Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/05/2020

Từ chối tiền hỗ trợ, hạ nguồn sông Mekong, ATM phát gạo, tù nhân lương tâm

RFA tồng hợp

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu ngưng vận động từ chối tiền hỗ trợ (RFA, 13/05/5020)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong ngày 13/5 gửi công văn hỏa tốc đến các đơn vị trong tỉnh yêu cầu không được vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ.

gao1

Đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ. cafef.vn

Tin từ truyền thông trong nước loan đi cho hay công văn hỏa tốc do phó chủ tịch Mai Xuân Liêm ký,truyền đạt ý kiến chỉ đạo của chủ tịch tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây nên.

Công văn hỏa tốc vừa nêu được gửi đi sau khi có tin hằng ngàn người dân nghèo tại tỉnh Thanh Hóa làm đơn xin từ chối nhận khoản hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 trong thời gian qua. Những người từ chối nhận khoản hỗ trợ phải điền vào một mẫu đơn in sẵn.

Tổng đài hỗ trợ thông tin cho người dân gặp khó khăn do Covid-19 tại tỉnh Thanh Hóa cũng xác nhận có một vài nơi trong tỉnh vận động người dân không nhận kinh phí hỗ trợ.

Công văn hỏa tốc vào ngày 13 tháng 5 của UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm ; đồng thời hướng dẫn có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Chính phủ Việt Nam vừa qua quyết định chi ra 62 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho sáu nhóm đối tượng bị tác động do đợt dịch Covid-19 gây nên. Hiện nay các tỉnh, thành đang tiến hành phân phối khoản tiền này cho những người thuộc 6 nhóm được nêu ra.

********************

Trung Quốc và Lào tiếp tục khai thác thủy điện trên dòng Mêkong bất chấp hệ quả cho hạ nguồn ! (RFA, 12/05/2020)

Giới nghiên cứu và các nhà hoạt động môi trường đều thống nhất cho rằng các đập thủy điện lớn ở khu vực thượng nguồn sông Mekong, ngoài việc gây ra hạn hán ở lưu vực hạ nguồn do trữ nước vào mùa khô, còn gây ra nhiều tác động lớn đến nguồn lương thực ở các quốc gia ở lưu vực hạ nguồn khi làm gián đoạn sản lượng lúa và đánh bắt cá của người dân ở khu vực này.

gao2

Hạn hán lịch sử ở Sóc Trăng vào năm 2016. Reuters

Vào tháng 4, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo năng suất lúa năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm 3,3% so với ước tính trước đó do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn ; điều này khiến việc thu hoạch thấp hơn 0,9% trong năm nay.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp & Nông thôn Việt Nam, cho rằng các công trình đập thủy điện ở lưu vực thượng nguồn đã làm thay đổi phù sa, nguồn nước và có tác động lớn đến nguồn lợi thủy sản của Việt Nam :

"Rõ ràng là các nước ở hạ nguồn, đặc biệt là Việt Nam, phải chịu những cái tác động này. Chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng như là đời sống của đông đảo người dân ở hạ nguồn, nhất là người dân Việt Nam chịu tác động của mất nguồn nước ở trên thượng nguồn, song song với quá trình biến đổi khí hậu khiến cho nước biển dâng và xâm nhập mặn, đặc biệt là tình hình như năm nay".

Ông Hồ Long Phi, chuyên gia về nước, cho biết những tác động trước mắt của các đập nước Trung Quốc cho thấy chế độ thủy văn đã trở nên bất thường, dẫn đến xâm nhập mặn nhiều hơn trước và đã ảnh hưởng đến khai thác lúa ở những vùng ven biển :

"Do đó việc khai thác lúa ở những vùng ven biển trước đây người ta vẫn có thể làm được 2 vụ ; nhưng bây giờ chỉ còn được một vụ lúa thôi, thì có nghĩa là nông dân vùng ven biển, những người chưa có điều kiện để chuyển sinh kế thì rất là khó khăn. Còn ở những khu vực cao hơn, ví dụ như An Giang và Đồng Tháp, thì tác động nó cũng chưa rõ lắm, bởi vì trước mắt họ vẫn còn dùng máy bơm để có thể bơm nước được".

Theo ông Phi, cứ đến năm nào xảy ra khô hạn, phía Trung Quốc cũng trữ nước nhiều hơn và gây ra ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy ở phía hạ lưu. Ông Phi cho biết, thời gian hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay sẽ tiếp tục kéo dài, nhưng cũng tùy thuộc vào số lượng mưa sắp tới :

"Điều này tôi nghĩ nó còn phụ thuộc vào mưa. Nếu mùa mưa đến đều, thì Trung Quốc trước sau gì cũng phải xả đập thôi, bởi vì khả năng chứa nó cũng có hạn ; họ ưu tiên trữ nước để cung cấp cho họ trước, còn dư họ mới xả xuống. Thành ra nếu mưa đều thì tình hình sẽ không đến nỗi, nhưng tôi cho rằng nó sẽ chậm hơn với mọi năm ít nhất từ 1 đến 2 tháng".

Ngoài các đập thủy điện ở Trung Quốc và mấy đập đang xây, chính phủ Lào sẽ khởi công xây dựng con đập Sanakham trên sông Mekong vào cuối năm nay. Theo thông tin ghi nhận từ Reuters, đập thủy điện này được tiến hành bởi công ty thủy điện Datang Sanakham, một công ty con của công ty Datang của Trung Quốc. Các nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Lào trước việc thúc đẩy xúc tiến con đập thủy điện này. Nó được gọi là ‘đập phá hoại’ vì sẽ góp phần bóp nghẽn dòng chảy của sông Mekong, con sông dài nhất Đông Nam Á.

gao3

Bản vẽ dự án đập thủy điện Sanakham được đề xuất. Mekong River Commission

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ cho rằng những đập nước được xây gây gián đoạn cho dòng chảy xuống hạ lưu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nguồn thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long :

"Theo tôi biết là Trung Quốc đã xây rất nhiều cái đập ; tiếp theo là Lào chuẩn bị xây cái đập khác, thì những cái đập đó đã làm cho các dòng chảy xuống hạ lưu bị gián đoạn, hoặc thay đổi. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp, nguồn cá và thay đổi về những đặc điểm như phù sa rất là lớn. Điều này đã đe dọa tình hình sản xuất, cũng như là sinh kế của người dân trong khu vực hạ lưu, ngay cả Lào, phía Thái Lan, Campuchia và Việt Nam".

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, mặc dù người nông dân đã được khuyến cáo trước, vẫn có nhiều hộ bị thiệt hại khi không kịp canh tác sớm. Các vườn cây ăn trái và nguồn nước sinh hoạt của người dân ở vùng ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự thiếu nước ngọt. Ngoài ra, sự thiếu hụt phù sa gần đây đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án đập thủy điện Sanakham của chính phủ Lào sẽ phải qua quá trình tham vấn với Ủy hội Sông Mekong cùng các nước thành viên trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định việc tham vấn này sẽ không có hiệu quả vì Việt Nam không có đủ tiếng nói để thay đổi những quyết định như vậy :

"Tôi không nghĩ Việt Nam có thể làm gì được, mặc dù phải lên tiếng. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, từ khi cái đập Xayaburi tới đập Don Sahong, sắp tới đây là cái đập khác nữa, mình nói thì nói nhưng cuối cùng không có làm gì được. Cho nên các nhà khoa học và chính phủ họ tẩy chay các cái tham vấn như vậy, bởi vì họ thấy rằng những cái tham vấn đó không có ý nghĩ gì nữa".

Ông Hồ Long Phi cũng cho rằng Việt Nam không có lợi thế trong đàm phán xuyên biên giới với Ủy hội Sông Mekong :

"Cái lợi thế đàm phán ở đây thông thường có những mặt, thứ nhất là lợi thế về kinh tế tài chính ; thứ hai là lợi thế về chính trị thể chế ; cái thứ ba là lợi thế về công nghệ. Cả 3 cái đó thì Lào không có phụ thuộc vào Việt Nam cái gì cả, có nghĩa là họ có thể làm bất cứ cái gì có lợi nhất cho họ. Thành ra Việt Nam không có lợi thế trong đàm phán là như vậy".

Ông Hồ Long Phi cho rằng, việc làm khả thi và có hiệu quả hơn cho Việt Nam là chính quyền và người dân cần có phương án chuyển đổi sinh kế để làm sao cho việc sử dụng nước trở nên tiết kiệm và hiệu quả hơn :

"Những điều này tôi nghĩ với mức độ phát triển, tự động hóa công nghệ là không khó. Những nước sa mạc họ còn sống được với lượng nước ít hơn nhiều, thì tại sao mình không làm được ? Khi Việt Nam chủ động được cái đó, thì phía Trung Quốc không có ép được về mặt gì được hết".

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng trước mắt, Việt Nam cần tập trung vào việc chuyển và trữ nước để bảo vệ các vườn cây ăn trái. Các phương án dài hạn sau đó bao gồm bố trí lại sản xuất để thu hẹp diện tích cây ăn quả, diện tích lúa 2 vụ, 3 vụ ra các vùng ven biển và bố trí lại dân cư cho hợp lý. Đồng thời, xây dựng các đường ống dẫn nước - đưa nước ở các vùng trên thượng nguồn xuống các vùng sản xuất, dân cư ở vùng ven biển.

Ngoài những giải pháp ngắn hạn và dài hạn nêu trên, tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng Việt Nam vẫn cần tiếp tục đàm phán với các nước trong khu vục sông Mekong ; tiếp tục minh bạch thông tin và có các thỏa thuận giữa các nước ở khu vực thượng nguồn để tất cả có thể sử dụng dòng sông chung một cách hiệu quả và vững bền. Ông Sơn cho đó là nhiệm vụ quan trong nhất trong ngành ngoại giao, cũng như của tất cả người dân và nhà khoa học Việt Nam.

*******************

Có đáng tự hào vì nhiều ATM gạo giúp dân nghèo ? (RFA, 12/05/2020)

Vừa qua, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng những hình ảnh thể hiện tinh thần yêu nước của người Việt như ATM gạo rất đáng tự hào, trên thế giới chưa bao giờ có.

gao4

Người dân nhận gạo từ Nhà thờ Thánh Joseph, ngoại thành Hà Nội hôm 27/4/2020 - Reuters. Hình minh họa.

ATM gạo

Liệu ATM có đáng để Việt Nam tự hào với thế giới ?

Chị Hằng Huỳnh, một người dân ở Đà Nẵng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn hôm 12/5/2020, nhận định :

"Bỏ qua chuyện ATM gạo xuất phát từ Malaysia năm 2016, thì có gì đáng tự hào ? Những nước nghèo đói mới cần đến viện trợ gạo, dân nghèo rất nghèo mới đi chờ trợ cấp gạo chứ, đáng lẽ ra đó một một sỉ nhục, thì bà Ngân lại tự hào vì điều này. Tôi không hiểu sao một Chủ tịch Quốc hội lại không hiểu điều sơ đẳng đó".

ATM gạo đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Máy này do anh Hoàng Tuấn Anh - CEO của Công ty PHGLock, tận dụng máy móc có sẵn của công ty chế tạo, máy hoạt động như cây ATM, chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra, mỗi lần được 1,5 kg gạo, dành cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 tuần.

Mục đích của anh Hoàng Tuấn Anh khi đó nhằm giúp đỡ những người nghèo, buôn bán dạo, trong thời gian giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 không thể buôn bán, rơi vào thế túng quẫn, vẫn có gạo để ăn.

Theo Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, trong bốn tháng đầu năm 2020, đã có khoảng 670 ngàn lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ý tưởng của anh Hoàng Tuấn Anh sau đó được nhiều mạnh thường quân ủng hộ đã phát triển thêm nhiều máy ATM gạo ở Sài Gòn. Sau đó, ATM gạo lần lượt xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đắk Lắk… và một số tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 12/5/2020 :

"Một mặt nào đó nói tự hào là đúng, vì tôi nghĩ người Việt trong lúc khó khăn họ nghĩ ra cái cách làm sao giúp nhau được, cái đó là truyền thống người Việt thương yêu nhau, đề cao là đúng. Còn về phương diện khác như kỹ thuật thì ai cũng biết nó đơn giản, không khó khăn gì, vấn đề là do tình yêu thương, người ta nghĩ ra chuyện kỹ thuật. Có điều là các vị lãnh đạo nhà nước thường người ta có xu hướng, không nhìn cái đó như là vấn đề nội tại của xã hội, của dân tộc mà như là một thành quả lãnh đạo của các vị... cái đó thì quá. Thường thường họ nói có cái cách ám chỉ như là họ lãnh đạo sáng suốt nên có chuyện đó... Mà đó là người dân giúp người dân thôi, chứ không liên quan gì nhà nước ở đây cả... Người dân dần dần nghe mấy chuyện tương tự như vậy họ chỉ cười"…

Tỷ lệ hộ nghèo

Có ý kiến cho rằng việc xuất hiện nhiều ATM gạo cho thấy số người thiếu thốn còn nhiều. Đợt dịch Covid-19 làm lộ rõ điều đó. Số người có tiết kiệm phòng khi cơ nhỡ khá đông.

Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2019, dân số Việt Nam ước tính là hơn 97 triệu người, tỷ lệ người nghèo chiếm hơn 10% dân số tức khoảng hơn 9 triệu người, 72% trong số này là người dân tộc thiểu số, phần lớn họ sống tại vùng cao.

Nguyên nhân của những hậu quả trên được ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam cho báo chí biết, là vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở vùng sâu vùng xa, dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực, đầu tư giáo dục và kinh tế kém, tình trạng thất nghiệp... Bên cạnh đó, việc phối hợp kém hiệu quả giữa chính quyền địa phương và Chính phủ cũng là điểm bất cập.

Do đó, người Việt ở nông thôn Việt Nam tìm đủ cách vay tiền để đi nước ngoài làm việc, vì không tìm được việc làm trong nước. Trong khi chính phủ cung cấp hỗ trợ công ăn việc làm thì không thể đến tay tất cả mọi người.

Lao động xứ người

gao5

Hình hai người được cho là nạn nhân trên chiếc xe chở người lậu từ Pháp sang Anh hôm 23/10/2019 Courtesy of Reuters, Facebook, RFA edit

Vào cuối năm 2019, câu chuyện thanh niên - thiếu nữ lao động xứ người, đã gây chấn động dư luận khi 39 nạn nhân người Việt nhập cư lậu vào Anh bỏ mạng trên một chiếc xe container đông lạnh và được cảnh sát Essex, Anh phát hiện hôm 23/10. Tỉnh có đông nạn nhân nhất là Nghệ An với 21 người, tiếp theo là Hà Tĩnh với 10 người, còn lại là các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hải Phòng và Hải Dương.

Trong khi đó Việt Nam luôn tự hào có một thành phần đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đó là lao động Việt ở nước ngoài. Bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2019, có khoảng 148.000 người Việt Nam xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Sau 4 năm, hơn 550.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Mỗi năm đem về cho đất nước hàng tỷ đô la.

Không chỉ ở Anh, nhiều người Việt Nam đã tìm cách nhập cư lậu và làm việc trái phép ở Đài Loan, phần nhiều đi từ các tỉnh miền Trung. Linh mục Nguyễn Văn Hùng, thường trợ giúp pháp lý cho công nhân Việt tại Đài Loan, khi trả lời RFA trước đây, cho biết :

"Rất nhiều người ở Nghệ An và Hà Tĩnh đi bất hợp pháp qua Đài Loan làm việc một cách phi pháp. Họ ở trên những vùng núi, chừng 8 người trong không phải là cái nhà mà là cái chòi, đời sống rất kham khổ. Nếu có khả năng làm việc thì có tiền gởi về. Nếu trời mưa lạnh không đi làm thì không có tiền và họ phải đi vô rừng. Tôi đã đi thăm các trại tù, tôi gặp rất nhiều lao động Việt đi chặt cây bất hợp pháp trên rừng, có người bị tù tới 11, 12 năm vì đi làm những công việc vừa nguy hiểm vừa vi phạm pháp luật của Đài Loan như vậy.

Những người đi đánh cá xa bờ mà khi có cơ hội vào bờ thì họ bơi vào và trốn lên những khu trồng rau hoặc trồng trà trên núi. Họ ở đó họ làm và không dám đi đâu cả vì sợ bị bắt".

Còn những ngư dân đi đánh cá xa bờ khác còn phải chịu nhiều hiểm nguy khi bị tàu Trung Quốc cướp bóc, đâm chìm... Trong khi chính quyền Việt Nam luôn tự hào tuyên bố việc gìn giữ chủ quyền biển đảo, cũng như bảo vệ ngư dân.

Chủ quyền biển đảo

Mỗi lần Trung Quốc gây hấn, như thường lệ các phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại cho phát đi phát lại cái mà nhiều người trong nước ví như ‘đoạn băng rè’ phản đối hành động của Trung Quốc và tuyên bố vùng biển đó thuộc chủ quyền Việt Nam...

Trong bốn tháng đầu năm 2020, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những hành động khiêu khích nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông, khiến tình hình tại vùng biển đang tranh chấp này thêm căng thẳng.

Truyền thông Trung Quốc vào ngày 5/3/2020 đồng loạt đăng Báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) nói rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã xâm nhập vào khu vực nội địa gần đảo Hải Nam, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp pháp.

Và tiếp đến là Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, nhưng lại cho rằng tàu cá Việt Nam tự đụng vào tàu Trung Quốc.

Vào ngày 18/4/2020, Trung Quốc thông báo thành lập hai quận thuộc "thành phố Tam Sa", đó là "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa), hai quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 12/5/2020 liên quan vấn đề này, Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, nhận định :

"Vấn đề tranh chấp Biển Đông là một vấn đề phức tạp, nó không chỉ mới diễn ra trong những năm gần đây. Hay nói một cách khác, nó không chỉ đẩy mạnh từ khi Trung Quốc thành lập cái gọi là Tam Sa từ năm 2007, mà vấn đề tranh chấp này bắt đầu từ năm 1909, khi chính quyền Quảng Đông cho một đội tàu ra thám sát Hoàng Sa. Chúng ta thấy cuộc tranh chấp này hơn một trăm năm, nó không giải quyết được vấn đề, càng ngày cái tranh chấp đó đi đến một giai đoạn thật gay gắt, nó đặt Đông Nam Á trên miệng hố chiến tranh".

Vậy thì chiến tranh có xảy ra hay không ? Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc đặt vấn đề, với tiềm lực kinh tế và quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc thì có nên phát động một cuộc chiến tranh hay không ? Thứ hai, chiến tranh trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc thì dù bên nào thắng thì tất cả đều cùng thiệt hại rất nặng nề. Và cái thiệt hại lớn nhất là hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Nam Á bị đe dọa. Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho biết, ông thấy không có lợi cho khu vực này. Ông nói tiếp :

"Vậy thì hòa hoãn để giải quyết bằng phương pháp hòa bình, bằng mọi cách, bằng công pháp quốc tế... bằng tòa án, bằng tòa trọng tài, bằng đối thoại song phương, đa phương... thì tôi thấy biện pháp tiếp cận của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á hiện nay, là phù hợp với tình hình trong khu vực".

Vào đầu tháng 5/2020, Cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc ra thông báo cấm đánh bắt cá trên Biển Đông có hiệu lực từ ngày 1/5/2020 đến ngày 16/8/2020. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Từ năm 1999 trở lại đây, Trung Quốc hàng năm đều áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ các nước trong khu vực. Lý do mà Trung Quốc đưa ra đối với lệnh cấm này là để bảo vệ sự phát triển của nguồn cá.

Nhiều người cho rằng lãnh đạo cần thấy rõ vấn nạn chủ quyền đất nước bị phía Trung Quốc xâm phạm, nguy cơ tụt hậu so với những nước trong khu vực chứ chưa nói đến những quốc gia khác trên thế giới để có phương cách vượt lên. Khi có vị thế vững chắc trên trường quốc tế mới đáng tư hào.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 639 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)