Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/02/2022

Cấp bằng lái xe, cơ sở nuôi cô nhi, lực lượng an ninh

RFA tổng hợp

Nên để Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải quản lý đào tạo, cấp bằng lái xe ?

RFA, 15/02/2022

Bộ Công an hay Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe là vấn đề gây tranh cãi từ mấy năm qua đến nay chưa ngã ngũ. Trong khi đó, hai bộ này phải trình Chính phủ xem xét các dự thảo luật trước ngày 20 tháng 2 năm 2022.

laixe1

Cảnh sát giao thông đang thực thi nhiệm vụ tại một giao lộ ở Hà Nội. Reuters

Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) do Tổng cục Đường bộ tổ chức ngày 14 tháng 2 năm 2022, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho rằng, từ năm 1995 khi tiếp nhận từ Bộ Công an việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ Giao thông- Vận tải đã làm tốt công tác này. Nay không có lý do gì trao trả ngược lại cho Bộ Công an. Báo Nhà nước dẫn quan điểm của ông Thanh :

"Nếu Bộ Công an đảm nhận công tác này sẽ khép kín từ đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe đến xử lý vi phạm, thì có thể thuận lợi cho ngành công an, nhưng có đảm bảo tính độc lập của ba thành tố : lập pháp, hành pháp, tư pháp không ? Có bảo đảm cơ chế giám sát quyền lực không ?

Quan điểm của chúng tôi là không tán thành chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải về cho Bộ Công an".

Ông Thanh cũng không đồng ý tách Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ.

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường đại học Việt Đức phát biểu : "Không nước nào tách Luật giao thông đường bộ thành hai luật như vậy cả".

Trước đó, hôm 10 tháng 2 năm 2022, Bộ Công an tổ chức hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" và "Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ".

Tại hội thảo, đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông cho rằng cần phải tách luật vì Luật giao thông đường bộ năm 2008 chưa đầy đủ, toàn diện và một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, không theo kịp xu hướng chung của thế giới ; việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai đạo luật chuyên biệt sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nhà nước và người dân.

Hồi tháng 4 năm 2020, trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an đưa ra có đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Đến tháng 9, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã ký văn bản thể hiện sự đồng ý, thống nhất đề xuất này để Bộ Công an báo cáo Quốc hội.

Hai tháng sau, Quốc hội đã lấy ý kiến và có hơn 60% đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật giao thông đường bộ thành hai luật ; không tán thành chuyển chức năng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Về phía người dân, đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của sự chuyển đổi thì có người cho rằng, Bộ Công an chưa thể tự chủ trong nhiều lĩnh vực nên không cần nhận thêm việc để tốn thêm ngân sách quốc gia ; có người cho rằng hãy vì sự tiến bộ và văn minh của đất nước để soạn luật, nếu cơ quan thực thi luật không tốt thì điều chỉnh hành vi của cơ quan thực thi chứ không nên điều chỉnh luật.

Ông Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải, cũng là một tài xế lái xe chở khách liên tỉnh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 15 tháng 2 :

"Thứ nhất, tôi cho rằng ngành công an họ muốn ôm đồm theo kiểu một xã hội công an trị. Họ muốn quản trị tất tần tật mọi việc của xã hội trong đó có việc đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe.

Thứ hai, nó sẽ gây tốn kém cho xã hội, cho ngân sách quốc gia. Bởi hiện nay ngành giao thông quản lý việc đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái theo đúng chức năng của họ. Cơ sở hạ tầng, giáo trình, nhân lực họ có sẵn đầy đủ hết rồi. Họ đang hoạt động bình thường thì cứ để cho họ hoạt động. Nếu bên công an muốn tăng cường chất lượng đào tạo lái xe thì cứ đề xuất thêm một vài biện pháp dưới góc độ từ ngành công an, mà trực tiếp là cảnh sát giao thông điều hành giao thông trên đường.

Bây giờ chuyển đổi sang cho bên công an quản lý thì rõ ràng nó sẽ gây biến động rất lớn về nhân lực và hạ tầng cơ sở. Tốn kém tiền của không cần thiết. Rất vô lý. Tiền đó là tiền thuế của dân chứ tiền gì !"

Ông Quảng, một kỹ sư xây dựng cho rằng, nếu một bên cấp bằng, một bên kiểm tra sẽ hợp lý hơn. Vừa cấp bằng lại kiêm luôn việc kiểm tra, xử phạt thì sẽ phát sinh tiêu cực. Ông nói thêm :

"Theo tôi thì ngành nào chuyên sâu về lãnh vực nào thì nên làm về lãnh vực đó. Ngành Giao thông Vận tải mấy chục năm nay lo việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì tôi thấy quá ổn rồi. Còn cảnh sát giao thông bên ngành công an thì chỉ kiểm tra thôi. Họ có thể kiểm tra khi cần xem mình có giấy phép lái xe hay không. Nếu không có mà vẫn lái là vi phạm. Phải có một bên cấp và một bên kiểm tra, gọi là kiểm tra chéo, thì mới khách quan được. Bây giờ giao cho Bộ Công an hết thì không nên".

Trước đây, việc tổ chức dạy, thi và cấp giấy phép lái xe do Bộ Công an thực hiện. Đến ngày 29 tháng 5 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/CP về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị do Thủ tướng lúc đó là ông Võ Văn Kiệt ký. Theo đó, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được chuyển từ Bộ Công an quản lý sang Bộ Giao thông vận tải từ ngày 1 tháng 8 năm 1995.

Theo một số người dân mà RFA trò chuyện thì Chính phủ không nên hình sự hóa các vấn đề dân sự, hành chánh ; không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào ngành công an vì như thế dễ sinh ra tình trạng độc quyền, lạm quyền. Hơn nữa, tình hình trật tự xã hội còn phức tạp, còn nhiều tội phạm về ma túy, trộm cắp, cướp giật... nên với chức năng, quyền hạn của mình, lực lượng công an nên giải quyết tốt những vấn đề nêu trên để ‘quốc thái- dân an’, không cần phải kiêm thêm việc làm gì !

*********************

Bộ trưởng Lao động yêu cầu thanh tra toàn bộ cơ sở tôn giáo nhận nuôi dưỡng trẻ em

RFA, 15/02/2022

Trong năm 2022 phải thanh, kiểm tra toàn bộ các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và cơ sở tôn giáo nhận nuôi dưỡng trẻ em trong cả nước để ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

laixe2

Để hạn chế bạo lực, xâm hại trẻ em Bô trưởng Dung yêu cầu thanh, kiểm tra các cơ sở nuôi dạy trẻ em - Courtesy of statemedia- RFA edited

Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung đã đưa ra yêu cầu trên sau khi báo cáo của Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 cho biết trong năm 2021, vấn nạn xâm hại và bạo lực trẻ em tăng cao hơn năm 2020, với 625 ca.

Bà Nguyễn Thuận Hải, Phụ trách tổng đài bảo vệ trẻ em 111 được truyền thông Nhà nước dẫn lời trong ngày 15/2 rằng trẻ bị bạo lực trong gia đình chiếm tỷ lệ nhiều nhất tới 75%. Trong khi đó khả năng làm việc, phối hợp giải quyết các vấn đề trên của các cán bộ cấp cơ sở lại quá hạn chế.

Ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục trẻ em thừa nhận gần đây xảy ra nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại. Lý giải vấn đề này ông Nam cho rằng do trẻ được giao cho những người chăm sóc không đủ điều kiện mà cơ quan quản lý nhà nước không nắm được, chỉnh được, hoặc các trẻ em sống ở những cơ sở chưa được cấp phép.

Qua đó, ông đưa ra những ví dụ cụ thể như trường hợp bé V.A 8 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh bị mẹ ghẻ đánh đến chết ; bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu và vụ những trẻ em sống tại Tịnh Thất Bồng Lai bị dư luận lên án thời gian qua.v.v.

Ông Nam kết luận rằng các vấn đề trên cần tính lại để đảm bảo môi trường nuôi dưỡng trẻ phải an toàn.

Từ những thông tin trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu trong năm 2022, cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời tất cả vụ việc xảy ra, không có vùng cấm, không có đối tượng bỏ qua. Ngoài ra, trong năm 2022, phải thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, làng SOS, cơ sở tôn giáo nhận nuôi dưỡng trẻ em và các tổ chức trên địa bàn cả nước.

Cùng với đó, ông Dung cho rằng cần có lộ trình hoàn thiện chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em thống nhất với Luật Trẻ em, Nghị định số 56/CP (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật nuôi con nuôi, Luật phòng, chống bạo lực gia đình) và bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

*********************

Hợp nhất lực lượng an ninh cơ sở có phải để gia tăng kiểm soát ?

RFA, 10/02/2022

Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Bộ Công an giới thiệu tại buổi hội thảo ở Hà Nội hôm 9/2/2022. Trong dự thảo, Bộ Công an muốn hợp nhất công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở với khoảng 300.000 người.

laixe3

Lực lượng dân phòng kiểm tra giấy tờ ở Hà Nội hồi tháng 9 năm 2021. Reuters

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn...

Cựu Đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào tối 10/2 đưa ra nhận xét với RFA như sau :

"Tôi nghĩ ngay đến hai vấn đề, một là họ muốn tạo ra một mạng lưới chân rết quần chúng sát với từng người dân. Ví dụ cũng có thể đó là một anh chạy xe ôm, hay một anh bán tạp hóa, vì lực lượng đó là trong dân kiêm nhiệm mà. Tôi nghĩ họ muốn tạo ra một hệ thống thật kính kẽ, để nắm được từng chân tơ kẽ tóc, rồi nắm được mọi hoạt động tiềm ẩn, theo họ có thể là nguy cơ... thì họ phát hiện được sớm. Vấn đề thứ hai, trước đây họ chỉ trả cho những người này tiền sinh hoạt phí, tiền xăng xe, tiền điện thoại thôi... Nhưng bây giờ hình thành hẳn một lực lượng như thế, thì hình thức gần nhu bán vũ trang, thì rõ ràng tiền phải rót xuống nhiều tiền hơn, ngân sách rót nhiều hơn, rồi chi phí dụng cụ hành nghề... thậm chí có thể là vũ khí nóng... rõ ràng là tốn kém nhiều hơn".

Trong khi hiện nay theo ông Võ Minh Đức, tiền ngân sách mà Chính phủ công khai cho lực lượng công an đã gấp bốn lần y tế và giáo dục cộng lại, đã tốn kém của dân rất nhiều.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trọng Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Ban Tổ chức Trung ương, khi phát biểu tại Hội thảo cho rằng lực lượng này là mô hình tự quản, là hành động tự nguyện, tự giác của cộng đồng, không nên đặt nặng kinh phí, nguồn ngân sách của nhà nước.

Vậy nếu dự thảo này được thông qua thành Luật, thì sao còn gọi là ‘tự quản’ ?

Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, lực lượng được kiện toàn theo dự thảo Luật này sẽ là cánh tay nối dài cho công an chính quy cấp xã, qua đó an ninh trật tự ở cơ sở chắc chắn sẽ được đảm bảo.

Trước đó, vào tháng 3 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi làm việc với công an một số đơn vị có liên quan về việc xây dựng tiềm lực công an xã chính quy cho biết : ‘Công an xã chính quy sau gần một năm triển khai đã xử lý hơn 13.000 vụ việc an ninh trật tự, bắt giữ hơn 32.000 đối tượng, vận động hơn 84 đối tượng truy nã.’

Chị Nguyễn Thị Châu ở Bến Tre, trả lời RFA khi đó cho biết về cách làm việc của lực lượng này :

"Chị thấy họ không làm gì nên hồn, chỉ đi dọa nạt người dân chứ làm gì có giúp đỡ. Chị thấy thời gian gần Tết đây cũng hay đi kiểm tra sân đá gà, sòng bài thì thấy có đi kiểm tra liên tục, buổi tối đi tuần tra nhiều nhưng nói chung đi cho có thôi, lúc người ta đi có người xi nhan nên đóng rồi, nên người ta đi cho có lệ, chứ nói giúp đỡ người dân ngoài đường chị không thấy".

Vậy nếu lực lượng công an xã chính quy làm việc hiệu quả như lời Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thì sao bây giờ còn phải hợp nhất lực lượng

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 10/2, nhận định :

"Lực lượng này là những người 18 tuổi trở lên và tự nguyện tham gia... nói chung là tổ dân phố, dân phòng... Trước đây chưa chính thức, còn bây giờ họ đang soạn dự thảo luật này có nghĩa là chính thức thành lập lực lượng gọi là tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Có nghĩa là họ đã trao quyền, tôi muốn nhấn mạnh khi lực lượng này chính thức được thừa nhận bởi luật... thì làm gợi lại quá khứ kinh hoàng với khái niệm gọi là ‘tai mắt nhân dân’".

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, lực lượng này sẽ sinh ra những hệ lụy như rình mò, hạch sách, trấn áp, lộng quyền... làm ông nhớ đến thời kỳ quân quản sau 1975, cũng như thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc hơn 60 năm trước. Ông Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :

"Những năm sau này, người dân cũng thấy rất nhiều hệ lụy của chuyện gọi là ‘hiệp sĩ đường phố’... Hay bản thân tôi ở tù cũng dám khẳng định là họ dùng cái gọi là ‘tù trị tù’ ; trong trường học thì họ dùng ‘học trò trị học trò’, đó là đội sao đỏ mà rất nhiều hậu quả xảy ra... Rồi bây giờ trong xã hội, họ chính thức dùng ‘dân trị dân’... Thế thì tôi hỏi nhà nước để làm gì ? Trong khi khái niệm nhà nước ai cũng biết, nhà nước tồn tại chỉ duy nhất một lý do là phụng sự cho dân. Vậy lực lượng công an để làm gì, rồi hợp nhất này kia ? Điều đó là trái khoáy".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết, ông tin rằng lực lượng này dù có hợp nhất hay không, cũng sẽ không giữ được an ninh trật tự như mong muốn của nhà cầm quyền cộng sản khi soạn luật... mà nó sẽ làm mất an ninh trật tự và xã hội sẽ trở nên hỗn loạn hơn.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt,
Read 426 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)