Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/09/2022

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, giải ngân đầu tư công, doping trong thể thao

RFA tổng hợp

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu báo cáo chi tiết sau kết luận kiểm toán Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

RFA, 26/09/2022

Những kiến nghị của Ban Quản lý Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sau quá trình thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, bị Bộ Giao thông - Vận tải (Giao thông vận tải) Việt Nam cho là chung chung, chưa đủ cơ sở để xem xét, giải quyết nên yêu cầu phải có báo cáo chi tiết.

VIETNAM-TRANSPORTATION-TRAIN

Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. AFP Photo

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 26/9, dẫn kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy như vừa nêu.

Cụ thể, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và xin chỉ đạo chủ trương của Quốc hội là thực hiện chưa đúng theo quy định.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chủ đầu tư dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông cần thương thảo khi thanh quyết toán với tổng thầu EPC Trung quốc để thu về các khoản tiền cần giảm trừ và thu hồi trên 874 tỷ đồng (tương đương khoảng 38 triệu đô la Mỹ).

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam còn yêu cầu chủ đầu tư chấn chỉnh công tác ; đặc biệt trong việc quản lý tài chính, kế toán ; xem xét xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân sai phạm.

Đơn giá nhân công trong tính chi phí cũng là một nội dung được Kiểm toán yêu cầu điều chỉnh.

Đối với những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ban Quản lý Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông kiến nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án tới tháng 11/2023, (đó là thời điểm hết bảo hành sau hai năm đưa vào sử dụng). Nội dung này đã được Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng, sau đó, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản lấy thêm ý kiến Bộ Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính và UBND TP. Hà Nội. Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý Dự án Đường sắt tiếp tục giải trình với các bộ và địa phương liên quan.

Vào ngày 22/9 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, bộ này đang gặp những vướng mắc, đặc biệt với gói thầu EPC, vì có liên quan đến các luật khác. Đáng lưu ý, phần tăng nhà thầu EPC không được tính, nhưng phần giảm thì bắt buộc phải giảm. Với những vướng mắc này, Bộ có 3 đơn kiện đang giải quyết ở trọng tài quốc tế.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD).

Tuyến đường sắt này có 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, tổng thầu Trung Quốc là EPC thực hiện có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 868 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Tuyến đường sắt này đã gây khá nhiều tranh cãi trong dư luận do bị đội vốn lên quá cao (hơn 300 triệu đô la) và đã bị trì hoãn đưa vào sử dụng hơn 10 lần.

*************************

Cán bộ có nghĩ đến dân khi ‘giải ngân’ ?

RFA, 26/09/2022

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam mới đây cho rằng ngân sách có tiền nhưng cán bộ không giải ngân được là ‘có lỗi với nhân dân’. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu như vừa nêu khi tham dự Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia hôm 26/9/2022.

vn2

Công nhân tại một công trình mở rộng đường ở Hà Nội. Ảnh chụp 18/1/2021. Reuters

Để đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, ông Chính yêu cầu làm rõ trách nhiệm và nhấn mạnh nếu cán bộ để chậm trễ ‘là có lỗi với nhân dân’.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định với RFA hôm 26/9 :

"Tôi đọc tất cả các văn bản của Nhà nước và của Đảng thì tràn ngập những các câu nói theo kiểu đó : Nhà nước của dân mình, dân biết dân làm dân kiểm tra… nhưng vấn đề không phải là lời nói mà vấn đề là cơ chế nào để người dân là một áp lực đối với nhà nước.

Việt Nam rất khiếm khuyết những cái đó, do đó một ai đó làm quan là do quyết định cá nhân, bởi vì các quyết định để cho họ đi lên là sự vừa lòng của cấp trên, chứ không phải sự vừa lòng của người dân. Đó là lý do xảy ra rất nhiều chuyện oan trái, người dân bị đàn áp nặng nề… mà những người có liên quan không phải ai cũng bị trừng trị theo đúng cái tội, cái lỗi mà họ gây ra".

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, Việt Nam cần một cơ chế, một xã hội… được tổ chức sao cho người dân thực sự có thể nắm được quyền lực.

Vấn đề chậm trễ giải ngân được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vì khối lượng giải ngân tính đến cuối tháng 9 năm 2023 theo Bộ Tài chính chỉ đạt 46,7%, tương đương hơn 253 ngàn tỷ đồng. Trong khi số vốn đầu tư công được Quốc hội quyết nghị cho năm 2022 là trên hơn 526 ngàn tỷ đồng, trong đó hơn 42% vốn trung ương, còn lại là ngân sách địa phương. Nếu tính cả 16 ngàn tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn năm nay gần 542.106 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2021, có chín bộ, ngành tại Việt Nam đồng loạt xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài ODA, vì không giải ngân được. Đại diện Bộ Tài chính khi đó cho truyền thông Nhà nước biết, tổng số vốn đề nghị trả lại chiếm hơn 44% dự toán.

Với sự chậm trễ giải ngân với số vốn lớn nhiều năm qua, mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đem ‘nhân dân’ để nhắc cán bộ như vậy có hiệu quả răn đe ?

Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 26/9, một luật gia lấy biệt danh Hoa Lư nhận định :

"Theo tôi mỗi giải ngân có dự án, có quy trình riêng, thí dụ như làm đến đâu thì giải ngân đến đấy. Còn chậm giải ngân thường có lý do của nó, chứ nói chung chung ai chả nói được, nói như vậy bản thân người nói chả chịu trách nhiệm gì.

Thủ tướng nói như thế thì phải nói cụ thể địa phương nào, dự án nào, người nào, lý do làm sao, trách nhiệm thuộc về ai ? Thủ tướng không cần nói nhiều chỉ cần đi vào cụ thể, ví dụ sân bay Long Thành tiến độ Quốc hội quy định đến ngày nào, bây giờ trễ do khâu nào, phải kỷ luật, đuổi việc, bỏ tù… ví dụ như thế".

Theo luật gia này, nói chung chung như thế thì mãi cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ là hành động quan liêu hoặc là ‘nổ’ cho oai… Chứ cũng không ai quan tâm vì nghĩ nói người khác chứ không phải nói mình.

vn3

Người dân xếp hàng chờ phân phát thực phẩm miễn phí tại cửa hàng Happy Mart ở Hà Nội hôm 16/4/2020. AFP Photo.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trả lời RFA về việc này cho rằng :

"Thủ tướng quyết tâm như thế trong lúc một số ngành và địa phương trả lại vì người ta không hoàn thành, trong khi còn một số nơi quyết tâm thực hiện đạt 100%. Nhưng đây là một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Việt Nam thì không biết năm nay như thế nào. Ông Thủ tướng đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể ở từng khâu, từng địa phương, từng ngành một với các đề án hết rồi. Nhưng theo tôi nghĩ thì vấn đề không đơn giản và cũng rất là khó khăn".

Cũng liên quan vấn đề giải ngân, vào tháng 8 năm 2022, Chính phủ Việt Nam kiến nghị cho phép chi tiếp hơn một ngàn tỉ đồng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Lý giải việc yêu cầu hỗ trợ thêm, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (Lao động, thương binh và xã hội) cho biết hiện vẫn còn hơn 414.000 lao động thuộc đối tượng cần hỗ trợ, với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỉ đồng.

Trong khi trước đó vài ngày, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp Chính phủ ngày 3/8 cho báo chí biết, có 29 tỉnh thành chưa giải ngân đồng nào trong gói 6.600 tỉ đồng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn vì đại dịch.

Từ khi bùng phát dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần công bố các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó. Đơn cử như năm 2020 có bốn gói hỗ trợ, nhiều nhất là gói 62.000 tỷ đồng, nhưng tính đến cuối năm 2021 theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ chỉ mới giải ngân được 53%. Vào tháng 6 năm 2021, Chính phủ tiếp tục công bố gói 26.000 tỷ hỗ trợ cho người lao động mất việc và các doanh nghiệp.

Với nhiều gói hỗ trợ của Nhà nước, nhưng nhiều người lao động và doanh nghiệp khi trả lời RFA trước đây cho hay họ không tiếp cận được gói hỗ trợ do thủ tục xác minh quá rắc rối, phiền phức.

Vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo luôn luôn được giới lãnh đạo Việt Nam nêu ra. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các vấn đề được nêu lên thì nhiều mà cải sửa thì ít. Do đó đến lúc này những gói hỗ trợ cấp bách cho dịch bệnh vẫn không đạt hiệu quả cao.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề giải ngân đầu tư công nói :

"Đầu tư công trong thời gian giải ngân chậm liên quan tới một số yếu tố, một là trong thời gian vừa qua có thay đổi lãnh đạo ở các tỉnh và các bộ, lãnh đạo thay đổi thì quyết định có thể sẽ chậm hơn. Điểm thứ hai là đầu tư công vừa qua là đối tượng của việc kiểm tra, thanh tra và chống tham nhũng, tầng lớp lãnh đạo và cán bộ thấy cần phải thận trọng hơn, phải kiểm tra chặt chẽ hơn nên dẫn đến các hạn chế nhất định".

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA trước đây cho rằng, ngoài việc đơn giản hóa thủ tục và loại bỏ yếu tố tham nhũng, một trong những giải pháp có thể áp dụng để việc giải ngân vốn đầu tư công được nhanh chóng là chính quyền nên có những gói tưởng thưởng vật chất tương xứng theo giá trị thị trường mỗi khi một dự án ODA thực hiện đúng tiến độ như đề xuất.

Nguồn : RFA, 26/09/2022

***********************

Vận động viên Việt Nam dính doping : Khó có thể biện minh bằng vô tình hay thiếu hiểu biết

Anh Vũ, RFI, 25/09/2022

Bốn tháng sau khi Việt Nam đạt thành tích lịch sử với hơn 200 huy chương vàng, chiếm ngôi đầu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà, hôm 15/09/2022, dư luận và các nhà quản lý thể thao Việt Nam choáng váng khi nhận được thông tin : một loạt mẫu thử doping của các vận động viên Việt Nam tại SEA Games 31 dương tính, trong đó có những vận động viên đã giành huy chương. 

vn4

Hình ảnh minh họa doping. © Reuters/Sergei Karpukhin

Theo truyền thông Việt Nam, các lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam đã xác nhận thông tin trên, tuy Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA), vì thận trọng, vẫn chưa công bố cụ thể tên cũng như mức độ hình thức sử dụng doping của các vận động viên có liên quan. Một khi kết luận chính thức được công bố, các vận động viên tùy theo mức độ vi phạm sẽ phải đối mặt với nhiều mức án kỷ luật từ trước huy chương, phạt tiền, cấm thi đấu trong thời gian nhất định.

Đây không phải lần đầu tiên các vận động viên Việt Nam dính doping ở các cuộc thi đấu quốc tế và ngay trước SEA Games 31 khai cuộc, đã có 6 vận động viên bị loại thi đấu tại đại hội vì bị phát hiện sử dụng các chất cấm. Nhưng lần này là một cú sốc thực sự đối với thể thao Việt Nam và đặc biệt bộ môn điền kinh đang chiếm vị trí độc tôn trên đấu trường khu vực. Hình ảnh và danh dự của nền thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)