Bắt thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng vì "ăn hối lộ"
Nguyễn Nam, VNTB, 15/04/2022
Ngày 14/4/2022, trung tướng Tô Ân Xô – chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an – cho biết Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng – thứ trưởng Bộ Ngoại giao – để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao quyết định cho ông Tô Anh Dũng ngày 11/03/2019.
Đồng thời Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với : ông Phạm Trung Kiên – chuyên viên Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế, và ông Vũ Anh Tuấn – nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an – cùng về hành vi trên.
Ông Tô Anh Dũng được cho là đã ‘nhúng chàm’ khi ông bắt đầu được kiêm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thay ông Bùi Thanh Sơn, lúc đó vừa nhận chức vụ mới là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết những vấn đề liên quan đến các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của Ủy ban là phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy ban cũng đảm nhận chủ trì công tác thẩm định đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông qua các cơ quan thành viên Ủy ban để chuyển hồ sơ cho Bộ Ngoại giao xét cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ của Ủy ban mà Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng vừa được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm cũng bao gồm thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam ; Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam…
Theo Bộ Ngoại giao, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Phía cơ quan điều tra cho rằng đã xảy ra vấn đề tham nhũng ở một số chuyến bay này liên quan đến dịch giã Covid-19.
Hiện tại chưa ghi nhận quan chức nào ở Bộ Giao thông vận tải liên quan đến vụ án kể trên.
Ghi nhận bước đầu của hồ sơ cho biết, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm một số nội dung như : Làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay "giải cứu" (không trả phí) và chuyến bay "combo" (có trả phí) đưa công dân Việt Nam lánh dịch giã Covid về nước bắt đầu từ thời điểm nào ?
Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ Giao thông vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "combo", "giải cứu" như thế nào ? ; Quy trình, thủ tục tiếp nhận đề xuất, xử lý việc xét duyệt cho các hãng hàng không/công ty/ doanh nghiệp thực hiện chuyến bay "giải cứu", "combo" tại Bộ Giao thông vận tải ;
Căn cứ, tiêu chí, cơ sở để Bộ Giao thông vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay ; điều kiện, tiêu chuẩn công ty/ doanh nghiệp được tham gia chuyến bay "giải cứu", "combo" ; điều kiện, tiêu chuẩn của công dân được về nước theo các chuyến bay "giải cứu", "combo", được quy định tại văn bản nào ; danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh) và các doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông vận tải cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", "combo" ;
Danh sách công dân từ nước ngoài về trên các chuyến bay giải cứu và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay, điều kiện để công dân về nước trên các chuyến bay này dựa vào quy định nào cũng được yêu cầu làm rõ.
Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ Giao thông vận tải làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay "combo", "giải cứu"…
Xem ra danh sách bắt bớ trong vụ "giải cứu", "combo" này còn kéo dài nếu như muốn làm đến nơi đến chốn vụ án này.
Nguyễn Nam
**********************
Bê bối chuyến bay giải cứu : Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt
VOA, 14/04/2022
Một thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam bị bắt giữ hôm 14/4 liên quan đến vụ bê bối đưa, nhận hối lộ để thực hiện các chuyến bay giải cứu, cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam cho hay.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ".
Trang Thông tin Chính phủ công bố rằng Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, 58 tuổi, vừa bị bắt về tội "nhận hối lộ" cùng với hai bị can khác, gồm một nam chuyên viên 41 tuổi thuộc Bộ Y tế và một cựu nam cán bộ công an 43 tuổi từng làm việc ở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. Công an đã tiến hành khám xét nơi ở của cả 3 bị can nêu trên.
Trước đó, như VOA đã đưa tin, hồi cuối tháng 1, nhà chức trách Việt Nam bắt 4 quan chức cũng tại Bộ Ngoại giao, gồm nữ Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi ; một cục phó, một chánh văn phòng và một phó phòng của cục này, về tội "nhận hối lộ" liên quan đến các chuyến bay đưa người Việt về nước trong đại dịch, thường được gọi là "chuyến bay giải cứu".
Sau đó, vào cuối tháng 3, công an bắt thêm một nữ giám đốc một công ty dịch vụ hàng không về tội "đưa hối lộ".
Vụ việc tại Cục Lãnh sự xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dẫn đến các nước đóng cửa biên giới với nhau từ đầu năm 2020. Do đó, các công dân Việt Nam phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần so với trước đại dịch để có thể bay về nước trên các chuyến bay do nhà nước Việt Nam đứng sau.
Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố thông tin hồi tháng 12/2021 là bộ này và các cơ quan liên quan đã thực hiện "800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước".
Sau khi vụ bê bối đưa, nhận hối lộ liên quan đến các chuyến bay giải cứu vỡ lở ra, theo quan sát của VOA, nhiều người nêu ước tính trên mạng xã hội rằng nếu mỗi công dân phải hối lộ từ 1.000-2.000 đô la cho những người có quyền dàn xếp các chuyến bay, tổng số tiền hối lộ lên tới 200-400 triệu đô la. Số tiền này tương đương với khoảng từ 4 nghìn 600 tỷ đồng đến 9 nghìn 200 tỷ đồng.
Vụ việc đã gây chấn động và căm phẫn trong dư luận Việt Nam về tình trạng có những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi từ người dân khốn khó.
Thông tin Chính phủ nói hôm 14/4 rằng ngoài 8 bị can đã bị bắt cho đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vẫn đang điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trước đó ít ngày, Phát ngôn viên Bộ Công an Việt Nam, ông Tô Ân Xô, nói với báo giới hôm 4/4 rằng bộ này mở rộng điều tra về vụ bê bối vì "các đối tượng hoạt động tinh vi, đông người, và trong thời gian dài".
Nguồn : VOA, 14/04/2022