Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/06/2020

Danh mục tối mật, phát biểu ‘chướng tai', cáp quang biển, đường sắt Hà Nội

RFA tồng hợp

Đưa thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục tối mật có giúp xóa bỏ tham nhũng ? (RFA, 19/06/2020)

Bà Phan Thị Hồng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp, khi được hỏi tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng ngày 19/6 về việc vì sao Bộ Tư pháp lại đưa số liệu thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục tối mật, cho biết dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.

thuhoi1

Vì sao Bộ Tư pháp lại đưa số liệu thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục tối mật ?

Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ký công văn góp ý dự thảo quyết định danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp gửi các bộ, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành.

Công văn vừa nêu có đề cập đến việc bổ sung các báo cáo, số liệu liên quan đến việc thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật.

Trao đổi với RFA vào tối 19/6, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho rằng việc bổ sung tài sản tham nhũng được thu hồi vào danh mục tối mật là điều dễ hiểu. Ông giải thích :

"Vì chỉ có quan chức mới tham nhũng mà quan chức phải là đảng viên đảng cộng sản nên nếu công khai cái đấy sẽ làm cho dân mất tin tưởng nên người ta mới phải đưa vào danh sách tối mật. Nhưng đưa vào danh sách tối mật lại chứng tỏ không minh bạch gì cả nên thật sự họ rất khó xử, chỉ có cách duy nhất nếu họ muốn làm thật thì phải công khai hết tài sản thu hồi. Phải nêu gương phơi ra ánh sáng thì nó mới chừa, nhưng đấy lại là một tình huống trớ trêu chứng tỏ họ tìm cách nói chống tham nhũng nhưng mỗi chuyện đưa tài sản thu hồi coi như bí mật đã chứng tỏ không muốn thật lòng chống tham nhũng".

Cùng quan điểm vừa nêu của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động Trần Bang tại Sài Gòn cũng cho rằng dự thảo này đang thể hiện sự giả dối trong kêu gọi chống tham nhũng của chính quyền Hà Nội. Ông lập luận :

"Cái đấy chỉ dung túng tham nhũng và dung túng cơ quan điều tra. Điều tra 10 tỉ rồi giấu đi sao biết được, có khi lại rơi vào tay cơ quan điều tra. Đây là việc để đấu đá phe nhóm, có khi lấy từ ông A chia cho ông B vì có biết đưa tài sản tham nhũng trả về ngân sách nhà nước, trả về cho dân không thì dân không biết. Chẳng qua toán cướp này đủ quyền lực cướp của toán cướp kia rồi lại giấu đi. Rõ ràng đây là luật vớ vẩn và bất công".

Dưới góc nhìn chuyên môn, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng tại Hà Nội cho rằng có thể nội dung cung cấp trong buổi họp báo chưa đầy đủ nên dẫn đến hiểu lầm, đồng thời cho biết thêm độ mật được phân ra nhiều loại :

"Thứ nhất độ mật trong lúc đang thu hồi, đang mở cuộc điều tra thì người ta phải bảo đảm mật hóa đó, còn khi thu hồi xong ví dụ như xử lý một vụ án, một hoạt động thanh tra chắc chắn thì người ta phải công khai, minh bạch bằng Luật Cung cấp thông tin. Mình nghĩ quyết định đấy của Bộ Tư pháp chỉ hạn chế đưa vào danh mục mật ở giai đoạn đang mở điều tra, khởi tố điều tra hoặc truy tố xét xử, thanh tra thôi. Vì nếu công khai những số liệu đó ra thì có thể người tham nhũng biết được thông tin đó để người ta tẩu tán tài sản hoặc cản trở hoạt động thanh kiểm tra. Còn phải căn cứ theo Luật cung cấp thông tin, theo tính dân chủ thì quan điểm của mình là quyết định của Bộ Tư pháp chỉ trong một giai đoạn nào thôi chứ không thể mật hóa toàn diện được".

Vẫn theo lời bà Phan Thị Hồng Hà trong buổi họp báo ngày 19/6, nội dung thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc danh mục bí mật Nhà nước đã căn cứ trên quy định của luật để đưa vào.

thuhoi2

Cán bộ công chức đang làm việc. Courtesy Dan Tri

Bên cạnh đó, đây chỉ đang là dự thảo để xin ý kiến các cơ quan, đơn vị để có cái nhìn đầy đủ hơn trước khi có sự rà soát và ban hành chính thức.

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm trong công cuộc chống tham nhũng qua chiến dịch ‘đốt lò’ được ông lần đầu nhắc đến trong phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hà Nội vào ngày 31/7/2017.

Nhiều quan chức Việt Nam các cấp từ trung ương đến địa phương thời gian gần đây phải ra tòa vì tham nhũng, vì sai phạm nghiêm trọng trong công tác. Có người bị kết án chung thân, có người bị án tù hàng chục năm.

Hàng loạt các phiên xử những quan chức cấp cao đã diễn ra và được báo chí thông tin rộng rãi đến công chúng nhưng dường như những phiên đại án tham nhũng vẫn không xóa được nạn này.

Do đó, với tư cách công dân, nhà hoạt động Trần Bang đưa ra đề nghị :

"Để chống được tham nhũng thì phải minh bạch toàn bộ tài sản quan chức từ cấp sở trở lên, vụ phó, vụ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng trở lên phải minh bạch tài sản thì mới được bổ nhiệm chức vụ. Để sau khi được bổ nhiệm nguời ta so sánh tài sản trước và sau khi bổ nhiệm, trước lúc ứng cử và sau khi ứng cử chênh lệch thế nào, có phản ánh đúng thu nhập bằng lương của ông không hay bằng các tài sản đã có của gia dình nhà ông sinh sôi nảy nở hay ông dùng quyền lực để tham nhũng. Tức phải minh bạch toàn bộ tài sản cán bộ thì mới chống tham nhũng, còn giấu diếm, không minh bạch tài sản cho dân biết thì chỉ là chống tham nhũng giả vờ".

Còn theo Luật sư Hoàng Văn Hướng lại cho rằng luật chống tham nhũng thì trong những năm gần đây, cả từ chỉ đạo của nhà nước, chính phủ rồi của Ban phòng chống tham nhũng rất quyết liệt, thậm chí được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật từ Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật Công vụ, tất cả được đưa vào rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, Luật sư Hướng cũng nhận định rằng để đảm bảo được kết quả như mong muốn của xã hội, toàn dân thì theo ông vẫn còn những hạn chế nhất định với nhiều lý do :

"Một phần quyết liệt rồi nhưng hệ thống pháp luật vẫn chưa hoàn thiện được về Luật Phòng chống tham nhũng. Thứ hai nếu cần nói thì quan trọng nhất là tính minh bạch hóa. Thứ ba là giám sát và phản biện của lực lượng xã hội là lực lượng dân chủ, nhân dân phải thực hiện theo nguyên tắc là dân biết, rồi các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội phải biết được việc đó để giám sát thực hiện để đảm bảo tính khách quan và tính minh bạch. Đôi khi có những lực lượng mở cuộc điều tra hay thanh tra đôi khi còn lý do này khác có thể hạn chế về nguồn luật, hạn chế về năng lực thực hiện hay vì lý do nào đó kể cả không loại trừ vấn đề có thể tiêu cực ngay trong phòng chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả".

Tiến sĩ Nguyên Quang A khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chống tham nhũng. Ông cho rằng nếu chính phủ Hà Nội chỉ cần dân chủ, minh bạch, pháp luật nghiêm minh, gắn với quản trị tốt có thể chống tham nhũng được. Dù vậy, ông vẫn hoài nghi rằng liệu những nhà lãnh đạo Việt Nam có thật sự muốn chống tham nhũng hay không khi luôn hô hào kêu gọi chống tham nhũng nhưng mặt khác lại quyết định để tài sản tham nhũng được thu hồi vào danh sách tối mật !

*******************

Thêm những phát biểu ‘chướng tai' của lãnh đạo ! (RFA, 19/06/2020)

Mới nhất là vào ngày 15/6/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi giải trình trách nhiệm trong điều hành xuất khẩu gạo thời gian vừa qua cho rằng, việc mở tờ khai xuất khẩu gạo vào ban đêm không có gì xa lạ vì hệ thống hải quan điện tử hoạt động liên tục 24 giờ.

thuhoi3

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng : Việc mở tờ khai xuất khẩu gạo vào ban đêm, không thông báo trước, không có gì xa lạ. RFA Edited

Ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc chuyên ngành hàng lúa gạo Công ty xuất nhập khẩu Dung Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nói về sự không bình thường của việc mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm :

"Khi thông quan và mở hải quan lúc giữa khuya từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng, những doanh nghiệp biết trước tin này thì vô mở tờ khai hải quan được, còn những doanh nghiệp không biết thì không thể đăng ký được hạn ngạnh xuất khẩu. Mở thủ tục xuất khẩu gạo bây giờ đều khai báo trên hệ thống online hết. Nhưng trong đêm đó, một trăm mấy chục, gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo ít ai biết thông tin này, chỉ có những người có thông tin trong hải quan rò rỉ ra, họ mới biết rồi họ truyền tai nhau, thì mới thực hiện được thôi".

Trước đó vào tháng 4 năm 2020, khi dịch covid-19 bùng phát làm giá gạo thế giới tăng là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo. Thì việc điều hành xuất khẩu gạo của các bộ ngành thiếu tính đồng bộ, lúng túng, như việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động vào lúc 0 giờ cho doanh nghiệp mở tờ khai, gây làn sóng phản đối mạnh mẽ, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó phải chỉ đạo tiến hành thanh tra trước nghi vấn tiêu cực.

Hay vào ngày 16 tháng 6 năm 2020, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà khi phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng cho rằng, trong bối cảnh giá nhà đô thị đắt đỏ, người nghèo khó tiếp cận với nhà ở xã hội... thì nên thuê nhà.

Câu nói nghe có vẻ bình thường hiển nhiên, không có gì đáng bàn cãi. tuy nhiên với một vị quan chức quản lý nhà... thì có lẽ nên đưa ra giải pháp tốt hơn để giúp dân nghèo có thể tiếp cận nhà xã hội.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS đã tự giải thể, nói :

"Tôi nghĩ đó là căn bệnh lâu lắm rồi chứ không phải mới gần đây, từ trước đến nay chuyên là như vậy, bởi vì một chính sách mị dân bao giờ nó cũng chỉ nói 1/3 sự thật, một nửa sự thật, còn cái phần gì tốt cho cho họ thì họ rống lên. Căn bệnh này không chỉ có những người cộng sản Việt Nam có căn bệnh thế, mà là căn bệnh nói chung của rất nhiều chính trị gia. Chuyện đó thì nó cổ lắm rồi, chỉ có cái là bây giờ có mạng xã hội, có nhiều tiếng nói, và tất cả những kiểu ăn nói như thế thì bị người dân vạch ra ngay".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 21 tháng 4 chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá cả, đã yêu cầu bình ổn giá gạo, giảm giá điện-nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt heo về mức xấp xỉ 60 ngàn đồng/kg.

thuhoi4

Quầy bán thịt heo trong một chợ ở Hà Nội. Reuters

Tuy nhiên hai tháng sau, giá thịt heo vẫn không hề giảm.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam tại phiên thảo luận Quốc hội chiều ngày 13 tháng 6 năm 2020, khi giải trình về vấn đề giá thịt lợn tăng cao đã nói : "Người dân không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn" mà cần san sẻ rổ thực phẩm ra với thịt gà, bò, trứng…

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính khi trả lời Đài Á Châu Tự Do lúc đó cho rằng, đáng lý với cách nói đúng thì ông Cường phải đưa ra rất nhiều giải pháp, đồng thời một trong những khuyến cáo, thì có thể chuyển cơ cấu bữa ăn sang thực phẩm khác. Nhưng ông Cường lại bảo nếu đắt thì chuyển ăn thứ khác, với tính chất gần như áp đặt, võ đoán, coi như không tìm giải pháp thỏa đáng, thích hợp.

Không chỉ phát biểu trốn tránh trách nhiệm, các quan chức ngày nay còn tuyên truyền, nịnh nọt công khai một cách trắng trợn, không cần biết người dân sẽ nghĩ gì ?

Đơn cử như nhận định của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên, khi phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương hôm 27 tháng 5 năm 2020. Ông cho rằng :

"Một số đồng chí được xem là trường hợp quá tuổi, đã thể hiện rất xuất sắc trong công việc, đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhận định :

"Việc lãnh đạo nói một câu vô nghĩa lý thì nước nào cũng có, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Vấn đề ở Việt Nam là những người đó cứ tiếp tục làm việc coi như không có gì xảy ra. Cái đó cho thấy quyền lực của người dân thể hiện qua lá phiếu không có nghĩa gì cả. Thử tưởng tượng ở một xã hội phù hợp, một lãnh đạo nói năng nhăn cuội, thì chắc chắn rằng nhiệm kỳ sau họ phải đi chỗ khác chơi, vì làm sao có phiếu để làm lãnh đạo, vấn đề đặt ra ở chỗ đó. Ngay cả ở những nước tiên tiến, cũng có nhiều ông ăn nói kiểu trời ơi, nhưng trước hay sau gì những người đó cũng phải đi chỗ khác, để nhường chỗ cho người xứng đáng hơn. Ở Việt Nam không có cái đó, đảng cử dân bầu không có nghĩa gì cả".

Tương tự, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, đã nói ‘Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước’ khi cho hay dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam.

Dù Việt Nam chống dịch Covid-19 được cho là thành công. Tuy nhiên phát biểu của ông Vũ Đức Đam sau đó đã nhận được nhiều ý kiến phản đối. Nhiều người cho rằng phát biểu của ông Đam mang tính phiến diện.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định thêm :

"Từ một thời xa xưa, toàn bộ đài phát thanh, truyền hình, báo nằm trong tay họ, tức họ độc quyền hết, dân không thể kiểm tra, họ nói thế nào thì nghe như vậy. Còn bây giờ khác, có nhiều tiếng nói, người ta vạch ra sự thật được thổi phồng ấy, thì người dân hiểu rõ được nột chút. Tất nhiên người ở nông thôn, họ ít sử dụng internet và mạng xã hội, kiểu tuyên truyền ấy vẫn có tác dụng nhất định. Nhưng nó cũng có hai ba mặt, chứ không chỉ phía những người lãnh đạo. Kể cả những người phản đối nhiều khi cũng sa vào cái bệnh của những lãnh đạo đó. Ví dụ nhưng bây giờ người dân nông thôn coi Youtube nhiều, thì có những cái kênh cũng bị cái bệnh như vậy. Kể cả nói hay và nói xấu đều bị cái bệnh như vậy, tức là chỉ nói một mặt thôi, nói một khía cạnh thôi. Tóm lại, tất cả cái đấy là đều dở cả".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nói như những phát biểu trốn tránh trách nhiệm của quan chức Việt Nam gần đây, cho thấy họ không đủ năng lực trí tuệ để làm việc. Nhưng ông cho rằng, người dân không làm gì được, dân không thể truất phế họ. Theo ông, nếu lá phiếu của người dân là một lá phiếu trong xã hội dân chủ, thì chỉ cần lãnh đạo nói năng nhăng cuội như thế vài lần, thì lần sau dân sẽ không bầu nữa, đó chính là vấn đề cần quan tâm.

********************

Viettel đầu tư xây dựng tuyến cáp quang biển ADC (RFA, 19/06/2020)

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chính thức tham gia đầu tư xây dựng tuyến cáp quang biển Asia Direct Cable (ADC), là tuyến cáp quang truyền tải dữ liệu lớn tốc độ cao giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

thuhoi5

Cáp quang được triển lãm tại Pháp hôm 8/2/2013. AFP

Truyền thông trong nước, vào ngày 19/6 dẫn lời ông ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho biết ADC là dự án cáp quảng biển thứ năm do Viettel đầu tư trong những năm vừa qua. Tuyến cáp quang ADC này, sau khi hoàn thành vào quý IV-2022, sẽ trở thành tuyến cáp quang biển có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp ba lần cáp APG hiện nay và sẽ kết nối Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Viettel sẽ xây dựng Trạm cập bờ (CLS) tuyến cáp quang biển ADC tại Quy Nhơn. Viettel là thành viên Việt Nam duy nhất đầu tư vào tuyến cáp quang biển ADC này và trạm cập bờ tại Quy Nhơn cũng sẽ là trạm cáp biển thứ 3 mà Viettel sở hữu độc quyền.

Đại diện của Viettel, ông Đoàn Đại Phong nói rằng "Tuyến cáp quang biển ADC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số khi đáp ứng được nhu cầu truyền tải dữ liệu ngày càng tăng cao cũng như thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên tiến".

Bốn tuyến cáp quan mà Viettel đã đầu tư xây dựng bào gồm : AAE-1 (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), TGN-IA (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), APG (Trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng) và AAG (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu).

********************

Chủ tịch Hà Nội lý giải việc đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa thể hoạt động (RFA, 19/06/2020)

Chủ tịch Hà Nội lý giải việc đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa thể hoạt động

thuhoi6

Đường sắt Cát Linh Hà Đông - AFP

Chủ tịch Thủ đô Hà Nội Nguyễn Đức Chung sáng ngày 19/6 có buổi tiếp xúc cử tri thành phố này và lý giải việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục thất hẹn đưa vào hoạt động.

Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết việc nhiều người dân quan tâm là vì phía tổng thầu Trung Quốc đòi thêm 50 triệu USD để hoàn thành nghiệm thu công trình, trả công cho chuyên gia, đơn vị tư vấn.

Chủ tịch thành phố Hà Nội cho rằng kinh phí 50 triệu USD đó nằm trong dự toán của gói thầu, nhưng trong quá trình thi công, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm soát và xuất toán nên Bộ Giao thông - Vận tải đã không thanh toán cho nhà thầu.

Chủ tịch Hà Nội thừa nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục trễ hẹn dù đã được khởi công từ năm 2008 và đến nay đã là 12 năm. Ngoài ra, ông Chung cũng thừa nhận việc Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải phải thực hiện xong dự án này trong năm 2020.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết hiện nay thành phố Hà Nội đã hoàn tất các công việc được giao và đã sẵn sàng tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt từ phía nhà thầu Trung Quốc.

Chủ tịch Hà Nội cũng nói một trong những mối quan tâm hàng đầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khi về nhận nhiệm vụ tại Thủ đô là làm sao sớm đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành.

Bí thư Hà Nội được nói đã họp với Bộ Giao thông Vận tải và chỉ đạo thành lập tổ công tác để cùng nhà thầu Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là mối quan tâm của nhiều người vì đã hàng chục lần hoãn thi công, hoãn đưa vào sử dụng, và đặc biệt là đội vốn thi công hàng trăm triệu USD.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 712 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)