Vietnam Airlines tiếp nhận cổ phần của Qantas tại Pacific Airlines
BBC, 14/10/2020
Tập đoàn Qantas sắp rút khỏi liên danh tại Pacific Airlines và "tặng" Vietnam Airlines 30% cổ phần
Ông Đặng Anh Tuấn - trưởng ban truyền thông thương hiệu của Vietnam Airlines, được truyền thông Việt Nam dẫn lời vào ngày 13/10 nói rằng nếu các thủ tục hoàn thành theo dự kiến, cuối tháng 10 năm nay, Vietnam Airlines sẽ nhận 30% cổ phần của Qantas Group tại Pacific Airlines (tên cũ là Jetstar Pacific) theo hình thức "tặng".
Quyết định của Qantas bàn giao cổ phần tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines đã được lãnh đạo tập đoàn Qantas nói từ tháng 6/2020.
"Các cơ quan quản lý đã cơ bản đồng ý và đang làm thêm một số bước thủ tục về phương án tiếp nhận, kế hoạch kinh doanh", ông Tuấn nói thêm.
Được biết Pacific Airlines đã lỗ khoảng 1.100 tỉ đồng từ tháng 2 tới tháng 10 mặc dù vào tháng 1 đã có lãi 150 tỉ đồng. Dự báo Pacific Airlines cuối năm 2020 lỗ 1.600 tỉ đồng.
Hiện Pacific Airlines có đội tàu bay 18 chiếc A320, khai thác 33 đường bay trong nước và quốc tế.
Quyết định của Qantas bàn giao cổ phần tại Pacific Airlines cho Vietnam Airlines đã được lãnh đạo tập đoàn Qantas nói từ tháng 6/2020.
Ông Gareth Evans, CEO của bộ phận hàng không giá rẻ của Qantas, khi đó nói hãng sẽ "buông" 30% cổ phần tại Jetstar Pacific trong những tháng tới để tập trung vào các hãng hàng không khác.
Ngay cả chưa có dịch Covid-19, Pacific Airlines đã phải đối diện cạnh tranh mạnh từ hai hãng hàng không giá rẻ khác tại Việt Nam là VietJet và Bamboo Airways.
Vào tháng 7/2020, Jetstar Pacific đã đổi tên thành Pacific Airlines, chính là ''tên khai sinh'' của hãng thành lập vào năm 1991 với các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2007, Tập đoàn Qantas mua 30% cổ phần Pacific Airlines với giá 30 triệu USD và hãng đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines.
Trên thực tế Vietnam Airlines đã nắm 68% cổ phần tại Jetstar Pacific khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chuyển giao số vốn này vào năm 2012.
Ngay cả chưa có dịch Covid-19, Pacific Airlines đã phải đối diện cạnh tranh mạnh từ hai hãng hàng không giá rẻ khác tại Việt Nam là VietJet và Bamboo Airways.
Trong diễn biến khác liên quan tới Vietnam Airlines, Đại diện hãng này khẳng định hãng này không có văn bản xin phá sản và vẫn đang tìm kiếm cơ hội để vượt qua Covid-19.
Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán - Vietnam Airlines, nói với các phóng viên vào ngày 13/10 rằng vấn đề của hãng là phải giải quyết bài toán thanh khoản và duy trì dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp.
Trước đó, hồi giữa năm, Vietnam Airlines từng báo cáo nếu không được Chính phủ hỗ trợ, hãng này có nguy cơ hết tiền vào tháng 8 và kiến nghị được hỗ trợ 12.000 tỉ đồng vốn vay ưu đãi 0%.
"Chính phủ sẽ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines với tư cách cổ đông lớn chiếm trên 86%, hiện đang trong quá trình xử lý thủ tục để giải ngân các gói hỗ trợ", ông Hiền cho hay.
Liên quan đến thông tin có thông tin Vietnam Airlines xin phá sản, ông Hiền bác bỏ và khẳng định, Vietnam Airlines không có bất kỳ văn bản nào xin phá sản.
*************************
Vietnam Airlines thừa nhận lỗ nặng, bác bỏ tin phá sản
VOA, 14/10/2020
Tổng công ty hàng không Việt Nam vừa công bố báo cáo kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2020 với mức lỗ chung là khoảng 10.750 tỷ đồng, trong mức lỗ của công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện của Vietnam Airlines khẳng định với báo chí rằng "không có bất kỳ văn bản nào xin phá sản".
Vietnam Airlines từng đề nghị chính phủ Việt Nam hỗ trợ 12.000 tỉ đồng vào tháng 6/2020.
Báo cáo của Tổng công ty hàng không Việt Nam (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cho biết tổng doanh thu hợp nhất của công ty trong 9 tháng đầu năm ước tính chỉ đạt 23.948 tỉ đồng, bằng 41,7% so với cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng của hai đợt dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Trong quý 3, khi Việt Nam nỗ lực mở lại các đường bay quốc nội và quốc tế, doanh thu của Vietnam Airlines (VNA) mặc dù có cải thiện nhưng vẫn lỗ 3.626 tỉ đồng. Trong khi đó, các khoản vay ngắn hạn của VNA tăng lên 5.242 tỉ đồng và các khoản phải trả giãn, hoãn là 4.268 tỉ đồng, theo Thanh Niên.
Hồi tháng 6, VNA từng đề nghị chính phủ Việt Nam hỗ trợ 12.000 tỉ đồng trước nguy cơ "hết tiền" vào tháng 8.
Trước thông tin hãng hàng không quốc gia Việt Nam đang xin phá sản, một đại diện của hãng, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán của Vietnam Airlines, lên tiếng bác bỏ thông tin này với báo Thanh Niên hôm 13/10 và khẳng định hãng vẫn đang "chủ động việc cân đối ngắn hạn và dài hạn" và đã có 14 báo cáo chính phủ kiến nghị các giải pháp hỗ trợ.
Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia với vốn chủ sở hữu nhà nước 86%. Hiện hãng này đang khai thác hơn 60 đường bay nội địa với trung bình 300 chuyến bay mỗi ngày. Tuy nhiên, các đường bay quốc tế của VNA trong thời gian qua hầu như không có khách, gây ảnh hưởng nặng nề lên doanh thu của hãng.
**********************
Vietnam Airlines lỗ hơn 10.700 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm
RFA, 13/10/2020
Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines hôm 13/10 cho biết trong vòng 9 tháng đầu năm 2020, hãng đã lỗ 10.750 tỷ đồng (chiếm 70% kế hoạch lỗ cả năm).
Khử trùng máy bay của Vietnam Airlines ở sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 3/3/2020 - AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin, trích lời ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines. Ông Hiền cho biết đến hết tháng 9 năm nay, hãng này vận chuyển 10,2 triệu lượt khách (chiếm 58,8% cùng kỳ năm ngoái).
Doanh thu của Vietnam Airlines trong 9 tháng đầu năm được nói đạt 24.000 tỷ đồng (chiếm 41,7% cùng kỳ năm 2019).
Theo lời kế toán trưởng Vietnam Airlines, doanh thu quý III năm 2020 công ty này giảm mạnh, chỉ bằng 32% năm ngoái vì ảnh hưởng làn sóng thứ hai dịch Covid-19 hồi tháng 7.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã dừng 22 đường bay mới giai đoạn cao điểm hè. Đến nay, hãng này cho biết hãng đã khai thác lại được 11 đường bay và đánh giá quý IV sẽ là giai đoạn doanh thu thấp.
Người đại diện Vietnam Airlines cho biết hiện nay chỉ khai thác 60 đường bay nội địa với trung bình 300 chuyến bay mỗi ngày.
Để đảm bảo khả năng hoạt động, Hàng không Quốc gia Việt Nam nói sẽ tiếp tục thắt chặt các khoản chi, đàm phán giảm nợ, cân đối thanh toán với các khoản cần thiết, tăng vay ngắn hạn.
Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho hay nếu không thực hiện các biện pháp, doanh nghiệp này đã hết tiền từ lâu. Dư nợ ngắn hạn của mức hiện nay là 5.200 tỷ đồng, các khoản phải trả là 4.300 tỷ, lượng tiền còn lại là 1.900 tỷ đồng tính đến hết tháng 9.
Vietnam Airlines cho biết đã có 14 báo cáo gửi các cơ quan Nhà nước và có nhiều cuộc làm việc với chính phủ nhằm tháo dỡ khó khăn. Hãng này cũng xin gói trợ cấp 12.000 tỷ đồng và được nói đến khoảng tháng 11 mới có kết quả.
Lãnh đạo Vietnam Airlines dự báo đến hết năm 2021 mới có khả năng phục hồi thị trường nội địa, và đến năm 2023 đối với thị trường quốc tế.