Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/06/2020

Đồng Tâm : Hà Nội để lộ bộ mặt giết người, cướp đất rồi buộc tội dân lành

BBC tiếng Việt

Đồng Tâm : Một số nhà hoạt động phản đối kết luận điều tra (BBC, 12/06/2020)

Một số bình luận ở Hà Nội bày tỏ không đồng tình sau khi công an Hà Nội đề nghị truy tố 29 người ở Đồng Tâm với tội "giết người" và "chống người thi hành công vụ".

kinh1

Ông Lê Đình Công xuất hiện thú tội trên truyền hình Việt Nam

Cơ quan điều tra thuộc Công an Thành phố Hà Nội vừa ban hành kết luận điều tra vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (09/1/2020) sau hơn 5 tháng xảy ra sự việc và đề nghị truy tố 29 người.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, công an Hà Nội kết luận "các bị can nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm 3 chiến sỹ công an hy sinh".

"Đây là hành vi man rợ, có tính côn đồ, nhằm mục đích giết chết nhiều người, cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật", bản tin Thông tấn xã nói.

Ngay lập tức, một số nhà hoạt động từ Việt Nam và thành viên giới luật gia đã lên tiếng phản đối.

Từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình (cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam) nói bà đã dự đoán đúng về động thái của công an và chính quyền Hà Nội :

"Tôi mới đọc qua tin trên báo Thanh Niên, và thấy dự đoán của mình đã đúng. Số là mấy hôm trước đây, Facebooker Trịnh Bá Phương có đưa sự việc những người thuộc bên nhà nước đã đem rất nhiều đồ cúng bái về một ngôi chùa ở vùng Đồng Tâm. Họ cầu cúng mấy ngày liền. Nhiều người dân phán đoán là họ trót gây tội ác với người dân cùng cụ Kình chống tham nhũng, chống cướp đất trái pháp luật, vì vậy sợ bị quả báo nên cầu xin thần linh để khỏi bị quở phạt...

"Tôi thì đoán rằng, không hẳn là thế. Tôi nói có thể họ chuẩn bị một chiêu gì mới với bà con Đồng Tâm đây. Và chiêu này có khi còn khủng khiếp hơn những gì họ đã làm với nhân dân Đồng Tâm.

"Y như rằng, hôm nay họ đã lại tung dư luận khép tội khủng bố cho nhân dân, và tội trạng lần này họ còn gán ghép nặng nề hơn trước đây nhiều. Họ chuẩn bị dư luận để sẽ áp cho bà con những bản án rất nặng nề đây ?

"Thật là kinh khủng. Không một dấu hiệu nào cho thấy họ còn chút lương tri nào khi xử lý một vụ việc như thế với Đồng Tâm !"

Có 'độc lập' hay không ?

Từ Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nêu ý kiến :

"Theo tôi, thứ nhất đây không phải là bản kết luận điều tra đến từ cơ quan độc lập có sự giám sát của Quốc hội hay các tổ chức quốc tế.

"Thứ hai là việc điều tra do cơ quan cảnh sát điều tra công an Thành phố Hà Nội hoàn toàn không khách quan. Bởi vì cơ quan công an cùng cấp tham gia vào việc tấn công và giết cụ Lê Đình Kình rạng sáng hôm 9/1/2020 mà sau đó lại nắm quyền điều tra truy tố thì khó có sự minh bạch ở vụ án này.

"Các tình tiết vụ án rất có thể bị sai lệch, bên cạnh đó còn có dấu hiệu bức cung nhục hình đối với những người bị bắt, nhiều người xuất hiện trên VTV1 với nhiều dấu tích của sự tra tấn.

"Nhiều luật sư còn chưa được gặp thân chủ của mình, có một số luật sư chỉ được gặp một lần. do vậy quá trình điều tra thiếu vắng sự có mặt của các luật sư, do đó tôi nghĩ rằng các bản khai cung không đảm bảo minh bạch đúng quy định của luật tố tụng.

"Về cái chết của 3 viên cảnh sát tham gia tấn công vụ Đồng Tâm nhiều người đã phân tích chặt chẽ rằng không phải do người dân Đồng Tâm gây ra.

"Tôi nghĩ rằng với bản kết luận điều tra này số phận của 25 người trong số 29 người dân Đồng Tâm bị bắt có thể đối mặt với mức án rất nặng nề. Và tôi cho rằng để có sự công bằng đối với người dân Đồng Tâm cần nhiều hơn sự lên tiếng của công luận và đặc biệt là các tổ chức nhân quyền cũng như chính phủ các quốc gia có nền dân chủ cấp tiến".

'Tránh oan sai, bức xúc'

Từ Hà Nội, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, nguyên Thiếu tá An ninh thuộc ngành Công an nêu quan điểm :

"Theo tôi, trước hết cần phải nghiên cứu kỹ bản Kết luận điều tra, nghe ý kiến của các luật sư (được tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án, dự các buổi hỏi cung) thì mới có thể có những đánh giá chi tiết về diễn biến mới này.

"Vì vậy, tôi chỉ có thể nêu một số vấn đề rất quan trọng, cần phải được thể hiện trong vụ án mà rất có thể đã bị bỏ qua, không tránh khỏi việc làm sai lệch hồ sơ vụ án, oan người ngay, lọt tội phạm.

"Thứ nhất, cái chết của ông Lê Đình Kình, do đâu ? Có hành động phạm tội gây nên cái chết của ông Kình không ? Đơn của vợ ông Kình (đã gửi 6 lần) tố cáo về hành vi giết ông được xử lý ra sao ?

"Thứ hai, cái chết của 3 sĩ quan công an, có bằng chứng về việc bị giết, ai giết,… hay chỉ hoàn toàn dựa trên lời khai (thậm chí khai khi không có mặt luật sư theo như luật định - cho tội danh có khung hình phạt đến tử hình) ?

"Thứ ba, đơn tố cáo của gia đình ông Kình (gửi hai lần) về việc bị trộm cắp tài sản khi xảy ra vụ án đã được xử lý ra sao ? Việc này rất liên quan vụ án, không thể lờ đi, hay tách ra thành một vụ khác.

"Giữa lúc liên tục có thêm nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai, buộc phải xem xét lại gây chấn động dư luận, thì việc xử lý vụ án này càng phải hết sức cẩn trọng, đúng pháp luật, tránh có thêm nhiều dư luận bức xúc".

Minh bạch, đáng tin cậy ?

Từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Viện trưởng Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói với BBC :

"Bình luận thứ nhất của tôi là khi xảy ra vụ án cho đến bây giờ, có thể nói là thời gian rất dài rồi và bây giờ mới có kết luận điều tra.

"Tuy nhiên, kết luận điều tra này đang tạo nên sự băn khoăn trong dư luận bởi lẽ sau khi vụ việc xảy ra thì đã có những thông tin độc lập cho rằng ở hiện trường không có dấu hiệu việc 'thiêu sống' ba sỹ quan và có nhiều thông tin đã phân tích mâu thuẫn trong sự kiện gọi là ba chiến sỹ công an mà bị thiêu như thế nào tại hiện trường.

"Chính vì câu hỏi đó, do đó cho nên bây giờ căn cứ vào tội danh đó để mà khởi tố vụ án, truy tố bị can, thì đây là việc làm theo tôi về mặt hình thức họ dựa vào kết luận điều tra của họ, thế nhưng mà kết luận điều tra đó có đáng tin cậy hay không và có minh bạch để các luật sư có thể đánh giá về chứng cứ hay không ?

"Thì đây còn là câu hỏi rất lớn, khi mà phiên tòa chưa mở ra, cũng khó mà có thể nói được rằng việc mà ba sỹ quan bị thiêu sống trong hoàn cảnh khi mà đang đêm, tất cả làng đang ngủ và hành vi mà người dân không có công cụ trong tay, trong khi đó hàng nghìn cảnh sát đã bao vây trong một đêm khuya như vậy mà lại cho rằng có một sự kiện thiêu sống ba chiến sỹ được trang bị đầy đủ cùng với đồng đội của mình.

"Thì riêng chuyện về lôgic hình thức, khó mà có thể cho rằng sự kiện này xảy ra như là kết luận điều tra đã nói là một thông tin có thể tin cậy và có đầy đủ chứng cứ được. Tương tự như thế, có nhiều câu hỏi đặt ra về cơ sở xác thực của việc ông Lê Đình Kình đã tấn công và chủ động tấn công cảnh sát trước khi ông thiệt mạng.

"Thì đây là đánh giá chủ quan của tôi cho rằng là những việc này có hay không có thì đang là vấn đề mà dư luận đang cần phải làm rõ bằng những chứng cứ cụ thể, công khai và minh bạch.

"Và tôi hy vọng, nếu phiên tòa mở ra, thì phiên tòa này cần phải được sự tham gia đầy đủ của các luật sư với tất cả những quyền tố tụng của mình, để làm rõ tất cả những chứng cứ liên quan".

***********************

Đồng Tâm : Công an Hà Nội kết luận 29 bị can tham gia ‘thiêu chết 3 công an’ (BBC, 12/06/2020)

Sau hơn năm tháng xảy ra vụ bố ráp và tập kích vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ngày 12/6/2020 cơ quan điều tra thuộc Công an thành phố Hà Nội đã công bố kết luận điều tra và đề nghị truy tố 29 người dân ở xã này trong vụ việc mà chính quyền cáo buộc đã "thiêu chết" ba sỹ quan công an trong lực lượng bố ráp ở xã này hôm 09/1.

kinh2

Rạng sáng ngày 9/1/2020, lực lượng Cảnh sát cơ động tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm lúc 4g sáng, đột kích vào nhà cụ Lê Đình Kình, ám sát và mang xác cụ Kình về cơ quan moi tim và mổ bụng. Ảnh minh họa

"Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 29 bị can, đều là người ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), đã tham gia bàn bạc, lên kế hoạch và thực hiện hành vi chống đối, tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ", báo Dân Trí hôm thứ Sáu đưa tin.

"Những người này gồm Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Bùi Văn Niên, Nguyễn Văn Tuyến, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Văn Quân..".

"Như… đã đưa tin, từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch.

"Quá trình xây dựng, sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 người chống đối chết, 1 người bị thương".

'Ông Kình đã chủ mưu' ?

Báo Tuổi Trẻ cùng ngày thứ Sáu viết :

"Kết luận điều tra xác định những người này nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm chết 3 chiến sĩ công an. Đây là hành vi man rợ, có tính côn đồ, giết chết nhiều người cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật",

Báo Người Lao Động hôm 12/6 dẫn thông tin từ kết luận điều tra khẳng định rạng sáng 09/1, khi công an ngăn chặn, bắt giữ những người vi phạm, ông Lê Đình Kình (Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.

kinh3

Hiện trường nhà cụ Lê Đình Kình : 3 cán bộ Cảnh sát cơ động nhảy vào nhà nhưng bị té xuống giếng trời và bị trái nổ và trái bộc phá mang theo người nổ khiến chết cháy. Kết luận của Cơ quan điều tra cố dàn dựng và viết lại vụ án để kết tội người nhà cụ Kình đổ xăng đốt nhưng không tìm thấy dấu vết khói và lửa xăng trên các vách hố giếng trời. Không có hình ảnh nào về 3 công an bi chết cháy như thế nào và hiện trường hố giếng trời lúc đó

Tờ báo thuộc Liên Đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm :

"Cơ quan công an xác định ông Lê Đình Kình có vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên tổ chức xuyên tạc nguồn gốc đất Đồng Sênh, kích động lôi kéo người dân tham gia khiếu kiện.

"Mặc dù, đã được Thanh tra Hà Nội thông báo kết luận thanh tra về nguồn gốc đất này là đất quốc phòng, ông Kình vẫn hứa hẹn nếu đòi được đất sẽ chia cho những người dân tham gia khiếu kiện. Đầu tháng 12/2019, ông Kình đưa cho Lê Đình Doanh 500.000 đồng để mua 10 con dao phóng lợn. Ngoài ra, ông Doanh đã làm thêm hơn 10 tuýp sắt để gắn dao phóng lợn".

'Man rợ, côn đồ, phải xử nghiêm'

Hôm thứ Sáu, báo Công luận cho biết thêm chi tiết cho rằng hành vi của nhóm tấn công là "man rợ, côn đồ" và được đề nghị 'xử nghiêm'.

"Kết luận điều tra nêu trong các cuộc họp ngày 6/1, 7/1 và 8/1/2020, ông Kình chỉ đạo : "Chỉ cần giết được 3 thằng là chúng nó chạy hết" ; "Nếu đất chưa làm rõ, kẻ nào mà nhảy vào cướp đất thì sẽ cho trắng lưng ngửa bụng".

"Rạng sáng 9/1, khi công an ngăn chặn, bắt giữ những người vi phạm đang ẩn nấp trong nhà ông Kình, ông Kình đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.

"Cũng theo kết luận điều tra, những người này nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm chết 3 chiến sĩ công an. "Đây là hành vi man rợ, có tính côn đồ, giết chết nhiều người cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật" - kết luận điều tra nêu.

"Cơ quan điều tra kết luận hành vi của ông Kình cấu thành tội "Giết người" nhưng do ông Kình đã chết vào rạng sáng hôm đó (ngày 9/1/2020) nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý", tờ báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam trích bản kết luận của Công an Hà Nội viết.

Cuộc bố ráp ở Đồng Tâm rạng sáng 9/1 gây đổ máu chết người đã là tâm điểm của thời sự Việt Nam trong suốt nhiều tháng đầu năm 2020 và là một chủ đề gây tranh cãi với quan điểm khác nhau, thậm chí chia rẽ trong công luận, dư luận ở Việt Nam.

Trong lúc báo chí, truyền thông chính thống của nhà nước và chính quyền, ngành công an khẳng định các quan điểm như trên, nhiều ý kiến trong giới quan sát, các nhà hoạt động lại giữ quan điểm khác, cảnh báo việc lạm dụng và sử dụng bạo lực trong giải quyết vụ kiện tranh chấp đất đai, dân sự.

Một số tổ chức về nhân quyền, đoàn ngoại giao ở quốc tế và khu vực đã lên tiếng quan ngại về mức độ bạo lực của vụ việc và kêu gọi nhà nước và chính quyền Việt Nam mở điều tra độc lập về vụ việc và mở đối thoại, thay vì sử dụng bạo lực như một giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 663 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)