Việt Nam : Facebooker bị tuyên án 5 năm tù vì "nói xấu chế độ" (RFI, 29/04/2020)
Theo AFP, trong bối cảnh chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp các mạng xã hội, một thanh niên 24 tuổi bị tuyên án 5 năm tù vì chia sẻ trên Facebook những thông tin bị xem là "nói xấu'' chế độ cộng sản.
Ông Phan Công Hải tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: NTV
Phiên xử diễn ra vào ngày 28/04/2020 tại Nghệ An. Người bị tuyên án là ông Phan Công Hải, 24 tuổi, thường trú tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Báo chí chính thức cho hay, qua Facebook với các tài khoản như "Hùng Manh", "Người Việt xấu xí", "David Nguyễn", ông Phan Công Hải đã phổ biến các thông tin bị xem là "nói xấu chế độ". Hành động của ông Hải bị tòa án Việt Nam khép vào tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Hãng tin AFP cho biết ông Phan Công Hải, 24 tuổi, đã dùng Facebook để đăng tải các bài viết ủng hộ các nhà hoạt động bị bỏ tù vì biểu tình phản đối cách chính phủ xử lý vụ Formosa xả chất độc ra biển ở miền Trung Việt Nam năm 2016, cũng như nhiều vấn đề gây tranh cãi khác.
Theo thông tin từ hai tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Human Right Watch (HRW), khoảng 10% tù nhân chính trị tại Việt Nam bị phạt tù do các hoạt động truyền thông trên Facebook.
Trước vụ án Phan Công Hải, AFP cho biết hôm 27/04, một Facebooker khác là ông Chung Hoàng Chương, 43 tuổi, bị một tòa án ở Cần Thơ kết án 18 tháng tù, vì chia sẻ thông tin cũng được gọi là "chống chế độ". Thông tin nói trên liên quan đến vụ an ninh bất ngờ tấn công vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, trong đêm 08/1 qua sáng ngày 09/01/2020. Trong vụ này có ba công an thiệt mạng. Cụ Lê Đình Kình, dân làng Đồng Tâm, người đứng đầu các hoạt động phản đối cưỡng chế đất, bị tử thương. Vụ tấn công bị lên án mạnh trong một bộ phận công luận Việt Nam.
Vẫn liên quan đến Facebook, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch hồi tuần trước đã tố cáo mạng xã hội này đã "đồng lõa" với chính quyền Việt Nam khi chấp nhận kiểm duyệt các nội dung bị coi là "bất hợp pháp". Theo HRW, đây là ''một tiền lệ xấu'' mở đường cho việc chính quyền Việt Nam siết chặt tự do ngôn luận trên các mạng xã hội.
Tú Anh
******************
Việt Nam buộc một công ty Trung Quốc phá bỏ công trình giống ‘đường lưỡi bò’ (VOA, 29/04/2020)
Một công ty của Trung Quốc có trụ sở ở Hải Phòng vừa bị nhà chức trách thành phố này yêu cầu phá bỏ mô hình giống "đường lưỡi bò", tức là đường chín đoạn mà Bắc Kinh vẽ lên bản đồ Biển Đông để đơn phương tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng biển này.
Hình ảnh từ vệ tinh của Google Map cho thấy công trình trong khuôn viên khu công nghiệp An Dương của Cty TNHNN Thâm Việt (Trung Quốc) ở Hải Phòng giống với "đường lưỡi bò". (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Các báo chính thống của Việt Nam hôm 28/4 cho biết giới chức thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp An Dương phá bỏ công trình xây dựng được cho là sai quy hoạch trong khuôn viên của khu này ở xã Hồng Phong, huyện An Dương.
Theo những hình ảnh từ vệ tinh mà VnExpress, Thanh Niên và Tuổi Trẻ đăng tải, công trình xây dựng trong khuôn viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thâm Việt của Trung Quốc ở khu công nghiệp này "có hình thù giống với đường lưỡi bò".
Công trình nằm trên phần đất quy hoạch công viên cây xanh trong khu công nghiệp An Dương, được lập bằng lối đi lát gạch bao quanh một hồ nước nhân tạo, theo Tuổi Trẻ.
"Toàn bộ mô hình này đã bị phá bỏ", một lãnh đạo UBND huyện An Dương nói với Thanh Niên và cho biết cơ quan chức năng tiếp tục rà xoát các quy định để xử lý vi phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thâm Việt, hiện là chủ đầu tư của khu công nghiệp An Dương với số vốn 175 triệu USD.
Tháng 10 năm ngoái, Hải quan Hải Phòng đã phát hiện 7 chiếc xe ô tô sản xuất ở Trung Quốc có gắn thiết bị định vị với bản đồ có "đường lưỡi bò" nhập khẩu vào Việt Nam tại cảng Đình Vũ.
Cùng thời gian đó, một chiếc xe ô tô Wolkswagen của Đức được đưa từ Trung Quốc vào triển lãm ở Việt Nam cũng bị phát hiện có gắn phần mềm với hình ảnh "đường lưỡi bò".
Cũng trong năm ngoái, Việt Nam ra lệnh cho các rạp chiếu phim ngừng chiếu một bộ phim hoạt hình của DreamWorks Animation trong đó có hình "đường chín đoạn".
Trước đây, Trung Quốc đã tìm cách đưa hình ảnh "đường lưỡi bò" vào bản đồ trên các quả địa cầu nhựa, bị phát hiện ở Anh, hay trên áo của các du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.
Tuyên bố "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên vùng Biển Đông bị tòa trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ năm 2016 trong một vụ kiện của Philippines. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn phủ nhận phán quyết này.
******************
Bổ nhiệm hàng loạt các lãnh đạo Bộ Công an (RFA, 39/04/2020)
Bộ Công an Việt Nam có thêm hai thứ trưởng gồm Thiếu tướng Lê Quốc Hùng và Lê Tấn Tới.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới và Lê Quốc Hùng vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an - Ảnh : tienphong.vn/ RFA edit
Theo tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 29/4, ông Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, sinh năm 1966, từng là Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện đang là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an trong Quyết định 589 của Thủ tướng Chính phủ.
Còn ông Thiếu tướng Lê Tấn Tới, sinh năm 1969, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an, từng giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu được bổ nhiệm tại Quyết định 595.
Ngoài ra, quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân được trao cho ông Thiếu tướng Vũ Văn Kha, phụ trách Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng.
Ông Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam được giao chức vụ Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Quốc phòng.
Trong hai ngày 28-29/4, Bộ Công an công bố các quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên ; đồng thời bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Đắk Nông.
Vẫn tin liên quan, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an vào chiều ngày 28/4 đã trao quyết định của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập Trường Cao đẳng An ninh nhân dân II vào Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I.
Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công an cũng tổ chức buổi lễ công bố quyết định sáp nhập các Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 3, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 và cơ sở Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 6 vào Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân II trong ngày 27/4.
******************
Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội thừa nhận thiếu sót trong tham mưu vụ Đồng Tâm (RFA, 29/04/2020)
Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội thừa nhận công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân chưa sát, còn hạn chế, như vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm.
Sáng sớm ngày 9/1/2020, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối. File photo
Truyền thông trong nước loan tin trích lời ông Phạm Hải Hoa, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, cho biết tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ngày 28/4.
Theo lời ông Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, nguyên nhân là vì "việc dự báo tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp, nhạy cảm là chưa kịp thời, chưa sâu sát".
Ngoài ra, công tác dân vận của hệ thống chính trị được ông Hoa nhận định có nơi chưa đồng bộ ; việc xử lý các vấn đề phức tạp, phát sinh trong nhân dân có lúc, có nơi còn lúng túng về thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể ; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại, kiến nghị, tố cáo của người dân có lúc chưa kịp thời, dứt điểm, để vụ việc kéo dài.
Nói tại buổi họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội là đô thị đặc biệt, đang trong bối cảnh đô thị hóa rất nhanh nên yêu cầu để không có những vấn đề phức tạp, nảy sinh là rất khó.
Vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Sênh, Mỹ Đức xảy ra giữa người dân Thôn Hoành và chính quyền diễn ra từ nhiều năm. Trái với quan điểm của người dân cho rằng khu đất là đất nông nghiệp được người dân canh tác từ hơn chục năm, chính quyền Hà Nội nói toàn bộ là đất quân sự.
Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào rạng sáng 9/1/2020 khi hàng ngàn cảnh sát cơ động có vũ khí tràn vào Thôn Hoành trấn áp bạo lực gia đình cụ Lê Đình Kình, trưởng nhóm người khiếu kiện đất. Vụ đụng độ khiến cụ Kình bị bắn chết và cho đến nay có 29 người bị bắt trong vụ này. Phía lực lượng công an có 3 người thiệt mạng.
******************
Tỷ phú Việt Nam tặng Philippines 750.000 khẩu trang, PPE (VOA, 30/04/2020)
Một doanh nhân người Việt đã tặng hơn 750.000 khẩu trang và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho Philippines để hỗ trợ Manila trong nỗ lực kiềm hãm sự lây lan của dịch Covid-19 mà cho tới nay đã lây nhiễm gần 8.000 người Philippines.
Nhân viên y tế Philippines chúc mừng bé sơ sinh 16 ngày hồi phục sau Covid-19 khi bé xuất viên tại Bệnh viện Nhi Đồng Quốc gia ở Quezon city, Manila, Philippines ngày 28/4/2020. (AP Photo/Aaron Favila)
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm 29/4 đã nhận được 750.000 mặt nạ và 16.500 bộ PPE từ Henry Serrano Nguyen, quý tử và đại diện của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, trong một buổi lễ bàn giao, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố.
Tờ Inquirer của Global Nation đưa tin vị mạnh thường quân đã thuê một chuyến bay riêng để mang vật tư y tế đến Philippines, với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, Cục Hải quan và các cơ quan chính phủ khác.
Ngoại trưởng Locsin bày tỏ cảm kích về sự hào phóng của doanh nhân Việt Nam, và nói rằng sự đóng góp của ông Hạnh Nguyễn là rất cần thiết cho các nỗ lực của chính phủ Philippines chống dịch do virus Covid-19 gây ra.
Tính cho đến thứ ba 29/4, Philippines có tổng cộng 7.958 ca nhiễm, 530 ca tử vong và 975 người phục hồi.
Trong khi đó Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhiễm corona thấp nhất thế giới. Tính tới ngày 20/4, Việt Nam chỉ có 268 ca nhiễm được xác nhận với 207 người phục hồi.
Ông Hạnh Nguyễn, người được báo chí trong nước gọi là "Vua hàng hiệu", là Việt kiều có quốc tịch Mỹ. Ông đã từng kinh doanh ở Philippines, và người vợ đầu tiên của ông, bà Cristina Serrano là cháu họ của bà Imelda Marcos, phu nhân Tổng thống Marcos.
Hiện ông là Chủ tịch của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific Group - IPP Group), nhà phân phối nhiều thương hiệu do tập đoàn LVMH sở hữu, như Louis Vuitton, Christian Dior, Hermes, Marc Jacobs, Hennessy.
Gia đình ông Hạnh Nguyễn còn sở hữu chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay.
Gia đình Johnathan Hạnh Nguyễn có tên trong "Danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam" do Forbes-Việt Nam công bố vào tháng 2/2019.
Mới đây, gia đình nhà tỷ phú Hạnh Nguyễn cũng gây nhiều chú ý trong và ngoài nước khi thuê bao cả một chuyên cơ để đưa ái nữ Thảo Tiên từ London về nước sau khi Thảo Tiên bị phơi nhiễm Covid-19 khi đến dự các show trình diễn thời trang ở Milan, Paris và London và gặp "bệnh nhân số 17" của Việt Nam tại những nơi này.