Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/06/2020

EVFTA : Việt Nam không muốn và không thể thay thế Trung Quốc

BBC tiếng Việt

Học giả Trung Quốc nói Hà Nội chưa thể thay thế được Bắc Kinh kể cả khi thông qua EVFTA.

evfta1

Việt Nam được cho là đi 'tiên phong' thêm một bước và có lợi thế ở khu vực khi ký kết và có các hiệp định thế hệ mới EVFTA và EVIPA được thông qua tại EU

Bài đăng trên Hoàn cầu Thời báo ngày 11/06 đặt câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ 'chịu thiệt' sau thỏa thuận mậu dịch tự do giữa EU và Việt Nam hay không.

Tác giả Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mở đầu bài viết bàn về việc truyền thông quốc tế đưa tin rằng đại dịch Covid-19-19 đang tạo điều kiện cho xu hướng đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.

"Việt Nam, như truyền thông đưa tin, dường như đang đảm nhận vai trò thay Trung Quốc và EU cũng có thể nắm lấy cơ hội để giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc".

Giáo sư Hứa mô tả thực trạng rùm beng về hai kịch bản "qua mặt" [Việt Nam thay thế Trung Quốc] và "xa rời" [EU bớt phụ thuộc Trung Quốc] trong những năm gần đây chỉ là ý nghĩ viển vông.

"Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số các thành viên ASEAN vào năm 2019. Việt Nam đang ở giai đoạn công nghiệp hóa khác với Trung Quốc và Việt Nam cần phải dựa vào thị trường Trung Quốc do chuỗi cung ứng và công nghiệp bị thiếu hụt.

"Việt Nam đạt mức xuất khẩu 260 tỉ đô la trong 2019 trong khi Trung Quốc có mức xuất khẩu 2,5 nghìn tỷ đô la cùng năm, khiến người ta khó tưởng tượng Việt Nam lĩnh hội vai trò của Trung Quốc", Giáo sư Hứa viết.

Tác giả ghi nhận về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang EU khi có EVFTA nhưng lưu ý rằng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể phải đối mặt với các rào cản phi thuế quan như quy tắc xuất xứ và nguyên tắc phát triển bền vững.

"Đó là những hạn chế mà Việt Nam không thể giải quyết về ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu của EU", Giáo sư Hứa viết.

Vào ngày 08/6/2020 Quốc hội Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 đã biểu quyết thông qua với đa số tuyệt đối cho cả hai hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

Theo Giáo sư Hứa, chính Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc - ASEAN đã đóng góp rất lớn cho Việt Nam và đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại Trung Quốc - ASEAN (tăng gấp 10 lần từ 54,8 tỷ đô la năm 2002 lên 587,9 tỷ đô la trong năm 2018), dẫn đến thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục.

evfta2

Nông nghiệp Việt Nam hy vọng hưởng lợi nhờ hiệp định thương mại với EU

Trong khi Giáo sư Hứa thừa nhận theo đuổi đa phương hóa và đa dạng hóa thương mại nước ngoài luôn là mục tiêu của Việt Nam đối với hợp tác nước ngoài thì ông mô tả việc "tiếp quản" vai trò của Trung Quốc "không phải là điều mà Việt Nam muốn cũng như là việc không thể thực hiện được".

Bàn về kịch bản EU "xa rời" Trung Quốc, tác giả nói đây là quan niệm "không có cơ sở".

"Ngày càng có nhiều quốc gia Châu Âu tham gia vào các dự án của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc đề xuất, với một số nước đã ký bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc cùng nhau thúc đẩy BRI.

"Ngoài ra, các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc-Châu Âu đã tăng tần suất và khối lượng hàng hóa trong bối cảnh đại dịch. Bên cạnh hàng hóa có thể ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, các đoàn tàu cũng đã chuyển các vật liệu phòng chống đại dịch quan trọng đến Châu Âu.

"Thay vì xa rời, Trung Quốc và EU sẽ phát triển thành một liên minh chặt chẽ hơn với các lợi ích chung", tác giả Hứa Lợi Bình nhận định.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 631 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)