Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể chạy thương mại cuối năm 2020 ? (RFA, 10/07/2020)
Ông Đường Hồng, giám đốc Tổng thầu Trung Quốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết theo đánh giá khách quan thì dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đủ điều kiện đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm 2020 - báo Vietnamnet dẫn lời ông Hồng loan tin ngày 10/7.
Một góc đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. AFP
Tin cho hay, phía tổng thầu hiện đang phối hợp với Chủ đầu tư Ban Quản lý dự án đường sắt nghiệm thu các hạng mục công trình dự án. Theo yêu cầu của chủ đầu tư, công tác nghiệm thu 20 ngày phải hoàn thành trong tháng 7 này.
Theo ông Đường Hồng, nhân sự phía tổng thầu bên ông đã sẵn sàng, chỉ cần phía chủ đầu tư thanh toán là có thể chạy thử.
Sau 20 ngày chạy thử, Chủ đầu tư sẽ mời Hội đồng Nghiệm thu nhà nước vào nghiệm thu công trình và bàn giao cho Metro Hà Nội.
Để nhận được thanh toán 50 triệu USD, Ban Quản lý dự án đường sắt đã yêu cầu phía Tổng thầu phải hoàn thành hồ sơ hoàn công.
Ông Đường Hồng cho biết việc xác nhận hồ sơ cũng như nghiệm thu các hạng mục đang được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.
Vào chiều ngày 24 tháng 6 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, nói với bí thư Thành Ủy Hà Nội Vương Đình Huệ rằng dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông không phải là dự án thương mại bình thường, mà là dự án có sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc. Dự án này tượng trưng cho tinh thần hữu nghị giữa hai nước, do đó nếu kéo dài sẽ gây bất lợi cho cả đôi bên.
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài khoảng 13km, ban đầu dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng.
Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD).
******************
Từ năm 2021, Đại biểu quốc hội chỉ được có quốc tịch Việt Nam (RFA, 10/07/2020)
Bắt đầu từ ngày 1/1/2021, đại biểu quốc hội Việt Nam chỉ được có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, đồng thời tỉ lệ đại biểu quốc hội chuyên trách ít nhất 40% tổng số đại biểu.
Một phiên họp của Quốc hội Việt Nam trước đây, ảnh minh họa. AFP
Báo trong nước loan tin dẫn nội dung cuộc họp báo của Văn phòng Chủ tịch nước diễn ra sáng ngày 10/7 về lệnh của Chủ tịch nước công bố những điểm mới đáng chú ý của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Những quy định bổ sung đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Luật đã bổ sung nội dung đại biểu Quốc hội chỉ được có một quốc tịch Việt Nam.
Đưa ra nguyên nhân tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất 40% tổng số đại biểu, ông Giang cho biết quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa 15 sắp tới.
Từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Ngoài ra, từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng được đổi tên thành Ủy ban Văn hóa Giáo dục. Còn Ủy ban Về các vấn đề xã hội được đổi tên thành Ủy ban Xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định Chấm dứt thí điểm hợp nhất ba văn phòng phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân.
Ông Nguyễn Trường Giang giải thích rằng sau hơn một năm thực hiện, một Văn phòng giúp việc chung cho ba cơ quan chưa thực sự đáp ứng mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho ba cơ quan này.
Đồng thời quyết định sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cùng với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có văn phòng tham mưu, giúp việc riêng.
*****************
33 người Việt vượt biên từ Trung Quốc về nước (RFA, 10/07/2020)
Tổ tuần tra Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vào chiều ngày 9/7 phát hiện và bắt giữ 33 người Việt Nam lội qua sông Ka Long ở biên giới Trung Quốc để về lại trong nước.
Tài xế được kiểm tra ở cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới với Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn hôm 20/2/2020 - Reuters
Truyền thông trong nước loan tin hôm 10/7 cho biết 37 người Việt nói trên có quê quán ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Bắc Giang.
Nhóm người bị bắt giữ khai nhận trước đó vào tháng 2/2020 đã xuất cảnh trái phép sang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để đi làm thuê. Đến ngày 9/7 thì nhóm quyết định vượt biên để trở về nước.
Đội tuần tra Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã tiến hành lập biên bản và đưa nhóm người đi cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung thành phố Móng Cái để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tình trạng vượt biên từ Trung Quốc vào Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đã xảy ra. Mới hôm 27/6, 4 người lội sông ở Quảng Ninh nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc bị lực lượng biên phòng Quảng Đức phát hiện và đưa đi cách ly tập trung. Hồi đầu tháng 2, 138 người Việt Nam và Trung Quốc bị phát hiện nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường mòn biên giới ở cửa khẩu Lý Vạn, Cao Bằng.
Từ ngày 22/3/2020, chính phủ Việt Nam có lệnh dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài và người gốc Việt được miễn visa vào Việt Nam. Chính phủ cũng vận động những người mang quốc tịch Việt Nam hạn chế tối đa về nước và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của nước sở tại.