Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/04/2017

Du lịch và xả thải

Tổng hợp

Khách Tây tranh luận trái chiều về Việt Nam (VnExpress, 15/04/2017)

"Tôi đã tới 50 quốc gia, nhưng đây là nơi tệ nhất. Khách du lịch thường xuyên bị 'chặt chém' gấp 5, 10, 20 lần so với giá hợp lý", một du khách đến từ Mỹ cho biết.

Trang Touropia vừa giới thiệu 25 điểm đến thu hút nhất tại Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm từ độc giả.

Nhiều du khách đã kể lại những kỷ niệm tồi tệ mà họ gặp phải khi đến đây. Một trong số đó là du khách Mỹ Nevans. Anh đến Việt Nam cuối năm 2013 và gọi kỳ nghỉ này là một cơn ác mộng. "Tôi đã tới 50 quốc gia, nhưng đây là nơi tệ nhất. Khách du lịch thường xuyên bị 'chặt chém' gấp 5, 10, 20 lần so với giá hợp lý".

Nevans cũng nhấn mạnh anh thà tin vào GPS để định vị và sách hướng dẫn du lịch còn hơn là bất kỳ ai mình bắt chuyện cùng.

dulich3

Vịnh Hạ Long đứng đầu top 25 điểm đến hấp dẫn nhất ở Việt Nam do Touropia bình chọn. 24 điểm còn lại lần lượt là Chùa Thiên Mụ, Hồ Gươm, Hội An, Phú Quốc, Sa Pa, Mũi Né, đồng bằng sông Cửu Long, địa đạo Củ Chi, Nha Trang, động Phong Nha, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế, chùa Cao Đài, khách sạn Hằng Nga, cù lao Chàm, chợ Bắc Hà, Quốc Tử Giám, hang Sơn Đoòng, bãi biển Mỹ Khê, Tam Cốc, nhà thờ Đức Bà ở Thành phố HCM, Ngũ Hành Sơn, Côn Đảo, lăng Khải Đinh. Ảnh : Touropia.

Nữ du khách Marisa cũng đến Việt Nam du lịch vào đầu năm 2014 và kể về trải nghiệm tồi tệ của mình : "Đây là một nơi không hề thân thiện với du khách. Vịnh Hạ Long cũng đẹp, các bảo tàng cũng thú vị. Nhưng bạn phải đặt cược mạng sống của mình mỗi khi sang đường. Du khách phải trả tiền nhiều hơn so với người bản địa cho các phương tiện đi lại, thực phẩm. Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi vào quán xá ven đường vì ít người nói được tiếng Anh, cũng không có cả menu bằng tiếng Anh nữa. Nếu phải quay lại, tôi xin lỗi nhưng câu trả lời chắc chắn là không".

Trước nhiều bình luận chê bai, không ít du khách từng đến Việt Nam đã lên tiếng. Một trong số đó là Milos đến từ Mỹ : "Tôi đang ở Việt Nam, và đã nghe nhiều câu chuyện về sự không thân thiện của họ. Nhưng tôi lại nhìn thấy một khía cạnh khác, đó là những du khách nước ngoài kỳ kèo, trả giá từng xu một. Nếu chúng ta phải trả nhiều hơn so với người bản địa, tôi thấy cũng không sao, vì giá cả vẫn rất rẻ. Người dân ở Hà Nội rất thân thiện. Hãy nhớ rằng, các quốc gia phương Tây đã khiến họ khốn khổ như thế nào trong chiến tranh. Và hãy cảm ơn họ vì đã đối xử tử tế với chúng ta ở hiện tại".

"Tôi vừa trở về Ấn Độ sau chuyến đi tuyệt vời 11 ngày ở Việt Nam. Thật là một nơi tuyệt đẹp, sạch sẽ, nhiều cây cối cùng bề dày lịch sử, văn hóa ẩm thực đa dạng. Việt Nam chắc chắn nên nằm trong danh sách những nước cần phải đến thăm trước khi chết", Wynoma de Faria bình luận.

"Tôi đã dành 3 tuần ở Việt Nam và trân trọng từng giây phút sống ở mảnh đất này. Giá cả ở đây rất rẻ và nó không làm tôi phải lo lắng. Các món ăn thật tuyệt vời. Hội An thật kỳ diệu. Với những ai phàn nàn về việc không thể giao tiếp trong quán ăn vì ít người dân có thể nói tiếng Anh, vậy tại sao các bạn không chịu khó học tiếng Việt nhỉ ?", du khách có nickname Buzzard cho biết.

"Đây là nơi tuyệt đẹp. Tôi mới kết hôn và rất muốn đến đây để hưởng tuần trăng mật", Kare Bear bình luận.

"Việt Nam là một trong những nơi tuyệt vời để đi du lịch. Tôi rất nhớ Đà Lạt", blogger chuyên về du lịch người Thụy Sĩ Charles Rahm nhận xét.

**********************

Du lịch Việt Nam : Cấm - Sự bất lực của quản lý (Tin Tức, 12/04/2017)

Mấy hôm nay, dư luận quan tâm nhiều đến văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động chèo thuyền kayak đối với du khách trên vịnh của UBND thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Bởi, lệnh cấm này không những ảnh hưởng đến khách du lịch, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và ngay chính địa phương mà còn làm sâu sắc thêm sự bất cập trong quản lý tồn tại lâu nay. 

dulich1

Du khách bơi thuyền Kayak trên Vịnh Hạ Long. Ảnh : Tiến Dũng/TTXVN

Thiệt hại đầu tiên thuộc về doanh nghiệp. Theo một số công ty du lịch, phần lớn khách quốc tế đặt tour đi Vịnh Hạ Long đều đặt dịch vụ chèo thuyền kayak ; và tour du lịch cũng thường được bán trước khá lâu, có khi tới vài tháng, nửa năm. 

Do đó, lệnh cấm đưa ra một cách đột ngột đã khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp, chỉ còn cách xin lỗi khách ; nếu khách không đồng ý thì đành hủy tour, đền tiền. Chưa hết, du lịch Việt Nam xưa nay đã có tiếng là… đơn điệu, nhàm chán, những dịch vụ để khách nước ngoài tiêu tiền là rất ít. 

Ngay cả Vịnh Hạ Long, tiếng là Di sản Thiên nhiên thế giới nhưng theo các công ty du lịch, khách đến đây chủ yếu cũng chỉ ngắm cảnh và ngủ là… chấm hết. Nay mới có thêm chèo thuyền kayak là dịch vụ gia tăng thì lại cấm… vô thời hạn, khiến nguồn thu đã hạn hẹp lại càng ít. Và du lịch Việt Nam đơn điệu lại hoàn đơn điệu. Doanh nghiệp thu tí thì thu ngân sách của địa phương cũng giảm theo. 

Như vậy, thiệt hại trước mắt là về kinh tế ; còn hậu quả lâu dài là ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong du khách nước ngoài. Vậy, một dịch vụ có nhiều cái lợi như chèo thuyền kayak vì sao lại bị cấm ? 

Lý do được đưa ra là : Chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long đang phát triển quá nhanh, nhiều doanh nghiệp triển khai "chui", vì hoạt động này chưa được cơ quan chức năng phê duyệt và cấp phép chính thức. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ chèo thuyền kayak không niêm yết giá, hoặc không thực hiện theo giá đã niêm yết, có biểu hiện "chặt chém" du khách… 

Ô hay ! Một dịch vụ lành mạnh, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và mang lại nguồn thu cho cả doanh nghiệp và ngân sách địa phương thì cần khuyến khích chứ sao lại sợ khi nó "phát triển nhanh" ? Còn nếu dịch vụ ấy có biểu hiện lệch lạc thì trách nhiệm quản lý, điều chỉnh để dịch vụ phát triển đúng hướng, đúng pháp luật thuộc về cơ quan quản lý và chính quyền địa phương chứ không phải là "cấm" một cách tùy tiện ! 

Tuy nhiên, lâu nay vẫn tồn tại tình trạng trong các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương đó là, cứ cái gì "không quản được thì cấm", mà việc dừng hoạt động của dịch vụ chèo thuyền kayak trên Vịnh Hạ Long nói trên chỉ là một ví dụ nhỏ. 

Nói rộng ra, cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách (do người dân và các doanh nghiệp đóng thuế) là để phục vụ người dân và doanh nghiệp, duy trì trật tự và tạo điều kiện cho xã hội, trong đó có hoạt động kinh tế phát triển lành mạnh, đúng pháp luật. Như vậy, quản lý thực chất là phục vụ chứ không phải là sự thể hiện quyền uy qua các lệnh "cấm". 

Biện pháp "CẤM" chỉ là biểu hiện của sự bất lực. Còn nguyên nhân của sự bất lực ấy phải chăng là do trình độ và năng lực của cán bộ không theo kịp sự phát triển của xã hội ? Nếu vậy, một khi cán bộ, công chức không đủ trình độ, năng lực để quản lý sự phát triển của xã hội thì điều cần phải xem xét trước tiên chính là bản thân cán bộ, công chức đó, chứ không phải là kéo lùi sự phát triển của xã hội bằng các lệnh "cấm". 

Như vậy mới có thể dần dần chấm dứt được hội chứng "không quản được thì cấm", để xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng phát triển lành mạnh.

Bùi Văn Doanh (TTXVN)

**********************

Đình chỉ hoạt động 3 tháng với công ty xả thải ra sông Âm làm cá chết hàng loạt (Tin Tức, 15/04/2017)

Ngày 15/4, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết : UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại vận tải Tuấn Vinh (địa chỉ ở thôn La Hán, xã Ban Công, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) số tiền 160 triệu đồng vì xả thải trái phép ra môi trường, làm cá chết hàng loạt.

Công ty này cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 3 tháng kể từ ngày 13/4 đến 13/7/2017 để khắc phục vi phạm.

Quyết định cũng nêu rõ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại vận tải Tuấn Vinh đã lắp đặt đường ống xả thải chất thải không qua xử lý ra môi trường ; có hành vi che dấu vi phạm hành chính khi đấu nối trực tiếp đường ống cấp nước thô phục vụ sản xuất với đường ống chôn ngầm, đây vừa là đường ống dẫn nước thô từ sông Âm vào Nhà máy để sản xuất, vừa là đường ống dẫn chất thải không qua xử lý để xả thải trực tiếp ra sông Âm.

dulich2

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện tượng cá chết trên sông Âm hồi đầu tháng 4.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty TNHH Sản xuất Thương mại vận tải Tuấn Vinh tháo dỡ toàn bộ hệ thống đường ống xả chất thải không qua xử lý ra sông Âm gồm : các đường ống, van khóa, khớp đấu nối từ bể phản ứng vào đường ống cấp nước thô ; các van khóa, đường ống xả chất thải không qua xử lý ra sông Âm. Công ty cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả lên UBND tỉnh.

Như TTXVN đã đưa tin từ ngày 2-5/4/2017, trên sông Âm đoạn qua địa bàn xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng nước sông chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối khiến cá chết hàng loạt. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại vận tải Tuấn Vinh có chôn ngầm đường ống nhựa, xả nước thải chưa qua xử lý từ đáy bể phản ứng đấu nối trực tiếp vào đường ống cấp nước thô ra sông Âm. Đây cũng là nguyên nhân cá trên sông Âm bị chết hàng loạt.

Duy Hưng (TTXVN)

Quay lại trang chủ
Read 631 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)