Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/06/2017

Tuần trăng mật Việt-Nhật mặn mà như chưa bao giờ có

Tổng hợp

Việt-Nhật tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải để đối phó với Trung Quốc (RFI, 07/06/2017)

Nhân chuyến công du Nhật Bản của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai nước hôm 06/06/2017 đã thỏa thuận tăng cường quan hệ về an ninh thông qua các dự án được Nhật tài trợ, trong đó có việc nâng cấp năng lực tuần tra bờ biển, thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong khu vực.

vietnhat1

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (T) đón đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ngày 06/06/2017, tại Tokyo - REUTERS

Hai nước ký kết hơn một chục thỏa thuận, trong đó có khoản viện trợ 38 tỉ yen (350 triệu đô la) để nâng cấp các tàu tuần duyên Việt Nam và năng lực tuần tra. Việc nâng cấp an ninh hàng hải là một phần của khoản tín dụng 100 tỉ yen (910 triệu đô la) được ký kết hôm qua (06/06), gồm các dự án trong lãnh vực khoa học, công nghệ và quản lý nước.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe, trong cuộc hội đàm tại Tokyo, đã chia sẻ "mối quan tâm sâu sắc về những diễn biến phức tạp" do Trung Quốc gây ra tại Biển Đông. Hai bên cổ vũ tránh những hành động làm thay đổi hiện trạng và leo thang căng thắng, tuy không nêu đích danh Trung Quốc.

Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định sự quan trọng của Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng ý sẽ tiếp tục theo đuổi dù Hoa Kỳ đã rút ra. Hai nhà lãnh đạo thỏa thuận hợp tác với nhau trong việc thương lượng giữa 11 nước thành viên TPP còn lại để hiệp định này có hiệu lực.

Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ hy vọng sự hỗ trợ này cũng sẽ tạo cơ hội kinh doanh cho Nhật Bản, đóng góp kinh nghiệm chuyên môn và công nghệ cho công cuộc phát triển của Việt Nam. Ông nói rằng Nhật Bản mong muốn cải thiện việc hợp tác nhằm "tăng cường một trật tự thế giới tự do và rộng mở, dựa trên cơ sở luật pháp", gọi đó là "nền tảng của sự ổn định và thịnh vượng cho quốc tế".

Thụy My

******************

Lãnh đạo Việt, Nhật cùng thúc đẩy TPP (BBC, 07/06/2017)

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và người đồng cấp Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định tại Tokyo rằng họ sẽ hợp tác để TPP "có hiệu lực nhanh chóng", Japan Times hôm 7/6 tường thuật.

vietnhat2

Hai bên ký kết Công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 1 tỷ đôla

Tuy vậy, tuyên bố chung về "mối quan hệ đối tác chiến lược" công bố sau cuộc hội đàm không cho thấy rằng hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận về việc liệu họ muốn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ, nước rút khỏi Hiệp định hồi tháng 1/2017, tờ báo viết.

"Giữa làn sóng bảo hộ và chống lại toàn cầu hóa, Thủ tướng Phúc và tôi sẽ thúc đẩy thương mại đầu tư tự do cùng nhau", ông Abe nói trong cuộc họp báo chung sau hội đàm.

"Tôi nhất trí hoàn toàn với tất cả các ý kiến mà ông Abe vừa nói", ông Phúc đáp.

'Mời Trung Quốc gia nhập TPP'

Bộ trưởng thương mại của 11 nước ký kết TPP còn lại đồng ý tại Hà Nội vào cuối tháng 5/2017 để hoàn tất bản ước định về hiệp định trước tháng 11/2017, thời điểm các nhà lãnh đạo TPP nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam.

Nhật cùng các nước đã tham gia ủng hộ việc thực thi Hiệp định TPP 11 bên mà không có Mỹ, nhưng Việt Nam dường như miễn cưỡng chấp nhận việc mất đi lợi ích mà nước này mong muốn mậu dịch được tăng cường với sự tham gia của Hoa Kỳ.

Tờ Nikkei Asian Review hôm 5/6 dẫn lời ông Goh Chok Tong, cựu Thủ tướng Singapore rằng Nhật nên mời Trung Quốc gia nhập TPP.

Phát biểu tại hội nghị Tương lai Châu Á tại Tokyo, cựu lãnh đạo đảo quốc Sư tử kêu gọi Châu Á "ủng hộ thương mại tự do và công bằng".

Ông Goh Chok Tong cho biết rằng Nhật và Trung Quốc sẽ cùng thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế ở Châu Á, và hai nước này phải thực hiện điều đó "cùng nhau chứ không phải là đối thủ".

Đề cập về TPP, ông Goh kêu gọi Nhật dẫn dắt và mở cửa cho Trung Quốc gia nhập hiệp định này.

***********************

Việt - Nhật thắt chặt quan hệ đối tác toàn diện (RFA, 07/06/2017)

Việt Nam và Nhật bản cam kết tăng cường quan hệ toàn diện và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, khẳng định hai nước là đối tác quan trọng của nhau. Đó là nội dung tuyên bố chung kết thúc nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản được công bố vào ngày 7 tháng 6.

vietnhat3

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 6 tháng 6 năm 2017. AFP photo

Tuyên bố chung đặt hợp tác quan hệ chính trị, quốc phòng và an ninh lên phần đầu của tuyên bố, theo đó hai bên duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp. Nhật Bản tăng cường giúp Việt Nam xây dựng năng lực cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc, cung cấp trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Tuyên bố chung cũng cho biết cam kết của Nhật bản trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bao gồm đào tạo nhân lực.

Trang Zing của Việt Nam hôm 7 tháng 6 có bài phỏng vấn với giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định việc đặt hợp tác quốc phòng an ninh lên phần đầu của tuyên bố là một thông điệp đối với khu vực.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 6 tháng 6, hai bên đã kêu gọi các bên tránh có những hành động làm thay đổi hiện trạng và leo thang căng thẳng trong khu vực.

Hai bên cũng ký thỏa thuận, theo đó Nhật bản cam kết cung cấp khoản tài trợ tương đương 350 triệu đô la giúp Việt Nam nâng cấp các tàu tuần duyên và tăng cường khả năng tuần tra biển.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và dòng đầu tư từ năm 2014 đến năm 2020.

Thủ tướng Nhật bản Zhinzo Abe cho biết Nhật sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực.

Nhân chuyến thăm này hai bên đã ký công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 100,3 tỷ yên (tương đương gần 1 tỷ đô la) trong năm tài khóa 2016 của Nhật dành cho Việt Nam. Khoản tiền này sẽ dành cho các dự án bao gồm : bảo đảm an toàn an ninh hang hải, quản lý nước Bến Tre, Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa, Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ Hòa Lạc. Khoản tiền này cũng được dung cho 3 dự án viện trợ không hoàn lại trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và đào tạo nguồn nhân lực.

Ngoài ra phía Nhật cũng đồng ý hỗ trợ triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Phía Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật BẢn muốn tham gia xây dựng dự án sân bay Long Thành, khu thương mại ngầm Bến Thành và hệ thống xe buýt nhanh tại tỉnh Bình Dương.

Nhật Bản khẳng định hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp được lựa chọn trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác hai nước hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Các ngành công nghiệp này bao gồm : điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

Quay lại trang chủ
Read 652 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)