Mới đây, kết luận tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không tổ chức các vụ, cục phía Nam ; sáp nhập Vụ Thi đua khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ ; không tổ chức phòng trong vụ, trường hợp cần thành lập phải đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Trước đó, Bộ Nội Vụ cũng có văn bản đề nghị Bộ Y tế hợp nhất đầu mối về quản lý y tế dự phòng ; không duy trì hai vụ, cục ; giữ nguyên 12 vụ, cục...
- AFP
Yêu cầu của ông Phạm Minh Chính được cho là từng bước thực hiện việc cải cách bộ máy hành chính cồng kềnh kéo dài từ mấy chục năm qua.
Hồi tháng 8/2018, tại Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa đã dẫn số liệu của Bộ Nội vụ tính đến tháng 3/2018 cho biết, số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước lên đến khoảng 11 triệu người. Tính trung bình, cứ chín người dân Việt Nam phải nuôi một công chức hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước.
Vì sao lại không tổ chức các vụ, cục ở phía Nam ? Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Đức Long giải thích đây là do yếu tố lịch sử. Khi tiếp quản miền Nam, bộ máy hành chính có sẵn nên chính quyền mới phải cử cấp phó vào quản lý. Bây giờ thì khác. Ông nói :
"Nếu thuộc thẩm quyền tỉnh thì tỉnh nào giải quyết tỉnh nấy. Nếu trên tỉnh thì Hà Nội giải quyết chứ không để các nhánh phía Nam giải quyết nữa. Như thế sẽ giảm biên chế đi rất nhiều. Bây giờ hơn ngày xưa ở chỗ ngày xưa phải đi lại tốn kém nên giải quyết trực tiếp cho nhanh. Bây giờ có internet, ngồi ở Hà Nội ký là xong. Như thế sẽ giảm nhân sự. Bớt thứ trưởng, bớt thường trực, giảm biên chế, giảm ngân sách. Giảm được trang thiết bị, cơ sở vật chất nữa vì một ông thứ trưởng ngồi mất một phòng.
Lợi nhiều thứ nhưng ngày xưa phải như thế vì nó là vấn đề lịch sử. Không như thế thì không giải quyết được việc. Ngay cục quân y ở miền Bắc cũng phải có bộ phận thường trực ở miền Nam.
Bây giờ giảm thì đỡ bao nhiêu mà công việc vẫn chạy. Vấn đề là họ muốn hay không mà thôi. Nếu muốn họ có thể làm được nhiều việc hơn".
"Tinh giản biên chế" được nói đến nhiều từ năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020. Chương trình này được chia làm hai giai đoạn : Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020.
Trọng tâm của chương trình là cải cách thể chế ; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao ; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, rất khó để thu gọn bộ máy hành chính cồng kềnh vì đây là ‘vành đai’ bảo vệ thể chế, bảo vệ chế độ. Ông phân tích :
"Nó có thu gọn một số so với thời bao cấp, nhưng về cơ bản thì nó vẫn còn. Mười phần nó còn tám. Và chính vì nó còn như vậy cho nên nó là nguyên nhân trực tiếp cho việc thay đổi thể chế khó khăn.
Nếu bộ máy hành chính tinh giản như các nước dân chủ thì người dân có không gian để phát biểu, để đấu tranh dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng vì họ vẫn để nguyên ban bệ, hệ thống như thế, chỉ lược bớt nên nó vẫn còn nặng nề. Nếu chỗ nào có vấn đề xảy ra thì nó vẫn còn cả một hệ thống toàn trị bao gồm đảng, chính quyền, an ninh mật vụ, mặt trận, tuyên truyền còn nguyên.
Mấy chục năm họ không thay đổi được thể chế là do họ còn nguyên hệ thống toàn trị này. Dù tốn kém họ vẫn phải duy trì. Họ chỉ tỉa lông vặt vãnh thôi. Toàn bộ hệ thống nó giữ nguyên nên chỗ nào dân phản ứng là nó ‘cày nát’ hết".
Chiều ngày 5/4/2021 ông Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng trước Quốc hội. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Phạm Minh Chính khẳng định "nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức ; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ ; nỗ lực cùng các đồng chí Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc".
Sau một năm, ông Phạm Minh Chính có phát biểu được cho là được lòng dân như : "Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện ; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội".
Nhiều người cho rằng, việc giải quyết bộ máy hành chính cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả là một trong những điều ông Chính muốn thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Vấn đề là làm sao để thực hiện được.
Tiến sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông :
"Đầu tiên phải thông qua chủ trương trong Bộ Chính trị đã. Một mình thủ tướng không thể làm được tại vì ở Việt Nam là cơ chế Đảng lãnh đạo. Thủ tướng hoặc các bộ có thể là người đề xuất lên. Bên trên họp thấy đúng thì Thủ tướng sẽ là người tổ chức thực hiện chủ trương đó. Như vậy sẽ có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Một mình Thủ tướng không thể làm được vì sẽ bị lực cản rất nhiều. Khi anh tạo được sự đồng thuận trong xã hội, trong nội bộ thì việc thực hiện sẽ nhanh hơn. Và khi có kết quả thực tế thì nó có sức thuyết phục hơn.
Nhà nước độc tài có cái hay là nó đã quyết thì nó sẽ làm bằng được, không ai cản được nó. Khi một ông nào đề xuất thì họ sẽ họp bàn rồi ra nghị quyết và giao cho ông Chính, người đứng đầu chính phủ thực hiện là xong".
Trong một lần trao đổi với RFA về chủ trương tinh giản bộ máy hành chính của Chính phủ, Giáo sư Đặng Võ cho rằng, xu hướng này được đưa ra đã mấy chục năm, được thực hiện nhiều lần nhưng kết quả là không thành công.
Thực tế cho thấy khi tệ nạn "một người làm quan cả họ được nhờ" vẫn còn, chuyện cắt giảm nhân sự trong bộ máy hành chính là chuyện ‘chỉ có trong mơ’.
Nguồn : RFA, 04/05/2022