Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/06/2021

Covid-19 : Tại sao Sài Gòn kéo dài thời gian bế quan tỏa cảng ?

RFI tổng hợp

Việt Nam : Sài Gòn "phong tỏa" để ngăn chặn Covid

Trọng Thành, RFI, 20/06/2021

Sau ba tuần áp dụng các biện pháp "giãn cách xã hội", với hy vọng hãm lại đà lây lan dịch bệnh, nhưng không đạt kết quả, hôm 20/06/2021 chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quyết định bổ sung thêm nhiều biện pháp siết chặt mới.

cachly1

Một khu phố tại thành phố Hồ Chí Minh bị cách ly y tế vì có người nhiễm Covid-19, ngày 01/06/2021.  Reuters – Stringer

Theo "Chỉ thị khẩn về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19", 10 triệu dân cư thành phố sẽ chỉ được phép ra ngoài "trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn". Ngừng hoạt động tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, "các chợ tự phát".

"Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng", ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Tại các địa điểm công cộng, nếu có tiếp xúc phải giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 mét. Dừng toàn bộ các cuộc hội họp không cần thiết, nếu có tổ chức, không tập trung quá 10 người. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn giữa người với người tối thiểu 1,5 mét.

Các biện pháp phong tỏa mà Sài Gòn áp dụng bổ sung hôm nay trên thực tế gần tương tự với Quy định "cách ly toàn xã hội" theo chỉ thị 16 của chính phủ, tức mức cao nhất trong các biện pháp phòng dịch cho đến nay. Các biện pháp phong tỏa nói trên có hiệu lực trước mắt trong một tuần.

Về mặt chính thức, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 135 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, trong đó đại đa số là các ca thuộc các chuỗi lây nhiễm đã biết, bên cạnh 20 ca đang điều tra dịch tễ. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền thành phố thừa nhận dịch đã vào sâu trong cộng đồng, từ gia đình đến khu dân cư, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, các cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh… Số lượng các ca bệnh âm thầm phát triển trong cộng đồng có thể là rất lớn.

Bắt đầu từ hôm qua, chính quyền cũng khởi động chiến dịch tiêm chủng vac-xin tại Sài Gòn, với đối tượng ưu tiên là 2,3 triệu dân cư theo Nghị quyết số 21 của chính phủ (ban hành cuối tháng 2/2021) và nhóm xã hội mới bổ sung thêm là công nhân các khu chế xuất, các doanh nghiệp. Các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 gồm "lực lượng tuyến đầu phòng dịch", nhân viên trong các ngành thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ điện nước…), giáo viên, người mắc bệnh, người trên 65 tuổi, người sống ở vùng có dịch, người nghèo… Trước mắt, Sài Gòn được phân bổ 836.000 liều vac-xin của AstraZeneca (gồm 50.000 liều dành riêng cho công an và quân đội). Số lượng vac-xin được huy động nói trên cho tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 86% tổng lượng vac-xin của đợt tiêm chủng toàn quốc lần này.

Trung Quốc trao cho Việt Nam 500.000 liều vac-xin Sinopharm

Theo Reuters, hôm 20/06/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã nhận 500.000 liều vac-xin Sinopharm của Trung Quốc. Bộ Y tế thông báo loại vac-xin này, về nguyên tắc, sẽ được sử dụng cho ba nhóm, các công dân Trung Quốc sống tại Việt Nam, người Việt Nam có kế hoạch đi làm việc hoặc học tập tại Trung Quốc, và "cư dân có nhu cầu sử dụng loại vac-xin này", đặc biệt là những người sống gần biên giới với Trung Quốc.

Vac-xin của hãng Sinopharm là vac-xin phòng Covid thứ ba được Việt Nam phê chuẩn (ngày 04/06), sau vac-xin AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, trên thực tế chính quyền Việt Nam tỏ ra hết sức thận trọng với vac-xin Trung Quốc. Tuần báo Pháp L’Express số ra trung tuần tháng 6/2021, dẫn lời chuyên gia Bill Hayton, thuộc think tank Chatham House ở Anh Quốc, chính quyền Việt Nam lo ngại tính chính đáng sẽ bị tổn hại, nếu đặt mua vac-xin Trung Quốc, do việc người dân Việt Nam rất nghi kỵ Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, thuộc Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, lưu ý Việt Nam là thành viên duy nhất của ASEAN hoàn toàn dửng dưng với vac-xin của Trung Quốc, cho đến nay, "chưa có cuộc thảo luận nào được tiến hành để mua vac-xin Trung Quốc".

Trọng Thành

******************

Covid : Nhật tặng Việt Nam vac-xin, Hà Nội công bố kế hoạch tiêm chủng toàn quốc

Trọng Thành, RFI, 16/06/2021

Hôm 15/06/2021, chính phủ Nhật Bản thông báo tặng Việt Nam 1 triệu liều vac-xin. Cùng ngày, Bộ Y tế Việt Nam công bố kế hoạch chích ngừa toàn quốc được quảng bá là "lớn nhất trong lịch sử", với sự tham gia của quân đội.

cachly2

Một bác sĩ được chích ngừa Covid-19 tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 08/03/2021. AP - Hau Dinh

Truyền thông Nhật Bản cho hay ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi thông báo Tokyo sẽ chuyển món quà 1 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 đến Việt Nam. Số vac-xin này đến Việt Nam vào hôm 16/06. Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết rõ là Tokyo đã đóng góp 1 tỉ đô la và 30 triệu liều vac-xin vào chương trình hỗ trợ vac-xin Covax của Liên Hiệp Quốc, các khoản quà tặng nói trên cho Việt Nam, hoặc Đài Loan và một số láng giềng Châu Á khác nằm ngoài chương trình Covax. Ngoại trưởng Nhật nhấn mạnh, lý do của hỗ trợ trực tiếp là để tiết kiệm thời gian, bởi nếu thông qua một tổ chức quốc tế, sẽ có thêm "nhiều thủ tục".

Truyền thông Việt Nam cũng cho biết, chiều hôm qua đại sứ Nhật tại Việt Nam, ông Yamada Takio, thông báo "các hiệp hội và 36 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã quyên góp 39,2 tỷ đồng cho Quỹ vac-xin phòng chống Covid-19 của chính phủ Việt Nam".

Thông tin về các món quà vac-xin từ phía chính quyền Nhật và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp Nhật được đưa ra đúng vào lúc Bộ Y tế Việt Nam công bố kế hoạch tiêm chủng toàn quốc. Kế hoạch được đưa ra gần 4 tháng sau khi chính phủ Việt Nam ra nghị quyết về "mua và sử dụng vac-xin phòng chống Covid-19".

Quân đội phụ trách 8 kho vac-xin, toàn quốc có 15.000 điểm tiêm chủng

Theo thông báo của Bộ Y tế Việt Nam, việc vận chuyển và bảo quản vac-xin sẽ được giao phó cho Bộ Quốc phòng. Có 8 kho bảo quản trên toàn quốc do 8 quân khu phụ trách. Ban chỉ đạo triển khai "chiến dịch" tiêm chủng vac-xin phòng Covid-19 toàn quốc do bộ trưởng Y tế làm trưởng ban. "Sở Chỉ huy" đặt tại Bộ Quốc phòng. Tham gia "chiến dịch" có tổng cộng khoảng 15.000 điểm tiêm chủng. Theo Bộ Y tế, điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là việc chích ngừa "sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online thay vì trước đây giao cho các đơn vị quản lý". Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam cam kết hoàn tất hệ thống ứng dụng công nghệ tin học trong tiêm chủng để sẵn sàng đưa vào sử dụng trong vòng một tuần nữa.

Trong những tuần gần đây, Bộ Y tế Việt Nam bị chỉ trích đã chậm trễ trong việc triển khai tiêm chủng. Hôm 11/06, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ra chỉ thị yêu cầu Bộ Y tế "công khai kế hoạch tiêm chủng".

Nhập đủ 150 triệu liều vac-xin : Bộ Y tế thừa nhận khó khăn

Trong thông báo hôm 15/06, Bộ Y tế Việt Nam cũng thừa nhận "vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vac-xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vac-xin" cho 70% dân số trên 18 tuổi. Tuyên bố nói trên không được lạc quan như tuyên bố của Bộ Y tế ngày 03/06, khẳng định "về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số lượng vac-xin", theo kế hoạch 150 triệu liều vac-xin.

Theo chính phủ Việt Nam, kế hoạch mua vac-xin và tiêm chủng 150 triệu liều cho 75 triệu dân tốn phí tổng cộng hơn 25 nghìn tỉ đồng. Đầu tháng 6/2021, Bộ Tài chính thông báo ngân sách Nhà nước dành cho kế hoạch mua vac-xin là 14,5 nghìn tỉ đồng. Chính quyền lập Quỹ vac-xin kêu gọi đóng góp trong nước và quốc tế, để bù vào phần tiền thiếu hụt. Cho đến nay, chính quyền chưa công khai kế hoạch mua nhập vac-xin theo ngân sách Nhà nước. Trong dư luận tại Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc sử dụng khoản ngân sách này.

Tổng cộng Việt Nam cho đến nay mới nhận được khoản trợ giúp 2,5 triệu liều vac-xin theo chương trình Covax của Liên Hiệp Quốc, với tổng cộng 1,5 triệu người được chích ngừa.

Trọng Thành

*********************

Covid : Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục "giãn cách xã hội" thêm 2 tuần

Trọng Thành, RFI, 14/06/2021

Trái ngược với đánh giá lạc quan cách nay một tuần của một lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, về việc "cơ bản kiểm soát được dịch trong cộng đồng", hôm 14/06/2021, chính quyền thành phố quyết định kéo dài biện pháp "giãn cảnh xã hội" thêm 2 tuần, trong bối cảnh số lượng ca nhiễm hàng ngày không giảm, có nguy cơ dịch lan sâu trong cộng đồng.

cachly4

Một khu vực bị cách ly dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh chống ngày 01/06/2021.  Reuters – Stringer

Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch thành phố Nguyễn Thanh Phong quyết định thực hiện "giãn cách xã hội" toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của thủ tướng. Thời hạn giãn cách kể từ ngày mai, 15/06. Lý do là "diễn biến dịch còn phức tạp, còn mầm bệnh trong cộng đồng". Cũng theo chủ tịch thành phố, tùy theo diễn biến dịch bệnh vào tuần tới, một số khu vực có thể chuyển sang thực hiện Chỉ thị 16, tức các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, hoặc theo Chỉ thị 19, tức mức độ nhẹ hơn.

"Giãn cách xã hội" theo Chỉ thị 15 bao gồm các biện pháp : không tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét tại các địa điểm công cộng, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Chỉ thị 16 bắt buộc người dân "chỉ được ra khỏi nhà, khi thực sự cần thiết".

Dịch có thể đã "xâm nhập sâu trong cộng đồng"

Theo số liệu của Bộ Y tế, sáng hôm nay, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước, với 30 ca nhiễm trong ngày, trên tổng số 92 ca cả nước. Tình từ ngày 27/5 đến hết ngày 10/6, Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy gần 500.000 mẫu xét nghiệm, số ca nhiễm được ghi nhận trong thời gian này trung bình là 41 ca. Theo số liệu chính thức, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba cả nước về số ca nhiễm trong cộng đồng (hơn 800 ca), sau hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời một chuyên gia dịch tễ địa phương cho rằng "mức độ lây truyền đã kéo dài qua nhiều chu kỳ, xâm nhập sâu trong cộng đồng. Điển hình đã phát hiện bệnh nhân của chu kỳ lây nhiễm thứ 5". 

Bộ Chính trị yêu cầu "công khai chương trình tiêm chủng"

Trong lúc tình hình dịch bệnh kéo dài và khó khống chế tại nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền Việt Nam bị nhiều chỉ trích là đã không đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Tính cho đến nay, Việt Nam mới chỉ tiêm được 1,5 triệu liều, trong đó mới có 0,1% dân số hoàn thành hai liều tiêm. Việt Nam nằm trong nhóm các nước chậm tiêm chủng nhất của khu vực.

Về mặt chính thức, Bộ Y tế Việt Nam coi việc tiêm chủng là biện pháp không thể tránh khỏi để thoát khỏi dịch bệnh, nhưng dường như chưa có một kế hoạch tiêm chủng rõ ràng. Hôm 11/06/2021, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã yêu cầu "Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vac-xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể". Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cũng yêu cầu "tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vac-xin phòng, chống Covid-19 (…) để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vac-xin cho người dân".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)