Những di dân tuyệt vọng trong hành trình gian khổ về quê
Ngọc Lễ, VOA, 15/10/2021
Những người dân tứ xứ từ vùng dịch vượt quãng đường dài về quê bằng xe gắn máy trong thời gian qua là do họ đã cùng đường, không cầm cự nổi nữa, theo tìm hiểu của VOA, và trong thời gian tới họ sẽ tìm kế sinh nhai ở quê nhà thay vì trở lên phố đi làm lại.
Dòng người về quê sau khi bị kẹt lại trong nhiều tháng vì dịch bệnh
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và lệnh giãn cách xã hội gắt gao ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã khiến nhiều dân lao động nhập cư lâm vào cảnh khốn đốn. Và khi lệnh giãn cách được nới lỏng, hàng chục ngàn người đã từ bỏ tất cả, gói ghém đồ đạc, lên xe máy tìm đường về lại cố hương.
‘Chắt bóp mà sống’
Bà Nguyễn Bích Thủy, 63 tuổi, quê ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau là một trong số đó. Trước khi có dịch, hai vợ chồng là công nhân thời vụ của hãng sản xuất hàng gia dụng Lock&Lock thuộc khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bà Thủy cùng chồng, hai người cháu gọi là cô ruột và một người bạn của bà, đã chở nhau trên ba chiếc xa máy về đến Đầm Dơi vào ngày 11/10.
Nói với VOA, bà cho biết mấy tháng bị kẹt ở Vũng Tàu vì dịch bệnh, bà luôn trông ngóng ngày được về quê vì tình cảnh của bà lúc đó rất tuyệt vọng. Theo lời bà thì lúc đầu bà tính đợi qua dịch thì xin đi làm lại nhưng sau thấy cuộc sống vất vả quá nên quyết định về quê.
"Hồi đầu nghe nói địa phương lo cho ăn uống này kia nhưng cuối cùng không có gì hết trơn. Đâu gần ba tháng trời mà cho được có 20 ký gạo hà. Rồi nói có tiền bạc này kia cuối cùng cũng không có hỗ trợ gì luôn", bà cho biết.
"Nhà nước kêu gọi cán bộ ráng lo cho dân mà có lúc tụi tôi đói muốn chết mà không có ông cán bộ nào ghé hỏi thăm hết. Nguyên khu tôi ở họ về muốn hết luôn đó", bà nói thêm.
Trong mấy tháng bị kẹt lại, vợ chồng bà sống bằng tháng lương cuối cùng mà cả hai lãnh, tổng cộng là 9,7 triệu đồng, bà cho biết. "Hai vợ chồng chắt mót ăn từ từ. Có bữa mua 5 ngàn đồng tàu hũ về kho hai vợ chồng ăn một ngày, có bữa mua đậu bắp về kho chứ đâu dám ăn thịt cá gì đâu", bà nói.
Vợ chồng bà có vào hỏi công ty thì được cho biết họ chỉ nhận lại công nhân chính thức chứ chưa đến lượt công nhân thời vụ cho nên bà không thể ở lại đợi được nữa.
"Thấy khó khăn vậy thì tôi quyết định thôi về, về có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo", bà giãi bày với VOA.
‘Phải có giấy xét nghiệm’
Bà thuật lại hành trình bà đi từ Vũng Tàu về đến Cà Mau mà lúc đầu bị ‘Công an làm khó’ ở chốt chặn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Theo lời bà thì Công an đòi bà phải có giấy phép xét nghiệm âm tính Covid-19 mới cho qua. Mấy hôm trước bà đã được xét nghiệm âm tính ở khu trọ nhưng lại không được cấp giấy nên Công an đòi vợ chồng bà phải đi xét nghiệm lại.
"Tôi mới năn nỉ. Tôi nói là tại vì bây giờ ở lâu quá rồi nên cạn tiền rồi, không có tiền trả tiền trọ, tiền ăn, đồ đạc bán hết trơn để gom tiền làm phí đi về, còn mấy trăm ngàn mà bây giờ đi xét nghiệm nữa thì tiền đâu tôi về", bà kể.
Tuy nhiên, Công an trực chốt không chấp nhận. Cuối cùng, hai vợ chồng bà phải đi đến phòng khám để làm xét nghiệm nhanh. Tiền xét nghiệm hết 400 ngàn đồng và sau đó trong túi bà chỉ còn lại 70 ngàn đồng, bà Thủy nói.
"Từ đó tôi đi dài xuống đến phía này thì có mạnh thường quân cho đồ ăn, có cô đó cho tôi được 100 ngàn đồng. Tới Cần Thơ gặp được anh kia cho chai xăng 5 xị đủ chạy về tới Cà Mau luôn".
Theo lời bà thì trừ chốt chặn ở Long Thành, Đồng Nai, các chốt còn lại ‘đều rất dễ’ và ‘thương dữ lắm’. "Họ hỏi về đâu, có ăn uống gì chưa, nếu chưa thì ghé lại lấy đồ ăn thức uống", bà kể.
Khi bà về tới thành phố Cà Mau vào lúc khuya, bên cạnh vợ chồng bà còn có ‘đoàn xe 50-60 chục chiếc người về’. Bà đợi tới sáng thì có cảnh sát giao thông dẫn đường cho đoàn xe của bà về đến quê nhà ở ấp Tân Thạnh B, xã Tạ Khương Nam, huyện Đầm Dơi, bà Thủy nói.
"Đoạn đường từ Cà Mau về tới Đầm Dơi, tôi thấy sung sướng, phấn khởi lắm vì đã về tới quê nhà", bà bày tỏ và cho biết bà về sống với các con và sẽ không quay lại Vũng Tàu nữa.
"Thứ nhất là sợ dịch bệnh. Thứ hai là tôi thấy cuộc sống sao bấp bênh quá", bà giải thích lý do vì sao sẽ không lên lại.
‘Không còn tiền ăn’
Đồng cảnh ngộ với bà Bích Thủy là anh Nguyễn Văn Thể Anh, một di dân vào sống ở Sài Gòn được 5 năm. Trước khi có dịch anh đi phụ sửa xe ô tô ở Vũng Tàu được 1 năm. Anh Thể Anh đã chạy xe vượt đoạn đường hơn 1.000 km trong gần 2 ngày đêm để về đến quê nhà ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, hôm 7/10.
Lý do anh về quê cũng giống như bà Thủy. Anh nói với VOA : "Khi đó dịch chính quyền đã cấm ra khỏi nhà 3 tháng. Tiền trọ thì người ta không giảm. Bản thân em chỉ đi phụ sửa ô tô lương thì không cao. Nếu tiếp tục ở lại sẽ không còn tiền ăn cũng như không còn tiền đóng nhà trọ nên em đành đi xe máy về quê".
Mặc dù khi đó nhiều nơi đang mở cửa lại dần, nhưng nếu anh Anh đi xin việc trở lại thì phải trong 1 tháng sau mới có lương. "Em không còn tiền ăn để lấy sức đi làm trong 1 tháng đó nữa", anh phân trần.
Khi được hỏi tại sao quãng đường xa như vậy mà lại đi xe máy thay vì bắt xe khách, anh nói vì giá vé ‘lên đến 3 triệu đồng’ nên anh không đủ khả năng. Anh cùng với một người bạn có hoàn cảnh tương tự thay phiên nhau lái trên đoạn đường dài.
"Lúc em về 2 anh em vay mượn gom lại được 2 triệu, đi xét nghiệm lấy giấy âm tính hết 440 ngàn, đổ xăng hết 1,2 triệu rồi vá ruột thay nhớt…", anh cho biết.
Khác với bà Thủy, trong thời gian giãn cách anh được chính quyền sở tại hỗ trợ 1,5 triệu đồng nhưng vì đồ ăn lên giá gấp mấy lần ‘nên số tiền đó chỉ đủ cho hơn một tuần ăn uống’. "Một tuần thì cả dãy phòng trọn nhận được bó rau muống héo chia cho mười mấy phòng", anh nói thêm.
Khi được hỏi phải chạy xe máy đường trường như vậy thì có lo lắng không, anh nói ‘rất lo vì chưa bao giờ chạy xa như vậy trong thời tiết mưa bão’. "Nhưng vì đói quá mà chúng em phải tháo chạy về", anh giãi bày.
Hành trình gian khổ
Theo lời anh thuật lại thì hành trình về quê của hai anh ‘gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại’.
Có lúc xe thủng lốp giữa đường phải dắt bộ tầm 10km mới có chỗ vá xe, anh kể, mặc dù trên đường có nhiều tiệm vá xe nhưng không ai dám làm vì ‘sợ lây bệnh’’.
"Khi qua các chốt thì tụi em cũng được các anh Công an động viên và phát bánh nước. Dọc đường chúng em còn nhận được những hộp cơm 0 đồng dân địa phương phát", anh nói.
Khi ra đến Bình Thuận thì gặp mưa bão nhưng ‘vì mong muốn về nhà sớm nên chúng em cố gắng chịu mưa gió lạnh thay đổi nhau để chạy’, anh Anh nói thêm và cho biết ‘có lúc mệt quá nhưng cố chạy. Có mấy lần ngủ gật nhưng may mắn không có chuyện gì xảy ra’.
Tổng cộng thời gian ngủ của anh trong hai ngày đi đường là 10 tiếng, anh kể. "Chúng em mặc áo.mưa ngủ dưới hiên nhà dân. Vì lần đầu chạy xe máy đi xa nên chúng em chưa có kinh nghiệm mang theo đồ để lót ngủ", anh nói.
Theo lời anh thì khi đi qua các chốt, anh phải trình giấy xét nghiệm âm tính và khai báo thời gian, địa điểm đi và đến. Trên đường đi hai anh gặp rất nhiều đoàn nhưng ‘không ai giúp nhau trên đường, ai theo không kịp thì sẽ bị bỏ lại phía sau’.
"Về đến địa phương thì chúng em chạy thẳng vào trạm y tế xã khai báo và cách ly tập trung luôn", anh nói. Dự định của anh là ‘đợi Đài Loan mở cửa thì sẽ đi xuất khẩu lao động’.
"Trong khi chờ đợi thì em sẽ đi đánh bắt cá dưới sông Lam, vì em là người con sông nước", anh nói với VOA.
Khi được hỏi có dự định vào Nam trở lại sau dịch không, anh Anh giãi bày : "Chắc là không vì sau đợt dịch này em nhận ra rằng thà ăn bát cơm rau muống luộc với ăn cá mà ở quê vẫn đậm tình người hơn. Ở miền Nam nơi đất khách không tiền thì chỉ có đói thôi".
Anh cho biết trước lúc dịch bệnh thì cuộc sống anh vẫn bình thường nhưng đến dịch thì ‘rơi vào bế tắc’. "Trước đó chưa bao giờ em nghĩ sẽ bỏ miền Nam về quê", anh nói.
"Về đến địa phận Nghệ An là cảm xúc dâng trào trong lòng", anh nói thêm.
Dòng người di tản ồ ạt từ thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương bùng dịch đã đặt các tỉnh miền Tây vào tình trạng hết sức căng thẳng: vừa lo tiếp nhận, sắp xếp cho người về vừa đối phó với nguy cơ dịch bệnh bùng phát, theo tìm hiểu của VOA.
Hàng chục ngàn người từ vùng dịch kéo nhau về quê sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng
‘Có thể vỡ trận’
Kể từ đầu tháng 10, khi tình hình dịch bệnh ở thành phố có dấu hiệu khả quan và các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, hàng trăm ngàn người dân miền Tây lưu trú tại thành phố đã đi xe máy về quê tránh dịch.
Chẳng hạn như tỉnh Sóc Trăng, chỉ trong ba ngày đầu tháng 10 đã có gần 30.000 người về quê. Riêng đêm 2/10 số lượng người về 20.000 tự phát ‘đông nghẹt cả một đoạn quốc lộ’, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trần Văn Lâu, chủ tịch tỉnh Sóc Trăng, cho biết.
Tỉnh An Giang đến ngày 5/10 đã đón 35.000 người về quê, theo số liệu của báo An Giang. Còn ở tỉnh cực nam Cà Mau, chỉ trong vòng 7 ngày cho đến ngày 7/10, đã có hơn 21.500 người dân về đến, báo Cà Mau dẫn lời ông Nguyễn Tiến Hải, bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết.
Đáng lưu ý là trong dòng người đổ về từ vùng dịch này, qua xét nghiệm sàng lọc đã phát hiện hàng trăm ca dương tính với virus corona, chẳng hạn như Đồng Tháp có 70 ca, Hậu Giang 50 ca, và Sóc Trăng 60 ca, theo tường thuật của báo mạng Vietnamnet. Riêng tỉnh Cà Mau ghi nhận 178 ca mắc từ những người tự phát về quê trong tổng số 207 ca trong tuần lễ từ ngày 3 đến 8/10.
Các tỉnh miền Tây đã trưng dụng hết các sơ sở sẵn có để làm khu cách ly nhưng vẫn không đáp ứng nổi, truyền thông trong nước cho hay. Chẳng hạn như tỉnh Cà Mau đã trưng dụng gần 300 trường học làm khu cách ly và hiện đang cách ly tập trung hơn 14.000 người, theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Cà Mau được báo Cà Mau dẫn lại.
Trước tình hình này, các tỉnh phải cho cách ly tại nhà. Chẳng hạn như nhiều địa phương ở tỉnh Cà Mau phải thực hiện việc ‘đổi nhà, cho mượn nhà, tận dụng chòi, vuông…’ để cho người dân về tự cách ly.
Tình hình căng thẳng đến mức có lúc 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị lên Chính phủ tạm ngưng cho người dân về quê trong vòng 15 ngày để ‘tránh vỡ trận’.
"Nếu để người dân tiếp tục tự về nữa thì không tỉnh nào chịu nổi. Năng lực điều trị, tỷ lệ tiêm vaccine của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp… nên khả năng nhiễm rất lớn. Các tỉnh miền Tây có thể sẽ chuyển đỏ", Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu được Vietnamnet dẫn lời cho biết tại sao ông đưa ra kiến nghị này.
Dòng người về quá lớn cũng khiến tỉnh Cà Mau hôm 3/10 phải ra quyết định ngưng nới lỏng giãn cách chỉ sau một ngày tỉnh này cho các dịch vụ, hàng quán mở cửa phục vụ trở lại.
Công việc cấp tập
VOA đã liên hệ ông Đỗ Hảo, một trưởng ấp ở xã Tân Việt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, để tìm hiểu và được cho biết xã Tân Việt đến nay đã ‘tiếp nhận gần 600 người’, trong đó ấp của ông đón ‘trên 50 người’
Theo lời ông thì hiện giờ tất cả các huyện, xã, ấp đều được huy động cho công tác đón người về theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh vì ‘lượng người về quá nhiều, huyện, xã nào nhận về huyện, xã nấy chứ tỉnh không còn chỗ để cách ly tập trung’.
Do đó, xã của ông phải ‘dọn ra ba trường học để cho bà con tập trung về đó’, ông Hảo cho biết.
"Tập trung về đó thì mình phải lo, phải đi vận động góp thức ăn này kia, nấu cơm để nuôi ba điểm trường học này", ông nói.
Theo lời ông thì Ủy ban tỉnh cấp cho mỗi người về được 20 kg gạo, ‘Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ nhu yếu phẩm như nước tương, đường, muối, dầu ăn’, còn thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá… thì ông đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp.
"Các tiệm tạp hóa đang kinh doanh thấy người về người ta cũng thương nên họ cho nhiều. Họ có gì cho nấy nên vận động rất là dễ", ông Hảo nói và cho biết trong xã cũng có những người tình nguyện tham gia nấu ăn rồi phân phát đến các khu cách ly.
Còn đối với những ai muốn về nhà tự cách ly thì ông phải đi khảo sát chỗ ở của họ có đảm bảo điều kiện cách ly không, nhất là ‘phải đầy đủ điện đài, bếp ăn, nhà vệ sinh riêng, nước sinh hoạt’, ông nói. Hiện tại ở ấp của ông đã giải quyết cho về nhà hơn 30 người rải rác trong 17-18 hộ để tự cách ly.
"Họ phải có phòng riêng biệt không được ở chung với ai hết", ông nói và cho biết những người tự cách ly cũng được cung cấp lương thực, thực phẩm để họ có thể sống qua 28 ngày.
Các điểm trường học được chọn làm nơi cách ly ‘có phòng ốc sạch sẽ, cao ráo, vệ sinh đầy đủ, nhiều phòng’, cũng theo lời ông, và ‘các phòng cách ly phải đảm bảo mật độ không được ở quá đông và phải được khử khuẩn hàng ngày’.
Ông cho biết kể từ làn sóng người ồ ạt về quê đến nay, địa phương ông vẫn đảm đương nổi và không bị quá tải ‘vì khi có người được về nhà thì khu cách ly lại có phòng trống để tiếp nhận người khác’.
"Chỉ trừ 1-2 ngày đầu chuẩn bị không kịp vì người dồn về quá đông", ông nói. "Kể từ ngày 11/10 số người về đã ít đi. Hình như họ về mấy ngày đầu cũng gần hết rồi".
‘Mệt mỏi nhưng cố gắng’
"Đôi lúc mệt mỏi tôi cũng muốn bỏ cuộc, nhưng khi ra tiếp cận với bà con thì mới thấy họ nghèo khổ, mấy tháng qua họ mần không được, ở nhà rồi họ nhớ nhà, họ ở trển không có việc làm, không có tiền đóng nhà trọ nên họ mới về", ông Hảo nói với VOA.
"Thấy mấy hoàn cảnh như vậy thì mình cũng quên mệt mỏi và cố gắng thôi", ông giãi bày.
Ông cho biết chính quyền chỉ mới hỗ trợ cho người dân thất nghiệp tại chỗ mỗi người được 1,5 triệu đồng còn những người trở về thì chưa được hỗ trợ tiền.
Về tâm lý của người dân địa phương, ông nói: "Mình đang yên đang lành thì thấy lượng người về đông cũng sợ".
Theo lời ông kể thì khi dòng người từ vùng dịch đổ về, người dân ‘không dám ra đường, không dám tiếp xúc, các cửa tiệm buôn bán giờ cũng không còn ai ghé vì người dân rất sợ dịch’.
"Nhưng họ về đông chứ họ có về thẳng thôn ấp đâu. Họ phải đi tập trung, hay đủ điều kiện thì về nhà cách ly bị giăng dây hết nên bà con cũng yên tâm", ông nói và cho biết nhờ vào vận động nên ‘bây giờ bà con cũng hiểu, không còn kỳ thị, xa lánh người về nữa’
Theo lời ông thì chính quyền các tỉnh nên ‘khuyến khích bà con ở lại, đừng về vì tình hình dịch ở Sài Gòn đã hạ nhiệt, ở lại được chích ngừa, đi làm lại khi các công ty mở cửa lại chứ về dưới này cũng thất nghiệp, còn phải lo cho cuộc sống sau này nữa’.
Nguồn : VOA, 15/10/2021
Đại dịch và chính phủ chỉ ‘phát’ chứ không ‘động’ !
Trân Văn, VOA, 19/08/2021
Chính phủ Việt Nam vừa tái khẳng địnhnhững địa phương đang thực hiện các giải pháp phong tỏa không được để dân chúng tự ý rời nơi bị phong tỏa về quê (1).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh : VGP/Nhật Bắc
Còn Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì xác nhận đã có hàng trăm ngàn cư dân chạy khỏi Thành phố Hồ Chí Minh vì cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai thế nào (2).
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam chỉ đạo chính quyền các địa phương đang thực thi biện pháp phong tỏa phải giữ cư dân ở tại chỗ, không cho họ dịch chuyển về quê (3). Chủ trương này từng và đang khiến chính quyền một số tỉnh chặn người di tản băng qua địa phận của mình, một số tỉnh không cho người di tản vốn là cư dân của mình quay về nương náu với gia đình của họ, thậm chí, một số tỉnh chỉ trích những tỉnh khác lỏng tay khiến dân chúng lũ lượt tháo chạy về phía họ…
Thật ra, kềm giữ những người đang sống trong khu vực có dịch ở yên tại chỗ không sai, bởi bất kỳ sự dịch chuyển nào cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những ổ dịch mới. Tuy nhiên kềm giữ, cấm dịch chuyển chỉ mới là một vế, vế còn lại là phải đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cho những người bị cấm dịch chuyển, khiến họ yên tâm trụ lại tại chỗ. Trên thực tế, tuân thủ các chỉ đạo, thực thi những giải pháp mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đề ra chẳng khác gì tự hãm mình trong tử địa !
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, sơ kết :Sau hai tháng rưỡi phong tỏa, mỗi ngày thành phố này có khoảng 240 người chết, bệnh tình của hàng trăm người nhiễm Covid-19 trở nặng phải thở oxy, hàng ngàn bệnh nhân cần hồi sức cấp cứu. Còn Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, kể :Số ca lây nhiễm bên ngoài các khu cách ly đang tăng. Trước, tỉ lệ khoảng 20%, giờ tỉ lệ khoảng 53%.Hệ thống y tế đã quá tải, nhiều người đã chết oan (4) nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng, chưa có và không để xảy ra khủng hoảng y tế (5) !
***
Chỉ đạo phải giữ những người đang hiện diện tại vùng dịch, không cho họ về quê là một giải pháp nửa vời và chính phủ hiểu rất rõ về tính khả thi của chỉ đạo này.
Làm sao có thể kềm giữ nạn nhân trụ lại tại chỗ khi họ đói, họ không còn khả năng trả tiền thuê nhà nên đã mất chỗ nương thân... Đó cũng là lý do, công điện lặp lại chỉ đạo có tính nhất quán ấy mới thêm những ý :Nếu người tự ý về quê đã vào địa bàn tỉnh nào đó thì các tỉnh phải tiếp nhận, quản lý, bảo đảm an toàn, chưa đưa đưa về quê được thì giao Bộ Quốc phòng tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý... Bởi chính phủ nửa nạc, nửa mỡ như thế nên nạn dân không dở sống, dở chết thì cũng vạ vật ở bụi, ở bờ !
Không phải tự nhiên mà sau khi chính phủ nhắc lại chỉ đạo tiếp tục lưu giữ cư dân vốn ở các tỉnh, không cho về quê, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh vẫn bảoThành phố cũng đang cố gắng tổ chức phối hợp để hỗ trợ bà con yên tâm trở về quê như tiêm vaccine, tổ chức xe đưa đón, phối hợp với địa phương về như thế nào cho an toàn, xét nghiệm cho người dân trước khi về, cố gắng không gây thêm khó khăn cho các địa phương ! Khi chính phủ chỉ"phát" chứ không"động" thì "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" sẽ là tất nhiên.
Làm sao chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có thể lo cả thực phẩm, chỗ ăn ở, chăm sóc y tế, rộng hơn, giảm bớt ưu tư, căng thẳng cho tất cả nạn dân, kể cả cư dân các tỉnh đang lưu trú ở đó, khi chính phủ không có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào căn cơ, cụ thể. Ngay cả việc miễn, giảm những chi phí liên quan đến dân sinh trong thời gian cầm cự với dịch như điện, nước, điện thoại, rồi tính lãi - thu nợ chẳng hạn với những người có nhà, có phòng cho thuê, cũng chưa rạch ròi thì cấm dịch chuyển có khác gì dìm các giới xuống đáy ?
Nếu chính phủ vừa "phát", vừa "động" với những chính sách rạch ròi, nhất quán, không chỉ hỗ trợ nạn dân trong khu vực có dịch mà còn bảo vệ lợi ích của dân chúng những vùng khác (ví dụ hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản bằng cách xuất tiền mua nông sản, cấp cho cư dân các vùng có dịch) thì chắc chắn không cần nhấn đi, nhấn lại yêu cầu cấm dịch chuyển, không khiến dân sinh, kinh tế càng ngày càng bi đát vì không thấy lối thoát như hiện nay.
Thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng và 142.000 tấn gạo (6). Nếu "phát" mà "động", hỗ trợ đã hiện hữu trong kế hoạch thì đâu cần khẩn cấp !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/08/2021
Chú thích
(4) https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-dung-de-ai-phai-chet-tuc-tuoi-nhu-the-20210818070114482.htm
****************
Cao Nguyên, RFA, 19/08/2021
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mới đây thông báo đã tung ra hai gói hỗ trợ Covid trong hai tháng 7 và 8/2021, bao gồm tiền mặt cũng như nhu yếu phẩm cho lao động tự do mất việc làm, người nghèo và cận nghèo trong thành phố.
Reuters
Với gói hỗ trợ lần hai, lãnh đạo thành phố hứa hẹn rằng lao động nghèo, ai có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đều được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú.
Trên Facebook, một nhóm có tên "Những Người Chưa Nhận Được Trợ Cấp Covid" với gần 8.000 thành viên tham gia. Trong đó, có rất nhiều người phản ánh rằng mình là lao động tự do, thất nghiệp do Covid và đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn chưa nhận được một đồng nào do Chính phủ trợ cấp.
Và tất cả những người lao động mà Đài Á Châu Tự do phỏng vấn sau đây đều xác nhận cho đến ngày 19/8, họ chưa nhận được tiền từ các gói hỗ trợ trên vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Tài làm nghề phục vụ quán ăn ở Bình Chánh cho biết ông không nhận được tiền hỗ trợ dù đã nộp giấy tờ lên phường chờ xác minh. Cán bộ địa phường nói với ông Tài là phường "bốc hồ sơ ngẫu nhiên" nên có người nhận được hỗ trợ, người không. Ai trúng thì được nhận tiền, còn lại thì chờ đợt sau :
"Không, chưa nhận được một cái gì luôn. Có hỏi, có làm giấy tờ, cũng đã có xác minh giấy tờ nộp rồi, nhưng mà cũng im ru không nghe nói năng gì tới hết.
Họ nói là bây giờ muốn gì thì lên trên xã trên phường hỏi chứ nó không biết gì hết. Có người nhận được, có người không nhận được. Người ta thắc mắc thì nó nói là giờ trên phường xã bốc hồ sơ ngẫu nhiên. Người nào bốc trúng trước thì được trước. Còn người nào chưa bốc tới thì phải chờ chứ nó không biết gì hết trơn".
Ông Nghiêm, trước dịch chạy xe ba gác mướn ở Nhà Bè cũng không được hỗ trợ từ Chính phủ. Lý do là cấp trên chưa rót tiền xuống :
"Không nhận được cái gì hết. Từ đầu mùa tới giờ nhận được hai bịch rau với lại 10 ký gạo.
Mình hỏi người quen biết trên xã về tiền hỗ trợ thì người ta nói rằng mình chạy xe ba gác này là Nhà nước cấm nên là không có.
Hai tháng này là không đi làm được lấy đâu mà có tiền, tổng cộng tiền nhà trọ điện nước là hơn ba triệu/một tháng. Bây giờ khi nào người ta ném đồ ra sân thì mình đi thôi.
Có lần phản ánh 1022 (tổng đài hỗ trợ trong mùa dịch) thì nó có gọi về cho địa phương. Bên địa phương xác nhận rồi gọi cho tôi hỏi một hồi rồi nó chốt lại là tiền chưa về".
Ông Hải, nhà ở Hóc Môn chia sẻ, ông và vợ buôn bán tự do, phải nuôi hai con nhỏ, nhưng đã mất việc ba tháng rồi. Cách đây vài hôm ông Hải có nhắn tin xin quà trên Zalo thì được Uỷ ban xã cho năm ký gạo, nhưng không có tiền :
"Có nhận được năm ký gạo với mì nhưng mà tiền thì chưa có. Mình không nhận được một triệu rưỡi.
Mình có nghe hỗ trợ thì mình làm đơn nhưng mà không thấy. Có thì mình mừng không có thì thôi, chứ bây giờ biết làm sao !".
Chị Dương, ở Bình Chánh là trợ giảng cho một trung tâm Tiếng Anh, có bố làm nghề hớt tóc, còn mẹ bán quán cà phê nhỏ. Cả ba đều mất việc mấy tháng nay nhưng không có tiền hỗ trợ vì nhà mất việc nhưng không được xếp vào hộ nghèo :
"Nhà em cũng không được hỗ trợ. Ba mẹ cũng không được hỗ trợ gì hết. Cũng là nằm trong diện lao động tự do nhưng mà nó tinh vi lắm, nó không cho mình lãnh.
Lúc mình hỏi là nhà em có được lãnh không, thì nó bảo là nhà mày đâu có nghèo đâu mà đòi".
Cuối tháng bảy, Bộ Lao động, thương binh và xã hội công bố sáu đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc liên quan gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Phóng viên RFA nhiều lần gọi đến số 0911151166, số này phụ trách về các chính sách hỗ trợ lao động bị mất việc và lao động tự do, nhưng không có ai nghe máy.
Ngày 10/8, mạng báo Lao Động dẫn lời Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ông Lê Minh Tấn lý giải về việc có nhiều người lao động phản ánh không nhận được hỗ trợ vì hai nguyên nhân. Thứ nhất là người lao động không cư trú hợp pháp trong thành phố. Thứ hai là người lao động không có thu nhập thấp hơn bốn triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hôm 15/8 phát biểu rằng "Người đang cư ngụ tại thành phố, không phân biệt thành phần nào, ở đâu, chỉ cần khó khăn, thiếu thốn thì thành phố giúp đỡ vô điều kiện".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 19/08/2021
*******************
Năng Tịnh, Hạ Di, Luật Khoa, 19/08/2021
Không được chính quyền trợ giúp, họ phải trông đợi sự giúp đỡ của những người xa lạ.
Sau khi bài viết giới thiệu về trang web "SOS map" được đăng tải, một số bạn đọc của Luật Khoa đã liên hệ với các trường hợp cần giúp đỡ ở khu vực của mình. [1] Họ đã chia sẻ cho chúng tôi hoàn cảnh của những con người đang cầu cứu đó. Những chia sẻ bên dưới được viết lại từ lời kể của bạn đọc. Tên của các nhân vật được thay đổi để đảm bảo tính riêng tư.
***
Gia đình bốn người của chị Trân sống tại quận 12. Chị không may khuyết tật, ở nhà nuôi đứa con nhỏ bốn tuổi. Nguồn thu chính của gia đình phụ thuộc vào những người lớn khác trong nhà. Chồng chị làm nghề sửa xe và một người khác làm công nhân đều mất việc kể từ khi thành phố ra lệnh giãn cách. Suốt hai tháng qua, cả gia đình đều không có đồng thu nhập nào. Số tiền dành dụm ít ỏi của họ không đủ chống chọi với đủ thứ chi phí. Hàng xóm bên cạnh chị trong cùng xóm trọ, đa phần là công nhân, cũng thất nghiệp hai tháng nay.
Chồng chị là lao động tự do không có trợ cấp, những công nhân khác trong khu của chị cũng không. Khi được hỏi về việc nhà nước trợ giúp, chị cho biết "hoàn toàn không có trợ cấp gì", cho dù là từ tổ dân phố, phường hay quận.
Khu vực của chị may mắn chưa bị phong tỏa, nhưng cái may đó lại thành rủi khi những lần hiếm hoi các mạnh thường quân đến giúp đỡ lại chỉ tập trung tiếp tế cho khu phong tỏa, bỏ qua những hộ gia đình ở ngoài cũng nguy khốn không kém. Chỉ khi nào còn dư đồ thì các phần trợ giúp ít ỏi đó mới tới được các hộ bên ngoài khu phong tỏa.
Giống như nhiều người khác, gia đình chị và những người trong khu trọ đều đăng ký gói hỗ trợ đợt 1 và đều không thấy gì. Trong lúc mòn mỏi chờ gói hỗ trợ đợt 2 hay những lời hứa hẹn mới nhất từ chính quyền, họ phải lên mạng cầu cứu mọi sự giúp đỡ.
Chị Quyên tại quận Gò Vấp cũng không may không thể tự đi làm kiếm tiền. Bốn năm qua, kể từ khi mắc bệnh ung thư, chị phải nghỉ hẳn để tập trung chữa bệnh. Trước đó, chị có công việc ổn định trong một tổ chức phi lợi nhuận. Thời gian qua, chồng chị may mắn vẫn tìm được công việc lái xe chở hàng, nhưng thu nhập bị cắt giảm đi nhiều so với trước dịch. Một điều may khác là chị ở gần cô tổ phó của tổ dân phố. Biết hoàn cảnh của chị, trong hai lần tổ được phát gạo, cô tổ phó tranh thủ xin được cho chị mỗi lần một bao gạo 5 kg.
Chị có liên hệ nhiều nơi để được đăng ký trợ cấp theo diện hộ nghèo, nhưng đều bị từ chối. Lý do là "người ta nói điều kiện để được xác nhận là hộ nghèo là mình phải không có tivi, không có tủ lạnh, máy giặt, không có xe máy, nên chị không có được".
Không "đủ điều kiện" để được hỗ trợ, chị phải tìm cách kêu gọi sự giúp đỡ ở nhiều nơi, trong đó có các nhóm Facebook tự phát. Nhưng có lẽ vì quá nhiều lời kêu cứu nên những trường hợp của chị lọt thỏm không nhận được phản hồi. "Chị cũng ngại phải xin tới xin lui như vậy hoài, nên thôi".
Điều khiến chị lo nhất là chuyện tiêm vaccine. Mắc bệnh ung thư, thuộc diện ưu tiên theo chính sách của chính quyền, nhưng chị không được bất kỳ ai liên hệ sắp xếp tiêm. "Thấy có nhiều người trẻ hơn mà không có bệnh nền họ được tiêm nhiều lắm", chị nói. "Nhiều khi mình bức xúc, mình thấy kỳ quá mà cũng không biết nói với ai".
Người nghèo, người vô gia cư ngồi kéo dài trên cầu Nguyễn Văn Cừ hướng từ quận 5 sang quận 8 chờ nhận quà từ các hội nhóm từ thiện. Ảnh chụp trước ngày thành phố ra chỉ thị người dân không được ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Ảnh : Hữu Khoa/ Dân Trí.
Ở trong cùng quận Gò Vấp, chị Hoa thì tìm ra được người để nói, nhưng kết quả không mấy khác biệt. Chị gọi hai lần lên đường dây nóng 1022 của thành phố để tìm kiếm trợ giúp, nhưng "họ nói ngược nói xuôi, rồi kêu mình liên hệ về ủy ban phường, quận gì rồi thôi". Khi chị liên hệ với phường thì "người ta nói mình không phải đối tượng nhận hỗ trợ".
Trong khi đó, chị Hoa làm tạp vụ, bị công ty cho nghỉ việc từ cuối tháng Năm. Tuy có hợp đồng lao động, nhưng không được hỗ trợ gì. "Công ty cũng dẹp luôn mà", chị nói. Chồng chị làm xây dựng, cũng lâm vào cảnh thất nghiệp mấy tháng nay và cũng không nhận được trợ cấp gì.
Gia đình chị nợ tiền thuê nhà hai tháng nay, mọi chi tiêu khác đều phải cầm chừng. "Đồ ăn thì nhà chị phải ăn cầm chừng, chứ không hết rồi không còn gì để ăn thì đói".
Sự giúp đỡ duy nhất chị nhận được là từ "mấy nhà giàu trong xóm họ có điều kiện, thấy mình tội nên họ mang gạo, mì tôm họ tới phát cho".
Không xa nơi chị Hoa ở, chú Dũng cũng nợ tiền nhà ba tháng qua. May mắn là chủ nhà thông cảm, nói chú khi nào qua dịch đi làm được thì trả sau. Nỗi lo về chốn ở tạm thời được gỡ xuống, nhưng cái lo thiếu đói thì lại hiển hiện.
Chú làm tài xế taxi, nhưng từ đầu dịch đến nay đã bị công ty cho nghỉ việc. Khoản hỗ trợ duy nhất chú nhận được khi mất việc là 400.000 đồng từ công ty. Ngoài ra, nhờ có hợp đồng lao động, chú được công đoàn cho thêm 200.000 đồng. Đấy là chú đã may mắn vì "ai không có hợp đồng lao động thì không được nhận khoản này đâu".
Nhưng cái hợp đồng lao động đó lại đặt chú Dũng nằm ngoài nhóm "đối tượng được hỗ trợ của chính quyền". Khi chú liên hệ với tổ dân phố để xin hỗ trợ, người ta nói "chú ở bên công ty nên họ không giải quyết", và "muốn xin gì thì liên hệ với phường".
"Nói vậy chú thấy thái độ vậy thì thôi, chứ gọi phường cũng đâu có được gì", chú lắc đầu.
Có hai lần chú được mạnh thường quân ở nhà thờ cho gạo và mì tôm. Đó là nhờ những người khác biết tin có đoàn làm từ thiện, cùng gọi nhau chạy ra xin. Nhưng "chú cũng hơn 50 tuổi rồi, đi ra xin hoài chú cũng thấy xấu hổ".
Chị Tâm, nhà ở quận Bình Tân, có lẽ cũng có tâm trạng đó khi phải cầu cứu sự giúp đỡ từ những người xa lạ. Như nhiều người khác, gia đình chị đều thất nghiệp từ khi thành phố phong tỏa.
Dòng mô tả của chị trên trang SOS map chỉ vỏn vẹn vài chữ "nhà em đói quá ạ". Khi gặp tôi, chị cũng rất kiệm lời, chỉ "dạ", "cảm ơn" và "em không biết". Câu trả lời không biết là về các gói hỗ trợ của chính quyền được công bố trên báo đài.
Chị không có thông tin nào về tổ trưởng tổ dân phố lẫn chủ tịch phường để hỏi về các khoản đó. Ngay cả khi được cung cấp số điện thoại của người chịu trách nhiệm khu vực, chị cũng ngại ngần hỏi lại "mình phải nói gì với họ hả anh".
Chần chừ trong việc chủ động đòi quyền lợi của mình, nhưng chị Tâm lại sốt sắng cho những người khác trong xóm đang cầu cứu. Ngay sau khi gặp, chị gọi điện ngay cho tôi, số điện thoại duy nhất chị có thể hỏi giúp đỡ vào lúc đó, để nhờ tìm cách hỗ trợ cho một trường hợp bệnh dương tính đang nguy kịch gần đó.
***
Trên đây chỉ là vài trường hợp mà bạn đọc của Luật Khoa chia sẻ khi tìm gặp những người cầu cứu trên SOSmap.net.
Hai tuần trước, có 7.600 lời cầu cứu trên trang web. Tính đến ngày 18/8/2021, con số này lên đến gần 18.000, với chỉ 2.500 trường hợp được ghi nhận giúp đỡ.
Nếu không ở trong hoàn cảnh của họ, thật khó tưởng tượng được tình thế nguy nan đến mức nào và phải có dũng khí ra sao mới đủ gạt qua một bên lòng tự trọng để cầu cứu những người xa lạ.
Và không chỉ những người đang cầu cứu mới bị đặt trong tình cảnh chẳng đặng đừng.
Một độc giả của Luật Khoa đã tâm sự khi cô liên hệ giúp đỡ những trường hợp này.
"Tôi sợ phải đóng vai là người ban phát. Tôi không muốn mình được phong làm anh hùng (hay cô tiên nhỏ – như chú Dũng đã gọi tôi). Nhưng với họ, tôi có lẽ là người (duy nhất) mà họ có thể ‘gõ cửa’ vào lúc này. Có lẽ là vậy".
Năng Tịnh – Hạ Di
Nguồn : Luật Khoa, 19/08/2021
Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam một cách nhanh chóng và khó có thể kiểm soát. Và cho đến nay là không thể kiểm soát.
Chỉ trong vòng một tháng, con số người nhiễm bệnh được phát hiện đã tăng từ 10.000 ngàn lên 137.000. Mỗi ngày, con số nhiễm bệnh đã tăng lên đến 5 chữ số.
Thay vì đánh số bệnh nhân từng người, Bộ y tế trực tiếp công bố người nhiễm bệnh hàng ngày, nêu rõ tên, tuổi, lịch trình tiếp xúc… của từng người thì bây giờ tất cả chỉ còn một mớ nhiễm bệnh tăng chóng mặt.
Những cảnh bệnh viện không còn bác sĩ, bệnh nhân chết nằm cả ngày không ai quan tâm, cảnh vắng tanh vắng ngắt ở thành phố cả chục triệu dân như thành phố chết. Những video người dân đưa lên cảnh hàng ngũ quan chức, công an, cán bộ cùng lũ đầu trâu mặt ngựa được đảng cấp dùi cui thi thố màn bạo lực, quyền uy với dân chúng mọi nơi, mọi cách.
Những câu chuyện đói khát, những con người bị bỏ quên, những quan chức trốn biệt… đã rõ.
Những dòng xe cứu thương nối đuôi nhau chở xác vào Bình Hưng Hòa lặng lẽ không còn bấm còi, kéo đèn ồn ĩ trên đường xếp hàng lũ lượt im lìm…
Tất cả cho thấy một sự chết chóc và nguy cơ ngày càng cao.
Cả đất nước hoảng loạn, cả hệ thống bó tay.
Những dòng người rời khỏi Sài Gòn ùn ùn đổ về các tỉnh bằng mọi cách, bằng mọi giá, kể cả đi bộ, đã cho thấy những thảm cảnh đang diễn ra tại Việt Nam.
Một cuộc khủng hoảng toàn diện đã bắt đầu.
Khỏi phải phân tích sâu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Người ta biết rõ rằng, sau những cuộc tập trung khổng lồ những đám đông "mừng chiến thắng 30/4, sau những "ngày hội toàn dân đi bầu cử" theo chủ trương của đảng, là sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch mà những cuộc tập trung đó là cơ hội vàng để đại dịch bùng phát nhanh chóng và rộng khắp.
Người ta cũng thấy rõ ràng một điều khác. Đó là bên cạnh sự ngạo mạn cộng sản, là sự bị động của đảng, nhà nước Việt Nam trước một đại dịch có nhiều diễn biến mà cả thế giới phải đối mặt và trả giá, chịu hậu quả khốc liệt. Ở Việt Nam, sau những ngày đầu chống dịch bệnh bằng phương pháp cực đoan nhất có thể và chỉ có thể làm ở chế độ cộng sản nhằm kiểm soát sự lây nhiễm, hạn chế được sự lây lan rộng, thì đó là màn "tự sướng" khổng lồ của cả hệ thống chính trị Việt Nam.
Người ta nghe những câu như : "Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định như vậy trước một đại dịch mà cả thế giới lao đao.
Người ta cũng nghe Nguyễn Phú Trong khi còn ngồi cả hai ghế to nhất nước nói rằng : "Thời đại dịch này, được ở Việt Nam là một sự xa xỉ".
Thậm chí, cao hơn nữa, Nguyễn Xuân Phúc trên chiếc ghế Thủ tướng chính phủ còn "ngạo nghễ" hơn : "Ngày nay, nếu cột điện ở Mỹ có chân, nó cũng về Việt Nam".
Những điều đó như những phát pháo lệnh cho dàn Dư luận viên, cho hệ thống tuyên truyền của đảng lao vào trận chiến tuyên truyền về công lao, về thành tích và những điều mà đảng ta" làm được khiến cả thế giới kinh ngạc".
Và cứ thế, từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, cả đất nước, cả hệ thống chính trị đua nhau "nổ".
Chính vì sự cao ngạo, sự chủ quan đó, mà cả hệ thống chính trị đã không hề nghĩ đến việc dập tắt đại dịch từ nguồn gốc của nó bằng vaccine. Tất cả những cuộc đại hội đảng, những cuộc họp hành của Quốc hội tronng cả hai năm qua, đã không hề đề cập đến vấn đề cốt lõi : Làm sao để có vaccine cho dân.
Và cũng vì vậy, cho đến nay, Việt Nam là nước đứng cuối cùng về tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân. Để đạt mức tiêm chủng tạo miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được chích ngừa, có lẽ còn là một sự xa vời chưa biết hồi kết.
Nhưng liều vaccine được viện trợ từ "bọn đế quốc", từ "thế lực thù địch" đã được chia chác cho hệ thống quan chức cấp cao, cho công an, quân đội bởi hệ thống chính trị, bởi "ông ngoại" cũng như các ban bệ, tay chân của đảng. Người dân ư ? Còn khuya, cứ nộp thật nhiều tiền, rồi ngồi đấy mà mơ.
Ngoài ra, chính những hoạt động của các lãnh đạo đảng, nhà nước đã tạo cho người dân sự chủ quan, coi thường dịch bệnh sau một thời gian họ bị đe dọa, bị mô tả đến mức sợ hãi dịch bệnh. Những cuộc đại hội đảng, bầu cử hết sức đông đúc đã cho thấy một điều : Cũng như xưa nay, người cộng sản nói vậy là không phải vậy. Cho nên, họ nói dịch bệnh nguy hiểm, lây lan, có nghĩa là không phải lây lan và nguy hiểm.
Và dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát.
Trước tình hình đó, chính phủ thể hiện sự yếu kém, sự tắc trách, thiếu trách nhiệm và sự vô cảm của mình trước tính mạng người dân ra sao.
Những khu cách ly tập trung, trở thành những nơi truyền nhiễm virus. Những bệnh viện điều trị, trở thành những nơi mà người dân bị bỏ mặc. Những Chỉ thị hết 15 rồi 16… tất cả không hề tính đến người dân bị giam cầm, bị nhốt lại trong nhà sẽ sống bằng gì ? Khi mà ngay cả không khí, nếu chỉ hít mà sống được thì cũng đã không đủ để hít thở.
Và vài trò của chính phủ chỉ là huy động tiền từ dân, là tập trung cả ngàn người họp cái gọi là "Quốc hội", là đại hội… như làm gương trước mắt người dân rằng : Dịch bệnh là điều xa xôi ở đâu đó chứ không hề có ở Việt Nam. Còn những gói cứu trợ hàng chục ngàn tỷ, những cái gọi là sự quan tâm của nhà nước đối với người dân là sự xa xỉ.
Điều hài hước, là câu khẩu hiệu "Không được để dân kêu đói" đã được thực hiện triệt để. Mạng xã hội bị kiểm soát gắt gao, liên tục những người dân mở miệng bị bắt bớ, bị giam cầm và phạt tù. Do vậy, chỉ có những lời ca ngợi đảng, chính phủ chống dịch tốt, sự vất vả của lực lượng công an, quân đội, cán bộ đi chống dịch thì được, còn những lời kêu ca dân khổ, dân đói… lập tức được xử lý vì tội "chống nhà nước", nhẹ hơn thì cũng là đưa tin thất thiệt. Bởi làm gì có dân đói, làm gì mà nhà nước lại để dân khổ bao giờ.
Thế rồi, nhà nước từ chủ trương "Chống dịch như chống giặc" – nghĩa là với dịch Covid-19 thì chính phủ Việt Nam tuyên bố "có tao thì không mày" đã đến lúc hạ giọng "Sống chung với lũ" – nghĩa là sống chung với giặc, mày cũng như tao.
Quả là điêu luyện cái miệng người cộng sản.
Cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn của người dân đã cho thấy nhiều điều.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về dòng người nườm nượp chạy khỏi Sài Gòn bằng xe máy, thậm chí có những người còn phải đi bộ trên quãng đường dài cả hơn ngàn cây số trong điều kiện nắng cháy da thịt miền Trung và Cao nguyên, người ta thấy ở đó một thảm kịch.
Những dòng người mẹ bế con còn bé bỏng, những cụ già, những thanh niên đông nghìn nghịt rời khỏi Sài Gòn để đi trên "con đường ngàn dặm" về quê, những vùng nông thôn trải khắp đất nước thể hiện cơn cùng quẫn đã đến mức họ phải chấp nhận mọi sự nguy hiểm, gian nan để mong tìm sự tồn tại cho chính mình và gia đình mình.
Họ đã không hề quan tâm đến những lời của quan chức cộng sản rằng : "Không được để dân kêu đói, khổ" vẫn cứ ra rả bên tai. Họ không quan tâm đến những con số khổng lồ của những gói cựu trợ mà chính phủ tuyên bố mạnh mẽ trên Tivi. Họ cũng chẳng quan tâm đến chủ trương "Sống chung với giặc" mà nhà nước mới chuyển hướng. Họ lo cho bản thân họ, con cái họ hàng ngày không đủ cơm bỏ miệng, không đủ nước để uống, không đủ tiền để trả tiền thuê nhà, tiền điện nước cứ rình rập tăng.
Bởi sự cứu trợ chủ là chỉ có của người dân giúp nhau cũng không thể đầy đủ mọi nơi mọi lúc.
Bởi với sự quá tải của hệ thống y tế hiện tại, nếu họ dính bệnh, họ cũng sẽ nhanh chóng trở thành những ma mồ côi, cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người mà khó ai biết đến.
Bởi họ không thể sống bằng những hy vọng hão huyền từ những lời hô hào, hứa hẹn của quan chức cộng sản, của chính phủ cộng sản.
Nguy cơ
Những dòng người từ trung tâm vùng dịch là Sài Gòn, tỏa về các tỉnh nườm nượp như đi hội. Ở đó có bao nhiêu người mang virus Covid-19 đi kèm ? Hẳn nhiên, đó sẽ là một số lượng lớn.
Và lượng virus đó sẽ đi đâu ?
Nó sẽ đi cùng người dân tỏa ra đủ khắp 64 tỉnh thành, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị.
Rồi những người dân mang virus này sẽ được gom lại, tập trung ở các khu cách ly. Ở đó, sẽ có những người khác chưa bị nhiễm virus chết người này. Họ sẽ được nhận virus bằng cách lây chéo trong khu cách ly với những khu cách ly như hiện tại.
Với biến thể hiện nay, khi người mang virus không có biểu hiện lâm sàng thì việc truyền bá, di chuyển đi khắp nơi không kiểm soát được là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Và điều gì sẽ xẩy ra sau đó, là điều mà không khó tưởng tượng.
Khủng hoảng
Có lẽ điều ai cũng thấy dễ dàng, là xã hội Việt Nam đang trải qua một cuộc khủng hoảng khá toàn diện.
Trước hết là khủng hoảng về dịch bệnh không thể kiểm soát. Không chỉ không thể kiểm soát về mức độ lây nhiễm, về các biến thể của virus, về dich bệnh tăng từng ngày, mà còn là sự nhanh chóng quá tải của hệ thống Y tế nước nhà. Điều này đã được dự đoán, là nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền, nay đã diễn ra trên thực tế.
Ai cũng biết, với hệ thống y tế khi bình thường đã 4-5 người chen nhau một giường bệnh, thì khi dịch bệnh bùng phát điều gì xảy ra thì ai cũng hiểu.
Cuộc khủng hoảng tiếp theo, đó là khủng hoảng về đời sống kinh tế. Không thể làm ăn, không thể giao lưu buôn bán, cả thành phố như thành phố chết, cả đất nước như đất nước bỏ hoang. Trong khi nợ công ngập đầu ngập cổ. Trong khi đó, bộ máy "tứ trùng" bao gồm đảng, nhà nước, chính phủ, đoàn thế… cồng kềnh cả chục triệu thì dân vẫn cứ phải nuôi, vẫn cứ phải gánh.
Thế nên không khủng hoảng mới là lạ. Những con số tăng tưởng, những sự tự hào về thành công mà lãnh đạo đảng, nhà nước vừa huênh hoanh kia, đã sớm có câu trả lời. Mới vài hôm nay thôi, chính phủ đã báo cáo rằng Việt Nam đang nợ hơn 4 triệu tỷ, là một con số khổng lồ.
Và như một quy luật tất yếu, bần cùng sẽ sinh đạo tặc. Khi không còn con đường sống, hẳn nhiên sẽ có lắm vấn đề về trật tự xã hội, đời sống con người sẽ xảy ra. Đó là một cuôc khủng hoảng về đạo đức, lối sống xã hội.
Nhưng, trước hết, sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn về lòng tin.
Lòng tin là điều mà xưa nay, đảng vẫn lạm dụng đến mức lỳ lợm từ người dân. Còn người dân Việt Nam vốn quá thừa thãi điều này, hoặc có thể họ thừa lòng tin, hoặc không còn cách nào khác cứ phải "tin, hoặc giả vờ tin".
Thế nhưng, qua đại dịch này, những điều gì nhà nước, chính phủ và đảng thể hiện trước mắt người dân là khó che giấu và bản chất lộ rõ. Mọi người đều có thể nhìn thấy được bản chất của nó ra sao.
Vấn đề là khi đã nhìn thấy bộ mặt của đảng và nhà nước cộng sản rõ nhất, người dân sẽ làm gì với chúng ?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Trọng Thành, RFI, 19/05/2021
Theo Reuters, hôm 18/05/2021 tỉnh Bắc Giang đã ra lệnh cho bốn khu công nghiệp, trong đó có ba khu có nhà máy của tập đoàn Đài Loan Foxconn, tạm thời đóng cửa, do dịch Covid-19. Tỉnh Bắc Ninh với 10 khu công nghiệp là điểm nóng tiếp theo.
Tại một nhà máy của tập đoàn Vingroup, ngoại ô Hà Nội, Việt Nam, ngày 03/08/2020. Reuters - KHAM
Các khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng tạm dừng hoạt động kể từ ngày 18/5. Chính quyền tỉnh này cho biết sẽ đóng cửa các khu công nghiệp cho đến khi có thông báo mới. Chính quyền tỉnh hy vọng các khu công nghiệp sẽ chỉ bị đóng cửa trong hai tuần. Tập đoàn Foxconn xác nhận các nhà máy của họ tại tỉnh này đã bị đình chỉ. Tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội 60 km về phía đông bắc, được coi là một tâm dịch của Việt Nam. Bộ Y Tế Việt Nam ghi nhận tại tỉnh này có 476 ca nhiễm từ ngày 27/4, chiếm 1/3 số ca nhiễm mới của cả nước, trong giai đoạn này.
Quân đội bắt đầu xây dựng 2 bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang, kể từ hôm qua. Các bệnh viện dã chiến sẽ có 300 giường bệnh (sẵn sàng nâng lên 500 giường). Biên chế mỗi bệnh viện hơn 100 nhân viên y tế.
Báo chí trong nước cho hay, kể từ 15 giờ hôm nay, thành phố Bắc Giang bắt đầu thực hiện "giãn cách xã hội" toàn thành phố, và "cách ly y tế" một số thôn, tổ dân phố giáp ranh với các khu công nghiệp. "Giãn cách xã hội" bao gồm các biện pháp : không tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại các địa điểm công cộng, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Ngoài thành phố, ít nhất ba huyện của tỉnh Bắc Giang cũng được yêu cầu thực hiện "giãn cách xã hội".
Trang tin của bộ Y Tế hôm nay cho biết, theo phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phụ trách y tế, dịch Covid-19 đã "ở trong cộng đồng", các địa phương phải sẵn sàng "trực chiến". Quan điểm chính thức của chính phủ Việt Nam là duy trì chủ trương khoang vùng ổ dịch có trọng điểm, không tiến hành "cách ly y tế", "cách ly xã hội", "giãn cách xã hội" quá mức cần thiết, gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân.
Tỉnh Bắc Giang vừa đề nghị chính phủ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh hiện đang tồn đọng hàng trăm ngàn tấn nông sản, hàng chục triệu gia súc gia cầm, do dịch bệnh. Theo giới quan sát, đợt phong tỏa, cách ly xã hội lớn tại Hải Dương hồi đầu năm gây nhiều thiệt hại nặng nề cho nhà nông.
Hiện tại, các khu công nghiệp là địa điểm gây lo ngại hàng đầu. Tiếp theo Bắc Giang, đến Bắc Ninh, tỉnh nằm giữa Bắc Giang và thủ đô Hà Nội, là điểm nóng. Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp với tổng cộng hơn 400.000 công nhân đến từ 21 tỉnh, thành phố. Hôm qua, bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bắc Ninh phải "bảo đảm an toàn là trên hết cho các khu công nghiệp", thực hiện lấy mẫu xét nghiệm công nhân một tuần một lần, thông khí các nhà máy, tránh dùng điều hoà, dùng quạt để thông khí.
Chính quyền Việt Nam hy vọng với các biện pháp khoanh vùng trọng điểm, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, dịch bệnh có thể không bùng phát trước khi chiến dịch tiêm chủng đại trà bắt đầu. Theo bộ Y Tế Việt Nam, Việt Nam sẽ đặt mua tổng cộng 110 triệu liều vac-xin các loại trong năm nay, trong đó có 31 triệu liều vac-xin Pfizer. Hôm nay, 19/05, ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh quốc Dominic Raab, đã đề nghị Luân Đôn xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vac-xin cho Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam lo ngại khả năng xét nghiệm hạn chế hiện nay không cho phép đối phó với kịch bản dịch bệnh tăng vọt. Năng lực xét nghiệm hiện tại trên toàn quốc của Việt Nam là khoảng 20 nghìn xét nghiệm/ngày (theo số liệu của bộ Y Tế, tính từ ngày 27/04 đến 13/04). Thái Lan, quốc gia láng giềng với Việt Nam, có khả năng xét nghiệm từ 40 đến 50 nghìn mẫu/ngày (với dân cư bằng hai phần ba Việt Nam).
Hiện tại, bộ Y Tế không khuyến khích người dân xét nghiệm theo nhu cầu cá nhân, mà chỉ tập trung "xét nghiệm trong trường hợp cần thiết nhằm tăng cường truy vết". Theo thứ trưởng bộ Y tế Trần Văn Thuấn "chủ trương của bộ Y Tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan" (trang bộ Y Tế ngày 19/05). Tuy nhiên, việc thiếu xét nghiệm cũng có thể hạn chế khả năng nhận diện đúng thực trạng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, được coi là đã phát triển trong cộng đồng. Giữa tháng 5/2021, bộ Y Tế yêu cầu tất cả các bệnh viện có 300 giường bệnh trở lên phải có phòng xét nghiệm Covid-19.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 19/05/2021
*********************
Thái Sơn – Tuấn Dũng, Quân đội nhân dân Online, 10/05/2021
Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được thực hiện nghiêm túc, còn buông lỏng. Nước ta có hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, nếu không siết chặt công tác phòng, chống dịch sẽ gây ra hệ lụy khôn lường cho xã hội và cho cả sự phát triển kinh tế.
Nguy cơ bùng phát dịch tại các khu công nghiệp là rất lớn
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngày 10/5 là ngày Việt Nam ghi nhận con số kỷ lục ca mắc mới kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay - 125 ca lây nhiễm cộng đồng. Ngoài các ổ dịch đã bùng phát trong thời gian qua thì Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và Đà Nẵng là những địa phương có số ca mắc cao nhất trong 2 ngày qua. Tốc độ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng tại 4 tỉnh này rất nhanh, rất nguy hiểm, đặc biệt là có nhiều ổ dịch nhỏ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm công nhân liên quan đến các ca bệnh Covid-19 trên địa bàn các khu công nghiệp tỉnh. Ảnh : baobacgiang.com.vn
Bắc Giang đang phải đối mặt với ổ dịch tại Khu Công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, nơi có hàng vạn công nhân lao động nên nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất lớn. Công ty trách nhiệm hữu hạn SHIGYOUNG Việt Nam là nơi xuất hiện ca bệnh F0 đầu tiên trong Khu Công nghiệp Vân Trung. Ca F0 này là nữ công nhân, ngày 2/5 có đến chơi và tiếp xúc với hai vợ chồng người quen ở cùng thôn họ vừa từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều về. Hàng ngày, nữ công nhân đến nơi làm việc, thường xuyên tiếp xúc với những người trong cùng phân xưởng. Tới ngày 8/5, nữ công nhân nhận được thông báo 2 vợ chồng mình đến chơi mắc Covid-19. Ngay sau đó, nữ công nhân khai báo y tế và được đưa đi cách ly. Từ ca F0 này, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện thêm 32 ca bệnh liên quan làm cùng một phân xưởng. Tỉnh Bắc Giang rà soát được hơn 1.300 người tiếp xúc gần với các ca bệnh này, trong đó có 512 F1. Đến tối 10/5, kết quả xét nghiệm có thêm 4 ca mắc đều là các F1.
Tỉnh Bắc Giang nhận định đây là ổ dịch nguy hiểm, kiểm soát khó khăn do xảy ra tại khu công nghiệp là nơi có mật độ công nhân tập trung lớn, di chuyển rộng, nhiều F0 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng, tốc độ lây lan nhanh. Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang đã thiết lập vùng cách ly y tế đối với 9 thôn, tổ dân phố, giãn cách xã hội 6 xã, phường, thị trấn và 3 tổ dân phố thuộc 5 huyện, thành phố liên quan đến nơi ở của các bệnh nhân nói trên. Ngoài đóng cửa Công ty trách nhiệm hữu hạn SHIGYOUNG, tỉnh Bắc Giang đã họp và chấn chỉnh tăng cường các biện pháp phòng dịch với các công ty trong khu Công nghiệp Vân Trung, đồng thời triển khai các giải pháp cấp bách sẵn sàng cho kịch bản ứng phó dịch lây sang các công ty khác.
Để chuẩn bị cho kịch bản có nhiều ca bệnh trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang đã tái kích hoạt bệnh viện dã chiến sẵn sàng đón và điều trị 300 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đồng thời giảm quy mô, giãn tần suất nhập cảnh của lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài Bắc Giang, sáng nay 10/5, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã thực hiện cách ly hơn 260 người là nhân viên, công nhân làm việc tại chi nhánh Công ty Monstar - Lab Việt Nam - lô 35 đường số 4 khu công nghiệp An Đồn do liên quan 1 ca Covid-19. Người mắc là một nhân viên chi nhánh Công ty Monstar-Lab Việt Nam. Đây là địa phương thứ 2 trên cả nước có ca bệnh Covid-19 tại khu công nghiệp trong đợt dịch này.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, ngay khi có công bố các ca bệnh đầu tiên trên địa bàn các khu công nghiệp, cùng với phối hợp với ngành y tế khoanh vùng dập dịch, đơn vị đã ban hành công văn hỏa tốc, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế. Đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng dịch ở mức độ cao hơn; giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của người lao động. Đặc biệt, phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh tổ chức tuyên truyền tới công nhân, nhất là ở các doanh nghiệp có ca bệnh và có trường hợp liên quan để người lao động ổn định tâm lý, hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Công tác phòng, chống dịch của nhiều địa phương còn buông lỏng
Không riêng Bắc Giang, Đà Nẵng, hiện nay nhiều địa phương có khu công nghiệp hoạt động, công tác phòng, chống dịch còn buông lỏng, nếu để dịch lan vào đây, nguy cơ bùng phát sẽ rất nhanh, hậu quả rất lớn. Tại công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố sáng 10/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ rõ, trong công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và tại các cơ sở sản xuất xuất kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo. Nhiều địa phương còn chưa xây dựng kế hoạch và phương án cách ly phòng, chống dịch Covid-19 khi có trường hợp dương tính xảy ra tại khu công nghiệp; chưa thực hiện triển khai cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho các cơ sở sản xuất xuất kinh doanh. Việc tập huấn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc và kí túc xá cho các cơ sở sản xuất xuất kinh doanh còn hạn chế, chỉ thực hiện được cho 5-10% số cơ sở sản xuất xuất kinh doanh. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay.
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Crystal Martin Việt Nam bố trí vách ngăn tại khu vực nhà ăn nhằm bảo đảm yêu cầu phòng dịch. Ảnh : baobacgiang.com.vn
Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành phố đã có trường hợp mắc tại các cơ sở sản xuất xuất kinh doanh trong khu công nghiệp cần tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) tại cơ sở sản xuất xuất kinh doanh thông qua quản lý ca làm việc, camera tại các vị trí công cộng, căng tin, nơi nghỉ ngơi giữa ca làm việc... để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời. Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với F0 đều coi là F1. Đồng thời đề nghị khẩn trường phát hiện, lập danh sách và thông báo ngay cho các tỉnh, thành phố danh sách những người lao động có liên quan ở các địa phương khác để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng. UBND cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ sở lao động trên địa bàn quản lý nghiêm túc thực hiện Quyết định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiệm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh phải nhanh chóng khắc phục mọi thiếu sót nêu trên, nếu trậm chễ, dịch bùng phát sẽ gây ra hậu quả lớn. Yêu cầu các địa phương xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19 trong khu công nghiệp và tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp. Đồng thời người sử dụng lao động phải ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chồng dịch tại cơ quan, đơn vị. Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc.
Rút kinh nghiệm từ đợt dịch vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp không bảo đảm quy định về an toàn phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc sẽ phải dừng hoạt động và bị xử lý nghiêm theo quy định. Đối với lao động tỉnh ngoài đến làm việc, các chủ doanh nghiệp tổ chức cho người lao động từ các vùng dịch ở tại doanh nghiệp để làm việc (đối tượng thuộc diện F1, F2 cách ly theo quy định). Đặc biệt, từ ngày 10/5, huyện Cẩm Giàng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn dừng tiếp nhận công nhân từ vùng, khu vực có dịch đến lao động, làm việc tại doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp-khu chế xuất Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều khu công nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động sinh hoạt tập thể của các công ty trong các khu công nghiệp tại Hà Nội đều đã được điều chỉnh. Ví dụ, tại các bếp ăn, ngoài việc thực hiện vách ngăn ở bàn ăn, doanh nghiệp đã điều chỉnh giờ ăn theo ca để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tập trung đông người. Công đoàn khu công nghiệp-khu chế xuất cũng đã có kịch bản cho tình huống nếu có dịch xảy ra, giả thiết từ 10 đến 1.000 ca nhiễm trong khu công nghiệp, sẽ tùy từng mức độ để kích hoạt các giải pháp phòng dịch tương ứng, từ việc truy vết, khoanh vùng, tới đảm bảo nguồn lực hỗ trợ sản xuất…
Thái Sơn – Tuấn Dũng
Nguồn : Quân đội nhân dân, 10/05/2021
Dập tắt nạn dịch Covid-19 tái bùng phát ngay trước Tết nguyên đán Tân Sửu, bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng là thách thức lớn nhất và ngay trước mắt đối với dàn nhân sự và lãnhh đạo câp cao của đảng Cộng sản Việt Nam hậu Đại hội 13, theo ý kiến từ giới quan sát thời sự Việt Nam chia sẻ với BBC.
Covid-19 ập đến trước Tết, du lịch Hà Nội ra sao ?
Bình luận tại hội luận Bàn tròn thứ Năm tuần này, hôm 4/2 từ Paris, thủ đô nước Pháp, nhà báo tự do Tường An nói :
"Thách thức lớn nhất của bất cứ chính phủ nào trong giai đoạn này vẫn là chống Covid-19 là điều đầu tiên, nhưng việc chống đại dịch này là trách nhiệm của mỗi người, do đó ai lên thì cũng phải chống Covid mà thôi.
"Chống Covid-19 ở Việt Nam thành công, tôi nghĩ là do sự mong muốn, tính kỷ luật của người dân Việt Nam hơn là ông A, ông B hay bà C nào đó, nắm quy ở trong giai đoạn hiện tại".
Và từ góc nhìn của một người Việt Nam đang ở nước ngoài nhìn vào vấn đề, thách đố này, bà Tường An nói thêm :
"Tôi nhận thấy Việt Nam sau mấy chục năm rồi, thay đổi rất nhiều về đường lối v.v..., nhưng vẫn thích những cái gọi là hô khẩu hiệu.
"Thí dụ có ý kiến từ diễn giả tại hội luận của BBC nhắc đến những câu như là "quyết tâm chống dịch", rồi "lăn xả vào công việc chống dịch" v.v..., theo tôi những cái đó chỉ là những khẩu hiệu để gắn cho bất kỳ một người nào đó có trách nhiệm một danh hiệu anh hùng mà thôi.
Nhân viên ngành y tế lẫy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại nhà khách Chính phủ ở Hà Nội hô 18/01/2021, ngay trước thềm Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam
"Trong khi việc của những người chống dịch là việc của những người đã được "nhân dân bầu" lên mà thôi, cũng như ở hải ngoại cũng thế, khi bất cứ một Bộ trưởng Bộ Y tế hay bất cứ một người nào trong chính phủ được dân bầu lên thì họ phải thực hiện trách nhiệm đã được dân giao phó, chứ họ không thể được gọi là anh hùng hay nọ kia.
"Kinh nghiệm ở Pháp, cho đến bây giờ chưa có sự thay đổi trong những thành phần chính trị liên quan vấn đề Covid, dĩ nhiên bất cứ một người nào trong chính quyền làm tốt hay làm xấu gì thì cũng được dân soi rất rõ như dưới kính hiển vi và được phê bình rất là nhiều.
"Nhưng chưa đến nỗi có những người phải hy sinh sự nghiệp chính trị của mình như ở các nước khác, thí dụ như ở bên Ý nơi mà Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã phải từ chức, hay như Bộ trưởng Y tế của Cộng hòa Czech cũng đã phải từ chức v.v"...
Từ Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng đưa ra bình luận của mình :
"Tôi xin trao đổi lại ngay thế này, có lẽ đó là góc nhìn của nhà báo Tường An từ phía bên ngoài, còn tôi với tư cách là người dân ở Việt Nam, ở Hà Nội, giao tiếp hàng ngày, tôi có thể khẳng định rằng không nên chính trị hóa.
"Người dân thực sự ủng hộ cách thức mà chính phủ đề ra để chống dịch, chứ không phải chỉ vì quá sợ cho sức khỏe mình mà làm, ở đây phải sòng phẳng với nhau về việc này.
"Ở đây, người dân ở trong nước ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch này, nhưng đồng thời người ta chấp hành một cách rất nghiêm chỉnh"...
Trước đó, ông Hoàng Ngọc Giao đề cập một vài điểm mà ông cho rằng đang được công luận Việt Nam đặt ra liên quan việc chống dịch tái phát của đảng, nhà nước hậu Đại hội 13 :
"Khi nhà báo đặt vấn đề hỏi ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rằng liệu có sự khẳng định dập xong dịch tái phát trong 10 ngày không, ông Bộ trưởng trả lời một cách không thấu đáo.
"Và cũng mang lại sự hiểu lầm trong nhân dân rằng là ai nói thì người đó chịu trách nhiệm, ý là trong lúc ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đang lăn xả vào để chống dịch, thì lại có câu của Văn phòng Chính phủ phát ngôn nói như thế, điều này gây nên một điều gọi là bức xúc trong dư luận.
"Theo tôi, câu chuyện này đã làm được rõ và nhân dân đều hiểu tâm huyết của ông Vũ Đức Đam trong việc ông quyết liệt, lăn xả vào chỉ đạo việc chống dịch, và ai cũng hiểu rằng không thể dựa vào thời hạn là mười ngày để dập xong dịch.
"Nhưng nhân đây, tôi cũng muốn bình luận luôn về câu chuyện chống dịch hiện nay, việc đeo khẩu trang, tất cả các phường, xã đều phải thông báo là thực hiện 'Năm K', tức là khẩu trang, giãn cách, không tụ tập v.v.
"Thế thì khẩu trang phải đeo hết, nhưng dư luận cũng cảm thấy bất ngờ và cũng không hài lòng lắm về việc ngày 02/02/2021 tổ chức sự kiện 'Việt Nam tỏa sáng' ở Cung Hội nghị Quốc gia, gần 2.000 người tham dự, các quan chức của đảng chẳng có ai đeo khẩu trang cả, mặc dù lập luận rằng trước đó đã được thử, xét nghiệm.
"Rồi tiếp đó, hôm sau 03/02 là ngày kỷ niệm thành lập đảng thì cũng tổ chức một Dạ hội như vậy, điều này rõ ràng là phản cảm. Theo tôi, chính phủ, Đảng cộng sản Việt Nam nếu đã thể hiện quyết tâm, thì cũng phải làm gương.
"Thế còn kêu gọi nhân dân đeo khẩu trang, trong khi đó hội họp chẳng có đeo khẩu trang gì cả, thì cái này gây ra những dư luận không hay trong nhân dân".
Từ Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói với BBC về tình hình, nguy cơ của Covid-19 tái phát và ứng phó của Việt Nam :
"Tái phát dịch Covid-19 hiện nay có thể đe dọa rất lớn đến tình hình của dân chúng trước Tết nguyên đán Tân Sửu sắp tới này, tuy nhiên về chống dịch, Việt Nam đã có kinh nghiệm.
"Tôi vừa theo dõi truyền hình xong, thấy rằng cả quân đội, các lực lượng vũ trang khác, rồi y bác sĩ làm việc không kể ngày đêm ở các trung tâm ứng phó dịch...
"Nhưng tôi thấy có vẻ lần này Việt Nam không làm mạnh bằng lần trước theo chỉ thị 15, 16, bởi vì lần trước với chỉ thị đó, Việt Nam đã phong tỏa cả thành phố sau đợt dịch thứ hai từ Đà Nẵng về.
"Song lần này tôi thấy Việt Nam làm còn có vẻ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, theo nghĩa là người dân chưa thực sự cảnh giác cao độ.
"Đi ra ngoài đường, hôm nay tôi cũng dạo quanh phố phường, dạo quanh thị trường, tất nhiên tôi có đeo khẩu trang, tranh thủ có nắng, tôi nhận thấy rất nhiều tụ điểm vẫn còn và đeo khẩu trang rất thưa thớt, thế thì đó là nguy cơ mà có thể tiếp tục bùng phát.
"Và một điểm đầu tiên về năng lực chống dịch của chính phủ và của các quan chức chính quyền ở các các địa phương, tôi thấy lúc đầu rất khẩn trương, nhanh nhẹn.
"Khi biết có ca dịch đầu tiên, ngay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Mỹ Đình nơi Đại hội 13 đang họp, thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Y tế và các lãnh đạo địa phương có dịch đã họp ngay tại đó, rất khẩn trương.
"Tuy nhiên, tôi thấy phát ngôn chống dịch có vẻ hơi chủ quan, khi có phát biểu nói rằng có thể dập dịch trong vòng tám ngày, thì tôi nghĩ rất khó và có thể nhận định như thế chưa thật là sát với tình hình trung tâm dịch", ông Phạm Quý Thọ nói với BBC.
Nguồn : BBC, 05/02/2021
Khi nhiều quốc gia nới lỏng các lệnh phong tỏa, người dân đang quay trở lại không gian cũ mà giờ đây đã cảm thấy lạ lẫm.
Người tắm nắng trong các ô chăng dây để đảm bảo giãn cách xã hội ở miền nam nước Pháp
Bản thân các địa điểm thì không hề thay đổi - nhưng từ việc đeo khẩu trang cho đến tránh đám đông - cách thức chúng ta được phép sinh hoạt trong môi trường công sở sẽ có khác biệt căn bản.
Phần nhiều trong số những thay đổi này có thể vẫn duy trì trong một thời gian.
Ngay cả khi đà lây lan của virus corona đã được kiềm chế, nguy cơ của làn sóng lây nhiễm mới vẫn còn đó nếu như chưa có vaccine, mà quá trình tìm ra vaccine có thể mất từ chín tháng đến hai năm.
Hơn nữa, các nhà khoa học cho biết, những căn bệnh mới, có sức tàn phá ở mức độ tương đương có thể làm tê liệt loài người trong tương lai, giống như virus corona đã gây ra cho chúng ta trong năm 2020.
Không gian công cộng mới
Đối với những người đang quy hoạch các thành phố và không gian công cộng trong tương lai, đại dịch vừa là mối đe dọa nhức nhối đòi hỏi các biện pháp tức thời - vừa là cơ hội để nghĩ lại về cách chúng ta sinh hoạt, đi lại và tụ tập.
Con người không thích nghi tốt với sự cô lập. Nhiều nghiên cứu phân tích kết quả của việc cách ly trong các đại dịch trong quá khứ cho thấy nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, đôi khi thậm chí dẫn đến căng thẳng hậu sang chấn. Khôi phục các không gian sinh hoạt xã hội ngay khi tình hình đã an toàn không chỉ là ưu tiên tài chính, các chuyên gia cho biết. Đó là cách để đảm bảo sự an lạc của mọi người và giúp họ phục hồi sau cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Là quốc gia Châu Âu đầu tiên bị phong tỏa, và cũng là một trong những nước đầu tiên từ từ nới lỏng phong tỏa, nước Ý đang được theo dõi chặt chẽ để các chuyên gia có thể đánh giá những gì có tác dụng trong ngắn hạn và những gì bền vững trong dài hạn.
Simone d'Antonio, một chuyên gia chính sách tại Rome thuộc Hiệp hội các Thành phố và Địa phương nước Ý (ANCI), viết cho cheFare rằng Ý cần khôi phục tinh thần cộng đồng trước văn hóa hoài nghi và sợ hãi.
Ông lập luận rằng nỗi sợ 'cái khác' đã là một vấn đề trước khi đại dịch, và nó chỉ trở nên tồi tệ hơn khi có nguy cơ lây nhiễm rõ ràng.
"Phục hồi từ cuộc khủng hoảng này là cơ hội để bắt đầu lại từ đầu, đương đầu với các rủi ro mới về sức khỏe cộng đồng cũng như xây dựng lại ý thức cộng đồng đã mất", ông d'Antonio nói với BBC Future.
Điều này có nghĩa là suy nghĩ lại về không gian công cộng.
"Những thói quen tiệc tùng của chúng ta sẽ phải thay đổi, nhưng điều này cũng có thể trở thành cơ hội", ông nói. "Ví dụ, cuối cùng thì mọi người cũng bắt đầu dùng đến các không gian công cộng bị lãng quên, chẳng hạn như các mảng xanh xuống cấp rải rác khắp Rome cũng như nhiều thành phố khác của Ý".
Ông đề cập đến những vườn bia truyền thống của Munich, nơi mọi người ăn uống trên những chiếc bàn dài ngoài trời.
Ở các thành phố khác, đó có thể là bối cảnh lý tưởng để thực hành giãn xã hội với người thân và bạn bè. Chẳng hạn như tụ tập quanh bàn thay vì trải mền ra ngồi xuống trong lúc đi dã ngoại cho phép mọi người giữ khoảng cách an toàn mà không phải bắt buộc ngồi xa nhau.
Người Đức tụ tập ngay ngày đầu tiên khi các vườn bia được phép mở cửa trở lại ở Munich
Daniele Terzariol, phó thị trưởng thị trấn San Donà di Piave, gần Venice, nói rằng khi thành phố mở cửa trở lại, chính quyền "muốn tận dụng cơ hội này để làm cho không gian công cộng của chúng ta trở nên tiện dụng hơn và đẹp hơn so với trước khi bị phong tỏa".
Sắp xếp bàn ngoài trời
Để cho phép mọi người có thể tụ họp theo cách duy trì giãn cách xã hội, thị trấn đã biến các khu vực chính ở trung tâm thành khu phố đi bộ và tổ chức một cuộc tranh tài giữa các nhà hàng và quán bar để xem ai có cách sắp xếp bàn ngoài trời tốt nhất để mọi người có thể tụ tập một cách an toàn - mọi thứ từ bàn ghế có thể di dời cho đến băng dính nghệ thuật trên nền đất để khuyến khích lối đi an toàn. "Tất cả ý tưởng và vật liệu đều được hoan nghênh, nhất là nếu được tái sử dụng và có chi phí thấp", Terzariol nói.
Ở Ấn Độ, vốn đang bắt đầu mở lại từ từ các cửa hàng và giao thông nội địa, chủ nhà hàng Shefali Gandhi ở thành phố Goa cũng tin rằng không gian ngoài trời sẽ là mấu chốt.
"Ở các thành phố như Mumbai, người dân đã bị kẹt trong các căn hộ nhỏ như hộp quẹt trong hai tháng qua", bà nói. Bà tin rằng ký ức về phong tỏa sẽ còn sống động trong tâm trí mọi người trong thời gian dài và mọi người sẽ kết hợp những niềm vui của việc giao tiếp xã hội với không gian ngoài trời.
"Từ góc độ thực tiễn, các khu vườn cũng giúp dễ dàng giãn cách chỗ ngồi và vệ sinh từng bàn dễ dàng hơn", bà giải thích.
Cho dù nhà hàng và quán bar có chỗ ngồi ngoài trời hay không, mọi người cũng cần duy trì khoảng cách an toàn. Những chiếc bàn nhỏ, có thể lắp ghép cho phép bà sắp xếp lại không gian một cách phù hợp, bà nói.
Còn nếu không gian quá nhỏ để đảm bảo giữ đúng khoảng cách được, hoặc không gian trong nhà, mọi việc trở nên khó khăn hơn.
Ví dụ, ở Ý, một số người đã chỉ trích những giải pháp dựa trên nguyên tắc thiết kế phòng thủ - tìm cách giữ cho các thiết kế 'không có lỗ hổng' vì sợ rằng nó có thể bị sử dụng sai.
Một ví dụ trong các nhà hàng là sử dụng tấm nhựa để ngăn các bàn ăn, khiến thực khách không thể xáp lại quá gần. Một số người cảm thấy rằng các tấm nhựa này là không thực tế và sẽ làm mất đi niềm vui của việc ăn chung : bàn ăn kiểu này đem lại cảm giác 'đang đi thăm tù', một người dân địa phương bình luận trên Facebook.
Tầm quan trọng của niềm tin
Các nghiên cứu gần đây đã xác định niềm tin là xương sống của sự phục hồi kinh tế và xã hội.
Để trở lại 'cuộc sống bình thường' - và để sử dụng các không gian chung hoặc cộng đồng - mọi người phải cảm thấy an toàn về vật lý và tin tưởng rằng những người khác cũng đang lo nghĩ cho sự an toàn của họ.
"Sự tin tưởng là chìa khóa để xây dựng lại lòng tin của mọi người khi họ tụ tập ở các không gian công cộng hoặc riêng tư", Aditi Ratho từ tổ chức phi lợi nhuận Observer Research Foundation ở Ấn Độ, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. "Khi nói đến nhà hàng, phòng gym và rạp chiếu bóng, mọi người lo lắng về các tiêu chuẩn và quy trình vệ sinh, họ muốn cảm thấy an toàn và an tâm".
Một rạp chiếu phim được lau chùi sạch sẽ để chuẩn bị đón khán giả ở Auckland, New Zealand
Sau sang chấn tập thể của việc đi qua đại dịch, bà nói, "bạn phải lồng ghép tâm lý của mọi người vào bản thiết kế".
Một trong những thách thức truyền thống của thiết kế đô thị ở Ấn Độ, bà giải thích, đó là các thành phố có mật độ dân số đông, và điều đó đặt ra một loạt rủi ro vượt ra ngoài sự lây nhiễm virus corona.
Trước khi đại dịch xảy ra, bà nói, các nhà thiết kế đô thị đã suy nghĩ cách làm sao xử lý những không gian thường đông đúc như ga tàu điện hoặc rạp chiếu phim.
"Tôi cho rằng khái niệm về rạp chiếu phim sẽ thay đổi hoàn toàn bởi vì mọi người sẽ ngày càng sử dụng các nền tảng phát trực tuyến nhiều hơn ; họ sẽ ở nhà nhiều hơn", bà nói.
Nhưng giao thông công cộng vẫn rất cần thiết ở Ấn Độ.
Ở Mumbai, các kế hoạch đang được tiến hành để tái cấu trúc các chỗ chuyển tiếp trên tuyến xe điện, tức là không gian ngay bên ngoài ga nơi mọi người chuyển sang taxi, xe đạp hoặc xích lô máy để đi tiếp.
Giao thông công cộng vẫn đóng vai trò thiết yếu ở Ấn Độ, và duy trì giãn cách xã hội trên tàu xe là điều gây thách thức
Ở những chỗ này, "mọi người tụ tập rất đông và một mặt thì các thiết kế phòng thủ được vận dụng, ví dụ như giới hạn số chỗ ngồi, mặt khác các nhà thiết kế cũng đang nghĩ về khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật và làm thế nào để việc chuyển xe lúc nào cũng an toàn cho phụ nữ", bà nói - ví dụ tránh để các bậc thang không cần thiết và đảm bảo các khu vực chuyển tiếp này được chiếu sáng tốt.
Trong các nhà hàng, khôi phục niềm tin ở các khách hàng có nghĩa là nhà bếp mở để cho họ thấy rằng món ăn được chế biến với tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất.
Các biện pháp an toàn khác có thể sẽ ở dạng kỹ thuật số, ông Giuliano Vita, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Dishcovery của Ý, đang điều hành một nhóm các doanh nhân kỹ thuật số vốn đang giúp các chủ nhà hàng đổi mới dịch vụ trong thời hậu đại dịch Covid-19, cho biết.
Ông dự đoán menu kỹ thuật số sẽ bùng nổ, các menu dạng này sẽ không chỉ được dùng để đặt mua mang đi mà cả khi ăn ở nhà hàng. "Chủ nhà hàng sẽ cho in mã QR trên bàn ăn và khách hàng có thể đọc được menu bằng cách chỉ cần dùng điện thoại quét mã", ông nói.
Phòng gym sẽ lỗi thời ?
Còn ở các phòng gym, Neha Motwani, người sáng lập nền tảng tìm kiếm phòng gym trực tuyến Fitternity, cho biết người ta có thể loại bỏ phòng tắm hoa sen và phòng cất đồ để đảm bảo đáp ứng được quy định về giãn cách xã hội. Họ cũng có thể phân phối lượng khách đến để có thể lau dọn trong cả ngày.
Trong đại dịch, nhiều người đã học các lớp thể hình trực tuyến.
Mặc dù tập thể hình trực tuyến vẫn có thể có sức hấp dẫn với nhiều người, Motwani nói, nhưng nó sẽ không thay thế không gian truyền thống nơi mọi người tụ họp.
"Chúng tôi đã khảo sát người dùng của mình và nhận ra rằng hơn 95% trong số họ nóng lòng chờ đợi phòng tập mở cửa lại", Motwani nói. "Họ muốn đập tay với huấn luyện viên. Họ muốn có cảm giác cộng đồng".
Tuy nhiên, phòng tập bằng tường bằng gạch sẽ khác với trước đây, ông Ben Hackney-Williams, người đứng đầu bộ phận nội dung của Escape Fitness, một công ty đặt tại Anh chuyên thiết kế và lắp đặt phòng gym ở hơn 80 quốc gia, cho biết.
Trước đại dịch, nhiều người thường xuyên thay phiên nhau sử dụng cùng một máy tập.
Hackney-Williams hình dung rằng các phòng gym trong tương lai sẽ được chia thành các khu vực được trang bị độc lập với các thiết bị có thể tháo rời, thiết bị có thể được nhân rộng khắp phòng tập. Bằng cách đó, mỗi người có thể tập luyện mà không phải dùng chung bất kỳ thiết bị nào hoặc đến quá gần người khác.
Cộng đồng thiết kế cũng đã được vận động để tìm kiếm các giải pháp giúp khôi phục đời sống xã hội và chữa lành sức khỏe tinh thần của mọi người.
"Xu hướng mới về thể hình thường chuyển từ các nước phương Tây sang Châu Á", Hackney-Williams nói.
Ví dụ, các phòng tập chu kỳ hoặc tập luyện cường độ cao cách khoảng, vốn thường có nhiều người tập trong cùng một lớp với tiếng nhạc lớn, lan từ các nước phương Tây đến Châu Á.
"Nhưng lần này mọi thứ đã đảo ngược. Kể từ khi sự lây lan virus corona bắt đầu ở Trung Quốc, chúng tôi đã thấy những kiến thức và thông tin về cách xử lý khủng hoảng và hậu quả của nó đến từ Châu Á".
Các chuỗi phòng gym với chi nhánh ở Châu Á đã tăng chi tiêu để giữ sạch sẽ trong các cơ sở của họ ở Mỹ để giúp giảm bớt lo ngại của các thành viên ngay cả trước khi virus corona tấn công phương Tây. Và họ là những cơ sở đầu tiên đóng cửa trước khi chính phủ ra lệnh bắt buộc.
Nếu có một điều tốt phát sinh từ giai đoạn kỳ lạ này, Hackney-Williams nói, thì đó là trong giai đoạn phong tỏa, mọi người bắt đầu nhận ra rằng để giữ vóc dáng không nhất thiết có nghĩa là phải tập gym hàng giờ mỗi ngày. "Chạy bộ trong công viên hoặc tìm những nếp vận động nhẹ phù hợp với bạn là đủ để giữ cơ thể khỏe mạnh", ông nói.
Ở thời kỳ hậu Covid-19, ông hy vọng, mọi người sẽ không xem phòng gym là nơi cao cấp, nơi chỉ những người mê thể hình được chào đón.
Trong khi đại dịch buộc chúng ta phải tổ chức lại các không gian chung, lệnh phong tỏa đã cho chúng ta thời gian suy nghĩ lại về chúng ta muốn cuộc sống xã hội của mình sẽ như thế nào.
Và mặc dù chúng ta có thể phải vẫy tay tạm biệt những quán bar, rạp chiếu phim và phòng tập thể hình đông đúc, sôi động mà chúng ta từng yêu thích, ít nhất là trong một thời gian, chúng ta cũng có cơ hội duy nhất để khám phá lại ý nghĩa của việc tụ tập trong không gian mới - và tưởng tượng lại không gian đó từ đầu.
How Covid-19 could redesign our world,
Dịch Covid-19 gây tranh luận về mô hình toàn cầu hóa (RFI, 28/02/2020)
Dich virus corona mới (Covid-19) đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng của toàn cầu, gây trở ngại cho cỗ máy sản xuất của thế giới. Chứng khoán từ Âu sang Á tụt giảm, một phần lớn người lao động Trung Quốc được nghỉ phép dài hạn ngoài ý muốn. Nhiều chuyên gia cho rằng khủng hoảng dịch bệnh lần này là cơ hội để xem xét lại mô hình toàn cầu hóa.
Một công nhân đeo khẩu trang phòng hộ tại một xưởng dệt may ở Hàng Châu (Hangzhou), tỉnh Chiết Giang (Zhejiang), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 20/02/2020 China Daily via Reuters
Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, dịch virus corona đang "thay đổi luật chơi" trên bàn cờ thương mại và kinh tế của thế giới. Thậm chí, tổng thống Mỹ Donald Trump còn hy vọng đây là thời điểm để những tập đoàn đã di dời cơ sở sản xuất ở hải ngoại trở về nguyên quán, "tái công nghiệp hóa" lại một số vùng và lãnh thổ ở Hoa Kỳ.
Thực ra, mọi việc không đơn giản. Trong một thế giới đã "toàn cầu hóa" trong gần 25 năm qua, Trung Quốc từng bước trở thành "công xưởng của thế giới". nhân công rẻ, luật lệ lao động không quá khắt khe... và dân số hơn một tỷ người của Trung Quốc là động cơ thúc giục các công ty quốc tế, bất luận lớn hay bé, ồ ạt di dời cơ sở sang Trung Quốc. Làn sóng dời cơ sở sản xuất đó không dừng lại ở Trung Quốc mà đã lan sang tất cả những quốc gia đang phát triển có tiềm năng.
Ngành dệt may chủ yếu hướng tới Ấn Độ, hay Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan hay Tunisia. Cũng Ấn Độ là bãi đáp lý tưởng của các công ty tin học. Một hãng sản xuất giầy nổi tiếng của Pháp cũng đã đóng cửa các nhà máy tại nguyên quán để sản xuất ở Trung Quốc với giá thành rẻ hơn. Thêm vào đó, là trong thế giới mở rộng, kinh tế của các nước đã đan kết chặt chẽ vào với nhau. Đến nỗi để sản xuất ra được một chiếc ô tô, tất cả các phụ tùng và trang thiết bị điện tử... được chế tạo và nhập khẩu từ 35 quốc gia khác nhau. Nhưng chỉ cần một trong số các đối tác đó gặp nạn, như lần này là trường hợp của Trung Quốc, là cũng đủ để cả hệ thống sản xuất của thế giới bị "trật đường rày".
Hơn nữa, cũng chính vì yếu tộ "đan kết chặt chẽ" này mà chính quyền Trump không thể phạt Hoa Vi của Trung Quốc mà không làm tác hại đến ngay các công ty của Mỹ trong ngành điện tử và viễn thông.
Trong bối cảnh như vậy, theo nhiều nhà phân tích, dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng không thể dẫn đến việc xem xét lại mô hình "kinh tế toàn cầu hóa" và sự phân công lao động quốc tế đó. Bởi vì giới đầu tư, vì lợi nhuận, lúc nào cũng sẵn sàng đi rất xa để kiếm lời.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng giúp đưa tất cả mọi người cùng trở về với thực tế đó là chỉ số chứng khoán đã liên tục tăng mạnh từ hơn 7 năm qua để rồi mức rủi ro vỡ bong bóng được thẩm định là còn cao hơn cả so với thời kỳ tiền khủng hoảng tài chính 2008. Vì virus chủng mới này, chỉ số tài chính của từ Milano đến Hồng Kông, Thượng Hải hay Tokyo đã liên tục mất giá.
Tại Wall Street, Covid-19 chận đứng nhịp độ tăng đều đặn của chỉ số Dow Jones vốn được xem là hàn thử biểu đo lường sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ. Một số nhà phân tích không loại trừ khả năng virus corona đang làm hạ nhiệt tình hình trên các sàn chứng khoán. Ngược lại cũng có tiếng nói cho rằng, nếu kéo dài, Covid-19 có thể là mầm mống tạo nên một cơn bão tiền tệ và tài chính khác.
Trong cái rủi có cái may.
Dịch bệnh làm cho sản xuất đình đốn nhưng làm rõ sự cấp thiết phải bảo vệ và cải thiện môi trường. Tại Trung Quốc đành rằng hàng chục triệu người đã cách ly từ cả hơn tháng nay, các nhà máy và công sở đã phải đóng cửa, nhờ vậy mà mức thải khí carbon tại các thành phố lớn giảm mạnh. Đường phố vắng người, vắng xe ... chất lượng không khí tại Thượng Hải, Bắc Kinh được cải thiện hơn hẳn.
Với phần còn lại của thế giới cũng vậy, nhờ các hãng hàng không quốc tế ngưng hoạt động ở Hoa Lục, nhờ số du khách đến và xuất phát từ Trung Quốc giảm mạnh, lượng thải khí carbon trong ba tuần qua giảm được 10 % trên toàn thế giới. Giao thông hàng hải giảm mạnh trong ba tuần lễ đầu tháng 2/2020 đã góp phần làm giảm hẳn ô nhiễm cho môi trường.
Dù vậy, một số nhà quan sát còn bi quan cho rằng một khi Covid-19 đã lùi vào quá khứ, thì mọi việc vẫn đâu hoàn đấy.
Thanh Hà
*********************
Dịch Covid-19 cho thấy ngành thời trang Âu-Mỹ lệ thuộc Trung Quốc (RFI, 27/02/2020)
Hoành hành tại Trung Quốc từ tháng Giêng 2020, dịch covid-19 đã bùng lên tại Ý và bắt đầu tạo hoảng loạn phần nào ở Pháp vào hạ tuần tháng Hai. Một nạn nhân không ai nghĩ đến của dịch bệnh lại chính là ngành thời trang hạng sang.
Nhân viên bảo vệ đeo khẩu trang tại một nhà hát nơi diễn ra buổi trình diễn thời trang của Giorgio Armani, Milan, Ý. Ảnh chụp ngày 23/02/2020 Reuters/Alessandro Garofalo
Tuần Lễ Thời Trang Fashion Week ở Milano, miền bắc nước Ý, kết thúc hôm 23/02 trong không khí hỗn loạn, trong lúc Fashion Week ở Paris, thủ đô nước Pháp thì bắt đầu từ thứ Hai 24/02 với sự thiếu vắng của khách hàng Trung Quốc.
Ngoài thiệt hại không nhỏ cho ngành – ước tính sơ sơ cũng đến hàng chục tỷ đô la – dịch virus corona cũng đã vạch trần sự lệ thuộc đáng kể ngày nay của ngành thời trang phương Tây vào thị trường Trung Quốc, từng được cảm nhận gần đây khi hàng loạt các hãng thời trang, may mặc Âu Mỹ lục tục chiều ý Bắc Kinh trên các vấn đề như Đài Loan hay Hồng Kông.
Hệ quả ở Milano và Paris
Nhật báo Pháp Le Monde, ngày 25/02 vừa qua đã nêu bật quan hệ lệ thuộc vào Trung Quốc của ngành thời trang cao cấp phương Tây trong bài phân tích mang tựa đề : "Thời Trang : Nạn nhân bị vạ lây của virus corona".
Phóng viên của Le Monde đã đến Milano, thủ phủ của ngành thời trang Ý, vào hôm 23/02, đúng lúc dịch Covid-19 đang gây hoảng loạn với hơn 200 ca lây nhiễm được ghi nhận đến ngày này và 11 thị xã bị cô lập.
Tác động của dịch bệnh trên diễn tiến của ngày chót trong tuần lễ trình diễn thời trang may sẵn của phụ nữ mùa thu đông 2020/2021 tại Milano, đã rất tức thời, với nhà thời trang và mỹ phẩm Ý nổi tiếng Giorgio Armani, hay nhà tạo mốt Laura Biagotti, nhà thiết kế áo bông Moncler đã phải tiến hành các buổi trình diễn dự kiến mà không có khán giả, với các hình ảnh được truyền đi qua đường internet.
Qua ngày hôm sau, tại Fashion Week khai mạc ở Paris và dự trù kéo dài đến 03/03, tình hình có vẻ khá hơn vì thủ đô Pháp không nằm trong vùng dịch như Milano. Thế nhưng tác hại của virus corona đối với sự kiện vốn thu hút hàng ngàn người đến Pháp đã được thấy trước.
Sáu nhà thiết kế Trung Quốc (Mã Mã Sa Masha Ma, Trần Hạ Tư Shiatzy Chen (Đài Loan), Vương Hiệp Uma Wang, Jarel Zhang, Calvin Luo và Maison Mai) đã hủy bỏ chương trình giới thiệu mẫu thời trang của mình, chủ yếu là vì không thể đưa sản phẩm của họ từ Trung Quốc sang Pháp.
Còn những tên tuổi lớn của thời trang Paris, như Dior, Chanel và Saint Laurent, thì sẽ phải đối mặt với tình trạng khán giả thưa thớt. Tập đoàn Kering, công ty mẹ của Saint Laurent, Balenciaga và Alexander McQueen, ước tính "30% khán giả" của sự kiện tập hợp dân trong nghề này sẽ vắng mặt.
Thiếu vắng các ngôi sao định hướng dư luận
Theo Le Monde, trong số những người không đến được Paris, quan trọng nhất có lẽ là những người Trung Quốc có "có ảnh hưởng" lớn, những ngôi sao lớn của các mạng xã hội Trung Quốc như Weibo, TikTok và Tiểu Hồng Thư (XiaoHongshu) chẳng hạn.
Một nhân vật được tờ báo Pháp đặc biệt chú ý là Bao Tiên Sinh (Tao Liang), 27 tuổi, còn được gọi là Mr Bags, tức là Ông Túi Xách, một blogger cực kỳ có uy tín tại Trung Quốc. Vì dịch Covid-19, nhân vật này có đến 7 triệu người theo trên mạng Vi Bác đã không đến được các buổi trình diễn thời trang ở New York, Luân Đôn và Milano, làm cho các nhóm có túi xách mà anh thường quảng cáo, rất thất vọng.
Một người Trung Quốc có ảnh hưởng khác vắng mặt tại Paris là Anny Fan, cô người mẫu cũng có 5 triệu người theo trên Vi Bác, một người kiếm được 18,8 triệu đô la (17,37 triệu euro) mỗi năm nhờ các ấn phẩm được tài trợ.
Đối với Le Monde, thiếu vắng các ngôi sao định hướng dư luận nói trên và các chiếc điện thoại thông minh bên cạnh sàn trình diễn của các người mẫu là một vố đau cho ngành thời trang.
Lý do, theo Le Monde, rất dễ hiểu. Đó là vì trong thị trường hàng xa xỉ thế giới được văn phòng tư vấn Bain & Company ước tính trị giá 281 tỷ euro, Trung Quốc rất nặng ký. Các nhãn hiệu lớn thực hiện hơn một phần ba doanh thu với các khách hàng mang quốc tịch Trung Quốc, ở Trung Quốc hoặc ở nước ngoài, trong các chuyến du lịch.
Một cách cụ thể, Châu Á vẫn là động lực tăng trưởng cho các thương hiệu thời trang của LVMH (tăng 17% vào năm 2019, đạt mức 22,2 tỷ euro) và Kering (tăng 20% doanh thu năm 2019 ở Châu Á, so với năm 2018).
Nhờ các video và bài viết của họ, các nhà ảnh hưởng gọi theo tiếng Anh là "KOL" - từ viết tắt của key opinion leader - đóng vai trò rất lớn cho sức khỏe phải nói là ngoạn mục của ngành hàng hiệu cao cấp ở Trung Quốc. Nhà sản xuất túi xách Tod’s của Ý chẳng hạn, đã gây được tiếng vang to lớn vào tháng 7 năm 2019 khi hợp tác với Mr. Bag để ra mắt phiên bản giới hạn của kiểu túi Unicorn D-Styling. Nhờ lượng người theo khổng lồ của Bao Tiên Sinh, 320 bản của kiểu túi này, bán ra với giá hơn 1.800 euro một chiếc, đã được bán hết trong vài phút đồng hồ.
Quảng cáo ở Châu Á
Do đó, để khắc phục sự vắng mặt của những người có ảnh hưởng này trong các buổi trình diễn thời trang ở Paris, các thương hiệu hàng xa xỉ đã tăng cường biện pháp phát video trực tiếp trên mạng xã hội. Sau đó đến lượt các KOL nhập cuộc, chia sẻ video và hình ảnh trên tài khoản của họ với những người đăng ký theo dõi.
Louis Vuitton, Dior, Celine, Kenzo thuộc tập đoàn LVMH chẳng hạn, sẽ phát trên Vi Bác và WeChat, hai mạng xã hội chính được hoạt động tại Trung Quốc. Các mác thuộc tập đoàn Kering là Saint Laurent, Balenciaga và Alexander McQueen hay Hermes cũng dùng đến internet để truyền qua Trung Quốc hình ảnh các bộ sưu tập mới.
Về phần mình, Liên Đoàn Thời Trang và May Mặc Cao Cấp sẽ phát đi tất cả các chương trình thời trang ở Paris từ các tài khoản xã hội của tổ chức này, đặc biệt là trên Vi Bác và TikTok rất được người Trung Quốc ưa thích.
Mọi người hy vọng sẽ tái lập thành công đã gặt hái được ở Milano. Theo báo chí Ý, đã có khoảng một ngàn người Trung Quốc trong ngành không thể tham dự tuần lễ thời trang Milano. Để chữa cháy, ban tổ chức đã cho truyền trực tiếp 56 buổi trình diễn thời trang trên Internet và mạng xã hội. Ngày 19/02 chẳng hạn, buổi trình diễn thời trang của Gucci, một thương hiệu mà người Châu Á yêu thích, đã thu hút được hơn 1,5 triệu kết nối từ các địa chỉ IP tại Trung Quốc.
Dịch Covid-19 cũng đã phá hoại các kế hoạch trình diễn của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp tại Châu Á. Prada đã hủy chương trình tại Nhật Bản vào tháng Năm, và Chanel cũng đã bỏ một sự kiện diễn ra cùng tháng tại Bắc Kinh.
Ngành thời trang cao cấp có thể bị thất thu đến 40 tỷ euro
Đối với hầu hết các thương hiệu Âu-Mỹ, tăng cường quảng cáo ở Châu Á đang trở thành sống còn vào lúc các mặt hàng xa xỉ của họ đang phải đối mặt với 3 hệ quả của dịch Covid-19 : Các điểm bán hàng ở Trung Quốc bị đóng cửa, doanh số bán hàng bị sụp đổ kể cả trên mạng do thiếu người giao hàng, và trong các cửa hàng miễn thuế duty-free ở sân bay vì thiếu khách du lịch quá cảnh.
Theo Ủy Ban Altagamma phụ trách lãnh vực hàng xa xỉ tại Ý, ngành thời trang cao cấp sẽ không thể khôi phục hoạt động bình thường trước năm 2021. Từ nay đến đó, thất thu của ngành được ước tính lên tới mức từ 30 đến 40 tỷ euro.
Trong khi chờ đợi các số liệu cụ thể hơn về các tổn thất kể từ khi con vius xuất hiện vào cuối tháng 12 năm 2019, một số thương hiệu đã lên tiếng báo động. Lãnh đạo nhà thiết kế áo bông cao cấp Moncler, vào đầu tháng Hai này, đã cho biết là một phần ba cửa hàng Moncler đã bị đóng cửa tại Trung Quốc, nhãn hiệu Burberry của Anh thì cảnh báo về những "tác động tiêu cực đáng kể", các nhóm Mỹ như Coach hay Ralph Lauren cũng thừa nhận bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mai Vân