Nghị quyết của Chính phủ thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn (RFA, 15/05/2020)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào ngày 15/5 tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 102 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Khu Vân Đồn. Photo : Thanh niên
Báo trong nước loan tin cùng ngày.
Tin cho biết, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày 21/4/2020.
Cũng tại buổi lễ, ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh được phân công, kiêm nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.
Ông Lê Hữu Phúc, Phó Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh được điều động bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.
Trước đó, vào ngày 14/11/2019, Chính phủ ra Nghị quyết 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết này có hiệu lực trong cùng ngày. Mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đến ngày 17/2 vừa qua, Chính phủ Hà Nội ban hành quyết định số 266 được Thủ tướng ký duyệt để Vân Đồn được chính thức quy hoạch đến năm 2040 thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực ; là cửa ngõ giao thương quốc tế.
Theo đó, Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có sòng bạc, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp ; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Quyết định nêu rõ, đến năm 2030, Vân Đồn dân số khoảng 140.000-200.000 người, nhu cầu đất sử dụng khu chức năng khoảng 5.500 ha. Đến năm 2040, dân số tăng lên khoảng 300 – 500.000 người, nhu cầu sử dụng đất khu chức năng 12.050 ha.
Theo quy hoạch được công bố thì huyện Vân Đồn sẽ phát triển đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến văn hóa, giáo dục, dịch vụ thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, thể thao y tế, giao thông…
Vào năm 2018, Chính phủ Hà Nội đã chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gọi tắt là Dự luật đặc khu, để trình Quốc hội xem xét. Ba đặc khu gồm Vân Đồn ở Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.
Sau đó, nhiều cuộc biểu tình chống Dự luật đặc khu đã diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước vào tháng 6 năm 2018 khiến Chính phủ phải ngừng việc đưa dự luật ra Quốc hội. Những người phản đối dự luật lo ngại nếu được thông qua, luật mới sẽ cho phép người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam tại những địa điểm trọng yếu.
********************
Điều tra lô hàng sừng tê giác hơn 3 tỷ đồng tại Quảng Ninh (RFA, 15/05/2020)
Công an thành phố Móng Cái đang tiến hành điều tra làm rõ vụ vận chuyển lô sừng tê giác, trị giá hơn 3 tỷ đồng bị bắt giữ hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Hải quan tại sân bay Nội Bài gỡ các mảnh sừng tê giác nhập lậu khỏi bao bì tại Hà Nội. Bức ảnh chụp ngày 25 tháng 7 năm 2019. AFP - Ảnh minh họa
Báo trong nước dẫn thông tin từ Trạm Kiểm soát liên hợp Km15, Bến tàu Dân Tiến ở Quảng Ninh loan tin ngày 15/5.
Tin cho biết, trong quá trình lực lượng chức năng kiểm soát y tế đối với người lưu thông qua Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã phát hiện xe khách chạy hướng Hạ Long đi Móng Cái có hành khách Trần Văn Quyền, sinh năm 1984, giấu trong hành lý 3,155 kg sừng tê giác, trị giá hơn 3 tỷ đồng và không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
Sau đó, hành khách Trần Văn Quyền khai nhận vận chuyển số sừng tê giác này cho một người đàn ông tên Trung, quốc tịch Trung Quốc, từ thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh đến thành phố Móng Cái để nhận 2 triệu đồng tiền công.
Phía Công an thành phố Móng Cái, Công an tỉnh Quảng Ninh hiện đang tiếp tục tiến hành làm rõ vụ việc.
Vẫn tin liên quan, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau vừa tuyên phạt bị cáo Trần Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng và các đồng phạm trong vụ án vận chuyển trái phép 114 cá thể tê tê trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, ông Quý bị kết án 13 năm tù giam và phạt bổ sung 100 triệu đồng vì là người đứng ra tổ chức hoạt động vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Ngoài ra, ba bị cáo khác liên quan đến vụ án cũng bị kết án về tội "Giả mạo trong công tác" gồm Nguyễn Hải Nam 12 năm tù giam và phạt bổ sung 50 triệu đồng ; Lê Việt Lĩnh 10 năm tù giam và Ngô Vũ Lâm - Cán bộ kiểm lâm 2 năm tù giam.
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đưa ra kết quả thanh tra cho hay Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Đăng đăng ký thực hiện dự án đầu tư du lịch kết hợp nuôi động vật hoang dã trên cụm đảo Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Đăng không xây dựng các hạng mục công trình như trong báo cáo ban đầu và cũng không có bất kỳ hoạt động du lịch nào trên đảo mà chỉ thực hiện nuôi động vật hoang dã với mục đích xuất bán.
********************
Gần 100 ha rừng trồng ở Khánh Hòa nghi bị đốt (RFA, 15/05/2020)
Gần 100 ha rừng keo tại Khánh Hòa đã bị thiêu rụi, lá chuyển sang màu vàng úa và khó có khả năng phục hồi trong thời điểm khô hạn, nắng nóng như hiện nay. Đơn vị chủ rừng nghi có người đốt.
Khu vực rừng bị cháy hầu như không thể phục hồi. congluan.vn
Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi ngày 14/5, ông Đặng Quang Thành, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết, hiện đơn vị đang kiểm đếm diện tích rừng tại khu vực Suối Trầu, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa bị cháy. Đây là rừng keo được đơn vị liên doanh với các hộ gia đình trồng từ năm 2017, 2018.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 9h sáng 12/5 khi nhân viên bảo vệ rừng phát hiện điểm cháy và thông báo Ban quản lý rừng phòng hộ. Khi lực lượng chữa cháy tiếp cận đã phát hiện nhiều điểm cháy rừng khác xung quanh. Đến ngày 13/5 vụ cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
Ông Thành cho biết đơn vị ông nghi ngờ có người đốt hoặc do người săn mật ong bất cẩn gây ra cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm tình Khánh Hòa đang giao lực lượng tổ chức kiểm tra hiện trường, xác định nguyên nhân và thiệt hại các vụ cháy rừng trồng xảy ra trên địa bàn trong mấy ngày qua. Ngoài vụ cháy rừng trồng tại thị xã Ninh Hòa nêu trên, các vụ cháy khác bao gồm rừng keo tại xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh hôm 14/5 và rừng trồng tại xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh hôm 13/5.
Cũng tin liên quan, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm liên quan đến vụ cháy rừng tại xã Mà Cooih, huyện Đông Giang xảy ra vào ngày 5/5. Lực lượng chức năng xác định có hơn 32 ha rừng bị cháy. Trong đó, diện tích phá, đốt là 3,5 ha ; diện tích thiệt hại do cháy lan là 28,8 ha.