Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/07/2021

Nạn buôn người, ngư dân bị giam, Facebook kiện, án tử hình

RFA tồng hợp

Việt Nam vẫn còn tên trong danh sách cần theo dõi về nạn buôn người

RFA, 01/07/2021

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần phải theo dõi về nạn buôn người, tức cấp độ hai (tier 2) trong báo cáo về tình trạng buôn người thường niên trên thế giới, được công bố vào chiều ngày 1/7, giờ miền Đông Hoa Kỳ.

buonnguoi1

Một người đàn ông ngồi trước các tấm biển phòng chống nạn mại dâm và ma tuý ở Sơn La hôm 5/5/2009-AFP - Ảnh minh họa

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần phải theo dõi về nạn buôn người, tức cấp độ hai (tier 2) trong báo cáo về tình trạng buôn người thường niên trên thế giới, được công bố vào chiều ngày 1/7, giờ miền Đông Hoa Kỳ.

So với năm ngoái, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm nay vẫn đánh giá Việt Nam là chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tối thiếu về xóa bỏ tình trạng buôn người dù chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể.

Đánh giá về mặt nỗ lực, báo cáo cho biết Chính phủ Việt Nam đã gia tăng việc kết án những tội phạm buôn người, và lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam cung cấp các dữ liệu tách biệt đầy đủ về các vụ buôn bán người cho phía Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có những sửa đổi trong luật về môi giới người lao động Việt lao động ở nước ngoài, xóa bỏ phsi môi giới và mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt ở nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam cũng được đánh giá là trong năm qua đã gia tăng ngân sách giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người và thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cho các nhóm người dễ bị tổn thương.

Mặc dù vậy, Việt Nam bị đánh giá là đã không cho thấy việc gia tăng nỗ lực tổng thể so với năm trước đó trong việc phòng chống nạn buôn người, một phần cũng là vì đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam không tiến hành các thủ tục xác định nạn nhân một cách hệ thống, trong khi các quan chức không tích cực xác định nạn nhân như phụ nữ và trẻ em bị cưỡng bức tình dục. Điều này dẫn đến việc có những nạn nhân thậm chí bị trừng phạt theo pháp luật vì những gì họ đã làm vì bị những kẻ buôn người ép họ làm.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá các mức phạt tù và tiền trong luật của Việt Nam về nạn buôn người là khá nghiêm khắc nhưng vẫn có điểm chưa tương thích với luật quốc tế. Ví dụ như các điều 150 và 151 Bộ Luật Hình sự quy định về nạn buôn người ở người lớn và trẻ em nhưng không áp dụng với trẻ từ 16 đến 17 tuổi theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong năm 2020, số trường hợp bị kết tội trong các vụ buôn người tăng lên so với năm trước đó nhưng con số điều tra lại giảm.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, trong năm 2020, Việt Nam đã điều tra 110 vụ buôn người và bắt giữ 144 kẻ tình nghi. Con số này trong năm trước đó là 175 trường hợp.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, các nạn nhân của nạn buôn người ở Việt Nam bao gồm những người bị cưỡng bức lao động bao gồm cả người lớn và trẻ em, phụ nữ và đàn ông ; những phụ nữ và trẻ em bị cưỡng bức bán dâm.

Các nạn nhân của cưỡng bức lao động thường được tuyển vào làm trong ngành xây dựng, đánh cá, nông nghiệp, hầm mỏ, khai thác gỗ, chế tạo, tại ác nước như Đài Loan, Malaysia, Nam Hàn, Lào, Nhật Bản. Một số người sang Châu Âu và Anh để làm móng tay hoặc trồng cần sa.

Bọn buôn người cũng nhắm vào phụ nữ và trẻ em Việt Nam để đưa họ sang làm mại dâm ở các nước khác như Trung Quốc, Campuchia, Lào.

Một số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài theo môi giới hôn nhân hoặc làm việc trong nhà hàng, tiệm massage hoặc quán bar, karaoke ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ả rập Saudi, Singapore và Đài Loan. Họ cuối cùng bị áp phải phục vụ tình dục.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết đã có những quan chức Việt Nam, chủ yếu ở cấp xã, đã tiếp tay cho nạn buôn người, bóc lột nạn nhân bằng cách nhận hối lộ từ bọn buôn người.

**********************

Ngư dân Việt Nam bị giam ở Indonesia : Phí hồi hương liên tục đội giá, không có tiền là còn bị giam

Cao Nguyên, RFA, 01/07/2021

Ngày 20/6 vừa qua, 103 ngư dân bị giam giữ ở trại Tanjung Pinang, Indonesia đã được về Việt Nam. Tuy nhiên, một số người cho biết chi phí phải đóng để được làm thủ tục về nước không rõ ràng và nhiều lần bị đội giá lên cao. Hiện nhóm người này bị ban quản lý nơi cách ly tập trung yêu cầu đóng thêm khoảng sáu triệu đồng mỗi người. Những thuyền viên này cho hay đó là con số quá cao và họ không còn khả năng chi trả nữa.

buonnguoi2

Hình chụp hôm 4/3/2020 ở Batam, Kapulauan Riau. Ngư dân Việt Nam bị giới chức Indonesia bắt giữ vì đánh cá trôm ở khu vực Natuna - AFP

Những người không có tiền để làm thủ tục về đợt này vẫn đang bị giam giữ mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia.

Lo được chi phí về nước là "trắng tay"

Ông H, là một người trong nhóm được về Việt Nam hiện đang cách ly ở doanh trại quân đội tỉnh Vĩnh Long, yêu cầu được giấu tên, phản ánh với Đài Á Châu Tự do rằng mọi người muốn về nước phải đóng gần 40 triệu đồng cho một người mô giới để làm thủ tục. Hầu hết ai cũng khó khăn, vét hết tiền của trong nhà mới đủ tiền đóng cho người này.

Ông H nói ngư dân cứ nghĩ 40 triệu đã là toàn bộ chi phí. Nhưng khi về đến Việt Nam, họ lại bị yêu cầu tự chi trả thêm chi phí cách ly tập trung 14 ngày với giá gần sáu triệu đồng mỗi người. Đó là con số quá cao, vượt khả năng của họ lúc này :

"Người ta chỉ mới báo giá này. Bọn tôi cũng đang băn khoăn. Về tới Việt Nam là trắng tay, gia đình cũng đã quá đuối sức rồi, đó ngoài khả năng.

Bây giờ có người về không có cái nhà để ở. Nhà thì đã cầm cố. Do bọn tôi cũng đã đi mấy năm nên vợ con có người chờ được, có người cũng đã đi rồi".

Theo lời ông H, trước khi về Việt Nam, một người làm việc cho Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia có nhắn tin cho ngư dân nói rằng hãy để một người tên là Hoàng Xuân Triều đứng ra làm giấy tờ thủ tục cho mọi người được về nước, nhưng không nói rõ chức danh của ông Triều là gì, có phải nhân viên Sứ quán Việt Nam hay không.

Ngoài ra, nhân viên Sứ quán cũng căn dặn thêm là không nên đưa thông tin cho báo chí vì việc đó không giúp mọi người được về sớm hơn.

Khoảng cuối năm 2020, ông Triều từng báo giá để được làm thủ tục về Việt Nam 25 triệu đồng. Nhiều người đã đóng tiền nhưng chưa được về vào thời điểm đó do tình hình dịch bệnh căng thẳng. Đến cuối tháng 5/2021, ông Triều lại thông báo có chuyến bay về, nhưng chi phí lúc này là 35 triệu đồng đối với những người có tên trong danh sách về của Sứ quán Việt Nam. Những ai không có tên trong danh sách lần này nếu muốn về phải đóng 40 triệu đồng "trọn gói". Có 103 người đã đóng tiền và được về trong chuyến bay ngày 20/6. 

Do ông Triều đã từng làm thủ tục về nước cho một số ngư dân về nước trước đây, do tin tưởng nhân viên Sứ quán, và cũng do lo sợ không được làm thủ tục về nước, nên mọi người chỉ chuyển tiền qua ngân hàng cho ông Triều mà không hề đòi hỏi bất kỳ giấy tờ cam kết hay các điều khoản liên quan :

"Bên Đại sứ quán có nhắn tin trả lời là mọi chi tiết về Việt Nam muốn biết rõ thì liên hệ với anh Triều. Đợt đó nhắn tin và gọi điện lại cho Đại sứ quán thì cũng không bắt máy, nhắn tin thì không trả lời. Họ chỉ tóm tắt rằng muốn gì thì liên hệ với anh Triều".

Phóng viên RFA Liên hệ với ông Hoàng Xuân Triều, ông này trả lời rằng ông đã nói rõ từ đầu là chỉ làm thủ tục cho những ai đóng tiền về được đến Việt Nam, những việc còn lại ông không có trách nhiệm nữa :

"Cái đó chỉ là thỏa thuận với nhau chứ không có cam kết gì hết. Nói thẳng ra là người ta nhờ tôi chứ không phải là tôi yêu cầu người ta đóng tiền. Cho họ về tới đó là được rồi, còn sau này là chuyện của họ, tôi không có biết.

Ví dụ như tôi nhận tiền mà họ không về được thì tôi chịu trách nhiệm, còn về tới đó là cách ly thì họ phải tự chịu trách nhiệm.

Tôi là người hỗ trợ giấy tờ thủ tục để được về sớm với gia đình là mừng rồi, còn đừng bao giờ gọi cho tôi để hỏi về vấn đề đó, tôi đã nói từ ban đầu rồi !"

Không có tiền là chưa được về

Hiện tại, có khoảng hơn 60 ngư dân vẫn còn bị giam giữ tại trại Tanjung Pinang ở Indonesia do không có tiền đóng để làm thủ tục về. Anh T, một người trong nhóm ngư dân chưa được về nước nói với Đài Á Châu Tự do về tình cảnh của những người bị kẹt lại :

"Tại vì không có tiền đóng để về. Bây giờ tiền vé đến hơn ba mươi mấy triệu lận, toàn là những người có hoàn cảnh khó khăn không. 

Nói chung bây giờ ở đây còn lại toàn những người không có tiền, từ đó giờ giờ gia đình không có ai gửi tiền qua luôn, cũng như em bị bắt đến giờ gia đình không có tiền để gởi qua".

Trên trên web Cổng Thông tin điện tử về công tác Lãnh sự của Bộ Ngoại Giao Việt Nam có thông báo về "Quỹ Bảo hộ công dân". Quỹ này được thành lập từ năm 2007, với mục đích "bảo hộ các quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài ; Hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho công dân, pháp nhân Việt Nam gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà họ không thể tự khắc phục được tại thời điểm đó".

Một trong các hoạt động hỗ trợ cụ thể mà quỹ này đề cập đến là "Tạm ứng các chi phí chuyên chở, tiền ăn, ở đối với ngư dân chờ làm thủ tục về nước". Ông T nói không ai biết gì về quỹ bảo hộ này, nhân viên Sứ quán cũng không liên lạc được :

"Đại sứ quán không có đề cập đến chuyện đó. Họ nói là ai có điều kiện thì về trước, còn không có điều kiện thì từ từ giải quyết. Nhưng bây giờ ở đây đã hai năm rồi, có người đã ở gần ba năm. 

Bây giờ chỉ mong Nhà nước hỗ trợ sao cho được trở về để đoàn tụ gia đình, đi làm ăn thôi".

Phóng viên Đài Á Châu Tự do nhiều lần gọi điện đến số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia để xác minh những phản ánh của ngư dân, nhưng không có ai nghe máy, dù đang trong giờ hành chính.

Hồi cuối tháng 5/2021, giới chức Indonesia trả lời phỏng vấn của ban BenarNews thuộc Đài Á Châu Tự do rằng hiện có hơn 500 ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ rải rác trong các trung tâm giam giữ gần các cảng trên khắp Indonesia. Những người này bị bắt giữ với lý do xâm phạm vùng biển của Indonesia.

Theo luật pháp Indonesia, chỉ có những tài công (người lái tàu) mới bị xét xử, bị tù và trục xuất sau, còn các thuyền viên như ông không phải ra tòa mà chỉ chờ ngày về.

Phát ngôn nhân của Tổng cục Di trú Indonesia, ông Ahmad Nursaleh khẳng định, Việt Nam có trách nhiệm phải hồi hương các ngư dân của mình : "Tổng cục trưởng Tổng cục Di trú đã liên lạc với phía Việt Nam mỗi khi có thêm người Việt Nam bị bắt giữ. Số lượng của họ tiếp tục tăng mà không rõ khi nào họ sẽ được nhận trở về". Nhưng trong gần một năm, chính quyền Hà Nội không đưa ngư dân hồi hương.

Báo chí Nhà nước đưa tin vào tháng 12/2020 cho biết, Đại sứ quán Việt Nam đã nhiều tiến hành thăm hỏi và bảo hộ công dân đối với các ngư dân đang bị tạm giữ, thúc đẩy tổ chức các chuyến bay hồi hương sớm.

Cao Nguyên

*******************

Facebook kiện bốn người Việt Nam vì hành vi chiếm đoạt tài khoản quảng cáo

RFA, 01/07/221

Hãng Facebook hôm 30/6 vừa gửi đi thông báo về việc kiện bốn người Việt Nam vì hành vi chiếm đoạt tài khoản quảng cáo. Truyền thông Nhà nước loan tin này vào cùng ngày.

buon3

Logo của Facebook - AFP

Những người bị khởi kiện có tên viết tắt là N.T.H, L.K, N.Q.B, và P.H.D. Những người này bị cáo buộc là đã sử dụng một kỹ thuật gọi là "session theft" hay "cookie theft" (tạm dịch là ăn cắp cookie) để tiếp cận được vào tài khoản Facebook của nhân viên ở các công ty marketing và quảng cáo.

Sau khi vào được các tài khoản Facebook, những người này cho chạy các quảng cáo cho một phần mềm Android có tên "Ad Manager for Facebook". Đây là phần mềm có chứa malware cho thấy màn hình của người truy cập để ăn trộm các dữ liệu truy cập của người dùng. Phần mềm này hiện đã bị gỡ bỏ khỏi Google Store.

Theo Facebook, ứng dụng này được đặt trong Google Play Store và đã được cài đặt hơn 10.000 lần trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021.

Bốn người tình nghi đã chạy các quảng cáo trên Facebook với trị giá hơn 36 triệu đô la để quảng cáo ứng dụng độc hại này, theo Facebook.

Facebook cũng cho biết hãng đã hoàn tiền cho các nạn nhân và giúp họ bảo mật tài khoản.

Facebook là trang mạng xã hội rất phổ biến tại Việt Nam với hơn 68 triệu tài khoản người dùng tính đến tháng 3 năm 2020, chiếm khoảng 68% dân số Việt Nam.

*******************

Tòa Việt Nam tuyên án tử hình công dân Trung Quốc về tội giết người

RFA, 01/07/2021

Hôm 30 tháng sáu, bị cáo Xiao Guiping, quốc tịch Trung Quốc bị Tòa án Nhân dân Thành phố Đà Nẵng tuyên án tử hình về tội giết người.

buonnguoi4

Bị cáo Xiao Guiping tại tòa. Photo : plo.vn

Theo tin từ truyền thông Nhà nước loan cùng ngày, do mâu thuẫn tiền bạc, Xiao Guiping đã siết cổ Bao Danping, cũng quốc tịch Trung Quốc, đến chết rồi ném xác xuống sông Hàn để phi tang.

Tại tòa, Xiao Guiping thừa nhận cáo trạng truy tố tội giết người là đúng người, đúng tội nhưng xin giảm nhẹ hình phạt. Lý do được bị cáo đưa ra là hành động giết người là do bột phát, không làm chủ được bản thân trong lúc tức giận chứ không phải kế hoạch chuẩn bị từ trước. 

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là côn đồ, man rợ, không có tính người nên cần loại khỏi xã hội để răn đe.

Nhiều vụ việc người Trung Quốc vi phạm pháp luật tại Việt Nam trước đây không bị xét xử mà thường là dẫn độ tội phạm và tang vật về Trung Quốc. 

Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết Luật dẫn độ, mà chỉ ký Hiệp định về tương trợ pháp lý về dân sự và hình sự.

Tháng 7 năm 2019, gần 400 người Trung Quốc bị bắt quả tang vận hành trung tâm đánh bạc qua mạng tại khu đô thị Our City (Hải Phòng) được bàn giao lại cho công an Trung Quốc.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)