Cần nhắm vào các nhà sản xuất để giải quyết giảm thiểu "khủng hoảng rác nhựa" tại Việt Nam
Giang Nguyễn, 25/09/2020
Mỗi ngày, Việt Nam thải ra hơn 60.000 tấn rác, trong đó 71% cuối cùng được đưa vào các bãi chôn lấp.
Bãi chất thải nhựa. AFP
Bà Quách Thị Xuân, cố vấn Việt Nam cho tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment) cho biết như trên tại buổi hội luận về vấn đề rác nhựa tại Châu Á, do Trung Tâm Wilson của Hoa Kỳ tổ chức sáng ngày 25/9/2020.
Bà Xuân gọi đây là một "khủng hoảng rác thải", khiến nhiều lần dân làng sống gần bãi rác phải biểu tình ngăn chặn xe tải rác. Bà nói, việc này thường xuyên xảy ra tại nhiều tỉnh ở Việt Nam, và mỗi lần như vậy thì thành phố tràn ngập những đống rác.
Bà cho biết, tổ chức Môi trường Thái Bình Dương đã thực hiện khảo sát về nguồn gốc chất thải :
"Vấn đề lớn là ô nhiễm do nhựa. Trong khảo sát chất thải của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy rằng trong một số ngành, rác nhựa chiếm tới 20%. Người dân Việt Nam sử dụng nhiều túi ni lông, trung bình gần 500 túi ni lông mỗi năm… Và vì hệ thống thu gom rác của chúng ta kém, nên sau mỗi trận mưa lũ lớn, rác thải trôi theo đường nước và ra bờ biển… Chúng tôi đã thực hiện một số khảo sát, và phát hiện các công ty gây ô nhiễm lớn như : Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk".
Bà cho rằng, để giảm số lượng rác nhựa, đặc biệt loại rác nhựa chỉ dùng một lần, như ly, chai nhựa, túi ni lông, thì nỗ lực bảo vệ môi trường không thể chỉ nhắm vào đối tượng người tiêu dùng, mà phải nhắm vào các nhà sản xuất bao bì nhựa.
"Chúng tôi cho rằng để giải quyết vấn đề nhựa không chỉ cần giải quyết từ phía cầu mà cả phía cung. Có nghĩa là tất cả các công ty này phải có trách nhiệm thu dọn sản phẩm của mình sau khi tiêu thụ".
Quốc hội Việt Nam hiện đang trong quá trình hoàn thiện Dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó lần đầu tiên đề cập đến vấn đề Tăng cường trách nhiệm (tái chế) của nhà sản xuất (EPR).
Theo đó, các "Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế cao phải thu hồi, tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc".
Bãi rác Đa Phước tại Thành phố Hồ Chí Minh Photo : RFA
Các nhà sản xuất phải tự thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì, hoặc ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện, và ngoài ra, "phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế các sản phẩm, bao bì".
Danh mục sản phẩm sẽ do chính phủ quy định.
Bộ Tài nguyên và môi trường gần đây đã thành lập Tổ công tác Tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), với nhiệm vụ thúc đẩy việc nêu trên.
Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), là một thành viên trong Tổ công tác này. Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Môi trường vào tháng 7/2020 ông đánh giá rằng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mang tính thực tiễn cao.
Tuy nhiên bà Quách Thị Xuân cho rằng dự thảo luật Bảo vệ môi trường có những khuyết điểm :
"Trong Tổ công tác này, ngành công nghệ giữ cái ghế ưu thế, như Hiệp hội nhựa Việt Nam, và Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO). Đây là hai tổ chức lớn có tầm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển hệ thống EPR tại Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một trở ngại đối với việc phát triển EPR. Họ vận động hành lang trong việc lựa chọn hệ thống EPR do nhà nước dẫn đầu hoặc do công nghiệp dẫn đầu.
Trở ngại thứ hai, theo chúng tôi, thì một hệ thống EPR lý tưởng nên có các quy định khiến cho cách kinh doanh như xưa nay trở nên quá tốn kém... và vì vậy tất cả các công ty đều phải chuyển sang việc tái chế sản phẩm sử dụng".
Bà Xuân nói rất tiếc bà không thấy điều này trong bản nháp EPR hiện tại. Dự thảo luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc Hội chấp thuận tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 11 năm nay.
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 25/09/2020
*********************
Khả năng đối phó hạn, mặn mới nhất của Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long đến đâu !
RFA, 25/09/2020
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày 23/9 có buổi làm việc với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại làm việc với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày 23/9/2020. - Nguồn : tiengiang.gov.vn
Theo bản tin được báo nhà nước Việt Nam đăng tải cùng ngày, ông Thủ tướng cho rằng, cần có nghiên cứu tầm quốc gia về việc ngăn mặn vào sâu. Trong bối cảnh sắp tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng thì việc tích nước ngọt cũng rất quan trọng.
Luôn theo sát tình hình Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Việt Nam cũng ước mong rất lớn về Đồng bằng sông Cửu Long thông qua nhiều hội nghị trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo về câu chuyện làm gì cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Trao đổi với RFA tối 25/9, Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra nhận xét về giải pháp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong cuộc họp ngày 23/9 như sau :
"Tôi cho rằng việc nghiên cứu được đặt ra là hoàn toàn rất cần thiết vì sự xâm nhập mặn đó sẽ làm giảm đi năng lực của kinh tế nông nghiệp, đặc biệt đây là vùng nông nghiệp của Việt Nam. Tôi cho rằng liên quan đến việc chống xâm nhập mặn thì cần tạo ra bài toán về thủy lợi, tức giảm đi khai thác nước ngầm để phục vụ nông nghiệp. Trước đây việc khai thác nước ngầm quá mức đã gây sụt lún và không còn nước ngọt để đẩy mặn ra xa hơn. Giải quyết thế nào thì vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đặt vấn đề là việc khai thác ở thượng nguồn sông Mekong có tác động rất lớn đến lượng nước cần thiết cho vùng hạ nguồn, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu tác động lớn nhất của việc hiện nay nước ở thượng nguồn không được cấp cho hạ nguồn, làm cho mức bùn ở lũ không còn cao, nước ngọt trữ lại ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng kém".
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, những lý do gây ra tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm :
"Một là nước biển nâng do biến đổi khí hậu ; hai là mực nước ngầm của Đồng bằng sông Cửu Long bị khai thác quá mức và lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long có vẻ giảm vì vậy nước ngầm bị hao hụt. Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn xâm nhập mặn".
Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là nơi cung cấp nông lương thực lớn nhất cả nước với sản lượng nông nghiệp chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản chiếm 70% cả nước.
Tuy nhiên, khu vực này vừa qua phải hứng chịu tình trạng hạn mặn lịch sử trong 10 năm trở lại đây khiến ngành nông nghiệp nơi đây bị ảnh hưởng nhiều.
Ủy Hội Sông Mê Kông trong báo cáo đưa ra ngày 7/8 cũng chỉ ra rằng dòng chảy thấp có thể tác động nghiêm trọng đến cộng đồng ở các quốc gia thành viên có dòng Mê Kông chảy ngang bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 23/9 cũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước để hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời không để người dân thiếu nước sinh hoạt, nước không bảo đảm vệ sinh…
Một người nông dân đang thu thoạch cây mía giữa thời kỳ hạn hán. Reuters
Xác nhận tình trạng hạn mặn ảnh hưởng đến nguồn nước, đem lại những khó khăn cho người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, anh Năm Tân, một người dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang cho hay :
"Tới mùa khô thì nước ngọt không có để dự trữ. Nước ngọt chắc tích lũy không được, vùng đồi núi thì ngăn đập lại được, vùng đồng bằng thì không cáh ly được. Đó là rõ ràng. Vừa rồi chính quyền có cấp nước ngọt cho dân, ghe lại bơm tập trung giao cho một vườn bao nhiêu khối nhưng cũng không đủ nên người ta tập thói quen chuyển đổi cây trồng, trồng cây khác, cây nào không thích hợp mặn thì bỏ. Anh đang chăm vườn (sầu riêng) cũng lớn nhưng mình thấy vì biến đổi khí hậu thì thay vì ngay khu vực chỗ anh là sầu riêng nhưng sầu riêng không thích ứng độ mặn 0,5/1000 thì sẽ đổi qua bưởi, cam, còn mít thì độ mặn không ảnh hưởng gì cây mít luôn".
Theo Thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia về nước, hiện có 4 giải pháp mà chính quyền có thể áp dụng để giải quyết dài hạn vấn đề hạn, mặn cho người dân. Ông đề xuất :
"Thứ nhất, hỗ trợ về tài chính cho nông dân để họ khởi nghiệp, chuyển đổi sinh kế mới. Thứ hai, hỗ trợ về công nghệ, tức là hướng dẫn rồi khuyến nông và thí điểm, v.v. Thứ ba là hỗ trợ về thể chế, nghĩa là tạo thành cơ cấu có tính chất khép kín để giúp người nông dân có được đầu ra, như là giúp người nông dân về khâu sản xuất có một liên kết nào đó để hỗ trợ lẫn nhau. Cái cuối cùng là hỗ trợ về sở hụi, nghĩa là người nông dân khi họ nhìn vào số đông thì họ dễ tin tưởng hơn là chỉ đưa ra nghị quyết hay đưa ra hướng dẫn, thành ra phải làm sao đó để tạo ra một phong trào".
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng các nhà khoa học hiện vẫn đang loay hoay về chuyện làm gì, giải pháp nào để giảm việc khai thác nước ngầm và trữ nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long :
"Hiện nay vấn đề thực hiện quy hoạch trong đó có quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030 đang trong quá trình xây dựng. Tôi cho một đầu tiên làm là phải có quy hoạch rất hợp lý cho đồng bằng sông Cửu Long. Từ quy hoạch đó thì mới đưa ra các giải pháp cụ thể. Thành ra tôi cho rằng bây giờ đặt vấn đề này như một vấn đề rất nghiêm túc mà Việt Nam phải làm và phải được thể hiện trong quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long mà hiện nay Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang chủ trì bản quy hoạch này".
Quy hoạch Giáo sư Đặng Hùng Võ vừa nhắc đến được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư hoàn thiện và trình Thủ tướng trong quý IV/2020.
Báo Nhà nước Việt Nam trong ngày 25/9 dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đăng tải cho hay mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn cùng với lượng mưa thiếu hụt mạnh nên khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị thiếu khoảng 130 tỷ m3 nước.
Với vị trí địa lý nằm ở khu vực hạ lưu các con sông lớn, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vào ngày 17/8 cho hay 63% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào hoạt động của các quốc gia thượng nguồn, trong đó Trung Quốc là tác nhân có khả năng khống chế nhiều nhất.
Nguồn : RFA, 25/09/2020
*********************
Thời tiết Việt Nam diễn biến phức tạp từ giờ đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021
RFA, 25/09/2020
Thời tiết tại các khu vực ở Việt Nam sẽ có diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Những ngôi nhà bị ngập lụt ở phía nam đồng bằng sông Cửu Long thuộc tỉnh Long An Bức vào ngày 12 tháng 10 năm 2011. AFP
Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, loan tin ngày 25/9.
Theo lời ông Mai Văn Khiêm, trạng thái La Nina có xác suất 65-70% sẽ tác động đến thời tiết tại Việt Nam với những đặc trưng như không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm ; bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường. Mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm. Mưa có xu hướng gia tăng hơn ở miền Trung và Nam bộ. Đáng lưu ý là do tác động của La Nina, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ xuất hiện mưa trái mùa nhiều hơn vào mùa khô tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi 4/5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới từ khu vực Biển Đông từ nay đến hết năm 2020, chủ yếu tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam.
Trong tháng đầu năm 2021, khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ vẫn có khả năng bị ảnh hưởng bởi xoáy thuận nhiệt đới ở Nam Biển Đông.
Cũng trong ngày 25/9, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Bắc Bộ Bùi Đình Lập thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ từ ngày 26-28/9 có khả năng gây ra lũ tại các các sông, suối. Từ đó có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng tại miền núi Bắc Bộ.
Do đó, người dân cần cảnh giác trước và sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn cùng với lượng mưa thiếu hụt mạnh nên khu vực này có nguy cơ bị thiếu khoảng 130 tỷ m3 nước.
Nguồn : RFA, 25/09/2020