Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/12/2020

Đồng bằng sông Cửu Long thưa dân, sách giáo khoa có lỗi

RFA tồng hợp

Dân bỏ xứ đi, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao ?

RFA, 17/12/2020

Đồng bằng sông Cửu Long : vựa lúa của Việt Nam

Khu vực miền Tây Nam Bộ, còn được gọi tên "Đồng bằng sông Cửu Long" là vùng châu thổ trù phú được thiên nhiên ưu đãi nhất ở Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long được dân gian truyền miệng rằng vùng đất Phương Nam "chim trời cá nước" là một nơi không bao giờ bị đói khát vì được bao bọc bởi những đồng lúa cò bay thẳng cánh và dòng Mekong mênh mông với 9 nhánh sông đầy ấp tôm cá quanh năm, nhiều nhất vào mùa nước tràn đồng mỗi năm.

scl1

Một người nuôi vịt chạy đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Courtesy of Tùng Thien

Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa lúa của Việt Nam, góp phần quan trọng để trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Nơi đây còn là khu vực phát triển nông nghiệp chủ lực với nhiều mặt hàng nông sản đa dạng, không những cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong vòng 10 năm từ 2009 đến 2019, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long góp đến 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng trái cây và xấp xỉ 18% GDP của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương ghi nhận, trong năm 2020, tỷ lệ dân số ở Đồng bằng sông Cửu Long gần 17,3 triệu người, chiếm gần 18% dân số Việt Nam. Tỷ lệ tăng dân số ở Đồng bằng sông Cửu Long trong một thập niên qua thấp nhất Việt Nam, chỉ chiếm 0,05% trong khi chỉ số già hóa dân số lại cao nhất nước đến 58,5% và tỷ suất di cư thuần cũng cao nhất nước, ở mức 39,9%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các thông số này là do "sự đi ra khỏi vùng để làm ăn sinh sống của lớp người trong độ tuổi lao động".

scl2

Chợ nổi ở Cần Thơ. Courtesy of Duy Black

1,3 triệu người di cư trong một thập niên

Một nhà báo sinh sống tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện đang làm việc trong lĩnh vực phóng sự truyền hình, vào tối ngày 17/12 chia sẻ thêm thông tin liên quan về người miền Tây di cư, qua ghi nhận cá nhân của ông.

"Do sự đô thị hóa quá nhanh và cơ cấu kinh tế dịch chuyển từ sự yếu kém của nông nghiệp sang hướng về thương mại, dịch vụ và công nghệp cho nên lực lượng lao động trẻ đi đến các tỉnh phát triển công nghiệp mạnh, như người ta nói câu ‘Đi Bình Dương’, cho nên thanh niên ở tuổi lao động đi Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân hết, cho nên đất đai thì do người già làm công việc đồng án nhiều, chứ không phải thanh niên trẻ. Do đó, nguồn lao động ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị mất và nằm trong diện di cư".

Báo giới quốc nội mới đây trích lời phát biểu của Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, được tổ chức vào chiều ngày 14/12 ở Cần Thơ, rằng "Nói Đồng bằng sông Cửu Long là trù phú, lao động nhiều, nhưng tổng hợp lại 10 năm di cư trên 1,3 triệu người là vấn đề rất buồn. Gần 40% lao động không học tiếp phổ thông, trong xã hội hội nhập như hiện nay là điều rất đau đáu".

Nhà báo truyền hình, không muốn nêu tên, chia sẻ thêm với RFA rằng Đồng bằng sông Cửu Long tuy có rất nhiều thuận lợi về quỹ đất đai, phát triển nông nghiệp và được nhà nước đầu tư khoa học kỹ thuật, đặc biệt là nguồn nhân lực lao động trẻ dồi dào ; nhưng con số người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long di cư lên đến hơn triệu người, bởi khu vực này đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

"10 năm trở lại đây, bất lợi thứ nhất là biến đổi khí hậu và làm cho một số tỉnh ven biển bị ngập mặn như Bết Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Nước ngập mặn xâm phạm vô vườn cây ăn trái hoặc các loại thủy hải sản, làm cho bị hư, bị chết. Rất nhiều trường hợp nông dân bị lao đao do biến đổi khí hậu đó. Còn những tỉnh không bị xâm nhập mặn như Đồng Tháp, An Giang… nhưng bị xói mòn và lở đất do dòng chảy của nước bị thay đổi. Nguyên nhân thay đổi là do khai thác cát, nhất là ở khu vực đầu nguồn Campuchia bị tận thu cát quá nhiều cho nên rất nhiều hộ dân phải sống khổ sở do vấn đề dòng chảy bị thay đổi gây ra".

Vị nhà báo ẩn danh còn liệt kê tình trạng các đập thủy điện được xây dựng ở Trung Quốc và Lào, khu vực thượng nguồn sông Mekong gây ra tình trạng khô hạn và phù sa không còn. Bên cạnh đó, hệ thống đê bao ngày càng nhiều cùng với việc nông dân gia tăng năng suất cây trồng bằng phân thuốc hóa học, thải ra dòng nước gây ô nhiễm môi trường và tác động ngược lại hệ thống nước tưới tiêu, làm cho ngành sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long bị tổn thất nặng nề.

scl3

Một phụ nữ đang làm việc tại lò gạch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Courtesy of Duy Black

Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam, hồi năm 2016, công bố một báo cáo cho thấy các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong gây ra nguy cơ làm mất đi hoặc thậm chí tuyệt chủng tới 10% các loài cá và thu nhập người dân có thể giảm tới 50%. Việt Nam bị tổn thất hàng năm về thuỷ sản và nông nghiệp, bởi các đập thuỷ điện đó, có thể lên đến khoảng 760 triệu USD.

Bà Kim, một nông dân ở Bến Tre, vào tối hôm 17/12, lên tiếng với RFA rằng gia đình bà không thể sống được qua thu nhập từ ruộng vườn nên bà phải tìm việc làm xa xứ.

"Tôi phải lên Đồng Nai làm công nhân từ năm 2008. Mức lương lúc đó chỉ có 38 ngàn đồng/ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ. Thời gian mười mấy năm qua tôi không đủ sống, cho nên cũng khổ lắm và phải cố gắng bươn chải".

Chị Anh, một cư dân ở Đồng Tháp rời quê nhà đến làm việc ở Công ty Kinh Đô, tại khu công nghiệp Bình Dương từ năm 2001, tâm tình với RFA về cuộc sống công nhân của mình :

"Coi như gần 6 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca thì lãnh thêm được lên 7,8 triệu, có khi được tới 10 triệu. Làm việc 12 tiếng đồng hồ/ngày, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều".

Cuộc sống của chị Anh được cho làm tạm ổn khi chị đủ trang trải cho bản thân và gửi tiền về quê chu cấp cho bà mẹ già đơn thân, bệnh tật. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, chị Anh buộc phải trở về quê sinh sống, để chăm sóc cho mẹ vì bà bị xe đụng gãy chân, không đi đứng được. Dù trong dịch bệnh Covid-19, nhưng chị Anh cũng tìm được việc làm nhân viên lau dọn trong một công ty, nhờ vào sự giới thiệu của người hàng xóm.

"Hiện giờ làm mức lương 3,5 triệu/tháng. Nào là tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền thuốc của má tôi. Chưa kể nhiều khi tôi bị đau ốm cho nên chi tiêu không đủ".

Ông K, giám đốc điều hành thuộc công ty tư nhân, kinh doanh các dự án bất động sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, cho RFA biết về tình hình công ăn việc làm hiện nay tại khu vực này :

"Đồng bằng sông Cửu Long vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chung với cả nước và xâm nhập mặn làm cho nông nghiệp bị tác động nghiêm trọng và Covid-19 cũng gây ra hậu quả nặng nề cho lực lượng lao động trẻ có trình độ, còn lao động phổ thông thì còn tệ hơn nhiều. 1,3 triệu người di cư chỉ là một phản ánh rất khiêm tốn".

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương Mại- Công Nghiệp chi nhánh Cần Thơ, vào ngày 17/12 trong trả lời báo mạng VnEXpress cho rằng việc người dân miền Tây rời đi quá nhiều trong một khoảng thời gian nhất định cho thấy đó là tình trạng bức bách và vùng đất này kém phát triển. Về lâu về dài nếu không giải quyết, xã hội sẽ bất ổn.

scl4

Đạp xe lôi là công việc lao động phổ thông phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Courtesy of Đặng Đại

Viễn cảnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thế nào ?

Mùa hạn mặn năm 2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là "khắc nghiệt" và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hồi đầu tháng 8, ra quyết định chi ngân sách cho 5 tỉnh bị thiệt hại bao gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang số tiền 70 tỷ đồng/tỉnh để hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt và đời sống người dân.

Vào đầu tháng 11 vừa qua, tại một phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tuyên bố Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm và dành nguồn lực xứng đáng để đầu tư hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như hạ tầng yếu kém do đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của vùng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam còn đồng ý tăng thêm 2 tỷ USD cho quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Nhà báo truyền hình ẩn danh xác nhận với RFA hiện tại chính quyền các tỉnh và thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện và tiến hành nhiều dự án theo quy hoạch vừa được đề cập. Ông nói rằng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai sẽ tập trung phát triển về công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ chuyển hướng nhắm đến nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng các thị trường xuất khẩu như Mỹ và Châu Âu.

Kiến trúc sư trẻ Duy Black, hiện sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, nói với RFA rằng chắc chắn anh và rất nhiều người con của miền Tây Nam Bộ sẽ hồi hương nếu như vùng này được đầu tư và phát triển theo như kế hoạch đề ra :

"Tất nhiên rồi. Bất kể ai cũng muốn được ở gần quê và nếu có được cơ hội phát triển tốt thì sẽ quay trở về để phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống. Nếu như nhà nước đầu tư tốt, bài bản và phát triển bền vững thì mọi người sẽ quay trở về. Nhưng mà, thật sự điều đó hơi khó tại vì theo các căn cứ của cơ sở khoa học thì khu vực miền Tây Nam Bộ đang ngày càng chết dần, chết mòn".

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi tháng 6/2019, dẫn lời của Vụ trưởng Vụ Kiểm soát An toàn Thiên tai, ông Tăng Quốc Chính cho biết trước đó vào tháng 2, Đại học Utrecht, của Hà Lan công bố một nghiên cứu về mức độ lún sụt ở Đồng bằng sông Cửu Long và đưa ra cảnh báo với mức lún sụt như hiện nay thì đến năm 2100 gần như toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ bị chìm dưới mặt nước.

Đài RFA mượn lời của nhà báo truyền hình ẩn danh để kết thúc bài ghi nhận này, rằng trong "bức tranh tối tranh sáng" đời sống xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông rất đồng cảm với những người di cư như chị Anh và hàng chục ngàn "cô dâu" miền Tây phải ra đi tìm miếng cơm manh áo và thật thương cảm hơn về sự trở về của họ, mà trong đó có những hũ tro cốt của phận đời như nhánh lục bình trôi bập bềnh trên dòng Mekong sắp cạn.

Nguồn : RFA, 17/12/2020

*********************

Thêm 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 có lỗi : chuyện nhỏ hay nguy hại ?

RFA, 17/12/2020

Trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc phải rà soát, thì có đến 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn phát hiện có lỗi.

scl5

Các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Courtesy Tiền Phong

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong báo cáo về việc 4 bộ sách giáo khoa có lỗi cho biết đã tổ chức rà soát lại toàn bộ các cuốn sách giáo khoa của mình chịu trách nhiệm biên soạn, xuất bản, phát hành. Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có lỗ ở một số môn như tiếng Việt, Giáo dục thể chất, tiếng Anh... nhưng các lỗi được nhà xuất bản này cho là không lớn.

Tuy nhiên câu hỏi được nêu lên là vì sao lỗi của 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, bị phát hiện quá muộn, trong khi học sinh đã được học nhiều tháng. Trách nhiệm về việc này thuộc về ai ?

Từ Hà Nội, thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận định với RFA hôm 17/12 :

"Có thể nói là một sự kỳ lạ của những người biên soạn sách giáo khoa gần đây, càng về sau này càng cởi mở cho phép nhiều bộ sách giáo khoa ra đời, khiến cho người ta cẩu thả không giám sát được hết. Cái này là trách nhiệm của những người giám sát sách giáo khoa. Thứ hai là cái tư duy của người soạn sách có vấn đề, sách lớp 1 mà toàn mấy cái chuyện ở Tây, ở đâu ở đẩu... hay chuyện ngụ ngôn quái dị đưa vào trong khi sách lớp 1 cần gần gũi, những thơ ca câu từ trong sáng đưa vào thì biến mất cả".

Thầy Khoa cho biết khi sắp học về sách mới, thì hầu như 100% giáo viên phải đi học bồi dưỡng về chương trình mới. Nhưng kỳ lạ là không ai biết sách như thế nào và không cho giáo viên thẩm định, đến khi in ra thì giáo viên mới tá hỏa sao lỗi nhiều quá, thiếu tính khoa học. Thầy nói tiếp :

"Nhưng đã muộn sao sửa, còn sửa chắp vá như Bộ Cánh Diều cũng không được, bỏ làm lại là cách tốt nhất. Cái này trách nhiệm, ý thức có vấn đề, Bộ giáo dục không kiểm soát chặt chẽ nên sẽ còn tiếp tục phát hiện lỗi. Đặc biệt từ năm học này sẽ dạy cuốn chiếu, năm nay lớp 1, năm sau sẽ lớp 2 sách mới... nhưng đáng lo là giáo viên không ai được thấy để góp ý trước khi phát hành đại trà".

Các lỗi trong 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, được truyền thông nhà nước nêu lên như bộ 1 Kết nối tri thức với cuộc sống phải chỉnh sửa nhiều nhất với 37 trang... lỗi cụ thể ví dụ như : ngữ liệu "sách đâu ếch học bài ?" là "sách đâu em học bài ?"... Hay sách tiếng Việt 1 có lỗi khoảng 16 trang... trong đó có một trang phải điều chỉnh nội dung văn bản do ngữ liệu không đúng thực tế, v.v...

Một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an ninh, khi trao đổi với RFA hôm 17/12 cho biết, tuy không trực tiếp giảng dạy 4 bộ sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhưng việc đổi sách dù có huấn luyện trước nhưng cũng gây khó khăn :

"Nội dung chương trình lớp 1 mới thì hồi hè tụi tôi cũng phải đi học rồi. Đổi qua chương trình này thì tôi thấy rất nặng, có những bài bị dồn, đâm ra học sinh nắm không vững, chắc như những năm thế hệ trước. Do đó họ cũng gặp khó khăn nhiều".

scl6

Quầy bán sách giáo khoa lớp 1. RFA Photo.

Từ trước đến nay, độc quyền phát hành sách giáo khoa là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhưng với Nghị quyết 88 của Quốc hội thì năm 2020 thế độc quyền này bị chia sẻ cho Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên dù có thay đổi thì vẫn có tới 24/32 sách giáo khoa mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Như vậy, các trường lựa chọn sách nào thì đa số cũng thuộc của nhà xuất bản này, do đó sách có sai sót đã đến với rất nhiều lớp học trong những tháng qua.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, từng có kinh nghiệm hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002, hiện sống ở Sài Gòn, khi trả lời RFA hôm 4/11, nhận định :

"Cách làm sách ở đây có nhiều sai lầm, quan điểm chưa rõ ràng, người biên soạn chưa làm hết trách nhiệm ; không thực nghiệm ; Hội đồng (kiểm duyệt) không làm hết trách nhiệm nên mới xảy ra sai sót ; nhà xuất bản biên tập cũng không làm hết trách nhiệm nên biên tập, xuất bản rồi đến khi nhân dân kêu mới nói ‘có những sai sót không tránh khỏi, sách giáo khoa phức tạp, khó lắm’… Sai căn bản từ đầu cứ đổ loanh quanh mà không ai chịu trách nhiệm, không ai bị kỷ luật".

Đây là năm học đầu tiên được triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bắt đầu đối với lớp 1. Sau khi khai giảng vài tuần, Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều đang nhận được nhiều sự chú ý từ phía dư luận và cả Quốc hội thời gian gần đây vì nhiều sai sót, nhưng đã được chính phủ chỉ đạo chỉnh sửa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà ngôn ngữ học, giảng viên trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 17/12 cho biết sách giáo khoa nếu sai sót nhỏ thì cũng là điều bình thường :

"Sai sót là chuyện của con người mà, cho nên tôi quan đến những sai sót thuộc loại lớn, hay nó để ra từ một quan điểm sai lầm hay không. Tôi không có cơ hội đọc hết 4 bộ sách, nhưng tôi có đọc cuốn trong số đó thì thật ra cũng khó lòng mà nói sai. Mỗi người nói một kiểu nhưng tính chất sai nếu có cũng không lớn lắm, như thế là bình thường. Ngày xưa tôi ở miền Nam, sách giáo khoa đôi khi chỉ có 1 tác giả biên soạn thôi, và nếu cách nhìn như ngày nay thì sai sót nhiều lắm chứ không phải không, chúng ta phải bình tĩnh mà thấy những chỗ đó. Trông mong 1 bộ sách giáo khoa tuyệt đối không sai sót thì tất nhiên là mong ước chính đáng, nhưng không phải bao giờ cũng thỏa mãn đâu".

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng chuyện đáng lưu ý hơn lỗi sai của sách giáo khoa là người dân càng ngày càng phản đối giáo dục dữ dội. Ông giải thích thêm :

"Thật ra là người ta bất bình xã hội bằng cách trút giận chỗ đó, chứ còn đất nước Việt Nam có rất nhiều chỗ tệ hại, tệ hại lắm chứ không phải chỉ thế đâu. Nhưng giáo dục ảnh hưởng đến từng gia đình một, và người ta trút cái nỗi bất bình xã hội vào giáo dục là dễ thông cảm, chứ trút giận vào chỗ khác không dễ đâu".

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, ai ở trong nước đều biết, ngay cả nếu người dân muốn trút giận vào một ông quan có sai sót cụ thể cũng không dễ... vì sẽ có công an quân đội cần bắt ai là bắt... Cho nên người dân trút nỗi giận vô ngành giáo dục có vẻ sẽ an toàn hơn.

Nguồn : RFA, 17/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)