Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/02/2021

Người dân Lộc Hưng đón Tết cổ truyền thế nào sau hai năm cưỡng chế ?

RFA tiếng Việt

Bà con Lộc Hưng đón Tết Tân Sửu

Đài RFA liên lạc với một số người dân ở Vườn rau Lộc Hưng trong những ngày giáp Tết Tân Sửu và được nghe nỗi niềm của họ rằng hai năm qua, những ngày Tết cổ truyền là một nỗi ám ảnh đến kinh hoàng trong từng tâm trí của bà con từ người già cho đến người trẻ tuổi.

lochung1

Quang cảnh vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế trong những ngày giáp Tết Kỷ Hợi. Courtesy of Vườn Rau Lộc Hưng Pháp Lý

Ngày Tết Nguyên đán là thời gian mỗi gia đình người Việt, trong đó bà con Vườn rau Lộc Hưng nhắc nhở nhau về truyền thống gia đình. Chắc chắn rằng các thế hệ trong từng ngôi nhà tại Vườn rau Lộc Hưng sẽ ôn đi ôn lại và truyền từ đời này sang đời khác về những ngày đầu tổ tiên của họ đã di cư từ Bắc vào Nam và lập nên cái vườn rau Lộc Hưng giữa đất Sài Gòn như thế nào.

Thế nhưng, kể từ Tết Kỷ Hợi năm 2019, hàng chục gia đình tại Vườn rau Lộc Hưng không còn được hưởng những cái tết sum vầy, ấm cúng nữa. Thậm chí, cứ mỗi thời điểm giao mùa, từng người một trong cộng đồng cư dân Vườn rau Lộc Hưng phải san sẻ nỗi ám ảnh cùng những tháng ngày cơ cực nhân dịp đầu xuân, năm mới.

"Việc họ cưỡng chế thì lúc đó các lực lượng hơn 1.000 quân rất hung hăng. Họ dùng toàn người phụ nữ xã hội, giang hồ đánh đập các phụ nữ ở Vườn rau Lộc Hưng ra ngăn cản như kẻ thù. Còn tất cả an ninh cùng lực lượng xã hội trà trộn mà không ai đeo bảng tên, ngoại trừ một số mặc sắc phục. Nói tóm lại là ở trên cấp trên chỉ đạo ngầm thì họ cưỡng chế, chà đạp lên pháp luật, coi thường pháp luật. Không có biên bản và không có bất cứ quyết định nào hết. Họ chỉ đạo và tàn sát bà con Lộc Hưng luôn".

Ông Cao Hà Chánh cho RFA biết những lời ông nói vừa rồi là nội dung được bà con Vườn rau Lộc Hưng kể cho nhau nghe hồi Tết Kỷ Hợi, Tết Canh Tý và trong Tết Tân Sửu này. Và ký ức Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế, giải tỏa trắng sẽ mãi được hồi tưởng trong nhiều cái tết về sau nữa.

Ông Cao Hà Chánh, thuộc trong Ban Đại diện bà con Vườn rau Lộc Hưng cho biết thêm về cuộc sống của người dân Lộc Hưng sau khi bị cưỡng chế hồi đầu tháng 1 năm 2019, tức những ngày giáp Tết Kỷ Hợi.

"Tình hình chung của bà con thì lúc bị (chính quyền) đập phá là bà con được cha mẹ để lại đều vay mượn hết. Họ vay mượn để cố gắng xây nhà cửa cho mình ở hoặc dư thì cho thuê. Khi bị đập trắng hết rồi thì bà con thiếu nợ chưa trả được, mà bây giờ cũng không có nguồn sống luôn. Các chị em còn trẻ thì đi làm thuê, làm mướn như làm công việc dọn dẹp…Đại loại là đi làm công hết. Đặc biệt những người lớn tuổi ở Vườn rau Lộc Hưng thì một số đã mất và một số người già, không có điều kiện sức khỏe để đi làm kiếm thêm thu nhập".

Không những thế, nhiều người dân ở Lộc Hưng còn phải chịu cảnh sống trong bệnh tật.

"Vì họ (chính quyền) không làm hệ thống cống và nước thải của bốn-năm ngàn hộ xung quanh đổ xuống hết khu vực Vườn rau Lộc Hưng. Chính vì vậy mà ba của của tôi bị ung thư. Vợ tôi cũng bị bệnh ung thư và mất do bệnh ung thư này. Rất nhiều người bị bệnh ung thư chết. Còn những người không chết thì bị bệnh nặng và bệnh nan y".

Ông Cao Hà Chánh tâm tình rằng trong năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuộc sống của bà con Vườn rau Lộc Hưng càng hết sức khó khăn. Hầu như không ai trong số họ nhận được sự hỗ trợ nào trong dịch bệnh từ chính quyền, huống hồ chi nghĩ đến họ đón tết như thế nào.

Bà Mùi, một cư dân ở Vườn rau Lộc Hưng chia sẻ với RFA :

"Tôi với bà con bị mất mát hết tài sản, tất cả dành dụm được nhờ vào mấy chục năm bán từng bó rau muống. Bây giờ chúng tôi rât là khó khăn. Những người già chúng tôi, 75 tuổi rồi thì ai mà mướn nữa. Đi làm không được mà cũng không làm gì được. Nói chung là chủ yếu tất cả bà con trong hai năm qua khó khăn lắm. Có những người không có nhà phải đi thuê sáu đến bảy triệu đồng/tháng. Cho nên cuộc sống khổ lắm".

Chị Hồng, một người con dâu trong gia đình ở Vườn rau Lộc Hưng, bộc bạch với chúng tôi.

"Đất của mẹ tôi canh tác từ năm 1954. Đến khi già thì mẹ chia cho con cái mỗi người một miếng đất. Kinh tế của tôi thì cũng đủ sống thôi. Đến khi mẹ cho đất thì tính sẽ có thêm nguồn cho thoải mái một chút. Tôi tính toán mượn tiền ngân hàng để làm nhà cho thuê. Từ khi xây nhà cho đến khi bị cưỡng chế, đập nhà, đập cửa thì mới được 8 tháng thôi. Đến bây giờ đã hai năm qua rồi thì tôi phải đóng tiền ngân hàng và càng khó khăn hơn nữa".

Sự khó khăn của chị Hồng là mất nhà cửa, không kiếm ra tiền mà không những gánh nợ nần ngân hàng chồng chất và còn tiền thuốc thang cho chồng bị bệnh tật.

lochung2

Những nồi bánh chưng đầu tiên chuẩn bị cho Tết Tân Sửu của bà con Lộc Hưng. Hình chụp tối hôm 8/2/2021. Courtesy of Vườn Rau Lộc Hưng Pháp Lý

Theo đuổi quá trình pháp lý trong hai năm qua

Hoàn cảnh tuy có khác nhau, nhưng bà con ở Vườn rau Lộc Hưng cùng đồng lòng theo đuổi quá trình đi đòi công lý cho họ.

Suốt hai năm qua, bà con Lộc Hưng cùng với các luật sư đại diện pháp lý của họ đã ba, bốn lần ra Hà Nội, đến văn phòng Ban Tiếp dân. Kết quả đạt được là văn phòng này đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp nhận và phải giải quyết, báo cáo về vụ việc cưỡng chế ở Vườn rau lộc Hưng.

Thế nhưng, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cứ im lặng và không nhận đơn khiếu nại, cũng như không tiếp xúc với bà con Lộc Hưng một lần nào.

Trong những ngày giáp Tết Tân Sửu, Ban Đại diện bà con Lộc Hưng đến chúc tết luật sư Trần Hồng Phong, một trong những luật sư đại diện pháp lý cho họ, và được ông khẳng định rằng về mặt nguyên tắc, theo quy định thì bà con Lộc Hưng là những người sử dụng đất có nguồn gốc vừa lương thiện vừa hợp pháp. Và đặc biệt là có đủ điều kiện để được xem xét cấp giấy chứng nhận sử dụng đất theo quy định trong Luật Đất đai 1993.

Trong buổi gặp gỡ đó, luật sư Trần Hồng Phong chia sẻ và chúng tôi xin được trích lời ông nói :

"Theo tôi thấy có một tài liệu năm 2006 thì Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Đua đã làm việc với bà con Lộc Hưng. Và tại Bản thông báo ngày 15/11/2006, nói rất rõ lý do chính quyền chưa cấp sổ đỏ cho bà con Lộc Hưng bởi vì đã cấp cho Công ty Sài Thành để làm dự án. Nhưng sau đó, Công ty Sài Thành đã không đền bù cho bà con và cũng đã hủy dự án. Điều này có nghĩa là phải tiếp tục xem xét và cấp sổ đỏ cho người dân. Và tại thông báo này thì chính Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua đã chỉ đạo cho Sở tài nguyên-Môi trường phải khảo sát lại, tìm hiểu, đánh giá thực tế sử dụng đất, nguồn gốc đất và phải xém xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật".

Luật sư Trần Hồng Phong nhấn mạnh rằng Sở Tài nguyên-Môi trường đã không thực hiện theo đúng yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ cũng như không làm theo quy định của pháp luật.

"Tuy nhiên, rất đáng tiếc là Sở Tài nguyên-Môi trường đã không thực hiện đúng theo chỉ đọa của ông Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua, cũng như quy định đất đai mà người ta lại (tôi có thể dùng cái từ để nói rằng) ‘bịa đặt’ ra nội dung là bà con lấn chiếm đất công và điều đó không đúng với thực tế".

Qua lời dặn dò với Ban Đại diện bà con Vườn rau Lộc Hưng, luật sư Trần Hồng Phong bày tỏ :

"Tôi muốn nói rằng bà con Lộc Hưng đã đi một chặng đường dài và trong bối cảnh coi như là đã có những bước tiến về mặt pháp lý. Tức là, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã có văn bản trả lời rằng việc Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh lấy một văn bản của Bộ Tài nguyên-Môi trường để từ chối cấp sổ đỏ cho người dân Lộc Hưng là không đúng. Tôi hy vọng rằng trong khóa nhiệm kỳ mới của chính quyền thì vụ việc của bà con Lộc Hưng có thể sẽ có những bước tiến triển. Người ta sẽ xem xét và giải quyết. Tôi muốn nhắc lại bà con Lộc Hưng đang đấu tranh theo con đường bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Tôi nhấn mạnh là ‘hợp pháp’ ; trong đó bà con thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và bà con nên làm đúng theo quy định pháp luật".

Ông Cao Hà Chánh chia sẻ với RFA rằng Ban Đại diện bà con Lộc Hưng cũng đã đi đến gặp các nhà hảo tâm và những người thương bà con Lộc Hưng để xin được ít tiền nấu bánh chưng đón Tết Tân Sửu.

"Đón tết thì thứ nhất là bà con tổ chức nấu bánh chưng. Và sau khi đón giao thừa ở Đài Đức Mẹ thì tất cả bà con, anh-chị-em sẽ ngồi lại để cùng nhau ăn một bữa gắn bó hơn, thắm thiết hơn trong những giây phút đầu xuân".

Một vài người dân Lộc Hưng như bà Mùi, chị Hồng nói với RFA rằng tại bữa ăn đón giao thừa năm mới Tân Sửu, bà con Vườn rau Lộc Hưng cùng thành tâm nguyện cầu và mong ước chính quyền nghĩ đến chuyện đất đai của người dân Lộc Hưng phải có sự thật và công lý rõ ràng. Họ trông mong làm sao chính quyền trong năm mới tiếp xúc với bà con Lộc Hưng và có hướng gỉai quyết cho bà con cũng như bù đắp những mất mát, thiệt thòi cho họ.

"Bà con Lộc Hưng sang năm mới Tân Sửu này rất mong Chính phủ cùng tất cả các cấp lãnh đạo ra mặt đối thoại với người dân, để làm sao cho đúng luật của Nhà nước ban hành bởi vì đất đai của chúng tôi có giấy tờ đầy đủ".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)