Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/05/2022

"Phải dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng" !

RFA tiếng Việt

"Phải dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng" tiếp tục là lời sáo rỗng, giáo điều !

Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 hôm 10 tháng 5 năm 2022, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Theo ông Trọng, phải phát huy thật tốt dân chủ trong đảng và trong xã hội ; phải tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân ; phải dựa vào nhân dân để xây dựng đảng và rèn luyện đảng viên.

npt1

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - AFP

Với tư cách là một người dân, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn nêu quan điểm của ông về vấn đề này :

"Đấy là nguyên văn lời phát biểu của ông ấy nhưng trên thực tế, chúng tôi thấy đây là những lời nói sáo rỗng, giáo điều bao năm qua mà người dân trong nước đã học thuộc rồi. Không có gì mới cả. Trước hết, nói về dân chủ trong đảng thì đảng viên ở trong nước là hơn năm triệu, theo thống kê mà Đảng cộng sản Việt Nam công bố, tưởng rằng họ được hưởng quyền tự do dân chủ và quyền con người hơn dân, nhưng thực tế họ rất khổ.

Tôi rất đồng ý với ý kiến của cụ Nguyễn Hộ, một trong những lão thành cách mạng đã tham gia hai cuộc chiến tranh. Sau này cụ cũng là quan chức lớn trong hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ nói rằng :‘đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam là một thứ tù binh của đảng". Đấy là nói về đảng.

Nói về xã hội thì các quyền tự do dân chủ căn bản mà Hiến Pháp đã xác nhận và phù hợp với giá trị các công ước quốc tế như quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do lập hội, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do ứng cử - bầu cử, tự do đi ra nước ngoài và trở về…trên thực tế bị hạn chế, bị thủ tiêu bằng luật hình sự.

Muốn Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, dựa vào nhân dân thì chỉ có một cách là phải lắng nghe những ý kiến, những khát vọng của nhân dân và đổi mới về mặt thể chế chính trị".

Ông Nguyễn Hộ là một nhân vật cách mạng kỳ cựu, gia nhập Đảng cộng sản từ năm 1937. Ông đã trở thành nhà đấu tranh dân chủ từ giữa thập niên 80. Ông từ bỏ Đảng vào năm 1991 và viết nhiều bài để bày tỏ lập trường của ông về tình hình đất nước. Ông là tác giả cuốn sách "Quan điểm và cuộc sống".

"Lấy dân làm gốc" được cho là mục tiêu, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Đảng và Nhà nước phải phát huy tinh thần làm chủ và tinh thần sáng tạo của nhân dân ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thực tế ra sao, ông Võ Minh Đức, người từng là sĩ quan chính trị trong quân đội từ những năm 90, nêu quan điểm của mình với RFA :

"Từ xưa đến giờ, về mặt tuyên truyền, về mặt hình thức cũng như phát ngôn từ các quan chức thì vẫn nói ‘lấy dân làm gốc’. Trong thực tiễn, tôi thấy họ ‘lấy dân làm thớt’ nhiều hơn. Nhiều chính sách không hợp lòng dân, làm mất niềm tin của dân".

Nhân dân là chủ thể của một đất nước. Nhà cầm quyền muốn gần dân thì phải chăm lo cho người dân, đem lại hạnh phúc cho người dân, phải tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân được quy định trong Hiến pháp. Nếu người dân không có những quyền căn bản này thì những câu nói như "phải đoàn kết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân" hay "phải tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân" khó mà có tác dụng.

Luật sư Phạm Công Út nêu nhận định của ông :

"Trước giờ, những khẩu hiệu, phương châm của tổ chức Đảng lúc nào cũng gắn bó giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân. Lúc nào cũng vậy, nó chỉ như một cái khẩu hiệu chứ không đi vào hành động thật của những người cầm quyền. Ví dụ câu "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" chỉ là khẩu hiệu chứ thực tế người dân mất nhà, mất đất, mất những quyền của họ. Họ bị hạn chế tối đa quyền con người bằng những rào cản pháp luật.

Họ đặt ra như vậy thì đâu có gần dân được. Nếu gần dân thì phải cho dân cất tiếng nói. Đó là phải xóa đi những rào cản về tự do ngôn luận. Ngoài ra, những quyền cơ bản khác của người dân phải được tôn trọng. Lúc đó mới là gân dân, hiểu dân, lo cho dân. Quan điểm của tôi là khi nào không còn chủ nghĩa lý lịch thì lúc đó đảng và Nhà nước mới gần dân".

Cũng trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5, ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi đảng. Ông Trọng cũng yêu cầu phải thường xuyên kết hợp giữa xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với củng cố, chấn chỉnh cơ sở đảng yếu kém ; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng phải đi đôi với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, vai trò tiên phong, gương mẫu trong sinh hoạt đảng ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Với phương châm ‘còn đảng, còn mình’, tháng 10 năm 2021, ông Trọng ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm. Quy định mới bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII.

Quy định số 37 không chỉ cấm đảng viên không được nói và làm trái, mà đảng viên không được viết trái (nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của đảng ; làm những việc mà pháp luật không cho phép).

Dư luận cho rằng, ngay các đảng viên còn bị áp đặt theo những quy định khắt khe như thế thì còn lâu người dân mới có quyền làm chủ. Mà nếu không có dân chủ cho dân thì đảng không thể "tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân" như yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguồn : RFA, 11/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 336 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)