Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/02/2022

Samsung rút về, Cresyn đình công, đến chùa dâng sao

RFA tiếng Việt

Samsung Electronics chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại từ Việt Nam về Hàn Quốc

RFA, 15/02/2022

Hãng điện tử Samsung Electronics vừa tiến hành chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Việt Nam về lại nhà máy ở Gumi, Hàn Quốc. Quyết định được đưa ra sau khi nhiều nhà máy của hãng, trong đó có nhà máy tại Việt Nam, bị gián đoạn sản xuất do dịch Covid-19.

dinhcong1

Một cửa hàng bán điện thoại Samsung tại Châu Á. AFP

Truyền thông Hàn Quốc loan tin vừa nêu ngày 15/2 nêu rõ vào cuối năm 2021, Samsung Electronics đã chuyển hai dây chuyền sản xuất từ nhà máy tại Việt Nam về nhà máy Gumi ở tỉnh Bắc Gyeongsang. Đây là lần đầu tiên nhà máy Gumi mở rộng sản xuất kể từ khi Samsung Electronics chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài.

Hai nhà máy của Samsung Electronics đặt tại hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên trong thời gian qua chiếm đến 60% số điện thoại thông minh sản xuất ra hằng năm của hãng này với mức 300 triệu chiếc.

Nhà máy Gumi là cơ sở sản xuất điện thoại di động duy nhất của Samsung ở Hàn Quốc. Đây là trụ sở kiểm soát và chuyển giao qui trình công nghệ cho các nhà máy đặt tại nước ngoài.

Tuy nhiên kể từ năm ngoái vì đại dịch Covid-19, Samsung Electronics chuyển đổi chiến lược.

Giới phân tích cho rằng quyết định đưa dây chuyền sản xuất về lại Hàn Quốc của Samsung Electronics là nhằm để quản lý những sản phẩm chủ lực của thương hiệu ; dù rằng chi phí nhân công gia tăng.

Hầu hết dòng sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy S22 được sản xuất tại Nhà máy Gumi và sẽ chính thức được ra mắt vào ngày 25 tháng hai tới đây.

**********************

Bắc Ninh : Hơn 2.000 công nhân Cresyn đình công đòi tăng lương

RFA, 15/02/2022

Hơn 2.000 công nhân làm việc cho Công ty TNHH Cresyn Hà Nội đặt tại Cụm Công nghiệp Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh từ ngày 14/2 tiến hành đình công đòi tăng lương và giải quyết các chế độ phúc lợi khác.

dinhcong3

Công nhân Cresyn đình công. Courtesy Tiền Phong

Mạng báo Tiền Phong loan tin cho biết các yêu cầu của công nhân gồm tăng lương cơ bản, tăng phụ cấp, đề nghị tăng tiền ăn, tiền thưởng cho các ngày lễ 30/4 và 1/5 ; đề nghị chi trả phụ cấp thâm niên tương ứng với thời gian làm việc ; đề nghị hỗ trợ 70% tiền lương cho công nhân khi công ty không có việc cho người lao động làm…

Công nhân còn đề nghị công ty lên lịch test Covid-19, cấp thêm đồng phục làm việc và làm thêm nhà để xe cho công nhân.

Lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội Bắc Ninh, Phòng Kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Phong trong ngày 14/2 đã đến làm việc cùng cán bộ, công nhân công ty.

Tại buổi làm việc, đoàn có yêu cầu công ty xem xét lại một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật như : tăng lương theo hợp đồng lao động ; chi trả tiền lương làm thêm ; trả phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo hợp đồng lao động và quy định của pháp luật ; xem lại cách thức ứng xử cũng như cách thông báo của công ty tới tập thể người lao động.

Theo biên bản làm việc, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Cresyn Hà Nội đáp ứng một số yêu cầu như : tổ chức test Covid -19 định kỳ hàng tuần cho công nhân ; tăng tiền ăn từ 18.000 đồng lên 20.000 đồng/bữa ; đồng ý cấp phát đồng phục cho người lao động 1 lần/năm ; cơi nới nhà để xe.

Các vấn đề quan trọng khác như tăng lương cơ bản, tăng phụ cấp lương, tiền thưởng ngày lễ Tết..., công ty sẽ bàn lại và trả lời cho người lao động vào ngày 25/2.

Công ty TNHH Cresyn Hà Nội là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng do Hàn Quốc đầu tư.

************************

Sao nhiều người vẫn đến chùa dâng sao, giải hạn bất chấp dịch bệnh ?

RFA, 09/02/2022

Từ ngày 7/2/2022 đến nay, dù chỉ mt số đền chùa tại Hà Nội được phép mở cửa đón du khách, nhưng dịp đầu năm vẫn đón hàng trăm người dân đến dâng hương, hành lễ.

dinhcong4

Người dân cúng bái vào dịp Tết ở Chùa Trấn Quốc. AFP PHOTO

Thậm chí có chùa đóng cửa vẫn có rất đông người trên đường vào chùa, cúng bái trước cổng chùa. Đơn cử như chiều 7/2, hàng trăm người đổ về phủ Tây Hồ đi lễ, dù nơi này đã treo biển thông báo đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19.

Hay tại chùa Trấn Quốc, lượng lớn người dân Hà thành cũng có mặt để thắp hương, cúng bái... khiến khu vực sân chùa chật kín.

Cô Thu, một người sinh sống ở Hà Nội, nói với RFA hôm 9/2/2022 :

"Nhà tôi thì không mê tín lắm, chỉ thắp hương ở nhà, không đi chùa. Chỗ khu tôi thì bình thường mọi người đi chùa xa... Nhưng bây giờ dịch bệnh thì họ chỉ đi chùa gần nhà. Dù dịch bệnh thì mấy ngày Tết chùa vẫn đông, giờ thì vắng hơn"…

Dù một số đền chùa đóng cửa để đề phòng dịch bệnh Covid-19 như phủ Tây Hồ, nhưng ban quản lý chùa vẫn đặt lư, hòm công đức, ghế bày đồ cúng... trước cổng chùa... với lý do để người dân thuận tiện cho việc dâng hương ngày đầu năm. Việc làm không hợp lý này khiến hàng trăm người tụ tập đông đúc trước cổng chùa, không thể tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Trả lời RFA từ Nha Trang hôm 9/2, nhà báo Võ Văn Tạo, cho biết ý kiến của mình :

"Trong Tết Nhâm Dần này mà người Hà Nội vẫn kéo đến các đền chùa để cúng sao, cầu xin, giải hạn... thì tôi thấy rất nguy hiểm, bởi vì đang dịch như vậy không thể chủ quan, khi suốt một tháng qua Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm Covid-19. Tôi nghĩ dù chính quyền có nhắc nhở thì không khí lễ hội khi đến đó không ai mà ngăn được, thế nào cũng tiếp xúc gần, đông đúc, có người đeo khẩu trang, có người không đeo... Chúng ta đều biết khẩu trang chỉ hạn chế một phần, tốt nhất là không nên tập trung đông người. Nhưng tư tưởng bà con mình cứ chủ quan".

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, Nhà nước đáng lẽ phải giải thích ở những chỗ chùa chiền, rằng cũng không bổ ích gì, chỉ phục vụ những ai mê tín tin vào cầu khấn. Ông Tạo nêu dẫn chứng :

"Ngay ông Trần Đại Quang ngày xưa lâm bệnh, thì vợ chồng ổng và thuộc hạ bay sang tận đất Nepal để đi chùa đắc đạo, làm thủ tục cầu xin... mà có thoát được đâu ? Ông Quang còn cúng dường cho Chùa Vĩnh Nghiêm cặp lư hương 16 tỷ đồng... rồi cũng bị đột tử thôi vì bệnh rất lạ khi tuổi còn trẻ. Tôi nghĩ rằng những cái đó thì nhà nước cần tuyên truyền để dẹp những tệ nạn không thực tế, hại nhiều hơn lợi, tốn tiền... chính chùa đó năm ngoái đã lợi dụng tập tục của nhân dân làm tiền rất nhiều".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, người dân phải được tuyên truyền, nếu không có dịch bệnh thì hãy đi viếng cửa chùa, du xuân... chứ đang dịch giã như vậy đi chùa là nguy hiểm. Theo ông Tạo, nhà nước chưa làm tốt chuyện này.

Nạn mê tín dị đoan tồn tại từ rất lâu ở Việt Nam, không thể xác định từ khi nào ? Rất nhiều chính phủ đã nỗ lực thực hiện việc chống lại nó, như là chống đói nghèo lạc hậu. Xã hội nhiều thời kỳ cũng góp sức cùng chính quyền trong việc vạch trần những mánh lới của các nhà bói toán lừa đảo. Nhưng vì sao đến nay vẫn không thuyên giảm ?

Tiến sĩ Xã hội học - Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khi trả lời RFA hôm 9/2, nhận định :

"Chuyện người dân Việt Nam đi lễ chùa thì xưa nay vẫn thế, cho dù có dịch hay không thì nhu cầu đi đến chùa cúng lễ vẫn còn đó. Và dịch này cho chúng ta thấy nhu cầu đi đến cầu cúng cao lắm. Nó cao đến mức kể cả dịch bệnh người ta cũng không e ngại, e sợ nữa".

Một nguyên nhân nữa theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, do tình hình dịch bệnh có dấu hiệu giảm bớt mức độ khắc nghiệt... dù số ca lây nhiễm cao, nhưng số người bị nặng, chết không cao nữa và hiện tỷ lệ tiêm chủng đã cải thiện.

Về nạn mê tín dị đoan ngày nay ở Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng một khi có sự bất an trong xã hội, thì người ta tìm chỗ nương tựa khác :

"Người ta vẫn nói rằng khi xã hội có tính chất bất an, ít ổn định, hoặc niềm tin giảm đi thì người ta phải dựa nhiều vào tín ngưỡng dân gian hay tôn giáo. Đây là dấu hiệu cho thấy có sự bất an nào đấy trong xã hội, đa phần người ta dựa vào tín ngưỡng để củng cố sự an tâm cho họ trong cuộc sống và tương lai. Tuy nhiên nó là cuộc sống thôi nên chúng ta chỉ biết quan sát như thế. Nếu những bất an đó giảm đi bằng những chính sách an sinh xã hội nào đấy, sẽ làm cho người dân an tâm hơn. Khi đó người ta sẽ bớt lo lắng, bới dựa vào những thứ tâm linh bên ngoài để làm cho người ta an lòng".

Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nếu một xã hội an toàn hơn thì mức độ cầu cúng của người dân chắc sẽ giảm xuống.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 354 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)