Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/10/2020

Vì sao Pompeo đột ngột đến thăm Việt Nam ?

Tổng hợp

Ông Mike Pompeo đột ngột thăm Việt Nam để gửi thông điệp 'chống Trung Quốc' ?

BBC, 30/10 2020

Có nhận định rằng ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử Mỹ, chuyến thăm Việt Nam của ông Pompeo 'bề ngoài' là để đánh dấu 25 năm quan hệ Mỹ-Việt nhưng thực ra là để củng cố thông điệp chống Trung Quốc của chính quyền Trump.

pompeo1

Chuyến thăm Việt Nam được bổ sung vào phút chót, khi ngoại trưởng Mỹ kết thúc lịch trình thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia

Chuyến thăm Việt Nam được bổ sung vào phút chót, khi ngoại trưởng Mỹ kết thúc lịch trình thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia.

Việt Nam thông báo chuyến thăm hai ngày 29-30/10 của ông Pompeo vào sát nút, hôm 28/10, khi đó Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa đưa tên Việt Nam vào lịch trình công tác của ông.

Mãi tới hôm 29/10, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đăng thông cáo cho hay chuyến thăm Việt Nam của ông Pompeo là nhằm "ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập". Hai bên sẽ kỷ niệm 25 năm ngoại giao và cùng bàn thảo các vấn đề Biển Đông, Mekong và các mối quan tâm chung khác.

Trên Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tweet trưa 30/10 : "Hân hạnh được tiếp Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tại Hà Nội để cùng nhau kỷ niệm 25 năm ngoại giao Việt-Mỹ. Tôi tự tin rằng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong thời gian tới. Quyết tâm và hành động chung vì lợi ích chung chắc chắn sẽ đưa chúng ta tiến xa".

Ông Mike Pompeo cũng tweet : "Thật tuyệt vời khi trở lại Hà Nội kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ"...

Vì sao lại có chuyến thăm 'đường đột' này ?

Sứ mệnh 'nhấn mạnh thái độ chống Trung Quốc' của chính quyền Trump

ABCNews viết rằng trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử Mỹ chỉ còn ba ngày nữa là diễn ra, việc ông Pompeo đến thăm Việt Nam 'bề ngoài' là để đánh dấu 25 năm quan hệ Mỹ-Việt.

Nhưng đó là chuyến thăm để gói lại tua công tác 'chống Trung Quốc' của ông Pompeo ở Châu Á.

Trong các bình luận ngắn gọn mà các phóng viên nghe được, cả ông Pompeo và ông Phúc đều không nhắc đến tên Trung Quốc, nhưng việc Pompeo sử dụng từ "chủ quyền" đã trở thành quy tắc ám chỉ sự phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc, đặc biệt là ở Châu Á.

Khi thăm Ấn Độ, Sri Lanka, và Maldives và Indonesia, ông Pompeo được kỳ vọng sẽ làm nổi bật thái độ chống Trung Quốc của chính quyền Trump, cách nước này xử lý đại dịch virus corona, hồ sơ nhân quyền và sự hiếu chiến với các nước láng giềng nhỏ hơn.

Đây là những vấn đề được Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh khi tìm cách đánh bại đối thủ Joe Biden trong cuộc tranh cử ngày 3/11. Trump đã tìm cách chỉ ra Biden yếu thế trước Trung Quốc, và liên tục đặt câu hỏi về mối liên hệ bị cáo buộc giữa con trai của Biden là Hunter với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Là một nước có nhiều lo ngại về các chính sách của Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam đã được 'bổ sung muộn' trong lộ trình của Pompeo.

South China Morning Post viết rằng chuyến thăm Việt Nam được 'thêm vào phút chót' là để củng cố các thông điệp ngoại giao của ông Pompeo tại bốn nước nói trên.

Ngay trước chuyến thăm, ông Pompeo nói "sẽ thảo luận về việc làm thế nào các quốc gia tự do có thể làm việc cùng nhau để ngăn chặn các mối đe dọa từ Trung Quốc".

"Pompeo hẳn đã nhận thức được rằng Joe Biden có thể sẽ là tổng thống tiếp theo, và ông ấy phải để lại một di sản nào đó, chẳng hạn như Mỹ đã không bỏ rơi ASEAN và đặc biệt là Việt Nam", Eduardo Araral, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung và Việt Nam tại Singapore, nhận định trên South China Morning Post.

Xu Liping, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng chuyến công du của ông Pompeo là nhằm "củng cố di sản của Trump trong chính sách đối ngoại" với trọng tâm là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

"Việt Nam, với tư cách là chủ tịch ASEAN năm nay, rất quan trọng đối với Pompeo và Mỹ sẽ không từ bỏ cơ hội như vậy để nói lên quan điểm của mình trước Hội nghị cấp cao Đông Á và hàng loạt cuộc họp do ASEAN tổ chức vào tháng tới", ông Xu Lipingnói.

Chuyến công du 'chống Trung Quốc'

Trong một tuyên bố đưa ra trước khi ông Pompeo đến Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công kích Trung Quốc vì đã từ bỏ các cam kết hợp tác với các nước Mekong khác và vì đã tích cực theo đuổi các tuyên bố chủ quyền đáng ngờ ở Biển Đông, ABCNews viết.

"Các hành động ác ý và gây bất ổn của Trung Quốc ở khu vực sông Mekong, bao gồm cả thao túng sông Mekong, ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người sống phụ thuộc vào dòng sông để kiếm sống", theo tuyên bố.

"Hoa Kỳ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ -Thái Bình Dương trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế". Tuyên bố này cũng lưu ý rằng đầu năm nay, Pompeo đã bác bỏ gần như hoàn toàn tất cả các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Pompeo đến Việt Nam từ Indonesia, nơi ông khen ngợi lãnh đạo nước này đã đẩy lùi cái mà ông gọi là 'tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông', và phản đối Bắc Kinh đã đối xử thô bạo với người dân tộc thiểu số theo tôn giáo, gọi Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất cho tương lai của tự do tôn giáo".

Tại Maldives, Pompeo tuyên bố Hoa Kỳ sẽ lần đầu tiên mở đại sứ quán ở đây, một động thái phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của Hoa Kỳ về việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và cái mà ông gọi là 'hành vi đe dọa và vô luật' ở Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Tại Sri Lanka, Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc là 'kẻ săn mồi' ở các nước nhỏ hơn bằng cách bóc lột họ qua các khoản vay và các dự án phát triển nhằm mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều hơn những người nhận.

Ngay trước khi cuộc họp tại New Delhi bắt đầu, chính quyền Trump báo cho Quốc hội Mỹ kế hoạch bán hệ thống tên lửa Harpoon trị giá 2,37 triệu đôla cho Đài Loan.

********************

Tại Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ kêu gọi khu vực đoàn kết chống Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 30/10/2020

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kết thúc chuyến công du năm nước Châu Á vào hôm nay 30/10/2020 tại Việt Nam, một chặng dừng mà ông đã thêm vào giờ chót. Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ đã lên tiếng kêu gọi toàn khu vực đoàn kết để chống lại các hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong vùng.

pompeo2

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Binh Minh, Hà Nội ngày 30/10/2020  via Reuters – Lam Khanh/VNA

Ngoại trưởng Pompeo ghé thăm Việt Nam với lý do chính thức được nêu lên là kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt-Mỹ. Tuy nhiên, như ông đã từng làm trong các chặng dừng trước đó ở Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia, mục tiêu chính của ông Pompeo là đoàn kết các nước trong mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh.

Phát biểu với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Pompeo khẳng định lập trường của Mỹ trong việc tôn trọng nhân dân và chủ quyền đất nước Việt Nam. Trong các bình luận ngắn gọn mà các phóng viên nghe được, cả hai đều không nhắc đến tên Trung Quốc, nhưng theo AP, việc ông Pompeo sử dụng từ "chủ quyền" đã ám chỉ thái độ phản đối các hành vi xâm lấn của Trung Quốc.

Việt Nam là một nước đang phải đối phó với Trung Quốc trên nhiều mặt, từ việc chủ quyền biển đảo ở Biển Đông bị Bắc Kinh tranh chấp, cho đến việc công cuộc phát triển ở vùng  Đồng bằng sông Cửu Long bị Trung Quốc, nước nắm thượng nguồn sông Mêkông gây hại.

Trong một tuyên bố đưa ra trước khi ông Pompeo đến Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công kích Trung Quốc, vì đã từ bỏ các cam kết hợp tác với các nước Mêkông khác, và vì đã tìm cách áp đặt các yêu sách chủ quyền đáng ngờ ở Biển Đông.

Bản tuyên bố ghi rõ : "Các hành động ác ý và gây bất ổn của Trung Quốc ở khu vực sông Mêkông, bao gồm cả việc thao túng lưu lượng con sông đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người sống dựa vào dòng sông để kiếm sống".

Tuyên bố nhắc lại : "Hoa Kỳ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế".

Riêng trong trường hợp Việt Nam, bản tuyên bố nhấn mạnh : "Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách (của Trung Quốc) đối với vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ngoài khơi bờ biển Việt Nam… Chúng tôi sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông hoặc các nơi khác".

Tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ đã tái khẳng định mong muốn của Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, để phát triển quan hệ song phương và biến toàn bộ vùng Đông Nam Á, Châu Á và Ấn Độ - Thái Bình Dương thành một khu vực an toàn, hòa bình và thịnh vượng. 

AP nhắc lại rằng chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt vấn đề chống lại cách hành xử hung hăng của Trung Quốc, nhắm vào các láng giềng nhỏ hơn, thành một trong những ưu tiên đối ngoại của Washington.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)