Việt Nam phát động phong trào ‘Học tập tấm gương dũng cảm hy sinh’ của 3 công an chết tại Đồng Tâm
VOA, 14/01/2020
Bộ Công an Việt Nam chiều 14/1 phát động phong trào "học tập tấm gương anh dũng hy sinh" của 3 công an tử vong trong vụ đột kích vào làng Đồng Tâm.
Ba công an tử vong tại Đồng Tâm gồm (từ trái sang phải) Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại uý Phạm Công Huy, Thượng uý Dương Đức Hoàng Quân.
Trước đó, 3 công an gồm : Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại uý Phạm Công Huy, Thượng uý Dương Đức Hoàng Quân đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cương vị Chủ tịch nước, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cấp bằng "Tổ quốc ghi công" và Bộ Công an thăng cấp bậc hàm vượt cấp.
Thông tin chính thức trong buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định bản chất của vụ việc "không phải là cưỡng chế, mà là thực hiện bắt giữ các đối tượng phạm pháp, tàng trữ chất nổ, vũ khí nguy hiểm theo đúng quy định của pháp luật", trang tin của Bộ này tường thuật.
Trong khi đó, các nguồn tin từ mạng xã hội và từ người dân cung cấp cho VOA nói rằng lực lượng công an đã đột kích vào cưỡng chế người dân làng Đồng Tâm vào giữa đêm khuya và rạng sáng 9/1 và bắt đi khoảng 30 người trong gia đình ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người được xem là "thủ lĩnh tinh thần" của người dân làng Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm qua.
Vụ đột kích của lực lượng công an đã khiến cho ít nhất 3 công an và 1 người dân, ông Lê Đình Kình, thiệt mạng.
Phía Bộ Công an nói ông Lê Đình Kình chết khi tay vẫn đang "cầm giữ quả lựu đạn", trong khi người dân nói ông bị bắn chết ngay trong nhà và những hình ảnh video trên mạng cũng cho thấy thi thể ông có vết rạch dài từ cổ xuống bụng và một lỗ thủng trên ngực trái.
Thông tin với báo chí hôm 14/1, Tướng Lương Tam Quang nói 3 công an đã "hy sinh" khi bị ngã xuống "hố kỹ thuật", chứ không phải hầm chông như thông tin trên mạng, giữa hai căn nhà của gia đình con cháu ông Lê Đình Kình.
"Khi 3 chiến sĩ công an ngã xuống hố, Lê Đình Doanh đổ xăng xuống hố châm lửa đốt, khiến 3 chiến sĩ hy sinh", Thứ trưởng Công an nói.
Tại lễ phát động phong trào vào chiều 14/1, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương nói rằng "sự dũng cảm, không quản ngại hy sinh, quyết tâm bảo vệ kỷ cương, phép nước và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân của các liệt sĩ làm tấm gương sáng chói về ý chí cách mạng, tinh thần ‘Vì nước quên thân, vì dân phục vụ’" của lực lượng công an Việt Nam.
*****************
Có một khẩu hiệu trên quan tài
Luật Khoa, 13/01/2020
"Đế quốc chủ nghĩa Pháp dùng pháp luật đạo tặc, dùng võ lực dã man cướp đất của nông dân bản xứ, mỗi lần cho bọn địa chủ người Pháp, cho các công ty tài chính hàng ngàn, hàng vạn mẫu, để chúng lập đồn điền cao su, bông, vải, mía, lúa, v.v".
Đó là những gì được ghi trong "Nghị quyết về nông dân vận động", được Đại hội Đảng lần thứ II của Đảng cộng sản Đông Dương thông qua ngày 28/3/1935 [1].
Ông Lê Đình Kình là nông dân, thành phần cốt cán của cuộc cách mạng mà Đảng cộng sản khởi xướng. Ảnh : Green Trees.
Năm sau đó, có một người đàn ông ra đời ở một vùng quê Bắc Bộ.
Người đàn ông này sẽ dành 84 năm cuộc đời của mình để chứng kiến và trực tiếp tham gia những biến động xã hội long trời lở đất, mà trọng tâm của nó là những cuộc dịch chuyển đất đai khổng lồ từ tay giai cấp này sang tay giai cấp khác. Ông sau cùng mắc kẹt giữa những cuộc dịch chuyển đó và bị nó nghiền nát trong tiếng súng nổ, giữa làng quê mà ông đã được sinh ra.
Tên ông là Lê Đình Kình.
Ông Kình là tất cả những gì mà Đảng cộng sản Việt Nam có thể kỳ vọng ở một đảng viên.
Ông là nông dân, thành phần cốt cán của cuộc cách mạng mà Đảng cộng sản khởi xướng.
Ông sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Bộ, thành lũy cách mạng quan trọng bậc nhất trong lịch sử của Đảng cộng sản.
Ông gia nhập đảng ở độ tuổi đôi mươi.
Ông cầm súng trong cuộc "kháng chiến chống Mỹ", làm nên tính chính danh của Đảng cộng sản.
Ông từng là chủ nhiệm hợp tác xã trong thời kỳ hợp tác xã vẫn còn là trái tim của nền kinh tế.
Ông từng là trưởng công an xã – người bảo vệ cho an nguy của chế độ.
Ông từng là bí thư đảng ủy, chủ tịch xã trong những năm 1980, trực tiếp thi hành chính sách của Đảng cộng sản ở cấp sát nhất với quần chúng nhân dân.
Trong mắt Đảng cộng sản, không ai có thể có bản lý lịch đẹp hơn đảng viên Lê Đình Kình.
Nhưng cuối cùng, ông chết trong một cuộc đụng độ với chính đảng mà ông dành cả đời phục vụ. Xác ông nằm ở trụ sở của cơ quan công quyền mà ông từng là lãnh đạo. Và là một cái xác không còn nguyên vẹn : ông bị mổ tử thi.
Người cộng sản hoàn hảo là ông đã chết với tư cách là một kẻ khủng bố trong con mắt của đảng.
Còn với Đảng cộng sản, năm ông Kình ra đời, họ đã phải thanh minh thế này trong một thư ngỏ gửi công luận Pháp :
"Chúng tôi không phải là những kẻ khủng bố. Chúng tôi là những người cộng sản chân chính và chúng tôi không từ bỏ bất cứ một nguyên tắc mácxít – lêninnít nào. Rõ ràng là không đúng nếu trình bày chúng tôi như những kẻ khủng bố và những phần tử gây rối loạn, trái lại chúng tôi là những người đấu tranh nồng nhiệt nhất cho tinh thần hòa hợp và bình đẳng giữa các dân tộc và cho hòa bình thế giới" [2].
Ông Kình đã đi trọn một vòng đời từ khi Đảng cộng sản bị cáo buộc là một nhóm khủng bố, đến khi chính ông bị chính quyền của Đảng cộng sản cáo buộc là kẻ cầm đầu của một nhóm gây rối có vũ trang, còn những tiếng nói ủng hộ Đảng cộng sản thì lên án ông là một kẻ khủng bố thực sự.
Ông đã đi trọn một vòng đời từ một xã hội bị thực dân Pháp dùng bạo lực cướp đất đến một xã hội khác, có tên gọi khác, nhưng vẫn buộc ông phải chết để bảo vệ mảnh đất mà ông cho là của dân làng mình, trước súng ống của những người ông gọi là đồng chí.
Cái chết của ông Kình không đơn thuần là cái chết của một lãnh tụ nông dân. Dường như Đảng cộng sản không nhận thấy họ đã đi một quãng đường xa thế nào để vô hiệu hóa người cộng sản tốt nhất của mình, ngay trên thành lũy cách mạng quan trọng nhất của mình.
Khẩu hiệu "người cày có ruộng" đã vĩnh viễn được chôn cùng với quan tài của người cộng sản Lê Đình Kình. Lịch sử đang lặp lại chính nó. Một vòng nữa.
Trịnh Hữu Long
Tài liệu tham khảo :
[1] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, trang 43.
[2] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, trang 125.
****************
Đám tang cụ Lê Đình Kình và 22 người bị khởi tố
RFA, 13/01/2020
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người bị lực lượng chức năng giết chết vào rạng sáng ngày 9/1 vừa qua liên quan tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, được mai tang vào sáng ngày 13/1.
Lễ tang ông Lê Đình Kình ngày 13/01/2020 - Courtesy of Trịnh Bá Phương
Mạng xã hội Facebook cho biết người dân cả làng Đồng Tâm đều đeo khăn trắng để tang cho ông. Trước khi bị bắn chết một cách bất minh, ông Lê Đình Kình là người đại diện dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm trong việc đấu tranh pháp lý cho 59 hecta đất nông nghiệp của địa phương.
Cho đến nay lực lượng chức năng vẫn canh gác chặt chẽ quanh làng Đồng Tâm, mạng Internet vẫn còn bị cắt.
Một video lan truyền trên mạng xã hội, trong đó có lời của bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình như sau :
"Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn. Tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân".
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận định về điều mà bà Dư Thị Thành nói :
Tôi nghĩ việc đánh đập và bắt bà khai có hai ý nghĩa. Một là chính quyền tìm mọi cách khép tội cho gia đình cụ Kình, gọi là gia đình cụ đã cùng lựu đạn, bom xăng, tất cả các loại vũ khí để tấn công công an. Ý nghĩa thứ hai theo tôi là một đòn trả thù, thể hiện sự man rợ của những kẻ đã đánh bà vì lúc ấy họ không hề nương tay. Họ sẵn sàng giết chồng, con mà còn đánh đập, bắt người ta phải khai theo ý mình. Đây là một sự trả thù tàn độc.
Cũng theo lời bà Dư Thị Thành thì đến nay tin tức của bốn người khác trong gia đình là Lê Đình Uy, Lê Đình Công, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức đều biệt vô âm tín.
Tuy nhiên vào chiều ngày 13/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội cho biết vừa ra quyết định khởi tố 22 bị can trong vụ án mà theo cơ quan này đã xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp Hà Nội. Trong đó ông Lê Đình Chức bị khởi tố bị can và bắt tạm giam với cáo buộc ‘giết người’. Ông này hiện đang nằm bệnh viện nhưng tin không cho biết vì lý do gì.
*******************
Đám tang ông Kình bị giám sát chặt, vợ ông cáo buộc cảnh sát tra tấn
VOA, 13/01/2020
Gia đình ông Lê Đình Kình tổ chức lễ tang cho ông hôm 13/1, bốn ngày sau vụ cảnh sát đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, liên quan đến tranh chấp đất quốc phòng sát nơi được gọi là sân bay Miếu Môn.
Bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, trong video đau đớn kể về việc bà bị công an đánh đập. (Hình : Chụp qua màn hình Facebook)
Ông Kình, 84 tuổi, thủ lĩnh tinh thần của những người dân khiếu kiện, đã thiệt mạng trong vụ đột kích. Phía công an nói có 3 người của họ cũng thiệt mạng trong vụ này.
Các nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam cho biết tang lễ của ông Kình diễn ra trong hoàn cảnh bị nhà chức trách giám sát chặt chẽ, việc quay phim, chụp ảnh bị "an ninh chìm nổi" ngăn chặn.
Theo quan sát của VOA, đến đầu buổi tối ngày 13/1 mới chỉ có 1 bức ảnh và 1 đoạn video ngắn về lễ tang lọt ra ngoài.
Trong đoạn video, được đăng trên Facebook cá nhân của nhà hoạt động Lã Việt Dũng, bà Dư Thị Thành, vợ ông Kình, bị cảnh sát bắt hôm 9/1, nói rằng bà bị ép phải khai đã "cầm lựu đạn, bom xăng".
Mỗi lần bà phủ nhận là bị "tát liên tục" và "bị đá vào ống chân", bà Thành nói trong video. Bà cho biết thêm các con bà và những người thân khác mang tên Uy, Công, Doanh và Chức hiện vẫn chưa rõ tung tích.
VOA đang nỗ lực kiểm chứng thông tin và tiếp tục cập nhật.
*******************
Đồng Tâm : Facebooker bị bắt ở Cần Thơ
VOA, 13/01/2020
Công an thành phố Cần Thơ hôm 12/1 đã bắt giữ một Facebooker ở quận Ninh Kiều có tên Chung Hoàng Chương vì điều bị coi là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo báo Tuổi Trẻ.
Tờ báo thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời chính quyền nói rằng hôm 10/1 "cơ quan điều tra phát hiện tài khoản Facebook 'Chương May Mắn' do [ông] Chương quản lý đăng tải nhiều bài viết có nội dung mang tính chất xuyên tạc làm mất uy tín lực lượng vũ trang trong vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội".
Ngoài ra, tin cho hay, công an quận Ninh Kiều đã "khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của [ông] Chương, thu giữ nhiều phương tiện điện tử, thiết bị lưu trữ điện tử, điện thoại liên quan đến hành vi vụ việc".
Hiện chưa rõ ông Chương có luật sư đại diện hay không, và VOA tiếng Việt không thể liên lạc được với Facebooker này.
Một trang cá nhân có tên "Chương May Mắn" vẫn tồn tại trên Facebook tối ngày 12/1. Ba ngày trước, khi xảy ra vụ việc tại Đồng Tâm, trang này đã dẫn lại các Facebooker khác như ông Nguyễn Xuân Diện, ông Trịnh Bá Tư và ông Nguyễn Anh Tuấn nói về việc "Đồng Tâm bị tấn công" lúc rạng sáng.
Một dòng trạng thái trên trang "Chương May Mắn" viết rằng "theo tin mới đọc trên net, 4 giờ sáng nay, quân lực Việt Nam cộng sảng với hơn một ngàn quân được trang bị súng ống tận răng, thiết giáp, máy phá sóng,… côn an chìm nổi, cùng đông đảo "quần chúng" xăm trổ chặn các ngõ ra vào,... đã nổ súng đánh úp lũ Dân Đen thôn Hoành, Đồng Tâm, làm một người anh dũng hy sinh... Đang chờ kiểm chứng ! Nếu đúng thì đây là một thắng lợi vẻ vang của Đản quang vinh khi mùa xuân về".
Trang cũng dẫn thông tin từ một website về pháp luật, trong đó nêu thông tin về việc "không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau ; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật ; trong thời gian 15 ngày trước và sau tết nguyên đán…".
Hiện chưa rõ ông Chương có tiết lộ thông tin để truy cập Facebook cá nhân cho lực lượng công an hay không.
Cũng liên quan tới thông tin về vụ Đồng Tâm trên Facebook, báo Hà Nội Mới dẫn lời một đại diện của Bộ Thông tin và truyền thông nói rằng Facebook đã cho đăng nhiều "thông tin bóp méo" về Đồng Tâm "nhằm kích động người dân hiểu sai về vụ việc gây hoang mang dư luận, thông tin kích động chống đối chính quyền" nhưng khi Bộ này yêu cầu gỡ thì Facbook "lại rất chậm trễ, quan liêu và làm theo ý mình.."..
Facebook hiện chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào trước cáo buộc từ phía Việt Nam về vụ việc hiện vẫn gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
**********************
Facebooker bị bắt giữ vì đăng tin về đụng độ ở Đồng Tâm
RFA, 12/01/2020
Facebooker Chung Hoàng Chương còn được biết với tên Chương May Mắn vừa bị công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bắt giữ vì đăng tải thông tin liên quan đến vụ đụng độ giữa cảnh sát và người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội hôm 9/1 vừa qua.
Hình minh hoạ. Ông Chung Hoàng Chương - Courtesy of FB Chương May Mắn
Truyền thông trong nước hôm 12/1 trích thông tin từ thượng tá Đặng Công Chức, Phó trưởng Công an quận Ninh Kiều cho biết như vậy.
Theo thông tin từ công an quận Ninh Kiều, ông Chung Hoàng Chương, 43 tuổi, bị bắt giữ về hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải trên mạng xã hội nhiều bài viết và hình ảnh có nội dung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước. Trước đó, ngày 10/1, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Ninh Kiều phát hiện tài khoản Facebook Chương May Mắn có nhiều bài viết mang tính chất xuyên tạc, làm mất uy tín cơ quan Nhà nước và lực lượng vũ trang đang thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm.
Cũng theo truyền thông trong nước, tại cơ quan công an, ông Chung Hoàng Chương đã thừa nhận thường xuyên dùng điện thoại di động để truy cập Facebook xem các thông tin không rõ nguồn gốc, không kiểm chứng xác thực và đăng tải, chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Cơ quan Công an cũng xác định tài khoản Chương May Mắn từ năm 2018 đến nay đã đăng tải, chia sẻ 16 bài viết chứa nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền, chống phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Facebooker Chương May Mắn là người đã từng gây chú ý hồi năm 2017 khi đăng tải trên Facebook cá nhân hình ảnh cổng chào đón năm mới ở Cần Thơ được so sánh như quần lót của phụ nữ. Ông Chương sau đó đã bị Sở Thông tin và truyền thông Cần Thơ mời lên làm việc về vụ việc này.
Hôm 11/1, báo Hà Nội Mới của chính quyền Hà Nội đã có bài viết trích lời của đại diện Bộ Thông tin và truyền thông cáo buộc Facebook đã chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu của chính quyền Việt Nam trong việc gỡ bỏ những nội dung về Đồng Tâm được cho là xuyên tạc, có tính chất kích dộng.
Vụ đụng độ xảy ra ở Đồng Tâm vào sáng sớm ngày 9/1 đã kiến ít nhất 4 người thiệt mạng theo thông báo từ Bộ Công an. Trong số này có 3 công an và một dân thường là cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi. Cụ Kình là người được coi như lãnh đạo tinh thần của người dân ở Đồng Tâm trong việc bảo vệ khu đất 59 ha mà chính quyền cho là đất quốc phòng còn người dân khẳng định là đất canh tác.
Bộ Công an cho biết đã có khoảng 30 người đã bị bắt giữ ở Đồng Tâm. Bộ Công an đã quyết định khởi tố 3 vụ án ở Đồng Tâm bao gồm "giết người", "chống người thi hành công vụ", và "sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép".