Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/02/2021

Dịch Covid đang là thách thức lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam sau Đại hội 13

BBC tiếng Việt

Dập tắt nạn dịch Covid-19 tái bùng phát ngay trước Tết nguyên đán Tân Sửu, bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng là thách thức lớn nhất và ngay trước mắt đối với dàn nhân sự và lãnhh đạo câp cao của đảng Cộng sản Việt Nam hậu Đại hội 13, theo ý kiến từ giới quan sát thời sự Việt Nam chia sẻ với BBC.

dich1

Covid-19 ập đến trước Tết, du lịch Hà Nội ra sao ?

Bình luận tại hội luận Bàn tròn thứ Năm tuần này, hôm 4/2 từ Paris, thủ đô nước Pháp, nhà báo tự do Tường An nói :

"Thách thức lớn nhất của bất cứ chính phủ nào trong giai đoạn này vẫn là chống Covid-19 là điều đầu tiên, nhưng việc chống đại dịch này là trách nhiệm của mỗi người, do đó ai lên thì cũng phải chống Covid mà thôi.

"Chống Covid-19 ở Việt Nam thành công, tôi nghĩ là do sự mong muốn, tính kỷ luật của người dân Việt Nam hơn là ông A, ông B hay bà C nào đó, nắm quy ở trong giai đoạn hiện tại".

Và từ góc nhìn của một người Việt Nam đang ở nước ngoài nhìn vào vấn đề, thách đố này, bà Tường An nói thêm :

"Tôi nhận thấy Việt Nam sau mấy chục năm rồi, thay đổi rất nhiều về đường lối v.v..., nhưng vẫn thích những cái gọi là hô khẩu hiệu.

"Thí dụ có ý kiến từ diễn giả tại hội luận của BBC nhắc đến những câu như là "quyết tâm chống dịch", rồi "lăn xả vào công việc chống dịch" v.v..., theo tôi những cái đó chỉ là những khẩu hiệu để gắn cho bất kỳ một người nào đó có trách nhiệm một danh hiệu anh hùng mà thôi.

dich2

Nhân viên ngành y tế lẫy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại nhà khách Chính phủ ở Hà Nội hô 18/01/2021, ngay trước thềm Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam

"Trong khi việc của những người chống dịch là việc của những người đã được "nhân dân bầu" lên mà thôi, cũng như ở hải ngoại cũng thế, khi bất cứ một Bộ trưởng Bộ Y tế hay bất cứ một người nào trong chính phủ được dân bầu lên thì họ phải thực hiện trách nhiệm đã được dân giao phó, chứ họ không thể được gọi là anh hùng hay nọ kia.

"Kinh nghiệm ở Pháp, cho đến bây giờ chưa có sự thay đổi trong những thành phần chính trị liên quan vấn đề Covid, dĩ nhiên bất cứ một người nào trong chính quyền làm tốt hay làm xấu gì thì cũng được dân soi rất rõ như dưới kính hiển vi và được phê bình rất là nhiều.

"Nhưng chưa đến nỗi có những người phải hy sinh sự nghiệp chính trị của mình như ở các nước khác, thí dụ như ở bên Ý nơi mà Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã phải từ chức, hay như Bộ trưởng Y tế của Cộng hòa Czech cũng đã phải từ chức v.v"...

Từ Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng đưa ra bình luận của mình :

"Tôi xin trao đổi lại ngay thế này, có lẽ đó là góc nhìn của nhà báo Tường An từ phía bên ngoài, còn tôi với tư cách là người dân ở Việt Nam, ở Hà Nội, giao tiếp hàng ngày, tôi có thể khẳng định rằng không nên chính trị hóa.

"Người dân thực sự ủng hộ cách thức mà chính phủ đề ra để chống dịch, chứ không phải chỉ vì quá sợ cho sức khỏe mình mà làm, ở đây phải sòng phẳng với nhau về việc này.

"Ở đây, người dân ở trong nước ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch này, nhưng đồng thời người ta chấp hành một cách rất nghiêm chỉnh"...

Đảng và chính quyền cần gương mẫu hơn ?

Trước đó, ông Hoàng Ngọc Giao đề cập một vài điểm mà ông cho rằng đang được công luận Việt Nam đặt ra liên quan việc chống dịch tái phát của đảng, nhà nước hậu Đại hội 13 :

"Khi nhà báo đặt vấn đề hỏi ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rằng liệu có sự khẳng định dập xong dịch tái phát trong 10 ngày không, ông Bộ trưởng trả lời một cách không thấu đáo.

"Và cũng mang lại sự hiểu lầm trong nhân dân rằng là ai nói thì người đó chịu trách nhiệm, ý là trong lúc ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đang lăn xả vào để chống dịch, thì lại có câu của Văn phòng Chính phủ phát ngôn nói như thế, điều này gây nên một điều gọi là bức xúc trong dư luận.

"Theo tôi, câu chuyện này đã làm được rõ và nhân dân đều hiểu tâm huyết của ông Vũ Đức Đam trong việc ông quyết liệt, lăn xả vào chỉ đạo việc chống dịch, và ai cũng hiểu rằng không thể dựa vào thời hạn là mười ngày để dập xong dịch.

"Nhưng nhân đây, tôi cũng muốn bình luận luôn về câu chuyện chống dịch hiện nay, việc đeo khẩu trang, tất cả các phường, xã đều phải thông báo là thực hiện 'Năm K', tức là khẩu trang, giãn cách, không tụ tập v.v.

"Thế thì khẩu trang phải đeo hết, nhưng dư luận cũng cảm thấy bất ngờ và cũng không hài lòng lắm về việc ngày 02/02/2021 tổ chức sự kiện 'Việt Nam tỏa sáng' ở Cung Hội nghị Quốc gia, gần 2.000 người tham dự, các quan chức của đảng chẳng có ai đeo khẩu trang cả, mặc dù lập luận rằng trước đó đã được thử, xét nghiệm.

"Rồi tiếp đó, hôm sau 03/02 là ngày kỷ niệm thành lập đảng thì cũng tổ chức một Dạ hội như vậy, điều này rõ ràng là phản cảm. Theo tôi, chính phủ, Đảng cộng sản Việt Nam nếu đã thể hiện quyết tâm, thì cũng phải làm gương.

"Thế còn kêu gọi nhân dân đeo khẩu trang, trong khi đó hội họp chẳng có đeo khẩu trang gì cả, thì cái này gây ra những dư luận không hay trong nhân dân".

Từ Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói với BBC về tình hình, nguy cơ của Covid-19 tái phát và ứng phó của Việt Nam :

"Tái phát dịch Covid-19 hiện nay có thể đe dọa rất lớn đến tình hình của dân chúng trước Tết nguyên đán Tân Sửu sắp tới này, tuy nhiên về chống dịch, Việt Nam đã có kinh nghiệm.

"Tôi vừa theo dõi truyền hình xong, thấy rằng cả quân đội, các lực lượng vũ trang khác, rồi y bác sĩ làm việc không kể ngày đêm ở các trung tâm ứng phó dịch...

"Nhưng tôi thấy có vẻ lần này Việt Nam không làm mạnh bằng lần trước theo chỉ thị 15, 16, bởi vì lần trước với chỉ thị đó, Việt Nam đã phong tỏa cả thành phố sau đợt dịch thứ hai từ Đà Nẵng về.

"Song lần này tôi thấy Việt Nam làm còn có vẻ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, theo nghĩa là người dân chưa thực sự cảnh giác cao độ.

"Đi ra ngoài đường, hôm nay tôi cũng dạo quanh phố phường, dạo quanh thị trường, tất nhiên tôi có đeo khẩu trang, tranh thủ có nắng, tôi nhận thấy rất nhiều tụ điểm vẫn còn và đeo khẩu trang rất thưa thớt, thế thì đó là nguy cơ mà có thể tiếp tục bùng phát.

"Và một điểm đầu tiên về năng lực chống dịch của chính phủ và của các quan chức chính quyền ở các các địa phương, tôi thấy lúc đầu rất khẩn trương, nhanh nhẹn.

"Khi biết có ca dịch đầu tiên, ngay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Mỹ Đình nơi Đại hội 13 đang họp, thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Y tế và các lãnh đạo địa phương có dịch đã họp ngay tại đó, rất khẩn trương.

"Tuy nhiên, tôi thấy phát ngôn chống dịch có vẻ hơi chủ quan, khi có phát biểu nói rằng có thể dập dịch trong vòng tám ngày, thì tôi nghĩ rất khó và có thể nhận định như thế chưa thật là sát với tình hình trung tâm dịch", ông Phạm Quý Thọ nói với BBC.

Nguồn : BBC, 05/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)