Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/03/2021

Công chức không học chính sách công mà lại học để lấy bằng tiến sĩ ?

RFA tiếng Việt

"Sở Nội vụ nên thay đổi cách tuyển dụng công chức và cần xem lại thay vì đào tạo tiến sĩ cho công chức thì công chức nên học chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công".

congchuc1

Ảnh minh họa. RFA edit

Đây là đề xuất của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại hội nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ diễn ra sáng ngày 18/3.

Theo lời ông Nguyễn Việt Dũng được báo chí Nhà nước Việt Nam trích dẫn, ông thắc mắc rằng vì sao phải đào tạo công chức thành tiến sĩ trong khi tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học.

Theo ông Dũng, hệ thống thành phố cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không ai học.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore vào tối 22/3 nhận định với RFA về ý kiến của ông Giám đốc Sở Khoa học -Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh như sau :

"Ông ấy nói rất đúng ở chỗ bây giờ đào tạo tiến sĩ và người ta đi học tiến sĩ không đi vào bản chất để mở mang kiến thức và sáng tạo như đóng góp gì đó về mặt học thuật cho ngành của mình.

Bấy lâu nay việc đi học tiến sĩ của công chức, viên chức không nhằm vào việc đó mà nhằm vào việc có mảnh bằng để được tăng lương, lên chức".

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, dù đề xuất của ông Nguyễn Việt Dũng là điều tốt, nhưng ông lại nói sai về chức năng và trách nhiệm của ông.

TS. Hà Hoàng Hợp lập luận :

"Đối với công chức thì việc đào tạo tiến sĩ thuộc Sở Nội vụ, mở rộng ra ở đất nước này là trách nhiệm của Bộ Nội vụ, là bộ chăm lo chất lượng, cơ cấu của người công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống Chính phủ Việt Nam.

Ông không thể đề nghị Sở Nội vụ thay đổi vì việc đấy thuộc chức năng Bộ Nội vụ. Tất cả quy định của Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh không được quy định gì khác quy định Bộ Nội vụ. Muốn thay đổi, muốn làm khác cái gì phải có quy định từ Bộ Nội vụ mới làm được".

Báo trong nước cho hay, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại buổi hội nghị cũng ủng hộ đề xuất của ông Nguyễn Việt Dũng.

Người đứng đầu UBND thành phố cho rằng nhiều chương trình cán bộ đi học hiện nay hoàn toàn không thể áp dụng được với thành phố.

Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Nội vụ phải ký chương trình phối hợp với Học viện Cán bộ Thành phố để đào tạo đội ngũ cán bộ chất lượng hơn.

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, nếu lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ và cả lãnh đạo UBND thành phố thay đổi vai trò bản thân để đưa ra yêu cầu thì sẽ hợp lý hơn. Ông giải thích :

"Thực chất ra ở đất nước này, Ban Tổ chức Trung ương Đảng quyết định hết, tất cả những quy đinh Bộ Nội vụ đặt ra phải xin phép ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương.

Nên giá như ông ấy nói yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam này và Ban Tổ chức Trung ương Đảng này sửa những cái đấy nghe hợp lý hơn vì ông ấy là đảng viên".

congchuc2

Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội nghị 18/3/2021. Zing

Từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, từng là Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của HTV cho rằng đề xuất nêu ra với Sở Nội vụ thoạt nghe qua có vẻ đúng, nhưng thực tế việc học chính sách công sẽ thành vô ích bởi vì :

"Chính sách công bản chất của nó là để phục vụ cho công chúng và xã hội tất cả các đòi hỏi phát sinh, nhấn mạnh là nhằm giải quyết các đòi hỏi của xã hội đặt ra, thông qua những văn bản luật, văn bản dưới luật và hoạch định kế hoạch, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tổng hợp tất cả những cái đó mới gọi là chính sách công".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng lý thuyết là vậy nhưng tại Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam mặc định vai trò của họ là lãnh đạo chứ không phải phục vụ.

Do đó, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già khẳng định :

"Chính sách công này chỉ có giá trị trong các chế độ tự do, dân chủ, đa đảng, thành ra chính sách công này vô nghĩa đối với chế độ độc đảng toàn trị như Việt Nam hay thậm chí Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn.

Ý kiến phát biểu của ông Dũng chỉ đúng về mặt lý thuyết đối với thực tại ở Việt Nam nhưng hoàn toàn phi thực tế tại Việt Nam, chỉ là lý thuyết suông".

Giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng trong buổi làm việc 18/3 cho rằng, thành phố đang đào tạo quá nhiều tiến sĩ nhưng năng lực vẫn yếu.

Ông Dũng đề nghị quy trình tuyển dụng của thành phố không nên chỉ tập trung chuyên môn. Theo ông, kiến thức chỉ một phần, quan trọng là kỹ năng và tư duy.

Từ thực tế xã hội, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận xét về lực lượng công chức tại Việt Nam hiện nay rất kém về chuyên môn và hầu như vô đạo đức về nhân phẩm. Nguyên nhân theo ông vì những lý do sau :

"Hai điều này xuất phát từ giáo dục. Giáo dục của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là một nền giáo dục nhồi sọ, đặc biệt là không có tính khai phóng trong giáo dục nên không có tính tự do.

Thêm nữa họ có một lầm lẫn rất tai hại là đánh đồng nhân tài bằng giáo sư, tiến sĩ.

Một cái cũng góp phần vào đó là ngạch lương phẩm và các thứ đều dựa vào bằng cấp".

Trước đó, báo nhà nước khi đăng tải thông tin điều tra vụ án trường Đại học Đông Đô cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả, cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều cán bộ công chức nhà nước cũng đã tham gia mua bằng giả. Đáng chú ý, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.

Theo thông tin Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong cung cấp tại hội nghị, Đại học Fulbright năm 2018 đã đồng ý đào tạo cho thành phố 20 cán bộ là lãnh đạo sở.

Theo đó, nhằm đảm bảo chương trình dạy có giá trị thực tiễn, phía Đại học Fulbright đã tiếp xúc với lãnh đạo thành phố để tìm hiểu về mục tiêu phát triển, trên cơ sở đó biên tập bài giảng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 458 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)