Gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ : Nhiều người khó khăn không với tới (VOA, 11/06/2020)
Đầu tháng 4, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh và thương mại đình trệ, Việt Nam ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là gói giải pháp được cho là chưa có tiền lệ, bởi lần đầu tiên, chính phủ chi tiền trực tiếp cho người dân, người lao động bị giảm sâu thu nhập vì đại dịch với tổng số tiền cho toàn bộ gói hỗ trợ lên tới 62.000 tỉ đồng.
Người dân xếp hàng nhận gạo miễn phí từ máy ATM ở Hà Nội. Photo CAND.
Những người trong diện được hỗ trợ bao gồm các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia, hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động…tỏ ra vui mừng vì ít nhất nhà nước cũng giúp đỡ họ một phần trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh.
Tuy vậy, hơn 2 tháng đã trôi qua, rất nhiều hộ gia đình nằm trong diện cần được cứu trợ vẫn chưa nhận được tiền hoặc thậm chí bị gạt khỏi danh sách vì nhiều lý do khác nhau.
Chị Phạm Phương Liên, một chủ cửa hàng tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết chồng chị mất sức lao động, 1 trong 3 đứa con nhỏ của chị bị tật nguyền, chi tiêu gia đình trông vào cửa hàng bán đồ lọc nước có thu nhập dưới 100 triệu /năm, nhưng gia đình chị bị gạt khỏi danh sách được nhận tiền hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể.
"Cả phường này lập lên cái danh sách 45 gia đình được xét nhận trợ cấp, mình cũng đã nộp đủ mọi loại giấy tờ, viết đơn và ký tá một loạt giấy tờ nữa. Nhưng hôm vừa rồi bà tổ trưởng bà nói là Liên ơi, nhà Liên không được đâu, vì việc hỗ trợ này chỉ cho những người như kiểu xe ôm, bán hàng nước thôi, chứ nhà mình có cửa hàng thì cũng không được", chị chia sẻ.
Chị Liên nói gia đình như chị, dù may mắn có một cửa hàng nhỏ ngoài mặt đường do nhà chồng để lại, nhưng phải chắt bóp lắm mới nuôi đủ 5 miệng ăn. Suốt từ sau Tết, cửa hàng hầu như đóng cửa vì dịch bệnh và trong thời gian giãn cách xã hội, có khi cả tháng gia đình chị hoàn toàn không có thu nhập, chị trần tình. Nếu không có sự hỗ trợ lương thực và thực phẩm từ gia đình nhà ngoại ở quê, có lẽ cả 5 người nhà chị đã không có gì mà ăn từ lâu, chị Liên chia sẻ.
Theo chị, mặc dù nằm trong diện hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ mùa Covid-19 nhưng gia đình chị bị loại khỏi danh sách vì một lý do khác.
"Nhà chị thì có Tom (người con tật nguyền), hiện tại Tom được hỗ trợ hàng tháng là 750.000 đồng, đợt Covid vừa rồi Tom được thêm 500.000 mỗi tháng, tổng cộng là 1.500.000. Cho nên các ông bà tổ dân phố nói là thôi, cứ nhận tiền hỗ trợ cho con như vậy là được rồi, không nên xin thêm tiền hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể nữa".
Đối với không ít hộ nghèo, gói hỗ trợ 62.000 tỉ này không dễ tiếp cận vì có quá nhiều loại giấy tờ và tiêu chí khác nhau để được xét duyệt.
Chị Nguyễn Thị Nhung, một bà mẹ có 3 con nhỏ hiện chạy xe Grab mưu sinh ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết cuộc sống gia đình chị vô cùng thiếu thốn trong mùa dịch vì xe ôm Grab hầu như không có khách, nhưng chị cũng không thể lọt vào danh sách nhận tiền hỗ trợ của chính phủ.
"Em cũng làm đủ mọi loại giấy tờ nộp lên tổ dân phố để tổ dân phố xem xét rồi nộp lên phường. Nhưng vì em chạy Grab, tức là làm việc cho công ty, nên phải xin giấy chứng nhận của công ty là không đi làm. Hơn thế em thấy những người chạy Grab, tức là có qua một công ty, đã xin rồi đều không được nên em thôi, không mất công xin xỏ làm gì nữa", chị nói.
Theo quy định thì các hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn quốc gia sẽ được hỗ trợ 250.000/tháng, trong 3 tháng, và nhận tiền một lần. Còn đối với những người lao động bị chấm dứt hợp đồng hay hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu/năm sẽ được nhận 1 triệu đồng/tháng, trong 3 tháng, và cũng nhận một lần. Số tiền không lớn, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, ít nhiều cũng đỡ phần nào gánh nặng mưu sinh cho người nghèo giữa cơn đại dịch.
Chị Liên nói chị hy vọng số tiền hỗ trợ đó ít nhất sẽ đến được tay những hộ gia đình ở các vùng sâu-vùng xa hay những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn hơn gia đình chị, chứ không phải chỉ có trên giấy, trên TV, hoặc chạy vào túi của những ai đó.
******************
Việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó do Covid-19 còn quá chậm (RFA, 11/06/2020)
Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 6, gần 4 ngàn người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Người nghèo nhận thực phẩm mùa dịch Covid-19 ở Hà Nội - Reuters - Ảnh minh họa
Đó là thông tin do ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thuộc Sở Lao động Hà Nội trả lời trên Vietnamplus vào ngày 11 tháng 6.
Ông Thảo cho hay tính trung bình mỗi ngày có gần 2000 người lao động đến trung tâm nhưng trung tâm chỉ tiếp nhận khoảng chừng 530 hồ sơ. Con số này được nói tăng cao so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, ông Thảo nói mỗi ngày trung tâm còn tiếp nhận, hướng dẫn gần 900 người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp tìm việc làm.
Được biết, mặc dù từ tháng 5 các doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và số lượng người lao động quay trở lại làm việc ngày một nhiều nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn không thể trở lại như trước khi đại dịch coronavirus xảy ra do vậy hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn bị ảnh hưởng.
Đó cũng là lý do nhiều đại biểu quốc hội trong ngày 11/6 đã đặt vấn đề chính phủ nên rà soát, kiểm tra lại các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó do tác động của dịch Covid-19 để kịp thời điều chỉnh, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp khó khăn sớm nhận được sự hỗ trợ.
Đơn cử, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam được truyền thông trong nước trích ý kiến đóng góp rằng Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh là nhờ có đối sách đúng đắn. Song, kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp và thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp thì cả nước lại đang thận trọng, vì sợ làm trái với pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, sợ hỗ trợ không đúng đối tượng dẫn đến việc hỗ trợ quá chậm trễ.