quan điểm đứng về phía Hà Nội.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực và bất hợp pháp của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9/2024", Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo M. Ano cho biết trong tuyên bố ngày 4/10, nói thêm rằng việc 10 ngư dân bị thương và tài sản bị hư hỏng là "hành động đáng báo động, không có chỗ đứng trong quan hệ quốc tế".

Ông Ano đưa ra nhận định rằng việc sử dụng vũ lực như vậy đối với ngư dân dân sự là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS, vi phạm các phép lịch sự cơ bản của con người.

"Chúng tôi sát cánh cùng Việt Nam trong việc tố cáo hành động nghiêm trọng này và kêu gọi về trách nhiệm giải trình. Trung Quốc phải tuân thủ luật hàng hải quốc tế và chấm dứt mọi hoạt động thù địch gây nguy hiểm đến tính mạng và sinh kế của các thủy thủ dân sự", Bộ trưởng Año nói thêm.

Cũng hôm 4/10, Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra quan điểm tương tự, nói rằng "Philippines liên tục lên án việc sử dụng vũ lực, gây hấn và đe dọa ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc các bên thực sự cần phải tự kiềm chế", theo trang Inquirer.

Các nhà ngoại giao các nước phương Tây tại Hà Nội gồm Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski và Đại sứ Anh Iain Frew cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự trên trang X.

VOA đã liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Washington, Manila và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đề nghị họ đưa ra bình luận đề các phát biểu trên, nhưng chưa được phản hồi.

biendong3

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (MOFA via Bao Quoc te)

Trước đó, hôm 2/10, chính quyền Việt Nam "mạnh mẽ phản đối" việc lực lượng chấp pháp Trung Quốc đánh bị thương ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền nhưng đã bị Bắc Kinh chiếm đóng và quản lý hơn 50 năm qua.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng lực lượng Trung Quốc "trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản" của ngư dân Việt Nam trên tàu cá QNg 95739 TS thuộc tỉnh Quảng Ngãi trong khi con tàu này đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9.

"Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam", bà Hằng nói, cho biết thêm rằng cơ quan hữu quan của Việt Nam đã "giao thiệp nghiêm khắc" với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, yêu cầu Bắc Kinh không tái diễn các hành động tương tự.

Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận việc lực lượng của họ đã "tiếp cận mạnh tay" để ngăn chặn tàu thuyền Việt Nam hoạt động trong vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa phản hồi tuyên bố của Hà Nội. Trước đó, hôm 1/10, hãng tin Reuters loan tin rằng phía Trung Quốc cho biết cơ quan chức năng của họ "đã ngăn chặn các tàu đánh cá Việt Nam đang đánh bắt trái phép". Bắc Kinh nói : "Các hoạt động tại chỗ rất chuyên nghiệp và hạn chế và không có việc xảy ra thương tích".

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, khoảng 40 nhân viên Trung Quốc đã đánh các ngư dân nói trên bằng gậy sắt, khiến ít nhất 4 người bị thương nặng và phải nhập viện sau khi họ về đến đất liền hôm 30/9. Lực lượng Trung Quốc cũng được cho là đã đập phá thiết bị đánh bắt cá và lấy đi số cá đánh bắt được của nhóm ngư dân.

Ý kiến của giới quan sát

Giới quan sát nhận định rằng cộng đồng quốc tế cần lên án hành động "tàn ác" của lực lượng chấp pháp Trung Quốc, gọi đó là hành động tấn công vô cớ, đập cướp phi pháp, đồng thời kêu gọi cần có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những hành động như vậy.

"Bộ Ngoại giao Mỹ, EU, Philippines cùng lên tiếng. Vấn đề [tranh chấp] Biển Đông, xảy ra từ lâu lắm rồi, nhưng nay các nước cùng lên tiếng để hỗ trợ Việt Nam. Nhờ sự can thiệp hay lên tiếng của Hoa Kỳ, EU, thì Trung Quốc có thể sẽ bớt đi sự hung hăng hay bắt nạt", ông Nguyễn Sơn Hà, một người Việt sinh sống tại Pháp, nêu ý kiến với VOA.

Tuy nhiên, từ Brussels, Bỉ, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, một người theo dõi các quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Châu Âu, nêu nhận định qua tin nhắn với VOA hôm 4/10 rằng các phát biểu trên, cụ thể là của EU, phần lớn, "mang tính ngoại giao", và "không có trọng lượng gì đáng kể" so với "tính hung hăng", "chiến lược diều hâu" đang trên đà thắng thế của Trung Quốc sau thời gian dài giằng co, bắt nạt Philippines.

"Việc Philippines ủng hộ Việt Nam là điều hết sức tự nhiên, cả hai quốc gia đều bị Trung Quốc chèn ép trên Biển Đông", ông Hải nhận xét, nói thêm rằng Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Tổng thống Philippines đã từng có hội đàm về Biển đông và cả Hà Nội lẫn Manila cũng đã có "những chỉ dấu là đồng minh của nhau trong việc ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông".

Ngoài Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hoa Kỳ không có yêu sách gì ở vùng biển tranh chấp, nhưng đã triển khai tàu hải quân và máy bay chiến đấu của không quân để tuần tra vùng biển này và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không.

Philippines và các đồng minh khác của Hoa Kỳ trong khối EU cũng cam kết thực hiện một chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông thoáng, rộng mở do Washington dẫn đầu.

Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ là chớ can thiệp vào những gì nước này cho là tranh chấp thuần túy ở Châu Á.

Nguồn : VOA, 05/10/2024

******************************

Philippines lên án Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa

Trọng Thành, RFI, 05/10/2024

Hôm 04/10/2024, cố vấn An ninh Quốc gia Philippines, Eduardo Ano, tuyên bố Manila đứng về phía Việt Nam trong việc lên án "hành động nghiêm trọng" của Trung Quốc hôm Chủ Nhật 29/09/2024, với "cuộc tấn công không thể biện minh" nhắm vào ngư dân Việt Nam tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

biendong4

"Thành phố Tam Sa" mà Trung Quốc dựng lên tại quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam. Ảnh chụp ngày 27/07/2012. STR / AFP

Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines nhấn mạnh "việc sử dụng vũ lực như vậy đối với dân thường là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, và vi phạm phẩm giá cơ bản của con người". Cũng trong ngày hôm qua, bộ Ngoại Giao Philippines thông báo đã nhận được thông tin về "sự cố nghiêm trọng" giữa ngư dân Việt Nam và tàu công vụ Trung Quốc và "nhấn mạnh đến việc các bên phải thực sự kiềm chế".

Về phản ứng nói trên của chính quyền Philippines, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc hôm nay, 05/10/2024, có bài tố cáo Manila "quốc tế hóa" một "xung đột xảy ra khá thường xuyên giữa ngư dân Việt Nam và lực lượng chấp pháp Trung Quốc", có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Tuyên bố lên án Trung Quốc của Manila được đưa ra hai ngày sau khi bộ Ngoại Giao Việt Nam chính thức lên án Bắc Kinh về vụ tấn công "gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam", "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển".

Theo báo chí Việt Nam, khoảng 40 nhân viên công vụ Trung Quốc đã xông lên tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi), đánh đập các thủy thủ trên tàu bằng gậy sắt, khiến 4 người bị thương nặng, đập phá và tước đi toàn bộ hải sản đã đánh bắt và trang thiết bị trên tàu.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author VOA tiếng Việt, Trọng Thành
Published in Châu Á

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án mạnh mẽ hành vi truy đuổi và tấn công ngư dân Quảng Ngãi của lực lượng Trung Quốc, gọi đây là "hành xử thô bạo". Theo thông báo, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, chính thức phản đối những hành vi này.

thobao1

Một cuộc biểu tình ở Hà Nội phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, tháng Bảy 2011.

Thái độ cứng rắn trên phản ánh rõ sự bất bình của Việt Nam trước những hành động của Trung Quốc liên tiếp vi phạm chủ quyền và quyền lợi của ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa (1). Dự án Đại Sự Ký Biển Đông nói với BBC Tiếng Việt, căn cứ những gì Dự án này tổng hợp được, đã có ít nhất hai vụ tấn công tàu cá Việt Nam xảy ra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa trong ngày 29/9. Vụ thứ nhất xảy ra tại khu vực Đá Chim Én là vụ tàu của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên vào khoảng 9, 10 giờ sáng, làm bốn ngư dân bị thương, trong đó có người bị đánh gãy tay. Tàu cá bị cướp hết máy móc, ngư cụ và vài tấn cá, thiệt hại sơ bộ khoảng 500 — 600 triệu đồng. Vụ thứ hai là đối với tàu Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90659 TS do ông Võ Thành Tân làm chủ tàu. Vụ việc xảy ra vào lúc 15 giờ, cách Đá Chim Én hơn 22 hải lý (2). "Các tàu chấp pháp của Trung Quốc trên thực tế đã biến thành một lực lượng bán quân sự, được phép sử dụng mọi phương tiện sẵn có để buộc các nước láng giềng phải phục tùng", nhà nghiên cứu Raymond Powell, người sáng lập và giám đốc của SeaLight, Dự án về minh bạch hàng hải, nhận xét với với VOA qua tin nhắn ngày 2/10 (3).

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn tìm cách duy trì ảnh hưởng đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội ngày càng mở rộng quan hệ với các nước phương Tây và Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến lược "cái gậy và củ cà rốt", nhằm kiềm chế Việt Nam. Thời gian gần đây, Tổng bí thư – Chủ tịch nước (Tổng bí thưT — CTN) Tô Lâm tới thăm các nước Mỹ, Pháp, Ireland… và tham gia các diễn đàn quốc tế càng khiến Bắc Kinh tăng cường các động thái quân sự và ngoại giao để tạo sức ép đối với Việt Nam. Theo Reuters, từ ngày 30/9 đến 1/10, Trung Quốc đã triển khai các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu tại Biển Đông, thể hiện rõ ràng sự phản ứng của họ trước những nỗ lực ngoại giao "hướng Tây" của Việt Nam (4). Trong khi đó, Trung Quốc vẫn khẳng định tàu cá Việt Nam "đã vi phạm vùng biển Hoàng Sa", nhằm giảm nhẹ tầm quan trọng của vụ tấn công này trong mắt công luận quốc tế (5).

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang, câu hỏi "Trung Quốc sẽ làm gì tiếp ?" không chỉ đơn giản là một lời cảnh báo mà còn là một dự đoán có cơ sở về những hành động tiếp theo của Bắc Kinh. Các hành vi hung hăng của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam không phải là những sự cố riêng lẻ, mà là một phần trong chiến thuật "vùng xám" mà Bắc Kinh áp dụng ở Biển Đông (6). Tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục kết hợp các biện pháp quân sự và ngoại giao để gia tăng áp lực lên Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm khi Hà Nội đang có những thay đổi trong ban lãnh đạo cấp cao. Bắc Kinh có thể lợi dụng thời điểm này để làm chậm lại hoặc thậm chí ngăn chặn nỗ lực của Việt Nam trong việc thắt chặt quan hệ với phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trung Quốc có khả năng sử dụng sức mạnh kinh tế và các đòn bẩy ngoại giao nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó buộc Hà Nội phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại để tránh rơi vào tình thế bất lợi. Câu hỏi quan trọng đặt ra là Trung Quốc sẽ điều chỉnh chiến lược "vừa đánh vừa đàm" ra sao trong tương lai gần ?

Dù hai bên Việt Nam và Trung Quốc từng có những thỏa thuận mang tính nhượng bộ như Hà Nội chia sẻ "tương lai chung" với Bắc Kinh và tuyên bố ủng hộ các sáng kiến về "an ninh – phát triển – văn minh toàn cầu" của Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn không từ bỏ những động thái nhằm gây sức ép cả về ngoại giao lẫn quân sự với Hà Nội. Đặc biệt, giới phân tích chú ý đến thời điểm nhạy cảm khi Tổng bí thưT — CTN Tô Lâm chuẩn bị gặp gỡ Tổng bí thưT — CTN Tập Cận Bình. Ngày 19/8/2024, Trung Quốc cho tàu cố tình va chạm vào tàu Philippines gần bãi cạn Sabina Shoal thuộc quần đảo Trường Sa (7). Nhiều chuyên gia nhận định, đây không chỉ là hành động nhắm đến Philippines, mà còn là cách Trung Quốc gửi thông điệp cảnh cáo gián tiếp đến Việt Nam : Việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ hay phương Tây sẽ không làm thay đổi chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đối với Hà Nội. Sự kiện này xảy ra ngay trước khi ông Tập và ông Tô Lâm cùng duyệt đội quân danh dự tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh (19/8), cho thấy Trung Quốc luôn biết cách sử dụng thời điểm nhạy cảm để gia tăng áp lực đối với Việt Nam (8).

Dựa vào các động thái gần đây của Bắc Kinh, có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì một chiến lược kết hợp giữa sức mạnh cứng và mềm nhằm đạt được các mục tiêu của mình trong khu vực Biển Đông. Về mặt quân sự, việc Bắc Kinh tiến hành các cuộc tuần tra và tập trận gần khu vực tranh chấp với các nước láng giềng sẽ tiếp tục được tăng cường, tạo ra áp lực liên tục lên các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc có khả năng sẽ tìm cách chia rẽ ASEAN, khai thác các mối quan hệ không đồng đều giữa các thành viên của khối này để làm suy yếu lập trường chung của ASEAN đối với các vấn đề tranh chấp trên biển. Đồng thời, Bắc Kinh cũng có thể gia tăng sức ép kinh tế, thông qua các biện pháp như hạn chế xuất nhập khẩu hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính, nhằm gây khó khăn cho Việt Nam trong việc duy trì các quan hệ đối tác chiến lược với phương Tây. Tuy nhiên, với sự chủ động và kiên định của Việt Nam trong việc củng cố các mối quan hệ với Hoa Kỳ và Châu Âu, Trung Quốc có thể sẽ phải điều chỉnh chiến lược của mình, tạo ra sự cân bằng giữa việc gây sức ép và duy trì mối quan hệ hợp tác cần thiết với Việt Nam.

Nhân dịp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam – Trung Quốc ở Bắc Kinh, ngày 30/9, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc đã kêu gọi Việt Nam hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo máy bay. Trước bối cảnh Trung Quốc mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế và công nghệ với Việt Nam, Hà Nội sẽ phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Chính quyền Washington, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc và mối quan hệ căng thẳng ngày càng gia tăng về công nghệ, sẽ theo dõi chặt chẽ các bước đi của Việt Nam. Bất kỳ sự hợp tác quá gần gũi nào với Bắc Kinh trong các lĩnh vực công nghệ cao, chẳng hạn như vũ trụ và hàng không, có thể gây ra những hệ quả đối với quan hệ Việt – Mỹ (9). Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cần duy trì một chiến lược "ngoại giao cân bằng bền", tiếp tục thu hút đầu tư và hỗ trợ từ phương Tây, đồng thời không để mối quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng quá mức. Khả năng quản lý mối quan hệ này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến an ninh và chủ quyền tại Biển Đông. Tương lai gần sẽ chứng kiến những quyết định quan trọng của Hà Nội trong việc điều hướng mối quan hệ song phương phức tạp này.

Hoàng Trường

Nguồn : VOA, 04/10/2024

Tham khảo :

(1) https://vnexpress.net/kien-quyet-phan-doi-luc-luong-trung-quoc-hanh-xu-tho-bao-voi-ngu-dan-viet-nam-4799556.html

(2) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cdxr44z71lgo

(3) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-phan-doi-hai-canh-trung-quoc-tan-cong-lam-ngu-dan-bi-thuong/7808295.html

(4) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/chinese-military-conducts-patrols-parts-south-china-sea-state-media-2024-10-01/

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-denies-injuring-illegal-vietnamese-fishing-crew-10022024090151.html

(6) https://vnexpress.net/hoat-dong-vung-xam-nguy-co-phu-bong-len-hop-tac-o-bien-dong-4668976.html

(7) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjdkj140em4o

(8) https://www.voatiengviet.com/a/tam-bao-quat-cua-cac-thoa-thuan-viet-trung/7751679.html

(9) https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-trung-quoc-keu-goi-viet-nam-hop-tac-che-tao-may-bay/7805642.html

Additional Info

  • Author Hoàng Trường
Published in Quan điểm

Biển Đông : Số tàu Trung Quốc tại các vùng tranh chấp với Philippines cao nhất từ đầu năm

Trọng Thành, RFI, 25/09/2024

Theo Hải quân Philippines, số lượng tàu Trung Quốc tập trung tại Biển Tây Philippines, tức khu vực mà Philippines đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, trong tuần vừa qua, 17 đến 23/09/2024, tăng lên thành 251, "cao nhất từ đầu năm đến nay".

biendong1

Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc đi ngang qua tàu của cảnh sát biển Philippines BRP Cape Engaño (T), trên biển Đông, ngày 26/08/2024. AFP - JAM STA ROSA

Trang mạng Hồng Kông South China Morning Post hôm nay, 25/09, dẫn lại thông báo của chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, phát ngôn viên của Hải quân Philippines, theo đó đã có 28 tàu hải cảnh, 16 tàu chiến của Hải quân, 204 tàu dân quân biển Trung Quốc và ba tàu nghiên cứu và khảo sát. Số lượng tàu nói trên cao hơn hẳn so với 157 tàu trong tuần trước đó, từ ngày 10 đến ngày 16/09.

Phát ngôn viên Hải quân Philippines cho biết, số lượng tàu Trung Quốc phát hiện được gần khu vực bãi cạn Sa Bin là ở mức cao nhất, kể từ khi tàu tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua rời đi vào giữa tháng 9/2024.

Bãi cạn Sa Bin, cách đảo lớn Palawan khoảng 146 km về phía tây, là điểm trung chuyển tiếp tế của Philippines cho bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), cách đó khoảng 65 km.

Chuẩn đô đốc Trinidad, phát ngôn viên của Hải quân Philippines, tỏ ra không ngạc nhiên trước sự gia tăng về số lượng tàu thuyền Trung Quốc tại đây. Theo ông, số lượng tàu này nằm trong khả năng triển khai của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.

Bắc Kinh tố cáo tàu Philippines ngăn cản tàu khảo sát Trung Quốc

Tân Hoa Xã Trung Quốc hôm nay, 25/09, tố cáo nhiều tàu của Hải quân và của tuần duyên Phillippines áp sát một tàu khảo sát của Trung Quốc ở Biển Đông sáng hôm qua, nhưng không nói rõ là tại địa điểm cụ thể nào. Theo các nhân viên tàu Hải Dương Địa Chất 12 (Ocean Geology 12) của Trung Quốc, một pháo hạm Philippines đã di chuyển ngoằn ngoèo xung quanh tàu.

Trước đó, vào ban đêm, một tàu Philippines mang số hiệu 298 đã cố tình che tên trên mũi tàu, tắt đèn và hệ thống nhận dạng tự động, vượt qua trước mũi tàu nghiên cứu của Trung Quốc cách đó khoảng 300 mét với tốc độ cao và không trả lời liên lạc vô tuyến từ tàu Trung Quốc.

Trọng Thành

***************************

Philippines tố trực thăng hải quân Trung Quốc bám đuôi máy bay trong khi tuần tra

Reuters, VOA, 25/09/2024

Philippines hôm thứ Tư (25/9) nói máy bay của cục nghề cá của họ đã bị một trực thăng hải quân Trung Quốc bay sát và tiếp cận khi đang tuần tra gần Bãi cạn Scarborough có tranh chấp, trong một cuộc đối đầu khác giữa hai quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ gay gắt.

biendong2

Ảnh chụp từ video của Tuần duyên Philippines (PCG) quay vào ngày 19/8/2024 cho thấy một chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc bắn pháo sáng gần một máy bay của Cục Thủy sản và Tài nguyên nước Philippines (BFAR) đang bay giám sát gần Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC) cho biết vụ việc xảy ra vào thứ Hai (23/9) và máy bay của họ vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Đây là vụ việc mới nhất trong loạt vụ đụng độ trên không và trên biển giữa hai nước đang đối đầu về các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm Bãi cạn Scarborough, một trong những thực thể bị tranh giành quyết liệt nhất ở Châu Á, nơi đã bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc chiếm đóng trong hơn một thập kỷ.

NSC nói trong một tuyên bố rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm các quy định về an toàn hàng không.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về lời kể của phía Philippines.

Trong một diễn biến riêng biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm thứ Tư đã yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế, tức EEZ, của nước này và cáo buộc Bắc Kinh cố gắng can thiệp vào các hoạt động quốc phòng của mình, bao gồm cả việc Manila sử dụng bệ phóng tên lửa tầm trung của Mỹ để huấn luyện.

Tuần trước, Reuters đưa tin Mỹ không có kế hoạch ngay lập tức rút hệ thống tên lửa Typhon, vốn có thể được trang bị tên lửa hành trình có khả năng tấn công các mục tiêu của Trung Quốc.

Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc triển khai hệ thống Typhon tại Philippines, cáo buộc Washington đang thúc đẩy chạy đua vũ trang.

"Việc triển khai này là động thái quay ngược bánh xe lịch sử. Nó đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của các nước trong khu vực, kích động xung đột địa chính trị và đã khơi dậy sự lo ngại và cảnh giác cao độ của các nước trong khu vực", Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói hôm thứ Tư, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi rút hệ thống này đi.

Trung Quốc có tên lửa tầm trung tiên tiến riêng, là một phần của kho vũ khí tên lửa đạn đạo quy ước rộng lớn của họ.

Hôm thứ Tư, Trung Quốc cho biết họ đã thực hiện thành công một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiếm hoi vào Thái Bình Dương, động thái có khả năng làm dấy lên mối quan ngại của quốc tế về việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Tổng tư lệnh quân đội Philippines Romeo Brawner hôm thứ Tư nói nếu được theo ý mình, thì "Tôi muốn có hệ thống tên lửa Typhon ở Philippines mãi mãi".

Reuters

Nguồn : VOA, 25/09/2024

***************************

Philippines nhận hai tàu tuần tra của Israel, Trung Quốc cử tư lệnh Biển Đông tới Mỹ

BBC, 25/09/2024

Hải quân Philippines hôm 23/9 thông báo đã nhận chuyển giao hai tàu tuần tra lớp Acero do Israel đóng, loại tàu được thiết kế để gắn tên lửa.

biendong3

Tàu FAIC do Israel chuyển giao cho Philippines

Hai tàu này đã được chuyển giao tại Bến tàu 15 của Cảng Nam Manila hôm 17/9, là những tàu ngăn chặn, tấn công nhanh (FAIC) thứ bảy và thứ tám được cung cấp cho Philippines, một thông cáo báo chí trích lời người phát ngôn của Hải quân Philippines Giovanni Badidles cho biết.

Cho đến nay, đã có 6 chiếc FAIC được Philippines đưa vào hoạt động.

Chính phủ Philippines đã đặt mua 9 chiếc tàu FAIC từ Israel và chỉ còn một chiếc đang được đóng, theo báo Daily Inquirer.

"Tương tự như những tàu trước, hai con tàu mới được thiết kế cho các hoạt động tốc độ cao, có hệ thống tên lửa tiên tiến và công nghệ cao, giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Hải quân Phillipines trong việc tiến hành các hoạt động ngăn chặn trên biển nhanh chóng và hiệu quả",Thông tấn xã Philippines dẫn lời ông Badidles.

Người phát ngôn của Hải quân Phillipines cũng cho biết sự xuất hiện của những tàu này nhấn mạnh quá trình hiện đại hóa liên tục của lực lượng Hải quân Phillipines và là bước tiến quan trọng hướng tới việc củng cố chương trình Thế trận phòng thủ tự lực (SRDP) của Manila.

Tư lệnh Hải quân Philippines Toribio Adaci Jr. cho hay lực lượng của ông cần thêm hàng chục chiếc FAIC để bảo vệ tốt hơn các vùng duyên hải.

Ngoài ra, Không quân Philippines cần thêm ít nhất 36 máy bay chiến đấu đa nhiệm, gấp ba lần tổng số hiện có trong kho vũ khí của nước này, cũng theo bài viết hôm 24/9 của Daily Inquirer.

Tuần trước, Philippines tố cáo đã có một số lượng kỷ lục tàu Trung Quốc được phát hiện trong vùng biển của nước này trong vòng một tuần.

Cụ thể, Hải quân Philippines nói rằng từ 17/9 đến 23/9 có 251 tàu Trung Quốc xuất hiện, bao gồm 28 tàu tuần duyên, 16 tàu chiến của hải quân và 204 tàu dân quân biển.

Diễn biến này nối tiếp các căng thẳng đã xảy ra trong nhiều tháng qua .

Chỉ trong hai tuần cuối tháng 8/2024, đã có ít nhất ba lần tàu Trung Quốc va chạm với tàu Philippines  và cả hai bên đều cáo buộc bên kia cố tình đâm vào tàu mình.

Trung Quốc, Mỹ nối lại trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo quân đội cấp cao

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 23/9 xác nhận Tư lệnh Chiến khu miền Nam phụ trách Biển Đông là Ngô Á Nam đã dẫn đầu phái đoàn của Quân đội nước này đến Hawaii, Mỹ, tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ ngày 18-20/9.

Trong thời gian này, ông Ngô Á Nam đã có các cuộc gặp hoặc trao đổi tương tác song phương với đại diện của Thái Lan, Singapore, Philippines, Anh, Pháp, Mỹ và các nước khác.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô Á Nam đã có "cuộc trao đổi thẳng thắn" với Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ Samuel Paparo.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết ông Paparo đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh liên lạc liên tục giữa quân đội Mỹ và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) để giảm nguy cơ hiểu lầm hoặc tính toán sai".

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử Tư lệnh Chiến khu miền Nam tới Mỹ sau khi Bắc Kinh cắt đứt quan hệ quân sự  hơn hai năm trước.

Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ quân sự với Mỹ, bao gồm cả ở cấp chỉ huy quan trọng, để phản đối chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022 của bà Nancy Pelosi , Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ.

Trước khi sang Mỹ, ông Ngô Á Nam đã hội đàm trực tuyến với ông Samuel Paparo hôm 10/9, đánh dấu cuộc trao đổi lãnh đạo cấp chiến khu đầu tiên giữa hai bên sau hai năm.

Chu Ba, một đại tá cấp cao đã nghỉ hưu của PLA, hiện là thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế (CISS) của Đại học Thanh Hoa, nói trên tờ South China Morning Post rằng việc ông Ngô Á Nam sang Mỹ để tham dự một hội nghị đa phương là điều tự nhiên khi giờ đây quân đội hai nước đã nối lại quan hệ.

Ông Chu Ba nói rằng mặc dù ông Ngô Á Nam chưa có chuyến thăm song phương tới Mỹ, nhưng sự tham dự của ông tại hội nghị này "có ích cho cả hai bên trong việc tăng cường hiểu biết".

4444444444444444444444444

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2023 tại San Francisco, bang California (Mỹ)

Hai quân đội lớn nhất thế giới đã bắt đầu nối lại liên lạc sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí vào tháng 11/2023 tại San Francisco về việc khởi động lại liên lạc giữa PLA và Lầu Năm Góc, cùng với các thỏa thuận khác nhằm xoa dịu căng thẳng trong mối quan hệ.

Tiếp theo là chuyến thăm của quân đội Trung Quốc tới Lầu Năm Góc vào tháng 1/2024, khi Thiếu tướng Tống Nhan Siêu, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hợp tác Quốc tế về Quốc phòng thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc, gặp Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ Michael Chase.

Tháng 9/2024, ông Michael Chase đã dẫn đầu một phái đoàn Mỹ đến diễn đàn quốc phòng Hương Sơn ở Bắc Kinh.

Tại đây, Mỹ đã nêu lên những lo ngại trong các cuộc đàm phán về "sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và tác động của sự hỗ trợ đó đối với an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương", cũng như "hành vi quấy rối hung hăng liên tục của Trung Quốc đối với các tàu Philippines hoạt động hợp pháp ở Biển Đông", theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nguồn : BBC, 25/09/2024

Additional Info

  • Author Trọng Thành, BBC
Published in Châu Á

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang đáng kể trong những tháng gần đây xung quanh Bãi Cỏ Mây, một rạn san hô chìm nằm ở phía đông Quần đảo Trường Sa. Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng ngăn chặn việc cung cấp thực phẩm, nước uống, và vật tư xây dựng cho lực lượng thủy quân lục chiến Philippines đóng trên tàu BRP Sierra Madre, một tàu chiến thời Thế chiến II đã neo đậu ở bãi cạn này kể từ năm 1999. Trong ít nhất hai sự cố kể từ tháng 3, các biện pháp cưỡng bức của phía Trung Quốc đã khiến thủy thủ Philippines bị thương. Nguy cơ leo thang là rất nghiêm trọng. Mỹ cho biết nghĩa vụ phòng thủ của họ theo Hiệp ước Phòng thủ Chung mở rộng "đến các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu công, hoặc máy bay của Philippines – bao gồm cả lực lượng Hải cảnh của nước này – ở bất kỳ đâu trên Biển Đông".

phanung00

Tàu Sierra Madre bị mắc kẹt ở Biển Đông trong hơn hai thập kỷ. Ảnh Benar News

Tuy nhiên, dù đang leo thang với Philippines ở mức độ chưa từng có xung quanh Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc lại thể hiện sự kiềm chế đáng chú ý khi Việt Nam mở rộng các tiền đồn ở Biển Đông với quy mô lớn hơn và mang tính quân sự hơn nhiều. Chưa có ghi nhận nào về việc Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự hoặc quân sự để cản trở hoạt động cải tạo đất của Việt Nam ở Quần đảo Trường Sa. Như Zack Cooper và Greg Poling gần đây đã lưu ý, thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với Philippines và kiềm chế đối với Việt Nam đặc biệt khó hiểu vì Philippines là đồng minh hiệp ước của Mỹ, trong khi Việt Nam thì không. Liên minh với các cường quốc vốn là để ngăn chặn chứ không phải mời gọi xâm lược. Đây là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng, và không chỉ để làm sáng tỏ bản chất chiến lược của Trung Quốc tại một trong những điểm nóng hàng đầu thế giới. Việc giải mã logic đằng sau hành vi của Trung Quốc cũng có ý nghĩa trực tiếp đối với việc làm thế nào Mỹ và các đồng minh có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của họ ở Biển Đông và xa hơn nữa.

Có một số cách giải thích tiềm năng cho hành vi của Trung Quốc. Dưới đây tôi mô tả năm khả năng, mỗi khả năng đều bắt nguồn từ một cách giải thích tổng quát hơn về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù một vài giả định trong số này đã thể hiện các yếu tố quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc, nhưng không giả định nào có thể giải thích thỏa đáng sự khác biệt trong cách hành xử của Bắc Kinh như đã nêu ở trên. Vì vậy, tôi sẽ đưa ra thêm một cách giải thích khác, bắt nguồn từ cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức các tranh chấp ở Biển Đông và những tình thế lưỡng nan mà chúng đặt ra. Cách hành xử của Bắc Kinh đối với Philippines và Việt Nam khác nhau vì Manila và Hà Nội có năng lực khác nhau trong việc áp đặt tổn thất chiến lược lên Bắc Kinh. So với Philippines, Việt Nam có năng lực lớn hơn trong việc áp đặt những tổn thất như vậy lên Trung Quốc. Nghịch lý thay, liên minh của Manila với Washington lại hạn chế khả năng áp đặt những tổn thất đó, trong khi vị thế không liên kết của Việt Nam lại làm tăng khả năng áp đặt tổn thất của nước này.

Năm khả năng

Cách giải thích đầu tiên tập trung vào lợi ích của Trung Quốc trong việc ngăn chặn các đối thủ của mình thực hiện hành động tập thể chống lại nước này. Cái gọi là chiến lược "chia để trị" này giả định rằng Bắc Kinh đang sử dụng sự kết hợp giữa củ cà rốt và cây gậy để gây chia rẽ giữa các đối thủ, nhằm tiêu diệt mọi triển vọng hành động tập thể giữa họ. Theo quan điểm này, sự kiềm chế của Trung Quốc đối với Việt Nam có thể là kết quả từ sự bế tắc đang diễn ra với Manila tại Bãi Cỏ Mây và nhằm tránh tạo ra một cuộc khủng hoảng khác với một đối thủ khác cùng lúc.

Dù Bắc Kinh chắc chắn có lợi ích trong việc ngăn chặn hoặc trì hoãn sự xuất hiện của một hành động phản kháng tập thể từ các đối thủ của họ, nhưng đây là một lời giải thích không thỏa đáng. Trung Quốc đã hành động mang tính cưỡng bức xung quanh BRP Sierra Madre từ hơn 10 năm trước và đến nay đã thường xuyên leo thang đồng thời với Việt Nam (và các đối thủ khác ở Biển Đông). Quan trọng hơn, ngay cả khi lo ngại về việc Manila và Hà Nội hình thành một mặt trận thống nhất đã góp phần khiến Bắc Kinh tỏ ra kiềm chế đối với Hà Nội, thì lời giải thích này vẫn không thể cho chúng ta biết lý do tại sao Bắc Kinh quyết định tiếp tục phản đối việc Philippines củng cố tiền đồn, thay vì thách thức việc Việt Nam cải tạo đất và kiềm chế hơn với Manila – vốn là một sự kết hợp chính sách cũng có tác dụng tương tự.

Cách giải thích thứ hai tập trung vào lợi ích của Trung Quốc trong việc duy trì "vùng xám" và tránh chiến tranh ở Biển Đông. Tất nhiên, Bắc Kinh đã cố gắng hết sức để thúc đẩy các yêu sách ở Biển Đông nhưng tránh để xảy ra xung đột vũ trang. Theo quan điểm này, sự khác biệt trong phản ứng của Bắc Kinh đối với các hành động củng cố tiền đồn của Philippines và Việt Nam có thể được giải thích dựa trên xu hướng leo thang tương ứng của họ. Trong khi Việt Nam có lịch sử chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc thì Manila lại không như vậy. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng sự kiềm chế của Manila phần lớn là do Washington không sẵn lòng cho phép đồng minh của mình mạo hiểm với những rủi ro có khả năng dẫn đến các cam kết phòng thủ chung. Các nhà phân tích Trung Quốc lập luận rằng Mỹ đang tìm cách "can thiệp nhưng tránh để bị mắc kẹt" vào các tranh chấp ở Biển Đông.

Dù lời giải thích này cũng thể hiện được một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc, nhưng nó lại làm lu mờ những động cơ sâu xa hơn của chiến lược đó. Cụ thể, nó đặt ra những câu hỏi sau đây : Tại sao Bắc Kinh lại muốn ở trong vùng xám và tại sao họ lại quan ngại đến khả năng leo thang của Việt Nam ? Trung Quốc đã từng sử dụng lực lượng quân sự ở Biển Đông trước đây, kể cả trong thời kỳ hậu Mao, và đối thủ của họ chính là Hà Nội. Nếu xung đột xảy ra hôm nay, Trung Quốc sẽ nhanh chóng dập tắt sự kháng cự của Việt Nam, như họ đã làm vào năm 1974 ở quần đảo Hoàng Sa và năm 1988 ở phía tây Quần đảo Trường Sa. Như sẽ lập luận dưới đây, không phải nguy cơ leo thang – thậm chí là khả năng xảy ra chiến tranh với Hà Nội – đã tạo ra sự kiềm chế ở Bắc Kinh. Nhưng là những hậu quả tiềm tàng ở cấp độ thứ hai của một cuộc xung đột như vậy.

Cách giải thích thứ ba tập trung vào quan hệ chính trị chặt chẽ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Dù không tin tưởng lẫn nhau, cả hai bên đều được điều hành bởi các đảng cộng sản có nhiều điểm chung. Họ đoàn kết trong quyết tâm chung nhằm bảo vệ sự độc quyền về quyền lực chính trị của đảng của họ, và cả hai đều bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền của Washington. Họ cũng quyết tâm không để quan hệ song phương xấu đi như đã từng xảy ra vào cuối thập niên 1970, và họ đã xây dựng một mạng lưới quan hệ giữa hai chính phủ và hai đảng chưa từng có để giúp củng cố quan hệ đó. Theo quan điểm này, sự kiềm chế của Trung Quốc đối với việc cải tạo đất của Việt Nam có thể phản ánh lợi ích của nước này trong việc duy trì quan hệ lành mạnh với Hà Nội. Bắc Kinh có lẽ sẽ giải quyết nhẹ nhàng các tranh chấp hiện nay, vì tân chủ tịch nước của Việt Nam dường như đặc biệt tôn trọng Bắc Kinh.

Trong khi quan hệ của Trung Quốc với Hà Nội là độc nhất trong số các đối thủ ở Biển Đông, các liên hệ chính trị chặt chẽ giữa hai nước có thể – và thường – đi theo hướng khác. Tự tin rằng quan hệ chính trị với Hà Nội sẽ giúp nước này quản lý leo thang và tránh phải trả giá đắt, Trung Quốc đã thường xuyên leo thang căng thẳng với Việt Nam ở Biển Đông trong suốt 20 năm qua. Nhưng lời giải thích này đã không thể làm sáng tỏ lý do tại sao Bắc Kinh lại kiềm chế khi đối mặt với việc Việt Nam mở rộng và củng cố quy mô lớn các tiền đồn ở Biển Đông.

Cách giải thích thứ tư xoay quanh nhận thức của Trung Quốc về mối đe dọa liên quan đến liên minh Mỹ-Philippines. Kể từ cuối những năm 1990, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cho rằng Mỹ đang sử dụng các đồng minh của mình làm trụ cột cho một liên minh chống Trung Quốc nhằm ngăn cản sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Rõ ràng quan điểm này đã được ủng hộ hơn trong những năm gần đây. Các nhà phân tích và các kênh truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát thường cho rằng Washington đang lợi dụng các tranh chấp ngoài khơi của Philippines và Nhật Bản với Trung Quốc để thúc đẩy các ý định chiến lược thù địch đối với Bắc Kinh. Theo quan điểm này, liên minh của Manila với Washington có thể khiến hành vi của nước này ở Biển Đông trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh nhiều hơn so với một Việt Nam không liên kết.

Chắc chắn là các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng liên minh Mỹ-Philippines mang tính đe dọa. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể giải thích cách tiếp cận khác nhau của Trung Quốc đối với những nỗ lực của Philippines và Việt Nam nhằm củng cố sự chiếm đóng của họ ở Biển Đông. Về cơ bản, thật khó tin khi cho rằng sự hiện diện của Philippines trên một con tàu đang mục nát là đặc biệt đe dọa. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta chấp nhận tiền đề rằng hành vi của Trung Quốc là do lo ngại liên minh Mỹ-Philippines, thì Bắc Kinh sẽ không tập trung nỗ lực cưỡng chế vào những tiền đồn dễ bị tổn thương nhất của Manila. Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào một trong tám tiền đồn lớn hơn của Manila, một số trong số đó đã được mở rộng trong những năm gần đây và tất cả đều có giá trị quân sự cao hơn. Ngoài ra, bất kể Washington được hưởng lợi ra sao từ các tranh chấp ở Biển Đông, thì xét về mặt cân bằng, dường như sự hiện diện của Philippines trên Bãi Cỏ Mây là một gánh nặng – chứ không phải một lợi thế – đối với người Mỹ. Như các nhà phân tích Trung Quốc đã chỉ ra một cách chính xác, Mỹ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông, và nhất là không phải một xung đột về một rạn san hô chìm, thậm chí còn không có tư cách pháp lý của một bãi đá.

Cách giải thích thứ năm cũng xoay quanh liên minh Mỹ-Philippines nhưng vì những lý do khác. Bởi vì Bắc Kinh xem liên minh này là mối đe dọa, một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang nhắm vào Manila ở Biển Đông để gây chia rẽ quan hệ Mỹ-Philippines. Cách giải thích này cho rằng áp lực của Trung Quốc xung quanh Bãi Cỏ Mây sẽ phơi bày và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa Washington và Manila, theo đó làm suy yếu liên minh. Chuyên gia về Trung Quốc Robert Ross gần đây đã đưa ra một lập luận như vậy, cho rằng Bắc Kinh nhắm vào Manila không chỉ vì nước này là đối thủ đáng sợ hơn, mà vì nước này là mục tiêu hấp dẫn hơn. Mặt khác, việc Việt Nam thiếu liên minh với Mỹ có nghĩa là việc nhắm vào nước này mang lại ít lợi ích chiến lược hơn.

Lập luận này có vẻ hấp dẫn về mặt trực giác, nhưng dường như không có bất kỳ bằng chứng nào ủng hộ nó. Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ rất vui nếu có thể làm suy yếu liên minh Mỹ-Philippines, nhưng cách hành xử của họ ở Biển Đông không nhằm mục đích đó. Suốt 30 năm qua, hết lần này đến lần khác, thái độ hung hăng của Bắc Kinh đối với Philippines đã củng cố chứ không làm suy yếu liên minh. Ngay cả khi họ có cơ hội làm suy yếu liên minh, như họ đã làm dưới thời chính quyền Rodrigo Duterte, thì các hành động cưỡng bức của Trung Quốc ở Biển Đông đảm bảo rằng họ sẽ không thể làm được điều đó. Nếu họ quan tâm đến việc sử dụng các tranh chấp để làm suy yếu liên minh, thì họ đã thay đổi cách hành xử của mình rồi.

Như sẽ lưu ý dưới đây, sự tồn tại của liên minh Mỹ-Philippines – và việc Mỹ không có liên minh với Việt Nam – là những yếu tố chính hình thành cách tiếp cận của Trung Quốc với mỗi bên. Tuy nhiên, điều này không liên quan gì đến việc Bắc Kinh xem hành vi của Philippines là đặc biệt đe dọa, hoặc với việc nước này đang theo đuổi một chiến dịch gây chia rẽ. Đúng hơn, sự tồn tại của liên minh Mỹ-Philippines đã hạn chế khả năng của Manila trong việc áp đặt những cái giá chiến lược lên Bắc Kinh. Đây là hạn chế mà Việt Nam không mắc phải.

Duy quyền và Duy ổn

Chí ít là từ năm 2011, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xem chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là nhằm cân bằng hai mục đích : duy quyền và duy ổn. Duy quyền đề cập đến lợi ích của Bắc Kinh trong việc bảo vệ và thúc đẩy các yêu sách trên biển của mình. Duy ổn đề cập đến lợi ích trong việc duy trì sự ổn định và rộng hơn là duy trì môi trường an ninh khu vực thuận lợi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một môi trường an ninh khu vực thuận lợi đòi hỏi phải duy trì quan hệ hữu nghị với các đối thủ Đông Nam Á và tránh đẩy họ vào cái mà Bắc Kinh xem là một liên minh thù địch do Mỹ dẫn đầu, vốn đang tìm cách ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Lợi ích hàng hải và lãnh thổ (duy quyền) của Trung Quốc đang xung đột với lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của nước này trong việc duy trì môi trường bên ngoài thuận lợi (duy ổn). Khi thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nước này có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực, khiến các đối thủ Đông Nam Á xa lánh và đẩy họ đến gần Washington hơn. Tuy nhiên, giống như cách các đối thủ của Trung Quốc có năng lực khác nhau trong việc áp đặt cái giá phải trả về lãnh thổ đối với nước này bằng cách gây tổn hại cho duy quyền, thì họ cũng có năng lực khác nhau trong việc áp đặt cái giá chiến lược bằng cách gây tổn hại cho duy ổn. Vì lý do này, cùng một hành vi leo thang nhắm vào các đối thủ khác nhau có thể gây ra những mức độ rủi ro chiến lược khác nhau. Trung Quốc có nhiều khả năng leo thang với đối thủ hơn nếu nước này có ít khả năng áp đặt những cái giá chiến lược lên Bắc Kinh. Và họ có nhiều khả năng sẽ kiềm chế trước các đối thủ có khả năng áp đặt cái giá chiến lược lớn hơn.

Khả năng đối thủ áp đặt cái giá chiến lược lên Bắc Kinh phần lớn phụ thuộc vào cái giá hiện tại mà đối thủ đang áp đặt lên Bắc Kinh. Cái giá mà đối thủ đang áp đặt càng cao, thì khả năng áp đặt cái giá bổ sung trong tương lai càng thấp. Có một số cách mà đối thủ có thể áp đặt cái giá chiến lược. Ví dụ, họ có thể áp đặt cái giá phải trả về danh tiếng, công khai chỉ trích Bắc Kinh là một mối đe dọa và tuyên truyền một câu chuyện đáng báo động về điều này trên toàn khu vực. Họ có thể áp đặt các hình phạt chính trị hoặc kinh tế đối với Bắc Kinh, từ đó làm tổn hại đến quan hệ song phương ; họ thậm chí có thể chống lại các bước tiến của Trung Quốc bằng vũ lực, dẫn đến leo thang xung đột và bất ổn khu vực. Cuối cùng, và đặc biệt quan trọng đối với Philippines và Việt Nam, một đối thủ có thể thắt chặt quan hệ chiến lược với một cường quốc thù địch – chẳng hạn như Mỹ trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh – theo đó áp đặt "cái giá cân bằng" lên Bắc Kinh.

Một đối thủ thường xuyên áp đặt tổn thất uy tín lên Trung Quốc sẽ có ít khả năng để áp đặt cái giá đó trong tương lai, một đối thủ đã liên kết với một cường quốc thù địch sẽ có ít khả năng để áp đặt "cái giá cân bằng". Nhưng một quốc gia không liên kết vẫn có khả năng thành lập một liên minh chính thức hoặc không chính thức mới với cường quốc, điều này sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn về hiện trạng và gây ra tổn thất lớn cho Bắc Kinh. Một đối thủ đang ở trong liên minh vẫn có thể nâng cấp quan hệ, nhưng đây thường là một thay đổi nhỏ, với tổn thất không đáng kể. Do đó, Bắc Kinh sẽ không mất gì nhiều khi leo thang với một bên tranh chấp đối thủ đã liên kết với một cường quốc thù địch.

Chẳng hạn, trong những năm 1980, sự thù địch Việt-Trung và liên minh của Việt Nam với Liên Xô, một đối thủ của Trung Quốc, đã khiến Hà Nội ít có khả năng áp đặt những cái giá chiến lược lên Bắc Kinh. Vì thế, những nỗ lực trong giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh của Trung Quốc nhằm mở rộng ở Biển Đông đã được tập trung nhắm vào Hà Nội, rõ ràng nhất là trong quyết định chiếm giữ sáu thực thể dọc theo rìa phía tây của Quần đảo Trường Sa, nhiều trong số đó nằm ngay sát các tiền đồn hiện có của Việt Nam. Hơn nữa, Bắc Kinh đã sẵn sàng mạo hiểm xung đột vũ trang với Hà Nội vào năm 1988 vì họ tin rằng, giống như Moscow đã kiềm chế không can thiệp trong chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, họ sẽ không can thiệp thay mặt Hà Nội trong một cuộc xung đột ở Biển Đông.

Điều kiện đương đại

Ngày nay, tình hình đã khác, nhưng logic vẫn thế. Chừng nào xung đột còn ở trong vùng xám – và Mỹ không can thiệp quân sự – thì Philippines vẫn có ít khả năng hơn Việt Nam trong việc áp đặt cái giá phải trả chiến lược lên Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ chịu ít tổn thất hơn khi leo thang với Manila nên có thể hành động hung hăng hơn ; còn leo thang với Hà Nội sẽ khiến họ mất nhiều hơn nên phải kiềm chế.

Philippines đã khiến Trung Quốc phải trả giá đắt hơn bất kỳ đối thủ nào khác. Manila gần đây đã hộ tống các nhà báo đến Bãi Cỏ Mây để quan sát và công khai các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc, điều mà Philippines thỉnh thoảng vẫn làm từ giữa những năm 1990. Ngay cả trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người thường phục tùng Bắc Kinh, thì chính quyền của ông vẫn thường xuyên công khai và lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, góp phần tạo ra một chính sách đối ngoại kiểu ‘tâm thần phân liệt’ không thể ngăn chặn Trung Quốc một cách có ý nghĩa. Ngược lại, Việt Nam thận trọng hơn và do đó có khả năng lớn hơn để áp đặt những cái giá như vậy lên Bắc Kinh trong tương lai.

Quan trọng hơn, vì Manila đã là đồng minh thân cận của Mỹ nên nước này thiếu khả năng áp đặt một cái giá cân bằng có ý nghĩa. Họ có thể thắt chặt liên minh hơn nữa, nhưng cái giá không đáng kể này là cái giá mà Bắc Kinh luôn sẵn sàng gánh chịu. Tuy nhiên, tình trạng không liên kết của Việt Nam mang lại cho nước này khả năng hình thành một liên minh chính thức hoặc không chính thức với Mỹ – nghĩa là khả năng áp đặt một cái giá phải trả chiến lược lớn hơn lên Bắc Kinh, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường an ninh của nước này. Hơn nữa, Việt Nam là một nước láng giềng lục địa có chung đường biên giới đất liền dài 1.350 km với Trung Quốc và sở hữu một trong những quân đội đáng gờm nhất ở Đông Nam Á. Việc nước này tham gia vào liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Trung Quốc trong khía cạnh duy ổn. Ngược lại, Philippines nằm ở bên kia biển, sở hữu quân đội yếu và đã (theo quan điểm của Trung Quốc) là một thành viên của liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Sự chênh lệch về rủi ro chiến lược mà Việt Nam và Philippines đặt ra đặc biệt rõ ràng trong cách mà Bắc Kinh thách thức nỗ lực củng cố và mở rộng các tiền đồn của hai nước này. Bắc Kinh có lý do chính đáng để tin rằng sự leo thang xung quanh Bãi Cỏ Mây có thể được kiểm soát – và có thể ngăn Mỹ can dự – bởi vì họ đã thành công làm vậy kể từ năm 2013. Họ cũng đã quấy rối nhiều tàu Philippines xung quanh các tiền đồn khác ở Biển Đông mà không hề phải trả giá. Mặt khác, nếu Bắc Kinh cố gắng ngăn chặn việc cải tạo đất của Việt Nam, Hà Nội có thể sẽ xem nỗ lực đó là gây nguy hiểm cho việc nắm giữ thực thể của họ, vốn là ‘mỏ neo’ cho các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và khả năng xảy ra phản kháng và leo thang của Việt Nam sẽ cao hơn. Chính là trong những điều kiện này mà Hà Nội sẽ áp đặt lên Trung Quốc những cái giá chiến lược đắt nhất mà nước này có thể phải trả.

Hàm ý

Phân tích này có một số hàm ý quan trọng trong việc ngăn chặn thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và hơn thế nữa, có liên quan đến cả Mỹ và các bên đang tranh chấp với Bắc Kinh. Thứ nhất, để tăng cường khả năng răn đe cho Philippines tại Bãi Cỏ Mây và những nơi khác ở Biển Đông, Manila và Washington cần làm suy yếu niềm tin của Trung Quốc rằng nước này có thể thoải mái ở lại vùng xám. Nếu không có nguy cơ leo thang xung đột và sự can thiệp của Mỹ, Trung Quốc sẽ tin rằng nước này có thể tấn công Philippines và gây áp lực lên các hoạt động chiếm đóng lãnh thổ của Philippines với cái giá chiến lược tối thiểu. Sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ xung quanh Bãi Cỏ Mây, bao gồm cả việc hỗ trợ tiếp tế cho BRP Sierra Madre, có thể sẽ làm suy yếu niềm tin của Trung Quốc về vấn đề này.

Thứ hai, đối với các đối thủ Đông Nam Á của Trung Quốc, phân tích này cho thấy rằng những cái giá tiềm ẩn đáng tin cậy thường là những biện pháp răn đe hiệu quả hơn những cái giá áp đặt trong thực tế. Suốt nhiều năm qua, các nhà phân tích Mỹ đã lập luận rằng các quốc gia ASEAN phải buộc Bắc Kinh trả giá để chống lại và răn đe hành vi gây hấn của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, phân tích này cho thấy rằng khi áp đặt nhiều cái giá hơn, Bắc Kinh thực chất lại chịu tổn thất ít hơn nếu leo thang căng thẳng. Manila và các bên tranh chấp ở Đông Nam Á cần thận trọng trong việc buộc Bắc Kinh phải trả giá. Ví dụ, việc áp dụng cái giá về danh tiếng có thể có hiệu quả trong việc giúp củng cố độ tin cậy của các mối đe dọa nghiêm trọng hơn, nhưng bản thân những cái giá đó không mang lại nhiều lợi ích và có thể phản tác dụng. Các quốc gia Đông Nam Á cần nâng cao khả năng áp đặt cái giá của mình và chú trọng hơn vào việc tối đa hóa khả năng tiềm ẩn để làm được điều đó.

Thứ ba, sự khác biệt giữa cái giá tiềm ẩn và cái giá thực tế sẽ giúp định hình những nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á, vốn là một ưu tiên trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ. Việc tăng cường các đối tác an ninh khu vực thường được xem là một điều tốt không thể phủ nhận, trong đó nhiều hơn là tốt hơn, nhưng phân tích này đã mang lại một bức tranh đa sắc thái hơn.Việc thắt chặt các quan hệ đối tác quá sâu và quá nhanh có thể làm suy yếu khả năng răn đe bằng cách giảm bớt những cái giá mà các quốc gia Đông Nam Á có thể đe dọa áp đặt lên Trung Quốc sau này. Các quốc gia Đông Nam Á – và sự ổn định trong khu vực – sẽ hưởng lợi nhiều nhất bằng cách tăng cường quan hệ đối tác an ninh một cách từ từ và từng bước.

Thứ tư, dù các quốc gia vừa và nhỏ tìm kiếm liên minh với các cường quốc để tăng cường an ninh và ngăn chặn sự xâm lược của nước ngoài, nhưng ở mức độ leo thang thấp, chúng có thể gây tác dụng ngược. Liên minh của Philippines với Mỹ đã làm suy yếu khả năng ngăn chặn các hành vi cưỡng bức và bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, trong khi vị thế không liên kết của Việt Nam cho phép nước này áp đặt đầy đủ những cái giá chiến lược lên Bắc Kinh. Trong một thế giới ngày càng được đặc trưng bởi cạnh tranh vùng xám, các nhà hoạch định chính sách và lập kế hoạch cần xây dựng những cách thức sáng tạo để tăng cường răn đe ở mức độ leo thang thấp mà không cần phải áp đặt cái giá theo phản xạ. Trong khi đó, các học giả cần phải giải quyết vấn đề bất thường thực nghiệm này, vốn thách thức những hiểu biết thông thường về quan hệ giữa việc hình thành liên minh và khả năng răn đe.

Cuối cùng, căng thẳng giữa duy ổn và duy quyền có thể có tác động vượt ra ngoài Biển Đông và bao hàm cả các tranh chấp lãnh thổ khác của Trung Quốc. Tình thế lưỡng nan này đã làm sáng tỏ cách Bắc Kinh nghĩ về việc theo đuổi tham vọng lãnh thổ theo chủ nghĩa xét lại của họ, bao gồm những gì tạo điều kiện và những gì cản trở việc theo đuổi mục tiêu. Các nhà phân tích chiến lược tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc – và rộng hơn là chính sách đối ngoại của nước này – sẽ có thể hiểu đối tượng của mình cách tốt nhất khi họ tiếp cận nó bằng cách sử dụng cùng các khái niệm như chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Andrew Taffer

Nguyên tác : "The Puzzle of Chinese Escalation vs Restraint in the South China Sea", War on the rocks, 26/07/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/08/2024

Andrew Taffer là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Mỹ. Ông đang hoàn thành bản thảo cuốn sách về sự phát triển trong chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông kể từ năm 1979. Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm của ông chứ không phải quan điểm của Đại học Quốc phòng, Bộ Quốc phòng, hay chính phủ Mỹ.

Additional Info

  • Author Andrew Taffer, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực Bãi Cỏ Mây đã kéo dài từ lâu, đặc biệt từ đầu năm 2023 cho tới nay, tình trạng đối đầu giữa lực lượng của hai bên đã dâng cao cùng với việc Philippines ngả sang Mỹ. 

camket1

Bản đồ thềm lục địa tại Biển Đông - CLCS

Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần dùng chiến thuật đâm tàu, phun vòi rồng, thậm chí chiếu tia laser vào mắt các thủy thủ của Philippines để ngăn cản việc tiếp tế và sửa chữa con tàu Sierra Madre đã rỉ sét, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào trên Bãi Cỏ Mây. Gần đây, hành động của Hải cảnh Trung Quốc đã đến mức táo tợn hơn khi họ cầm rìu, dao, gậy tấn công lên tàu của Cảnh sát biển Philippines, khiến một thủy thủ Philippines đã bị chém đứt ngón tay cái. 

Sau những căng thẳng tột độ như vậy, hy vọng về hoà hoãn đã nhen nhóm khi cả hai bên cùng tuyên bố là đã đạt được thỏa thuận nhằm giảm nhiệt căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây [1].

Tuy vậy, những hy vọng này có thể sớm chấm dứt khi Bắc Kinh và Manila đều đưa ra thông điệp cho thấy cả hai bên vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình và họ giải thích các điều khoản của thỏa thuận theo những cách khác nhau. 

Cả Manila và Bắc Kinh đều chưa công bố văn bản thỏa thuận tạm thời đạt được hôm 21/7 nhằm xoa dịu căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây, được Philippines gọi là Bãi cạn Ayungin và Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu, nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km. 

Ngày 22/7, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng Bắc Kinh đã đồng ý cho phép Manila tiếp tế nhu yếu phẩm cho nhân sự của họ trên tàu Sierra Madre "với tinh thần nhân đạo". Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, bà Mao Ninh cho biết các nhiệm vụ tiếp tế đó chỉ có thể diễn ra "nếu Philippines thông báo trước cho Trung Quốc và sau khi tiến hành xác minh tại chỗ". Bà nói thêm : "Trung Quốc sẽ giám sát toàn bộ quá trình tiếp tế" [2].

Nhưng những phát biểu đó đã vấp phải sự phản đối ở Manila. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết nước này sẽ tiếp tục khẳng định các quyền của nước này ở Biển Đông và lưu ý rằng Manila đạt được thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh mà "không phải nhượng bộ lập trường quốc gia" [3].

Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định rằng do đó tuyên bố của Trung Quốc "về việc phải thông báo trước và xác nhận tại chỗ là không chính xác" [4]. Tuyên bố còn nói thêm rằng Philippines đã thiện chí khí ký kết thỏa thuận này, sẵn sàng thực hiện và thúc giục Trung Quốc cũng làm như vậy.

Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh dường như đang cố gắng định hình thỏa thuận theo hướng thể hiện rằng Philippines đã nhượng bộ các yêu cầu của họ - điều mà các quan chức Philippines kịch liệt phủ nhận.

Có lẽ Philippines trong suốt thời gian qua đã cảm thấy mệt mỏi với áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc đối với không chỉ Bãi Cỏ Mây mà cả Bãi cạn Scarborough cùng Bãi Sabin, trong khi đó, đồng minh quan trọng là Mỹ thì vẫn chưa thể hiện sự ủng hộ Philippines qua hành động, ngoài những tuyên bố. Thêm nữa, Mỹ đang tập trung vào cuộc bầu cử năm nay, cho nên khó mà có thể có hành động cứng rắn với Trung Quốc. Biết được giới hạn đó, cho nên Bắc Kinh đã liên tục thử giới hạn đỏ với cả Philippines và Mỹ trên Biển Đông.

Bài học từ Việt Nam

Liệu Trung Quốc có dễ dàng thỏa hiệp với Philippines về Bãi Cỏ Mây trong điều kiện hiện nay, điều mà Philippines có lẽ đang hy vọng ?

Thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc lần này khiến các nhà nghiên cứu nhớ đến một thỏa thuận tương tự giữa Việt Nam và Trung Quốc trước đây. Năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng vừa sau khi đắc cử Tổng bí thư nhiệm kỳ đầu tiên đã có chuyến thăm Bắc Kinh [5].

Trong chuyến thăm đó, Bắc kinh và Hà Nội đã ký kết Thỏa thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển [6].

Thỏa thuận này có nội dung :

Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.

Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này" [7].

Trước đó không lâu, tàu Trung Quốc đã táo tợn cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang hoạt động thăm dò trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này [8]. Chính vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng khi sang Bắc kinh đã hy vọng với mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản, có thể làm dịu vấn đề căng thẳng trên biển.

Thỏa thuận giữa Bắc kinh và Hà Nội năm 2011 nghe thì hay thế, nhưng năm 2014, Tập Cận Bình đã bất chấp tất cả, mà đặt ngay một giàn khoan khủng vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam [9]. Cơ chế đường dây nóng liên lạc giữa hai đảng đã tắt lịm trong sự kiện này. Những lời hứa hay cam kết của Bắc Kinh và Tập đã bay theo gió. Và từ đó, Việt Nam đã tỉnh mộng trước dã tâm độc chiếm Biển Đông, như một phần trong "Giấc mộng Trung Hoa" của Tập Cận Bình.

Chính vì vậy, chính phủ Philippines cần thận trọng khi đàm phán và thỏa thuận với Bắc Kinh. Dã tâm độc chiếm Biển Đông của họ là không khi nào thay đổi. Tập đã hứa rất nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều, như câu chuyện Thỏa thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển vẫn còn đó, hay chuyện Tập hứa sẽ không quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông nữa.

Không thể tin và không nên tin vào những cam kết của một kẻ bất chấp luật pháp quốc tế và cũng bất chấp uy tín như Trung Quốc dưới thời Tập. Philippines không cẩn thận sẽ lại lặp lại "thỏa thuận giữa các qúy ông" mà Tập đã giăng bẫy cho Duterte cách đây chưa lâu.

Hà Lệ Chi

Nguồn : RFA, 29/07/2024

Tham khảo :

[1] https://apnews.com/article/philippines-china-shoal-agreement-3450e06b61bbe6ef9cd5dd9e211f6f79

[2] https://www.globaltimes.cn/page/202407/1316506.shtml

[3] https://x.com/DFAPHL/status/1815210400922968253

[4] https://x.com/DFAPHL/status/1815210400922968253

[5] https://nvsk.vnanet.vn/ho-so/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-chinh-thuc-trung-quoc-11-15-10-2011-3-125497.vna

[6] https://vnexpress.net/viet-trung-thoa-thuan-nguyen-tac-giai-quyet-van-de-tren-bien-2207907.html

[7] https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-bien-dao-vn/-/asset_publisher/YiOFlAxwJhRr/content/27-nhung-noi-dung-chinh-cua-thoa-thuan-ve-nhung-nguyen-tac-co-ban-chi-ao-giai-quyet-van-e-tren-bien-giua-chinh-phu-nuoc-chxhcn-viet-nam-va-chinh-phu-n

[8] https://petrovietnam.petrotimes.vn/nhung-phut-cang-thang-tren-tau-binh-minh-02-42775.html

[9] https://dangcongsan.vn/thoi-su/trung-quoc-dua-gian-khoan-dau-khi-hai-duong-981-vao-bien-dong--vi-pham-nghiem-trong-luat-phap-quoc-te-251152.html

Additional Info

  • Author Hà Lệ Chi
Published in Diễn đàn

Việt Nam trước chiến lược "mưa dầm thấm lâu" của Trung Quốc để độc chiếm Biển Đông

Ngày 12/07/2024 đánh dấu tròn 8 năm Tòa Trọng Tài Quốc Tế xác định rằng các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Phán quyết cuối cùng của Tòa đã được Việt Nam "hoan nghênh" cùng với tuyên bố "ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình".

biendong1

Ảnh lưu trữ : Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu tiếp liệu Unaizah của Philippines trong khu vực Bãi Cỏ Mây (Thomas Second Shoal), Biển Đông, ngày 04/03/2024. Reuters - Adrian Portugal

Tám năm sau, Việt Nam, Philippines vẫn phải đối phó với những hành động bạo lực, hăm dọa của Trung Quốc trong chiến lược "mưa dầm thấm lâu" độc chiếm Biển Đông (1). "Các hành động của Trung Quốc phản ánh sự coi thường trắng trợn đối với luật pháp quốc tế", theo thông cáo của ngoại trưởng Mỹ ngày 11/07. Phía Liên Hiệp Châu Âu khẳng định trong một tuyên bố ngày 12/07 rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, chỉ có luật quốc gia của Trung Quốc mới có giá trị ở Biển Đông, theo nhận định của nhà phân tích, nghiên cứu độc lập Lénaïck Le Peutrec trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt ngày 11/07/2024.

Chiến lược này được ban thành luật về vùng lãnh hải tháng 02/1992. Thoạt nhìn định nghĩa "lãnh hải" của Bắc Kinh phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Trung Quốc là thành viên. Nhưng điểm nguy hiểm nằm ở tuyên bố 1958, được nhắc lại trong bộ luật 1992, theo đó lãnh thổ đất liền của Trung Quốc bao gồm Đài Loan và các nhóm đảo khác như Sankaku/Điếu Ngư (tranh chấp với Nhật Bản), Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa), Nam Sa (quần đảo Trường Sa).


RFI : Lénaïck Le Peutrec, bà là tác giả bài phân tích "Trung Quốc trong những xung đột ở Biển Đông : giải mã một trật tự mới mang màu sắc Trung Hoa", đăng trên Asia Focustháng 05/2024 của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến lược Pháp - IRIS (2). Trong bài viết, bà nhấn mạnh rằng luật về lãnh hải năm 1992 là một bộ luật quốc gia, thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông theo từng chặng, để tạo thành những "chuyện đã rồi" bất chấp luật pháp quốc tế. Theo thời gian, những tích tụ đó chuyển thành một sự thay đổi chiến lược quan trọng. Vậy chiến lược của Trung Quốc là gì ? Liệu vì những yêu sách đó, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhân nhượng ở Biển Đông ?

Lénaïck Le Peutrec : Những yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông nằm trong nỗ lực toàn vẹn lãnh thổ rộng lớn hơn của Trung Quốc. Cho nên chúng được ghi khắc trong những lợi ích cơ bản của Trung Quốc, giống như đối với đảo Đài Loan. Bắc Kinh đưa ra lập luận đòi chủ quyền dựa vào các quyền lịch sử, nguyên tắc hiện diện lâu đời được cho là được chứng thực bằng các văn bản có từ thời nhà Tống, tức là từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13.

Do đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với 80 đến 90% diện tích Biển Đông. Yêu sách này được chính thức ghi trong tài liệu "đường 9 đoạn", lần đầu tiên được chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công bố chính thức bằng một công hàm ngoại giao gửi tới Liên Hiệp Quốc vào tháng 05/2019. Bản thân tuyên bố này đã là một hành động kiểu "chuyện đã rồi". Thêm vào đó còn có rất nhiều luật quốc gia khác củng cố cho những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Bắc Kinh viện vào đó để biện minh cho hành động của họ.

Như vậy luật về vùng lãnh hải năm 1992 đã chọn định nghĩa rộng hơn về các vùng biển của Trung Quốc, trên thực tế bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong khi Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền. Chính nhờ dựa vào những quyền lịch sử từ xa xưa, không thể chối cãi ở Biển Đông và dựa trên luật pháp quốc gia xác quyết chủ quyền - được coi là "chuyện đã rồi" - mà Trung Quốc liên tục đưa tầu đánh cá vào các vùng biển có tranh chấp, thường xuyên tổ chức tuần tra hải cảnh, tiến hành hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo và thành lập các đơn vị, cơ quan hành chính mà trên thực tế là để thiết lập chủ quyền.

RFI :Tháng 03/2024, Trung Quốc thông báo xác lập đường cơ sở ở vịnh Bắc Bộ. Thêm vào đó là hành động hung hăng, ví dụ những sự cố với Philippines ở Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough trong thời gian gần đây… Phải chăng tất cả những hành động đó nằm trong chiến lược khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ?

Lénaïck Le Peutrec : Việc phân định đường cơ sở là một chủ đề hết sức nhạy cảm ở Biển Đông để chúng ta có thể hiểu được bản chất chiến lược. Bởi vì Biển Đông là nơi chồng chéo những yêu sách chủ quyền giữa phần lớn các quốc gia ven biển. Các đường cơ sở có tính chiến lược mạnh mẽ vì chúng chi phối việc tính toán đường biên giới lãnh thổ của quốc gia ven biển, vùng nội thủy và các vùng biển nằm trong quyền tài phán của họ. Những vùng biển này là các vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế.

Qua đó, người ta có thể thấy đó là "cánh tay nối dài" trong hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên thực tế. Như tôi giải thích, phương thức hoạt động của Bắc Kinh bắt đầu từ một "chuyện đã rồi". Trường hợp này chính là một ví dụ vì Trung Quốc đơn phương tuyên bố một đường cơ sở mới. Điều đáng quan ngại là Trung Quốc tiếp tục áp dụng cách hành động duy nhất đó, có nghĩa là viện đến luật quốc gia để áp đặt cơ sở pháp lý cho những hành động của họ.

Những sự cố gần đây trong khu vực Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough nằm trong chiến lược hành động của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2004. Cần phải lưu ý rằng những hành động này còn được củng cố thêm nhờ những biện pháp mới trong luật hải cảnh, có hiệu lực từ ngày 15/06/2024, cho phép bắt giữ tàu nước ngoài ở Biển Đông và giam giữ thủy thủ đoàn mà không cần xét xử.

RFI :Vẫn trong bài viết trên Asia Focus của Viện IRIS, bà nhấn mạnh rằng "chính sách láng giềng hữu hảo của Trung Quốc hiện nay, được suy tính để cổ vũ việc hội nhập kinh tế trong vùng, có thể được coi là một tầm nhìn được cập nhật về hệ thống triều cống của đế quốc Trung Quốc". Tại sao nên cảnh giác với chính sách này ? Các nước láng giềng sẽ gặp rủi ro gì trong xung đột chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc ?

Lénaïck Le Peutrec : Trong câu hỏi này có những yếu tố lịch sử và văn hóa mà tôi cho rằng cần phải nêu bật, song song với những yếu tố thực tế, để hiểu đầy đủ hơn về hành động của Trung Quốc.

Yếu tố đầu tiên mà tôi muốn lưu ý là tầm nhìn mang tính chu kỳ về lịch sử mà Trung Quốc vẫn chia sẻ. Điều này có thể được tóm tắt hoàn hảo trong câu tục ngữ Trung Quốc, tạm dịch "thống nhất lâu dài thì phải chia cắt, chia rẽ lâu thì phải đoàn tụ". Nền văn minh Trung Quốc được đánh dấu bằng một lập luận lịch sử, theo đó "sau phân chia sẽ là sự thống nhất".

Điểm thứ hai, tôi muốn đề cập đến cách nhìn của Trung Quốc về vị trí trung tâm. Ngay tên gọi "Trung Quốc" - có nghĩa là "vùng đất ở giữa" - đã thể hiện rõ cách nhìn đó. Xuất phát từ vị trí trung tâm, Trung Quốc sống theo cách hiểu về địa lý thế giới xung quanh được định nghĩa theo cách nhìn của họ. Có thể thấy đa số những vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông được đặt tên theo vị trí của chúng so với Trung Quốc, ví dụ quần đảo Hoàng Sa (Paracels) được gọi là Tây Sa, Trường Sa (Spratleys) là Nam Sa, bãi ngầm Macclesfield là Trung Sa.

Chính sách láng giềng hữu hảo của Bắc Kinh cũng thể hiện một phần tầm nhìn về vai trò trung tâm của Trung Quốc. Trên thực tế, chính sách - được lập ra để khuyến khích hội nhập kinh tế khu vực - có thể được coi như là một quan niệm được cập nhật về hệ thống triều cống của đế chế Trung Hoa, dựa trên tính trung tâm của họ. Những điều kiện dễ dàng về kinh tế và thương mại được Trung Quốc chấp thuận thời nay thay thế cho sự bảo vệ của họ ngày trước, còn quyền lực và những lợi ích mà họ thu được thay cho những cống vật của các nước chư hầu ngày xưa. Tình thế này để lại rất ít khả năng hành động cho các nước ven biển láng giềng - những nước không có sức mạnh kinh tế hoặc năng lực tấn công quân sự như Trung Quốc.

Cuối cùng phải nhắc đến việc ASEAN gần như tê liệt. Nội bộ Hiệp hội các nước Đông Nam Á bất đồng nhau trong xung đột lãnh thổ với Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, ASEAN tìm cách thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mà họ muốn có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng đến giờ vẫn bị Bắc Kinh một mực phản đối.

RFI :Tại sao Biển Đông lại là một khu vực thử nghiệm để Trung Quốc áp đặt tầm nhìn của họ về một trật tự thế giới mới, như bà nêu trong bài phân tích ?

Lénaïck Le Peutrec : Trước tiên, tôi nghĩ là cần phải hiểu được những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hay đúng hơn là những động cơ của họ. Theo tôi, có ba động cơ.

Thứ nhất về mặt khai thác, việc bảo đảm tiếp tục các hoạt động đánh bắt hải sản, bảo vệ và khai thác các nguồn năng lượng, khoáng sản là việc cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển của Trung Quốc. Tiếp theo là phải bảo đảm các nguồn tiếp cận với các tuyến hàng hải, đặc biệt là ưu tiên tiếp cận Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vì đây là những tuyến đường thiết yếu để dòng chảy thương mại của Trung Quốc được luân chuyển. Về mặt an ninh, việc tự do lưu thông ở Biển Đông là phương tiện quan trọng cho uy tín về năng lực răn đe trên biển của Trung Quốc. Phần lớn các căn cứ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc nằm trên đảo Hải Nam, ở phía bắc Biển Đông.

Cũng đừng quên sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực làm tăng thêm cảm giác bất an của Trung Quốc, cũng như việc Hoa Kỳ tăng cường rõ rệt các liên minh với các nước trong khu vực trong thời gian gần đây để công khai chống lại sự trỗi dậy ngày càng tăng của Trung Quốc. Cấu trúc địa lý của Biển Đông cũng đặt Trung Quốc vào thế bị lọt thỏm và phụ thuộc lớn vào eo biển Malacca, tuyến đường thương mại chính của nước này. Từ năm 2023, Trung Quốc đã nhấn mạnh đến sự phụ thuộc quá mức của họ vào điểm trung chuyển này, cùng với sự bấp bênh về nguồn cung năng lượng do thiếu tuyến hàng hải thay thế.

Bị thúc đẩy vì cảm giác bất an, Trung Quốc quyết tâm bảo đảm các lợi ích cơ bản của họ, bao gồm cả việc thống nhất đất nước, vốn là trọng tâm trong chính sách tái sinh vĩ đại của Trung Quốc và cũng là chính sách quan trọng hàng đầu của kỷ nguyên Tập Cận Bình. Những động cơ này của Trung Quốc khiến chúng ta nghĩ rằng Bắc Kinh có lẽ sẽ thử phản ứng của cộng đồng quốc tế về Biển Đông bằng cách dần dần gặm những không gian mà họ tuyên bố thuộc về mình. Do đó, Biển Đông sẽ là địa điểm thử nghiệm đầu tiên về một trật tự mới mang màu sắc Trung Hoa, trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đó là thống nhất với đảo Đài Loan.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà phân tích, nghiên cứu Lénaïck Le Peutrec.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 15/07/2024

(1) Bắc Kinh phối hợp đồng bộ nhiều hoạt động : ru ngủ các nước láng giềng bằng lợi ích kinh tế "đôi bên cùng có lợi" nhưng không ngừng củng cố các tiền đồn, như đang tiến hành ở bãi Sa Bin (Sabina shoal), theo nghi ngờ hồi tháng 05 của Philippines, ngang nhiên tự cho quyền bắt giữ lên tới 30 ngày mà không cần xét xử đối với người nước ngoài xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh thổ hoặc vùng biển mà Trung Quốc tự khẳng định chủ quyền theo một quy định có hiệu lực từ ngày 15/06/2024, liên tục hăm dọa, phun vòi rồng, kể cả dùng vũ lực như vụ xô xát gây thương tích cho phía Philippines vào tháng 06 ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal), đẩy căng thẳng lên cao trào để đưa lực lượng áp đảo về số lượng đến đánh bật đối thủ nhằm chiếm quyền kiểm soát, như từng làm đối với Philippines ở bãi cạn Scarborough năm 2012.

(2) Lénaïck Le Peutrec, "La Chine dans les conflits en mer de Chine méridionale : décryptage d’un nouvel ordre aux caractéristiques chinoises", Asia Focus , mai 2024, IRIS.

Additional Info

  • Author Lénaïck Le Peutrec, Thu Hằng
Published in Diễn đàn

Tham lam và thích hà hiếp, Trung Quốc tạo điều kiện cho Mỹ quay lại Philippines

Les Echos ngày 24/06/2024 cảnh báo "Lực lượng của Bắc Kinh và Manila bên bờ vực xung đột", Le Monde chú ý đến việc "Mỹ rầm rộ trở lại Philippines để đối đầu với Trung Quốc".

biendong1

Lính tuần duyên Trung Quốc dbao vây và tấn công lực lượng Philippines khi tiến gần Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 17/06/2024. AP

Cướp bóc, phá hoại : Cường quốc hành xử kiểu hải tặc !

Lần này, lính Trung Quốc đến với dao, rựa và những mũi lao. Dùng các thuyền có mã lực mạnh bao vây các tàu Philippines đang đến gần một đảo san hô, tuần duyên Trung Quốc gào thét bằng tiếng quan thoại, tông rách các phao của tàu đối thủ, cướp các hàng hóa trên tàu và đập bể một số thiết bị. Một thủy thủ trẻ tuổi Philippines bị đứt ngón tay trỏ, những người khác bị thương nhẹ. Tướng Romeo Brawner Jr, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines giận dữ nói : "Xông lên tàu cướp bóc, phá hoại, chỉ có hải tặc mới làm như vậy".

Từ nhiều tháng qua, tuần duyên và dân quân biển Trung Quốc cố gắng ngăn cản việc tiếp tế cho một nhóm lính Philippines đang sống trên xác tàu "Sierra Madre" ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở ngoài khơi Palawan. Bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế La Haye khẳng định đường lưỡi bò tự vẽ là bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn quân sự hóa Biển Đông. Để xua đuổi các nước khác, Bắc Kinh trang bị vũ khí trên các tàu và từ 2018 đặt tuần duyên dưới quyền chỉ huy trực tiếp của công an vũ trang. Chuyên gia Laura Southgate của Aston University nói thêm, và từ 2021 tuần duyên được phép dùng vũ lực để đuổi các tàu nước ngoài.

Thường thì những vụ đụng độ với tàu Philippines chủ yếu từ xa bằng vòi rồng, Trung Quốc dùng chiến thuật "vùng xám" để tránh nổ ra chiến tranh. Nhưng lần này Bắc Kinh đã vượt lằn ranh đỏ, tấn công trực tiếp. Giáo sư Jeffrey Ordaniel, Tokyo International University giải thích, "Mỗi lần Trung Quốc đều thử dùng những cách mới, từ vòi rồng, tia laser, tông thẳng vào tàu và mới đây là tịch thu tài sản. Họ không ngừng trắc nghiệm giới hạn hành động của mình, tự tung tự tác".

Hiện thời Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu chỉ mới tố cáo sự thô bạo của Trung Quốc, Hoa Kỳ lên án nhưng chưa đưa ra chiến lược cụ thể. Các chuyên gia cho rằng nếu tàu Mỹ hộ tống các tàu tiếp tế Philippines, Bắc Kinh sẽ phải điều chỉnh hành động. Jeffrey Ordaniel nhận xét, như vậy chứng tỏ với Trung Quốc là cách hành xử côn đồ trên biển sẽ dẫn đến sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Ông cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ và Philippines phối hợp để đáp trả, nếu không Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn chiếm.

Sau thời gian dài im lặng, Manila công khai tố cáo Bắc Kinh

Le Monde chú ý đến việc Trung Quốc cho phép lực lượng tuần duyên "giam giữ đến 60 ngày không cần xét xử, tất cả những ai vượt qua ranh giới bất hợp pháp", có hiệu lực kể từ ngày 15/06. Thông cáo này khiến người Philippines phẫn nộ. Leonardo Cuaresma, chủ tịch một hiệp hội ngư dân nói : "Họ hoàn toàn không có quyền nói như vậy, chính chúng tôi mới phải bắt giữ họ !".

Một cuộc thăm dò của OCTA Research công bố vào đầu tháng 6 cho thấy 76% người Philippines coi Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất", và 91% khẳng định không thể tin tưởng được Bắc Kinh, so với cách đây hai năm chỉ có 58%. Ngay cả phe cực tả vốn chống đối mọi sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc hôm 15/06, chân dung khổng lồ của Tập Cận Bình treo phía trước bị xé rách tơi tả. Cựu đại tá Không quân Mỹ Raymond Powell ghi nhận trong năm 2023 và 2024 đã xảy ra vô số vụ va chạm vì Trung Quốc leo thang.

Từ khi Bongbong Marcos lên làm tổng thống tháng 5/2022, chính phủ Philippines công khai dựa vào đồng minh Mỹ. Những vụ tuần duyên Trung Quốc hà hiếp trước đây vẫn được giữ kín, nay chiếm những hàng tít lớn trên báo. Tại Diễn đàn Shangri-La ở Singapore hôm 31/05, ông Marcos khẳng định luật pháp quốc tế đứng về phía mình, và bên lề hội nghị, Philippines và Mỹ lần đầu tiên quyết định sẽ tuần tra chung tại vùng đặc quyền kinh tế Philippines.

Duterte quỵ lụy vẫn bị Tập Cận Bình dọa chiến tranh

Đến ngày 03/06, tổng thống Philippines tiếp đón đồng nhiệm Ukraine trong chuyến thăm bất ngờ của Volodymyr Zelensky. Antonio Carpio, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, người đi khắp thế giới để bênh vực quyền lợi đất nước, cho rằng nếu Nga và Trung Quốc chiến thắng, luật của kẻ mạnh sẽ trở lại. Đặc biệt Mỹ đã giúp Philippines tham gia các sáng kiến khu vực, như cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Phi hồi tháng 4, và cuộc họp bộ trưởng quốc phòng bốn bên Mỹ-Nhật-Úc-Phi đầu tháng 5, được mệnh danh là "Squad" - như Bộ Tứ Quad (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc).

Le Monde nhắc lại, cựu tổng thống Rodrigo Duterte thân Trung Quốc từng tạm ngưng hiệp ước quốc phòng hỗ tương với Mỹ, hy vọng Bắc Kinh sẽ đầu tư khai thác trữ lượng khí đốt ở dải Reed nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuy nhiên đến 2019, Duterte tiết lộ Tập Cận Bình từng đe dọa chiến tranh khi ông ta định kêu gọi một công ty không phải của Trung Quốc tham gia. Và năm 2022 Duterte chấm dứt thương lượng vì Bắc Kinh bác bỏ đến cùng việc minh định mỏ khí đốt này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Dù rằng theo các chuyên gia, Trung Quốc thật ra chẳng cần đến số khí đốt này vì chi phí vận chuyển quá mắc.

Khi Bongbong Marcos lên thay, tháng /2024 tân tổng thống sang Bắc Kinh trong nỗ lực cuối cùng thuyết phục Tập Cận Bình nhưng thất bại. Trong khi đó khí đốt ở dải Reed vô cùng cần thiết cho Manila vì mỏ Malampaya đang cung cấp 40% nhu cầu điện cho đảo Luçon sắp cạn kiệt. Lòng tham vô độ của Bắc Kinh khiến Marcos nhất quyết quay sang phía Mỹ. Chỉ một tháng sau, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin loan báo mở rộng thêm bốn căn cứ quân sự tại Philippines, nâng tổng số lên 9 căn cứ.

Trung Quốc coi láng giềng Đông Nam Á là chư hầu

Vấn đề rất quan trọng cho Hoa Kỳ : trong trường hợp Trung Quốc xâm lăng Đài Loan, Philippines là mắt xích yếu ở sườn phía tây. Từ khi Trung Quốc sở hữu các vũ khí hiện đại như hỏa tiễn "diệt hàng không mẫu hạm", việc gởi tàu sân bay Mỹ đến chưa đủ sức răn đe. Chiến lược của Hoa Kỳ không còn là đưa quân tăng cường thường trực, mà luân chuyển các đơn vị, gia tăng các đối tác, tập trận chung, phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho chiến tranh cường độ cao. Hỏa tiễn Tomahawk lần đầu tiên được đưa đến Philippines trong cuộc tập trận gần đây.

Theo nhà nghiên cứu François-Xavier Bonnet, Bãi Cỏ Mây với độ sâu 2.500 mét có thể giúp các tàu ngầm nguyên tử ẩn nấp, nên Trung Quốc muốn chiếm giữ khu vực này. Nghịch lý là một mặt Bắc Kinh triển khai lực lượng xứng đáng mức đại cường quân sự, mặt khác dùng chiến tranh du kích bằng tuần duyên và dân quân biển giả dạng ngư dân để thường xuyên quấy phá. Tiến sĩ Benjamin Blandin, Viện Công giáo Paris nhận định, với chiến lược "bất chiến tự nhiên thành", Trung Quốc sách nhiễu hoạt động thăm dò của các láng giềng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, làm áp lực về kinh tế…

Trường hợp xác tàu Sierra-Madre được Manila dùng để khẳng định chủ quyền, Bắc Kinh chờ đợi chiếc tàu đã quá cũ kỹ này tự mục rã. Theo Trung Quốc thì Duterte đã hứa không cải tạo tàu, nhưng chính quyền Marcos đáp trả rằng lời nói miệng không giá trị. Bắc Kinh đòi hỏi Manila phải báo trước mỗi khi muốn tiếp tế, cấm tất cả vật liệu xây dựng. Trong Bộ quy tắc ứng xử đang thương lượng với ASEAN, Trung Quốc đòi các nước khác phải xin phép mình nếu muốn tập trận chung với một quốc gia ngoài khu vực. Tóm lại theo François-Xavier Bonnet : "Các nước nhỏ yếu là chư hầu".

Kinh tế, một mặt trận khác

Sự quay lại Philippines của Mỹ còn về kinh tế. Ít lệ thuộc hơn vào Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu là rất quan trọng vì Bắc Kinh thường xuyên chơi trò o ép. Nhờ cảng nước sâu, khu kinh tế tự do Vịnh Subic thu hút các công ty điện tử Nhật Bản, Đài Loan. Tập đoàn Hàn Quốc Hanjin có nhà máy đóng tàu tại đây, giúp Philippines lên hàng thứ tư thế giới và khi Hanjin bị phá sản năm 2019, Trung Quốc rục rịch nhảy vào.

Tháng 3/2022, trước bầu cử tổng thống Philippines, quỹ đầu tư Mỹ Cerberus Capital Management thuê lại cơ sở Hanjin trong 50 năm, đổi tên là Agila Subic. Quỹ này đầu tư nhiều vào quốc phòng, được cho là thân cận với Lầu Năm Góc. Theo các chuyên gia, hải quân Philippines đang muốn mua tàu ngầm, cũng sẽ đóng tại Agila Subic. Dự án đường xe lửa Clark-Subic Bay trước đây định làm với Trung Quốc, nay dự kiến bổ sung vào "hành lang kinh tế Luçon", một kế hoạch đầu tư quy mô. Một trong các mục tiêu là tạo điều kiện để các công ty rời khỏi Trung Quốc để tránh bị Mỹ trừng phạt. Vấn đề còn lại là chính trị nội bộ : Rodrigo Duterte vẫn đang "phục kích", sau khi cài cắm được con gái làm phó tổng thống.

Bầu cử Quốc hội : Tựa chính tất cả báo Pháp

Bầu cử Quốc hội đã cận kề, tất cả các báo Pháp đều dành trang nhất cho chủ đề này. Le Figaro đưa tít "Emmanuel Macron trước nguy cơ phải sống chung với đảng khác". Trước dự báo khó khăn của phe đa số mãn nhiệm, trong lá thư gởi đến người dân Pháp tối Chủ nhật, Emmanuel Macron bảo đảm vẫn là tổng thống đến tháng 5/2027 dù kết quả như thế nào đi nữa. Tuy nhiên nhật báo cánh hữu đánh giá hoạt động của ông sẽ bị giới hạn.

Libération kêu gọi huy động chống lại cực hữu, tờ báo thay chữ "Công dân hãy cầm vũ khí" (Aux armes, les citoyens !) trong quốc ca thành "Hãy dùng truyền đơn" (Aux tracts citoyens !). Biểu tình, phân phát truyền đơn, gõ cửa từng nhà, tổ chức giữa các hiệp hội, nghiệp đoàn, hàng xóm... Bây giờ là lúc xã hội dân sự vận dụng mọi phương tiện để chặn bóng ma cực hữu.

Le Monde nhận thấy đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) cố tỏ ra "bình thường hóa". Trong nhiều điểm chủ chốt của chương trình, bà Marine Le Pen nói rằng sẵn sàng thương lượng, với ý đồ đánh bóng hình ảnh.

Tuy vậy RN vẫn trung thành với chủ trương bài ngoại, không cho người nước ngoài được hưởng phúc lợi xã hội cũng như quyền công dân. Đảng cực hữu muốn cấm người song tịch không được làm công chức trong một số lãnh vực. Nhiều ứng cử viên RN trong kỳ bầu cử này có quan điểm cực đoan hơn nhiều so với những gì chủ tịch đảng Jordan Bardella tuyên bố. Kiến nghị của những người làm việc tại Bộ Ngoại giao cho thấy nỗi lo khi RN cầm quyền.

La Croix đăng ảnh thủ tướng trẻ tuổi Gabriel Attal, nhấn mạnh đây là "Lá bài cuối cùng của phe Macron". Trong tuần lễ vận động tối hậu này, đảng cầm quyền phải thuyết phục cử tri để cho chính quyền Macron tiếp tục đường hướng chính trị. Les Echos chạy tít "Cuộc chiến giành điện Matignon", đăng ảnh ba nhân vật Jean-Luc Mélenchon (cực tả), đương kim thủ tướng Gabriel Attal, và Jordan Bardella (cực hữu). Hôm nay Bardella trình bày kế hoạch chi tiết nhằm cố gắng trấn an về tính khả thi của chính sách kinh tế. Đối với những người lãnh đạo các đảng chính, thời kỳ hậu Macron đã bắt đầu.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Châu Á

M nói tình hình Bin Đông rt đáng lo ngi

Reuters, VOA, 23/06/2024

Tr lý Ngoi trưởng Hoa K đc trách các vn đ Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink ngày th By nói tình hình Bin Đông rt đáng lo ngi, và nói các hành đng gn đây ca Trung Quc ti vùng bin tranh chp này là "gây bt n rt nhiu".

biendong1

Tr lý Ngoi trưởng Hoa K đc trách các vn đ Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink

Ông Kritenbrink đưa ra phát biu này trong chuyến thăm Hà Ni, trong bi cnh căng thng gia tăng gia Trung Quc và Philippines Bin Đông, nơi Vit Nam cũng có tuyên b ch quyn.

"Chúng tôi cho rng các hành đng ca Trung Quc, đc bit là nhng hành đng gn đây ca nước này, xung quanh Bãi cn Second Thomas, đi vi Philippines là vô trách nhim, hung hăng, nguy him và gây bt n rt nhiu", ông Kritenbrink nói trong mt cuc hp báo vi vài cơ quan báo chí được phép tham d Hà Ni.

"Chúng tôi s tiếp tc sát cánh cùng vi đng minh Philippines ca mình", ông Kritenbrink nói, đng thi cho biết thêm rng Washington đã nói rõ mt cách công khai ln riêng tư vi Bc Kinh rng các nghĩa v trong hip ước phòng th chung mà h có vi Philippines là "st đá".

Ngày th Sáu, các quan chc Philippines nói h không xem xét kích hot hip ước phòng th chung vi M sau khi cáo buc Trung Quc hung hăng làm gián đon nhim v tiếp tế Bin Đông có tranh chp trước đó trong tháng này.

B ngoi giao Trung Quc bác b tường thut ca Philippines, vi mt phát ngôn viên hôm th Năm nói rng các bin pháp cn thiết được thc hin là hp pháp, chuyên nghip và không th chê trách được.

"Chúng tôi cho rng mi quc gia trong khu vc, bao gm c Trung Quc, cn tôn trng lut pháp quc tế và cn hành x có trách nhim trong lĩnh vc hàng hi", ông Kritenbrink nói.

Trung Quc tuyên b ch quyn gn như toàn b Bin Đông, nơi khi lượng thương mi bng tàu bin tr giá hơn 3 ngàn t đôla đi qua hàng năm, bao gm các khu vc mà Philippines, Vit Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên b ch quyn.

Năm 2016, Tòa án Trng tài Thường trc The Hague phán quyết yêu sách ca Trung Quc không có cơ s pháp lý. Bc Kinh đã bác b phán quyết này.

Nguồn : VOA, 23/06/2024

***************************

Biển Đông căng thẳng, Việt Nam muốn nói chuyện với Philippines

BBC, 23/06/2024

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink nói rằng tình hình ở Biển Đông rất đáng lo ngại và cho biết các hành động gần đây của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp là "gây bất ổn sâu sắc". Cùng lúc, đã có những "thông điệp qua lại" giữa Việt Nam và Philippines.

biendong2

Trung Quốc được cho là đang nỗ lực xới lên những mâu thuẫn giữa Philippines và Việt Nam

Ông Kritenbrink, chuyên phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã nêu ý kiến vào hôm 22/6 trong chuyến công du tới Hà Nội  (21 và 22/6).

Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông leo thang và Việt Nam cũng là một nước có tuyên bố chủ quyền ở khu vực này, theo Reuters.

Trợ lý ngoại trưởng Kritenbrink từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

"Chúng tôi cho rằng các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là các động thái gần đây của nước này xung quanh Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đối với Philippines, là vô trách nhiệm, hung hăng, nguy hiểm và gây bất ổn sâu sắc", Reuters dẫn phát biểu của ông Kritenbrink trong cuộc họp báo ở Hà Nội.

Các quan chức Philippines vào hôm 21/6 cho biết họ không cân nhắc việc kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ sau khi cáo buộc Trung Quốc gây hấn cản trở nhiệm vụ tiếp tế tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông vào đầu tháng 6/2024.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Philippines. Người phát ngôn bộ này khẳng định đó là các hành động "hợp pháp, chuyên nghiệp và không thể bị chỉ trích".

"Chúng tôi cho rằng mọi quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, cần tôn trọng luật pháp quốc tế và cần hành xử có trách nhiệm trong lĩnh vực hàng hải", ông Kritenbrink nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink đến Hà Nội vào thứ Sáu ngày 21/6 ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin - chuyến thăm bị Washington chỉ trích gay gắt.

Khi được hỏi về chính sách đối ngoại của Việt Nam và việc Hà Nội tiếp đón ông Putin, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trả lời :

"Chỉ Việt Nam mới có thể quyết định cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy lợi ích của mình".

biendong3

Tàu Philippines bị tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng trên Biển Đông vào đầu tháng 3/2024

Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Philippines

Ngay trước chuyến công du của ông Kritenbrink đến Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cho biết sẵn sàng đàm phán với Philippines sau khi Philippines đệ trình Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc.

"Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói hôm 20/6.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng các quốc gia ven biển có trách nhiệm tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia ven biển khác có đường bờ biển đối diện hoặc liền kề khi đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa của mình.

Bà Hằng khẳng định "Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước".

biendong4

Đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp vào tháng 3/2023.

Trước đó vào hôm 15/6, Philippines đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc yêu cầu về thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông.

"Hôm nay, chúng tôi bảo đảm tương lai của mình bằng cách tuyên bố quyền độc quyền việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi ECS của chúng tôi", Reuters dẫn lời tuyên bố của ông Marshall Louis Alferez - Trợ lý Ngoại trưởng Philippines.

Bộ Ngoại giao nước này cho biết việc đệ trình đã được Tổng thống Ferdinand Marcos Jr chấp thuận và dựa trên nghiên cứu kỹ thuật và khoa học toàn diện về thềm lục địa ở Biển Tây Philippines - cách gọi của Philippines đối với một phần Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.

Cũng trong ngày 15/6, quy định mới của Trung Quốc trên Biển Đông cho phép lực lượng cảnh sát biển bắt và giam giữ người nước ngoài bắt đầu có hiệu lực.

'Việt Nam và Philippines nên hợp tác'

biendong5

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 1/2024

Bên cạnh căng thẳng với Bắc Kinh, việc Việt Nam tích cực bồi đắp ở quần đảo Trường Sa  trong năm nay có thể gây xung đột với Manila, theo một bài viết trên báo SCMP vào hôm 20/6.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho thấy Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp tại quần đảo Trường Sa trong 6 tháng qua. Diện tích đất bồi đắp đạt 280 ha, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động này tập trung chủ yếu tại các bãi cạn, điểm đảo như Thuyền Chài, Nam Yết, Phan Vinh và Đá Lớn. Mục đích được cho là để củng cố chủ quyền và tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam tại Biển Đông.

John Bradford, Giám đốc điều hành Hội đồng Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương Yokosuka, nhận định với SCMP việc xây đảo của Việt Nam cho thấy tính phức tạp của các tranh chấp ở Biển Đông, nơi các cuộc thảo luận thường đơn giản hóa vấn đề thành Trung Quốc đối đầu với Đông Nam Á, trong khi các quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền cũng có những bất đồng.

Tuy nhiên, ông Bradford cũng nhấn mạnh hoạt động xây đảo của Việt Nam  không phải là mối đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của Manila, và rất khó có khả năng quan hệ Philippines - Việt Nam sẽ leo thang thành khủng hoảng.

Joshua Espeña, nghiên cứu viên thường trú và phó chủ tịch của Viện nghiên cứu Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Manila, chia sẻ với SCMP rằng các hoạt động của Việt Nam không gây ra mối đe dọa an ninh ngắn hạn đối với lợi ích của Philippines do quy mô hoạt động còn hạn chế so với Trung Quốc.

Tuy vậy, ông lưu ý rằng Hà Nội có thể gây ra mối đe dọa an ninh lâu dài cho Manila nếu hai nước không xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn và thiết lập các cơ chế hợp tác.

Mặc dù theo nhiều nhà quan sát, hai nước đều xem Trung Quốc là mối đe dọa  chung trên Biển Đông, nhưng nhiều người Philippines cũng coi Việt Nam như một "kẻ thù" khác.

Trên báo The Manila Times ngày 10/6, nhà hoạt động và bình luận viên người Philippines Rigoberto D. Tiglao mô tả Việt Nam là "mối đe dọa khác ở Biển Đông".

Tháng 8/2023, những người biểu tình Philippines đã xé cờ Việt Nam trước Đại sứ quán Việt Nam tại Manila sau khi truyền thông địa phương đưa tin về cáo buộc "quân sự hóa" của Hà Nội ở Biển Đông.

Vào đầu tháng 5/2024, tờ Inquirer của Philippines tường thuật nhận định của các học giả tại một viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Philippines và Việt Nam nên củng cố hợp tác  nhằm bảo vệ lợi ích chung trước những "hoạt động cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tiến sĩ Lori Forman từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS, Mỹ) khẳng định sự hợp tác giữa Philippines và Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa, đồng thời nhấn mạnh "hai quốc gia có chung những lợi ích cốt lõi, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác".

Giáo sư Alexander L Vuving từ DKI APCSS nhận xét Việt Nam và Philippines là hai quốc gia dễ bị tổn thương bởi chính sách "chia để trị" của Trung Quốc.

"Là những quốc gia nhỏ hơn, Philippines và Việt Nam nên hợp tác để giảm bớt sự chênh lệch quyền lực với Trung Quốc. Hai nước có thể chia sẻ kinh nghiệm và các cách thức hiệu quả nhất để chống lại hành động cưỡng ép", ông Vuving nói.

Một trong những bước đi đáng chú ý trong hợp tác hàng hải giữa Việt Nam và Philippines là thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước  được ký trong chuyến thăm của ông Marcos tới Hà Nội hồi tháng 1/2024.

Liên quan đến vấn đề giữa ba nước này, ông Vuving từng nói với BBC vào tháng 1/2024 :

"Chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam và Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc".

Nhận định về vai trò của Nga trên Biển Đông nhân dịp ông Putin sang thăm Việt Nam, Giáo sư Vuving bình luận với BBC vào ngày 18/6 :

"Về Biển Đông, các công ty dầu khí của Nga góp phần giúp Việt Nam giữ chủ quyền lãnh thổ ở khu vực này. Mặt khác, khi Nga giúp Việt Nam ở Biển Đông thì không bị Trung Quốc phản ứng mạnh như khi Mỹ hay Nhật Bản giúp".

Nguồn : BBC, 23/06/2024

***************************

Vit Nam tăng cường bi đp trên Bin Đông ‘đ cng c ch đng’

VOA, 23/06/2024

Vic Vit Nam tăng tc tôn to các thc th h nm gi trên Bin Đông là nhm tn dng thi cơ đ cng c ch đng chân trên vùng bin tranh chp trước tình hình Bc Kinh ngày càng hung hăng, các nhà phân tích nhn đnh vi VOA.

biendong6

Song T Tây, mt thc th do Vit Nam chiếm gi trên Bin Đông

Ch trong 6 tháng tính t tháng 11 năm ngoái, din tích đo mà Vit Nam đã bi đp trên Bin Đông đã gn bng din tích bi đp ca c hai năm 2022 và 2023 cng li, Sáng kiến Minh bch Hàng hi Châu Á (AMTI), cơ quan theo dõi din biến thc đa trên Bin Đông trc thuc Trung tâm Nghiên cu Chiến lược Quc tế (CSIS) có tr s Washington D.C., cho biết.

Theo đó, báo cáo mà cơ quan này công b hôm 7/6 cho thy Vit Nam đã bi đp 280 ha trên 10 thc th mà h nm gi qun đo Trường Sa, so vi 163 ha trong sut 11 tháng đu năm 2023 và 138 ha trong c năm 2022

Tính tng cng thì din tích Vit Nam đã bi đp Trường Sa cho đến nay là 955 ha, cũng theo AMTI, gn bng mt na tng din tích đo nhân to ca Trung Quc trên Bin Đông.

Chính nh công vic tôn to này mà Vit Nam đã có bn tin đn ln trên Bin Đông, bao gm Bãi Thuyn Chài, Đo Nam Yết, Đo Phan Vinh và Bãi Đá Ln, xếp sau ba tin đn ln nht trong khu vc là Bãi Vành Khăn, Bãi Su Bi và Bãi Ch Thp tt c đu do Trung Quc nm gi, cũng theo AMTI.

‘Tăng cường hin din

Khong thi gian Vit Nam cp tp bi đp đo cũng là sau khi quc gia này va nâng cp quan h vi M lên đi tác chiến lược toàn din và cam kết xây dng cng đng chia s tương lai vi Trung Quc trong lúc căng thng gia Bc Kinh và Manila trên Bin Đông dâng cao.

Thi đim này rt phù hp đ Vit Nam thc hin công vic tôn to, Thc sĩ Hoàng Vit, ging viên Đi hc Lut thành ph H Chí Minh và là nhà theo dõi tình hình Bin Đông, nói vi VOA.

Ông nêu ra mt s lý do mà Vit Nam cn phi bi đp đo. Th nht là đ có cơ s cu nn cho ngư dân gp nn trên bin cũng như kim soát tình trng ngư dân đánh bt trái phép trong vùng bin nước khác.

"Mt s căn c và tin đn mà Vit Nam đã xây trước đây nó quá nh hoc là đã xung cp trong môi trường b nước bin tàn phá nên Vit Nam cn phi m rng thêm", ông ch ra lý do th hai.

Ngoài ra, Vit Nam đã hc bài hc kinh nghim t nhng v đi đu mi đây gia Trung Quc và Philippines Bãi C Mây mà Vit Nam nhn thy là Philippines rơi vào thế yếu vì không có căn c đó.

"Nếu mà mun gi được s hin din ca mình trên mt s thc th mà Vit Nam đang chiếm gi thì Vit Nam cn phi tôn to", ông Hoàng Vit nói.

Theo lý gii ca ông thì nếu Vit Nam hay Philippines có s hin din vng chc các thc th có tranh chp thì nếu Trung Quc mun gây hn cũng s phc tp hơn rt nhiu. "Khó mà đy quc gia nào đã có s đn trú bn vng ra khi ch đng", ông nói.

Bên cnh đó, cng c s hin din trên nhng thc th này còn cho phép Vit Nam kim soát được mt vùng bin rng ln xung quanh, cũng theo li nhà nghiên cu này.

Trao đi vi VOA, ông Harrison Prétat, phó giám đc AMTI, cơ quan báo cáo vic bi đp ca Vit Nam trên Bin Đông, nhn đnh rng vic này s đem li cho Vit Nam thêm mt vài cng ln qun đo Trường Sa.

"Nó s cho phép Vit Nam bt đu cho các tàu cnh sát bin và tàu dân quân hot đng lâu hơn các vùng bin tranh chp mà không cn phi đi xa v đt lin [đ tiếp tế]", ông Prétat nói và ch ra kh năng Hà Ni có th s xây đường băng th hai ca h qun đo Trường Sa đ tăng cường kh năng vn chuyn hàng hóa và nhân lc nhanh chóng cũng như t chc tun tra trên không trong vùng bin này.

Theo quan sát ca ông thì s dĩ Vit Nam bi đp nhanh chóng trong 6 tháng qua là do nước này ngày càng bi đp thun thc vì nhân công làm vic ngày càng có kinh nghim sau hai năm, ch không phi là quyết đnh chiến lược ca Hà Ni.

‘Thc tế nghit ngã’

Vic Hà Ni tăng cường tôn to các đo din ra sau các hành đng tương t nhưng quy mô ln và mang tính quân s hóa ca Trung Quc vn đã b các nước, trong đó có M và Vit Nam, lên án. Tuy nhiên, ông Hoàng Vit không cho rng Hà Ni tiêu chun kép hay ‘đo đc gi.

"Chính s hung hăng ca Trung Quc cng vi vic Trung Quc bi đp đã khiến Vit Nam phi làm công vic này, vì trước đó Vit Nam cũng không cn phi tôn to nhiu làm gì. Trong bi cnh này rõ ràng chúng ta đã thy mc dù Philippines đã có chiến thng trước Trung Quc trong mt phiên tòa vi phán quyết lng danh, nhưng nếu không có sc mnh tht s, không có s hin din tht s trên bin thì cũng không gii quyết được vn đ", ông Hoàng Vit lp lun, ý nhc đến phán quyết hi năm 2016 ca Tòa Trng tài Thường trc vn bác b tuyên b ch quyn lch s ca Bc Kinh đi vi đường chín đon trên Bin Đông là không có cơ s pháp lý’.

Ông tha nhn vic Hà Ni hay Bc Kinh bi đp đo theo lut pháp quc tế, c th là Công ước Liên Hip Quc v Lut bin (UNCLOS) là không có ý nghĩa gì’ và không h thay đi bn cht pháp lý các thc th có tranh chp, nhưng ông cho rng Hà Ni không th ch đi theo lut pháp đ đi phó vi Trung Quc được.

"Thc tế nghit ngã hơn rt nhiu. Có khi lut tuyên b anh có quyn chính danh nhưng trên thc tế anh không có sc mnh đ theo đui quyn đó", ông phân tích.

Ông cũng cho biết Bc Kinh cũng khó mà phn ng trước vic làm ca Hà Ni mc dù nó nh hưởng đến tuyên b ch quyn ca Trung Quc. "Nếu h phn đi thì h làm gp my ln Vit Nam ai phn đi đây ?" ông ch ra.

t nht là mc tiêu ca Vit Nam cũng khác [vi Trung Quc]. Vit Nam tôn to là đ phát trin và bo v ch không phi đ đe da hay xâm ln các nước khác", ông nói thêm.

Có s Manila phn ng ?

Không ch tranh chp vi Bc Kinh mà Hà Ni còn có tranh chp vi Manila v các thc th mà h chiếm gi và bi đp qun đo Trường Sa. Tuy nhiên, Thc sĩ Hoàng Vit nói ông không lo ngi v tác đng ca vic làm ca Vit Nam đi vi Philippines.

Hôm 9/6, phó đ đc Roy Vincent Trinidad, phát ngôn nhân ca Hi quân Philippines, đã nói trên đài phát thanh Super Radyo dzBB rng hi quân Philippines ‘đang theo dõi Vit Nam bi đp đo trong vùng đc quyn kinh tế ca nước này trên Bin Tây, cách gi ca Manila đi vi vùng bin này.

Tuy nhiên, ông cũng nhn mnh rng không như Trung Quc, Vit Nam không có nhng hành đng phi pháp, cưỡng ép, gây hn và la gt nhm vào chúng tôi và cho biết Manila và Hà Ni có quan h thân thin.

Cũng trong hôm 9/6, ông Jay Tarriela, phát ngôn nhân lc lượng tun dương Philippines khi đ cp đến hành đng ca Vit Nam trước báo gii đã cho rng Vit Nam không quy ri ngư dân chúng tôi cũng như không trin khai phi pháp tàu hi cnh và lc lượng bán quân s đến vùng bin xung quanh các thc th ca chúng tôi.

"Vit Nam ch lo công vic ca h mà thôi", ông Jay Tarriela khng đnh.

Chuyên gia Harrison Prétat AMTI ch ra rng mc dù Vit Nam và Philippines có tranh chp trên Bin Đông nhưng nhng v đng đ gia tàu hai bên trong nhng năm qua hiếm khi xày ra và Vit Nam cũng không có hành đng gì đ khng đnh yêu sách ch quyn mt cách cưỡng ép như Trung Quc.

"Mc dù tôi không cho rng Manila hào hng gì khi Vit Nam m rng các tin đn, h không coi đó là mi đe da đi vi hot đng hàng hi ca mình", ông phân tích. "Manila quan tâm nhiu hơn đến hành x ca Trung Quc và n lc ca nước này nhm hn chế hot đng ca ngư dân, lc lượng tun duyên và quân đi Philippines".

Tr li câu hi vic Vit Nam tôn to có làm cho M mt nim tin hay không vì Washington tng lên án mnh m Bc Kinh bi đp và quân s hóa Bin Đông, ông Harrison Prétat nói có nhng người thy rng hành đng ca Vit Nam là đáng lo ngi vì nó khiến Hà Ni mt tư cách đ ch trích Bc Kinh hay to cái c đ Bc Kinh bin h cho hành đng ca h.

"Nhưng tôi không nghĩ ai đó tht s quan ngi v nhng gì mà Vit Nam s làm vi các tin đn này t quan đim chiến lược. Không có ai quan ngi Vit Nam s tn dng các tin đn này đ gây sc ép cho các nước tranh chp khác như Trung Quc", ông nói thêm và nhn mnh M đang xem Vit Nam là đi tác đ cùng bo v trt t da trên lut l Bin Đông.

Thc sĩ Hoàng Vit cho rng M hiu mc đích tôn to ca Vit Nam và ch ra đến nay M chưa tng lên tiếng phn đi.

Phi hp ti đâu ?

Tr li câu hi trước s hung hăng ngày càng tăng ca Trung Quc trên Bin Đông, Hà Ni và Manila có th cùng nhau phi hp đến đâu, ông Prétat cho biết Manila xem Hà Ni là đi tác tim năng.

"Vit Nam là nước tranh chp duy nht ngoài Philippines có lp trường tương đi mnh m trước nhng hành đng ca Trung Quc trên Bin Đông", ông ch ra.

Tuy nhiên, Hà Ni có mt s dè dt, cũng theo li chuyên gia này, vì nếu không có s đng lòng ca c khi ASEAN hay mt s nước tranh chp khác như Malaysia hay Indonesia thì Hà Ni s không mun đi đu trc tiếp công khai vi Bc Kinh mt cách quyết lit như Manila.

Ông Hoàng Vit thì nói mc dù Hà Ni và Manila có lp trường ging nhau trên Bin Đông, chng hn như duy trì nguyên trng, tôn trng lut pháp quc tế, lo ngi v s qu quyết ca Trung Quc, nhưng cách tiếp cn Trung Quc khác nhau khiến hai nước khó có th hp tác cht ch hơn trên Bin Đông.

Khác vi Manila đang đi đu vi Trung Quc công khai và quyết lit trên Bin Đông, Hà Ni dường như chn cách nói chuyn kín đáo vi Trung Quc trong hu trường đ không làm ln chuyn hay làm mt mt Bc Kinh, theo quan sát ca VOA.

Ông Hoàng Vit ch ra khi căng thng gia Bc Kinh và Manila dâng cao, trong các phát ngôn ca mình Hà Ni đu ngm th hin thái đ đng v phía Manila.

Chng hn như hôm 21/6, khi tr li báo gii v v va chm gia tàu thc thi pháp lut ca Trung Quc và tàu tiếp tế ca Philippines Bãi C Mây, phát ngôn nhân B Ngoi giao Vit Nam Phm Thu Hng không lên án Bc Kinh nhưng kêu gi các bên tôn trng quyn ch quyn, quyn tài phán đi vi vùng đc quyn kinh tế, thm lc đa ca quc gia ven bin được xác lp phù hp vi Công ước Liên Hp Quc v Lut Bin.

Thc sĩ Hoàng Vit nói cá nhân ông mong mun Hà Ni và Manila s có s phi hp cht ch hơn trên Bin Đông, chng hn như cùng thăm dò, nghiên cu và bo tn khu vc đánh bt vùng bin chng ln gia hai nước.

Nhưng do Vit Nam có nguyên tc 4 không trong quan h đi ngoi, ông Vit cho rng không có kh năng Hà Ni liên minh vi Manila chng Trung Quc’

Nguồn : VOA, 23/06/2024

Published in Châu Á

Nguy cơ chiến tranh với "chiến thuật mới" chống tàu Philippines của Trung Quốc

Trọng Thành, RFI, 20/06/2024

Những diễn biến đầu tuần thứ ba tháng 6/2024 tại quần đảo Trường Sa, Biển Đông, cho thấy Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật với các hành động bạo lực gia tăng thêm một nấc nhắm vào tàu thuyền Philippines tiếp tế cho đơn vị hải quân nước này đồn trú tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền. Mức độ hung hãn của Hải cảnh Trung Quốc khiến một số nhà quan sát lo ngại nguy cơ xung đột bùng phát, châm ngòi cho chiến tranh quy mô toàn cầu.

biendong1

Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật với các hành động bạo lực gia tăng thêm một nấc nhắm vào tàu thuyền Philippines tiếp tế cho đơn vị hải quân nước này đồn trú tại Bãi Cỏ Mây

Báo Nhật Japan Times mô tả hành động khác thường cho thấy Trung Quốc dường như đã có một "chiến thuật mới". Tại khu vực xung quanh Bãi Cỏ Mây, từ nhiều năm nay tàu thuyền hai bên thường xuyên va chạm, với đỉnh điểm là việc Trung Quốc phun vùi rồng làm bị thương nhiều thủy thủ Philippines hồi tháng 3, tháng 4/2024 vừa qua. Tuy nhiên, hành xử của Trung Quốc hôm 17/06 vừa qua là rất khác trước. 

Đưa người xông lên tàu công vụ Philippines

Hành động bạo lực của Hải cảnh Trung Quốc nhắm vào một chuyến đi luân chuyển và tiếp tế cho đơn vị đồn trú ở Bãi Cỏ Mây, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Truyền thông Philippines hôm 18/06 cho biết có nhiều người bị thương, trong đó có một thủy thủ bị đứt ngón tay. Nhưng điểm đặc biệt mới lần này là việc "lần đầu tiên" Trung Quốc cho người ập lên thuyền Philippines, lấy đi một số vũ khí. 

Ngay sau vụ này, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Philippines về hành xử của Trung Quốc. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Matthew Miller, hai bên đã ghi nhận việc hành động của Hải cảnh Trung Quốc "thách thức hòa bình và ổn định của khu vực". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đến việc "các tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng, đâm, ngăn chặn và kéo một số tàu Philippines bị hư hỏng một cách nguy hiểm và có chủ đích, gây nguy hiểm tính mạng của các quân nhân Philippines". Việc kéo tàu Philippines và nhân viên Trung Quốc xông lên tàu công vụ quốc gia láng giềng, dùng vũ lực tước đoạt tài sản, được coi là một chiến thuật mới của Bắc Kinh hoàn toàn khác trước, nhằm gia tăng áp lực lên Philippines. 

Lần đầu tiên cho phép Hải cảnh "giam giữ hành chính"

Chiến thuật mới gia tăng bạo lực chống tàu thuyền Philippines nói trên diễn ra ngay sau khi quyết định bắt giữ người nước ngoài bị tình nghi xâm nhập trái phép các vùng biển mà Trung Quốc coi là thuộc quyền chủ quyền chính thức có hiệu lực từ ngày 15/06, một tháng sau khi Hải cảnh Trung Quốc ban hành "Quy định thủ tục thực thi hành chính của Cảnh sát biển", tối đa đến 60 ngày mà không cần qua xét xử. 

Biển Đông : Hải cảnh Trung Quốc dùng chiến thuật bầy đàn tấn công binh sĩ Philippines

Theo giới quan sát, đây là lần đầu tiên, Trung Quốc ban hành thủ tục cho phép lực lượng Hải cảnh "giam giữ hành chính". Sau cuộc cải cách năm 2018, Hải cảnh Trung Quốc trực thuộc lực lượng Cảnh sát vũ trang, và lực lượng này thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có thẩm quyền sử dụng vũ lực ở quy mô rất khác. Việc Hải cảnh Trung Quốc có thể dùng súng và các vũ khí sát thương khác trong các hoạt động bắt người có thể dẫn đến bạo lực gia tăng.

Trong một bài tổng hợp về vấn đề này trên trang mạng chuyên về thời sự chính trị Châu Á Asialyst, nhà địa chính trị học Pháp Olivier Guillard chú ý đến không khí căng thẳng chưa từng có giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói đến việc chế độ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình là một mối "đe dọa sinh tồn" với Philippines. 

Tối hậu thư ngày 08/06

Trong những tuần gần đây, gần như không có ngày nào là không có sự cố hay khẩu chiến giữa hai bên, nhưng sự kiện được chuyên gia Olivier Guillard đặc biệt chú ý là ngày 08/06. Vào ngày này, Bắc Kinh thông báo cho phép người Philippines tiếp tục chuyển đồ tiếp viện đến cho lực lượng đóng trên còn tàu mắc cạn BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây, cột mốc khẳng định chủ quyền của Philippines từ năm 1999, nếu chấp nhận thông báo trước với phía Trung Quốc. Chính quyền Phillippines ngay lập tức bác bỏ đòi hỏi "phi lý, kỳ quặc và không thể chấp nhận được". 

Từ nhiều tháng nay, Bắc Kinh đã liên tục truyền đi thông điệp, trên nhiều kênh khác nhau, là giữa Trung Quốc và Philippines đã có một thỏa thuận không thành văn về việc phía Philippines có nghĩa vụ thông báo trước cho Trung Quốc về các cuộc di chuyển đến những địa điểm do Manila kiểm soát, như Bãi Cỏ Mây, mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Thỏa thuận ngầm được coi là đã được thông qua dưới thời tổng thống tiền nhiệm Duterte, và được các cấp chính quyền sau đó, từ bộ Quốc phòng đến các lực lượng địa phương tiếp tục thực hiện. 

Manila bác "thỏa thuận ngầm", Bắc Kinh bỏ chiến thuật "vùng xám"

Đầu tháng 5/2024, căng thẳng xung quanh vấn đề được gọi là "thỏa thuận ngầm" dâng đến đỉnh điểm. Phía Trung Quốc lên án Philippines bội ước và dọa công bố các thông tin liên quan, Manila đáp trả với đe dọa truy tố, bỏ tù những người tung tin và cảnh báo có thể trục xuất nhân viên ngoại giao Trung Quốc. Việc có một "thỏa thuận ngầm" nói trên giữa chính quyền Philippines với Trung Quốc nhằm giảm nhẹ các căng thẳng ở Biển Đông thời tổng thống tiền nhiệm và tiếp tục được duy trì một cách không chính thức hay không ? Đối với nhiều nhà quan sát câu hỏi vẫn để ngỏ. Cho đến cuối tháng 5 vừa qua, trong nội bộ Philippines vẫn tiếp tục có những áp lực để điều tra làm rõ vụ việc.

Trên thực tế, yêu sách của Trung Quốc ngày 08/06 nói trên, được đưa ra một tuần trước khi quyết định "giam giữ hành chính" người nước ngoài đến 60 ngày của Trung Quốc tại Biển Đông chính thức có hiệu lực, có thể coi như một tối hậu thư gửi đến chính quyền Manila. Với quyết định chưa từng có nói trên, rõ ràng tại khu vực xung quanh Bãi Cỏ Mây quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh đã chuyển từ chiến thuật "vùng xám" truyền thống lấn dần từng bước một sang chiến thuật đối đầu trực diện.

Tham vọng của Trung Quốc, "thùng thuốc súng" Biển Đông

Thái độ được coi là trở nên cứng rắn chưa từng có của Bắc Kinh với Philippines chắc chắn có phần xuất phát từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại vùng biển này, nhưng cũng không thể tách khỏi phản ứng kiên quyết không kém từ phía Manila. Đầu tháng 4/2024, Mỹ, Nhật, Úc và Phillippines đã mở cuộc tập trận chung đầu tiên tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng 4 nước cũng đã lần đầu tiên họp tại Hawaii, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, để khẳng định đoàn kết. Hoa Kỳ, quốc gia có Hiệp ước phòng thủ chung với Manila, liên tục khẳng định sẵn sàng bảo vệ Philippines, nếu tàu hay người Philippines bị Trung Quốc tấn công. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh Manila sẽ không nhân nhượng một ly chủ quyền, và việc Trung Quốc cố tình giết hại thủy thủ Philippines là hành động "tuyên chiến".

Nhà địa chính trị học Olivier Guillard dẫn lại nhận định của chuyên gia Bob Savic, Viện nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng Global Policy Institut ở Luân Đôn, ví khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông giờ đây như "thùng thuốc súng" bán đảo Balkan năm xưa, khi vụ sát hại một nhà quý tộc người Áo đã làm bùng lên Đệ Nhất Thế chiến. Tình hình cũng tương tự tại vùng biển nhiệt đới xứ Đông Nam Á, nơi cái chết của một thủy thủ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến toàn cầu. 

Trọng Thành

****************************

Quan chc hi quân Philippines gi lc lượng hi cnh Trung Quc là ‘lũ man r

Reuters, VOA, 20/06/2024

Lc lượng hi cnh Trung Quc đã hành đng như mt "lũ man r" trong khi Philippines thc hin mt nhim v tiếp tế ti bãi cn tranh chp Bin Đông trong tun này, dn đến thương tích và hư hng đi vi các tàu bè, mt quan chc hi quân cp cao Philippines nói hôm th Năm (20/6).

biendong2

nh chp t video được quay vào ngày 17/6/2024 cho thy lc lượng hi cnh Trung Quc dường như có s dng dao trong mt cuc đng đ ngoài khơi Bãi C Mây.

Mt thy th Philippines b thương nng sau v đi đu mà quân đi nước này mô t là "c ý đâm ti vi tc đ cao" ca hi cnh Trung Quc, nhm làm gián đon nhim v tiếp tế cho quân đi đóng trên Bãi C Mây.

Lc lượng hi cnh Trung Quc, mà các quan chc quân s Philippines cho biết đã mang theo dao và giáo, đã cướp súng và "c tình đâm thng" các tàu Philippines tham gia s mnh.

"Chúng tôi chưa chun b cho kiu hành đng đó", điu phi viên hi quân Philippines Roy Trinidad nói trong mt cuc phng vn qua đin thoi hôm th Năm. "Chúng tôi tuân theo các quy tc giao chiến. H không được phép s dng súng ngoi tr trường hp t v".

Ông Trinidad nói nhng hành đng "bt hp pháp, hung hăng và di trá" ca Trung Quc làm tăng nguy cơ tính toán sai lm trên bin.

Tuy nhiên, B Ngoi giao Trung Quc phn đi tuyên b ca Philippines, khi mt c vn nói hôm th Năm rng các bin pháp cn thiết được thc hin là hp pháp, chuyên nghip và không th chê trách được.

"Các tàu Philippines không ch ch vt liu xây dng mà còn buôn lu vũ khí, thiết b và c tình đâm vào tàu Trung Quc", phát ngôn viên Lâm Kiếm ca Trung Quc nói.

"Nhng người không phi nhân s cũng tt nước và ném đ vt vào các quan chc thc thi pháp lut Trung Quc, điu này rõ ràng đã làm trm trng thêm tình hình căng thng trên bin, đe da nghiêm trng đến s an toàn ca nhân viên và tàu thuyn Trung Quc", ông Lâm nói trong mt cuc hp báo thường k.

Các cuc chm trán gia Philippines và Trung Quc, nước tuyên b ch quyn phn ln Bin Đông, ngày càng căng thng và thường xuyên hơn trong năm qua khi Bc Kinh thúc đy yêu sách ch quyn ca mình và Manila t chi ngng nhim v tiếp tế. Trung Quc coi nhng chuyến đi như vy là hành vi xâm nhp bt hp pháp và đã c gng đy lùi các tàu này.

"Cách tiếp cn ca chúng tôi là chính nghĩa. Nhưng nhng gì h đang làm là theo kiu cướp bin man r. Tôi gi h là mt lũ man r. H không có quyn mc đng phc, các hi cnh phi chu trách nhim v s an toàn ca sinh mng trên bin (nhưng) hành đng ca h gây nguy him cho sinh mng trên bin", ông Trinidad nói trong bình lun riêng vi các phóng viên.

"Điu đó không hay chút nào v mt quc gia mun tr thành cường quc toàn cu", ông Trinidad nói thêm.

Ngoi trưởng Hoa K Antony Blinken hôm th Tư đã có cuc gi vi Ngoi trưởng Philippines Enrique Manalo đ tho lun v các hành đng ca Trung Quc Bin Đông, điu mà Washington, Anh và Canada tng lên án.

Reuters

Nguồn : VOA, 21/06/2024

Additional Info

  • Author Reuters, Trọng Thành
Published in Châu Á

Bắc Kinh đang thử thách liên minh Mỹ-Philippines và chúng ta cần một chiến lược mới.

biendong1

Người biểu tình giẫm lên bức tranh biếm họa có hình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm phạm hàng hải của Trung Quốc trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Manila vào ngày 9/4/2024. Jam Sta Rosa/AFP

Nguy cơ xung đột vũ trang ở Biển Đông đang ở mức cao và vẫn tiếp tục gia tăng. Các hành động hung hăng không ngừng của Trung Quốc đối với Philippines – quấy rối các tàu bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) được quốc tế công nhận của Manila, đáng chú ý nhất là tại Bãi Cỏ Mây và Bãi Scarborough – đã khiến chiến tranh dễ xảy ra ở Biển Đông hơn ở bất kỳ điểm nóng nào khác trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.

Đúng là liên minh an ninh giữa Philippines với Mỹ cho đến nay đã ngăn cản Trung Quốc thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn vào quân đội Philippines hoặc các tài sản khác của chính phủ nước này. Nhưng Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951 – trong đó Washington cam kết sẽ hỗ trợ nếu Manila bị tấn công quân sự – đã hoàn toàn thất bại trong việc ngăn cản Bắc Kinh leo thang các chiến thuật vùng xám mang tính cưỡng ép – vốn là những hành động được thiết kế nhằm thay đổi hiện trạng một cách không thể đảo ngược mà không cần dùng đến các biện pháp sát thương. Những chiến thuật này bao gồm đâm va, bám đuôi, ngăn chặn, bao vây, bắn vòi rồng, và sử dụng tia laser cấp quân sự để chống lại các tàu dân sự và tàu quân sự. Trung Quốc cũng dựa vào lực lượng hải cảnh đáng gờm và cái gọi là hải binh (dân quân đánh cá) – bao gồm các ngư dân được quân đội huấn luyện và trang bị – để tuần tra và chiếm đóng các khu vực tranh chấp, thiết lập một sự hiện diện gần như thường trực mà quốc gia bị nhắm mục tiêu không thể dễ dàng loại bỏ.

Hơn nữa, vào ngày 15/06 sắp tới, Bắc Kinh được cho là đang lên kế hoạch triển khai một chính sách mới, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắt giữ những người nước ngoài đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Vùng biển này bao gồm hầu hết Biển Đông – dựa trên các yêu sách lịch sử mở rộng của chính Bắc Kinh chứ không phải luật pháp quốc tế, trong trường hợp này là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. (Để so sánh, hãy tưởng tượng nếu Đức tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Bắc, hoặc nếu Mỹ tuyên bố chủ quyền ở toàn bộ vùng Caribe cho đến tận bờ biển Nam Mỹ.)

Trong quá khứ, Trung Quốc từng cố gắng áp đặt các yêu sách của mình bằng các rào chắn nổi, và gần đây nhất, đã bị Manila cáo buộc xây dựng một đảo nhân tạo tại Bãi Sa Bin – cách Đảo Palawan của Philippines khoảng 150 km, nhưng cách điểm gần nhất ở Trung Quốc tới 1.200 km. Một nguồn thạo tin yêu cầu giấu tên nói với tôi rằng Manila hiện không thể tiếp cận khoảng 30% diện tích vùng đặc quyền kinh tế được công nhận của họ do chiến thuật cắt lát salami (salami-slicing) của Trung Quốc. Nếu không có phản ứng hiệu quả, tỷ lệ này sẽ còn tăng cao trong những năm tới.

Trên thực tế, Trung Quốc đang siết chặt vòng vây đối với Philippines, ngày càng làm tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển của nước này. Nếu muốn luật pháp quốc tế được duy trì và các đường biên giới vẫn bất khả xâm phạm, Mỹ phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Philippines. Tuy nhiên, cả Manila và Washington dường như đều không có kế hoạch nào khả thi để chống lại các chiến thuật vùng xám thành công của Bắc Kinh.

Trước tình hình ngày càng tuyệt vọng, hồi tháng 3, Philippines đã công bố Khái niệm Phòng thủ Quần đảo Toàn diện. Chỉ có rất ít thông tin được công bố, nhưng dường như đây là một chiến lược phòng thủ mới, chuyển từ mô hình truyền thống, lấy quân đội làm trung tâm của Manila – vốn được hình thành trong lịch sử bị xâm lược và chiếm đóng lâu dài – sang nâng cấp lực lượng hải quân và hải cảnh để chống lại Trung Quốc trên biển. Toàn bộ nguồn tài trợ cho chiến lược mới vẫn đang chờ được Quốc hội Philippines thông qua. Nhưng dù sao đi nữa, khái niệm này dường như đã bỏ qua lực lượng không quân vốn cũng có vai trò quan trọng không kém, và toàn bộ quá trình triển khai cũng phải mất vài năm, nếu không muốn nói là vài chục năm.

Cùng lúc đó, Manila đang đẩy mạnh ba nỗ lực khác.

Trước tiên, nước này đang tăng cường liên minh với Washington. Đầu tháng này, hai nước đã tiến hành đợt tập trận quân sự thường niên lớn nhất từ trước đến nay, trong đó bao gồm việc diễn tập phòng thủ chuỗi đảo ở phía bắc Philippines (chỉ cách Đài Loan hơn 200 km về phía nam) cũng như diễn tập việc phóng một tên lửa hành trình chống hạm để đánh chìm một con tàu đã ngừng hoạt động. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã nâng số căn cứ quân sự mà quân đội Mỹ có thể tạm thời sử dụng ở Philippines từ 5 lên 9, phù hợp với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường được ký năm 2014.

Thứ hai, Philippines đã và đang tiến hành một số cuộc tập trận và thỏa thuận an ninh với các nước khác trong khu vực. Ví dụ, vào tháng trước, Australia, Nhật Bản, Philippines và Mỹ đã lần đầu tiên tiến hành các cuộc tập trận chung trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Các thành viên của nhóm – được gọi là "Bộ tứ mới" (new Quad) hay "Biệt đội" (Squad) – cũng đang đàm phán các hiệp định an ninh song phương mới. Nhật Bản và Philippines đang thảo luận về một thỏa thuận tiếp cận quân đội song phương sẽ được hoàn thành vào tháng 7. Philippines và Australia đã nâng cấp hợp tác về an ninh hàng hải và nâng tầm quan hệ đối tác lên mức "chiến lược" sau chuyến thăm của Marcos tới Canberra vào tháng 2. Philippines cũng đang nhận được một số hỗ trợ vũ khí từ Ấn Độ, chẳng hạn như việc cung cấp tên lửa hành trình chống hạm BrahMos rất cần thiết.

Cuối cùng, Manila gần đây đã áp dụng chiến lược "minh bạch hóa sự hung hăng" khi bị Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế. Các thuyền viên Philippines hiện đang ghi lại từng vụ cưỡng ép của Trung Quốc và công khai cho thế giới biết. Ý tưởng là Bắc Kinh sẽ không còn có thể phủ nhận các hành động của mình như họ đã làm trong quá khứ – và có lẽ sẽ xấu hổ mà buộc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Về phần mình, Mỹ đã nhiều lần nhắc lại cam kết "vững như thép" với Philippines.

Vấn đề là hiệp ước Mỹ-Philippinestừ thời Chiến tranh Lạnh đã không lường trước được các loại chiến thuật vùng xám và các mối đe dọa hỗn hợp vốn đã trở thành phương thức hoạt động chính của các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại trong những năm gần đây, dù ở Biển Đông hay ở sườn phía đông của NATO. Washington chưa nêu rõ loại hành động nào của Trung Quốc có thể khiến Mỹ can thiệp để hỗ trợ đồng minh của mình. Chính quyền Biden đã liên tục lưu ý rằng các hành động dẫn đến phản ứng bao gồm "các cuộc tấn công vũ trang" vào các tàu quân sự hoặc lực lượng hải cảnh Philippines, nhưng họ lại không nói rõ điều gì sẽ cấu thành một cuộc tấn công như vậy. Cho đến nay, các hành động hung hăng nhưng không gây sát thương của Trung Quốc đối với Philippines dường như không đủ điều kiện.

Manila, Washington, và các đối tác của họ hiện đang nỗ lực chống lại Trung Quốc, nhưng không có bước đi nào trong số này thực sự có hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành động xâm lấn của Bắc Kinh. Philippines và Mỹ có thể làm gì – và liệu họ có thể khôi phục khả năng răn đe ở Biển Đông hay không ?

Một lựa chọn là sửa đổi hiệp ước Mỹ-Philippines để phản ánh các mối đe dọa vùng xám thời hiện đại. Thay vì chỉ nói mơ hồ rằng một "cuộc tấn công vũ trang" là tiền đề cho sự can thiệp quân sự của Mỹ, Manila và Washington có thể nói rộng hơn, rằng các hoạt động vùng xám có thể hoặc sẽ được coi là các cuộc tấn công vũ trang.

Chẳng hạn, trong chuyến thăm Lầu Năm Góc vào tháng trước, Marcos đã chỉ rõ rằng "nếu bất kỳ quân nhân Philippines nào bị giết trong một cuộc tấn công của bất kỳ thế lực nước ngoài nào, thì đó là lúc phải viện dẫn [hiệp ước]". Hai nước có thể mở rộng danh mục tài sản được bảo vệ bởi hiệp ước để bao gồm các tàu dân sự thường xuyên tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại Sierra Madre, một tàu đổ bộ thời Thế chiến II mà Manila cố tình để mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây vào năm 1999. Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc kích hoạt hiệp ước quốc phòng đã được sửa đổi, bao quát hơn này.

Cũng còn nhiều cách khác để Washington làm rõ chính sách của mình ở Biển Đông. Vào tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ công nhận tính hợp pháp và toàn vẹn của các vùng đặc quyền kinh tế trên biển, phù hợp với luật pháp của Liên Hiệp Quốc và phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 bác bỏ các yêu sách mở rộng của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức nào về các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông, có lẽ là để tránh chọc giận Trung Quốc.

Ngược lại, chính quyền Obama đã làm rõ vào năm 2012 rằng Washington công nhận quần đảo Senkaku thuộc về Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Hoa Đông, và rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào quần đảo này sẽ kích hoạt Điều 5 của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, tức là Mỹ sẽ buộc phải đáp trả. Manila rõ ràng sẽ đánh giá cao một sự minh bạch tương tự, bởi điều này sẽ báo hiệu cho Bắc Kinh rằng Washington xem các cuộc tấn công vào vùng đặc quyền kinh tế được công nhận của Philippines là tấn công trực tiếp vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines, vốn đã được Hiệp ước Phòng thủ Chung bảo vệ.

Một lựa chọn khác là quân đội Mỹ sẽ đóng vai trò trực tiếp hơn trong khu vực. Chuyên gia an ninh Châu Á Blake Herzinger gần đây đã lập luận rằng : một cách để tăng cường răn đe và đẩy lùi chiến thuật vùng xám của Trung Quốc là thay thế Sierra Madre bằng một căn cứ tác chiến tổng hợp tiền phương được cả lực lượng Philippine và Thủy quân Lục chiến Mỹ sử dụng. Các nhà nghiên cứu khác cũng kêu gọi Mỹ can dự ở các mức độ khác nhau mà không cần thiết lập căn cứ – chẳng hạn như các cuộc tuần tra kết hợp của lực lượng hải quân và hải cảnh – với cùng mục đích tăng cường khả năng răn đe.

Một giải pháp công nghệ hấp dẫn là tận dụng chương trình Replicator đang diễn ra của quân đội Mỹ, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 8/2025. Là một sản phẩm của Đơn vị Đổi mới Quốc phòng của Lầu Năm Góc, Replicator giúp nhanh chóng sản xuất hàng nghìn máy bay không người lái trên không và trên biển để bù đắp thiếu hụt về số lượng so với quân đội Trung Quốc. Dù không có nhiều chi tiết được công bố, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đã giới thiệu máy bay không người lái Replicator ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau cùng, loại máy bay này có thể áp đảo các mục tiêu và có thể tiến hành một loạt các hoạt động vùng xám của riêng mình, dù khả năng của nó cho đến nay vẫn còn được giữ kín.

Các hệ thống không có người điều khiển như Replicator sẽ giúp duy trì các cuộc chạm trán ăn miếng trả miếng ngay dưới ngưỡng gây ra một cuộc chiến lớn hơn, đặc biệt là vì các dự án quốc phòng của chính Trung Quốc cũng có thể loại bỏ yếu tố con người khỏi các cuộc đụng độ trên biển, bằng cách sử dụng chiến tranh được hỗ trợ bởi robot và trí tuệ nhân tạo. Nói cách khác, Replicator có thể giúp tái định nghĩa thang xung đột, và mang lại cho Trung Quốc, Mỹ, và Philippines không gian lớn hơn để đàm phán sau các sự cố.

Washington cũng có thể cân nhắc tạo ra liên kết giữa các hành động trong vùng xám của Trung Quốc nhằm chống lại một đồng minh của Mỹ với các lĩnh vực khác trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Điều đó sẽ báo hiệu cho Bắc Kinh rằng họ sẽ phải trả giá cho các hành động xâm lấn đối với Philippines. Những biện pháp này có thể bao gồm trừng phạt kinh tế, trì hoãn hoặc chấm dứt các cuộc đàm phán ngoại giao, hoặc thay đổi cán cân quân sự của Mỹ ở những nơi khác trong khu vực. Việc áp đặt cái giá phải trả cho các hành động hung hăng sẽ phù hợp hoàn toàn với cái gọi là chiến lược răn đe tổng hợp của chính quyền Biden, vốn đang tìm cách tận dụng sức mạnh tập thể, liên ngành của Mỹ, cũng như của các đồng minh và đối tác để ứng phó với hành động gây hấn.

Về hành động tập thể của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc, thành tích trong 30 năm qua không mấy khả quan – dù một số thành viên khác, bao gồm cả Việt Nam và Malaysia, cũng đang phải đối mặt việc bị Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ. Từ năm 1996, ASEAN đã cố gắng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) trong tương lai cho khu vực, trong đó kêu gọi chấm dứt quân sự hóa, cải tạo đất, và chiếm giữ các thực thể đang tranh chấp. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu khối này có đàm phán thành công COC với Bắc Kinh, bên đang không hề có ý định thoả hiệp với quan điểm rằng họ sở hữu phần lớn Biển Đông. Các cuộc đàm phán song phương có thể sẽ thất bại vì những lý do tương tự.

Cuối cùng, Washington và Manila có thể đơn giản tiếp tục con đường họ đang đi. Điều đó có nghĩa là tiếp tục củng cố liên minh thông qua việc mở rộng thỏa thuận hợp tác quốc phòng hiện có, tập trung hơn vào các cuộc tập trận quân sự hàng năm và các cam kết khác, cũng như thông qua việc giúp Manila xây dựng năng lực quân sự của riêng mình và vạch trần hành vi xấu của Trung Quốc với thế giới. Nhưng cho đến nay, chưa có biện pháp nào trong số này thành công chống lại các chiến thuật vùng xám, và bất kỳ thành công nào trong tương lai cũng sẽ cần nhiều thời gian hơn vì Bắc Kinh vẫn liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

Lựa chọn tốt nhất có lẽ là tiếp tục xây dựng liên minh Mỹ-Philippines, nhưng bổ sung thêm các tính năng mới, chẳng hạn như sửa đổi hiệp ước để phản ánh thực tế vùng xám, kết hợp với chương trình Replicator, và áp đặt cái giá phải trả cho hành vi của Trung Quốc thông qua các lĩnh vực khác trong quan hệ Mỹ-Trung. Triển khai những điều này ngay bây giờ sẽ mang lại cho Philippines không gian cần thiết để hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội dưới sự hỗ trợ của Mỹ, giúp thiết lập lại khả năng răn đe và giảm thiểu nguy cơ chiến tranh trong những năm tới.

Derek Grossman

Nguyên tác : "How to Respond to China’s Tactics in the South China Sea", Foreign Policy, 29/05/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 10/06/2024

Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp., giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nam California, và là cựu cố vấn tình báo của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.

Additional Info

  • Author Derek Grossman, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 8