Mỹ nghi gỗ dán Việt Nam dùng nguyên liệu Trung Quốc để ‘lách’ luật (VOA, 11/06/2020)
Hà Nội hôm 11/6 kêu gọi Hoa Kỳ điều tra "khách quan và công bằng" đối với gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam mà nhà sản xuất Mỹ cho là sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc để "lách" luật liên quan tới việc đánh thuế đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Mỹ điều tra gỗ dán nhập từ Việt Nam
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói thêm trong cuộc họp báo thường kỳ rằng Mỹ cần phải xem xét vấn đề "phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế, cũng như quan hệ kinh tế - thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ, qua đó, đảm bảo lợi ích chính đáng giữa doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hai nước".
Bà Hằng cho biết tiếp rằng "Việt Nam luôn thực thi một cách nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của mình với WTO" và "các bộ ngành Việt Nam cũng đang tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ nêu tại 'Đề án Tăng cường Quản lý Nhà nước' về chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ được Thủ tướng [Nguyễn Xuân Phúc] phê duyệt vào ngày 4/7/2019".
Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ xem xét liệu gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu Trung Quốc như cáo buộc của một số nhà sản xuất gỗ ép của Hoa Kỳ hay không.
Trước mặt hàng gỗ dán, Bộ Thương mại Hoa Kỳ từng ra quyết định đánh thuế nặng lên các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc để tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ.
**********************
Hoa Kỳ : Việt Nam tiếp tục sách nhiễu các nhóm tôn giáo chưa được công nhận (VOA, 11/06/2020)
Hôm 10/6/2020, phúc trình thường niên năm 2019 về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng chính quyền Việt Nam tiếp tục sách nhiễu các chức sắc thuộc nhóm chưa được nhà nước công nhận, đồng thời tố cáo các hành động quấy rối của Hội Cờ Đỏ, Lực lượng 47 nhằm vào các linh mục và giáo dân.
Phúc trình viết : "Các nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm không được chính thức công nhận hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cho biết bị chính quyền quấy rối bằng các hình thức khác nhau - bao gồm tấn công gây thương tích, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và tịch thu tài sản".
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục sách nhiễu các tín đồ Tin lành thuộc dân tộc thiểu số, đặc biệt là các thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ ; chính quyền các tỉnh Tây Bắc sách nhiễu tín đồ Tin lành người H’mong và cả tín đồ Công giáo ; chính quyền tỉnh Nghệ An và Tuyên Quang sách nhiễu giáo dân Công giáo và người theo đạo Tin Lành. Báo cáo nêu rõ rằng hầu hết các vụ sách nhiễu do chính quyền cấp địa phương và cấp tỉnh gây ra.
Báo cáo ghi nhận việc một số tín đồ Tin lành đang xin tị nạn ở Thái Lan cho biết rằng các thành viên gia đình của họ còn lại ở Tây Nguyên bị chính quyền địa phương tiếp tục quấy rối trên mạng xã hội, và trong một số trường hợp, các thành viên gia đình bị đe dọa và hành hung để gây áp lực buộc những người xin tị nạn phải quay về nước nhà.
Một số mục sư lên tiếng chỉ trích chính quyền, bày tỏ lo ngại về việc đi ra nước ngoài, sợ bị chặn lại ở biên giới hoặc bị giam giữ khi trở về nước, phúc trình cho biết.
"Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom (KKF) báo cáo một số trường hợp Phật tử bị bắt, thẩm vấn và bị giam giữ chỉ vì đã truy cập vào trang web và trang Facebook của KKF", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Trong năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp nhận các báo cáo cho biết các linh mục và giáo dân tiếp tục "bị quấy rối bởi Hội Cờ Đỏ của chính quyền, mặc dù nhóm này đã tự giải tán vào tháng 3/2018".
"Các nhà lãnh đạo Công giáo cũng báo cáo về sự quấy rối trên internet của Lực lượng 47, nhóm có nhiệm vụ phản bác các lời chỉ trích chính phủ trên phương tiện truyền thông xã hội, lấy tên theo một đơn vị an ninh mạng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Công giáo không rõ các hành động quấy rối của nhóm này có phải do nhà nước tài trợ hay không".
Phúc trình cho biết chính quyền Việt Nam tiếp tục quấy rối các cộng đồng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV) thông qua việc cưỡng chế các ngôi chùa và các cơ sở tôn giáo của họ và ép các thành viên của UBCV phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý.
Ngoài ra, phúc trình cho biết các quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ thường xuyên nêu quan ngại về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam với một loạt các quan chức chính phủ và lãnh đạo Đảng, bao gồm cả Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Trung ương, và các cơ quan khác tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh thành khác.
Việt Nam chưa lên tiếng phản hồi về phúc trình tự do tôn giáo 2019 của Hoa Kỳ. Vào tháng 7 năm ngoái, Bộ Ngoại Việt Nam cho rằng báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 2018 "đánh giá không khách quan do những thông tin sai lệch về Việt Nam".
*********************
Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế : Mỹ chỉ trích Việt Nam tiếp tục đàn áp tôn giáo (RFA, 10/06/2020)
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục chỉ trích chính quyền Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo trong năm 2019 bất chấp Hiến pháp quy định tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân.
Một buổi lễ của người Công giáo ở Hà Nội hôm 20/1/2015 - AFP
Trong báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế được công bố vào sáng ngày 10/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích chính quyền Việt Nam tìm cách đàn áp tự do tôn giáo, đặc biệt nhắm vào các nhóm tôn giáo không được chính quyền thừa nhận, dưới nhiều hình thức. Đó là xách nhiễu, đánh đập, bắt giữ, truy tố, theo dõi, cấm đi lại đối với những người theo các nhóm tôn giáo không được nhà nước cho đăng ký. Tài sản, đất đai của họ bị nhà nước thu hồi.
Theo báo cáo, những xách nhiễu, đàn áp tôn giáo diễn ra ở các địa phương như : Tây nguyên, vùng người theo đạo Thiên chúa của người H’mong ở vùng núi phía Bắc, và các tỉnh Nghệ An, Tuyên Quang nơi có nhiều người theo Tin lành và Công giáo.
Những truy bức của chính quyền đã khiến khoảng từ 250 đến 300 người Thượng ở Tây nguyên phải chạy lánh nạn sang Campuchia và Thái Lan kể từ năm 2017 trở lại đây, theo thống kê của Chính phủ Mỹ.
Người Công giáo ở khu vực Nghệ An nơi có giáo phận Vinh, theo báo cáo, cũng bị đàn áp mà điển hình là việc kết án từ một giáo dân là thầy giáo dạy dạng Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù hồi năm ngoái với cáo buộc Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Theo báo cáo, những người theo các nhóm tôn giáo như Cao Đài, Hoà Hảo không được đăng ký và Phật Giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng bị đàn áp.
Theo thống kê trong báo cáo, hiện Việt Nam có khoảng hơn 97 triệu dân với khoảng 26,4% dân số là những người đang thực hành các hoạt động tín ngưỡng được đăng ký. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính 90% dân số Việt Nam theo một đức tin truyền thống nào đó bao gồm cả dạng được đăng ký với nhà nước và dạng không đăng ký.
Đạo phật là đạo lớn nhất tại Việt Nam với khoảng 14,9% dân số, tiếp theo là Công giáo với khoảng 7,4% dân số.
Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế là báo cáo được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra hàng năm đối với toàn thế giới. Trong báo cáo các năm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dù nhìn nhận Việt Nam có một số tiến bộ nhất định trong việc cho phép người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, những vẫn chỉ trích tích tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ hôm 9/6 cũng có một báo cáo về tự do tôn giáo, lên án việc đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, và kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).