Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/06/2020

Sau Covid-19 là gì ? Chưa có gì nhúc nhích vì Hà Nội vẫn còn say tự mãn

RFA tiếng Việt

Việt Nam thành công chặn dịch Covid-19 có giúp trở nên đất nước ‘mơ ước’ ? (RFA, 15/06/2020)

Báo trong nước ngày 13/6 dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, nhấn mạnh "Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước" khi cho hay dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam.

covi1

Người dân tại sân bay Đà Nẵng, Việt Nam ngày 23/2/2020. Reuters

Tính đến chiều ngày 15/6, Cơ quan chức năng Y tế của chính phủ Hà Nội cho biết trong 60 ngày qua không có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 nào trong cộng đồng, chỉ còn 11 bệnh nhân Covid-19, chưa có ca tử vong trên tổng số 333 trường hợp.

Phát biểu của ông Vũ Đức Đam nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các diễn đàn vào cuối tuần qua với nhiều ý kiến phản đối. Theo đó, nhiều người cho rằng phát biểu của Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus gây ra mang tính phiến diện.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn cá nhân, Bác sĩ Đinh Đức Long - Bác sĩ Trung tá quân đội lại cho rằng :

"Tôi không phải người ngoài nên tôi không biết có mơ ước gì không nhưng rõ ràng qua vụ Covid-19 thì Việt Nam là một trong những nơi an toàn chống lại dịch Covid-19 này. So với nhiều nước thì tỉ lệ người nhiễm bệnh ít hơn, đến nay chưa có số liệu chính thức nào xác nhận có người chết vì Covid-19, đấy là thực tế".

Đồng quan điểm cho rằng công tác phòng chống dịch bệnh do coronavirus gây ra đang được Việt Nam thực hiện tốt, Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Sơn hiện đang công tác tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn cho rằng cần phân tích câu nói của Phó Thủ tướng từ nhiều góc độ :

"Nếu đứng trên góc độ vụ dịch thì tôi cho rằng phát biểu này đúng vì thật ra nước nào cũng mong muốn được như Việt Nam không bị dịch lây lan nhiều. Tôi nghĩ bất cứ lãnh đạo nước nào hay người dân nào cũng đều mong muốn như thế để không bị đe dọa, không có người chết vì nhiễm dịch. Tất nhiên một người đứng ở cương vị cao như vậy thường thì người ta lại hay nghĩ đến những nghĩa khác không chỉ riêng về dịch. Nếu chỉ nhìn ở góc độ khác thì chắc Việt Nam chưa phải là niềm mơ ước của nhiều người lắm, có thể chỉ là mơ ước của một vài người nào đó thôi chứ không nhiều lắm".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự cho rằng dựa trên thực tế những gì Việt Nam đạt được khi phải đối chọi với dịch bệnh do SARS-CoV-2, phát biểu của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cần được hiểu đúng trong bối cảnh khi ông nói.

"Giả như ông ấy nói là tình hình chống Covid-19 nhiều nước mong ước như Việt Nam thì có cái lý của nó. Nhưng thực sự người ta trích câu ấy mà vứt ngữ cảnh đang báo cáo vấn đề Covid-19 chỉ để phê phán một câu đấy thì không được công bình cho lắm. Cách dùng từ của ông ấy không được khéo, đáng lẽ ông phải nói thêm một cái là về tình hình chống Covid-19 thì nhiều nước có thể mơ như Việt Nam. Đại loại nói như thế thì nó rõ hơn và không bị người ta chê trách. Còn trích một câu để phê phán hoặc ca ngợi mà bỏ qua ngữ cảnh thì không được fair (công bằng) cho lắm".

Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét, Việt Nam chỉ thực hiện giãn cách xã hội 3 tuần, trong khi đó lại là một nước sát biên giới với Trung Quốc và tình hình hệ thống y tế không được hiện đại thì thành tích chống Covid-19 của Việt Nam là rất tốt. Tuy nhiên ông cho rằng cái rất tốt này sẽ có cái giá của nó. Ông tiếp lời :

"Việc kiểm soát rất chặt chẽ người bị bệnh để điều trị đã là tốt rồi. Việc theo dõi những người có tiếp xúc từ F1 đến F2 thì họ làm rất hiệu quả vì họ dùng năng lực huy động của xã hội này. Xã hội này quen với chiến tranh, hệ thống chính trị của họ, chân rết của họ xuống tận làng xóm từ phụ nữ đến nông dân, cựu chiến binh và họ theo dõi rất chặt chẽ. Những người bị nhiễm, những người quen với người bị nhiễm, những người gặp gỡ, tất cả đều được đi cách ly hoặc phải ở nhà hoặc cách ly rất mạnh là đưa vào các doanh trại quân đội. Cách làm đó có thể bị coi là quá mạnh nhưng trong một mối nguy hiểm về bệnh dịch này thì biện pháp đó là tốt, không phải dở".

Ông Vũ Đức Đam khẳng định trong buổi trình Quốc hội ngày 13/5 rằng thành công trong việc chống dịch Covid-19 mà Việt Nam có được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ thầy thuốc, quân đội, công an, các lực lượng khác và đặc biệt "nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời".

Tiểu ban Điều trị Covid-19 thuộc Bộ Y tế Việt Nam thông báo bệnh nhân 91, phi công người Anh, đến ngày 15/6 đã ngưng toàn bộ kháng sinh, chỉ còn sử dụng một số thuốc kháng nấm. Chức năng phổi đã phục hồi 60%, và mỗi ngày được tập vật lý trị liệu 2 lần.

Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng những biện pháp phòng chống mà Việt Nam áp dụng đều phù hợp. Để tiếp tục giữ vững những thành quả chống dịch mà Việt Nam đã và đang thực hiện tốt trong thời gian qua, Bác sĩ Long cho rằng :

"Tôi nghĩ bây giờ theo dõi sát, nhất là tuy mở cửa lại nhưng việc hội nhập với thế giời và những nước khác phải cẩn thận vì bệnh dịch chủ yếu từ nước ngoài về. Theo tôi biết thì từ các nước có vùng dịch hoặc đi qua những nói có dịch về Việt Nam trong đó có du học sinh, Việt kiều hoặc người nước ngoài đến có mang theo mầm bệnh thì được cách ly. Còn trong nước hiện nay không phát hiện được ổ dịch nào, tôi nghĩ đây là điều tốt. Còn cách ly không tốt để phát tán ra cộng đồng rồi chạy theo nó để dập dịch thì rất khổ. Còn biện pháp chỉ có cách ly, theo dõi, dập dịch, đó là cách Việt Nam thường xuyên làm nhưng phải làm tốt chứ đừng chủ quan. Chủ quan là tái phát dịch rất nguy hiểm".

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân vào ngày 15/6 kêu gọi chính phủ Hà Nội xem xét công bố hết dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Cụ thể theo vị quan chức đang đứng đầu thành phố lớn nhất về kinh tế của Việt Nam thì chính phủ cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nền kinh tế là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, khi mà công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam được cho là thành công tính đến thời điểm hiện nay.

Theo Bác sĩ Võ Xuân Sơn, với công tác chống dịch SARS-CoV-2 rất thành công như bây giờ, Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định phải đối mặt :

"Hiện nay chúng ta ở Việt Nam đã ngăn chặn được dịch bùng phát và sự lây lan rất ít nhưng ngược lại mọi người không có miễn dịch cộng đồng. Nếu dịch này cứ dai dẳng kéo dài và chưa có vắc-xin thì cái đấy lại trở nên mối đe dọa đối với Việt Nam trong khi một số nước sau giai đoạn căng thẳng thì họ cũng có số lượng người miễn dịch khá lớn nên họ sẽ ít bị căng thẳng hơn. Với các nước phát triển như Anh, Mỹ, Ý, những nước đó với họ mặc dù thiệt hại kinh tế rất lớn nhưng nền tảng kinh tế của họ rất cao nên sự phá hủy, tổn hại về kinh tế gây ảnh hưởng lớn, nhưng không làm cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề về đời sống. Nhưng nếu Việt Nam thả ra như các nước kia để nhiễm nhiều từ đó tạo được miễn dịch cộng đồng tôi nghĩ chắc thiệt hại lớn hơn rất nhiều và sẽ để lại hậu quả rất nặng nề".

Do đó, Bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng từ giờ đến lúc có vắc-xin, lãnh đạo chính phủ Hà Nội phải thật cố gắng, không được chủ quan :

"Có một số biểu hiện của các lãnh đạo chúng ta cho thấy có vẻ bắt đầu hơi chủ quan và đánh giá về thành quả của mình hơi cao. Tôi sợ đến lúc nào đó để dịch bùng phát lên thì rất mệt !"

Nguồn : RFA, 15/06/2020

******************

Kêu gọi công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam (RFA, 15/06/2020)

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, kêu gọi chính phủ Hà Nội xem xét công bố hết dịch Covid-19 ở Việt Nam. Cụ thể, theo vị quan chức đảng đứng đầu thành phố lớn nhất về kinh tế của Việt Nam thì chính phủ cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nền kinh tế là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, khi mà công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam được cho là thành công tính đến thời điểm hiện nay.

covi2

Áp phích kêu gọi chống Covid-19 ở Hà Nội hôm 3/4/2020 - Reuters

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ; tuy nhiên chỉ có 17 nền kinh tế và vùng lãnh thổ quyết định đến 90% giá trị đầu tư nước ngoài, 80% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch Việt Nam.

Theo vị bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì từ tháng 5 đến tháng 8 sẽ có 10 trên 17 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc nhóm vừa nêu được nhận định sẽ không còn dịch Covid-19 với tiêu chí dưới 10 ngàn người đang điều trị trên 1 triệu dân. Mười nơi đó gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Hong Kong, Đức, Australia, Samoa, bán đảo Virginia của Anh.

Bảy nơi còn lại theo ông Nguyễn Thiện Nhân chưa đến giai đoạn an toàn gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Singapore, Hà Lan, Indonesia, Malaysia.

Cũng tin liên quan, Văn phòng Chính phủ Hà Nội được mạng báo Pháp Luật Online dẫn thông báo của Phó thủ tướng kiên Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng ý với đề nghị của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cho 331 lao động Trung Quốc vào Việt Nam. Số này được nói là những chuyên gia, lao động có tay nghề cao và nhà quản lý.

Về tình hình Covid-19 tại Việt Nam tính đến chiều ngày 15/6, Cơ quan chức năng Y tế của chính phủ Hà Nội cho biết trong 60 ngày qua không có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 nào trong cộng đồng, chỉ còn 11 bệnh nhân Covid-19, chưa có ca tử vong trên tổng số 333 trường hợp.

Tiểu Ban Điều Trị Covid-19 thuộc Bộ Y Tế Việt Nam thông báo bệnh nhân 91, phi công người Anh, đến ngày 15 tháng 6 đã ngưng toàn bộ kháng sinh, chỉ còn sử dụng một số thuốc kháng nấm. Chức năng phổi đã phục hồi 60%, và mỗi ngày được tập vật lý trị liệu 2 lần.

******************

Hô hào chống ô nhiễm môi trường "như chống giặc" và thực tế ! (RFA, 15/06/2020)

Kêu gọi của ông Bộ trưởng

"Chúng ta phải thực sự lấy môi trường làm mục tiêu phát triển. Quan điểm này được thể hiện trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi".

covi3

Thủ đô Hà Nội lập kỷ lục thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu ngày 13/12/19 và ngày 28/4/20. Hình chụp ngày 2/10/2019. Reuters

Đây là tuyên bố được nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, diễn ra vào ngày 15/6.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và môi trường cam kết trước Đại biểu quốc hội rằng Dự luật bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu thay đổi toàn diện để bảo vệ môi trường và đảm bảo thực hiện Hiến pháp. Ông Trần Hồng Hà khẳng định rằng "Đó là đảm bảo chất lượng và quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành". Ông Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường còn dẫn chứng kết quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam trên tinh thần "như chống giặc" đạt hiệu quả cao và do đó ông cũng kêu gọi một sự đoàn kết để chống ô nhiễm môi trường "như chống giặc".

Trông đợi tích cực từ Chính phủ

Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên về xử lý rác thải, có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà Thanh Nguyễn nhìn nhận phía cơ quan chức năng có những sự thay đổi tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường những năm vừa qua.

"Thật ra khoảng 2-3 năm gần đây, sau những sự cố như Vedan hay Formosa… thì cảnh sát môi trường và các sở tài nguyên-môi trường cũng siết chặt hơn và ở mỗi tỉnh đều có các trạm xử lý rác công nghiệp để xử lý rác thải công nghiệp. Đồng thời, các ban quản lý của các khu công nghiệp cũng có những trạm thu gom và xử lý nước thải công nghiệp".

Bên cạnh đó, bà Thanh Nguyễn cũng xác nhận về ý thức của doanh nghiệp cùng người dân trong khía cạnh bảo vệ môi trường.

"Đa số doanh nghiệp có suy nghĩ về việc thải rác ra môi trường đúng là có tiến bộ hơn rất nhiều. Tại vì qua thực tế thì trước đây khi bắt đầu hoạt động doanh nghiệp hồi năm 2008 thì tôi nói chuyện với 10-20 người thì chỉ ½ người chịu nghe mình nói thôi và xong rồi thì họ cũng cho qua, vì chưa có ai, chưa có chế tài kiểm tra nhiều. Còn những năm gần đây đa số những khách hàng tự tìm đến công ty của tôi để tìm hiểu về các giải pháp xử lý rác. Có nghĩa rằng họ cũng cảm thấy có ý thức về xử lý rác được tốt hơn. Bản thân các doanh nghiệp nước ngoài họ cũng bị tuân thủ từ công ty mẹ ở nước ngoài, là ở nước sở tại đã làm tốt về môi trường chưa để đừng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty. Ví dụ như Unilever chẳng hạn, một doanh nghiệp thải ra rất nhiều rác thải nhựa, họ cũng ý thức được nếu họ làm điều gì mà không tốt về môi trường thì sản phẩm của họ không được tiêu thụ tốt trên thị trường và khó bán hàng. Bởi vì người dân cũng chấm điểm sản phẩm (rating) do họ đã nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường".

Chủ doanh nghiệp doanh tư nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường, bà Thanh Nguyễn bày tỏ đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà rằng ô nhiễm môi trường "là một kẻ thù" tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những biện pháp, giải pháp xử lý về ô nhiễm môi trường còn tồn đọng rất nhiều cũng như các cơ quan chức năng không đồng bộ. Bà Thanh Nguyễn chia sẻ một số người dân được công ty của bà hỗ trợ về chương trình do Chính phủ phát động phân loại rác thải sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, xe đổ rác đến và nhân viên vệ sinh lại đổ dồn vào chung lẫn lộn. Điều này khiến cho dân chúng cảm thấy bất mãn. Hay như, các doanh nghiệp chuyên về xử lý rác khi nhập trang thiết bị hiện đại từ những quốc gia tiên tiến thì Việt Nam chưa có những quy định chuyên môn trong luật pháp đủ để đánh giá những trang thiết bị đó. Vì thế, các doanh nghiệp cũng gặp không ít rắc rối và trở ngại…

Trong khi đó, giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo về tác hại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhiệt điện than hay sản xuất thép của Formosa Hà Tĩnh, đồng thời kêu gọi Chính phủ xem xét, cân nhắc hết sức thận trọng nhưng không được lắng nghe.

Chưa kể đến hàng trăm người dân Việt Nam bị ảnh hưởng và tác động đến môi trường sống bởi các dự án nêu trên, không những về sức khỏe, mà còn nhiều hệ lụy khác do việc thu hồi đất đai cho các dự án lớn như thế.

covi4

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà tại phiên họp của Quốc hội ngày 15/6/2020. Courtesy : VGP News

Không có hy vọng nào ?

Facebooker Phạm Minh Vũ, vào hôm 12/6, khẳng khái cho rằng chính Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp tay cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam thì làm sao kêu gọi người dân chống gây ô nhiễm môi trường được hiệu quả ? Anh Phạm Minh Vũ trưng dẫn các hội thảo khoa học thảo luận về tác hại của tro xỉ được tổ chức và công bố rộng rãi. Mặc dù vậy, Bộ Tài nguyên và môi trường tuyên bố rằng tro xỉ không gây tác hại đến môi trường.

Nhà báo độc lập Đỗ Cao Cường, một người thực hiện các phóng sự về doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sống ở một số các địa phương. Thế nhưng, anh Đỗ Cao Cường không những bị phía doanh nghiệp mà còn bị cả giới chức chính quyền địa phương đe dọa đến mạng sống của anh nếu tiếp tục phổ biến những thông tin này.

Trước lời kêu gọi của Bộ trưởng Trần Hồng Hà hãy đoàn kết để chống ô nhiễm môi trường "như chống giặc", Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, từ Hà Nội qua làn sóng RFA thúc giục ông Trần Hồng Hà đến tận địa phương để có thể tận mắt chứng kiến chính quyền địa phương lẫn đảng bộ, lẫn các tổ chức chính trị sẵn sàng làm ô nhiễm môi trường như thế nào.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng những lời tuyên bố của người đứng đầu Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà tại Quốc hội không có giá trị thực tiễn :

"Tôi không bao giờ nghe ông Trần Hồng Hà nói cả. Bởi vì cống nước xả thối ra đấy, ông có làm được đâu ? Rác ở Hà Nội đấy, UBND TP. Hà Nội họp mãi có xử lý được rác đâu ? Đầu phố nhà tôi vứt rác đấy, mỗi lần gió bay thì bụi mù cả lên, xe ô tô đứng tắt đường, ngửi thối không chịu được. Cái chuyện cỏn con ông còn chả làm được, mà đứng trước Quốc hội nói lung tung, nói mất thì giờ, tốn tiền tivi, tốn giờ họp Quốc hội. Ở đây ông nên nói câu khác đi. Trình độ ông không làm nỗi một cái ngỏ sạch, một dòng sông sạch. Ông cứ ở trên Sao Hỏa mà nói !"

Nhà khoa học Nguyễn Văn Khải khẳng định Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dù được thay đổi như thế nào mà người dân không có quyền của họ trong bảo vệ môi trường sống của chính họ thì không mang một ý nghĩa gì.

"Bây giờ mấy đứa đứng trước cửa nhà tôi, chúng vứt cái hộp sữa, chúng vứt cái lon Lavie thì tôi có quyền mắng chúng không ? Một ngôi nhà khác xây nhà và họ đổ đất ra đường, tôi có phạt được họ không ? Cơ sở sản xuất thải nước thải bẩn xuống sông Tô Lịch, tôi có quyền cấm không ? Khi người dân không có quyền thì không làm được gì cả. Cho nên cái gọi là Luật bảo vệ môi trường thì cũng chẳng ai thèm nghe".

Đài RFA trao đổi với một số người dân ở khắp Việt Nam và được họ cho biết họ chỉ nhìn thấy được bổn phận của người dân sắp tới phải đóng thêm nhiều loại thuế, phí như phí rác thải sinh hoạt tính theo kg, phí khí thải, phí chống ngập…mà không biết khi nào môi trường mới được cải thiện. Ông Hoàng Lê Thanh, một cư dân ở Đà Nẵng nói với chúng tôi :

"Tôi nghĩ rằng chính quyền gọi là cũng như bóc lột tận cùng. Cái gì cũng tiền của dân hết. Chính quyền chỉ mị dân thôi, chứ họ không làm được gì đâu".

Hồi tháng 11/2019, báo cáo của AirVisual xếp Việt Nam vị trí thứ 17 trong danh sách những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới.

Nguồn : RFA, 15/06/2020

*******************

‘Không thể đặt ngôn ngữ trong khuôn khổ của pháp luật’ (RFA, 15/06/2020)

‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ của Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nộị bị phát hiện mắc những lỗi sai chính tả nghiêm trọng. Phát hiện như thế gây ‘sốc’ công chúng tuần qua. Dù đã được thu hồi vào ngày 12/6/2020, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng qua sự việc này, Việt Nam cần xây dựng ‘Luật tiếng Việt’.

covi5

Ảnh minh họa : Hình bìa sách ‘Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt với học sinh Trung học phổ thông hiện nay’ của hai cô giáo Đào Thị Dần và Ngô Thị Hương Thơm, ở Hưng Yên. Nguồn : Tác giả

Nhà nghiên cứu về ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công, khi trả lời báo chí trong nước cho rằng, nên ban hành ‘Luật tiếng Việt’ cũng như có quy định chặt chẽ hơn trong Luật xuất bản để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam khi trả lời truyền thông quốc nội cũng cho biết, Hiến pháp 2013 đã khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Theo ông, Việt Nam sẽ có luật tiếng Việt trong thời gian tới. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận, quy trình để có luật không hề đơn giản. Ngoài ra, nếu không có một bộ luật tiếng Việt đủ trọng lượng, thì những vướng mắc thời gian qua cũng không thể giải quyết được.

Hiện tượng ngôn ngữ không thể giải quyết bằng luật

Trao đổi với Đài Châu Á Tự Do hôm 15 tháng 6 năn 2020 liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, cho biết ý kiến của mình :

"Vấn đề là luật đó nói cái gì ? Không bao giờ những hiện tượng ngôn ngữ mà có thể giải quyết bằng một bộ luật cả. Cái đó là thực tiễn trên toàn thế giới, chứ không phải riêng Việt Nam. Luật là chỉ giải quyết một số vấn đề thôi, ví dụ hiến pháp đã quy định tiếng chính thức của Việt Nam là tiếng Việt, đúng... cái đó phải đưa vào luật. Cái đó rất quan trọng, nếu tôi làm cái đơn tôi gởi nhà nước, thì tôi dùng tiếng Việt, chứ tôi dùng tiếng Anh thì không được, ví dụ như thế...

Tuy nhiên ông cho rằng, có những chuyện luật chưa đề cập, chẳng hạn như chữ viết như thế nào, địa vị chữ quốc ngữ như thế nào, thì họ chưa đưa vào luật... Ông nói tiếp :

"Nhiều vấn đề khác liên quan đến ngôn ngữ, có thể có tranh chấp, chia rẽ, chẳng hạn như tiếng của các dân tộc ít người ở Việt Nam, thì địa vị như thế nào, thì tất cả những cái đó đáng đưa vào luật cả. Cũng có một số có luật rồi, tuy nhiên những luật đó không ở cấp cao. Tuy nhiên không hy vọng có thể giải quyết được toàn bộ. Tôi nghĩ các nhà ngôn ngữ học khi họ nói cần một bộ luật cho tiếng Việt, họ cũng ý thức được chuyện đó, họ cũng ý thức luật chỉ giải quyết được một số trường hợp".

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, ngay cả khi có luật tiếng Việt cũng không thể quy định từng trường hợp sử dụng cụ thể của tiếng Việt, mà chỉ có thể nêu ra những quy định chung, trong đó có những quy định chung về chuẩn chính tả. Theo ông, trong tiếng nói và chữ viết, bên cạnh cái chung bắt buộc phải theo cũng có những cái mang tính cá nhân.

Đài Châu Á Tự Do hôm 15 tháng 6 năn 2020 liên lạc, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, tuy nhiên ông từ chối trả lời :

"Phỏng vấn cái gì... chứ cái đó bây giờ mình đang ở trong tình thế... mình... mình không trả lời được đâu nhé... Xin thông cảm cho mình nhé... cảm ơn".

covi6

‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên được Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành hồi năm 2017. RFA Edited

‘Từ điển chính tả tiếng Việt’ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành hồi năm 2017. Nhưng sau 3 năm xuất bản đã bị thu hồi vì bị dư luận phản ứng khi là một quyển từ điển về chính tả nhưng lại bị sai chính tả.

Giáo sư Hoàng Xuân Quảng, Hiệu phó Đại học An Giang, khi trả lời Đài Châu Á Tự Do, nhận định :

"Đúng là bây giờ tình trạng mỗi người tiếp nhận vấn đề mỗi cách khác nhau, nhưng đúng là rối. Nền giáo dục rối. Nó chắp nối những vấn đề không liên quan đến nhau mà thành ra chuyện. Chẳng hạn như chuyện cải cách chữ tiếng Việt như ông Bùi Hiền ráp nối cách đánh vần của ông Hồ Ngọc Đại".

Trước đó, nhiều vấn đề liên quan đến tiếng Việt cũng gây nhiều tranh cãi, mỗi nơi mỗi kiểu như đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền đưa ra gần đây gây nên tranh cãi trong công chúng.

Theo ông Bùi Hiền, một trong những lý do cho đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt từ 38 chữ cái xuống còn 31 chữ, là để "tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính"...

Hay như trướng hợp Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại khiến dư luận hoang mang khi tài liệu Sách tiếng Việt lớp 1 có giới thiệu các ô vuông, hình tròn tượng trưng cho mỗi tiếng, được đem ra phân tích cho rằng gây nhiều nhầm lẫn.

Qua những trường hợp vừa nêu, tuy không thể áp dụng vào luật, nhưng liệu có cần xây dựng một hướng dẫn tiêu chuẩn cho tiếng Việt ? Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định :

"Chuyện này phải tách ra làm hai vấn đề. Chuyện tròn vuông, rồi dạy theo kiểu thực nghiệm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, là một câu chuyện học thuật, không bao giờ nhà nước xen vào chuyện ấy, chuyện học thuật thì nhà nước không liên quan, đó là giới học thuật nói chuyện với nhau..".

Còn về việc xây dựng một tiêu chuẩn cho chính tả thì theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhiều nước đã làm, nhưng Việt Nam chỉ có một số văn bản, giới hạn trong một Bộ nào đó của chính phủ. Ví dụ như Bộ Nội Vụ họ có một văn bản về chính tả, để phục vụ cho các công văn giấy tờ. Ông nói tiếp :

"Họ có quy định đó, nhưng trong những quy định đó, họ không giải quyết được tất cả các trường hợp chính tả. Vì họ chỉ quy định viết hoa đối với địa danh, nhân danh... thì viết như thế nào, họ chỉ quy định chính tả liên quan những cái như thế. Chứ không phải tất cả các từ ngữ mà có vấn đề chính tả thì Bộ Nội Vụ quy định, mà có lẽ cũng không nên quy định. Cái đó là chuyện của giới tự điển họ làm. Gần đây xảy ra những việc liên quan chính tả, chẳng qua do họ làm ẩu thôi, chứ còn không có bao nhiêu vấn đề học thuật ở đây".

Còn Giáo sư Hồ Ngọc Đại, khi trả lời Đài Châu Á Tự Do trước đây, cho rằng :

"Bản thân tôi có ý của tôi, tôi có phương châm của tôi, tôi tồn tại mấy chục năm rồi, tôi độc lập với họ… Tôi không biết, cái đấy là việc của nhà nước, nhà nước phải xử lý. Đó là một vấn đề về xã hội, tôi không quyết định được. Trong xã hội này nó có nhiều xu hướng, nhiều nhu cầu, nhiều lợi ích, cái đó thì tôi không can thiệp. Mỗi người sống có lý tưởng và mục đích của mình, tuỳ họ chọn lựa".

Trở lại với việc xây dựng ‘Luật tiếng Việt’, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, ngôn ngữ là vấn đề của giới nghiên cứu, vấn đề thuyết phục công chúng, mà theo ông việc thuyết phục là quan trọng hơn, vì ngôn ngữ nó có cái riêng của nó, không thể đặt ngôn ngữ trong khuôn khổ của pháp luật được.

Nguồn : RFA, 15/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 595 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)