Việt Nam đứng trước cơ hội tham gia Bộ tứ kim cương mở rộng (VOA, 15/05/2020)
Hôm 14/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam đã cùng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand tiến hành điện đàm không chính thức nhằm đóng góp vào nỗ lực chung đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu Covid-19.
Việt Nam đã cùng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand đóng góp vào nỗ lực chung đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, hãng tin Reuters cho biết Mỹ đang lên kế hoạch thành lập Mạng lưới kinh tế thịnh vượng bắt đầu bằng cách khởi động lại cuộc đối thoại nhóm Bộ tứ kim cương (Nhóm QUAD), gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand, gọi là nhóm Bộ tứ mở rộng (QUAD Plus).
Theo lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mục đích của nhóm gồm 7 quốc gia hiện nay là "tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu", đưa nền kinh tế toàn cầu "tiến lên phía trước" sau dịch bệnh Covid-19.
Cổng thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 14/5 dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói : "Việt Nam tin rằng thông qua các cơ chế hợp tác, trao đổi, điện đàm với tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, các quốc gia và cộng đồng thế giới sẽ cùng nhau sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh đồng thời từng bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội".
Tuy nhiên, bà Hằng không cho biết rõ thời gian diễn ra điện đàm và liệu Việt Nam có được nhận lời mời chính thức tham gia Quad Plus hay chưa.
Nhận định về cơ hội của Việt Nam khi được mời tham gia vào Mạng lưới kinh tế thịnh vượng do Hoa Kỳ lãnh đạo, giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới, nói với VOA :
"Tôi nghĩ đó là một cơ hội tốt để Việt Nam có thể tiếp nhận các chuỗi cung ứng. Trong vấn đề hiện nay với xung đột Mỹ-Trung đang căng thẳng hơn thì dường như chính phủ các nước muốn thúc đẩy mạnh hơn quan hệ này. Tuy nhiên, cũng không phải là dễ vì Việt Nam và các nước Đông Nam Á dù có một số lợi thế nhưng nhìn tổng thể thì rất khó so sánh với lợi thế của Trung Quốc.
"Tôi thấy đã xuất hiện một số doanh nghiệp rời Trung Quốc sang Việt Nam nhưng chưa phải là nhiều. Việt Nam thì mong muốn chuyển sang càng nhiều càng tốt, nhưng vấn đề là họ có chuyển đi được không".
Báo Thanh Niên dẫn lời tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nói : "Việt Nam phải nhìn thấy đây là cơ hội lớn để tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng thế giới do lợi thế 64% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động lại thấp hơn Trung Quốc".
Trang Vietnam Finance dẫn lời tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhận định : "Muốn phát triển, Việt Nam phải có vị trí cao, sâu, chắc chắn trong các chuỗi cung ứng của toàn cầu. Chỉ khi độc lập về kinh tế thì mọi chuyện mới đổi khác, nếu không thì ta vẫn sẽ phụ thuộc nước này hoặc nước kia và cuối cùng thì chơi với ai, ta cũng phải chịu thiệt".
Reuters cho biết dù chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, song với việc chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và các thành viên trong Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 15/05/2020. Photo Facebook US Embassy Hanoi.
Bộ Tứ kim cương ra đời năm 2007 với 4 quốc gia thành viên Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Australia với mục đích là thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương với tham vọng trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để đối phó với sự chi phối của khái niệm "Biên giới mềm" ngày càng tăng do Trung Quốc đề xướng.
Theo các chuyên gia quốc tế, việc tham gia Bộ tứ Kim cương mở rộng có thể là bài toán về quan hệ quốc tế khó cho Việt Nam, buộc giới lãnh đạo Hà Nội phải xem xét kỹ lưỡng để tạo điều kiện tốt nhất cho bứt phá kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Chuyên gia phân tích chính sách Derek Grossman của tập đoàn Rand viết : "Việt Nam có thể là một thành viên mới tuyệt vời cho Quad Plus... Nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khó có thể đồng hành cùng Quad Plus trừ khi sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông tăng lên đột ngột và buộc Hà Nội phải ra tay".
"Chính sách quốc phòng 4 Không của Việt Nam - không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế - gây trở ngại đáng kể cho khả năng của Hà Nội tham gia vào một nhóm như thế nhằm chống lại Trung Quốc".
Hôm 06/5, theo đề nghị của phía Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo với kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại.
Hôm 15/5 Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có cuộc gặp với các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
"Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink và Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt để thảo luận về việc tăng cường quan hệ kinh tế song phương nhằm phát triển kinh tế hai nước và lan toả thịnh vượng", Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết hôm 15/5.
***********************
Biển Đông : Việt Nam phản ứng về việc Trung Quốc đưa phi cơ quân sự đến Đá Chữ Thập (RFI, 15/05/2020)
Chiều 14/05/2020, trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, đã có phản ứng về việc Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm tại Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, quần đảo đang tranh chấp trên Biển Đông.
Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/03/2020 © CSIS/AMTI
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại, Hà Nội "có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố : "Mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói thêm : "Trong tình hình hiện tại, Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp hơn tình hình ở Biển Đông".
Theo báo chí trong nước, ngày 23/04, Công ty ImageSat International (ISI) của Israel đã đăng trên mạng Twitter ảnh vệ tinh chụp ngày 10/4 cho thấy có hai phi cơ trên Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc đã bồi đắp, cải tạo thành căn cứ quân sự. Đó là máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tuần tra biển KJ-200.
Ảnh vệ tinh mới nhất chụp ngày 11/05/2020 vừa được chuyên san quốc phòng Anh IHS Jane’s 360 công bố, cho thấy phi cơ quân sự Trung Quốc lại xuất hiện tại Đá Chữ Thập. Trên mạng Twitter ngày 13/05/2020, cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á AMTI, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, xác nhận rằng các máy bay trên bức ảnh mà Jane’s 360 công bố là một chiếc phi cơ tuần tra biển KJ-200, một chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-500, và một chiếc trực thăng loại Z-8.
Như vậy, đây là lần thứ hai trong vòng không đầy một tháng mà phi cơ quân sự Trung Quốc bị phát hiện tại nơi được cho là căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc tại Trường Sa.
Thanh Phương
*****************
Việt Nam lần đầu trình chiếu xe tăng ‘mắt đỏ’ giữa căng thẳng Biển Đông (VOA, 15/05/2020)
Quân đội Việt Nam vừa trình chiếu hình ảnh xe tăng thế hệ mới T-90S/SK, được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Shtora-1 mới nhập về từ Nga. Đây là lần đầu tiên Việt Nam công chiếu về xe tăng thế hệ mới, có biệt danh "mắt đỏ", giữa bối cảnh đang có nhiều diễn tiến căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên Biển Đông.
Xe tăng T-90S/SK được trình chiếu với "cặp mắt đỏ" bật sáng.
Có ít nhất một chiếc T-90 SK và 2 chiếc T-90S MBT xuất hiện trong chương trình thời sự của kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam hôm 12/5.
Tin cho hay đây là những chiếc xe tăng mới nhất vừa gia nhập biên chế binh chủng xe tăng, thiết giáp của quân đội Việt Nam.
T-90S/SK là phiên bản xuất khẩu của xe tăng T-90. Đây là một trong những loại xe tăng chủ lực hiện đại nhất của quân đội Nga, được đưa vào chính thức phục vụ từ năm 1995.
T-90 là loại xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống 5 lớp : hệ thống nguỵ trang "NaKidka" với công dụng giảm khả năng bị phát hiện bằng ống nhóm, radar hay tín hiệu hồng ngoại ; hệ thống phòng thủ chủ động Shtora-1 để chống lại các tên lửa dẫn đường bằng laser, hồng ngoại và gây nhiễu các hệ thống hiển thị mục tiêu ; hệ thống phòng thủ chủ động ARENA để đánh chặn các loại đạn chống tăng ; giáp phản ứng nổ gắn ngoài và vỏ giáp kết hợp giữa thép độ bền cao và vật liệu tổng hợp.
Điểm đặc biệt ở phiên bản T-90 S/SK là "cặp mắt đỏ"- hệ thống đèn nhiễu OTShU-7-1M thuộc hệ phóng phòng vệ Shtora-1. Hệ thống này dùng để áp chế các loại tên lửa chống tăng thế hệ 1 và 2 bằng cách phát ra sóng đối kháng trên dải tần rộng, đè lên tín hiệu điều khiển tên lửa, khiến tên lửa mất phương hướng dẫn đến chệch mục tiêu.
Phóng sự của kênh QPVN được công chiếu sau khi Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang Nga (FSVTS) nói với Tạp chí quốc phòng Jane’s vào tháng 3 năm ngoái rằng Moscow đã hoàn thành việc giao tổng cộng 64 chiếc T-90S/SK MBT cho Việt Nam theo hợp đồng đã ký năm 2016.
Đợt giao hàng đầu tiên diễn ra vào tháng 12/2018 và khi lô thứ hai đến Việt Nam vào cuối tháng 2 năm ngoái, nguồn tin từ quân đội Việt Nam cho tạp chí quốc phòng biết.
Theo nguồn tin này, những chiếc xe tăng bọc thép tối tân T-90S/SK mới sẽ giữ vai trò chủ lực trong đội hình xe tăng – thiết giáp của Việt Nam, thay thế cho những xe tăng T-59 lỗi thời do Trung Quốc sản xuất, và kết hợp cùng với những chiếc T-54M do Việt Nam tự nâng cấp theo công nghệ Israel. Hiện nay, trong biên chế quân đội Việt Nam có 64 xe tăng chủ lực T-90S/SK.
Việc công chiếu vũ khí mới của Việt Nam diễn ra vào thời điểm đang xảy ra nhiều diễn tiến căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam và các quốc gia láng giềng.
Mới nhất, hôm 14/5, Hà Nội đã phải lên tiếng phản đối Bắc Kinh đưa máy bay quân sự đến đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Trước đó, Trung Quốc liên tục có những hành động lấn áp Việt Nam và các quốc gia láng giềng nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp tình trạng đại dịch trên thế giới, khiến Hoa Kỳ phải liên tục điều hàng không mẫu hạm đển khu vực để "cảnh cáo" và ngăn chặn những hành vi bắt nạt của Bắc Kinh.
*********************
Mỹ mời Việt Nam dự diễn tập hải quân ‘lớn nhất thế giới’, loại Trung Quốc (VOA, 14/05/2020)
Hải quân Mỹ mới xác nhận riêng với VOA Việt Ngữ rằng lực lượng này đã mời Việt Nam tham dự một cuộc thao dượt hải quân được coi là "lớn nhất thế giới" với sự tham gia của 25 nước, và sau khi bị rút lại lời mời năm 2018, lần này Trung Quốc vẫn không có tên trong danh sách.
Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay chỉ diễn ra trên biển ở Hawaii từ ngày 17 tới 31 tháng Tám do các quan ngại về virus Corona. Các hoạt động chính dự kiến gồm thao dượt chống tàu ngầm, đánh chặn hàng hải và diễn tập bắn đạn thật. Hải quân Mỹ cho biết đang tiếp tục ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nên RIMPAC 2020 sẽ không có các sự kiện giao lưu trên bờ.
Bà Rochelle Rieger, phát ngôn viên của Chỉ huy Hạm đội Ba của Hải quân Mỹ, vốn chủ trì cuộc thao dượt năm nay, cho VOA Việt Ngữ biết rằng "tất cả 25 quốc gia từng cùng Mỹ tham gia RIMPAC 2018 đã chính thức được mời trở lại tham dự RIMPAC 2020" và rằng "trong số này có Việt Nam".
Cùng với Việt Nam và nhiều đồng minh của Mỹ, các nước Đông Nam Á có tên trong danh sách mời gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Hiện chưa rõ phía Việt Nam có nhận lời mời tham dự RIMPAC năm nay hay không. Hai năm trước, Bộ Quốc phòng Việt Nam cử tám sỹ quan tham mưu nhưng không phái tàu chiến tới tham gia RIMPAC 2018.
Bà Rieger cho biết rằng con số cập nhật chính xác nhất tất cả các đơn vị xác nhận tham gia sẽ được đăng tải trên trang web chuyên về RIMPAC trước khi bắt đầu cuộc diễn tập vốn diễn ra hai năm một lần.
Theo Hải quân Mỹ, cuộc thao dượt hải quân quốc tế "lớn nhất thế giới" nhằm mục đích "thúc đẩy và duy trì các mối quan hệ hợp tác, vốn mang tính sống còn để bảo đảm an toàn và an ninh của các tuyến đường biển vì một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Lực lượng này nói thêm rằng cuộc thao dượt diễn ra ở vùng biển quanh các hòn đảo ở Hawaii là "một nền tảng độc đáo nhằm củng cố khả năng tương tác và các mối quan hệ đối tác hàng hải chiến lược".
Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói rằng "trong thời kỳ đầy thách thức này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các lực lượng hải quân của chúng ta cùng hợp tác để bảo vệ các tuyến hàng hải sống còn và bảo đảm tự do hàng hải qua các vùng biển quốc tế".
Năm 2018, Hải quân Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc thao dượt mà nước này từng dự năm 2014 và 2016 vì các hành động củng cố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã "phớt lờ sự thật và làm rùm beng cái gọi là quân sự hóa Biển Đông", và lấy đó là cái cớ để không mời Trung Quốc.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng hành động của Trung Quốc ở vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền "trái với các nguyên tắc và mục đích của RIMPAC".
Mới đây, các quan chức ngoại giao và quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ chỉ trích chính quyền Bắc Kinh "lợi dụng" tình hình bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu để thực hiện các hành động củng cố chủ quyền cũng như các hành vi bắt nạt các nước như Việt Nam trên Biển Đông.