Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/04/2022

Sinh hoạt kinh tế và xã hội Việt Nam gặp khó khăn

RFA tiếng Việt

Các nhà máy ở Việt Nam gặp khó khăn vì thiếu lao động và nguồn cung

RFA, 12/04/2022

Hoạt động của nhiều nhà máy ở Việt Nam đang gặp khó khăn vì thiếu lao động và nguồn cung nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine.

sinhhoat1

Công nhân ồ ạt bỏ Thành phố Hồ Chí Minh về quê sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ vào ngày ngày 1/10/2021 - AFP

Một phóng sự mới đây của Nikkei Asia cho thấy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi tìm mua các nguyên vật liệu từ Trung Quốc vào khi quốc gia láng giềng đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới, một số nơi tại Trung Quốc đã phải phong tỏa để thực hiện chính sách Không Covid mà điển hình là Thượng Hải.

Trong khi đó, theo Nikkei, nhiều doanh nghiệp làm hàng gia công cho các hãng lớn đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh vào năm ngoái nay cũng đang đối mặt với tình trạng công nhân nhiễm Covid-19 dù các ca không còn nặng như trước kia do độ bao phủ của vắc-xin.

Bắc Giang, tỉnh có các nhà máy lớn của Foxconn và Lens Technology chuyên cung cấp cho Apple, cho biết 22.000 công nhân của họ đã phải nghỉ nhà vì nhiễm Covid-19 vào đầu tháng ba vừa qua.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2022, cả nước có hơn 16,9 triệu người mất việc, tạm dừng công việc, giảm thu nhập vì dịch Covid-19.

Hồi đầu tháng 10 vừa qua, sau khi Chính phủ Việt Nam gỡ bỏ lệnh phong tỏa tại nhiều thành phố, công nhân tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã ồ ạt bỏ về quê sau nhiều tháng kiệt quệ. Dù tới nay đa phần các công nhân này đã trở lại làm việc nhưng theo điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động, Long An - tỉnh có nhiều khu công nghiệp cạnh Thành phố Hồ Chí Minh - vẫn cần khoảng 51.000 lao động.

Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực à thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), trong quý hai này, thành phố đông dân nhất Việt Nam cần khoảng 59.600-65.500 lao động.

Hôm 5/4, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 5,3% trong năm nay do tình hình gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trong quý một và sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

***********************

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2022

RFA, 12/04/2022

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn phương án thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022.

sinhhoat2

Lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7/2022 ở mức 6%, thời gian kéo dài 18 tháng đến 31/12/2023 (hình minh hoạ) - AFP

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho truyền thông Nhà nước hay thông tin trên trong ngày 12/4.

Ông Phòng đồng thời cho biết việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ khiến doanh nghiệp tăng thêm chi phí nhưng Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất cao điều chỉnh từ 1/7/2022 ở mức 6%, thời gian kéo dài 18 tháng đến 31/12/2023.

Theo đó, vùng I tăng 260.000 đồng ; vùng II tăng 240.000 đồng ; vùng III tăng 210.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng.

Được biết, mức tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng ; vùng II 3,92 triệu ; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Trước đó, đại diện lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6%, khi cho rằng đời sống của người lao động sau đại dịch Covid-19 vẫn rất khó khăn. Ngoài ra do đại dịch nên hai năm qua chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, được tờ Tuổi trẻ dẫn lời cho rằng : "Thời điểm này tăng lương vừa để hỗ trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh".

***********************

Ai quyết định mức lương của nhân viên y tế ?

Ngọc Lan, VNTB, 12/04/2022

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề y lên 100%. Việc này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương.

sinhhoat3

Một đêm trực với giá không bằng người ta đi chạy bàn 6-8 tiếng, một mức lương tháng cho trình độ chuyên khoa 1 hay thạc sĩ chưa bằng công nhân.

Phó Giáo sư tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những chính sách y tế nhằm nâng chất, tạo nguồn lực cho y tế cơ sở của Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là tích cực nhưng chưa bền vững. Ông phân tích, cán bộ y tế khi về hưu không thể gắn bó lâu dài với công việc do tuổi tác, sức khỏe. Bác sĩ trẻ vừa ra trường được đãi ngộ với kinh phí lớn nhưng chưa hẳn sẽ ở lại trạm sau khi hoàn thành việc lấy chứng chỉ hành nghề.

"Như vậy, gắn bó nhất với trạm y tế chính là những nhân viên y tế đang cống hiến. Muốn bền vững chúng ta cũng phải quan tâm đến những người đang làm hoặc cam kết gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở", ông nói.

Cũng theo Phó Giáo sư tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, trạm y tế cần được nâng cao vị thế trong mắt người dân cũng như trong chính ngành y tế, bằng việc được trao quyền, nâng cao tay nghề, được mở rộng danh mục kỹ thuật, tăng thuốc men về cho trạm… Từ đó, y tế cơ sở tạo được người dân tin tưởng, nhân viên có nguồn thu nhập tốt, tay nghề cũng được nâng cao.

Theo số liệu nghiên cứu "Tác động của đại dịch Covid-19 với sức khỏe và điều kiện kinh tế, xã hội, việc làm của cán bộ y tế" do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát trên 2.700 nhân viên y tế cả nước tính tới hết tháng 12/2021 cho thấy, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình.

Nhân viên y tế ở trường học cũng là vấn đề cần quan tâm đúng mức.

Tại hội thảo "Tầm quan trọng của nhân viên y tế trường học ở các cơ sở giáo dục" do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) vừa tổ chức mới đây cho thấy, nhân viên y tế trường học hiện đảm nhiệm rất nhiều công việc như : phòng chống các bệnh truyền nhiễm cấp tính ; cách sơ cứu tai nạn thương tích ; truyền thông – giáo dục để trẻ có hành vi sức khỏe phù hợp ; phòng chống bạo lực học đường, dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cong vẹo cột sống, tật khúc xạ…

Họ chính là vị trí rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe học sinh.

Là một vị trí quan trọng nhưng nhân viên y tế trường học vẫn đang còn thiếu về số lượng và chưa đạt chuẩn theo quy định. Nhân lực y tế làm việc tại các trường học vừa thiếu vừa yếu một phần là do quy định hiện hành.

Theo quy định, nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Bên cạnh đó, nhân viên y tế trường học lại không có biên chế riêng, phải kiêm nhiệm những vị trí khác trong trường học.

Công việc áp lực, trách nhiệm cao nhưng đãi ngộ lại chưa tương xứng. Họ không được hưởng chế độ đặc biệt của một nhân viên y tế. Bên cạnh đó, họ cũng ít cơ hội học tập nâng cao trình độ, chia sẻ kinh nghiệm trong ngành nghề của mình. Điều đã khiến họ khó có thể gắn bó lâu dài với công việc.

"Nhân viên y tế đối mặt với đủ các loại bệnh, từ lây nhiễm đến không lây nhiễm, đối mặt với đủ loại bệnh nhân từ hung hăng, chửi bới, đánh đập đến hiền lành ; chưa kể còn phải hoàn thành vô số các loại giấy tờ vô nghĩa mà trong ngành ai cũng biết là làm để đối phó, nhất là đối với các đòi hỏi vô lý của thủ tục bảo hiểm y tế.

Mất thời gian và công sức như vậy đổi lại được gì ? Một đêm trực với giá không bằng người ta đi chạy bàn 6-8 tiếng, một mức lương tháng cho trình độ chuyên khoa 1 hay thạc sĩ chưa bằng công nhân. Tôi là bác sĩ nhưng thú thật tôi khuyên tất cả em và cháu tôi đừng bao giờ tham gia vào ngành này…" – bác sĩ Đặng Thị Bích Thu chua chát nói.

Đâu là nơi quyết định mức lương của nhân viên y tế ? Câu trả lời : Bộ Chính trị.

Ngọc Lan

************************

Phó Thủ tướng : xử lý nghiêm các hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường chứng khoán

RFA, 12/04/2022

Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái vừa ký công điện vào ngày 11/4 liên quan đến thị trường chứng khoán, trong đó yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an phải xử lý nghiêm những hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác gây tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

sinhhoat4

Các nhà đầu tư tại thị trường theo dõi màn hình thị trường chứng khoán ở Hà Nội hôm 20/4/2016 - Reuters

Công điện được ký vào khi liên tiếp có các vụ bắt giữ những tỷ phú và các lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến những gian lận trong hoạt động mua bán cổ phiếu và phát hành trái phiếu. Điển hình là vụ bắt tỷ phú Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, và ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Ông Quyết bị cáo buộc tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Ông Đỗ Anh Dũng bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc phát hành trái phiếu trái quy định pháp luật.

Công điện mới của Chính phủ được nói nhằm chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh, minh bạch ; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật. 

Công điện của Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí cung cấp thông tin kịp thời, chính thức, chính xác về tình hình thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu.

Chánh văn phòng Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, được trích lời trong bản tin của Bộ Công an hôm 8/4 nói rằng Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định tất cả những đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh. Bộ Công an khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan tỏa những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 324 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)