Chống tin tặc là yêu cầu cấp thiết của Việt Nam (RFA, 05/04/2017)
Cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu bảo mật và làm cho nguy cơ tấn công mạng gia tăng.
Ảnh minh họa. AFP photo
Đó là nhận định của Trung tướng Hoàng Phúc Thuận, Cục trưởng Cục an ninh mạng, thuộc Bộ Công an, tại hội thảo, triển lãm quốc gia về an ninh mạng bảo mật 2017, vừa được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 4 tháng 4.
Theo thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), mỗi năm có đến hàng ngàn trang mạng bị tin tặc tấn công, trong đó có hàng trăm trang tên miền gov.vn của các cơ quan nhà nước. Trong năm 2016 có gần 7000 trang hoặc cổng thông tin điện tử bị tấn công và hơn 134 ngàn sự cố an ninh mạng, tăng gấp 4 lần so với năm trước đó.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam nhấn mạnh tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công vào các website của Việt Nam ngày một nghiêm trọng nên việc bảo vệ an ninh mạng là cấp thiết ; đồng thời cần phải nâng cao nhận thức cùng kỹ năng bảo vệ an ninh mạng cũng như phối hợp để giải quyết các sự cố xảy ra.
*******************
Nhiều người Việt tìm đến Đức Đạt Lai Lạt Ma (VOA, 05/04/2017)
05/04/2017
Nhiều người Việt ở cả trong và ngoài nước đang tìm tới lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, để "học đạo" từ một nhân vật mà họ coi là "Phật sống".
Mối liên hệ giữa người Việt và người Tây Tạng dự kiến sẽ được thể hiện qua các cuộc biểu tình chung nhằm chống lại chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ trong tuần này.
Bà Hiệp Lowman, một người theo đạo Phật ở tiểu bang Virginia, Mỹ, năm ngoái đã tới Dharamshala, Ấn Độ, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong, để hoàn thành "ước nguyện" của mình.
Bà nói với VOA Việt Ngữ về lý do tìm đến lãnh tụ tinh thần, vốn bị Trung Quốc lâu nay cáo buộc là tìm cách đòi ly khai cho Tây Tạng : "Ngài là một người rất là đức độ, tôi coi là một vị phật sống. Những lời ngài dạy rất là hay. Ngài nói rằng chúng ta phải mở lòng từ bi. Nếu mà từ bi thì phải có đức hạnh. Thành ra tôi theo đó mà tôi sống. Tôi có rất nhiều bạn, cũng đi với tôi qua bên đó. Họ quý ngài. Họ rất kính nể ngài. Đến với ngài là để học đạo, để học những gì ngài chỉ bảo".
Cùng đi với bà Hiệp tới Ấn Độ là một người Tây Tạng, bà Pema Gorap.
Người phụ nữ này từng tổ chức các buổi giảng đạo của các nhà sư Tây Tạng với sự tham dự của nhiều người Việt tại ở thủ đô Washington DC và vùng phụ cận.
Bà Pema cho biết có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người tham dự lễ giảng đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ, cả trực tiếp lẫn qua mạng Internet.
"Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là người thường, không phải là một nhà sư bình thường, dù Ngài nói rằng mình đơn giản là một vị sư Phật giáo. Ngài là Đức Phật tái sinh. Nghe Ngài giảng đạo là điểu quan trọng trong cuộc đời mỗi người, tạo động lực cho họ thay đổi cuộc sống của mình cho tốt đẹp hơn", bà Pema nói.
"Chính vì thế, đôi khi bằng mọi giá, nhiều người muốn đích thân tới tham dự cuộc giảng đạo khi Ngài còn sống. Cuối mỗi bài giảng, Ngài thường nói rằng ‘đó là bài học ta truyền đạt, còn bây giờ là lúc quý vị tự thực hành, thay đổi cuộc sống và làm điều tốt cho người khác’".
Dù Đức Đạt Lai Lạt Ma bị Trung Quốc, nước láng giềng phương bắc của Việt Nam phản đối, nhiều người Việt ở trong nước vẫn tìm đường sang Ấn Độ để "thỉnh" vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng.
Có thể tìm thấy nhiều tour hành hương đi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều người, trong đó có cả những nhân vật trong giới showbiz từng đi diện kiến ông.
Không chỉ ở Ấn Độ, giữa năm ngoái, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tới thành phố Westminster ở tiểu bang California để thuyết giảng.
Theo báo chí ở địa phương, hàng nghìn người tới gặp mặt và nghe bài giảng có chủ đề "Sức mạnh đặc thù của lòng từ bi là chìa khóa để hoàn thiện các giá trị lớn của bản thân và tha nhân".
Trong chuyến đi Mỹ đó, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Barack Obama đã gặp riêng Đức Đạt Lai Lạt Ma, khiến Trung Quốc tức giận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cáo buộc lãnh tụ tinh thần Tây Tạng "dùng vỏ bọc tôn giáo" để "đẩy mạnh tham vọng chính trị gây chia rẽ Trung Quốc khắp thế giới", đồng thời kêu gọi "mọi chính phủ không tạo cơ hội cho ông ta tiến hành các chiến dịch như vậy".
Khi được hỏi nghĩ sao về cáo buộc đối với người mình coi là "Phật sống", bà Hiệp Lowman nói : "Cái chuyện đó, đối với tôi, nó thuộc về chính trị. Tôi chỉ nghĩ đến ngài thôi. Còn cái chuyện Trung Quốc hay Việt Nam nghĩ gì, tôi không cần biết. Tôi coi ngài là một vị cao tăng tôi chưa từng thấy mà học được ở ngài rất nhiều. Cái tốt, cái đẹp, cái hay của cuộc sống, đời người của mình".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ vào ngày 6/4, và sẽ có buổi hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng của ông ở Florida.
Tin cho hay, người Mỹ gốc Tây Tạng và gốc Việt sẽ cùng nhau biểu tình chống nhà lãnh đạo Trung Quốc vì hành động của Bắc Kinh ở vùng Tây Tạng và Biển Đông.