Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/02/2020

Chống virus corona kiểu Việt Nam : nổ cho thật lớn rồi chần chừ

Tổng hợp

Virus corona : Việt Nam thông báo nuôi cấy phân lập thành công virus (RFI, 07/02/2020)

Việt Nam cũng đang lao vào cuộc chạy đua với thời gian để nghiên cứu chủng virus corona mới. Ngày 07/02/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo nuôi cấy và phân lập chủng virus corona mới thành công. Trong khi đó, chính quyền thông báo có thêm 2 ca dương tính tại Vĩnh Phúc.

ngheno1

Coronavirus. Creative commons

Theo viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam, ông Đặng Đức Anh, đây là một bước quan trọng cho phép xét nghiệm nhanh các trường hợp bị hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm. Bộ Y tế Việt Nam hy vọng có thể nghiên cứu và phát triển vac-xin chống viêm phổi do siêu vi chủng mới gây nên. Trước mắt, chính quyền Việt Nam cho biết vừa phát hiện thêm hai ca dương tính mới tại tỉnh Vĩnh Phúc, nâng tổng số người bị lây nhiễm lên thành 12.

Trong nỗ lực phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, trang mạng của VietnamInsider ngày 06/02/2020 đưa tin ban lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, cách nay hai ngày, đã không cho phép 286 hành khách trên 16 chuyến bay quốc tế vào Việt Nam với lý do những người này đã "quá cảnh hoặc ở đã cư ngụ tại các vùng có dịch bệnh".

Dịch viêm phổi xuất phát từ thành phố Vũ Hán bắt đầu tác động đến ngành du lịch Việt Nam. Truyền thông trong nước ngày 07/02/2020 cho biết thiệt hại trong ba tháng sắp tới ước tính lên tới từ 5,9 đến 7,7 tỷ đô la. Năm 2019, trong số 18 triệu du khách đến Việt Nam, một phần ba trong số đó là người Trung Quốc.

Về mặt ngoại giao, trong cuộc họp báo chiều ngày 06/02/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã nhận được đơn xin về nước của 29 công dân Việt Nam đang kẹt tại ổ dịch tỉnh Hồ Bắc. Chính quyền đang "nỗ lực giải quyết" vấn đề này. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói rõ về thời điểm và thủ tục hồi hương các công dân đó. Hiện có khoảng 400 người Việt đang sống tại Trung Quốc.

Cũng trong cuộc họp báo này, bà Lê Thị Thu Hằng thông báo thêm, trong cương vụ chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đề nghị với các đối tác Đông Nam Á tăng cường nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Thanh Hà

**********************

Sao Việt Nam vẫn chưa di tản công dân, chưa đóng cửa biên giới dù dịch lan rộng ? (RFA, 07/02/2020)

Chưa di tản công dân Việt tại Vũ Hán về !

Các quan chức Việt Nam trong những ngày qua nhiều lần nhắc đến việc sẽ di tản công dân Việt còn ở Vũ Hán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ ngày 4/2 cho biết, máy bay chở hàng hóa đến Vũ Hán giúp người dân Trung Quốc chống nCoV, sau đó sẽ đưa công dân Việt Nam về nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho báo chí biết, hiện ở Vũ Hán, có 24 công dân Việt Nam, trong đó 19 người muốn trở về Việt Nam.

ngheno2

Ảnh minh họa chụp ở Vũ Hán hôm 5/2/2020. AFP

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 6/2 cho báo chí biết, tính đến ngày 6/2 đã có 29 công dân Việt Nam tại tỉnh Hồ Bắc bày tỏ nguyện vọng về nước. Bà Hằng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao đang chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, sẵn sàng đưa công dân Việt Nam ở vùng có dịch về nước khi cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và nước sở tại, trên cơ sở nguyện vọng công dân.

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có chuyến bay nào được chính phủ Việt Nam tổ chức để đưa công dân Việt Nam kẹt ở Trung Quốc về nước. Trong khi đó hàng loạt quốc gia muốn nhanh chóng đưa kiều dân thoát khỏi vùng tâm dịch, Mỹ và Nhật là hai nước đầu tiên đưa công dân rời tâm dịch Vũ Hán từ ngày 29/01/2020. Sau đó Hàn Quốc, Úc và một số nước Châu Âu cũng đã tổ chức đưa công dân của mình hồi hương. Đến nay đã có rất nhiều quốc gia hành động tương tự.

Trả lời RFA hôm 7/2 liên quan vấn đề này, Nhà báo Ngô Nhật Đăng, nhận định :

"Khi có các thảm họa xảy ra ngoài lãnh thổ của mình thì chúng ta đều thấy các chính phủ có trách nhiệm với công dân thì việc đầu tiên là lo cho sự an toàn của công dân mình. Việt Nam thì có du học sinh, công nhân ở Trung Quốc rất nhiều, đặc biệt là Vũ Hán, tôi cũng quen một số bạn là sinh viên du học ở Vũ Hán. Ngay từ ban đầu, các nước như Mỹ, Canada… đều có kế hoạch sơ tán công dân… trong khi Việt Nam thì thuận lợi hơn, biên giới thì gần, nhiều phương tiện giao thông, nếu mà làm thì rất đơn giản. Nhưng đến nay thì chỉ là tuyên bố mà chưa có một động thái nào ?

Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, chúng ta phải đặt câu hỏi, chính phủ Việt Nam có trách nhiệm như thế nào với công dân ? Nhất là đối với thân nhân của những người Việt đang ở Vũ Hán.

ngheno3

Ảnh minh họa chụp ở Vũ Hán hôm 7/2/2020. AFP

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đã liên lạc được với hơn 400 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch ở Trung Quốc tình hình sức khoẻ của các công dân này đang ổn định. Tuy theo một số nguồn thông tin khác, số người Việt Nam ở Trung Quốc hiện nhiều hơn con số 400 người rất nhiều.

Facebooker ‘Gà Đồi Văn Duy’, một sinh viên Việt Nam hiện vẫn đang ở tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, anh cũng là người đưa nhiều video ở Vũ Hán sau khi bị phong tỏa vì đại dịch lên mạng xã hội, hôm 7/2/2020 có trao đổi với RFA qua tin nhắn cho biết anh vẫn khỏe mạnh và bình an. Khi được hỏi về nguyện vọng được sơ tán về Việt Nam của anh và những người Việt khác ở Vũ Hán, anh trả lời như sau :

"Vâng cảm ơn phóng viên ạ, mình ở Vũ Hán… Cái này không được ạ. Vì là vấn đề của mỗi cá nhân. Mình cũng không nắm được… Cảm ơn Bác đã quan tâm. Em xin phép không trả lời được không ạ. Mong anh thông cảm".

Biên giới vẫn mở khi dịch tiếp tục lây lan !

Không chỉ vấn đề sơ tán công dân Việt Nam ở Trung Quốc bị cho là chậm trễ, việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc cũng được nêu lên vì Việt Nam có đường biên dài với Trung Quốc, nơi phát tán dịch virus corona. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương (!?)

Nhà báo Ngô Nhật Đăng nói thêm :

"Chưa nói về mặt sơ tán, việc đóng biên giới cửa khẩu cũng chậm trễ, nhiều người đưa lý do về mặt kinh tế. Không sơ tán vì lý do kinh tế thì tôi thấy so với tiềm lực không có gì đáng kể để tổ chức các chuyến máy bay các thứ, thậm chí người nhà cũng có thể bỏ tiền mua vé. Tôi nghĩ, vấn đề không phải là kinh tế hay tổ chức. Vấn đề thứ hai là khi có thông tin Vietjet có 4 chuyến bay chở người TQ về Vũ Hán rồi bay về không… vậy tại sao không chở người Việt về. Vì vậy tôi nghĩ đây hoàn toàn là về mặt chính trị".

Theo thông báo của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến khuya ngày 7/2, Việt Nam đã có 13 bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán do virus corona, 8 người trong đó ở Vĩnh Phúc, 1 ở Khánh Hòa (đã ra viện), 1 ở Thanh Hóa (đã ra viện), 3 ở Thành phố Hồ Chí Minh (1 đã ra viện).

Ca nhiễm bệnh mới nhất là bệnh nhân N.T.N., 29 tuổi, sống tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, là 1 trong 8 công nhân đi tập huấn tại Vũ Hán và về nước ngày 17-1.

RFA hôm 7/2/2020 liên lạc ông Đoàn Thanh Bình, Chánh văn phòng Sở y tế Vĩnh Phúc, để tìm hiểu về việc này và được ông cho biết như sau :

"Quy mô chống dịch thì tùy thuộc vào số lượng bệnh nhân, mình xây dựng kịch bản theo quy định của Bộ y tế, quy mô đến mức nào thì mình kích hoạt đến mức đấy, công tác thì mình đã chuẩn bị sẵn sàng, có khoảng 700 đến 1.000 giường bệnh. Số ca nhiễm virus corona trên cả nước thì có 12 ca, riêng tại Vĩnh Phúc thì có 8 ca nhiễm bệnh. Trong 8 ca này thì có 5 ca quản lý tại Trung ương, còn 3 ca thì đang quản lý điều trị ở Vĩnh Phúc, cơ bản những ca này cũng ổn định. Về nghi nhiễm thì đang quản lý diện ‘tiếp xúc gần’ thì có hơn 100 ca quản lý ở nhà và hơn 30 ca quản lý ở bệnh viện".

Chánh văn phòng Sở y tế Vĩnh Phúc cho biết thêm thông tin về các trường hợp nhiễm virus corona tại tỉnh Vĩnh Phúc :

"Những người này thuộc đoàn người Việt ở Vũ Hán, đoàn đi công tác, học tập ở Vũ Hán của một công ty ở Vĩnh Phúc, họ đi công tác ở Vũ Hán 2 tháng. Đoàn này có 8 người thôi, đã về hết Việt Nam, không còn kẹt ở Vũ Hán, đó là đoàn thuộc tỉnh này, còn những người đi cùng chuyến bay với 8 người này thì mình không nắm được. Bởi vì anh em chủ yếu tập trung phòng chống dịch, rà soát người thôi, còn những người ra vào thì tỉnh cũng đang cố gắn quản lý thật chặt số lượng này".

Dịch bệnh do virus corona nCoV là một trong những quan tâm của nhiều người dân trong nước. Dân chúng nghe thông tin từ truyền thông, lo áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho bản thân và gia đình. Và họ trông chờ cơ quan chức năng, chính phủ có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu đến mức thấp nhất mọi lây lan trong cộng đồng.

*******************

Virus corona - H5N1 : Việt Nam cùng lúc đối mặt với hai cơn khủng hoảng (RFI, 06/02/2020)

Vào lúc dịch viêm phổi chủng mới lan rộng, số người chết ngày càng nhiều thì tại tỉnh Hồ Nam (Hunan), không xa tâm dịch siêu vi corona ở Hồ Bắc (Hubei), dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát. Đề phòng bị ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam khẩn cấp ban hành các biện pháp đối phó.

ngheno4

Thứ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Trường Sơn (phải) nói chuyện với một người tại khu vực cách ly của một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 23/01/2020. Thanh Chung/VNA via Reuters

Theo báo Pháp ngữ Le Courrier du Vietnam (thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam), ngày 06/02/2020 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị cho các bộ, cơ quan và các tỉnh thành Việt Nam "hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế" phát hiện và ngăn chận siêu vi H5N1 lây lan trong các loại gia cầm và cho con người trong bối cảnh siêu vi corona từ Trung Quốc truyền đi khắp nơi.

Các biện pháp cụ thể là kiểm soát thị trường, ngăn chận tệ nạn nhập khẩu, buôn bán gia cầm không rõ xuất xứ. Phải chuẩn bị đầy đủ thuốc men và thuốc sát trùng cũng như đánh động công luận về khả năng dịch H5N1 tái phát tại Việt Nam.

Từ ba ngày nay, báo chí Hồng Kông và truyền thông Tây phương cho biết dịch cúm gia cầm H5N1 bộc phát ở Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, nằm cạnh tỉnh Hồ Bắc, nơi phát xuất dịch viêm phổi chủng mới corona. Hơn 4500 con gà đã chết trong một trang trại. Gần 18.000 con khác trong các trại chăn nuôi chung quanh bị tiêu hủy để chận dịch, theo thông báo của bộ Nông Nghiệp Trung Quốc.

Cho đến hôm nay, chưa có trường hợp lây nhiễm sang người nào được ghi nhận tại Thiệu Dương, nhưng từ khi dịch xuất hiện lần đầu vào năm 2003 tại Châu Á, ít nhất 455 người tử vong vì H5N1.

Về mặt kinh tế, không kể siêu vi Corona làm đình trệ mọi sinh hoạt, nạn dịch thứ ba này, tức cúm gia cầm xảy ra song song với dịch lợn Châu Phi có nguy cơ làm thực phẩm khan hiếm hơn. Giá cả sẽ leo thang tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam.

Tú Anh

**************

Tăng cường kiểm tra việc nhập lậu gia cầm (RFA, 06/02/2020)

Cục Cảnh sát môi trường ra văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để nắm tình hình, phát hiện các hoạt động nhập khẩu trái phép các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm vào Việt Nam, đặc biệt từ Trung Quốc.

ngheno5

Mua bán gà sống ở Trung Quốc - AFP

Báo trong nước hôm 6/2/2020 trích văn bản nêu rõ "Dịch cúm H5N1 đã phát hiện ở Trung Quốc có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước ta rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc do giáp biên giới với Trung Quốc".

Văn bản được gửi tới công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 và các chủng virus cúm gia cầm khác từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cục Cảnh sát môi trường cũng yêu cầu bắt giữ những ai có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới làm lây lan dịch bệnh.

Ngoài việc tăng cường kiểm soát việc nhập lậu, công an các tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu thực hiện việc tuyên truyền cho người dân về nguy cơ lây nhiễm các chủng cúm gia cầm nguy hiểm, đồng thời vận động người dân không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch.

Hôm 4/2/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam gửi công điện khẩn chỉ đạo các tỉnh thành đối mặt với dịch cúm gia cầm A/H5N1 có nguy cơ lây lan từ Trung Quốc sau khi nước này công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 bùng phát ở tỉnh Hồ Nam gần biên giới Việt Nam.

Cúm gia cầm A/H5N1 là căn bệnh về hô hấp ở các loài gia cầm và có khả năng lây nhiễm cho người, loại virus này được phát hiện lần đầu vào năm 1996 tại Trung Quốc.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 529 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)