Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/07/2021

Hà Nội bối rối trước lời mời hợp tác an ninh khu vực với Mỹ

RFI tổng hợp

Mỹ muốn thăm dò Việt Nam về khả năng lập quan hệ đối tác chiến lược ?

Thanh Hà, RFI, 29/07/2021

Hoa Kỳ tăng cường hợp tác quân sự và an ninh với Việt Nam, củng cố thêm liên minh ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Câu hỏi còn lại đối với Hà Nội là tìm được thế cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington. Đâu là phản ứng của Trung Quốc trước viễn cảnh với sự trợ giúp của Mỹ, Việt Nam nâng cấp khả năng phòng thủ ?

myviet1

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và động nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang, duyệt đội quân danh dự tại Hà Nội, ngày 29/07/2021.  AP - Nguyen Trong Duc

Washington và Bắc Kinh cùng đang nhìn về Hà Nội vào lúc bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang. Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ, vốn là cựu thù, ngày càng thúc đẩy hợp tác quân sự. Đây sẽ là một trong những điểm chính được bộ trưởng quốc phòng, Lloyd Austin, thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam hôm nay (29/07/2021).

Trả lời báo South China Morning Post, chuyên gia về Đông Nam Á, Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Yusof Ishak tại Singapore đánh giá : Những tham vọng trong khu vực của Trung Quốc càng lớn, thì Việt Nam và Mỹ "càng chú trọng nhiều hơn vào việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương, đặc biệt là tại Biển Đông". Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có lập trường cứng rắn nhất, cưỡng lại Trung Quốc dùng bản đồ 9 đoạn khẳng định chủ quyền với gần hết Biển Đông. 

Theo giới phân tích, do quá khứ lịch sử chiến tranh Mỹ - Việt, do quan hệ giữa hai nước Việt - Trung đều do đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo, tới nay hợp tác quân sự luôn luôn là một điểm nhậy cảm trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam. Tuy nhiên, từ 2014 sau sự kiện giàn khoan dầu của Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông trong 10 tuần lễ liên tiếp, các chính quyền Mỹ liên tiếp đều dành cho Việt Nam nhiều ưu ái, và có những dấu hiệu cho thấy dường như có khuynh hướng "trông cậy" vào Việt Nam nhiều hơn.

Thứ nhất là trong cuộc điều trần tại Thượng Viện đầu tháng 07/2021, ông Marc Knapper, người vừa được tổng thống Biden bổ nhiệm làm đại sứ tại Việt Nam, đã nêu khả năng Mỹ xem Việt Nam là một "đối tác chiến lược". Theo phân tích của giáo sư Carlyle Thayer, Học Viện quốc phòng Úc, bộ trưởng Lloyd Austin đến Hà Nội lần này là nhằm "thăm dò" ý kiến của giới lãnh đạo Việt Nam về kịch bản này. Theo giáo sư Thayer, tướng Lloyd Austin và các lãnh đạo Việt Nam sẽ "trao đổi về tầm nhìn chiến lược, về cách xử lý trong quan hệ với Trung Quốc, và về những ưu tiên của phía Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng cho giai đoạn sắp tới". 

Dấu hiệu thứ nhì là đối với Washington, Việt Nam ngày càng trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, do vậy có nhiều khả năng Việt Nam mua vũ khí và trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. South China Morning Post nhắc lại, từ 2016 Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, nhưng nguồn cung cấp chính của Việt Nam tới nay vẫn là Nga. Năm 2017, tổng thống Trump từng trực tiếp khuyến khích Hà Nội trang bị tên lửa và hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ. 

Tờ báo Hồng Kông này còn trích dẫn tiến sĩ Phạm Quang Minh, nguyên viện trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội, nhắc lại mong muốn của Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam và các trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ cho phép Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông. 

Các ý định đó của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng. Chưa bao giờ Bắc Kinh chấp nhận để cho Việt Nam được giúp đỡ tăng cường sức mạnh quân sự, thậm chí cho dù là từ Nga. Vẫn chuyên gia Lê Hồng Hiệp, được South China Morning Post trích dẫn, cho rằng "Trung Quốc không muốn Việt Nam và Mỹ đẩy mạnh quan hệ quân sự", hay Hoa Kỳ giúp đỡ bất kỳ một quốc gia nào khác trong khu vực trên phương diện này. 

Câu hỏi còn lại là về mặt an ninh và quân sự, Việt Nam sẽ hợp tác với Mỹ đến mức độ nào ? Còn về phía Trung Quốc, như một số nhà phân tích ghi nhận, có nhiều khả năng Bắc Kinh tránh công khai lên tiếng về hợp tác Mỹ - Việt, nhưng ở hậu trường, Trung Quốc có thể có những tính toán nào khác và sẽ kiên nhẫn với Việt Nam cũng như với các đối tác "hữu nghị với Mỹ" ở Đông Nam Á này trong bao lâu ? Một câu hỏi khác đang đặt ra đó là sự can thiệp dồn dập của Hoa Kỳ trong khu vực này liệu có nguy cơ khiến Trung Quốc càng tỏ thái độ quyết đoán hơn nữa hay không ?  

Điều chắc chắn là chuyến công du Việt Nam lần này của bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhằm hai mục tiêu, vừa thăm dò ý định của Hà Nội vừa nhằm quan sát phản ứng của Bắc Kinh. 

Thanh Hà

**********************

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thảo luận với đồng nhiệm Việt Nam về mở rộng hợp tác an ninh

Thanh Phương, RFI, 29/07/2021

Hôm 29/07/2021, trong chuyến công du Việt Nam, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội về mở rộng hợp tác về an ninh.

myviet2

Phái đoàn bộ quốc phòng Mỹ (phải) hội đàm với phái đoàn Việt Nam, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 29/07/2021. AP - Nguyen Trong Duc

Theo hãng tin AP, hai bộ trưởng quốc phòng đã thảo luận về hợp tác giải quyết những hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam, kết thúc năm 1975, bao gồm việc tiếp tục tìm kiếm lính Mỹ mất tích, rà phá bom mìn, xử lý hậu quả chất độc da cam. Hai bên cũng bàn về hợp tác an ninh phi truyền thống trong việc tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa và phòng chống Covid-19.

Theo tin báo chí trong nước, nhân dịp này, bộ trưởng quốc phòng Mỹ thông báo hỗ trợ trang thiết bị phục vụ nỗ lực phòng chống Covid-19 của Việt Nam. Kết thúc hội đàm, hai bộ trưởng đã chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ về "hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt của các liệt sĩ Việt Nam".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Trong ngày hôm nay, bộ trưởng Austin sang Philippines.

Việt Nam cùng với Philippines là hai nước lên tiếng mạnh mẽ nhất với Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tiếp tục tăng cường sự hiện diện và xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo do họ bồi đắp.

Theo hãng tin Reuters, trước khi gặp bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang, ông Austin đã tuyên bố Hoa Kỳ không yêu cầu Việt Nam phải chọn đứng về nước nào. Lãnh đạo Lầu Năm Góc nhấn mạnh : "Một trong những mục tiêu chính yếu của chúng tôi là bảo đảm cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi có được sự tự do và không gian để kiến tạo tương lai của chính họ".

Tuy bộ trưởng quốc phòng Mỹ không nêu tên Trung Quốc, nhưng theo Reuters, Bắc Kinh vẫn bị xem là muốn các nước châu Á phải chọn lựa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Hôm thứ Ba vừa qua, tại Singapore, chặng đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á của ông, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã tuyên bố những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở phần lớn Biển Đông là "không có cơ sở về mặt pháp lý quốc tế". Ông Austin đã chỉ trích những hành động của Bắc Kinh tại những vùng biển tranh chấp, nơi mà Trung Quốc có những yêu sách chủ quyền chồng lấn với một số nước Đông Nam Á. Ông tái khẳng định là Hoa Kỳ sẽ yểm trợ các quốc gia này bảo vệ quyền của họ chiếu theo luật quốc tế.

Thanh Phương

**********************

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam, trọng tâm là hợp tác quân sự và an ninh

Thanh Phương, RFI, 28/07/2021

Trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của một thành viên nội các tổng thống Joe Biden, sau Singapore, hôm nay, 28/07/2021, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Việt Nam trong hai ngày. 

myviet3

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, thăm Việt Nam. Ảnh minh họa chụp hôm 21/07/2021.  AFP – Olivier Douliery

Theo nhật báo South China Morning Post, bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ có các cuộc hội đàm tập trung vào hợp tác quân sự và an ninh giữa hai nước cựu thù. Cụ thể, trong các cuộc hội đàm ngày 29/07/2021 giữa ông Austin với bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, hai bên sẽ bàn về việc Mỹ cung cấp các tàu tuần duyên cho Việt Nam và về khả năng một hàng không mẫu hạm thứ ba của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam để thể hiện mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn giữa hai nước.

Theo dự kiến, hai bộ trưởng quốc phòng sẽ ký một biên bản ghi nhớ về di sản của chiến tranh Việt Nam, theo đó Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam xác định vị trí, nhận dạng và thu tập thi hài của hàng trăm ngàn binh sĩ Việt Nam đã thiệt mạng trong thời gian chiến tranh và nay vẫn bị xem là mất tích. 

Bộ trưởng Austin hôm nay đến thăm nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, được mệnh danh là "Hanoi Hilton", do từng là nơi giam giữ các phi công Mỹ. Ngày mai, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ. 

Theo South China Morning Post, các nhà phân tích cho rằng chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Austin nhằm chứng tỏ cam kết của Washington thắt chặt quan hệ với Hà Nội. Hai nước đã bình thường hóa bang giao từ năm 1995 và qua nhiều đời tổng thống Mỹ vẫn hợp tác ngày càng chặt chẽ, nhất là nhằm đối lại với ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. 

Chính quyền của tổng thống Joe Biden đã thể hiện ý định tăng cường quan hệ với Hà Nội qua việc bổ nhiệm ông Marc Knapper làm tân đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Khi điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ trong tháng này, ông Knapper cho biết có hy vọng nâng quan hệ Mỹ-Việt từ đối tác toàn diện lên thành đối tác chiến lược.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thanh Phương
Read 498 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)