Gần 200 cán bộ ngân hàng bị khởi tố chỉ trong 5 năm (RFA, 07/06/2017)
Việt Nam đã khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng liên quan đến 95 vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 2011 đến 2016. Đó là phát biểu trước quốc hội vào sáng ngày 7 tháng 6 của ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Hà Văn Thắm trong phiên xử đại án Ngân hàng Oceanbank hôm 28/2/2017. Courtesy of baomoi.com
Ông Minh cho biết, chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ, trong đó có những người là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị, với những mức án như tử hình, chung thân hay trên 20 năm.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết nguyên nhân chủ yếu là do quy trình tín dụng của một số tổ chức tín dụng còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Ông cũng nói đến việc một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định.
**********************
Vì sao phải tăng cường đối tượng được cảnh vệ ? (RFA, 07/06/2017)
Các nhân viên an ninh đứng bảo vệ bên ngoài khách sạn Sheraton, Hà Nội. AFP photo
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật cảnh vệ chiều 6/6, có ý kiến cho rằng nên bổ sung các Bí thư, Chủ tịch vào đối tượng được cảnh vệ với lý do "khi có tình hình phức tạp ở địa phương thì có thể ảnh hưởng đến an toàn của một số cán bộ chủ chốt".
Vì sao phải có đề nghị tăng cường đối tượng cảnh vệ ? Trong cách phân bổ ngân sách của Việt Nam, dự thảo luật này có hợp lý ?
Từ nỗi sợ hãi
"Cần và không cần" là câu trả lời được tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đưa ra ngay khi được hỏi về tính hợp lý và sự cần thiết cho dự thảo Luật Cảnh vệ.
Theo ông, nếu xét Dự thảo luật về phía của những người dân thì không cần thiết.
"Đối với người dân thì chẳng có gì là cần thiết cả, vì tất cả những cái đó đều từ tiền đóng thuế của dân. Và nếu mỗi vị được bảo vệ thì chắc chắn kéo theo tiền đóng thuế của dân phải nong lên".
Nhưng, ngược lại, theo ông Phạm Chí Dũng, Dự thảo luật này rất cần cho các giới quan chức ở Việt Nam. Ông giải thích lý do vì sao đưa ra nhận định trên.
"Nguồn cơn chính là xuất phát từ tháng 9 năm 2016 nổ ra vụ Yên Bái. Ba người "bị bắn" đã làm rúng động trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và cho thấy là không một ai, từ Tổng bí thư trở xuống mà có thể an toàn.
Cho nên từ sau vụ đó, tự nhiên trong Quốc hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dậy lên những đề xuất, đề nghị là phải tăng cường lực lượng cảnh vệ, phải bổ sung trang thiết bị, và đồng thời gia tăng số đối tượng, thành phần được bảo vệ".
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng còn có một lý do khác. Lý do này cũng bắt nguồn từ vụ án ở Yên Bái.
"Nó có một cái chuyện là lợi ích và nỗi sợ hãi của 1 số cán bộ cấp cao nào đó ở tỉnh. Nó thể hiện sự lo sợ nên họ yêu cầu tăng cảnh vệ. Trước đây không có".
Xiin được nhắc lại vào ngày 18 tháng 8 năm 2016, ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Yên Bái dùng súng bắn chết Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái, ông Phạm Duy Cường và ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh uỷ rồi sau đó tự sát.
Sau khi xảy ra vụ việc, một số dự án luật như Luật quản lý, sử dụng vũ khí, quy định nổ súng, và cả quy định về phòng vệ chính đáng trong Bộ luật hình sự được mang ra thảo luận tại các phiên họp thẩm tra sơ bộ của vụ án.
Cho đến phiên thảo luận chiều ngày 6 tháng 6, theo đề xuất của đại biểu quốc hội Đỗ Văn Bình, từ Hải Phòng, ông đề nghi nên tăng cường bổ sung biện pháp bảo vệ đặc biệt trong thời gian nhất định cho một số lãnh đạo chủ chốt, các cán bộ tỉnh, địa phương.
Phân tích thêm về luật cảnh vệ từ trước đến nay trong bộ máy nhà nước Việt Nam, tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói rằng việc bảo vệ đối với giới lãnh đạo từ trước đến này là do Bộ Tư lệnh cảnh vệ phụ trách. Và đối tượng cảnh vệ chủ yếu là Uỷ viên Bộ chính trị, Ban bí thư và một số uỷ viên Trung ương ở các cương vị đặc biệt.
Sau này, ông nghe rằng đối với một số Uỷ viên Bộ chính trị đã được tăng gấp đôi lực lượng cảnh vệ và quy chế bảo vệ rất nghiêm khắc.
Sợ hãi ai ?
Cảnh sát cơ động Việt Nam. AFP photo
Một ý kiến khác trong phiên thảo luận, từ ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết sau việc nổ súng vào lãnh đạo ở một tỉnh, nhiều địa phương đã đề nghị Bí thư, Chủ tịch cũng được nằm trong diện được cảnh vệ.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định cách tiếp cận này là "một cách nguỵ biện".
"Việt Nam quá dư quan chức. Việt Nam có một diện tích chỉ bằng 1/25 của nước Mỹ, nhưng số lượng quan chức Việt Nam gấp 3 đến 4 lần Hoa Kỳ. Một Bộ ở Việt Nam là có đến 7,8,9 thứ trưởng. Cho nên việc nói là nếu mà quan chức có bị gì mà ảnh hưởng đến địa phương hay đến tình hình cả nước thì đó chỉ là một lý do để nguỵ biện mà thôi. Nên nhìn theo chiều ngược lại là cần giảm đi số lượng quan chức thì bớt rủi ro".
Lực lượng cảnh vệ đó sẽ bảo vệ họ khỏi những điều gì ? Và từ ai ? Câu hỏi này được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhận định như một "thực tế khốn quẫn, chua chát và bi đát ở Việt Nam".
Ông đặt câu hỏi "Tại sao họ sợ hãi như thế ?"
"Tại sao họ lo sợ đến thế ? Lẽ ra người lãnh đạo phải gần nhau, thật sự gần dân, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm. Bây giờ lại xây dựng 1 hàng rào ngăn cách với dân rồi. Như vậy họ sợ dân hay sợ cái gì khác ? Nếu cái gì khác có phải họ sợ chính nhau hay không ? Sợ trong chính nội bộ họ hay không ?
Theo thôi họ sợ dân thì ít, sợ nhau thì nhiều".
Một cách nhìn khác từ Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, ông cho rằng :
"Nếu mà sống mà tử tế với dân thì luôn luôn yên ổn. Dân bảo vệ cho. Còn nếu mà ác độc với dân thì làm sao bảo vệ được ?
Tôi cho rằng nên khuyến khích người ta ăn ở hiền lành phúc hậu hơn, đừng đàn áp dã man, ăn cướp đất của dân. Như thế thì chả sợ gì cả, dân sẽ bảo vệ cho".
Cát Linh, phóng viên RFA
***********************
Gần 18 ngàn người bỏ xứ tìm việc vì thảm họa Formosa (RFA, 07/06/2017)
Một cảng cá ở Ninh Thuận chụp hôm 28/1/2015. AFP photo
Có gần 18 ngàn lao động tại 4 tỉnh bắc miền Trung chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa phải ra nước ngoài làm việc tính từ tháng sáu năm ngoái cho đến cuối tháng 5 năm nay.
Đó là con số chính thức do Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội Việt Nam đưa ra và được truyền thông trong nước loan đi ngày 7 tháng 6.
Theo thống kê cụ thể của cơ quan phụ trách lao động của nhà cầm quyền Hà Nội thì số gần 18 ngàn lao động thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế đi làm việc tại các nước Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngành nghề chủ yếu mà những người này làm gồm thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp và làm các công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các trung tâm dưỡng lão và các hộ gia đình.
Thống kê cho thấy Đài Loan tiếp nhận hơn 10 ngàn 200 lao động ; trong số này Hà Tĩnh chiếm hơn 6100 người, Quảng Bình hơn 3300, Quảng Trị gần 700 và Thừa Thiên- Huế trên 80 lao động.
Nhật Bản nhận gần 4500 lao động theo hai chương trình thực hiện trực tiếp tại Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội Việt Nam, và Hàn Quốc nhận lao động làm việc theo các chương trình đánh cá gần cũng như xa bờ.
************************
Côn đồ ném đá nhà thờ giáo họ Văn Thai (RFA, 07/06/2017)
Một nhóm những thanh niên mặc áo thun đỏ sao vàng, mang theo cờ đỏ chạy xe máy vào địa bàn giáo họ Văn Thai, hò hét gây náo động. Photo : facebook Thao Teresa
Nhà thờ giáo họ Văn Thai, giáo xứ Song Ngọc trên địa bàn xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào rạng sáng ngày 7 tháng 6 bị những thành phần lạ mặt ném đá và có hành động phỉ báng.
Tình trạng vừa nêu được người dân địa phương ghi hình lại rồi đưa lên mạng xã hội facebook.
Một người dân địa phương cho Đài Á Châu Tự do biết vào tối ngày 7 tháng 6 như sau :
Giờ đó ai cũng ngủ rồi, khu vực đó có ráp camera nên sáng mở ra xem có quay được hình ảnh, có giới trẻ gọi nói sáng có mở camera ra xem thì thấy hình ảnh đó quay lại và tung lên mạng, cũng có một số nhà có đến nói lúc tối bị ném đá nhưng sợ, không dám ra ngoài vì sợ đá ném trúng đầu.
Vào tối ngày 6 tháng 6, một nhóm những thanh niên mặc áo thun đỏ sao vàng, mang theo cờ đỏ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chạy xe máy vào địa bàn giáo họ Văn Thai, hò hét gây náo động tại đó.
Và như tin đã loan vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua, một số nhà của giáo dân Công giáo tại giáo họ Văn Thai cũng bị những thành phần mặc thường phục ném đá, phá hoại tài sản. Linh mục quản xứ Song Ngọc, Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, bị cầm chân tại giáo họ Văn Thai khi đến dâng thánh lễ.
Đài Á Châu Tự Do vào chiều ngày 7 tháng 6 gọi điện đến chủ tịch, trưởng công an xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu để tìm hiểu thêm sự việc ; nhưng cả hai ông chủ tịch xã Trần Văn Hùng và trưởng công an xã Thái Bá Hải đều không bắt máy.
Một viên chức công an từng phụ trách tại huyện Quỳnh Lưu nay về thành phố Vinh cũng từ chối trả lời qua điện thoại.
"Không trao đổi qua điện thoại được, phải gặp trực tiếp".
Những người dân tại giáo họ Văn Thai cũng như ở giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết họ chịu tác động bởi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên kể từ đầu tháng tư năm ngoái. Tuy nhiên họ không thuộc diện được nhà cầm quyền Hà Nội đưa vào danh sách được bồi thường do tác động nặng nề của thảm họa.
Những người dân đó từng mang đơn khiếu kiện đến tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, nơi có nhà máy Formosa gây ô nhiễm, để đòi quyền lợi mà họ cho là hợp pháp. Thế nhưng lần đi nộp đơn kiện hôm ngày 14 tháng 2 của họ bị lực lượng chức năng đàn áp mạnh tay khiến một số người bị thương.