Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/08/2020

Số ca nhiễm Covid-19 và tử vong gia tăng trong những ngày sắp tới

Tổng hợp

8 bệnh nhân tử vong là bất khả kháng, Covid-19 chỉ như ‘giọt nước tràn ly’ (baochinhphu, 04/08/2020)

Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch : Tại Việt Nam, 8 bệnh nhân tử vong đều mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, cộng thêm mắc bệnh Covid-19 thì việc tử vong của người bệnh là điều bất khả kháng. Covid-19 nữa giống như "giọt nước làm tràn ly".

ca1

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình : 8 bệnh nhân tử vong đều mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, việc tử vong là bất khả kháng, Covid-19 chỉ như "giọt nước tràn ly".

Sáng 4/8, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca tử vong (BN426, BN496) vì suy thận mạn giai đoạn cuối và mắc Covid-19. Như vậy tính đến thời điểm này Việt Nam đã ghi nhận tổng số 8 trường hợp tử vong vì dịch bệnh bệnh nguy hiểm này.

Trong đó, Đà Nẵng ghi nhận 7 trường hợp tử vong (BN : 426, 428, 437, 499, 475, 429, 496) ; Quảng Nam ghi nhận 1 trường hợp tử vong là BN524. Đây là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng.

Covid-19 chỉ như "giọt nước tràn ly"

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay còn một số bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao. Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, có nhiều bệnh mạn tính, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế : "Các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị trước đây. Hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu.

Có những bệnh nhân suy thận mạn chạy thận chu kỳ trên 10 năm; nhiều bệnh nhân suy tim, bệnh nhân ung thư; nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nhân đã 100 tuổi...

Nay bệnh nhân bị mắc thêm Covid-19 làm cho cơ hội tiến triển của các bệnh mạn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng".

Một số ý kiến cho rằng, số lượng bệnh nhân tử vong đang tăng cao chứng tỏ độc lực của virus chủng SARS-CoV-2 mới tại Đà Nẵng cao hơn nhiều so với chủng trước đây?

Giải đáp vấn đề này, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, rất "không may", đợt dịch lần này ở Đà Nẵng rơi vào 3 nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm gồm : Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhiều năm ; bệnh nhân ở khoa ung bướu và bệnh nhân khoa hồi sức.

Theo ông, "đây là nhóm bệnh nhân dù không mắc Covid-19 cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Việc bị nhiễm SARS-CoV-2 chỉ như "giọt nước tràn ly", dẫn đến tử vong cao bất thường như hiện tại, chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus".

Virus đột biến, tăng khả năng cảm nhiễm

Thực tế, số ca mắc Covid-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.

Cụ thể, về chỉ số lây nhiễm, lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8-2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng.

Thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây. Đặc biệt lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng nhiều.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh Covid-19 một cách hiệu quả.

Việc tử vong của người bệnh là bất khả kháng

Còn theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong theo tuổi (qua theo dõi 72.000 bệnh nhân ở Trung Quốc) cho thấy : Tỉ lệ tử vong trên 70 tuổi là 8% ; trên 80 tuổi tử vong là 14,9%. Tại Ý, 90% tử vong là bệnh nhân 90 tuổi.

Trong đó, suy hô hấp là nguyên nhân chính, tiếp theo là suy tuần hoàn, suy đa tạng, do mắc từ trước : Tim mạch, suy thận, đái tháo đường, COPD, suy giảm miễn dịch…

"Tại Việt Nam, 8 bệnh nhân Covid-19 tử vong đều mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, cộng thêm mắc bệnh Covid-19 thì việc tử vong của người bệnh là điều bất khả kháng" - Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình dẫn chứng bệnh nhân số 499 tử vong mới đây, bệnh nhân bị ung thư máu giai đoạn cuối, không đáp ứng điều trị hóa chất. Hệ thống bạch cầu giống như hệ thống bảo vệ thì nay sinh ra bạch cầu bất thường, không có chức năng bảo vệ. Bệnh nhân bị viêm phổi rất nặng, rơi vào tình trạng sốc không phục hồi được. Vì thế, nguyên nhân tử vong không khẳng định hoàn toàn do Covid-19, mắc thêm bệnh Covid-19 nữa giống như "giọt nước làm tràn ly".

Bộ Y tế cho biết hiện có 205 trường hợp lây nhiễm trong nước tại tại 9 tỉnh, thành phố : Đà Nẵng (143), Quảng Nam (43), Đắk Lắk (3), Thành phố Hồ Chí Minh (8), Quảng Ngãi (3), Hà Nội (2), Thái Bình (1), Đồng Nai (1), Hà Nam (1). Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng.

***********************

Covid-19 ở Việt Nam : 8 bệnh nhân tử vong do có bệnh lý nền nặng, thêm các ca bệnh có nguy cơ tử vong (RFA, 04/08/2020)

Giới chức y tế Việt Nam hôm 4/8 lên tiếng giải thích nguyên nhân 8 bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở Việt Nam là vì có các bệnh lý nền nặng như suy thận, ung thư và đang hồi sức tích cực.

tuvong1

Nhân viên y tế đang đưa bệnh nhân từ xe cứu thương và bệnh viện Gia Định ở thành phố Đà Nẵng hôm 4/8/2020 - Reuters

Báo Chính Phủ trích lời GS.Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch, cho biết vì các bệnh lý nền nặng cộng với việc nhiễm Covid-19 nên việc tử vong của người bệnh là bất khả kháng. Covid-19 được ông ví giống như "giọt nước tràn ly".

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần qua, Việt Nam đã liên tục ghi nhận các ca tử vong đầu tiên kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 1 vừa qua. Các ca tử vong được ghi nhận bao gồm 7 ca bệnh ở Đà Nẵng và 1 ca ở Quảng Nam.

Các chuyên gia y tế Việt Nam cho biết hiện còn có một số bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ tử vong cao trong thời gian sắp tới do bệnh lý nền nặng và tuổi cao.

Báo Zing trích lời Ths. bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết dịch Covid-19 đang bùng phát ở Đà Nẵng có sự khác biệt khi virus SARS-CoV-2 lây lan trong 3 nhóm đối tượng đặc thù bao gồm : người suy thận mạn tính nhiều năm, bệnh nhân đang điều trị ung bướu và hồi sức tích cực.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trước đó cho biết virus được tìm thấy trong các bệnh nhân ở Đà Nẵng là chủng mới, có tốc độ lây nhanh hơn, song động lực không tăng.

Vào chiều ngày 4 tháng 8, Việt Nam thông báo có thêm 18 trường hợp nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 670 trường hợp. 17 trên 18 ca mắc mới đều liên quan đến Bệnh Viện Đà Nẵng.

*********************

Covid-19 : Tại Việt Nam, bệnh nhân thứ 6 tử vong, 13 ca nguy kịch (RFI, 03/08/2020)

Tại Việt Nam, dịch virus corona tiếp tục gây lo ngại với bệnh nhân thứ sáu đã tử vong, 21 trường hợp chẩn đoán nặng trong đó có 13 ca nguy kịch, đa số là người cao tuổi. Ngoài các khu vực đã bị phong tỏa ở Đà Nẵng, đến lượt thành phố Ban Mê Thuột bị cách ly.

tuvong0

Một dây chuyền sản xuất máy trợ thở tại công ty Vsmart thuộc tập đoàn Việt Nam Vingroup vùng ngoại ô Hà Nội (Việt Nam). Ảnh chụp ngày 03/08/2020.  Reuters - Kham

Theo Bộ Y tế Việt Nam, trong số 242 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị trên toàn quốc, có 13 người đang trong tình trạng trầm trọng phải cho thở máy hoặc can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) tại Huế và Đà Nẵng. Ngoài ra có 21 ca nặng.

Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Khám & Chữa Bệnh cho biết, Bộ Y tế đã huy động các bác sĩ giỏi nhất để điều trị cho các bệnh nhân trên, đa số là người lớn tuổi có nhiều bệnh nền. Ba bệnh viện lớn của Saigon cũng đã chi viện cho Quảng Nam.

Tính đến sáng nay, Việt Nam ghi nhận 621 trường hợp nhiễm virus corona, và có 373 bệnh nhân được chữa khỏi. Theo quyền bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, kết quả giải mã gien cho thấy chủng virus corona mới xâm nhập Việt Nam có mức độ lây nhiễm cao gấp ba lần các chủng đã phát hiện trong sáu tháng đầu năm.

Hiện có 103.268 người đang bị cách ly để theo dõi, do tiếp xúc gần với người bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch.

Ngoài ba bệnh viện ở Đà Nẵng và các khu vực gần đó bị cách ly từ ngày đầu, kể từ 0 giờ hôm nay đến lượt toàn thành phố Ban Mê Thuột thực hiện cách ly xã hội 14 ngày, sau khi phát hiện hai ca nhiễm. Những cơ sở buôn bán không thiết yếu và sản xuất tạm ngừng hoạt động, người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài để mua thực phẩm, thuốc men. Các hoạt động tôn giáo, văn hóa, thể thao cũng bị đình chỉ.

Tại tâm dịch Đà Nẵng, thành phố du lịch có 1,4 triệu người đến trong tháng Bảy, binh chủng hóa học của quân đội phun thuốc khử khuẩn toàn quận Sơn Trà, ký túc xá sinh viên biến thành khu cách ly. Quảng Ngãi cách ly gần 1.000 người cùng xóm với bệnh nhân số 621 vừa được công bố, Biên Hòa (Đồng Nai) phong tỏa một khu phố 900 dân vì một bệnh nhân có lịch trình đi lại phức tạp.

Trước tình hình có nhiều người nhập cảnh bất hợp pháp chủ yếu từ Trung Quốc, bộ đội Biên phòng đang có 1.608 tổ chốt chặn ở các ngả đường biên giới, trong đó có 346 tổ lưu động với trên 10.000 người tham gia. Bên cạnh đó còn lập các đoàn kiểm tra việc phòng chống dịch tại 8 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Tây Ninh, An Giang.

Thụy My

******************

Covid-19 : Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca tử vong, Đà Nẵng xét nghiệm 1,1 triệu dân (RFI, 02/08/2020)

Theo báo chí trong nước, trưa hôm nay 02/08/2020, Bộ Y tế Việt Nam công bố có thêm 2 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì virus corona tại Việt Nam lên thành 5 người. Trong bối cảnh Đà Nẵng biến thành trung tâm phát tán dịch bệnh, chính quyền đia phương có kế hoạch xét nghiệm tầm soát toàn bộ 1,1 triệu dân.

tuvong3

Chống covid-19 : một cảnh thấy trên đường phố Hà Nội. Ảnh ngày 31/07/2020.  Reuters - Kham

Cả hai ca tử vong vừa được ghi nhận đều là phụ nữ, trên 80 tuổi, có nhiều bệnh nền. Hai trường hợp này xẩy ra vào lúc Việt Nam cũng ghi nhận thêm 4 ca nhiễm Covid-19 vào sáng nay, cộng thêm vào con số 40 ca nhiễm được phát hiện hôm qua.

Bộ Y tế cũng cho biết đang điều trị 18 ca bệnh Covid-19 nặng. Đây đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, và liên quan đến Đà Nẵng.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan, Đà Nẵng đang cho khẩn trương lập bệnh viện dã chiến thứ hai, với 700 giường bệnh, tại cung thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, một khu vực không đông dân. Bí thư thành ủy Đà Nẵng yêu cầu bệnh viện dã chiến phải được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ ngày 06/08.

Reuters hôm qua cho biết thành phố Đà Nẵng còn có kế hoạch xét nghiệm tầm soát toàn bộ 1,1 triệu dân.

Trong 9 ngày qua, kể từ khi dịch bùng phát, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 104 ca dương tính với virus corona, Quảng Nam có 26 ca, thành phố Hồ Chí Minh 8, Hà Nội 2, Quảng Ngãi 2, Thái Bình 1 và Đak Lak 1.

Bộ Y tế chiều hôm nay ghi nhận thêm 30 ca nhiễm Covid-19, trong đó Đà Nẵng có 16 ca, Quảng Nam 9 ca, còn Đăk Lăk, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hà Nam mỗi nơi một ca. Như vậy, hôm nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 34 ca nhiễm mới.

Philippines : 80 hiệp hội bác sĩ báo động "thua trận chiến" chống Covid-19

Tại Philippines, trong ngày hôm qua, chính quyền ghi nhận 5.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số người dương tính với virus corona lên thành 98.000. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Philippines ghi nhận số ca lây nhiễm cao kỷ lục.

Theo Reuters, trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona không ngừng tăng nhanh, các bệnh viện bị quá tải nên phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân mới, hôm qua, 80 hiệp hội bác sĩ đã gửi một bức thư ngỏ đến tổng thống Duterte, báo động Philippines đang "thua trận" trong cuộc chiến chống Covid-19.

Khoảng 80.000 bác sĩ và hơn 1 triệu y tá ở Philippines kêu gọi tổng thống Duterte cho triển khai trở lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn để cứu vãn tình hình, nhất là ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận. 

Phát ngôn viên của tổng thống Duterte, Harry Roque, khẳng định chính phủ sẽ xem xét đề nghị của các bác sĩ.

Hồi giữa tháng 03, Philippines là một trong những nước ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, người dân chỉ được ra khỏi nhà để đi mua thực phẩm và khám chữa bệnh. Nhưng mới đây, chính phủ đã nới lỏng biện pháp phong tỏa, cho phép người dân đi làm trở lại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khiến nhiều triệu người mất việc.

Thùy Dương

**********************

Bệnh nhân 461 là sư cô, 45 tuổi ở chùa Bảo Thắng, Quảng Nam (VNTB, 02/08/2020)

Trong 12 ca bệnh Covid-19 công bố vào đợt sáng ngày 1-8, tỉnh Quảng Nam có 5 ca, có 3 bệnh nhân là sư cô ở chùa Bảo Thắng, phường Sơn Phong, Thành phố Hội An.

ca2

Tỉnh Quảng Nam có 5 ca, trong đó có 3 bệnh nhân là sư cô ở chùa Bảo Thắng, phường Sơn Phong, Thành phố Hội An.

Các bệnh nhân (BN) Covid-19 là sư cô ở chùa Bảo Thắng được đánh số thứ tự lần lượt là BN 549 (sinh năm 1965) ; BN 550 (sinh năm 1945) ; BN 551 (sinh năm 1985).

Đánh giá dịch tễ ghi nhận : BN 549 có tiếp xúc trực tiếp nhiều lần với BN 461 ; BN 550 có ngồi ăn chung phòng với BN 461 nhưng không nói chuyện ; BN 551 không tiếp xúc trực tiếp với BN 461.

Nghi vấn BN 461 (sinh năm 1975, sư cô chùa Bảo Thắng) là nguồn lây ‘F1’ cho BN 549, 550 và ‘gián tiếp’ cho BN 551.

Nhà chức trách cho biết, ngày 13/7, BN 461 đến khoa Hồi sức tích cực chống độc – bệnh viện Đà Nẵng để chăm mẹ bị bệnh, rồi về ngủ tối tại nhà bà con ở đường Phan Khang, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng.

Ngày 14 và 15/7, tiếp tục đến bệnh viện để chăm mẹ, về làm đám tang cho mẹ ở gần chợ Lai Nghi – Điện Bàn, di chuyển bằng xe của bệnh viện.

Từ ngày 15/7 đến 22/7 ở nhà tổ làm đám tang cho mẹ, có qua chợ Lai Nghi để mua đồ ; ngày 22/7, tự đi xe xuống chùa Bảo Thắng sau đó về lại nhà. Sau đó BN 461 đi chợ Lai Nghi mua hàng, trong suốt quá trình đi chợ đều có đeo khẩu trang. Ngày 23 đến 26/7, về lại sinh hoạt ở chùa Bảo Thắng, sau đó một ngày thì nhờ người em đưa đến bệnh viện đa khoa Hội An khám và được cách ly tại bệnh viện.

Thời gian ủ mầm nhiễm virus corona được ghi nhận phổ biến trong vòng 14 ngày. Truy xuất ngược thời gian, rất có thể BN 461 bị nhiễm Covid trong thời gian từ 13/7 đến 15/7 khi chăm sóc thân mẫu tại khoa Hồi sức tích cực chống độc – bệnh viện Đà Nẵng.

Tuy nhiên cần làm rõ phần dữ liệu, là những người thân khác khi chăm cụ bà là thân mẫu của BN 461, họ hiện tại đã được xét nghiệm về khả năng bị lây nhiễm hay chưa ? Tương tự, tối 13/7, BN 461 về nhà bà con ở đường Phan Khang, phường Hoà An, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, hiện những người trong gia đình này có kết quả xét nghiệm lần 1 ra sao về khả năng lây nhiễm Covid ?

Vấn đề khác, thân mẫu của BN 461 tử vong ngày 15/7. Vậy thời điểm đó ở bệnh viện Đà Nẵng có làm các xét nghiệm liên quan về Covid đối với cụ bà này, vì hiện tại Việt Nam vẫn còn giữ nguyên lệnh ban bố về đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc ?

Liệu cụ bà có thể thuộc diện ngờ vực là tử vong vì Covid, từ bệnh lý nền đang chữa trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc – bệnh viện Đà Nẵng ? Liệu có phải nguồn lây ban đầu – tức ổ dịch, cho tái bùng phát sau 99 ngày ‘sóng yên gió lặng’ là đến từ bệnh viện Đà Nẵng – tức ca F0 nằm ngay ở bệnh viện Đà Nẵng ?

Củng cố cho chuyện ổ dịch ngay từ ban đầu đã ở bệnh viện Đà Nẵng, là ca BN 547, nam, 52 tuổi, trú khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, Hội An. Từ sau tết đến 22/7, bệnh nhân chăm mẹ tại phòng 607 khoa nội – thận – nội tiết bệnh viện Đà Nẵng. BN 547 thường ngồi quán cà phê cóc đối diện cổng phụ bệnh viện Đà Nẵng trên đường Hải Phòng, ăn cơm trưa và cơm chiều tại quán cơm ven đường Quang Trung. Chiều 22/7, ông về nhà bằng xe máy một mình. Sáng 23/7 ông đến quán cà phê nhà anh H, có tiếp xúc trực tiếp với chủ quán.

Ngày 24/7 mẹ mất nên ông về lo làm lễ tang. Ông tiếp xúc với 6 người đến viếng. Ngày 27/7, ông được cách ly tại nhà, ngày 29/7 được đưa đi cách ly tập trung tại trạm y tế Cẩm Hà (Hội An).

Liệu có phải BN 547 bị lây nhiễm từ ổ dịch ở bệnh viện Đà Nẵng? Liệu thân mẫu của ông mất có liên quan gì đến cụm từ đang dần quen thuộc trên các bản tin báo chí vài ngày nay : tử vong vì Covid từ bệnh lý nền đang chữa trị tại bệnh viện Đà Nẵng ?

Một dẫn chứng khác cho thấy ổ dịch Covid tại bệnh viện Đà Nẵng có thể bắt đầu muộn lắm cũng là từ đầu/7-2020. BN số 475, nữ, sinh năm 1937. BN ở nhà cùng con gái và cháu ngoại tại đường Lê Duẩn, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng. BN có tiền sử viêm thoái hóa đa khớp đã 06 năm nên không thể đi lại.

Ngày 12/7-2020 BN đến khám và nhập viện tại khoa Nội tổng hợp (phòng 315), bệnh viện Đà Nẵng và điều trị cho đến nay. Trong thời gian nằm viện, gia đình có thuê một người quê Quế Sơn, Quảng Nam chăm sóc cho bệnh nhân. Ngày 29/7-2020 BN được xét nghiệm dịch hầu họng, và ngày 30/7-2020 cho kết quả (+) với SARS-CoV-2, sau đó bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly của khoa Y học nhiệt đới, bệnh viện Đà Nẵng. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thể trạng suy kiệt.

Một thống kê có thể là ngẫu nhiên: các sư cô ở chùa Bảo Thắng bị lây nhiễm Covid, có năm sinh giống nhau ở con số cuối ‘5’ :  BN 550, sinh năm 1945 ; BN 549, sinh năm 1965 ; BN 461, sinh năm 1975 ; BN 551, sinh năm 1985.

Loan Thảo

**********************

Bộ giáo dục ‘phủi’ trách nhiệm ? (VNTB, 02/08/2020)

"Bộ Giáo dục và đào tạo đã lường trước việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên giao kỳ thi cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi,…" 

ca3

Học sinh đeo khẩu trang trong một lớp học - Ảnh minh họa

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết khi xây dựng phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, Bộ Giáo dục và đào tạo đã lường trước việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên giao kỳ thi cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi, không cử cán bộ trường đại học tham gia coi thi, chấm thi mà chỉ có mặt trong các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Ông Phùng Xuân Nhạ đã nói như vậy tại Hội nghị trực tuyến giữa ban chỉ đạo quốc gia về thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 với 63 tỉnh, thành phố diễn ra chiều ngày 31/7 trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp.

"Giao kỳ thi cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi, không cử cán bộ trường đại học tham gia coi thi, chấm thi", mà ông bộ trưởng nói đây là giải pháp ‘đã lường trước việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại’, cho thấy thực ra đây là kiểu nói của ‘có cũng như không’.

Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, thì, "Trao đổi về công tác chuẩn bị thi tính tới thời điểm này, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết trong thời gian qua Bộ đã có các đoàn kiểm tra 46/63 tỉnh, thành. Ở đâu cũng yêu cầu các tỉnh phải có phương án đối phó với thiên tai, dịch bệnh. Trong đó có dịch Covid-19 và bệnh bạch hầu. Đặc biệt chú ý hỗ trợ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh. Vì thế, khi dịch Covid-19 trở lại, các địa phương đã có dự phòng để ứng phó" (*).

Đại diện Bộ Y tế là Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói một cách chung chung tương tự như ‘chuyền trái bóng trách nhiệm về địa phương’ giống như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, là, "ban chỉ đạo thi các địa phương phải làm nghiêm túc việc phân loại thí sinh theo nhóm. Trong đó đối tượng F0 không thể dự thi. Các đối tượng F1, F2 phải tổ chức phòng thi, điểm thi riêng đảm bảo yêu cầu cách ly. Để rà soát phân loại, cần phải huy động một lực lượng y tế vào cuộc để thực hiện".

Cái vô lý rất rõ ở đây là những F1, có thể họ đang ở trong những khu cách ly tập trung. F2 có thể cách ly tại nhà. Việc ôn tập đối với F1 là không thể ; và nơi cách ly thì cũng khó thể biến thành các khu học xá chóng vách, trong khi dịch bệnh với chủng mới có tốc độ lây lan ‘chóng mặt’. Hơn nữa, cả F1 lẫn F2 đều chung tâm trạng căng thẳng trong thời gian 14 ngày chờ đợi với nhiều đợt xét nghiệm khác nhau.

Chất lượng cuộc thi trong tình cảnh dịch Covid ở Việt Nam bắt đầu lây lan quá nhanh, đã có các ca tử vong đầu tiên, và nhiều ca khác được nhận định là ‘tiên lượng xấu’, cho thấy khó thể đáp ứng như mong muốn làm đẹp báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo ở nhiệm kỳ cuối cùng này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng rất vô trách nhiệm khi nói rằng đã lường trước việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên giao kỳ thi cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi, không cử cán bộ trường đại học tham gia coi thi, chấm thi mà chỉ có mặt trong các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng ‘phủi trách nhiệm’ không kém, khi chỉ đưa ra mệnh lệnh "Các đối tượng F1, F2 phải tổ chức phòng thi, điểm thi riêng đảm bảo yêu cầu cách ly".

Bởi, ai đã từng làm thầy cô giáo đi coi thi, chấm thi đều hiểu rất rõ rằng việc giãn cách phòng thi, điểm thi liên quan tới bổ sung trưởng, phó điểm thi, việc bóc tách phân biệt đối tượng F1, F2 cũng chẳng phải dễ dàng ở lúc này, khi mà nhân viên y tế nơi đâu cũng đang căng mình chống dịch Covid.

Thầy Trần Chút, cựu Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM đề xuất trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, "tôi nghĩ thứ nhứt, nên hủy kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp tới, thay vào đó dùng phương thức xét để công nhận tốt nghiệp. Thứ hai, các trường đại học nên chỉ dùng phương thức xét tuyển để tuyển sinh năm học 2020-2021".

Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở tại Đà Nẵng:

Trường hợp thứ 12 (Bệnh nhân số 500) là nữ, sinh năm 1979, địa chỉ ở thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng, làm giáo viên Trường Trung học cơ sở Đỗ Thục Tịnh.

Hằng ngày bệnh nhân đi chợ chiều Hòa Khương tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng. Các ngày 17, 18 và 19/7, bệnh nhân đến Trường Trung học cơ sở Trần Quốc Tuấn, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng coi thi tuyển sinh lớp 10.

Ngày 24/7, bệnh nhân đến chăm mẹ (BN số 431) tại Bệnh viện Đà Nẵng (1 ngày). 18g ngày 26/7, bệnh nhân đi tiệc đầy tháng nhà hàng xóm. Trong ngày, bệnh nhân có đi mua thuốc tại hiệu thuốc quầy thuốc cô T trước trạm Y tế xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng.

Ngày 26/7, bệnh nhân đến Trường Trung học cơ sở Đỗ Thúc Tịnh làm việc có tiếp xúc nhiều người. Tối ngày 27/7, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại Khu Ký túc xá phía Tây thành phố.

Trần Dzạ Dzũng

Chú thích:

(*)https://tuoitre.vn/thi-tot-nghiep-thpt-luc-nay-co-mao-hiem-20200731120044954.htm

Quay lại trang chủ
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)