Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/03/2022

Thủ tục hành chính : chưa cải cách xong, đã thêm vướng mắc mới

RFA tiếng Việt

Cải cách thủ tục hành chính một lần nữa lại được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi, đốc thúc nhằm chống tiêu cực.

thutuc1

Người dân làm thủ tục hành chính tại Ủy ban Nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa chụp trước đây) - Courtesy quan4.hochiminhcity.gov.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu lên vấn đề vừa nói tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ hôm 9/3/2022. Ông Chính cho rằng cần tiếp tục cải cách hành chính để sự vận hành của hệ thống nhà nước trong sạch, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Ông còn nhấn mạnh công tác cải cách hành chính phải được thúc đẩy để góp phần chống tiêu cực, sách nhiễu, đặc biệt làm giảm tham nhũng vặt…

Nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường - Giáo sư Đặng Hùng Võ, khi trả lời RFA hôm 9/3, nhận định :

"Cải cách hành chính cũng phải đến 20 năm rồi, kể cả hiện nay Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số, ví dụ như căn cước, hôn thú, khai sinh đều được tích hợp vào cơ sở dữ liệu dân cư dạng số. Nhưng tôi vẫn thấy Việt Nam vẫn bở ngỡ trong việc chuyển đổi số quản lý hành chính. Tôi lấy ví dụ con trai tôi tên khai sinh gốc là Đặng Hùng Khải, nhưng họ vào máy tín thế nào thành Đặng Hùng Khởi... bây giờ phải chịu tắc ở đấy mà không làm cái gì được khi sao lục từ giấy khai sinh số. Trong khi bây giờ giấy khai sinh số là cơ sở để phán quyết chuyện khác".

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng việc chuyển đổi số trong quản lý chung về hành chính vẫn còn nhiều vấn đề, đôi khi còn phát sinh nhiều phiền phức hơn hệ thống cũ. Theo ông Võ, đáng lẽ chuyển đổi số để mọi việc đơn giản hơn, nhưng bây giờ lại có nhiều thứ phức tạp hơn. Về chủ trương thì ông Võ cho là đúng, nhưng kỹ thuật thực hiện thì vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc cũ, mà đã phát sinh vướng mắc mới khiến nhiều người ca thán. Ông Võ nói tiếp :

"Điều thứ hai là do lòng tin bị suy giảm cũng có, bị phức tạp lên cũng có... làm cho mọi thủ tục hành chính vướng mắc nhiều thứ. Trước đây theo luật năm 2003, chuyển nhượng nhà đất thủ tục không vượt quá 15 ngày. Thế nhưng sau chuyển đổi số, hiện ở Hà Nội giải quyết từ 1 tháng cho đến 45 ngày. Riêng thời hạn đã nhiều hơn trước, tức chúng ta thấy hiệu quả mà người dân mong đợi là chưa đạt được, mặc dù vận động cải cách hành chính báo chí nói rất mạnh, chủ trương chung cũng mạnh, nhưng hiệu quả thực tế không có".

Cải cách hành chính ở Việt Nam được tiến hành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Thời gian đầu bị cho chủ yếu chỉ là tuyên truyền. Cho đến những năm gần đây, khi công nghệ internet phát triển, việc chuyển đổi số của chính phủ được thực hiện... dẫn tới nhiều thủ tục hành chính cũng được số hóa, hy vọng đem lại thuận lợi cho dân. Nhưng thực tế hiện nay ra sao ?

Ông T. hiện sinh sống tại Sài Gòn, cho RFA biết đó chỉ là tuyên truyền :

"Thủ tục hành chính của Nhà nước từ xưa đến giờ người dân thường nói ‘hành là chính’, nhiêu khê lắm, chính bản thân tôi mỗi lần đi làm giấy tờ gì, tôi phát ngán luôn. Các công đoạn làm giấy tờ, thì những người làm việc hành chính Nhà nước họ không hướng dẫn mình cụ thể cần cái gì, cứ mang giấy tờ lên thì nói còn thiếu cái này cần bổ sung, nhưng mang lên lại nói thiếu cái kia…"

Còn ở miền Trung, một người dân không muốn nêu tên khi trả lời RFA cho biết cán bộ vẫn rất cửa quyền :

"Công chức thì vẫn rất cửa quyền, thái độ trịch thượng với dân, làm việc chểnh mãng, ăn cắp giờ công, buổi sáng 8 giờ mới bắt đầu làm việc với thái độ lề mề, tán gẫu, ăn uống, đi chợ, dân chờ mặc dân, 11 giờ đã lo nghỉ trưa, nói chung rất bức xúc".

Một người dân ở Hà Nội không muốn nêu tên cho biết, muốn cải cách thủ tục hành chính thì phải không có những việc này :

"Làm sao khi giải quyết thủ tục hành chính thì không gây phiền hà, không có vấn đề hẹn đi hẹn lại... Thứ hai là làm sao cho dễ, người ta thấy vấn đề dễ hiểu, để người ta chuẩn bị hồ sơ đủ để khi giao dịch đảm bảo đúng quy trình Ủy ban Nhân dân đề ra".

thutuc2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ hôm 9/3/2022. Courtesy chinhphu.vn

Trong khi thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vấn đề cần thay đổi thì mới đây, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính - của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố... cho biết có đến 86% người dân hài lòng thái độ giao tiếp, giải quyết công việc của công chức (!?)

Các con số khảo sát của cơ quan Nhà nước thường bị cho là không sát thực tế, khi nhiều cơ quan Nhà nước lại đưa ra các số liệu rất khác nhau. Trước đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào năm 2020 công bố số liệu đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp cho biết hơn 98% người dân được khảo sát cảm thấy hài lòng và rất hài lòng về thủ tục hành chính công.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, hiện nay đi làm giấy tờ thì chính quyền đòi hỏi thêm nhiều giấy tờ đính kèm mà luật 2003 không đòi, trong khi yêu cầu cải cách hành chính là phải tinh gọn hơn. Ông nêu ví dụ :

"Ví dụ nhưng đăng ký kết hôn, nếu trường hợp đã ly hôn thì phải xin thêm một giấy của phường chứng nhận tình trạnh hôn nhân, tức đã ly hôn nhưng chưa lấy ai khác. Việc này làm kéo dài tất cả thức khác, gây bức xúc cho những người làm thủ tục hành chính. Tất nhiên có yêu cầu về tài sản vợ chồng, nhưng đáng lẽ nên làm gọn hơn, chứ không đòi giấy đăng ký kết hôn trước đây. Giấy đó phường giữ thì cơ quan làm thủ tục phải hỏi phường đó, đấy là việc nhà nước phải làm với nhau…".

Ông Võ cho rằng, nếu đã là số thì trong một ngày có thể làm xong. Mọi thứ ông cho rằng có vẻ phức tạp hơn, đòi hỏi người dân phải chạy đôn đáo nhiều hơn, gây bức xúc cho dân.

Với thông tin cải cách hành chính phải được thúc đẩy để góp phần chống tiêu cực, sách nhiễu, đặc biệt làm giảm tham nhũng vặt… Ông Võ nói tiếp :

"Tham nhũng vặt cũng không xuất hiện miễn là người làm giấy tờ cứ đợi đúng thời hạn ví dụ như 45 ngày thì chắc là được không tốn chi phí thêm. Nhưng có câu chuyện là nếu muốn nhanh hơn, thì sẽ có người đảm bảo là sẽ chạy nhanh được, người đó ở ngoài chứ không phải nhân viên, họ nói sẽ chạy 10 ngày xong nhưng phải thêm 5-7 triệu... Thế thì cái đó có gọi là tham nhũng vặt không ?"

Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại - Lê Minh Triết trong một lần trả lời RFA cho rằng, cải cách thủ tục hành chính đối với nhân dân thì phải thay đổi để làm cho dân nhẹ nhàng hơn... nhưng thực tế người dân vẫn phải xếp hàng, chờ đợi… và biết bao nhiêu cái nhũng nhiễu của bộ máy…

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 377 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)