Lãnh đạo bất nhất qua trường hợp ông Nguyễn Đức Chung ! (RFA, 24/03/2020)
Tại cuộc họp chiều 19/3/2020, về phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã kêu gọi người dân không cần hoang mang, không cần mua tích trữ thực phẩm.
Ông Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, chiều ngày 23/3/2020. Courtesy hanoi.gov.vn
Trước đó một ngày, hôm 18/3/2020, ông Nguyễn Đức Chung đã khuyến cáo mọi người dân cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt, tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ trường hợp các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực, thực phẩm... do nguồn lây nhiễm đang ẩn nấp ở cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm rất cao...
Khuyến cáo như vậy làm nhiều người dân hoang mang vì nếu ở nhà trong vài tuần thì sao không mua lương thực dự trữ được (!?).
Sau đó ông Nguyễn Đức Chung lại đưa ra một thông tin có vẻ hoàn toàn trái ngược vào chiều 23/3/2020, cũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, ông nói đã khuyên con trai đang du học ở Mỹ mua dự trữ thức ăn đến hết tháng 6 và ở yên trong nhà 3 tháng tới...
Từ Nha Trang, chị Nguyễn Lai nói với RFA :
"Từ cái ngày có dịch đến giờ, đảng có lo cho dân đâu, sau này bùng phát lên mới nhắn tin cho dân đề phòng, chứ có lo đâu, đảng bắt dân đóng tiền thêm vào mà... Trong khi các lãnh đạo thì có tiền cho con đi du học nước ngoài, điện thoại kêu con trữ đồ ăn... Trong khi ở đây cứ nói dân không cần lo, nhưng ngược lại còn bắt dân đóng tiền, đóng góp để lo cho nạn dịch này nữa. Họ nói một đằng hiểu một nẻo".
Trả lời RFA hôm 24/3 từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS đã tự giải thể, cho rằng, việc nói dối của các chính trị gia là một vấn đề được giới khoa học nghiên cứu rất kỹ lưỡng, có nhiều kiểu nói dối, từ nói dối trắng trợn, cho đến chuyện cái tốt thì phô ra, cái xấu xa thì đậy lại... việc này đã có từ thời cổ chứ không phải đến bây giờ. Ông cho rằng chuyện này cũng khá bình thường, vì có nhiều ý kiến khác nhau... Ông nói tiếp :
"Nhưng với một người, ví dụ như ông Chung, ổng nói trước công chúng Hà Nội là cứ yên tâm, đừng có tích trữ gì cả... sẽ cung cấp đầy đủ, nhưng ổng lại khuyên con ổng bên Mỹ là mua đủ hàng trong 3 tháng, làm người dân rất bức xúc, có phải cái trước kia ông Chung nói là nói dối, và nói với con là nói thật không ? Tôi thì tôi nghĩ cả hai ông Chung đều nói thật, vì ở Việt Nam thật sự không thiếu hàng hóa, không cần đi mua, đi gom... Ông Chung nói như thế là đúng. Còn ổng khuyên con ổng thì tôi nghĩ hoàn toàn là không lý trí, nhưng có thể hiểu được về mặt tâm lý của người bố, dặn con phải chuẩn bị. Và với cái tâm lý đấy, cái lo đấy, rất là thật của ông Chung, cũng như những cái lo rất là thật của những người khác là khi hoảng loạn thì người ta đổ xô đi mua. Nhưng ngày hôm sau họ thấy còn đầy hàng thì suy nghĩ cảm tính của người ta bắt đầu lùi đi, nhường cho suy nghĩ lý tính".
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi trả lời RFA hôm 24/3 cho rằng, việc ông Nguyễn Đức Chung khuyên con mình đang du học tại Mỹ, phải ở trong nhà và chuẩn bị đồ ăn trong 3 tháng thì đó là tâm lý rất bình thường của một người cha khi thấy con mình đối diện với dịch bệnh. Ông nói tiếp :
"Nhưng ở đây ông ta đang phát biểu trong cuộc họp, tức ông Chung đang thi hành công vụ, đang làm việc với chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ông không ý thức, ông ta có thể nói chuyện đó riêng tư cá nhân, chứ không thể đem ra cuộc họp để phô trương. Đó là sai lầm của người làm chính trị. Cái thứ hai là ông ta đã trở nên thách thức chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam, đó là chủ trương quan trọng nhất, là ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’. Trong khi đó hiện nay, cả thủ tướng, cả bộ chính trị, toàn bộ nội các chính phủ đang lao đao vì cái bệnh dịch này, mà ông ta coi đó là cái khoe khoan về tình phụ tử của ông ta. Tôi cho đó là một điều phi chính trị lúc này, và ông ta đã làm sói mòn hình ảnh của đảng cộng sản Việt Nam đang cố gắng dập dịch".
Người dân đeo khẩu trang xếp hàng mua đồ dự trữ tại siêu thị ở Hà Nội, lo ngại về sự lây lan Covid-19. Ảnh chụp ngày 7/3/2020. AFP
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, việc này trở thành một trò rất lố lăng trong mắt dư luận quần chúng, khiến người ta cười cợt, vì suốt bảy tám chục năm qua, người cộng sản không đội trời chung với chủ nghĩa tư bản. Thế mà bây giờ, ông nào cũng đưa con đi Mỹ, đi châu Âu, đi những nước tư bản :
"Nó gây là ra một điều lố lăng cho tính chính danh theo đường lối chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng không trách được, bởi vì nhìn lại, ngay thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước và rất rất nhiều ông bà cộng sản cấp cao khác, họ đều đưa con đi Mỹ, đi Tây du học, không có ông bà nào đi Trung Quốc, Cuba hay Nga hết... Ai có quyền nói ai bây giờ, "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", và nó trở thành một tổ chức vô chính phủ. Tôi khẳng định lại một lần nữa, hiện nay chính quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là một chính quyền đang dẫn đến sự hỗn loạn qua phát biểu của Nguyễn Đức Chung với tư cách là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội".
Chị Nguyễn Hồng Loan, một người dân từ Sài Gòn nói với RFA :
"Họ không dám công bố sợ dân hoang mang chụp giựt mua lương thực, làm khan hiếm, họ đỡ không kịp... Ông Chung nói vậy vì sợ tình hình dịch này kéo dài thì lương thực không đủ cung cấp cho dân Việt Nam hoặc là sẽ bị tăng giá. Lãnh đạo như Nguyễn Đức chung là kiểu lãnh đạo của đảng cộng sản xã hội chủ nghĩa. Nói thì một đàng, làm thì một nẻo, gia đình con cái danh vọng của người đảng viên cộng sản là trên hết, đồng bào dân Việt vứt vào sọt rác".
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Hà Nội nhận thông tin không thống nhất trong mùa dịch Covid-19. Vì học sinh nghỉ học quá lâu, nên các trường phải dạy online (trực tuyến), xung quanh câu hỏi : Có được thu tiền dạy học qua online hay không ? Thì mỗi nơi lại trả lời một kiểu.
Hôm 16/3/2020, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội có văn bản yêu cầu nhà trường không thu bất cứ khoản tiền nào của học sinh, phụ huynh khi tổ chức học online, kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên...
Tuy nhiên, một ngày sau đó Bộ Giáo dục & Đào tạo lại cho rằng đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau về việc thu học phí thêm.
Chị Huỳnh Hằng ở Đà Nẵng nói với RFA hôm 24/3 :
"Lãnh đạo Việt Nam chưa bao giờ làm như những điều họ nói, tất cả đều mị dân, chẳng ai tin vào chính quyền. Dân tự cứu mình là chính, cần trữ một ít lương thực ít nhất là một tháng, rút kinh nghiệm từ Trung Quốc, chen lấn giành giật và có thể ta sẽ bị phong tỏa trong một thời gian nào đó, những thực phẩm khô như gạo và mì gói nếu trữ cũng không hư, không dùng dịp này thì dùng sau, phải biết tự cứu mình trước khi chờ đợi sự ứng cứu của nhà nước và các tổ chức nhân đạo".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, dễ hiểu với sự ăn nói bất nhất của các chính trị gia. Chúng ta phải sống chung với nó, nhưng phải lên tiếng để làm sao cho họ nhất quán hơn.
Nguồn : RFA, 24/03/2020
********************
Vì sao nhiều người Việt vẫn đến chỗ đông người trong đợt dịch ? (RFA, 24/03/2020)
Một trong những biện pháp phòng, chống lây lan dịch Covid-19 là hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên vào ngày 24/3 nhằm ngày mồng một âm lịch, nhiều người dân Hà Nội đến lễ tại Phủ Tây Hồ, Chùa Quán Sứ.
Người dân tập trung tại sân Phủ Tây Hồ. Nguồn : VOV
Hình ảnh báo trong nước đăng tải cho thấy dù Phủ Tây Hồ đã đóng cửa nhưng người dân vẫn kéo nhau tới. Trong số này, nhiều người dân đã không đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó, trong những ngày qua, việc người dân xếp hàng dài gửi tiếp tế trước cổng khu A kí túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ phía dư luận. Báo trong nước cho biết hàng trăm người đã đến để đưa đồ cho người thân đang bị cách ly tập trung như thực phẩm, quần áo, chăn, nệm, quạt máy, thậm chí có người còn gửi cả tủ lạnh.
Trước đó, nhà nước Việt Nam đã ra văn bản, thậm chí thường xuyên gửi tin nhắn nhắc nhở mọi người hạn chế ra đường trong thời gian này, chỉ đi khi thật sự có việc cần thiết, cấm tụ tập đông người. Đặc biệt, người dân khi đến những chỗ công cộng cần phải đeo khẩu trang bảo vệ.
Vì vậy, những hình ảnh và bài viết về hai sự việc vừa nêu nhanh chóng được lan truyền rộng rãi và chia sẻ lại trên các trang mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự bất bình vì cho rằng hành động này dường như đang phá vỡ những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 của chính phủ Hà Nội.
Nhận xét về việc này, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội cho rằng :
"Hầu như các bậc cha mẹ, phụ huynh của một bộ phận trẻ những người du học ở nước ngoài về mà bản chất việc đi về này là để đi tránh dịch, trốn dịch chứ không phải nghỉ hè. Như vậy ưu tiên hàng đầu phải là khắc phục được sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Người ta gửi đồ đạc tiếp tế, các sản phẩm, đồ ăn, thức dùng kể cả phương tiện sử dụng, hình dung đi cách ly như đi trẩy hội, đi nghỉ. Tất cả những hành vi đó đều cho thấy không phải từ người có nhận thức chín chắn, đúng đắn, hợp lẽ, hợp lề luật trong bối cảnh phức hợp mà bệnh dịch này vẫn đang còn biến đổi khôn lường".
Còn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nhà nghiên cứu xã hội học hiện đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho rằng những hành động vừa nêu xuất phát từ thói quen và tập quán của người dân Việt Nam. Theo bà, điều này rất khó thay đổi :
"Xưa nay kiểu cha mẹ bao bọc cho con khá phổ biến ở Việt Nam nên con bị cách ly như thế thì cha mẹ sốt ruột lên, phải đi tiếp tế. Đặc biệt những gia đình có con đi du học hầu hết là gia đình có điều kiện về mặt kinh tế nên không thể con ở nhà mà không tiếp tế cho con được. Đấy chắc phải một thời gian khi xã hội lên tiếng, dư luận lên tiếng thì các gia đình sẽ suy nghĩ lại, điều chỉnh lại hành vi người ta".
Vẫn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, việc tiếp tế cho người nhà bị cách ly có thể thay đổi dưới tác động bên ngoài, tuy nhiên để thay đổi hành vi tụ tập tín ngưỡng sẽ phải khó hơn nhiều. Theo Tiến sĩ Hương, vì là tín ngưỡng nên đã ăn sâu vào suy nghĩ, thói quen, lòng tin của người dân từ rất lâu, vì vậy rất khó bỏ.
"Ví dụ Phủ Tây Hồ mà bây giờ Việt Nam gọi là tín ngưỡng Thờ Mẫu đã từng một thời bị ngăn chặn rất ghê gớm, nhưng qua mấy chục năm cũng không thể ngăn chặn được. Vì vậy bây giờ trong một vài tháng của dịch này mà ngăn chặn tôi nghĩ là khó lắm. Kể cả dịch này có đe dọa sinh mạng bao nhiêu người thì không phải tất cả mọi người đều lo sợ mà dừng lại, có những người vẫn đi".
Hoàn toàn đồng ý với quan điểm Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nêu ra, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhận định :
"Người ta nghĩ bệnh tật đó có thể đe dọa cả cộng đồng nhưng chưa hẳn là mình. Thứ hai là nhãn tiền không đến ngay lập tức. Thứ ba là nhu cầu có thật của họ về việc tụ tập thực hiện các nghi thức văn hóa tâm linh mà người ta không thể bỏ được. Dẫu thế nào đi nữa cũng cho thấy tinh thần thiếu kỷ luật, thiếu ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Cho thấy sự khinh nhờn, coi thường kể cả mạng sống của mình, coi thường tinh thần chủ động tích cực phòng ngừa chống dịch bệnh cùng cộng đồng, vì cộng đồng. Việc sinh hoạt, vẫn tụ tập ở Phủ Tây Hồ đều cho thấy tinh thần chưa đủ lớn, khiến người khác phiền lòng, thậm chí phẫn nộ vì đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của toàn thể lực lượng xã hội".
Mới đây, 49 người Việt đã tham gia sự kiện tôn giáo tại Kuala Lumpur, Malaysia vào hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua. Sau sự kiện, chính quyền Malaysia cho biết đã có khoảng hơn 300 trường hợp được xác định nhiễm Covid-19.
Tính đến tối ngày 19/3, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vào sáng cùng ngày thành phố đã phát hiện hai trường hợp nghi nhiễm Covid-19, trong số này có một tín đồ Chăm ngụ tại phường 1, quận 8, đã sang dự sự kiện tôn giáo tại Malaysia.
Đáng quan tâm, người đàn ông này đã đi lễ 5 lần/ngày từ ngày 4 đến 17/3 tại thánh đường Hồi giáo ở quận 8 trước khi được xác nhận dương tính với Covid-19. Việc này khiến nhiều người lo sợ nguy cơ lây lan do người này lây truyền.
Vì vậy, dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng để có thể khiến người dân tuân thủ luật lệ được chính phủ ban hành, việc đầu tiên là cần nâng cao nhận thức người dân :
"Nói thì có một số người sẽ không bằng lòng nhưng tôi thấy ý thức Việt Nam vẫn chưa cao, truyền thống của mình cứ à ơi rồi thôi chứ không có ý thức nghiêm túc. Trong ngày thường cũng đã thế, ‘phép Vua thua lệ làng’, ngay cả phép Vua cũng không phải là điều bắt buộc để người ta thực hiện. Cho nên để hình thành ý thức tôn trọng quy định pháp luật phải là một quá trình thời gian rất dài mà ở Việt Nam những luật lệ hơi yếu nên chúng ta có lẽ phải chấp nhận thôi".
Nguồn : RFA, 24/03/2020