Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/05/2020

Nạn cho vay nặng lãi có liên quan gì đến chính sách của ngân hàng ?

RFA tiếng Việt

Thực trạng cho vay nặng lãi tràn lan

Báo Dân sinh vào ngày 14/5 đưa tin về việc người dân vùng sâu huyện M'Đrắk cảm thấy bất an vì nhóm ‘đòi nợ thuê’ khủng bố, đánh đập do không kịp trả tiền vay khi đến hẹn thanh toán.

vay1

Chỉ cần ra cột điện thì có hàng chục tờ rơi dán trên cột điện mời chào, chỉ cần gọi số này số kia là trong vòng 15 phút chỉ cần có giấy tờ tùy thân là có thể vay được tiền. Courtesy photo

Trước đó, vào ngày 25/4, Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Quang Anh, 26 tuổi để điều tra hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, thậm chí có cả gói vay lãi suất lên đến 226%/năm.

Tình trạng cho vay nặng lãi từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được.

Trao đổi với RFA vào tối 14/5, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương đánh giá về thực trạng này như sau :

"Tình trạng cho vay nặng lãi ở Việt Nam là một thực trạng đau lòng thể hiện khoảng cách giữa sự phát triển kinh tế thị trường với khoảng cách sự phát triển hệ thống tín dụng, nhất là tín dụng đối với nền kinh tế phi hình thức, tức các hộ gia đình, những người kinh doanh nhỏ lẻ không đăng ký. Đấy là thực trạng mà chúng ta cần nỗ lực giải quyết trong thời gian sắp tới".

Nguyên nhân

Trong thực tế, việc vay mượn nặng lãi rồi bị chủ nợ siết xe, lấy nhà, thu gom hết tài sản vẫn được truyền thông trong nước đưa tin rộng rãi nhưng vì sao người dân vẫn chọn vay nợ theo cách này ?

Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành ngân hàng, ông Nguyễn Duy Lộ, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Vietcombank, Giám đốc Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nguyên nhân :

"Người ta ngại vay ngân hàng là thế chấp chứ thủ tục vay đơn giản lắm rồi. Phải thế chấp tài sản nên dân buôn bán, bọn có tiền mới cho vay nặng lãi để hưởng lợi, còn dân đi vay ham thuận lợi nên vay của họ. Bây giờ vay ngân hàng cũng dễ thôi, không khó. Ngân hàng thừa vốn cho vay".

Xác nhận thực tế này, một người từng tham gia trong nhóm ‘cho vay nóng’ tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết thủ tục vay hiện hành :

"Vay 20 đưa chỉ còn 15 triệu thôi, thường thường chỉ cần chứng minh nhân dân, khi nào vay cái gì lớn mới cần thế chấp, tùy theo số tiền mà mình vay, có gì thế đó".

Vẫn theo lời người từng cho vay tiền này thì nếu tới hạn mà người vay chưa thanh toán hết số nợ thì vật thế chấp sẽ thuộc về người cho vay.

Theo ý kiến nhiều người lao động khi trao đổi với RFA cho hay nhu cầu vay mượn để mua sắm xe cộ, vật dụng, đồ dùng trong nhà… hay để trang trải cho cuộc sống như đóng học phí cho con cái, lo tiền chữa bệnh… hoặc để trả nợ đỏ đen như tiền thiếu cá độ, đánh bạc… trong những khi túng thiếu và cần gấp thì việc ‘vay lãi nóng’ là sự lựa chọn cần thiết.

Từ đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chỉ ra những thiếu sót trong cơ chế hiện nay giúp việc cho vay nặng lãi vẫn còn tồn tại :

"Trước tình hình đó thì hệ thống tín dụng của mình không đáp ứng được kịp và thích hợp với các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục. Vì vậy nên hệ thống tín dụng phi hình thức và phi chính thức phát triển và đấy là các con mồi mà hệ thống đó có tính chất tội phạm đã tận dụng và gây ra rất nhiều bi kịch và thảm kịch".

Cách thức xử lý của cơ quan chức năng ? Bảo kê ?

Giải thích rõ hơn về cách xác định lãi suất theo quy định của pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam cho hay :

vay2

Giấy quảng cáo cho công nhân vay tín dụng đen. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vtc.vn

"Tại Điều 468 Bộ luật dân sự Việt Nam có quy định lãi suất vay các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận lãi suất thì lãi suất này không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trừ trường hợp luật khác có liên quan đến quy định này. Trường hợp lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn như tôi vừa nói thì mức vượt lãi suất không có hiệu lực. Trường hợp có thỏa thuận có trả lãi nhưng không xác định lãi suất, có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% trên mức lãi suất của 20%/năm. Như vậy lãi suất cho vay tối đa không được vượt quá 20%/năm và mỗi tháng không được quá 1,66%/tháng do lấy 20% chia cho 12 tháng".

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, chỉ khi mức lãi suất tháng cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định là 5 lần trở lên, tức 8,33%/tháng, mới cấu thành tội ‘cho vay nặng lãi’ theo quy định Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói rõ hơn về Điều 201 trong Bộ luật Hình sự hiện hành sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội ‘cho vay nặng lãi’ như sau :

"Thứ nhất, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của lãi suất cao nhất theo quy định 20% trong Bộ luật Dân sự mà thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng Việt Nam hoặc người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trong Điều 201 có quy định khoản 2 là người phạm tội nếu thu lợi bất chính từ cho vay từ 100-155 triệu thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng và phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cuối cùng là người phạm tội có thể bị phạt từ 30-100 triệu đồng hoặc người đó sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm những công việc nhất định từ 1-5 năm".

Song song với việc cho vay nặng lãi, tình trạng các băng nhóm bảo kê đi thu nợ cũng là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội xưa nay.

Báo Thanh tra trong ngày 14/5 cho hay công tác phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê, băng nhóm đòi nợ có tính chất "xã hội đen", "bảo kê" vi phạm pháp luật tăng lên đang kế so với thời điểm trước.

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Biên Hòa và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Vĩnh Cửu vào sáng ngày 14/5 đã phê chuẩn lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với vợ chồng Lý Thị Loan, còn gọi là Loan ‘cá’ cùng đàn em để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Theo báo trong nước, ngoài bảo kê, băng nhóm Loan ‘cá’ còn hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê tại khu vực Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Nói rõ về mức án đối với hành vi bạo lực để đòi nợ, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết :

"Pháp luật quy định và xử lý đối với những hành vi ví dụ như người vay không trả, người cho vay ném đồ, tạt sơn pha nước mắm hay có những trường hợp đến nhà người khác là vi phạm pháp luật. Nếu xét đủ dấu hiệu hình sự sẽ truy tố tội gây rối trật tự công cộng hoặc hủy hoại tài sản người khác và mức phạt này là 3 năm tù.

Người bảo kê đó nếu xử lý hình sự sẽ đưa vào người có quyền và nghĩa vụ để cấu thành tội cho vay nặng lãi trong dân sự. Không chỉ quan tâm đến lãi suất mà còn thu lợi bất chính, tức người bảo kê thu lợi bất chính được từ 30 triệu đồng trở lên thì sẽ xử lý hành chính với người này theo Nghị định 167".

Làm sao chấm dứt ?

Dưới góc nhìn cá nhân, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng với những điều kiện luật định hiện nay, nếu thực hiện xử lý nghiêm có thể giúp chấm dứt tình trạng tín dụng đen :

"Tôi thấy việc cho vay nặng lãi tùy theo mức độ sẽ xử lý hình sự với mức án đến 3 năm tù và mức phạt gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính. Với mức phạt này tôi cho là đủ sức răn đe".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định có cầu thì mới có cung. Vì vậy để giải quyết triệt để việc cho vay nặng lãi thì phía ngân hàng phải có chính sách thu hút người dân, như lời ông Nguyễn Duy Lộ :

"Muốn chống cho vay nặng lãi thì ngân hàng phải cho vay thuận lợi hơn bằng cách miễn thế chấp đến một mức độ nào đó. Khoản vay nào ít cỡ 10-20 triệu thì miễn thế chấp. Nhưng quá trình cho vay thì ngân hàng phải giám sát chặt sử dụng vốn để đảm bảo an toàn".

Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, sắp tới đây Việt Nam sẽ phát triển hệ thống tín dụng phi hình thức tích cực đến các hộ gia đình để làm giảm bớt hệ thống cho vay nặng lãi.

Nguồn : RFA, 14/05/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 531 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)