Bốn công ty bất động sản có dự án ở Bình Dương bị Bộ Công an điều tra (RFA, 29/06/2020)
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an, vừa yêu cầu tỉnh Bình Dương cung cấp tài liệu để điều tra về 17 dự án bất động sản, do 4 công ty đang thực hiện tại tỉnh này.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 29/6.
Một dự án bất động sản ở tỉnh Bình Dương. Courtesy mt.gov.vn
Cụ thể theo UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Công an đề nghị cơ quan này cung cấp tài liệu để để điều tra sai phạm liên quan đến việc phân lô bán nền và thực hiện các dự án bất động sản của 4 công ty gồm : Công ty Bất động sản Phú Hồng Thịnh ; Công ty Quản lý Đầu tư phát triển đô thị Việt Nam ; Công ty Cổ phần Phú Gia Khiêm Land ; Công ty Thương mại dịch vụ Bất động sản Phú Phong.
Liên quan đến Kết luận kiểm tra số 250 ngày 13/11/2014 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phân lô bán nền trên địa bàn thành phố Thuận An, Bộ công an cũng yêu cầu tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ để phục vụ công tác xác minh.
Trả lời báo chí cùng ngày, ông Võ Văn Lượng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, cho biết : UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở : Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư... cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện 17 dự án bất động sản của 4 công ty nói trên, cho Bộ công an.
*************************
Liệu tướng Quân đội đã nghỉ trong năm đầu không được mở công ty có thể hạn chế tham nhũng ? (RFA, 29/06/2020)
Báo trong nước cuối tuần qua loan tin cho biết Bộ Quốc phòng Việt Nam hiện đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư nhằm triển khai Nghị định 59 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Phòng, chống tham nhũng.
Các vị tướng, tá quân đội nhân dân Việt Nam trong một buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. AFP
Cụ thể, trong thời gian 12 tháng kể từ khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn trong các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Dự thảo cũng quy định người thôi giữ chức vụ bao gồm người có chức vụ, quyền hạn về một trong các lĩnh vực quy định chế độ thôi việc, kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Dưới góc nhìn kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét về dự thảo này như sau :
"Tôi nghĩ rằng đây là một trong những biện pháp đề phòng và phòng ngừa để tránh những người nắm giữ các vị trí rồi khi thôi việc tiếp tục kinh doanh có liên quan đến công việc của ông ta. Việc không được làm cái đó trong 12 tháng theo tôi là có tiến bộ hơn trước đây còn hiệu quả đến đâu chờ thực tế sẽ xem xét".
Trong khi đó, Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Cục Kỹ thuật, Tổng cục 2, Bộ Quốc Phòng lại có nhìn nhận khác :
"Tôi thấy nó hết sức tào lao vì trong những nhóm đối tượng bị cấm có cả những người đã từng phụ trách về nghiên cứu khoa học hoặc giả là những công việc tôi nghĩ rằng chẳng có nơi nào chuộng ở bên ngoài, khi người ta về thì năng lực cũng chẳng dùng vào việc gì".
Trong dự thảo của Bộ Quốc phòng có đề cập đến những lãnh vực mà người thôi việc đã từng giữ chức như trong quản lý công tác kế hoạch và đầu tư, tài chính, kinh tế, hậu cần, kỹ thuật của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng ; quản lý ngân hàng trong quân đội ; quản lý công tác thanh tra quốc phòng của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và tương đương trở lên. Cán bộ quản lý doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý ; người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng cử làm đại diện. Ngoài ra còn có quản lý nghiên cứu đề tài khoa học của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Vẫn theo nội dung được quy định trong dự thảo được bàn lần này, các loại hình doanh nghiệp mà người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập hoặc giữ chức vụ sau khi thôi chức bao gồm : doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Trao đổi với RFA tối 29/6, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Luật gia Việt Nam giải thích rõ hơn về dự thảo vừa nêu :
3333333333333333
Cựu thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Văn Hiến (giữa) tại phiên tòa xét xử hôm 18/5/2020 Courtesy of suckhoedoisong.vn
"Dự thảo luật lần này đang lấy ý kiến yêu cầu giải trình nhưng cá nhân, quá trình đơn vị yêu cầu giải trình tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp. Thí dụ như người đó trước đây làm ngành đó nội dung thuộc bí mật nhà nước, hoặc bí mật kinh doanh bây giờ họ không làm nhiệm vụ đó thì trong thời gian nhất định họ không được đặt trong những ngành đó. Tức là họ phải có quy định giải trình trong việc thực hiện các quy chế của cơ quan tổ chức. Đây là điều sửa đổi, bổ sung cho luật này hoàn chỉnh".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho biết thêm trong quy định lần này, việc hạ cánh an toàn từ ngày 1/7/2020 sẽ hoàn toàn bị bãi bỏ. Đồng thời quy định này cũng thống nhất đồng bộ với quy định Đảng cộng sản Việt Nam phòng chống tham nhũng hiện nay.
Bộ Quốc Phòng Việt Nam vào ngày 12/2 đã khẳng định với cử tri Đà Nẵng qua văn bản trả lời rằng trong số những quân nhân cấp tướng bị xử lý kỷ luật, không có người nào bị xử lý vì tham nhũng.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tiềm lực kinh tế của Bộ Quốc phòng hiện giờ rất mạnh nên cần có những biện pháp để ngăn chặn là điều nên làm :
"Hiện nay Bộ Quốc phòng Việt Nam sử dụng rất nhiều đất đai quốc phòng. Như trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất thì ta thấy những đất đai đấy được sử dụng cho mục đích dân sự rất nhiều như làm nhà, xây dựng sân golf. Những hiện tượng như vậy đòi hỏi phải rút kinh nghiệm và có những biện pháp phòng ngừa để tránh không lặp lại những việc như vậy trong thời gian sắp tới".
Nhận xét về những phiên xử các quan chức tham nhũng tại Việt Nam hiện nay, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng thời gian vừa qua rất nhiều cán bộ cao cấp đã bị xử lý nghiêm minh, tạo hiệu ứng rất đồng thuận của người dân.
"Tôi thấy trong thời gian vừa qua thì chống tham nhũng của Việt Nam có Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng rất cương quyết, chỉ là chưa phát hiện ra thôi. Nên vừa rồi có sửa lại Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và cũng sửa lại Luật Bộ Công chức và Viên chức. Lần này quy định thêm xử lý hành vi tham nhũng thì cán bộ công chức sẽ bị thôi việc trong 2 trường hợp : thứ nhất là người bị kết án, phạt tù, không được hưởng án treo ; thứ hai là bị kết án vì tội tham nhũng. Như vậy có thể thấy sửa đổi, bổ sung lần này hoàn toàn hợp lý, không chỉ thống nhất các quy định của pháp luật mà giúp cho công tác phòng chống tham nhũng nghiêm hơn".
Với quan điểm cá nhân, Trung tá Vũ Minh Trí nhận định rằng dù các Bộ luật hiện hành hiện nay còn nhiều thiếu sót nhưng chỉ cần thực thi đúng pháp luật thì sẽ hạn chế được tham nhũng.
Nếu đưa thêm luật mới ra mà không thực hành một cách nghiêm túc thì cũng bằng không.
Nguồn : RFA, 29/06/2020