Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/08/2022

Những dự án hạ tầng lớn cứ đòi thêm tiền vì sao : tham nhũng hay khờ khạo ?

RFA tiếng Việt - VietnamNet

Hàng loạt dự án trì trệ, đội vốn cản bước phát triển của Việt Nam

RFA, 04/08/2022

Ba dự án lớn về đường sắt đô thị ở Việt Nam liên tục bị trễ hạn, đội vốn khủng. Chuyên gia cho rằng tình trạng này sẽ bào mòn lòng tin của nhân dân, cản bước phát triển của Việt Nam trên con đường trở thành quốc gia công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045, theo Nghị quyết của Đại hội Đảng 13, được thông qua hồi năm ngoái.

hatang1

Dự án Cát Linh Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội - RFA edited

Dự án Nhổn - ga Hà Nội lại chậm tiến độ

Công trình Depot Nhổn - ga Hà Nội có thời hạn hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo báo chí Nhà nước, tới thời điểm này, chỉ còn bốn tháng nữa thôi mà tiến độ thi công công trình này mới đạt khoảng 77%.

Vào năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu đưa đoạn trên cao của công trình này vận hành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo VnExpress, mới đây các nhà tư vấn nước ngoài cho rằng "việc vận hành trước đoạn trên cao vào cuối năm 2022 dường như không còn khả thi".

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam, giai đoạn từ năm 2002 đến 2007 - nói rằng con đường nối Nhổn - ga Hà Nội là một dự án tốt, rất đáng được quan tâm phát triển, với kỳ vọng sẽ phát triển cơ sở hạ tầng, giảm kẹt xe, cải thiện chất lượng đời sống người dân… Tuy nhiên, do chậm tiến độ và đội vốn nhiều lần nên công trình này không giải quyết được các vấn đề vừa nêu :

"Con đường này là một con đường được quan tâm. Bởi vì hiện nay thị trấn Nhổn đang được phát triển khá mạnh và được rất nhiều người quan tâm bởi vì nó kết nối với Hà Nội khá tốt. Chính vì vậy cho nên bất động sản tại Nhổn lên giá rất cao.

Phải chờ đợi chậm tiến độ, công trình dở dang nó làm cho đời sống người dân dọc công trình cũng bị lỡ làng mọi việc, không được thoải mái. Vấn đề giao thông đô thị thì đường đã tắc thì nó vẫn cứ tiếp tục tắc. Cái công trình hy vọng là sẽ giải tỏa được cho vấn đề tắc đường thì nó lại không làm được".

Theo dự kiến ban đầu, dự án này sẽ được hoàn thành năm 2016 nhằm giảm xe cá nhân, giải quyết tình ùn tắc giao thông… Nhưng đến nay, không những đã chậm tiến độ sáu năm, mà dự án này còn đội vốn lên đến hơn 87%, từ 18.408 tỷ đồng vào năm 2010, lên đến hơn 34.500 tỷ đồng vào giữa tháng 5/2022.

Metro số 1 vừa xin lùi thời hạn hoàn thành

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa trình Thủ tướng chập thuận cho lùi thời gian hoàn thành dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đến quý bốn năm sau, thay vì cuối năm nay theo đúng kế hoạch.

Mạng báo Tiền Phong dẫn thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguyên do là vì dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, thành phố hạn chế đi lại nên việc thi công bị trì trệ do thiếu nhân lực.

Ngoài ra, ở những hạng mục phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao thì các chuyên gia nước ngoài lại không thể nhập cảnh được, khiến tiến độ các gói thầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một người làm công việc hành chính cho Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, muốn giấu danh tính và vị trí làm việc cụ thể vì lý do an toàn, cho biết nguyên do chính khiến công trình này liên tục lùi thời hạn hoàn thành là vì Trung ương chậm rót tiền vốn vay ODA cho thành phố :

"Do không có tiền. Mình nghĩ là vì vấn đề thủ tục các thứ cho nên là không qua được. Vơi lại năm vừa rồi Covid cho nên ngân sách bị sụt giảm nên bây giờ đâu có sẵn tiền đâu".

Trong quá trình thi công dự án, do tính toán sai và nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh nên dự án bị đội vốn. Thành phố cũng nhiều lần gởi kiến nghị đến Bộ Tài chính yêu cầu rót tiền cho dự án, nhưng vướng nhiều thủ tục nên Trung ương chậm giải ngân. Mà càng kéo dài thời gian thì số tiền phát sinh càng nhiều, lãi vay nước ngoài lại càng cao, kết cục là dự án đã chậm tiến độ lại còn đội vốn lên cao.

Người này cho biết, ngày xưa, khi đội vốn thì nhà thầu Nhật nhiều lần đã tự ứng trước tiền để thi công cho hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, lần này họ không bỏ tiền ra nữa, vì không muốn bị lỗ :

"Bây giờ bên nhà thầu của Nhật đã có sẵn tiền, nhưng Ban Quản lý Dự án thì lại không có tiền. Nếu bây giờ bên nhà thầu Nhật muốn hoàn thành thì họ bắt buộc phải bỏ thêm tiền, nhưng họ lại không muốn như thế.

Theo mình biết thì một vài lần họ đã bỏ thêm tiền vào rồi nhưng bên thành phố họ lại không có tiền để đảm bảo, cho nên bây giờ Nhật họ không muốn lỗ như thế nữa. Nếu càng bỏ ra thì họ càng lỗ.

Ngày xưa họ (nhà thầu Nhật - PV) làm vì tiến độ nên họ sẽ bỏ tiền ra ứng, nhưng bây giờ họ không làm vì tiến độ nữa. Bây giờ họ phải tính toán làm sao để không lỗ nữa. Tức là họ không muốn bỏ thêm tiền nữa".

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt vào năm 2007 với số vốn là 1,09 tỷ (hơn 17.380 tỷ đồng). Trong đó, vốn ODA vay từ phía Nhật Bản là hơn 904,6 triệu, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố, dự tính sẽ được hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018.

Sau đó, vào năm 2009, dự án đã tính toán và điều chỉnh lại tổng mức đầu tư là hơn 47.300 tỷ đồng, trong đó vốn ODA trên 38.200 tỷ đồng, gồm hơn 14.000 tỷ đồng vốn cấp phát và gần 23.900 tỷ là vốn vay lại.

Đến thời điểm tháng 4/2022, Trung ương rót vốn ODA cho dự án đã được trên 10.340 tỷ đồng, 3.987 tỷ đồng còn lại chưa giải ngân. Tuy nhiên, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho dự án chỉ có 1.704 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính làm chậm trễ việc giải ngân được công bố là do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành chậm thống nhất giá trị cấp phát. Bộ Tài chính muốn tính theo đồng Yen của Nhật mà Chính phủ đã vay, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn quy đổi sang tiền đồng.

Nguyên do hàng loạt công trình chậm tiến độ

Cả ba dự án đường sắt đô thị lớn của Việt Nam là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội và tuyến Metro số 1 đều chậm tiến độ và đội vốn nhiều lần.

Theo Giáo sư Hùng Võ, chuyện chậm tiến độ thi công ở Việt Nam là thường.

Có hai nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng quá nhiều dự án xây dựng bị đội vốn, chậm trễ là do chậm giải phóng mặt bằng và chọn nhà thầu thi công yếu kém :

"Thế thì tại sao giải phóng mặt bằng lại chậm ? Chắc chắn là do những quy định pháp luật và thực thi pháp luật về đất đai trong việc thu hồi đất. Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư nó chưa phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Nhà nước đã ra quyết định thu hồi đất rồi nhưng đôi khi còn "thiếu cái này cái kia" thành ra quyết định ấy đôi khi là không hợp lý thì người dân lấy lý do là bồi thường không thỏa đáng để họ khiếu nại, thậm chí khởi kiện. Và như vậy dẫn đến tình trạng gọi là "giải tỏa treo" thì không thể tiến hành được theo đúng tiến độ".

Còn về vấn đề lựa chọn nhà thầu thi công, vị giáo sư này đánh giá rằng ở Việt Nam vẫn xảy ra việc chọn lựa nhà thầu không dựa trên một nguyên tắc, mục đích, tiêu chí cụ thể nào. Chính vì vậy, việc chọn nhà đầu tư năng lực yếu là chuyện vẫn hay xảy ra ở nhiều dự án :

"Hình thức đấu giá và đấu thầu hiện nay ở Việt Nam, về cái quy định, tôi cho là khá lộn xộn. Đôi khi là có đấu nhưng thực ra là không đấu, rồi đôi khi có đấu nhưng lại chỉ có một công ty tham gia, thì cũng coi như đó là chỉ định thầu.

Nói thật thì các nhà thầu, kể cả người non nớt lẫn người có kinh nghiệm, thì cũng đều có rất nhiều mưu kế để có thể tạo ra một cái gì đó nhang nhác như là đúng pháp luật, nhưng bản chất của nó lại là vấn đề lợi ích".

"Bào mòn lòng tin của người dân"

Nói về tác động của các dự án bị chậm tiến độ, đội vốn lên nền kinh tế và đời sống xã hội Việt Nam, nhân viên dự án Metro 1 giấu tên cho rằng nó làm hao tốn ngân sách và ảnh hưởng xấu đến công việc làm ăn, thu nhập của những hộ dân sống quanh khu vực công trình thi công :

"Ví dụ như dự án ở Sài Gòn này, không triển khai hoàn thành đúng hạn thì chắc chắn là nó sẽ bị lỗ. Ngân sách ban đầu là như vậy, bây giờ đội vốn lên thì tất nhiên là ngân sách phải bù vào. Mà tiền là tiền đi vay, để càng lâu thì nợ lại càng nhiều.

Còn vấn đề đời sống ở đây nữa. Dự án này được xây quá lâu cho nên khu vực đường chỗ chợ Bến Thành, là khu vực nhộn nhịp, lượng khách du lịch qua đây rất lớn, cho nên những người làm du lịch ở đây không có kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người ta.

Mấy năm nay người ta không thể mở buôn bán được. Ví dụ ở đây có một cây xăng, họ phải di dời để phục vụ cho việc thi công dự án. Cây xăng đóng cửa trong vòng ba năm trời là thất thu cả ngàn tỷ đó chứ. Nhưng mà họ cũng chưa biết đến khi nào dự án này mới có thể hoàn thành. Cho nên thất thu của họ rất lớn".

Giáo sư Đặng Hùng Võ đặc biệt nhấn mạnh rằng, những công trình trì trệ như thế sẽ bào mòn niềm tin của người dân đối với những dự án kích thích phát triển đất nước, mà đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một ví dụ điển hình :

"Tôi cho rằng tác động khá lớn. Mọi người bàn tán rất nhiều về đường tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông là bởi vì nó không mang lại cái hiệu quả tích cực, mà nhiều khi nó mang lại hiệu quả có thể gọi là tiêu cực khi tác động vào tư duy của người dân, làm hao mòn niềm tin của người dân với kích thích phát triển hiện nay".

Theo đánh giá của vị Giáo sư này thì Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045 với tình trạng hiện giờ. Vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam chưa thoát khỏi được cái bẫy của các nước có thu nhập trung bình, bởi vì vẫn luẩn quẩn trong câu chuyện lợi ích tư gắn vào các công trình công :

"Tôi tin rằng đó là một chủ trương phấn khởi, đáng quan tâm, đáng để hành động. Chắc chắn là Việt Nam sẽ còn phải dọn dẹp những thứ còn rất bề bộn như bây giờ.

Còn trung tâm của vấn đề, thì tôi cho rằng rằng phải làm rõ được chuyện lợi ích tư của những người tham gia có gắn với lợi ích công hay không".

Nguồn : RFA, 04/08/2022

***********************

Tân Tạo Việt Nam chuyển hơn 1.900 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến ở Mỹ

RFA, 03/08/2022

Tân Tạo Việt Nam chuyển hơn 1.900 tỷ đồng (83 triệu USD) cho bà Đặng Thị Hoàng Yến ở Mỹ

hatang2

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ của Tân Tạo - RFA edit

Hơn 1.900 tỷ đồng được Công ty Đầu tư & Công nghiệp Tân Tạo (ITACO) ở Việt Nam chuyển cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị Maya Dangelas, tức bà Đặng Thị Hoàng Yến, đang ở Hoa Kỳ.

Truyền thông Việt Nam loan tin ngày 2/8, dẫn báo cáo tài chính mới của ITA như vừa nêu. Theo đó, khoản tiền vừa nêu được chi tạm ứng cho một dự án đầu tư tại bang California. Dự án được đề cập đến là dự án phát triển một khu công nghiệp dược phẩm và y tế cao cấp. Tin nói dự án đã được cấp phép và đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá của khu.

ITACO tăng chi tạm ứng cho bà Maya Dangelas ở Mỹ nên phải rút vốn hơn 1.650 tỷ đồng tại Công ty Phát triển Năng lượng Tân Tạo. Việc ITACO chi tạm ứng cho bà Maya Dangelas được nói bắt đầu từ cuối năm 2020 với số tiền 14 tỷ đồng, đến cuối năm 2021 là 59 tỷ đồng.

Vào ngày 5/7 vừa qua, ITACO ra thông cáo báo chí cho biết công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam này hiện không còn lựa chọn nào khác phải khởi kiện Chính phủ Việt Nam sau khi phía Việt Nam đòi bán các tài sản trị giá hàng tỷ đô la vì ITACO không trả một khoản nợ khoảng 900.000 đô la liên quan đến một thầu phụ của ITACO trong khi ITACO không hề có liên quan đến hợp đồng này.

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, báo chí Việt Nam loan tin cho biết Chủ tịch Hội đồng quản trị của ITACO là bà Yến đã gửi đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Nhà nước. Theo đơn này, bà Yến cho biết vào tháng 5 và tháng 6, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi nhiều công văn yêu cầu Tân Tạo công bố thông tin Tòa án mở thủ tục phá sản. Quyết định mở thủ tục phá sản số 56 ngày 25/1/2018 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh.

Theo bà Yến, Công ty Quốc Linh trước đó đã yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc Tân Tạo phải thanh toán 21,34 tỷ đồng gồm cả lãi và nợ gốc theo bản án được Tòa án xét xử từ năm 2017.

Cũng theo bà yến, hợp đồng giữa Quốc Linh với VietNam Land liên quan đến vụ kiện này không liên quan đến Tân Tạo. Tổng giám đốc VietNam Land là chồng cũ của bà Yến có tên Jimmy Trần hiện đang bị truy tố vì tội lừa đảo.

Vào ngày 14/7 truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) tiếp tục yêu cầu ITACO công bố thông tin liên quan vụ việc mở thủ tục phá sản dù trước đó công ty đã yêu cầu tạm hoãn vì chưa có quyết định cuối cùng của các cấp có thẩm quyền.

Nguồn : RFA, 03/08/2022

**********************

Bà Đặng Thị Hoàng Yến rút gần 2 nghìn tỷ đồng sang Mỹ

Mạnh Hà, VietnamNet, 03/08/2022

Chủ tịch Itaco Đặng Thị Hoàng Yến rút gần 2 nghìn tỷ đồng (khoảng 83 triệu USD) tiền tạm ứng cho dự án tại Mỹ, vào khoảng thời gian bà kêu cứu về việc buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo.

hatang3

Bà Đặng Yến, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Tạo, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á tại Thành phố Hồ Chí Minch, ngày 7 tháng 6 năm 2010. Ảnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới (www.weforum.org) / Ms. Sikarin Thanachaiary

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA), chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến tạm ứng 1.940 tỷ đồng (khoảng 83 triệu USD) cho việc tham gia dự án tại Mỹ.

Theo báo cáo, ITA ghi nhận doanh thu thuần quý II/2022 đạt gần 310 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 118 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp tụt giảm từ mức hơn 230 tỷ đồng cuối 2021 xuống còn hơn 20 tỷ vào cuối quý II/2022 (1 tỷ VND bằng 42.755 USD).

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của Itaco là khoản phải thu khác tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, từ mức 2.046 tỷ đồng vào cuối 2021 lên 3.947 tỷ đồng tính tới cuối quý II/2022. Mức tăng lên tới trên 1.900 tỷ đồng.

Trong đó, chủ yếu là khoản chi tạm ứng cho bà Maya Dangelas (Đặng Thị Hoàng Yến) - Chủ tịch Hội đồng quản trị là 1.937 tỷ đồng, chiếm 56% khoản phải thu ngắn hạn khác.

Cũng theo báo cáo, Itaco có khoản đầu tư vào Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân giảm xuống còn gần 1.209 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 7.100 tỷ đồng hồi cuối 2021.

hatang4

Bà Maya Dangelas (Đặng Thị Hoàng Yến) tạm ứng 1.940 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 6, bà Đặng Thị Hoàng Yến có đơn kêu cứu sau thông tin lan truyền về việc Buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo.

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - ITACO (ITA) Dr. Maya Dangelas (Đặng Thị Hoàng Yến) có đơn gửi các nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam về thông tin buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo.

Vào cuối tháng 6, cổ phiếu ITA chứng kiến những phiên bị bán tháo dữ dội với dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị sau khi thông tin Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) bị mở thủ tục phá sản sau 4 năm tranh chấp được lan truyền trên các diễn đàn, hội nhóm những ngày qua.

Tuy nhiên, trong phiên 2/8, cổ phiếu ITA tăng trần thêm gần 7% lên 8.040 đồng/cổ phần.

Trước đó, ITA bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định mở thủ tục phá sản từ năm 2018, nhưng đến nay, thông tin này chưa được công khai rộng rãi.

Vụ việc bắt đầu từ việc một doanh nghiệp có tên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh (Công ty Quốc Linh) yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Itaco. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc ITA mối quan hệ với chủ nợ Công ty Quốc Linh không phải là căn cứ để tiến hành thủ tục phá sản. Cho đến nay, nguyên nhân của kết luận phá sản vẫn chưa được công bố.

Trong 4 năm qua, Itaco vẫn công bố thông tin về báo cáo tài chính kiểm toán, tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông. Kiểm toán Báo cáo tài chính 2021 được thực hiện bởi EY đã nêu ý kiến báo cáo phản ánh trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính hợp nhất của tập đoàn tại ngày 31/12/2021.

hatang5

Bà Đặng Thị Hoàng Yến. Ảnh : Hoàng Hà

Trong đơn kêu cứu, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết, vào tháng 5, tháng 6/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi nhiều công văn yêu cầu Công ty Tân Tạo công bố thông tin Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Tân Tạo. Quyết định mở thủ tục phá sản số 56/2018/QĐ-MTTPS ngày 25/1/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh (Công ty Quốc Linh).

Công ty Quốc Linh không đề nghị thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự mà yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc Công ty Tân Tạo phải thanh toán cho Công ty Quốc Linh theo Bản án của Tòa án xét xử năm 2017 là hơn 21,4 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là hơn 14,3 tỷ đồng và lãi hơn 7,1 tỷ đồng).

Trong đơn, bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng cho biết, Công ty Tân Tạo đang đề nghị xem xét lại Bản án phúc thẩm số 01/2021/KDTM-PT ngày 5/1/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và Bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, Long An theo thủ tục giám đốc thẩm tại Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vì Bản án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên có rất nhiều sai phạm.

Cụ thể, theo bà Yến, Công ty Tân Tạo không có giao dịch kinh tế với Công ty Quốc Linh. Công ty Tân Tạo chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo bà Yến, trước đó, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Việt Nam (VietNam Land) và Công ty Quốc Linh ký các Hợp đồng kinh tế để bơm cát san lấp khu Công nghiệp Tân Đức. Sau khi Tổng giám đốc VietNam Land bị sa thải vào tháng 5/2010 vì móc nối với các nhà thầu, kê khống khối lượng lên nhiều lần rút tiền công ty chia nhau. Vị này đã bỏ trốn về Mỹ. 

Sau đó hơn một năm, ngày 9/12/2011, Công ty Quốc Linh có đơn khởi kiện VietNam Land tại Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, Long An, yêu cầu khởi kiện là VietNam Land phải trả cho Công ty Quốc Linh hơn 14,3 tỷ đồng, gồm nợ gốc và tiền phạt vi phạm hợp đồng và tiền mua vật tư xây dựng. Ngày 13/3/2012, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa thụ lý vụ án giữa nguyên đơn là Công ty Quốc Linh, bị đơn là VietNam Land.

Ngày 5/5/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên Bản án phúc thẩm số 07/2017/KDTM-PT. Nội dung chính : Buộc VietNam Land liên đới cùng với Công ty Tân Tạo thanh toán cho Công ty Quốc Linh số tiền nợ gốc và lãi phát sinh từ hai hợp đồng ký ngày 30/12/2009 tổng cộng hơn 21,3 tỷ đồng.

Ngày 2/6/2017, Công ty Tân Tạo có Đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm gửi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 3/8/2018, Tòa án nhân dân Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 84 kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 4/7/2019, tiếp tục ra Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/KDTM-GĐT hủy toàn bộ hai Bản án Sơ thẩm số 01/2007/KDTM-ST và Phúc thẩm số 07/2017/KDTM-PT. Đưa về xét xử lại từ cấp sơ thẩm.

Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định : Tòa sơ thẩm, phúc thẩm buộc Công ty Tân Tạo liên đới cùng VietNam Land trả tiền cho Công ty Quốc Linh là không có căn cứ pháp luật.

Sau khi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định trả lại vụ án xét xử lại từ cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa đã xét xử và tuyên Bản án sơ thẩm số 07 ngày 18/9/2020. Nội dung chính vẫn như Bản án sơ thẩm số 01/2007 ngày 16/1/2017, theo đó Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa ra quyết định trái với Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên lập luận rằng Công ty Tân Tạo phải liên đới cùng VietNam Land trả nợ cho Công ty Quốc Linh số tiền gốc và lãi là hơn 27,7 tỷ đồng, bởi Tổng giám đốc bỏ trốn của VietNam Land là chồng cũ của Chủ tịch Công ty Tân Tạo nên phải có trách nhiệm.

Ngày 05/01/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên bản án phúc thẩm số 01/2022/KDTM-PT. Nội dung giữ nguyên bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa.

Ngày 2/2/2021, Công ty Tân Tạo có Đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm gửi Tòa án nhân dân Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh ; ngày 28/1/2022 tiếp tục có văn bản gửi Tòa án nhân dân Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại đơn đề nghị giám đốc thẩm. Đến nay, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa có văn bản trả lời kháng nghị hay không kháng nghị giám đốc thẩm.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2021, ITA ghi nhận doanh thu cải thiện đáng kể từ 649 tỷ đồng lên 932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 48% lên 265 tỷ đồng. Trong quý I/2022, doanh thu giảm 64% xuống 63,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 71% xuống 16 tỷ đồng.

Theo bà Yến, Itaco có tổng tài sản gần 13,3 nghìn tỷ đồng và là công ty niêm yết, công ty đầu đàn trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam. Khoản tiền bị Công ty Quốc Linh ký buộc trả nợ chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản. Việc buộc Công ty Tân Tạo phải công bố phá sản là vô lý.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến vắng mặt trong 8 kỳ đại hội gần đây của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA). Bà Yến được cho là đang ở Mỹ và trong cuộc họp gần đây, bà Yến tham gia thông qua họp trực tuyến.

Mạnh Hà

Nguồn : VietnamNet, 03/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Mạnh Hà
Read 385 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)