Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/09/2020

Học sinh và phụ huynh bị sốc với giá sách giáo khoa mới

Tổng hợp

Phụ huynh sốc vì giá sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và đào tạo nghiêm cấm nhà trường ép mua sách tham khảo

Duy Anh, An ninh Thủ đô, 04/09/2020

Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu nhà trường không được ép phụ huynh mua sách tham khảo trước phản ánh của phụ huynh tiền mua sách vở đầu năm học tăng vọt.

sgk1

Đầu năm học 2020 - 2021, nhiều phụ huynh hết sức bất ngờ với giá bộ sách giáo khoa lớp 1 được nhà trường thông báo lên tới 700.000đ - 800.000 đồng/bộ với hàng chục cuốn. Trong đó, các cuốn sách giáo khoa còn "cõng" theo hàng loạt sách bài tập, sách tham khảo.

Chia sẻ với báo chí, một số phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 một trường tiểu học ở quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, bộ sách lớp 1 chương trình mới năm nay quá đắt. Giá tổng cộng của bộ sách này là 807.000 đồng, bao gồm sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tiếng Anh, vở bài tập, tập và bảng viết…

Nếu trừ số tiền mua vở viết thì danh sách sách giáo khoa và tham khảo của trường này cũng lên trên 700.000 đồng. Trong đó, đắt nhất là sách tiếng Anh I-Learn Smart Start có giá 146.000 đồng/cuốn, bộ sách thực hành Toán, tiếng Việt 1 có giá 173.400 đồng.

sgk2

Danh sách và giá tiền mua sách vở đầu năm được phụ huynh công khai gây bức xúc vì chi phí quá cao

Trước những phản ánh về chi phí đầu năm học quá cao, trong điều kiện kinh tế khó khăn, chiều 4/9, Bộ Giáo dục và đào tạo đã phải ra công văn yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân không được ép phụ huynh học sinh mua tài liệu tham khảo, đồng thời chấn chỉnh việc trang bị sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trong trường học.

Bộ Giáo dục và đào tạo nêu rõ, thời gian vừa qua, một số phụ huynh đã phản ánh với cơ quan báo chí về tình trạng một số trường tiểu học yêu cầu phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 năm học 2020-2021 không đúng quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Do đó, Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và đào tạo triên khai, thực hiện nghiêm túc một số nội dung về vấn đề này.

Cụ thể, Sở Giáo dục và đào tạo phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã được quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT (ngày 30/12/2010) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.

Trong đó quy định rõ, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên ; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Đối với bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 – 2021, các trường thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt, gồm 8 môn học bắt buộc : Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên -Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và 01 môn học tự chọn là môn Tiếng Anh.

Trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết, thực hiện mua sắm.

Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định trên để việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo cho học sinh đảm bảo đúng, đủ, hiệu quả, tránh lãng phí.

Duy Anh

Nguồn : An ninh Thủ đô, 04/09/2020

*******************

Phụ huynh, giáo viên phản ứng trước việc giá sách giáo khoa lớp 1 quá cao !

RFA, 04/09/2020

Ngày 4/9/2020, một số trường học ở Việt Nam đã chính thức tổ chức lễ khai giảng năm học 2020-2021. Năm học mới bắt đầu khi dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt, những khó khăn, thử thách vẫn còn đó không chỉ đối với ngành giáo dục, mà hầu như mọi ngành nghề đều gặp khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

sgk3

Học sinh tại một trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa) Reuters

Tại một số địa phương, hiện vẫn chưa tổ chức lễ khai giảng năm học mới nhưng hầu như các em học sinh đều đã đến trường nhận lớp, đóng học phí, v.v. Trong lúc nhiều phụ huynh vẫn còn khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì theo thông tin các phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội, họ cảm thấy choáng và bất ngờ khi giá của bộ sách lớp 1 chương trình mới năm nay quá đắt. Tùy theo quy định của mỗi trường, nếu mua trọn bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, phải trả đến khoảng 800 ngàn đồng.

Chị Huỳnh Hằng, ở Đà Nẵng, khi trao đổi qua tin nhắn với Đài Á Châu Tự Do hôm 4/9/2020, cho biết :

"Chị phản đối kịch liệt việc thay sách giáo khoa và tăng giá ngay thời điểm này, sách giáo khoa hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ dùng suốt nhiều năm thậm chí suốt đời, chứ không phải cứ thay đổi soành soạch thế. Thứ hai, ngay thời điểm dịch, ai cũng khốn khó mà một bộ sách tăng lên đến 800 ngàn là một điều không thể chấp nhận, mới cho ra quyết định miễn giảm học phí thì lại tăng giá sách, một tháng học phí là 50 ngàn thì học 8 tháng chỉ 400 ngàn, miễn học phí mà tăng giá mua sách thì chi bằng đừng giảm, hơn nữa một gia đình đâu phải một cháu đi học, gánh nặng chồng chất trên vai, dân nghèo sống gì nổi !".

Theo Chị Huỳnh Hằng sách cũ lớp 1 giá chỉ 54.000 mỗi bộ, trong khi sách mới giá thấp nhất là 176.000, cho đến 199.000 vị chi tăng gần đến 400% nghĩa là gần 4 lần sách cũ. Nếu trường yêu cầu phải mua trọn 5 bộ cho lớp 1, số tiền sẽ lên đến khoảng 800 ngàn.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 9 năm 2020, Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai, người nhiều năm giảng dạy tại tỉnh Tiền Giang, cho biết tình trạng thực tế liên quan việc này :

"Tôi đi dạy mấy chục năm rồi tôi thấy năm nào Bộ giáo dục cũng tăng giá sách chứ không phải riêng năm nay đâu. Mà tăng giá sách gây khó khăn cho phụ huynh rất là nhiều, nhiều phụ huynh họ nghèo lắm, nội lo mua sách cho con cũng là gánh nặng rồi nói chi năm nay bị Coronavirus người ta khổ lắm. Người nghèo ở Việt Nam không được hỗ trợ gì hết. Người dân Việt Nam khổ lắm, năm nào cũng vậy, tới mùa tựu trường tiền mua sách giáo khoa đã là gánh nặng rồi mà năm nay còn tăng gấp 4 lần.."..

Vào tháng 3 năm 2020, Bộ Tài chính đã chấp thuận giá Bộ sách giáo khoa lớp 1 của hai Nhà xuất bản Đại học Sư phạm giá cao nhất - 199.000 đồng, và bộ rẻ nhất là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 179.000 đồng.

Trước đó, bộ sách lớp 1 mang tên là ‘Cánh Diều’ với 8 môn : Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật và Hoạt động trải nghiệm, của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm được Bộ Tài chính đã chấp thuận giá bộ sách là 215.000 đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm giá bộ sách xuống còn 199.000 đồng.

Một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn, cũng là một phụ huynh, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 9 năm 2020 :

"Tăng giá thì có sách lớp 1 mới thì mới tăng giá, vì năm chương trình lớp 1 thay đổi, cho nên sách của các bé từ nội dung đến hình thức đều thay đổi, ngay cả số lượng sách cũng thay đổi nên nó mới tăng như vậy, sách lớp 1 mới thì bắt buộc phải mua. Còn các sách từ lớp 2 đến lớp 5 thì vẫn bình thường, học sinh cũ từ lớp 2 trở lên có thể dùng sách cũ của anh chị để lại, nhưng không được viết sẵn hay trả lời câu hỏi trong đó... chỉ có sách lớp 1 thì cần dùng sách mới".

sgk4

Học sinh trường Marie Curie ở Sài Gòn. Reuters

Theo vị giáo viên này, tùy từng khu vực, nếu ở nội thành khu vực trung tâm thành phố thì giá sách tăng lên 800 ngàn, không ảnh hưởng lắm, phụ huynh có thể mua, không đến nổi khó khăn. Tuy nhiên Cô nói tiếp :

"Nhưng ở những vùng ven, vùng lân cận xa hơn, hay ngay tại thành phố Hồ Chí Minh mà họ là công nhân từ nơi khác đến thành phố Hồ Chí Minh làm việc, và có con theo học theo dạng hộ khẩu KT3, thì bộ sách mấy trăm ngàn rất khó khăn cho họ. Mà không phải chỉ tiền sách, còn tiền học bán trú, các loại tiền khác... thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của họ trong dịp đầu năm học này".

Không chỉ phụ huynh phản ánh trên mạng xã hội vì giá sách tăng cao. Truyền thông nhà nước Việt Nam vào đầu tháng 9 cũng đăng bài cho biết, nhiều phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học An Phong, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, cảm thấy choáng và bất ngờ khi giá của bộ sách lớp 1 chương trình mới năm nay quá đắt.

Trường tiểu học An Phong công bố, giá tổng cộng của bộ sách này là 807 nghìn đồng, bao gồm sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tiếng Anh, vở bài tập, tập và bảng viết của bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống… Trong đó, đắt nhất là sách tiếng Anh I-Learn Smart Start có giá 146.000 đồng/cuốn, bộ sách thực hành Toán, tiếng Việt 1 có giá 173.400 đồng.

Thầy Đỗ Việt Khoa, ở huyện Thường Tín - Hà Nội, người từng nhiều lần lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 9 năm 2020 :

"Tình hình sách giáo khoa lớp 1 tại một số địa phương lên đến 800 ngàn mỗi bộ, trong khi các địa phương khác chỉ 180 ngàn, cái này có hơi bất thường, đây là hậu quả của việc mấy năm vừa qua bỏ độc quyền sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục. Hiện nay có rất nhiều nhà xuất bản làm ra nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, từ đó nó dẫn đến tình trạng sách giáo khoa không thống nhất trên cả nước, dẫn đến tình trạng loạn giá, mỗi một nơi in và bán một giá khác nhau. Kiểu như cơ chế thị trường nó sinh ra tự do là như vậy. Nhưng mỗi một bộ sách giáo khoa mà lên đến 800 ngàn là điều bất thường, các cơ quan chức năng cần đi kiểm tra lại".

Từ trước đến nay, độc quyền phát hành sách giáo khoa là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhưng với Nghị quyết 88 của Quốc hội thì năm 2020 thế độc quyền này bị chia sẻ cho Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên dù có thay đổi thì vẫn có tới 24/32 sách giáo khoa mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Như vậy, các trường lựa chọn sách nào thì đa số cũng thuộc của nhà xuất bản này, đương nhiên với lợi nhuận đi kèm.

Cô giáo Huỳnh Thị Xuân Mai cho biết thêm :

"Tôi làm trong ngành tôi biết, không phải tôi nói xấu đồng nghiệp, chứ nhiều nơi cấp trên họ chia tiền lời bán sách cho giáo viên, cho nên nhiều giáo viên cũng thích bán sách, vì họ được huê hồng, bây giờ thu gì giáo viên cũng có huê hồng, giống như là làm kinh tế phụ, giáo viên thu nhập thêm".

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, Tình trạng nâng giá sách do lòng tham của nhà phát hành sách mà ra, thứ hai theo Thầy Khao do lâu nay phụ huynh học sinh cam chịu, coi con em đến trường như một dạng con tin của các trường, trường thu gì cũng phải chịu. Thầy nói tiếp :

"Thật ra 1 bộ sách 800 ngàn chưa chắc đã cao bằng các khoản thu trái phép khác. Chẳng hạn trường Nhật Tảo chỗ tôi mỗi năm thu các khoản khác nhau cũng đã 800 ngàn, hay nó còn tạo ra các khoản thu khác. Lãnh đạo trường cấm giáo viên chủ nhiệm gởi giấy tờ thông báo thu đến huynh, chỉ báo miệng... không có chứng cứ,phụ huynh không thể kiện, cấp trên cũng không biết. Bây giờ tình trạng này không chỉ 1 trường má rất phổ biến ở nhiều trường trên cả nước. Có thể nói đây là sự tham lam của các hiệu trưởng, chứ không phải giáo viên, giáo viên chúng tôi chỉ là những người lính làm thuê, không thu không được,nó sẽ nói là chống đối và trừng phạt".

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, pháp luật Việt Nam đang buông lỏng quản lý vấn đề này, vài địa phương có xử lý được các hiệu trưởng tiêu cực, nhưng số đông các địa phương khác lại bao che cho hiệu trưởng, cho nên hiệu trưởng có thể "tác oai tác quái". Theo Thầy, tình trạng này ở Việt Nam đã hơn chục năm qua, nó giống như mảnh đất màu mỡ để các hiệu trưởng kiếm chác từ phụ huynh học sinh.

Nguồn : RFA, 04/09/2020

Quay lại trang chủ
Read 724 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)