Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/09/2020

Dân được gì với tăng trưởng dương, giải ngân 100% vốn đầu tư công

RFA tồng hợp

Việt Nam được đánh giá tăng trưởng dương tại khu vực Đông Nam Á : người dân được hưởng lợi gì ?

RFA, 18/09/2020

Tăng trưởng dương

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,3% trong năm 2020 và Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á tăng trưởng trong năm nay.

vn1

Một người đàn ông làm việc tại một nhà máy cơ khí ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 30/5/2018. Reuters/Kham

Nội dung vừa nêu được Oxford Economics dự đoán trong báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" do công ty này thực hiện.

Oxford Economics được nói là công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích định lượng và dự báo toàn cầu.

Trao đổi với RFA tối 17/9, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định :

"Tôi thấy các tổ chức quốc tế hiện nay có đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, ADB có đánh giá Việt Nam tăng trưởng 1,8%, các dự báo khác của IMF cũng dự báo tăng khoảng 2,3%. Đấy thể hiện nỗ lực của Việt Nam kiểm soát được Covid-19 và đang nỗ lực để vừa kiểm kiểm soát được dịch bệnh vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Ở đây thì phải nói tới đóng góp rất tích cực của nông nghiệp Việt Nam cả về bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu. Còn xuất khẩu thì các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có đóng góp đáng kể trong việc bảo đảm xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng".

Chính phủ Hà Nội đầu năm 2020 đưa ra chỉ tiêu GDP 6,7% cho cả năm. Sau khi dịch bệnh viêm phổi cấp do SARS-CoV-2 lây lan trong cả nước, các lãnh đạo đã điều chỉnh xuống 5%, đến tháng 5 vừa qua đã điều chỉnh xuống 3-4% và vẫn đang giữ mục tiêu này.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính hiện đang sinh sống tại Hà Nội, với mức độ tăng trưởng dự báo là 2,3% thì Việt Nam có khả năng đạt được. Theo ông, chỉ tiêu Hà Nội đạt được chỉ ở khoảng mức 2% nên với dự báo 2,3% thì chính phủ đang đi sát với thực tế, còn mức 3-4% thì chính phủ hơi lạc quan. Ông nói thêm :

"Mức 2,3% thì có lẽ so với nhiều nước xung quanh là mức lạc quan vì chẳng hạn như Singapore thì họ dự báo tăng trưởng âm, còn nếu mình vẫn tăng trưởng ở mức không đạt được 6,8% như chính phủ và quốc hội đề ra vào cuối năm ngoái, thì đó (2,3%) là mức rất thấp trong vòng mười mấy năm qua. Dù sao đi nữa thì cả thế giới bị dịch bệnh, không phải chỉ có Việt Nam, thành ra nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng âm và cả thế giới GDP toàn cầu có thể -5%, mình còn +2,3% thì đây là điều tích cực".

Lợi ích tăng trưởng dương

Đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới. Theo thống kê từ Oxford Economics, Coronavirus đã làm GDP toàn cầu giảm khoảng 9% trong nửa đầu năm 2020, gấp ít nhất 3 lần mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Riêng tại Đông Nam Á, ảnh hưởng của dịch bệnh này được tờ báo Nation của Thái Lan cho biết đã gây ra cú sốc tăng trưởng lớn nhất cho Đông Nam Á kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Theo đó, tăng trưởng khu vực được dự báo sẽ giảm 4,2% vào năm 2020.

vn2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Đà Nẵng hôm 3/8/2020 Reuters

Tuy nhiên, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, các hoạt động kinh tế tại khu vực Đông Nam được đánh giá đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Dù vậy, tốc độ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 giữa các nước sẽ có khác biệt do còn phụ thuộc vào việc nới lỏng các hạn chế cấm vận và cải thiện nhu cầu xuất khẩu.

Trong báo cáo Báo cáo của Oxford Economics, Việt Nam được nhận xét rằng đang sở hữu triển vọng phục hồi sáng nhất so với các nước trong khu vực nhờ việc kiểm soát dịch Covid-19 rất hiệu quả cho tới lúc này.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 11/9 cho biết trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có hơn 24.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động đang chờ làm thủ tục giải thể và 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản.

Theo thống kê được ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho báo quốc nội biết, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, với tăng trưởng GDP được dự đoán ở mức 2,3% thì Việt Nam hy vọng sẽ kiểm soát được nạn thất nghiệp :

"Hiện nay thất nghiệp ở Việt Nam đã khá nghiêm trọng do việc giãn cách xã hội và do sức mua giảm sút nên không chỉ có các công nhân làm việc trong các doanh nghiệp mà tỉ lệ các hộ gia đình, tức ở khu vực kinh tế phi chính thức cũng gặp khó khăn, không thể tiếp tục kinh doanh. Vì vậy số người thất nghiệp hoặc giảm thu nhập là một gánh nặng khá lớn trong nền kinh tế. Nên nỗ lực của Việt Nam sắp tới đây là làm sống lại nền kinh tế và làm cho các hộ gia đình tiếp tục kinh doanh và hoạt động để có thể tạo thu nhập cho khu vực kinh tế phi hình thức này".

Với nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, chính phủ Hà Nội đã ban hành lệnh giãn cách toàn xã hội vào tháng 4 khiến nền kinh tế bị đình trệ.

Đến cuối tháng 7, dịch bệnh lại bùng phát tại Đà Nẵng, nhưng trong lần này, chính phủ không ra lệnh giãn cách toàn xã hội nữa mà để cho chính quyền các tỉnh, thành tự quyết định dựa trên thực trạng lây nhiễm tại địa phương. Với cách làm vừa nêu, tình hình kinh tế được nhận định dù vẫn bị ảnh hưởng nhưng không gây nhiều thiệt hại như lần trước.

Anh Sang Nguyễn, một người dân bị mất việc từ tháng 4 đến nay trao đổi qua Facebook Messenger cho biết tình hình bản thân :

"Dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng kinh tế vẫn ảm đạm lắm. Công ty vẫn chưa kêu nhân viên đi làm lại, để có thể trả tiền thuê nhà và tiền sinh hoạt, anh phải bán hàng online nhưng vẫn không khá hơn, tiền tiết kiệm được cũng đã xài hết rồi".

Theo quan điểm cá nhân, Nhạc sĩ Lê Thiệu đang làm nghề tự do cho hay ông không quan tâm gì đến GDP hay tăng trưởng kinh tế :

"Trong các ngành nghề tự do trong xã hội thì không thấy có một lợi ích gì về tăng trưởng GDP nhà nước thông báo, mức sống ngày càng khó khăn hơn, phải làm việc nhiều hơn, đồng tiền Việt Nam tuột giá. Ví dụ như muốn giữ được mức thu nhập đó phải làm việc nhiều hơn, kể cả về công sức hoặc thời lượng mới mong giữ được mức thu nhập để đủ sống. Vấn đề GDP thì tôi không tin vào sự tăng trưởng, trong giai đoạn này nếu giữ được sự bình ổn thì quá tốt rồi làm gì có tăng trưởng. Đó là ý kiến cá nhân tôi, còn chuyện nhà nước thông báo thì chịu, không kiểm chứng được, họ muốn thông báo thế nào thì thông báo".

Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt, việc tăng trưởng dương dù không trực tiếp giúp các doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn đem đến lợi ích nhất định :

vn3

Quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa vì dịch Covid-19 hôm 28/3/2020. Reuters

"Đương nhiên khi GDP tăng trưởng thì kinh tế tăng trưởng, kinh tế tăng trưởng có thể từng doanh nghiệp cụ thể không tăng trưởng hoặc không được lời nhưng nhìn toàn cục thì GDP tăng trưởng thì các doanh nghiệp phải góp phần mới tăng trưởng được, người dân có lợi hơn. Tăng trưởng được phần trăm nào thì người dân sẽ đỡ khổ hơn phần trăm đó".

Trước những thực trạng mà người dân và doanh nghiệp vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu ra ba yếu tố duy trì lực lượng lao động và tăng trưởng dương mà chính phủ Hà Nội nên xem xét :

"Yếu tố thứ nhất là chúng ta giải ngân các dự án đầu tư công để tạo ra công ăn việc làm và là động lực phát triển kinh tế. Khi chính phủ giải ngân những dự án như thế là một động lực cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm cho người lao động. Nhưng không thể chỉ qua đầu tư công mới có thể tạo công ăn việc làm, vì đầu tư công trong đó có xây dựng hạ tầng cơ sở như cầu cống, đường sá, tất cả những cơ sở hạ tầng như thế chỉ có thể tuyển dụng được một phần lao động, còn phần lớn lao động vẫn phải nằm trong tay các doanh nghiệp. Thành ra thứ hai là hỗ trợ các doanh nghiệp để họ duy trì lao động để không xảy ra việc sa thải lao động một cách đại trà. Thứ ba là tạo ra công ăn việc làm mới cho giới lao động thất nghiệp vì những nguời thất nghiệp như thế cần được tái đào tạo và tìm công ăn việc làm cho họ. Một trong những điều quan trọng là Việt Nam đang đi vào nền công nghệ kinh tế chuyển đổi số, có nghĩa là sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để điều hành doanh nghiệp và cả chính phủ. Một số lực lượng lao động để có thể được tuyển dụng trong lĩnh vực đó phải được đào tạo và tái đào tạo".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng +2,3% thì rất nhiều doanh nghiệp dù không ăn nên làm ra như năm 2019 nhưng doanh nghiệp vẫn tồn tại được, đặc biệt với người lao động. Theo ông, có một số người sẽ mất công ăn việc làm, thu nhập giảm, nhưng tăng trưởng dương cũng giúp những người dân khác vẫn còn giữ được công ăn việc làm.

Tiến sĩ Hiếu nhận định có thể tỉ lệ thất nghiệp tại đất nước hình chữ S mặc dù tăng lên trong năm 2020 nhưng nhìn chung vẫn đang ở trong vùng kiểm soát được.

Nguồn : RFA, 18/09/2020

************************

Liệu Việt Nam đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020 ?

RFA, 18/09/2020

Phân bổ vốn nhà nước đạt mức cao nhất giai đoạn 2016-2020

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vào trung tuần tháng 9 cho biết nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2020 được phân bổ trong tháng 8 tăng hơn 45% và trong 8 tháng qua tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ lệ vừa nêu được ghi nhận đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

vn4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam ngày 17/9/2020. Courtesy : VGP News

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng đầu năm 2020, giải ngân được đạt 250 ngàn tỷ đồng, tương đương 50,7% kế hoạch năm.

Nguyên nhân giải ngân chậm, được ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích rằng vẫn bao gồm các yếu tố tồn tại cố hữu trong thời gian dài như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác bao gồm việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, cũng như việc triển khai có nhiều bất cấp giữa các cơ quan bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Nguồn vốn ODA giải ngân chậm

Liên quan đến nguồn vốn ODA bị giải ngân chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết thêm rằng nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.

Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch Covid-19, mà mọi hoạt động của các dự án đều bị chậm lại bao gồm về yếu tố con người như chuyên gia, nhà đầu tư và cả về tư vấn, giám sát, nhập khẩu máy móc…

Trao đổi với RFA, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế của Học viện Tài chính Việt Nam, từng đưa ra nhận định về tình trạng giải ngân vốn ODA tại Việt Nam trong thời gian qua :

"Trước đây nhiều bộ ngành cho rằng vốn ODA là vốn cho không, nếu xin được dự án đầu tư thì bộ ngành mình, địa phương mình sẽ có dự án, từ đó có công ăn việc làm và khả năng tăng trưởng phát triển, vì thế họ cứ vẽ ra và xin chứ không tính đến hiệu quả kinh tế, cũng như tác động đến môi trường... Khi đó đã được phê duyệt, có vốn vay... nhưng đến bây giờ do thắt chặt quản lý kinh tế, chống tham nhũng, đòi hỏi đầu tư công phải có hiệu quả kinh tế, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu không đạt. Do đó hiện nay nhiều bộ ngành địa phương thấy nếu tiếp tục sẽ không hiệu quả, người đứng đầu sẽ bị điều tra vì thấy có không hiệu quả nhưng vẫn làm... như vậy có tham nhũng không ? Nên nhiều nơi đã xem xét dừng dự án, trả lại vốn đầu tư công".

vn5

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/8/2020. AFP

Quyết tâm của Thủ tướng về giải ngân đầu tư công

Vào khi Việt Nam trở lại hoạt động bình thường, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, hồi trung tuần tháng 7 đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân làm trưởng đoàn kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và một số địa phương khác.

Mới đây nhất, qua báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu từ công sau 8 tháng 2020 và trình một số biện pháp nhằm cải thiện tình trạng giải ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải "đồng bộ" cùng tăng tốc để giải ngân đạt mức cao nhất 100% trong năm 2020. Bởi vì, giải ngân đầu tư công được coi như là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế. Và theo Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư công thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Do đó, mục tiêu của Việt Nam trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải "nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công".

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, vào tối ngày 18/9, lên tiếng với RFA rằng ý chí và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam về giải ngân đầu tư công trong năm 2020 là rất cao ; thế nhưng thực tiễn có hoàn thành được hay không thì phải chờ đợi kết quả mà thôi.

"Bây giờ ông Thủ tướng quyết tâm như thế trong lúc một số ngành và địa phương trả lại vì người ta không hoàn thành, trong khi còn một số nơi quyết tâm thực hiện đạt 100%. Nhưng đây là một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam thì không biết năm nay như thế nào. Ông Thủ tướng đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể ở từng khâu, từng địa phương, từng ngành một với các đề án hết rồi. Nhưng theo tôi nghĩ thì vấn đề không đơn giản mà cũng rất là khó khăn".

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, vào ngày 17/9, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ với giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries trong chiều cùng ngày.

Tại buổi gặp gỡ này, Thủ tướng Việt Nam chia sẻ thông tin về tỷ lệ giải ngân các chương trình dự án ADB trong 8 tháng năm 2020 chỉ đạt 36% và còn đến khoản hơn 900 triệu USD cần được giải ngân theo kế hoạch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị với đại diện của ADB cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân số vốn còn lại để nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.

Ông Andrew Jeffries nói với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng ADB đánh giá Việt Nam đã bắt đầu thoát khỏi đại dịch Covid-19 và ông hứa hẹn sẽ cố gắng hết khả năng của mình trong nhiệm kỳ, để hỗ trợ Việt Nam tốt hơn.

Đài RFA nêu vấn đề liệu rằng chỉ còn vỏn vẹn 1 quý cuối cùng của năm 2020, ADB sẽ thực hiện giải ngân số vốn còn lại hơn 900 triệu USD theo như đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay không ? Tiến sĩ Ngô Trí Long giải thích :

"Muốn giải ngân được hay không thì không phải ngân hàng ADB có một cục tiền là đưa ngay, mà họ phải kiểm tra, goám sát xem có đúng mục đích, đúng chi tiêu, thực tế đúng theo cam kết hay không… chứ không phải cứ có tiền là giải ngân được. ADB phải kiểm tra, kiểm soát một cách hết sức chặt chẽ từng khâu một, tiến triển như thế nào, thực thi được bao nhiêu, nội dung công việc ra sao, kế hoạch có khả thi hay không… Không phải ông Thủ tướng nói thì họ sẽ giải ngân cho đâu".

Đứng trước tình thế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam rất cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng khó có thể lạc quan qua quyết tâm của Chính phủ Hà Nội.

Hồi trung tuần tháng 8, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh-giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, được VnExpress dẫn lời cho rằng Việt Nam nên bỏ chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế, và mục tiêu năm 2020 chỉ tập trung vào tăng trưởng ở mức tối đa có thể trong điều kiện giữ ổn định và an toàn tốt nhất về y tế.

Đối với tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, thì một trong những giải pháp có thể áp dụng cho "căn bệnh trầm kha" giải ngân vốn đầu tư công chậm là :

"Chính quyền cũng nên có những gói tưởng thưởng vật chất tương xứng theo giá trị thị trường (tương đương với mức thưởng mà các doanh nghiệp lớn làm) mỗi khi một dự án ODA thực hiện đúng tiến độ như đề xuất".

Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, vào hạ tuần tháng 7, đề nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều chuyển số tiền vốn vay đầu tư công còn thừa hơn 1.800 tỷ đồng sang cho các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân.

Vào cuối tháng 8, Bộ tài chính cho biết 9 bộ, ngành xin trả lại 3.700 tỷ đồng vốn ODA, chiếm 32% dự toán được giao.

Trong một cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với địa phương trong tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố rằng "chậm giải ngân đầu tư công, phải kiểm điểm người đứng đầu".

Nguồn : RFA, 18/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 507 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)