Việt Nam hoan nghênh ý tưởng ‘Bộ tứ’ hợp tác với ASEAN về tự do trên biển
VOA, 16/10/2020
Việt Nam hôm 15/10 nói luôn "hoan nghênh" các ý tưởng và sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định và phồn vinh chung khi được yêu cầu bình luận về thông tin nhóm "Bộ tứ" (bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia" mong muốn tăng cường quan hệ với các nước ASEAN về lĩnh vực tự do trên biển.
Ngày 6/10/2020, "Bộ tứ" cho biết đã xem xét những phát triển chiến lược gần đây trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thảo luận về các cách thức để tăng cường hợp tác của nhóm về nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh hàng hải. Ảnh minh họa
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói "Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đặt nhiệm vụ chính trong năm là xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò Chủ tịch của mình, đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN".
Trước đó, trong cuộc họp của nhóm "Bộ tứ" (hay còn gọi là "Bộ tứ kim cương") hôm 6/10, nhóm này cho biết đã xem xét những phát triển chiến lược gần đây trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thảo luận về các cách thức để tăng cường hợp tác của nhóm về nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh hàng hải.
"Bộ tứ" cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò trung tâm, vấn đề chủ quyền và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và cam kết tiếp tục tham vấn thường xuyên để thúc đẩy tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, an ninh và thịnh vượng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Trước các diễn tiến căng thẳng gần đây do các hành động quyết đoán nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, được cho là đang có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy ảnh hưởng của khối 10 quốc gia Đông Nam Á cũng như mối quan hệ của khối này với các quốc gia khác trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Hồi cuối tháng 6, với Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2020 sau Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, khối này khẳng định Biển Đông là vấn đề hệ trọng của khu vực, và "bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo, những diễn biến gần đây, trong đó có những hành động và vụ việc hết sức nghiêm trọng làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hoàn bình, an ninh và ổn định trong khu vực".
Tuần trước, hôm 9/10, trong cuộc họp trực tuyến giữa các ngoại trưởng ASEAN với ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tiếp tục tuyên bố các nước Đông Nam Á muốn Mỹ đóng một vai trò trong việc duy trì hòa bình ở Biển Đông.
Mặc dù không nêu tên Trung Quốc, nhưng ông Phạm Bình Minh đã đề cập đến "những sự cố nghiêm trọng" và "việc tiếp tục quân sự hóa vùng biển" vi phạm đến quyền của các nước nhỏ và đi ngược lại với luật pháp quốc tế.
*****************
Việt Nam phản đối Trung Quốc lập doanh nghiệp trên đảo Phú Lâm
VOA, 16/10/2020
Đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng phản đối "cái gọi là thành phố Tam Sa" với hàng trăm doanh nghiệp mà Trung Quốc thành lập trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát trên thực tế.
"Thành phố Tam Sa" mà Trung Quốc thành lập vào ngày 27/7/2012.
Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, được đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 15/10, khi phóng viên hỏi về thông tin có hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký kinh doanh trên đảo Phú Lâm mà tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) công bố gần đây.
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới", truyền thông Việt Nam dẫn lời bà Hằng nói tại cuộc họp báo.
Cuối tháng trước, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Mỹ đưa thông tin cho biết trước khi thành lập thành phố Tam Sa vào năm 2012, chỉ có chưa đầy 10 công ty đăng ký với các cơ quan quản lý của Trung Quốc. Nhưng đến tháng 6/2019, đã có tới 446 doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đăng ký tại thành phố Tam Sa, trong đó, 307 công ty báo cáo tổng vốn đăng ký tích luỹ là 1,2 tỉ đôla.
Tổ chức nghiên cứu của Mỹ cho rằng các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã sử dụng các chính sách "khôn ngoan" để đạt được "kỳ tích" trong việc phát triển Tam Sa nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền ở Hoàng Sa.
Các chính sách này bao gồm cho phép các doanh nghiệp "đăng ký ở Tam Sa, nộp thuế cho Tam Sa, thương hiệu ở Tam Sa, nhưng hoạt động ở mọi nơi" nhằm tháo gỡ những hạn chế về vật lý và các rào cản khác của đảo Phú Lâm cho doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Nhờ chính sách này mà các công ty dù hoạt động bên ngoài Tam Sa nhưng lại đóng vai trò là sự hiện diện về hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông, ngoài việc vẫn có thể đóng góp tài chính cho sự phát triển của thành phố, với hơn 100 triệu đô la tiền thuế vào năm 2015.
Theo AMTI, nhiều công ty còn hợp tác xây dựng, cung cấp cơ sở hạ tầng, thông tin và kể cả quân sự, an ninh, hàng hải cho thành phố. Một số công ty đã giúp nhà quản lý lắp đặt hệ thống 4G và 5G, đặt cáp quang dưới biển hay phối hợp với ngư dân địa phương để phát triển nghề nuôi cá lồng biển sâu để khuyến khích họ chuyển đổi khỏi nghề đánh bắt truyền thống và thiết lập nơi cư trú bình thường trong thành phố.
Hồi tháng 4, Trung Quốc công khai thông báo thành lập "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" tại thành phố Tam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối và "yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai". Tuy nhiên, tin cho hay Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động quyết đoán nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Hôm 26/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ bổ sung 24 công ty của Trung Quốc vào một danh sách đen có tên "Danh sách thực thể" vì "vai trò của họ trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông". Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng công bố các hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc liên quan đến việc khai hoang, xây dựng, quân sự hóa và cưỡng chế ở Biển Đông.
Tin cho hay, ngoài các chính sách khuyến khích dành cho doanh nghiệp, cư dân ở Tam Sa cũng được giới hữu trách tạo điều kiện, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tài chính, với các khoản vay ưu đãi để cải thiện chất lượng cuộc sống.