Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/08/2020

Trương Duy Nhất không được giảm án, cách ly vô tội vạ

Tổng hợp

Y án 10 năm tù cho nhà báo Trương Duy Nhất : giá trị thức tỉnh dành cho chiều ngược lại (VNTB, 15/08/2020)

Lời nói sau cùng tại tòa của ông Trương Duy Nhất :

"Chiếu theo các căn cứ pháp lý và những chứng cứ thẩm tra tại tòa trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nếu có hiểu biết về pháp luật và còn chút lương tri thì không thể kết tội tôi.

Trong vụ việc này, tôi là người mang lại lợi ích lớn lao cho báo Đại Đoàn Kết, không phải là người gây thiệt hại, không có bất kỳ hành vi sai trái nào, không vụ lợi hay động cơ gì cả và cũng không phạm tội. Tất cả chỉ là một đòn thù chính trị đê hèn nhằm dập tắt tiếng nói của Trương Duy Nhất. Đòn thù nhơ nhớp của các thế lực què quặt về tư duy, lú lẫn về trí tuệ.

Trong các lần lấy cung, các điều tra viên đã trấn an tôi rằng sẽ đến ngày thế cuộc xoay chiều. Khi đó, chính họ sẽ lại là người ngồi thay vào vị trí của tôi hôm nay. Tôi hiểu và nhận ra nỗi lo lắng thật sự này của họ. Nó sẽ đến trong một tương lai rất gần. Rất có thể, điều báo ứng sẽ ập xuống trên quãng đời của chính họ chứ không đợi đến thế hệ cháu con.

Vì thế, đối với những vụ án như của chúng tôi, điều quan trọng không phải ở sự trừng phạt chúng tôi mà chính ở giá trị thức tỉnh dành cho chiều ngược lại. Đừng để các thế hệ cháu con sau này nhìn lại phải cúi đầu tủi hổ về những phán quyết sai lầm của cha ông chúng, của một thời nhóm lò loạn lạc, một thời đất nước tưởng có phúc mà vô phúc, có trọng mà không đáng trọng.

Với các bạn đồng nghiệp, những nhà báo đang tham dự và theo dõi phiên tòa, hãy đưa thông tin đầy đủ và trung thực và đặc biệt là những lời nói sau cùng của tôi. Nếu không thể đăng phát được trên truyền hình và báo chí, thì hãy đưa lên trang mạng cá nhân của các bạn. Tôi xin cám ơn các bạn về điều này !"

"Cuối cùng, để khép lại phần lời nói sau cùng trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay, xin được đọc bốn câu thơ mà tôi viết vội đêm qua :

Ôi đất nước thuở nhóm lò loạn lạc

Lú cũng lên ngôi, quẹo cũng xưng hùm

Mẹ tổ quốc hay chúng mình có lỗi

Trí nhân đâu rặt một lũ điên khùng"

_________________________

tdn1

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, "phiên tòa phúc thẩm xét xử ký giả Trương Duy Nhất ngày hôm 14/8/2020 tại Tòa Cấp Cao tại Hà Nội từ 8 g00 – 17g30 ngày 14/8/2020. Tòa tuyên y án sơ thẩm (10 năm tù giam). Viện kiểm sát từ chối tranh luận, bảo lưu ý kiến".

Viện kiểm sát tránh né tranh luận, nhưng do các luật sư dồn dập nêu ra nhiều vấn đề pháp lý chứng minh anh Trương Duy Nhất vô tội, nên buộc chủ tọa phiên tòa phải can thiệp bằng tuyên bố… chấm dứt tranh luận.

Luật sư Nguyễn Hà Luân đã thốt lên rằng : "Viện kiểm sát đã lẩn tránh tranh luận và lẩn tránh sự thật !" .

Các luật sư của ông Trương Duy Nhất nêu quan điểm, cơ quan tố tụng không xác định chính xác thiệt hại trong vụ án, phía điều tra cho rằng thiệt hại hơn 300 triệu đồng nhưng Viện kiểm sát xác định hơn 13 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo trình bày của luật sư, dù ông Nhất thực sự có tội nhưng vụ án được khởi tố sau hơn 15 năm bị cáo mua nhà nên đã hết thời hiệu xử lý trách nhiệm hình sự.

Được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, Phan Văn Anh Vũ cũng cho rằng ông Nhất vô tội bởi báo Đại Đoàn Kết không bị thiệt hại vì không cần bỏ tiền nhưng vẫn được sử dụng nhà đất làm văn phòng trong 30 năm.

Ông Vũ thừa nhận, nhà số 82 Trần Quốc Toản đã được chuyển nhượng cho vợ mình nhưng việc mua bán thuộc về pháp nhân Công ty 79 do Vũ là Giám đốc, không phải mua bán với cá nhân ông. Vì vậy, Vũ "nhôm" kháng cáo, cho rằng bản thân không phải người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã bác toàn bộ các kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

*************************

Biện pháp cách ly ‘vô tội vạ’ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân (RFA, 14/08/2020)

Báo trong nước vào ngày 14/8 dẫn lời ông Nguyễn Đức Sâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đưa tin cho hay hiện giới chức huyện đã cách ly kịp thời 2 người F1 của bệnh nhân 833 sau khi cách ly nhầm một người khác trước đó.

tdn2

Phong tỏa tạm thời khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, nơi ở của bệnh nhân 833. Nguồn : VOV

Cụ thể, bệnh nhân 833 được Y tế công bố nhiễm nCoV vào ngày 9/8, có khai báo với chính quyền đã đến ăn tại quán cháo Ngọc Lan, xã Phong Bình lúc 19g30 ngày 4/8.

Ngay lập tức, chính quyền huyện Gio Linh đã đưa chủ quán cháo Ngọc Lan đi cách ly tập trung vào ngày 10/8.

Tuy nhiên, sau khi bị cách ly 3 ngày thì bà chủ quán cháo Ngọc Lan mới nhớ ra hôm 4/8 là ngày rằm nên bà đóng cửa quán.

Bệnh nhân 833 sau đó cho hay đã nhớ nhầm quán cháo chị ăn là Ngọc Lý chứ không phải Ngọc Lan.

Sự việc khai báo nhầm địa chỉ khiến người dân phải bị cách ly oan nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội.

Dưới góc nhìn chuyên môn, Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng rõ ràng việc cách ly đem lại hiệu quả nhất định trong công tác phòng chống sự lây lan của dịch bệnh SARS-CoV-2 nhưng qua sự việc cách ly oan vừa nêu, có thể nhận thấy hướng giải quyết của giới lãnh đạo :

"Người Việt Nam không nghĩ như những nước khác như Anh, Pháp, Mỹ mà quen nghĩ theo kiểu ‘thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót’. Tức là thà bắt nhầm, giữ nhầm, cách ly nhầm cũng được, còn hơn bỏ sót những người mắc bệnh mà lại lây ra cộng đồng. Nếu họ so sánh giữa cái được và cái mất, thậm chí chết người chẳng hạn thì họ sẽ lựa chọn phương án cách ly. Tôi nghĩ rằng hầu hết người Việt Nam cảm thấy không bưc xúc hay không bất bình gì với những việc đó. Còn (chính quyền) sau khi phát hiện ra nhầm thì cũng thôi chứ không áy náy gì".

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cũng nhận định rằng chính phủ Hà Nội trong đợt dịch này đã không yêu cầu giãn cách toàn xã hội như trước mà để lãnh đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết định. Do đó, các địa phương sẽ tùy thuộc vào mục tiêu kinh tế hay xã hội mà có những phương án phù hợp.

Theo thống kê từ Bộ Y tế được cập nhật vào 9h hàng ngày trên Bản tin dịch Covid-19 trong 24g, tính đến ngày 14/8, cả nước hiện đang có 172.093 người cách ly. Trong đó, số người cách ly tập trung tại bệnh viện là 5.222 người ; cách ly tập trung tại cơ sở khác là gần 25.799 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 141.072 người (1).

Một người lao động nước ngoài về nước hiện đang cách ly tại khu cách ly Thanh Trì, Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho rằng việc đi cách ly như vậy ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và cả sinh hoạt gia đình. Do đó, anh đề nghị :

"Em thấy cái này nhà nước phải chịu trách nhiệm. Tự nhiên người ta khai thì phải xác minh sự thật chứ đưa nguyên cái quán đi cách ly xong mới phát hiện quán đó không có thì em thấy vô lý và bất công".

Giải thích rõ hơn về quyền lợi của người chủ tiệm cháo Ngọc Lan trong sai phạm cách ly lần này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho hay :

"Nếu người chủ quán yêu cầu, chứng minh được thiệt hại của họ thì các cơ quan có thẩm quyền đưa đi cách ly theo quy định của Bộ luật Dân sự thì họ phải bồi thường cho người chủ quán nếu người chủ quán có yêu cầu. Theo quy định của luật thì các cơ quan đưa họ đi (cách ly oan) như vậy sẽ phải bồi thường bằng tiền và bồi thường danh dự cho họ".

Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc cách ly nhầm người tại Quảng Trị lần này chỉ là một sơ sót trong nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm cố gắng để không bỏ sót người bệnh lây lan cho toàn xã hội. Mặc dù vậy, Luật sư Hậu cũng cho rằng trường hợp này rất khó, không biết xử lý thế nào do bệnh nhân nhầm, nhớ sai địa chỉ nên xảy ra chuyện :

"Trước hết cần phải làm rõ các cơ quan chức năng người ta đang xác minh Covid-19 nhớ sai đến chủ quán nên việc này phải nắm lại Ủy ban Nhân dân xã nguyên nhân việc này là điều rất đáng tiếc. Tôi nghĩ cần phải rút kinh nghiệm, phải chính xác bởi vì sai một ly đi một dặm liền. Vì vậy nên hành vi từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế, hoặc cưỡng chế trong việc cách ly y tế của nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh là phải rất cẩn trọng. Nếu có sai sót làm cho người ta rất khó chịu nên cơ quan y tế và Ủy ban Nhân dân xã cũng cần phải rút kinh nghiệm trong việc này".

Bên cạnh đó, Luật sư Hậu cho rằng bệnh nhân 833 cũng có nguy cơ bị xử phạt hành chính trong sự việc lần này nếu bị truy trách nhiệm. Ông nói rõ :

"Xử phạt vi phạm hành chính thì phải xem hành vi đó là cố tình hay vô ý. Chính phủ cũng có Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nên những hành vi có thể đưa vào lan truyền tin tức không đúng sự thật".

Nhằm hạn chế sự lây lan phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chính phủ Hà Nội đã ban hành lệnh cách ly đối với tất cả những người có tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Đồng thời cũng thực hiện cách ly tập trung công dân Việt hồi hương và du khách nước ngoài đến Việt Nam bằng đường hàng không hay đường bộ.

Tuy vậy, những bất cập về việc cách ly liên tục được truyền thông trong nước nhắc đến thời gian qua, điển hình như những than phiền về vệ sinh, chỗ ở tại các khu cách ly tập trung, chuyện đưa người khác đi cách ly thay, trốn cách ly…

Từ kinh nghiệm thực tế tại khu cách ly Thanh Trì, Hà Nội trong những ngày qua, người lao động nước ngoài về nước giấu tên vì lý do an toàn cho rằng chính sách cách ly vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn tại cơ sở này.

"Đưa một đoàn mới về, là chuyến bay từ Mỹ về thì có khả năng bị Covid-19 nhiều hơn nhưng tại sao lại đưa vào chung khu cách ly của tụi em. Lúc sáng đưa vào thì những người đó đi tới đi lui, thay vì thời gian đưa phải thông báo cho tụi em phải ở trong phòng, đưa những người đó đi lên phòng trên thì em đồng ý. Còn đằng này đang ở ngoài sinh hoạt bình thường thì đưa những người đó vào như vậy lỡ có người nào bị Covid-19 thì những người như em sẽ thế nào ?".

Riêng trong ngày 14/8, ban quản lý khu cách ly đã không tuân theo nguyên tắc chung khi mua trà sữa đem vào cho các bạn nữ trong một phòng tại lầu 3, dù nơi đây cấm không được mang đồ ăn bên ngoài vào.

"Hôm nay đúng ra trong quy định cách ly là không được mua bất cứ gì ở ngoài vào khu cách ly, sau 14 ngày cách ly thì ra ngoài muốn làm gì thì làm. Nhưng đặc biệt ở đây có một phòng toàn nữ không thì bạn quản lý lầu 3 là lầu tụi em lại mua trà sữa cho mấy bạn bên phòng đó. Em có hỏi thì bạn quản lý lầu 3 thì bạn nói những bạn nữ được đặc cách do anh Tạ Quang Trung, quản lý khu cách ly cho phép do các bạn nữ hôm trước có dọn vệ sinh. Em có liên lạc hỏi anh Tạ Quang Trung thì anh nói có hai bạn nữ có công chăm sóc người già là em thấy 2 lý do khác nhau rồi".

Trước đó, người lao động nước ngoài giấu tên đang cách ly tại khu Thanh Trì cũng từng phản ảnh về việc ban quản lý không thông báo thời gian đoàn người trên chuyến bay từ Mỹ được đưa vào khu cách ly để những người cách ly cũ ở trong phòng, tránh tiếp xúc vì đoàn cũ chỉ còn 2 ngày nữa là hoàn thành thời gian cách ly.

Trước những sự việc vừa nêu, người lao động nước ngoài đang cách ly tại khu Thanh Trì bày tỏ sự thất vọng trong công tác cách ly hiện nay :

"Thật sự em quá bất mãn từ việc ban lãnh đạo ở đây. Thay vì nhân viên làm sai thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, đằng này lãnh đạo lại bao che. Đây là nội quy đặt ra phải tuân thủ. Đường dây Bộ Y tế em gọi phản ánh vụ tại sao tụi em chưa ra mà lại đưa thêm người mới vào sinh hoạt chung mà không biết người đó có nhiễm virus corona hay không thì người trực đường dây Bộ Y tế hôm đó lại nói đường dây này dùng để tiếp nhận trường hợp dương tính hoặc thông tin từ bệnh viện, còn chuyện này không tiếp nhận. Em có xin tên trực đường dây nóng anh đó không cho, em xin mã số để biết ai tiếp nhận cuộc gọi của em cũng không cho".

Báo quốc nội trong ngày 14/8 đăng tin cho hay Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thống nhất nhận định rằng có thể từ giờ trở đi, Việt Nam sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa khi có nguy cơ dịch bệnh thường trực tại tất cả các địa phương.

Tính đến ngày 14/8, Việt Nam đã ghi nhận 929 ca nhiễm Covid-19, trong số này có 21 trường hợp đã tử vong.

Trong cùng ngày, Quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam dự định đặt mua từ 50-150 triệu liều vaccine phòng SARS-CoV-2 của Nga.

Nguồn : RFA, 14/08/2020

(1) https://ncov.moh.gov.vn/-/ban-tin-dich-covid-19-trong-24h-tiep-lua-mien-trung-chong-dich-covid-19

***********************

Việt Nam : Bệnh nhân thứ 20 tử vong vì Covid, thêm 22 ca nhiễm mới (RFI, 13/08/2020)

Tại Việt Nam hôm 13/08/2020, đã có thêm ba trường hợp tử vong, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng vì Covid cho đến hôm nay là 20 người.

tdn3

Một chốt kiểm soát tại một khu phố bị phong tỏa ở Hà Nội, ngày 04/08/2020.  Reuters - KHAM

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, có 22 ca mới lây nhiễm virus corona, trong đó có 14 ca tại Đà Nẵng. Tổng cộng hiện nay Việt Nam có 905 bệnh nhân Covid, trong đó có 327 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Các tỉnh có thêm ca dương tính mới là Quảng Nam, Quảng Trị, và 5 ca nhập cảnh vào Khánh Hòa. Hiện nay tổng số người bị cách ly do tiếp xúc gần với bệnh nhân và về từ vùng dịch là 133.340 người. Dịch corona đã xuất hiện tại 14 tỉnh thành, hầu hết đều liên quan đến Đà Nẵng. Chính quyền Đà Nẵng hôm nay yêu cầu tất cả những bệnh nhân từng điều trị nội trú từ ngày 01/07/2020 đều phải xét nghiệm.

Hai ca tử vong mới nhất đã trên 80 tuổi, nhưng điều đáng lo ngại là những bệnh nhân tử vong gần đây ở độ tuổi chỉ khoảng 50. Có một trường hợp ngoại lệ là một bà cụ 100 tuổi ở Quảng Nam, bệnh nhân lớn tuổi nhất Việt Nam đã có diễn tiến tốt, tuy vẫn còn dương tính với virus corona.

Quảng Trị có đến 14.451 người từ Đà Nẵng về, có 4 người bị dương tính nhưng nhờ xác định được các nguồn lây bệnh nên có khả năng dịch virus corona không lây lan. Hiện có 7 khu vực đã bị phong tỏa, với các chốt kiểm soát 24/24.

Riêng 15 ca từ Ghinê Xích Đạo trở về, bị sốt rét cộng thêm nhiễm virus corona, hiện không còn ký sinh trùng sốt rét trong máu.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VNTB, RFA tiếng Việt, RFI tiếng Việt
Read 592 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)