Mỹ giới thiệu dự luật ghi nhận đóng góp của người Hmong trong chiến tranh Việt Nam
VOA, 25/09/2020
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tammy Baldwin, một thành viên của Ủy ban Phân bổ Ngân sách của Thượng viện, vừa giới thiệu Dự luật công nhận di sản của các cộng đồng người tị nạn và người nhập cư từ Đông Nam Á như người Hmong và người Thượng vì những đóng góp, hỗ trợ và bảo vệ của họ đối với quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Tammy Baldwin giới thiệu
"Người Mỹ mang ơn cộng đồng người tị nạn và nhập cư từ Việt Nam, Lào và Campuchia vì sự phục vụ và hy sinh của họ trong cuộc xung đột chết chóc ở Đông Nam Á. Chúng ta phải tôn vinh những nỗ lực và việc làm đúng đắn của những người hiện vẫn đang gánh chịu hậu quả của chiến tranh", Thượng nghị sĩ Baldwin nói trong thông cáo báo chí về Dự luật Gỡ bỏ bom mìn chưa nổ và Ghi nhận Di sản chiến tranh hôm 24/9.
Nữ thượng nghị sĩ Mỹ cho biết bà đã nghe từ rất nhiều người ở bang Wisconsin của bà và đã gặp những người sống sót sau khi bị tai nạn từ bom mìn trong chiến tranh Việt Nam nên thấy cần phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp những mất mát, đau thương của chiến tranh còn sót lại, trong đó có việc rà soát và gỡ bom mìn tại Việt Nam, Lào và Campuchia.
Thông cáo nói thêm rằng nhiều cộng đồng người Hmong, người Chăm, Campuchia, Iu-Miên, Khmu, Lào, Thượng và người Việt đã chiến đấu và hy sinh cùng binh sĩ Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Đông Nam Á vào những năm 1960 và 1970, bị thương vong cao nhưng thường rất ít hoặc không được công nhận.
Ghi nhận việc thành viên của các cộng đồng trên đã cứu sống hàng nghìn người bằng cách sơ tán những người gặp nạn của quân đội Mỹ và đồng minh, giải cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi trong lãnh thổ của đối phương, thông cáo nói : "Vì sự hỗ trợ của họ đối với Hoa Kỳ trong cuộc xung đột, các thành viên của các cộng đồng đó đã phải đối mặt với sự đàn áp nặng nề từ các nước sở tại với hơn ba triệu người bị buộc phải chạy trốn và tị nạn ở các nước khác".
Dự luật cũng đề cập đến tình trạng bom mìn còn sót tiếp tục gây thương vong cho khoảng 105.000 người ở Việt Nam kể từ năm 1975.
Ngoài đề nghị công nhân và tôn vinh những đóng góp, hy sinh của các cộng đồng Đông Nam Á đối với quân đội Mỹ, Dự luật do Thượng nghị sĩ Baldwin giới thiệu cũng đề nghị khoản hỗ trợ tài chính 100.000.000 đô la cho mỗi năm tài chính, kể từ năm 2021 đến 2025, cho các chương trình hỗ trợ nhân đạo nhằm tiến hành các cuộc điều tra về vật liệu nổ và vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, Lào và Campuchia ; rà phá bom mìn và nâng cao năng lực, giáo dục rủi ro và hỗ trợ cho các nạn nhân tại 3 quốc gia trên.
Dự luật được ủng hộ bởi nhiều tổ chức các cộng đồng như Di sản Chiến tranh (LoW), HALO Trust (Hoa Kỳ), Asian American Alliance (Liên minh người Mỹ gốc Á), Chiến dịch vì trách nhiệm và Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tổ chức Hòa giải & Chữa lành Cựu chiến binh Việt Nam...
********************
Hoa Kỳ ‘truy nã hacker Trung Quốc đánh mạng chính phủ Việt Nam’
BBC, 26/09/2020
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mới đây cho biết đã bắt 2 nghi phạm người Malaysia và phát lệnh truy nã 5 hacker là công dân và sống ở Trung Quốc.
Tin tặc điện tử - Ảnh minh họa
Thông cáo ngày 16/9 của Mỹ cho hay 5 hacker Trung Quốc đã từng tấn công mạng liên quan 100 công ty ở Mỹ và nước ngoài.
Đáng quan tâm, các hacker này cũng bị cáo buộc từng xâm nhập được vào mạng vi tính thuộc chính phủ Việt Nam và Ấn Độ.
Nhóm này cũng đã tấn công nhưng không thể xâm nhập mạng của chính phủ Anh.
Hai doanh nhân người Malaysia bị bắt ngày 14/9 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc thông đồng với các hacker Trung Quốc để thu lợi từ việc tấn công các công ty video game của Mỹ.
Tấn công mạng chính phủ Việt Nam ?
Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng các tin tặc Trung Quốc đã tấn công mạng lưới vi tính thuộc chính phủ Việt Nam, Ấn Độ và Anh.
Họ dùng các công cụ như Acunetix, SQLMap và Cobalt Strike.
Khoảng tháng Chín 2018, nhóm này đã xâm nhập được vào các máy tính của chính phủ Việt Nam.
Năm 2019, nhóm này cũng vào được các trang mạng và server thuộc chính phủ Ấn Độ.
Nhóm này cũng bị Mỹ cáo buộc tấn công các tài khoản của các nhà hoạt động đòi dân chủ ở Hong Kong.
Ngoài ra, nhóm tin tặc còn tìm cách tấn công các công ty làm video game, để kiếm tiền.
Tại một buổi họp báo công bố cáo trạng, điệp viên FBI James Dawson nói : "Các hoạt động tội phạm kiếm tiền này diễn ra với sự đồng tình ngầm của chính phủ Trung Quốc".
Theo cáo buộc, nhóm hacker này sống ở Trung Quốc, làm việc cho một công ty có tên Chengdu 404.
Theo báo công nghệ Wired, có thể Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc bắt đầu sử dụng các nhóm hacker tư nhân theo sau thỏa thuận năm 2014, khi Mỹ và Trung Quốc cam kết ngừng hoạt động tin tặc nhắm vào các công ty tư nhân.
Adam Meyers, từ công ty CrowdStrike, bình luận : "Có thể các tin tặc tạo ra một công ty làm thuê cho Bộ An ninh Trung Quốc. Bằng cách đưa hợp đồng ra bên ngoài, người ta có thể kiếm cớ phủ nhận liên quan".
Cả năm tin tặc Trung Quốc đều chưa bị Mỹ bắt giữ.
Bộ Tư pháp Mỹ nói cáo trạng vẫn gửi ra thông điệp cứng rắn cho tin tặc Trung Quốc và cho các cơ quan nhà nước Trung Quốc rằng Mỹ sẽ bắt họ chịu trách nhiệm.