Cơ quan chức năng phản ứng về vụ xô xát với dân phản đối thủy điện gây thương tích
RFA, 15/03/2022
Truyền thông Nhà nước loan tin về phản ứng của lãnh đạo địa phương đối với vụ việc dân ngăn cản hoạt động thi công của chủ đầu tư thủy điện Mây Hồ khiến xảy ra xô xát làm tám người bị thương hôm 14/3. Mạng báo VietnamNet loan tin vào sáng 15/3
- Ảnh chụp màn hình video đăng trên Facebook
Theo đó, Ủy Ban Nhân (UBND) tỉnh Lào Cai ra văn bản hỏa tốc, chỉ đạo xử lý vụ xô xát tại thủy điện Mây Hồ. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai giao UBND thị xã Sa Pa tiếp tục chỉ đạo UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, chữa trị cho những người bị thương. Xử lý kiến nghị của người dân, chủ đầu tư thủy điện Mây Hồ, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời phối hợp với các Sở xử lý vụ việc phát sinh theo quy định.
Đến buổi chiều cùng ngày, Bí thư Đảng Ủy xã Ngũ Chỉ Sơn xác nhận với VietnamNet về vụ xô xát làm dân bị thương.
Theo UBND tỉnh Lào Cai thì nguyên nhân ban đầu được cho là còn ba hộ dân có trang trại nuôi cá hồi dưới hạ lưu chưa thống nhất được với chủ đầu tư thủy điện Mây Hồ về mức hỗ trợ. Đó là lý do khiến một số người ngăn cản hoạt động thi công dẫn đến xô xát với nhóm người của công ty.
Tình trạng bồi thường không thỏa đáng khi lấy đất để thực hiện dự án diễn ra khá phổ biến tại nhiều nơi tại Việt Nam lâu nay. Nhiều người dân bị thu hồi đất bất mãn về mức bồi thường nhưng đi khiếu kiện lại không được giải quyết. Những người dám ra mặt phản đối chủ đầu tư, ngăn cản thi công thường bị lực lượng chức năng bắt với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ hay ‘chống người thi hành công vụ’…
Một số vụ diễn ra ngay tại thủ đô Hà Nội như trường hợp cưỡng chế đất ở làng Dương Nội với gia đình tiên phong đấu tranh Cấn Thị Thêu phải chịu tù tội ; vụ tranh chấp đất ở Đồng Sênh, xã Đồng Tâm khiến nông dân Lê Đình Kình bị bắn chết ngay tại nhà do lực lượng chức năng tấn công vào làng ban đêm…
************************
SA PA : Người dân bị nhóm côn đồ đánh đập khi phản đối xây thủy điện
RFA, 15/03/2022
Người Dao Đỏ ở Sa Pa bị hành hung khi tập trung phản đối việc thi công một dự án thủy điện.
- UBND thị xã Sa Pa
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 14 tháng 3 tại công trường xây dựng dự án thủy điện Mây Hồ ở thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Video quay lại sự việc cho thấy hàng chục người mặc thường phục, tay cầm hung khí là tuýp sắt, áp sát rồi bất ngờ tấn công một nhóm người địa phương mặc trang phục của người Dao Đỏ đang tụ tập ôn hoà.
Sự việc nhanh chóng leo thang khi những người địa phương đánh trả và gây ra một cuộc loạn đả.
Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa nói với báo Nhà nước rằng, người dân mới là phía hành hung những công nhân tại công trường xây dựng khiến tám người bị thương.
Sau khi phát ngôn của ông Chủ tịch thị xã được lặp đi lặp lại trên các mặt báo Nhà nước, nhiều người dân địa phương đã bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội.
Anh Lở, một người địa phương trao đổi với phóng viên của RFA qua ứng dụng nhắn tin rằng anh thấy rất bức xúc vì báo chí đưa tin không đúng sự thật.
Anh cung cấp thêm thông tin về sự tình của vụ việc như sau :
"Công ty họ thi công nhưng không đền bù cho dân, nên dân không cho thi công, thế là công ty họ thuê xã hội đen đến áp chế dân, người dân không chịu bị đánh nên mới chống cự lại. Họ toàn dùng gậy sắt đánh dân nên dân phải dùng gạch ném lại".
Người dân lo ngại công trình thủy điện Mây Hồ khi hoàn thành sẽ cắt đứt nguồn nước nuôi cá hồi của các hộ dân địa phương.
Phía công ty đã đưa ra mức đền bù nhưng không thỏa đáng với nguyện vọng của người dân, cộng với việc thi công làm đục nước suối dẫn đến chết cá nên người dân ra ngăn cản thi công.
Phóng viên của RFA đã gọi vào số điện thoại của người đại diện công ty TNHH năng lượng Mây Hồ để xác minh thông tin công ty này thuê công đồ đánh dân, nhưng người này không bắt máy.
Thông tin người dân tấn công công nhân xây dựng ở công trường do ông Chủ tịch thị xã Sa Pa đưa ra cũng bị người dân bác bỏ.
Chị Mẩy, một người địa phương trao đổi với đài RFA qua ứng dụng nhắn tin rằng không hiểu sao lại có thông tin người dân xô xát với công nhân, chị khẳng định những người tấn công người dân đều là thành phần xã hội đen, được thuê để đến tấn công người dân.
Phóng viên của Đài Á Châu Tự do đã gọi vào số liên lạc của Chủ tịch thị xã Sa Pa nhiều lần để xác minh thông tin nhưng ông này không bắt máy, phóng viên sau đó liên hệ với ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa, thì được ông này trả lời rằng không có thẩm quyền để trả lời báo chí về vụ việc này.