Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/04/2022

Hà Nội cứ vá víu với những mô hình cổ lỗ xã hội chủ nghĩa

RFA tổng hợp

Kinh tế hợp tác xã có hiệu quả để thu hút dân ?

RFA, 12/04/2022

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vừa nêu trong bài viết của ông đăng trên báo chí nhà nước hôm 12/4/2022.

htx1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO

Lãnh đạo Hà Nội mới đây cho rằng, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài.

Theo ông Phúc, kinh tế tập thể tại Việt Nam mà nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã... dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết và hợp tác rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cao vai trò của hợp tác xã về những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông cũng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045 phải phù hợp với đường lối, chủ trương, mục tiêu của Đảng, khắc phục các nhược điểm của hợp tác xã.

Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 12 tháng 4 năm 2022 liên quan vấn đề này, nhận định :

"Hợp tác xã là một trong ba thành phần kinh tế, nói chung cũng rất cần thiết. Cái này đã được khẳng định, ngoài nhà nước ra còn có tập thể, nó liên những liên đoàn, tập hợp những người lao động, cùng mục tiêu để hỗ trợ tác động lẫn nhau. Đang có những đề án để xây dựng phát triển nó (hợp tác xã), như trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trong bất kỳ lĩnh vực nào... thì đều cần có kinh tế tập thể. Trong kinh tế thị trường vẫn có kinh tế nhà nước, nhưng tỷ trọng kinh tế hợp tác xã là bao nhiêu để mô hình cho hiệu quả, khác cơ chế cũ. Vì nếu không hiệu quả thì người ta không theo".

Theo Phó giáo sư tiến sĩ Ngô Trí Long, hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ vào thời bao cấp là thành phần kinh tế chủ chốt, nhưng đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Bây giờ muốn thu hút người dân tham gia hợp tác xã, theo ông Long là cần phải thay đổi :

"Hợp tác xã là gì ? Đó không phải là sự áp đặt, sự bắt buộc, mà trên cơ sở tự nguyện, cùng mục tiêu, cùng chí hướng. Vì nếu không cùng mục tiêu thì cuối cùng cũng phải giải thể. Muốn thu hút người dân vào hợp tác xã thì phải bằng thực tính, hoạt động có hiệu quả thì người ta sẽ tự liên kết thôi. Ví dụ hợp tác xã trồng rau riêng biệt chứ không như trước kia gom hết tất cả là hợp tác xã nông nghiệp, mô hình đó đã lỗi thời. Phải tránh tư duy cũ, gán tư duy cũ vào đây là không nên. Hợp tác xã phải trên cơ sở tự nguyện, muốn vô thì vô, không vô thì thôi, chứ trước kia là gần như bắt buộc".

Kể từ năm 2002, khi Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tập thể hợp tác xã... đến nay đã hơn 20 năm. Ông Phúc cho rằng hiệu quả hợp tác xã đã được nâng cao, có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài (!?)

Bài viết cũng dẫn chứng tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có tổng cộng 26.823 hợp tác xã, 120.319 tổ hợp tác và 106 liên hiệp hợp tác xã, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia. Hợp tác xã đã giúp giảm chi phí sản xuất và ổn định hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Thực tế ra sao ? Chủ một cơ sở chăn nuôi ẩn danh ở Nghệ An, từng là thành viên Liên hiệp Hợp tác xã, cho biết về những hạn chế của hình thức hợp tác xã :

"Các chính sách cho kinh tế tập thể nói chung, đặc biệt là hợp tác xã thì rất tiếc là thiếu đồng bộ, chưa chuẩn, hay khả năng ít ỏi... Thành phần kinh tế tập thể hợp tác xã là thành phần đang yếu thế, yếu cả kiến thức năng lực, yếu cả về tài chính, công nghệ thiết bị... Từ đó dẫn đến rất yếu kém trong tiêu thụ sản phẩm, chưa có quy mô lớn, công nghệ cao hạn chế, đặc biệt trình độ quản trị kém".

Anh T., một người trồng trái cây ở Tiền Giang, nói với RFA lý do vì sao anh không vô hợp tác xã :

"Hoạt động kinh doanh theo hợp tác xã nó còn mới mẻ, cho nên chưa có thị trường sẵn, cách thức mua bán thì chưa quen... Những người vào hợp tác xã theo tôi có thể họ có kinh nghiệm chỗ này chỗ kia, nhưng kinh nghiệm làm giám đốc kinh doanh mặt hàng nông sản thì hầu hết chưa có kinh nghiệm".

Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất bảy thành viên tự nguyện thành lập. Trong khi đó, hợp tác xã theo mô hình bao cấp trước đó có tính chất bắt buộc, đã thất bại và gần như ngừng hoạt động vào năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế.

Vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam chính thức cho ra mắt Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, nhằm thúc đẩy thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo luật hợp tác xã năm 2012, để xây dựng nông thôn... trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, và quyền sở hữu tài sản của các thành viên được công nhận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khi trả lời báo chí vào tháng 4 năm 2021 cho biết, từ năm 2017 đến thời điểm đó, việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp đã không được coi trọng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA từ Hà Nội liên quan vấn đề này, cho biết :

"Tôi ủng hộ ý tưởng đổi mới hợp tác xã, và là một hình thức liên kết tự nguyện, hợp lý, có hiệu quả để tiến lên sản xuất lớn... Đối với các hộ nông dân nghèo thì tiến lên sản xuất lớn bằng cách gia tăng đầu tư và mua thêm đất đai là điều không tưởng. Vì vậy cho nên phải ủng hộ việc đổi mới hợp tác xã, và tôi hy vọng có thể tìm ra một mô hình hợp tác xã thuận lợi để thu hút người nông dân. Xin lưu ý là ở Nhật Bản, các hợp tác xã trong nông nghiệp đều rất hấp dẫn và công khai minh bạch, có hiệu quả".

Người nông dân lo ngại việc trở lại hợp tác xã kiểu cũ cũng không phải là không có lý do, khi những giải pháp ở tầm vĩ mô thường được các chuyên gia cho là rất hay... nhưng khi áp dụng ở địa phương lại không được như vậy. Chính Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vào năm 2017 khi giữ chức Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo và phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã, cũng từng nói rằng nhiều địa phương vẫn không phân biệt được hợp tác xã kiểu mới khác với kiểu cũ như thế nào (!?)

Nguồn : RFA, 22/04/2022

***********************

Thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách - Giới tài xế nói gì ?

RFA, 12/04/2022

Báo chí Nhà nước hôm 10/4 cho hay Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn thành dự thảo Luật Đường bộ, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5/2022. Nếu dự thảo này thành luật thì Nhà nước sẽ tiến hành thu phí tất cả các tuyến đường cao tốc, cho dù được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

htx2

Cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng/ Ảnh minh hoạ - Reuters

Mạng báo VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cho biết việc thu phí như vậy là cần thiết vì các dự án cao tốc thường có vốn lớn, đầu tư dưới hình thức nào cũng cần thu phí để hoàn vốn. Nhà nước có tiền hoàn vốn để tiếp tục đầu tư dự án cao tốc khác.

Người dân có thể chọn đi miễn phí trên các tuyến đường quốc lộ chưa được nâng cấp, cải tạo hoặc trả tiền để đi trên tuyến đường cao tốc.

Trước mắt, việc thu phí sẽ tập trung các dự án cao tốc TP HCM -Trung Lương, La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) sắp hoàn thành và bốn dự án cao tốc Bắc Nam dự kiến hoàn thành năm nay là Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Thuế phí tăng cao

Các tài xế mà RFA phỏng vấn trong bài viết này tỏ ra khá bức xúc trước thông tin trên. Các công trình đã sử dụng ngân sách để thực hiện, có nghĩa là đã dùng tiền thuế của dân, cho nên việc thu thêm phí nữa là không hợp lý, đặc biệt là đối với các dự án cao tốc đã hết thời gian thu phí như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, việc thu phí trở lại sau vài năm dừng là tạo thêm gánh nặng cho người dân, vốn đã rất chật vật sau dịch bệnh. Ông Khương, một tài xế nói :

"Cái đường cao tốc đó đã hết nhiệm kỳ rồi mà.

Đường cao tốc bây giờ nó hư hết trơn rồi, đâu phải được như hồi trước nữa đâu mà thu phí. Cái đường tránh Cai Lậy bây giờ giờ nó xuống cấp, chất lượng không được như lúc trước nữa.

Những cái đường nào còn trong nhiệm kỳ thì thu được. Còn những cái đường nào hết nhiệm kỳ mà thu lại thì đâu có được, tại vì đã đóng phí rồi mấy năm trời rồi".

Ông Khương cho biết, sau đợt dịch COVID bùng phát từ hồi cuối năm ngoái tới giờ khách hàng không còn được nhiều như trước. Giá xăng dầu thì mỗi ngày lại tăng cao. Giờ mà thêm thu phí đường cao tốc nữa thì cánh tài xế chắc phải bỏ nghề :

"Bây giờ xăng dầu lên hai mươi mấy ngàn, rồi thêm trạm thu phí, chi thêm nữa thì không có lời. Bây giờ xe đậu không chứ đâu còn chạy nhiều nữa đâu. Lãnh giá cao quá người ta cũng không đi.

Bây giờ chủ hàng cứ theo giá cũ không à, mà theo giá cũ thì mình chạy đâu có được. Bây giờ nếu ra thêm trạm thu phí nữa thì coi như là xe đậu luôn rồi, đâu có chạy được nữa. Tại vì phí cao quá, thêm phí đường bộ nữa là chết luôn".

Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương là cao tốc đầu tiên ở miền Nam nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Long An, Tiền Giang. Được đưa vào vận hành từ năm 2010, và chính thức thu phí từ năm 2012, đến tháng 12/2018 thì ngừng thu phí.

Theo Bộ Giao thông vận tải, mỗi năm phải chi hơn 100 tỷ đồng để quản lý vận hành, bảo dưỡng cho cao tốc này. Đầu tháng 7/2021, Bộ này kiến nghị Chính phủ sớm cho thu phí trở lại để sớm hoàn vốn ngân sách.

htx3

Công nhân sửa đường cao tốc ở tỉnh Hà Giang năm 2015. AFP

Phí đường bộ mỗi năm đi đâu ?

Một tài xế tên M, nói rằng bây giờ thu phí khi lên cao tốc cũng được, tài xế sẽ chọn đi đường khác, như là quốc lộ chẳng hạn. Tuy nhiên, phí đường bộ mà Nhà nước thu trên mỗi xe hàng năm phải được sử dụng đúng mục đích của nó là dùng cho việc nâng cấp, bảo trì đường bộ nhằm phục vụ hoạt động lưu thông của xe, chứ chất lượng mặt đường hiện giờ ở Việt Nam là rất kém, xuống cấp trầm trọng :

"Xe tải người ta mua chạy mỗi tháng phải đóng bắt buộc 270 ngàn, một năm là ba triệu mấy, chạy hay không chạy thì cũng tính một tháng 270 ngàn đồng tính tới.

Trong khi cả cái nước Việt Nam này đóng cái phí đó rồi mà còn phải đóng thêm BOT. Giờ từ Phan Thiết chạy dài ra ngoài Bắc, qua mỗi tỉnh là năm - bảy chục ngàn. Toàn là thấy đường bộ do thằng BOT bỏ tiền ra làm, rồi tài xế đóng BOT rồi thêm một tháng 270 ngàn phí đường bộ, rồi thì tiền đó nó đi đâu ?

Mà không đóng thì nó không cho qua. Nếu tính ra như vậy một năm thì tiền phí BOT với tiền phí đường bộ thì mộ năm một chiếc xe tính ra biết bao nhiêu là tiền phí.

Rồi đã mang tiếng là quốc lộ mà ổ gà, ổ voi, sóng lươn tùm lum. Đoạn vừa vô đầu Quốc lộ 62, chạy nối dài lên toàn là sóng lươn với ổ gà không, chạy xe mà còn hơn cưỡi ngựa nữa.

Rồi mỗi tháng đóng 270 ngàn, cái tiền đó không để sửa đường thì cái tiền đó đi đâu, còn nếu đi cái đường lán thì bắt buộc phải thu phí. Cái nhà nước này ở không ngồi tính, mà toàn tính ăn trên đầu người dân ăn xuống không à !"

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, thuộc Bộ Tài chính, việc thu phí bất kỳ dự án nào cũng có tác động, ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, tuy nhiên, cũng có mặt tích cực của nó :

"Bất kỳ một cái thuế phí nào mà nó tăng lên thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm cho giá cả tăng cao lên, làm cho mặt bằng bị lạm phát, ảnh hưởng đến cạnh tranh của doanh nghiệp. Còn đối với người tiêu dùng thì ảnh hưởng đến đời sống của họ. Cái đó là tất yếu rồi.

Còn mặt tốt của nó là thu phí sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách, mà tăng nguồn thu ngân sách. Phải có ngân sách thì mới tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, tăng thu để nguồn thu ngân sách tăng. Cái quan trọng là như vậy".

Tiến sĩ Ngô Trí Long trong một lần trả lời phỏng vấn của RFA vào năm 2020 nói rõ quan điểm của ông là ngoài việc xây dựng cao tốc đã từ tiền thuế, thì người dân còn phải đóng rất nhiều các khoản phí khác, cho nên Bộ Tài Chính không nên đề xuất thu thêm bất kỳ chi phí nào nữa.

Nguồn : RFA, 12/04/2022

************************

Phát triển cảng cá có thể giúp gỡ thẻ vàng khai thác IUU ?

RFA, 11/04/2022

Tổng cục Thủy sản Việt Nam vừa đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng cảng cá, và cho rằng đây là tiền đề then chốt để gỡ thẻ vàng khai thác IUU (đánh cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không kiểm soát).

htx4

Một sĩ quan Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan bắt giữ các ngư dân Việt Nam trên thuyền của họ ở tỉnh Narathiwat, miền nam Thái Lan. Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan đã bắt quả tang hai tàu cá Việt Nam và thủy thủ đoàn đánh bắt trái phép trên vùng biển Thái Lan vào ngày 18 tháng 4 năm 2020. - AFP PHOTO

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Trần Đình Luân đưa ra đề xuất vừa nêu khi làm việc tại Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định mới đây.

Ngoài đề nghị xây dựng cảng cá hiện đại để gỡ thẻ vàng của EU, ông Trần Đình Luân cũng đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền ngư dân về chống khai thác IUU. Vị Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề xuất ngư dân phải mang theo toàn bộ hồ sơ tàu thuyền ; thực hiện nghiêm túc việc khai báo trước một giờ khi tàu đến, rời cảng ; ghi nhật ký hành trình đánh bắt, đánh bắt tại các vùng đánh bắt được chấp nhận, nhằm tạo điều kiện cho việc truy xuất nguồn gốc...

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/4, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định :

"Tôi nghĩ nói theo Tổng cục Thủy sản là không đúng. Bởi vì việc phát triển cảng cá chỉ là một phương tiện để giúp ngư dân và giúp cho Chính phủ kiểm soát tốt hơn mà thôi, chứ không quan trọng trong việc gỡ thẻ vàng. Việc này phụ thuộc rất nhiều điều, trong đó nền kinh tế Việt Nam thì thủy hải sản chỉ chiếm phần tương đối trong tổng GDP. Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển đủ nhu cầu hạ tầng, ngay cả trên bộ vẫn chưa làm hết, cho nên việc phát triển cảng cá nó chỉ trong chừng mực mà nền kinh tế cho phép, chứ không thể hy sinh cái để phát triển cảng cá không... để gỡ thể vàng".

Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, Chính phủ sẽ phải cân nhắc rất thận trọng, tùy theo nền kinh tế cần kích thích điểm nào để phát triển thì sẽ đầu tư... chứ không thể đem hết tiền xây cảng cá khắp nơi được.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 2017, Ủy Ban Châu Âu (EC) đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất 6 tháng, hay còn gọi là phạt "thẻ vàng".

htx5

Các quan chức Thái Lan kiểm tra một ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại cảng cá Narthiwat ở tỉnh Narathiwat, miền nam Thái Lan vào ngày 22 tháng 8 năm 2020, sau khi chiếc thuyền này bị phát hiện đánh bắt trái phép trong vùng biển Thái Lan. Madaree TOHLALA / AFP.

Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này nhận định :

"Quá trình vừa rồi hội chúng tôi nhận thấy, tất cả trường hợp vi phạm đánh bắt ở nước ngoài đã giảm rõ rệt, và các đáp ứng của nhà nước để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo không đánh bắt bất hợp pháp đã được các địa phương làm tốt. Còn mức độ tốt như thế nào thì tôi cho rằng để trở về con số không có một trường hợp nào vi phạm ở nước ngoài chẳng hạn, thì mình chưa thể đạt được".

Nghị định 26/2019 NĐ - CP của Chính phủ quy định từ ngày 1/4/2020, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình mới được cấp giấy phép. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không có thiết bị này, tàu cá sẽ phải nằm bờ. Tuy nhiên, lượng tàu cá dưới 15 mét nhưng vẫn đánh bắt xa bờ của Việt Nam là không hề nhỏ.

Một ngư dân không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho biết thiết bị định vị mà Nhà nước bắt buộc phải trang bị mới được ra khơi :

"Mở điện thoại lên thì biết được vùng biển ngư dân Việt Nam được quyền đánh bắt. Nếu trong vùng biển Việt Nam thì nó sẽ hiện lên màu xanh dương là vùng biển ngư dân tự do đánh bắt, còn phía đường ranh bên kia là màu vàng. Khi tàu có giám sát hành trình, mà tàu của mình qua khỏi làn ranh, là nó kêu như báo động, thì mình biết là đang xâm phạm lãnh hải của nước khác".

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển thủy sản thuộc hội Nghề cá Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây cho biết, việc kiểm soát ngư dân khai thác ở ngoài khơi đang gặp nhiều khó khăn, vì lực lượng kiểm soát của Việt Nam ít và hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu và đất liền chưa thật sự đầy đủ. Trong khi biển Việt Nam thì tới 3.260 cây số chiều dài và vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, rộng tới cả triệu cây số vuông.

Tuy Việt Nam đã cố gắng rất nhiều trong việc tìm cách gỡ thẻ vàng của EU như việc quy định không đánh bắt gần bờ để tái tạo nguồn cá, trang bị cho hầu hết tàu thuyền thiết bị định vị, cũng như ban hành bản đồ số gắng kèm để cảnh báo khi tàu cá đi nhầm vào vùng biển nước khác, nhưng ông Trần Văn Lĩnh cho biết vẫn còn một số hạn chế :

"Trong quá trình thực hiện vẫn có thể dẫn tới ngư dân vi phạm, như quy định vùng gần bờ và xa bờ, thì trong thực tiễn chỉ là tương đối. Ví dụ họ đánh bắt xa bờ, nhưng luồng cá cận bờ thì họ vẫn phải theo luồng cá rồi vi phạm. Mặc khác, ranh giới của Việt Nam với một số nước lân bang thì cũng còn chồng lấn tranh chấp. Do đó ai cũng vẽ bản đồ theo quan điểm quốc gia mình, điều này khiến ngư dân Việt Nam vẫn có thể bị bắt khi đánh bắt ở vùng biển đó. Ngoài ra cũng có trường hợp ngư dân vì lý do kinh tế cố tình tắt định vị để đánh cá và bị bắt".

Do đó theo ông Trần Văn Lĩnh, dù có nhiều cố gắng nhưng tình trạnh vi phạm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn xảy ra, dù rằng đôi khi ngư dân không cố tình vi phạm.

Từ ngày Ủy Ban Châu Âu (EC) quyết định cảnh cáo thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam đến nay đã hơn bốn năm và EC đã nhiều lần qua Việt Nam kiểm tra. Dù Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên ‘thẻ vàng’ hiện vẫn chưa được EC gỡ bỏ.

Nguồn : RFA, 06/04/2022

***********************

Nông nghiệp có được đầu tư đúng mức để tối ưu hóa lợi thế ?

RFA, 06/04/2022

"Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu như vừa nêu khi tham dự cuộc họp công bố những điểm mới trong ‘Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn’ diễn ra ở Hà Nội hôm 6/4/2022.

htx6

Ảnh minh họa chụp tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. AFP PHOTO

Ông Tiến cho rằng, cần xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, phát triển cảnh quan sạch, đẹp... Ông Thứ trưởng cũng cho biết mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản sẽ đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm.

Để thực hiện được mục tiêu như vừa nêu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp và Chính phủ đã đề ra những định hướng quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng các vùng chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn bền vững và phát triển cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Điệp khúc 'Cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp' lâu nay thường được các vị lãnh đạo của Việt Nam nêu lên. Trên thực tế cũng đã có nhiều nghị định chính sách được ban hành để thực hiện mục tiêu này.

Thực tế ra sao ? Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, khi trả lời RFA hôm 6/4 nhận định :

"Đầu tư cho nông nghiệp của chúng ta là chưa đầy đủ, phần lớn là cho trồng lúa là chính. Cụ thể là hệ thống thủy lợi rất tốt cho vùng trồng lúa, nhưng những cây trồng khác hay sản xuất khác trong nông nghiệp đem lợi tức cao cho nông dân thì chưa đầu tư tốt. Ví dụ như không đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng mặn nuôi tôm hữu hiệu... Còn những cây trồng khác như cây ăn trái chẳng hạn, thì chỉ theo sự tự phát của nông dân, hơn là những quy hoạch tổ chức có quy mô và đủ cơ sở kỹ thuật để đạt được sản phẩm vừa sạch, vừa ngon và có thể tích trữ lâu dài... hoặc có thể đóng gói bao bì cho thật tốt để xuất khẩu..".

Những mặt như vừa nêu, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân thì Chính phủ Hà Nội chưa đầu tư cho thật là đầy đủ để phát triển tiềm năng cây ăn quả nhiệt đới của Việt Nam.

Nông dân Việt Nam tùy vùng miền hàng năm phải đối mặt những khó khăn lập đi lập lại như được mùa mất giá, hạn hán, mặn xâm nhập, bão lũ, ùn ứ hàng nông sản ở cửa khẩu...

Một nông dân (giấu tên vì lý do an toàn) ở Long An khi trả lời RFA TV vào đầu tháng 4 năm 2022 cho biết việc trồng trọt đang rất khó khăn vì hạn mặn :

"Hạn làm năng suất kém lại... đồ không có trái gì nhiều... vất vả lắm... nói chứ người nông dân là chịu vất vả nhất... thiệt thòi nhất... mặn mấy bữa nay làm cằn quá... vất vả lắm, bơm cực lắm... cằn cằn hoài nó không tốt..".

Còn những người trồng lúa khác cũng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì cho biết họ cũng chẳng nhận được hỗ trợ gì từ chính sách của nhà nước :

"Tư nhân người ta ai giàu thì mua cái về đi làm gia công lấy tiền... còn mình thì mướn lại của người ta... vậy thôi... chứ nhà nước nào hỗ trợ... nhà nước không có hỗ trợ à..".

"Chính sách nói theo dạng chính sách... còn dân mình thì cái dạng mạnh ai nấy làm..".

htx7

Ảnh minh họa : Một người trồng lúa ở Việt Nam trên mảnh ruộng khô cằn của mình. AFP PHOTO.

Tuy nhiên theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Việt Nam cũng có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân. Ngoài ra còn có một hệ thống ngân hàng được thành lập ban đầu với mục đích chỉ cung cấp vốn cho các dự án nông nghiệp :

"Chúng ta cũng có hệ thống ngân hàng nông nghiệp cho nông dân vay với lãi suất nhẹ, nhưng có thể nói là cho vay chỉ để làm theo thời vụ. Còn vay để làm những dự án lớn, chỉ có những người nông dân có học thức, có vốn mà muốn vay thêm vốn lớn hơn để sản xuất quy mô hơn cho xuất khẩu... thì cái này chính phủ có đầu tư tương đối. Tuy nhiên việc sắp xếp để nông dân có thể tiêu thụ sản phẩm một cách trôi chảy, không bị trả về... thì cái này chưa làm được nhiều".

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, hiện nay Nhà nước cũng đã thấy những khuyết điểm này, và đã ra Nghị quyết 120 vào cuối năm 2017, để làm nông nghiệp theo kinh tế nông nghiệp... thay vì làm nông nghiệp theo duy ý chí của lãnh đạo. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, có được Nghị quyết 120 cũng là phấn khởi cho bà con nông dân. Tuy nhiên ông Xuân nói tiếp :

"Những chính sách đi theo chính sách của Nghị quyết 120 để tạo cơ sở vật chất để nông dân có thể từ chỉ sản xuất lương thực... sang thời đại sản xuất theo điều kiện thiên nhiên theo từng vùng... để mà sản xuất được những sản phẩm ngoài cây lúa mà có giá trị cao hơn... thì hiện nay việc đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện Nghị quyết 120... thì chưa đạt được".

Vào ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 120, đề ra tầm nhìn mục tiêu tới năm 2050, về định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL, các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể... Tuy nhiên cho đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong nghị quyết này.

Các nhà báo, nhà trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước ngay sau đó đã cùng ký bản kiến nghị có tên ‘Hãy Cứu Lấy Đồng Bằng Sông Cửu Long’, yêu cầu chính phủ sớm có hành động cấp thiết đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long trước khi quá muộn. Các chuyên gia này cũng cho rằng, Nghị Quyết 120 về ĐBSCL không toàn diện, không mang tầm chiến lược.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, trong một trả lời RFA gần đây cho biết thêm những vấn đề ngành nông nghiệp ở ĐBSCL đang phải đối mặt :

"ĐBSCL đang đối diện rất là nhiều vấn đề, trong đó có hai nhóm. Một nhóm ảnh hưởng đến sản xuất sinh hoạt, như xâm nhập mặn, hòa nhập đô thị, ô nhiễm... Nhưng có một loại khác là đe dọa đến sự tồn tại của ĐBSCL, đó là sạt lở, mất đất và sụt lún... Sụt lún thì tốc độ rất nhanh, trung bình 1cm/một năm, trong khi nước biển dâng có ba mm, sụt lún gấp ba bốn lần, có nơi mười mấy hai chục lần, 5,7cm là cao nhất".

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, để chống sụt lún, Chính phủ có ra nghị định 167 phân làm năm vùng hạn chế khai thác, giao cho từng tỉnh để thực hiện. Nhưng khi triển khai ở từng tỉnh thì đã phát sinh nhiều vấn đề... Theo ông Thiện, nghị định 167 là nỗ lực tốt, nhưng cần phải sửa đổi. Vì thứ nhất là dữ liệu không có để cho các tỉnh nghiên cứu chi tiết sụt lún liên quan nước ngầm tại địa phương, chỉ có cấp đồng bằng, không đủ để lên bản đồ. Chuyện thứ hai theo ông Thiện là giá nước ngầm rất rẻ so với giá nước mặt, vì giá nước mặt quá ô nhiễm... nhiều phân bón thuốc trừ sâu nên xử lý rất tốn kém.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, hiện nay quỹ đất cho nông nghiệp đã rất hạn hẹp, nguồn nước ngọt đang gặp nhiều khó khăn, giá ngày công lao động khá cao mà đầu tư vào nông nghiệp lại chưa được nhiều. Ông Sơn cho rằng, khi Việt Nam có đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đổi mới về quản lý, đồng thời đòi hỏi nhiều bước đột phá thì mới tăng trưởng nông nghiệp cao được.

Nguồn : RFA, 06/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)