Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/03/2020

Lại chuyện đất đai và quan liêu : đất vàng Sài Gòn, tượng đài Bến Tre

RFA tiếng Việt

Ba khu đất "vàng" ở Sài Gòn bị đề nghị thu hồi vì là "đất quốc phòng" (RFA, 24/03/2020)

Viện kiểm sát Quân sự Trung ương vừa kiến nghị thu hồi ba khu đất số 2, 7-9 và 9-11 trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh rộng hơn 7.300 m2 do là đất của Quân chủng Hải quân quản lý nhưng nay đã rơi vào tay tư nhân.

dat1

Khu đất vàng bị thu hồi. Screen Capture

Truyền thông trong nước loan tin hôm 24/3 cho biết ông Nguyễn Văn Hiến (Cựu đô đốc Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã ký duyệt cho cấp dưới dùng giá trị quyền sử dụng ba lô đất nói trên góp vốn với đối tác trái pháp luật. Tin cho rằng vì lỗi của ông Hiến, ba khu đất đã rơi vào tay tư nhân khiến Quân chủng Hải quân (QCHQ) mất quyền quản lý 49 năm và làm thất thoát Ngân sách Nhà nước hơn 939 tỷ đồng.

Trong ba khu đất nói trên, khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng bị xác định do Cựu thượng tá Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út "Trọc", Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng) và đồng phạm chiếm đoạt mang đi thế chấp ngân hàng vay tiền.

Khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng được định giá 500 tỷ đồng theo mức giá năm 2009 và đã được Bộ Quốc phòng thu giữ giao cho Công ty Hải Thành quản lý. Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị làm thủ tục chuyển khu đất này cho Công ty Hải Thành.

Hai khu đất số 7 và 9-11 được Công ty Hải Thành góp vốn với doanh nghiệp Mai Anh, Cảnh Hưng thành lập liên doanh để cùng khai thác, xây dựng các công trình cao tầng đa chức năng. Những công trình này đã được bán cho bên thứ ba nắm quyền sử dụng.

Viện kiểm sát Trung ương khẳng định Công ty Hải Thành phải có trách nhiệm nộp hơn 939 tỷ đồng tiền chuyển mục đích sử dụng ba khu đất cộng với lãi suất tối thiểu, không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định đến thời điểm xử lý vụ án.

Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên – Môi trường không làm thủ tục phát mại tài sản, mua bán chuyển nhượng, tặng đối với ba khu đất bị cho là quốc phòng.

******************

Ông Lê Thanh Hải bị cách chức bí thư nhiệm kỳ 2010-2015 : Người dân Thủ Thiêm nói gì ? (RFA, 23/03/2020)

Bị kỷ luật không đúng mức ?

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam được truyền thông trong nước, vào ngày 20/3, dẫn quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 cùng hai vị lãnh đạo bao gồm ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy và ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch thành phố.

dat2

Ông Lê Thanh Hải và hình ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA

Tin cho biết quyết định kỷ luật được ban hành vừa nêu là do liên quan đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ; quy chế làm việc của Thành ủy ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý ; thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án Đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nhiều hộ dân ở Thủ Thiêm nằm ngoài ranh giới diện tích quy hoạch, đã bị cưỡng chế đất đai, nhà cửa trong suốt hai thập niên đi khiếu nại, khiếu kiện đều tố cáo ông Lê Thanh Hải phải chịu trách nhiệm chính cho những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cô Nguyễn Thùy Dương, một người theo dõi sát sao vụ việc tranh chấp giữa người dân Thủ Thiêm với chính quyền địa phương, vào tối ngày 23/3 lên tiếng với RFA về thông tin mới nhất liên quan ông Lê Thanh Hải bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015 :

"Chúng tôi đánh giá rằng đây có khả năng là một động thái để họ mở đường cho việc sẽ kỷ luật, hay những biện pháp trừng trị thích đáng đối với những người có trách nhiệm trực tiếp. Nhưng chúng tôi cũng đề phòng lo ngại đây chỉ là một hình thức kỷ luật cho có ? Cho nên, hiện giờ húng tôi cẩn trọng trước mọi thông tin, chỉ chờ đợi thôi chứ không có hy vọng".

Còn những người dân Thủ Thiêm đã mất nhiều năm ngược xuôi khiếu kiện từ cơ quan chính quyền cấp thấp cho đến cấp Trung ương chia sẻ với RFA rằng mức kỷ luật như thế đối với ông Lê Thanh Hải là không thích đáng. Điều họ trông chờ là ông Lê Thanh Hải phải bị đưa ra khởi tố hình sự cho những việc ông đã làm đối với người dân Thủ Thiêm. Ông Cao Thăng Ca trình bày :

"Ông Lê Thanh Hải có nợ máu với dân oan Thủ Thiêm, quận 2. Tại vì ông đã chỉ đạo ông Tất Thành Cang dùng bàn tay sắt để cưỡng chiếm nhà đất của dân. Nói chung là ông ấy đã lấy đất của hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm mà không có quyết định thu hồi đất, rồi sau đó đem bán, đem chia cho các sân sau kiếm lời. Hiện nay ông ấy làm thiệt hại cho nhà nước 8 ngàn tỷ đồng, theo Kết luận 1483. Nhưng thực chất trong dự án Thủ Thiêm này, ông ấy thu lợi và bỏ túi theo chúng tôi tính thì phải cả trên 100 ngàn tỷ đồng. Do đó, tại sao làm lỗ cho nhà nước có 8 ngàn tỷ ? Điều này không thể chấp nhận được. Người dân Thủ Thiêm chúng tôi mong rằng Bộ Chính trị phải xử lý ông ấy đích đáng, phải khởi tố vụ án hình sự".

Lo ngại của người dân Thủ Thiêm

Một số người dân Thủ Thiêm Đài RFA tiếp xúc nhấn mạnh rằng họ đang trông mong từng ngày từng giờ được đối thoại và làm việc với Chính quyền quận 2 và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết rốt ráo vấn đề khuất tất liên quan nhà cửa, đất đai đã bị cưỡng chế tại khu đất 4,39ha, thuộc khu phố 1 phường Bình An và tại 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh là nằm trong hay nằm ngoài ranh giới quy hoạch ? Theo bản đồ quy hoạch thì người dân Thủ Thiêm có bằng chứng chứng minh tài sản bị cưỡng chế của họ là nằm ngoài ranh giới và việc thu hồi là trái quy định pháp luật.

dat3

Quang cảnh buổi làm việc giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh với người dân Thủ Thiêm vào ngày 7/11/2018. Courtesy FB Nguyễn Hồng Quang

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái yêu cầu Chính quyền quận 2 tập trung giải quyết vấn đề Thủ Thiêm theo hướng có lợi nhất cho người dân và sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2019. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh hồi giữa tháng 2/2020 cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan đã yêu cầu UBND quận 2 tập trung giải quyết và phải hoàn thành trước tháng 6 năm nay.

Theo những người dân khiếu nại, khiếu kiện ở Thủ Thiêm thì việc giải quyết tranh chấp giữa người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa có hồi kết, mà ông Lê Thanh Hải đã nhận quyết định kỷ luật cách chức nguyên Bí thư Thành ủy. Họ cho rằng quyết định kỷ luật này đồng nghĩa với việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã mặc nhiên kết luận sai phạm, vi phạm của ông Hải chỉ ở một mức độ nhất định mà thôi. Ông Nguyễn Văn Lung, một cư dân Thủ Thiêm còn lưu ý :

"Bên Đảng kỷ luật thì cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015. Như vậy, trước nhiệm kỳ này, ông Hải vẫn là Bí thư mà vì ông Hải làm Bí thư hai nhiệm kỳ. Trước đó, ông hải làm Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, chức nguyên Chủ tịch vẫn còn. Nên nhớ rằng ông Hải là Ủy viên Trung ương 3 nhiệm kỳ và Ủy viên bộ Chính trị 2 nhiệm kỳ. Bây giờ chỉ cách chức nguyên Bí thư thôi, nhưng ông Hải vẫn còn là đảng viên cao cấp. Theo quan điểm của tôi, nhất là đảng viên cao cấp vẫn còn tồn tại thì làm sao chính quyền xử lý được ?"

Ông Cao Thăng Ca cho biết thêm :

"Tôi đã trực tiếp nói với ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Thành phố Hồ Chí Minh rằng cách giải quyết khiếu nại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ cho biết ai là tàn dư của nhóm lợi ích. Nếu trường hợp các ông ấy giải quyết theo kiểu đó thì rõ ràng các ông chứng minh cho mọi người thấy các ông là tàn dư của nhóm lợi ích Lê Thanh Hải. Thành ra, chúng tôi cũng đã kiến nghị với Chính phủ và với Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là phải xử lý người giải quyết khiếu nại sai nặng gấp hai lần những người vi phạm trước đó".

Đài RFA ghi nhận bên cạnh thông tin Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 cùng hai cựu lãnh đạo, truyền thông quốc nội vào trung tuần tháng 3 cho biết Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho khởi động dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đẩy nhanh tiến độ một số dự án đầu tư xây dựng quan trọng, cũng như triển khai các dự án bất động sản trong thời gian tới.

Những người dân Thủ Thiêm như ông Cao Thăng Ca, ông Nguyễn Văn Lung chia sẻ với RFA rằng trong khi chính quyền chưa giải quyết dứt điểm những tranh chấp của người dân Thủ Thiêm, mà các nhà đầu tư tham gia vào những dự án hạng mục nào dính dáng tới vụ việc tranh chấp thì chính họ tiếp tay cho những người vi phạm pháp luật trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

*********************

Chính quyền giằng dai không để Giáo xứ Mỹ Lộc xây tường bao quảng trường Thánh Tâm (RFA, 23/03/2020)

Sáng Chủ nhật, ngày 22/3/2020 Linh mục quản xứ và nhiều bà con giáo xứ Mỹ Lộc tiến hành đổ móng xây tường rào làm đẹp khuôn viên Quảng trường Thánh Tâm của giáo xứ. Lực lượng chức năng gồm nhiều công an và dân quân đến quấy phá hù dọa giáo dân và đòi mọi người phải ngưng thi công.

dat4

Cả trăm công an vào hôm Chủ nhật 22/3 đến ngăn cản Giáo xứ Mỹ Lộc xây tường khuôn viên Quảng trường Thánh Tâm của giáo xứ. Courtesy FB Nguyễn Thị Hương

Trả lời RFA hôm 23/3, Bà Nguyễn Thị Long, một giáo dân ở giáo xứ Mỹ Lộc có mặt tại hiện trường, nói :

"Hôm qua chúng tôi cử giáo dân nói chờ 9 năm rồi nên chúng tôi làm, giáo dân mỗi người mỗi viên đá, viên gạch, bao xi... điều động toàn bộ giáo dân ra xây, bỏ móng... thì nhà cầm quyền đưa công an, cơ động... rất là đông, không tưởng tượng được, rồi dùi cui điện, xiềng số 8... đầy đủ lắm, họ đưa loa đe dọa đàn áp chúng tôi toàn là phụ nữ, và tuổi trung niên, vì thanh niên đi làn cả... Chúng tôi nói chúng tôi không làm gì sai cả, nếu sai cứ bắt chúng tôi... Ở bên kia tượng Chúa Kito Vua là nhà hội quán, thì bọn tôi xây để ngăn chặn bên này họp hành, bên kia tượng Chúa Kito Vua thôi, cho cách biệt chứ không chúng tôi không muốn chung một khuôn viên, mà họ đem công an ngăn cản đông như bươm bướm".

Bà Nguyễn Thị Long cho biết, đất xây tường rào sân bóng đá có tượng Chúa Kito Vua, đó là mảnh đất mười mấy hộ, dâng cúng cho giáo xứ làm sân bóng đá, vì ba vùng theo Công giáo ở khu vực đó không có sân bóng đá nào cả. Nếu muốn đá bóng, chỉ có thể đá trên một sân mini nhưng phải mất tiền. Vì vậy Giáo xứ làm sân bóng để cho con em giải trí, cho thanh niên cuối năm về chơi bóng thể thao. Phía chính quyền xã Bình Lộc nhiều năm nay không cho giáo xứ tiến hành ; mặc dù triệu tập người dân lên làm việc nhiều lần để rồi hẹn mà không giải quyết.

Anh Tuấn, một giáo dân ở giáo xứ Mỹ Lộc, khi trả lời RFA hôm 23/3, cho biết thêm :

"Đất lò than, là đất của một số giáo dân cúng cho xứ, nhưng bây giờ quy hoạch làm sân vui chơi cho thôn. Trước đây thì chính quyền với xứ thống nhất xây bờ bao hàng rào, nhưng có một hàng rào không được xây. Vì vậy xứ quyết định xây, nhưng chính quyền nói không được xây. Sau đó Cha với chính quyền đi đến thống nhất vào bàn bạc, lúc đó Cha mới cho giáo dân nghỉ, để lúc đó chính quyền trả lời, thì lúc đó tính sau, chứ hôm qua không xung đột gì cả".

Giáo xứ Mỹ Lộc thuộc hạt Văn Hạnh, giáo phận Hà Tĩnh, trước đây là giáo phận Vinh. Giáo xứ gồm 2 giáo họ : giáo họ Mỹ Lộc thuộc xã Bình Lộc và giáo họ Đồng Kỳ thu gọn trong xóm 3 xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 3 năm 2020 đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với linh mục Phêrô Trần Phúc Chính quản xứ Mỹ Lộc, để tìm hiểu thêm về vụ việc, tuy nhiên Linh mục không nhấc máy.

dat5

Cả trăm công an vào hôm Chủ nhật 22/3 đến ngăn cản Giáo xứ Mỹ Lộc xây tường khuôn viên Quảng trường Thánh Tâm của giáo xứ. Courtesy FB Nguyễn Thị Hương

Giáo xứ Mỹ Lộc cũng chính là quê hương của Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng, Quản xứ Thọ Vực, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Trả lời RFA hôm 23/3, Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, khu đất Quảng trường Thánh Tâm này nhà nước đã chia cho dân, trong đó có 16 hộ là giáo dân xứ Mỹ Lộc được sở hữu 3.309,5 m2. Số đất này sau đó được 16 hộ giáo dân đã dâng cúng cho nhà thờ năm 2011. Linh mục quản xứ hồi đó là Cha Giuse Nguyễn Văn Chính, khi đã nhận đầy đủ giấy tờ giáo dân dâng cúng, Ngài cùng với giáo dân giáo xứ dựng tượng đài Trái Tim Chúa Giêsu như chúng ta đang thấy ngày nay. Nhưng chính quyền các cấp đã cương quyết cưỡng chiếm đất đai của người dân.

Theo Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng, sự kiện ngày 16/1/2011 không ai mà không nhớ, khi chính quyền xã Bình Lộc và huyện Lộc Hà lợi dụng lúc Cha quản xứ đi vắng đã huy động lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ 13 xã trong huyện đến xâm lấn đất giáo xứ, bao vây, đánh đập giáo dân nhằm đàn áp cũng như bách hại tôn giáo một cách trái pháp luật. Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng, nói tiếp :

"Nó diễn ra từ năm 2011, đất sân bóng do 16 hộ giáo dân hiến cho giáo xứ, có giấy tờ chữ ký mỗi hộ.Cha giữ giấy tờ đó chứng minh là đất giáo xứ. Nhưng đất đai ở Việt Nam thì họ muốn cưỡng chiếm cách này hay cách khác. Họ đã từng xuống đánh đập giáo dân, có 7 người bị thương nặng. Trong một tháng sau đó, họ thuê người ném đá liên tục vào nhà công giáo. Sau một thời gian dài, Cha Chính già đang quản nhiệm ở đó, ngài có đối thoại, họ không lấy nhà thờ nữa mà cho đất sân bóng góp vô thôn, việc này để hai bên có lối thoát. Rồi các ông làm nhà văn hóa ở đó để cho người lương sau này có chỗ sinh hoạt, giáo dân cũng muốn có sân bóng".

Bà Nguyễn Thị Long nhớ lại :

"Hồi năm 2011 họ có cho người vô phá nhà thờ chúng tôi, náo động, đập bọn tôi, nó vào nó cầm dây chuông nó đập tôi... nó vật lộn với tôi, mà nhờ ơn Chúa, khi đó tôi chỉ 37kg, nhỏ con chứ không to. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ người ta thấy chạy đến thì nó mới chạy ra ruộng. Sau bọn dân quân ập đến đánh tụi tui từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, tôi ngất thẳng cẳng không biết gì cả, kể cả chiến tranh lần chừ và mấy lần sau, họ cứ nhe vào tôi. Mà tôi nói thật, tôi chỉ là người công dân, một giáo dân, một người bảo vệ nhà chúa, nhưng tôi không sợ gì cả vì tôi không làm sai".

RFA hôm 23/3 cũng đã nhiều lần liên lạc chính quyền xã Bình Lộc và huyện Lộc Hà để tìm hiểu thêm, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.

Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, đúng ra sau vụ năm 2011 giấy tờ thỏa thuận với chính quyền đã được Cha Giuse Nguyễn Văn Chính làm xong, nhưng do nhân sự chính quyền Việt Nam hay thay đổi, người trước thế này, nhưng người sau lại thay đổi, họ không đồng bộ và rõ ràng. Ông giải thích thêm :

"Người dân làm sân bóng thì Cha đặt ra điều kiện phải có tường bao, để trâu bò không vô ăn cỏ làm xấu sân bóng, thứ hai là có tường bao là về vấn đề tôn giáo, tâm thức người công giáo không thể để Chúa chung với nhà văn hóa của xã được, sợ xúc phạm. Nhưng mục đích của họ muốn bao sân bóng và nhà văn hóa của xã luôn để sau này dễ lấy đất, với lý do là nơi văn hóa vui chơi".

Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng cho biết giáo xứ đã nhiều lần gửi bản báo cáo lên tỉnh, bản kiến nghị lên huyện Lộc Hà và xã Bình Lộc. Tuy nhiên, huyện Lộc Hà trả lời không cụ thể, chung chung, có tính lập lờ. Giáo dân đã 5 lần đối thoại để làm rõ thì chính quyền chỉ trả lời bằng miệng.

Vì đối thoại với xã không có kết quả nên Giáo xứ Mỹ Lộc hôm 22/3/2020 đã đơn phương xây tường với kết cấu thông thoáng, ngăn cách khu vực quãng trường của tượng đài và hội quán thôn 6 để bảo vệ tính tôn nghiêm như mong muốn của giáo dân. Tuy nhiên chính quyền lại một lần nữa ngăn cản. Cha Hùng nói :

"Họ lấy lý do trong lúc đại dịch corana nên phải dừng công trình lại đã, họ hứa là ít ngày nữa họ đến làm việc rõ ràng. Trong video dân quay lại, ông đại diện tỉnh hứa là họ sẽ tự làm tường bao, không bắt giáo dân làm. Nhưng vậy cũng vui mừng, còn cái họ can thiệp giáo dân, người dân ở đó họ hợp tác mà. Nhưng họ muốn giữ cái uy của họ nên họ gay go từ tám chín năm nay, từ 2011 đến 2020".

Ông cho biết, người dân rất phấn khởi vỗ tay mãn nguyện và kiên tâm chờ đợi chính quyền thực hiện như lời hứa. Nhưng nếu chính quyền tiếp tục thất hứa thì giáo dân lại phải xây tiếp.

*********************

Bến Tre : trùng tu tượng đài dù hạn, mặn khốc liệt ! (RFA, 23/03/2020)

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi Bến Tre.

dat6

Tượng đài Đồng Khởi Bến Tre. Nguồn : baodongkhoi.vn

Được biết, dự án này do Sở Văn hóa, thể thao và du lịch làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện từ năm 2019 - 2021.

Trong đó, phần tượng đài gồm bà mẹ Bến Tre và 4 nhân vật đại diện nhân dân Bến Tre được đục từ đá granite nguyên khối cao 4,5-7 mét.

Mức kinh phí chi cho dự án chưa được truyền thông trong nước nhắc tới, nhưng theo ước tính từ giá trị đá granite nguyên khối, dự án này không thể có mức dưới hàng chục tỉ đồng.

Điều gây phản ứng mạnh từ người quan tâm trước quyết định vừa nêu là tình trạng Bến Tre, một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đang bị thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề.

Trao đổi với RFA tối 23/3, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chuyên gia Biến đổi khí hậu và tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng :

"Tôi nghĩ rằng giai đoạn hiện nay nếu tôi có khuyến cáo thì chính quyền nên tập trung vấn đề thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, và đồng thời ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đó là những ưu tiên hơn so với sửa sang hay xây dựng tượng đài như vậy. Có thể có những công trình đó nhưng không nên trong giai đoạn này".

Nói rõ hơn tình trạng hạn mặn tại Bến Tre hiện nay cũng như nguyên nhân vì sao chưa nên xây dựng tượng đài, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định :

"Mặn đã tới từ rất sớm và vào rất sâu trong năm nay. Bây giờ những nhà máy cấp nước ở Bến Tre nước mặn vẫn rất cao mà xử lý ở mức độ trong hệ thống nước cấp đã mặn rồi nên rất khó khăn. Người dân hoặc xe bồn phải đi chở nước từ nơi xa tới khu cấp nước cho người dân cầm cự cho tới khi mùa mưa tới. Hiện nay chính quyền ráng nỗ lực giải quyết vấn đề nước uống cho người dân, còn cho sản xuất nông nghiệp là chịu thua rồi. Bây giờ vấn đề lo nước uống cho người dân là quan trọng, còn cây trồng nào không chịu nổi thì phải chấp nhận chịu thiệt hại".

Xác nhận tình trạng hạn mặn vừa nêu, anh Huệ, người dân ở ấp 1 xã Phú Nhuận, tỉnh Bến Tre cho hay :

"Hiện tại mặn dữ lắm, cây cối, tôm cá chết muốn láng hết. Nếu tình hình mặn kéo dài kiểu này cây trái miền Tây chắc chết hết chứ sống không nổi. Hiện tại cũng còn khả năng cầm cự, nếu mưa xuống sớm còn khả năng chứ mưa trễ cây cối chắc chết hết, chịu hết nổi. Mặn mà 20 mươi mấy, 30 mấy phần ngàn sao chịu nổi".

Vẫn theo anh Huệ, trước tình hình trên, phía chính quyền cũng đang phần nào hỗ trợ người dân :

"Nước ngọt người dân xài nước giếng với chính phủ cho mấy ông ở Ủy ban cung cấp nước ngọt cho miễn phí, người dân tới lấy nước xài vì giờ không còn cách nào. Chứ nước ngọt mà cũng không có chắc dân miền Tây chết hết".

Theo báo trong nước đưa tin, nguồn nước mặn tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã xâm nhập sâu vào nội đồng với mức độ được nói là xấp xỉ năm 2015, 2016, là những năm được đánh giá hạn mặn lịch sử.

Phòng Nông Nghiệp huyện Ba Tri công bố khảo sát cho biết có gần 4.500 hécta lúa Đông Xuân đang chịu thiệt hại nặng nề, phần lớn đều đã bị nhiễm mặn. Trong số này có tới hơn 15% diện tích bị chết, phần còn lại không phát triển do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Bên cạnh tình trạng hạn mặn đang ngày càng trầm trọng, giới chức tỉnh Bến Tre hôm 23/3 cũng đã ra quyết định cách ly 450 hộ dân với gần 1.600 người tại ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại sau khi một người dân đầu tiên ở đây được xác định dương tính với Covid-19 hôm 22/3.

Trước những khó khăn mà người dân đang phải gánh chịu hiện nay, nhưng chính quyền vẫn muốn thực hiện dự án trùng tu tượng đài, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội bày tỏ :

"Trong lúc hạn mặn cũng như đất nước còn rất nhiều vấn đề mà người dân, người nông dân cần chính quyền tiết kiệm chi tiêu, dành đầu tư nhiều hơn cho các công trình hữu ích mà chính quyền cứ đi xây tượng đài phản ánh vấn đề chính quyền vô cảm, hơi dửng dung với cuộc sống người dân. Có cảm giác như chỉ có một đảng nên họ không sợ trách nhiệm gì. Mình cứ đặt địa vị nếu đất nước đa đảng, một chính đảng cầm quyền ra một quyết sách lãng phí như vậy chắc chắn kì sau người dân không bầu. Nhưng ở đất nước độc đảng như ở Việt Nam thì rõ ràng họ làm nhưng không sợ vướng mắc, dư luận hay bất cứ gì cản trở họ".

Việc các tỉnh, thành xây dựng các tượng đài với kinh phí lên đến hàng tỉ không còn là chuyện mới mẻ ở Việt Nam hiện nay. Điển hình như tượng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng ở Quảng Nam 430 tỉ, tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La 1.400 tỉ, hay tượng đài N’Trang Long được ước tính có kinh phí lên đến 146 tỉ đồng tại Đak Nông, một tỉnh nghèo vùng Tây nguyên. Mới đây nhất là tượng đài Lênin ở Nghệ An với kinh phí hơn 8 tỉ đồng.

Ngoài việc tiêu tốn hàng tỉ đồng kinh phí xây dựng, chất lượng công trình cũng là điều nhiều người quan tâm. Đơn cử một công trình ở Quảng Ninh bị sét đánh bật ra thì bên trong toàn bằng tre, hay tượng đài Điện Biên Phủ bao nhiêu tấn đồng giờ rỉ sét…

Vì vậy, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội nhận định rằng việc xây, sửa, nâng cấp tượng đài hay rất nhiều việc khác liên quan đến tượng đài như ở Việt Nam làm đều tốn tiền vô ích chứ không giải quyết vấn đề gì hữu ích cho người dân.

"Rõ ràng động cơ việc xây tượng đài cũng như các việc phù phiếm khác như vụ việc Hải Phòng gần đây tặng ấm chén cho người dân gần 300 tỷ, thì việc họ có trục lợi, tham nhũng, bớt xén hay không thì người dân Việt Nam biết thừa việc đấy rồi".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 493 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)